PHẦN THỨ NHẤT
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ
***
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ
***
I. THỜI GIÁO PHỤ
***
***
Chương Ba
LÝ TƯỞNG ĐỜI ĐAN TU
***
MỤC II
NHỮNG BẢN LUẬT CỔ ĐIỂN
***
MỤC II
NHỮNG BẢN LUẬT CỔ ĐIỂN
Vào lúc khai sinh các cộng đoàn đan tu, nhiều bản luật[1] được viết ra. Tuy nhiên những bản luật này không chỉ nhằm quy định cách tổ chức cộng đoàn, nhưng nhất là nhằm vạch ra con đường tu đức. Vì thế không lạ gì mà các bản văn đó đôi khi chỉ ngắn như một bản tuyên ngôn và đôi khi lại dài như một thủ bản đời sống tâm linh. Dù dưới hình thức nào đi nữa, luật tối cao vẫn là Tân ước: những bản luật ra như chỉ là nguyên tắc hướng dẫn sống Phúc âm mà thôi. Nhiều bản luật không còn tồn tại; trong số 25 bản còn được lưu lại[2], có bốn bản luật nổi tiếng hơn cả, bởi vì được coi như quy chuẩn cho các đan viện bên Đông phương (Pacomiô, Basiliô) và Tây phương (Augustinô, Benedictô).
I. Luật thánh Pacomiô
Từ lâu nay, người ta chỉ biết được bản luật của thánh Pacomiô nhờ một bản dịch sang tiếng latinh của thánh Hiêrônimô (năm 404). Theo các nhà nghiên cứu cận đại, thánh Pacomiô không viết bản luật nào hết[3]. Tuy nhiên, các cuốn "hạnh tích" (vita) đều nói đến các "mệnh lệnh" (praecepta), được các môn đệ ghi chép. Trong số các môn đệ này, người ta nhắc đến tên tuổi của những người sẽ kế vị thánh Pacomio để điều khiển cộng đoàn: thầy Orsiesius và thầy Theodorus.
Bản văn lưu truyền của "bộ luật" (với 193 khoản) gồm bốn quyển khác nhau.
1/ Mệnh lệnh (Praecepta): đây là phần dài nhất, gồm 144 khoản.
2/ Mệnh lệnh và Định chế (Praecepta et Instituta), gồm 18 khoản.
3/ Mệnh lệnh và Quyết nghị (Praecepta atque Iudicia), gồm 16 khoản.
4/ Mệnh lệnh và Luật lệ (Praecepta ac Leges), gồm 15 khoản.
Thật khó tìm được một thứ tự hệ thống trong bộ hợp tuyển như vậy. Đúng ra, xét vì là bộ luật tiên khởi của đời sống cộng đoàn, bộ luật này chỉ thu thập các mệnh lệnh ngắn gọn, để ứng dụng trong nếp sống hàng ngày. Dù sao các đan sĩ đã được nhắc nhở nhiều lần rằng luật tối cao là Tân ước.
II. Luật thánh Basiliô
Trong Tập Năm (trang 121-130), chúng tôi đã nêu lên những vấn nạn của các nhà nghiên cứu về nguồn gốc bản luật thánh Basiliô, với hai phiên bản: bản luật dài (Regulae fusius tractatae) và bản luật ngắn (Regulae brevius tractatae). Xét về chiều dài, thì bản luật ngắn dài hơn; sở dĩ gọi là "ngắn" bởi vì lối hành văn gồm những câu đối đáp vắn tắt, ngắn gọn (313 câu, so với 55 chương của luật dài). Nhiều giả thuyết đã được đặt ra về thời gian và hoàn cảnh biên soạn hai bản văn (bản nào viết trước, bản nào viết sau? Viết cho ai, để làm gì?).
Bản văn vốn được lưu hành xưa nay (Parvum Asketikon) là một phiên bản do linh mục Rufinus Aquileia dịch sang tiếng latinh (PL 103, 483-554). Khi đối chiếu với nguyên bản Hy-lạp, các học giả nhận thấy bản latinh ngắn hơn, vì thế họ nêu lên nghi vấn: phải chăng ông Rufinus đã tự tiện rút gọn bản văn, hay tại vì ông dựa theo một nguyên bản khác? J. Gribomont và L. Lèbe nghiêng về giả thuyết thứ hai. Có lẽ thánh Basiliô đã viết nhiều tác phẩm khác nhau, với nhiều lần sửa chữa bổ túc. Ông Rufinus chỉ nắm trong tay một trong các phiên bản ấy, đang khi các cộng đoàn Basiliô còn lưu truyền nhiều phiên bản khác nữa.
