26/12/2014 -

Đời Sống Thánh Hiến

5309
BÀI 4
CỔ VÕ ƠN GỌI ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
(19-10-1994)

1. Khi bàn về việc sáng lập đời sống thánh hiến khởi đi từ Đức Giêsu Kitô, chúng ta đã nháêc đến những lời mời gọi ngay từ khi bắt đầu cuộc đời công khai, thường được diễn ra với lời: “Hãy theo Ta”. Thái độ ân cần của Đức Giêsu trong việc đưa ra những lời kêu gọi này cho thấy tầm quan trọng của việc làm môn đệ theo Tin mừng đối với đời sống của Giáo Hội. Chúa Giêsu gắn liền việc làm môn đệ với các “lời khuyên” của đời thánh hiến; Người ao ước cho các môn đệ được trởùû nên giống như chính Người là trọng tâm của sự thánh thiện theo Phúc Âm. Thật vậy, lịch sử đã chứng thực rằng những người được thánh hiến - linh mục, tu sĩ nam nữ, thành viên của các Tu Hội khác và các Phong Trào tương tự - đã giữ một vai trò cốt yếu trong việc bành trướng Giáo Hội, cũng như trong những tiến bộ về thánh thiện và bác ái.

Trong Giáo Hội hôm nay, những ơn gọi sống đời thánh hiến cũng không kém phần quan trọng so với quá khứ. Tiếc rằng ở nhiều nơi ta nhận thấy rằng con số ơn gọi không đủ để đáp ứng những nhu cầu của các cộng đoàn và các công tác tông đồ. Sẽ không quá lời khi nói rằng đối với một số Hội Dòng, vấn đề này được đặt ra cách một cách bi đát, đến nỗi đe doạ sự sống còn của họ. Dù không đồng ý với những dự đoán đen tối trong một tương lai không xa, nhưng hiện nay người ta đã nhận thấy rằng vì thiếu nhân sự nên một số cộng đoàn bị bó buộc phải từ chối những hoạt động xưa nay mang lại hoa trái tinh thần dồi dào, và hơn nữa, nhìn chung, sự suy giảm ơn gọi mang theo sự giảm sút của sự hiện diện đắc lực của Giáo Hội trong xã hội, với những nguy hại đáng kể trong mọi lãnh vực.

Việc khan hiếm ơn gọi hiện nay tại một số miền trên thế giới tạo nên một thách đố đòi phải đương đầu một cách cương quyết và can đảm, trong niềm thâm tín rằng Đức Giêsu Kitô, lúc còn tại thế đã kêu gọi nhiều người vào đời thánh hiến, và vẫn còn kêu gọi trong thế giới hôm nay; những tiếng gọi đó thường nhận được sự đáp trả quảng đại, như kinh nghiệm hàng ngày đã chứng minh. Vì đã biết những nhu cầu của Giáo Hội, Ngườøi không ngừng mời gọi: “Hãy theo Ta”, đặc biệt hướng tới những người trẻ, tăng thêm ân sủng để họ nhạy bén với lý tưởng về một cuộc đời trao hiến hoàn toàn.

2. Vả lại, sự thiếu thốn những thợ gặt của Chúa, ngay từ thời Tin Mừng, đã tạo nên một thách đố cho chính Chúa Giêsu. Mẫu gương của Ngườøi cho phép chúng ta hiểu rằng con số ít ỏi những người thánh hiến là một tình huống cố hữu đối với điều kiện của thế giới, chứ không chỉ là một sự kiện tình cờ do hoàn cảnh của ngày nay. Tin Mừng cho thấy rằng Đức Giêsu, khi rảo quanh các thành thị và làng mạc, đã chạnh lòng thương đám đông vì họ “mệt nhọc và kiệt sức như chiên không người chăn dắt” (x. Mt 9,36). Người không chỉ tìm cách đối phó với tình thế bằng cách gia tăng giảng dạy dân chúng (x. Mc 6,34), mà còn muốn các môn đệ tham gia giải quyết vấn đề, trước hết bằng cách mời gọi họ cầu nguyện: “Các con hãy xin chủ ruộng phái các thợ gặt của Ngài” (Mt 9,38). Theo mạch văn này, lời cầu nguyện nhắm đến việc bảm đảm cho dân chúng được nhiều mục tử. Nhưng thuật ngữ “các thợ gặt” có thể mang ý nghĩa rộng hơn, ám chỉ tất cả những ai hoạt động cho sự tiến triển của Giáo Hội. Như vậy lời cầu nguyện cũng nhắm đạt được số đông những người thánh hiến.

3. Việc nhấn mạnh đến cầu nguyện thật đáng ngạc nhiên. Xét rằng nguồn gốc của ơn gọi đến từ sáng kiến cao cả của Thiên Chúa, cho nên ta có thể chúng ta nghĩ rằng chỉ có Ông chủ ruộng lúa phải lo liệu con số thợ gặt, không cần đến bất cứ sự can thiệp và cộng tác nào hết. Thế nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm của các đồ đệ của Người. Cũng vậy, Người dạy chúng ta, những con người thời nay rằng bằng việc cầu nguyện, chúng ta có thể và buộc phải ảnh hưởng đến con số ơn gọi. Chúa Cha sẽ lắng nghe những lời cầu nguyện bởi vì Người hằng khao khát và chờ đợi, và chính Người sẽ làm cho nó nên hữu hiệu. Tại những thời và những nơi có những cơn khủng hoảng ơn gọi trầm trọng, thì càng buộc phải cầu nguyện nhiều hơn nữa. Nhưng trong mỗi thời và mỗi nơi, lời cầu nguyện ấy phải hướng lên trời cao. Trong lãnh vực này luôn phải có tinh thần trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu.

