03/01/2015 -

Đời Sống Thánh Hiến

4873
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
PHẦN THỨ NHẤT
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ
***
I. THỜI GIÁO PHỤ
***
Chương Một
NHỮNG HÌNH THỨC SƠ KHỞI
***
MỤC 4
HÀNG NGŨ TRINH NỮ
 
Những nhà khổ hạnh vừa nói trên đây bao gồm cả hai phái, tuy thường chú trọng đến nam giới hơn. Hàng ngũ trinh nữ thì đương nhiên được hiểu về phái nữ. Sự hiện diện của họ đã được ghi nhận ngay từ các tác phẩm Tân ước.

Khi đọc Phúc âm chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã muốn khôi phục lại giá trị của hôn nhân khi khẳng định tính cách bất-khả-ly theo như ý định của Đấng Tạo hoá vào thời nguyên thuỷ. Kinh nghiệm cho thấy duy trì sự chung thuỷ hôn nhân không dễ chút nào, như các môn đệ đã thú nhận (Mt 19,10). Vì thế cần phải huấn luyện con tim, bởi vì tội ngoại tình bắt đầu từ con tim, từ cái nhìn ngang trái chứ không phải chỉ từ hành động mà thôi (Mt 5,27). Ngoài việc đề cao sự thánh thiện của hôn nhân, Chúa Giêsu còn mở ra một viễn tượng mới, đó là sự chọn lựa sống độc thân vì Nước Trời (Mt 19,11-12).

Cần phải ghi nhận một cuộc cách mạng tư tưởng giáo huấn của Đức Giêsu. Xã hội đương thời cho rằng con cái đông đúc là một sự chúc lành của Thiên Chúa. Người phụ nữ son sẻ bị xã hội coi như một hình phạt (xc 1Sam 1,6). Sự trinh tiết lại càng đáng than khóc hơn nữa, như sự tích cô Mizpah được kể lại trong sách Thủ lãnh (11,37-40). Thế nhưng, ngoài đức trinh nữ Maria, Tân ước đã cho thấy sự hiện diện của các trinh nữ trong Hội thánh nguyên thuỷ, chẳng hạn như bốn người con gái ông trợ tá Philipphê (Cv 21,9). Lá thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Corintô cũng cho ta biết rằng tại đây có những trinh nữ, và sự độc thân để chuyên lo việc Chúa là một ân huệ chứ không phải là điều đáng thương tiếc (1Cr 7,7.34).


I. Hàng ngũ trinh nữ

Nhiều giáo phụ đã để lại văn phẩm vừa đề cao nếp sống của các trinh nữ, đồng thời cũng không bỏ qua những mặt trái của nó[1].


A. Thần học

Trong số những điểm tiêu cực, ngoài nguy cơ lên mặt kiêu căng, các giáo phụ đã lên án hủ tục các trinh nữ sống chung với các người nam độc thân (chế độ này - mang tên là virgines subintroductae, agapetae, syneisaktoi, matrimonium spirituale - bị nhiều công nghị lên án).

Tuy nhiên những điểm tích cực vượt xa những lệch lạc. Các vị hộ giáo đã đề cao các trinh nữ như là chứng cớ cho sự tuyệt vời của Kitô giáo, giữa một xã hội trụy lạc đương thời. Đi xa hơn nữa, các giáo phụ đã khai triển khía cạnh huyền nhiệm của đức trinh khiết Kitô giáo: họ không lập gia đình để dành hết tâm lực cho công việc của Chúa (xc. 1Cor 7,32); họ đã "kết duyên" với đức Kitô, và như thế trở thành biểu tượng cho Hội thánh là hiền thê của Đức Kitô (Tertullianô; Cyprianô, khai triển Ep 5,32). Đồng thời, cũng tựa như Hội thánh, các trinh nữ cũng trở thành "hiền mẫu" bởi vì sinh ra những con cái thiêng liêng qua việc cầu nguyện và công tác bác ái.


B. Nếp sống

Vào buổi đầu, các trinh nữ sống tại gia đình, tương tự như các phụ nữ khác. Dần dần, phụng vụ đặt ra một nghi thức "thánh hiến trinh nữ" (consecratio virginum), qua lời cầu nguyện của giám mục và nghi thức trao khăn che đầu (velatio). Các trinh nữ họp thành một hàng ngũ (ordo) trong Giáo hội.

Về sau, khi đời sống đan tu phát triển, hàng ngũ trinh nữ được sát nhập hàng ngũ tu trì. Sau công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã tái lập hàng ngũ các trinh nữ, những người dâng mình cho Chúa nhưng không gia nhập một hội dòng. Kỷ luật được quy định ở số 604 của bộ giáo luật (ban hành năm 1983). Nhà lập pháp để cho mỗi giám mục thiết lập hàng ngũ này trong giáo phận của mình, ấn định những điều kiện gia nhập, việc đào tạo, sự cam kết và hoạt động. Các trinh nữ có thể sống biệt lập hoặc quy tụ thành hiệp hội. Nghi thức thánh hiến được Bộ Phụng tự ban hành ngày 31 tháng 5 năm 1970.


II. Các goá phụ

Trong Giáo hội sơ thủy, ngoài các trinh nữ ra, các giáo phụ còn nhắc đến các goá phụ như hàng ngũ những người dâng mình cho Chúa. Nói đúng ra, hiện tượng những bà goá dâng mình cho Chúa đã hiện hữu trước Kitô giáo rồi, bằng cớ là khi Đức Mẹ dâng hài nhi Giêsu trong đền thờ thì gặp bà cụ Anna đã tám mươi tư tuổi, goá chồng sau 7 năm thành hôn và từ đó bà dâng những tháng năm còn lại để phụng sự Chúa (xc. Lc 2,36-38).

Trong thư thứ nhất gửi Timothê, ta thấy thánh Phaolô nhắc đến các quả phụ không chỉ như những người cần được cộng đoàn quan tâm săn sóc, nhưng còn như là những nhân viên phục vụ Giáo hội nữa: họ dâng mình vào việc cầu nguyện, đón tiếp lữ khách (1Tm 5,5.10). Xem ra họ họp thành một đoàn ngũ, và một điều kiện để được đăng ký là phải đạt được 60 tuổi đời.

Thực ra cũng nên lồng vấn đề trong bối cảnh lịch sử. Xã hội thời xưa tôn trọng sự chung thuỷ vợ chồng, và mối dây vẫn được duy trì dù khi một người đã qua đời; thậm chí có nơi coi việc tái giá như là ngoại tình. Não trạng này phản ánh nơi các thư của thánh Phaolô, với nhiều ý kiến khác biệt, thậm chí trái nghịch. Trong thư thứ nhất gửi Corintô, thánh nhân nghĩ rằng việc tái giá không phải là chuyện xấu xa tội lỗi, nhất là khi không thể chống cự cơn cám dỗ (1Cr 7,8-9); tuy nhiên thánh Phaolô cho rằng nên ở vậy thì tốt hơn (1Cr 7,39-40). Đến khi sang lá thư thứ nhất gửi Timothê (5,14), thánh tông đồ khuyên các bà goá nên tái giá nhất là khi còn trẻ: "Tôi muốn các bà goá trẻ này hãy taí giá, sinh con cái, lo việc cửa nhà, đừng để cho đối phương có dịp bới móc".

Ý kiến của các giáo phụ cũng không đồng nhất. Một khuynh hướng nghiêm khắc cho rằng dây hôn nhân bất khả ly cho dù một bên đã chết. Tượng trưng cho ý kiến này là ông Tertullianô (De exhortatione castitatis; De monogamia). Các giáo phụ khác bên Hy-lạp (Grêgôriô Nazianzô, Gioan Kim Khẩu) thì chỉ nhắm mắt làm ngơ cho phép tái giá một lần thôi, nhưng ngăn cấm lần thứ ba hoặc thứ tư.