Việc cầu nguyện cần đi kèm theo hoạt động cổ động nhằm gia tăng sự đáp trả cho ơn thiên triệu. Ở đây chúng ta cũng tìm thấy một mẫu gương thứ nhất ở trong Tin Mừng. Sau cuộc tiếp xúc đầu tiên với Đức Giêsu, Anrê dẫn em mình là Simôn tới gặp Ngườøi (x. Ga 1,42). Trong việc kêu gọi Simôn, chắc chắn là Chúa Giêsu giữ vai chủ chốt, nhưng sáng kiến của Anrê cũng đóng một vai trò quyết định trong việc đưa Simôn gặp gỡ Thầy. “Theo một nghĩa nào đó, đây là cốt lõi của tất cả công tác mục vụ ơn gọi của Giáo Hội”.

4. Việc cổ võ ơn gọi có thể đến từ những sáng kiến cá nhân, tựa như sáng kiến của Anrê, hoặc từ những hoạt động của tập thể, như diễn ra trong nhiều giáo phận đang phát triển mục vụ ơn gọi. Việc cổ võ ơn gọi này không nhằm giới hạn chút nào sự tự do chọn lựa mà mỗi người phải có trong việc định hướng cuộc đời của mình. Vì thế việc cổ võ phải tránh mọi hình thức ép buộc hay gây áp lực trên quyết định của mỗi người. Nhưng việc cổ võ muốn soi sáng mọi người trong sự lựa chọn, và tỏ cho mỗi người thấy con đường mở ra cho đời sống của họ từ tiếng gọi “Hãy theo Ta” của Tin Mừng. Nhất là những người trẻ có nhu cầu và quyền lợi tiếp nhận ánh sáng này. Đàng khác, chắc chắn rằng cần phải vun trồng và củng cố những hạt giống của ơn gọi, nhất là nơi những người trẻ. Ơn gọi phải được phát triển và lớn lên: nói chung điều này chỉ xảy ra nếu đảm bảo được những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tăng trưởng. Đó là mục tiêu của những thể chế cổ động ơn gọi và những sáng kiến do Hội ơn thiên triệu đã xúc tiến, những cuộc họp mặt, tĩnh tâm, những nhóm cầu nguyện, vv( Chẳng bao giờ nói rằng đã làm khá đủ trong công tác mục vụ ơn gọi, mặc dù bất cứ sáng kiến nào của con người cần phải luôn tiến hành dựa trên niềm xác tín rằng, rút cục, chính quyền năng cao cả của Thiên Chúa mới mang tính cách quyết định trong việc kêu gọi mỗi người.

5. Một hình thức cơ bản của việc cộng tác là chứng từ của những người được thánh hiến, chứng từ này gây ra một sức thu hút hữu hiệu và mạnh mẽ. Kinh nghiệm chứng minh rằng rất thường xuyên gương mẫu của một tu sĩ nam hay nữ tác động mang tính quyết định trên sự định hướng của một người trẻ: họ đã có thể khám phá ra một lý tưởng sống cụ thể, qua sự trung thành, hài hoà, và niềm vui của các tu sĩ. Cách riêng, các cộng đoàn tu sĩ sẽ không thể thu hút giới trẻ nếu không có chứng từ tập thể về đời thánh hiến đích thực, được sống trong niềm vui dâng hiến chính mình cho Chúa và cho anh em.

6 .Cuối cùng cần phải nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình như là môi trường đời sống Kitô giáo trong đó ơn gọi có thể phát triển và lớn lên. Một lần nữa tôi cũng mời gọi các cha mẹ Kitô hữu hãy cầu nguyện để có người trong số con cái của họ được Đức Kitô kêu gọi bước vào đời thánh hiến. Nhiệm vụ của các cha mẹ Kitô hữu là hình thành một gia đình, trong đó các giá trị Tin Mừng được tôn trọng, vun xới và được sống, và là nơi mà đời sống Kitô hữu chân chính có thể nâng cao những khao khát vọng của người trẻ. Chính nhờ những gia đình như vậy mà Giáo Hội sẽ tiếp tục sinh ra ơn gọi. Vì thế Giáo Hội yêu cầu các gia đình cộng tác vào việc đáp trả lời mời gọi của “Chủ ruộng”, Người đòi hỏi tất cả chúng ta hãy dấn thân để cho Người sai những “người thợ mới vào ruộng lúa của Người”.



 
Nữ tu Maria Đinh Thị Sáng, Hội Dòng nữ Đa Minh Tam Hiệp, chuyển ngữ từ bản tiếng Ý.
114.864864865135.135135135250