Nói chung, người ta cổ võ việc duy trì sự thủ tiết hơn là tái giá. Từ thế kỷ III, nhiều tài liệu cho thấy các bà goá họp thành một hàng ngũ (Ordo viduarum), với một nghi thức gia nhập cũng tương tự như nghi thức thánh hiến dành cho các trinh nữ (xc. Traditio apostolica, Didascalia). Các quả phụ cũng như một vai trò trong Giáo hội tương tự như các "nữ trợ tá" (diaconissa), nghĩa là dạy giáo lý cho các dự tòng, chuẩn bị cho họ lãnh bí tích rửa tội, giúp đỡ những người đồng cảnh.

Từ thế kỷ IX trở đi, hàng ngũ các goá phụ không còn được nói đến trong các giáo hội bên Tây phương nữa. Dĩ nhiên, thời nào cũng có các goá phụ không muốn tái giá, nhưng đó là một sự lựa chọn tư riêng, chứ không họp thành một hàng ngũ được nhìn nhận trong Giáo hội. Tại khóa họp Thượng hội đồng giám mục về đời thánh hiến (năm 1994), có ý kiến đề nghị khôi phục lại hàng ngũ này. Tông huấn Đời sống thánh hiến chỉ nói lướt qua ở số 7, mở rộng cho cả hai giới nam nữ: những người này khấn giữ khiết tịnh trọn đời như là dấu chỉ của Nước Chúa, và dâng hiến đời mình vào việc cầu nguyện và phụng sự Hội thánh.

Trên thực tế, trong thời kỳ Đệ Nhị Thế chiến, một hiệp hội các bà goá đã được thiết lập tại Paris vào năm 1943 (Notre Dame de la Résurrection), với một nghi thức chúc lành được Toà thánh nhìn nhận năm 1984. Nghi thức bao gồm việc bày tỏ ý định dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa (bao gồm việc giữ khiết tịnh trọn đời), lời cầu cung hiến, và làm phép nhẫn cưới (lần thứ hai).

Thật khó biết được trong tương lai hàng ngũ các người goá (nam hoặc nữ) sẽ được tái lập như thế nào. Dù sao, giáo luật hiện hành không cấm những người goá bụa gia nhập hàng tu sĩ, và con số những người goá vợ gia nhập hàng giáo sĩ (phó tế vĩnh viễn hoặc linh mục) không phải là hiếm. Chúng ta sẽ còn trở lại với vấn đề trinh khiết độc thân khi bàn đến các văn kiện Giáo hội liên quan đến ba lời khuyên Phúc âm (chương 13). Ở đây chỉ cần ghi nhận sự phân biệt hai khía cạnh của tình trạng sự độc thân hoặc goá bụa: xét như là điều kiện xã hội, và xét như là một sự hiến thân. Trong thư thứ nhất gửi Timothê (5,3-16), thánh Phaolô đã phân biệt nhiều hạng bà goá:

- có những bà được gia đình nâng đỡ; vì thế cộng đoàn khỏi bận tâm (câu 4);

- có những bà không có chỗ nương tựa; vì thế cộng đoàn có bổn phận phải chăm sóc (câu 3.5.16);

- có những bà (dù có chỗ nương tựa hay không), được Giáo hội mời gọi tham gia vào công tác (câu 9-15).

Hai hạng đầu tiên bàn về điều kiện xã hội; còn hạng thứ ba mới họp thành một "hàng ngũ" (ordo) thi hành một tác vụ, cách riêng là việc cầu nguyện và bác ái. Dĩ nhiên là cần phải hội đủ vài điều kiện luật định thì mới có thể gia nhập hàng ngũ này.

[1] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 72-77.
114.864864865135.135135135250