Dù sao tư tưởng của thánh Basiliô về đời sống đan tu không chỉ cô đọng trong bản luật mà thôi. Ngoài ra quan điểm về nếp sống đan tu của thánh Basiliô có thể bổ túc thêm nơi các đồng nghiệp thuộc trường phái Cappadocia: thánh Grêgoriô Nazianzo, thánh Grêgoriô Nyssa.
III. Luật thánh Au-tinh (Augustinô)
Trong lịch sử đã có nhiều bản văn mang danh là luật của thánh Âu-tinh[4]. Ngoài vấn đề "mạo nhận" thường xảy ra cho các tác phẩm cổ điển, một khó khăn khách quan được đặt ra, đó là lúc sinh thời, thánh Âu-tinh đã thiết lập nhiều cộng đoàn khác nhau (khi chưa làm linh mục, khi đã thụ phong linh mục, khi lên làm giám mục), vì thế không lạ gì ngài viết nhiều bản luật khác nhau. Thêm vào đó, ngài còn quan tâm đến một cộng đoàn nữ tu (do người em gái làm bề trên).
A. Văn bản
Bản luật của thánh Âu-tinh không mang hình thức pháp lý. Nói đúng ra, trải qua lịch sử, nhiều bản luật khác nhau đã được gán cho thánh Âu-tinh; vào thế kỷ XX, các cuộc khảo sát phê bình tìm cách truy tầm nguyên bản, và phân biệt ra nhiều đợt soạn thảo:
- Có lẽ thánh Âu-tinh chỉ viết một bản văn đặt tên là Regula ad servos (hoặc Praeceptum), dành cho cộng đoàn giáo sĩ tại Hippo (vào những năm 397-400).
- Sau đó, một người khác (có lẽ là ông Alypius, một cộng sự viên của Âu-tinh điều khiển cộng đoàn ở Tagaste), đã thêm một dẫn nhập và nhiều quy tắc mang tính cách khổ chế, soạn thành bản văn được đặt tên là Ordo monasterii.
- Sang thời Trung cổ, hai bản văn (Praeceptum và Ordo monasterii) được gom lại làm một bản mang tên là Regula sancti Augustini, với những phiên bản dành cho nam giới và nữ giới.
Bố cục của bản văn Regula ad servos (thường được phân thành 8 chương và 49 đoạn):
Nhập đề: hạt nhân cốt yếu của tu luật: yêu thương (đoạn 1-2)
Chương I: mục đích và nền tảng của đời sống chung: hiệp thông (đoạn 3-9)
Chương II: việc cầu nguyện (đoạn 10-13)
Chương III: thanh đạm và khổ chế (đoạn 14-18)
Chương IV: giữ gìn khiết tịnh (đoạn 19-24) và sửa lỗi huynh đệ (đoạn 25-29)
Chương V: sử dụng của cải và chăm sóc thân thể (đoạn 30-40)
Chương VI: xin lỗi và tha thứ những xúc phạm (đoạn 41-43)
Chương VII: quyền bính và vâng phục (đoạn 44-47)
Chương VIII: việc giữ luật (đoạn 48-49).
B. Tinh thần cộng đoàn Âu-tinh
Tư tưởng của thánh Âu-tinh về nếp sống tu trì không chỉ giới hạn vào bản luật mà thôi, nhưng còn đươc diễn tả nơi nhiều tác phẩm khác: hai bức thư (mang số 210 và 211) viết cho các nữ tu tại Hippo; hai bài giảng (số 355 và 356) cho các giáo sĩ, nói về ích chung; khảo luận De Opera monachorum về sinh hoạt của các đan sĩ; khảo luận De Sancta Virginitate về bậc trinh khiết; chú giải thánh vịnh 132..
Lý tưởng của đời tu là hoạ lại cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, được miêu tả nơi sách Tông đồ công vụ (4,35). Thánh Âu-tinh nhấn mạnh đến sự đoàn kết hoà hợp, qua nhiều diễn ngữ: in unum, unanimes, anima una, cor unum (hợp nhất, đồng tâm nhất trí). Nguyên uỷ cho sự hợp nhất là mầu nhiệm Chúa Ba ngôi: duy tình yêu của Thiên Chúa mới có khả năng kiến tạo cộng đoàn, vừa siết chặt sự hợp nhất vừa tôn trọng cá tính của mỗi phần tử.
Có người ví bản luật thánh Âu-tinh như một bức tâm thư, bởi vì lời lẽ mang tính cách khuyên răn hơn là truyền lệnh. Thánh nhân đề cao lý tưởng của cộng đoàn các tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, sống "một lòng một ý" với nhau. Điều gây ngạc nhiên hơn hết là rất ít đoạn nói đến "bề trên". Vị này không mang tên "viện phụ" (abbas, cha) mà chỉ là "thủ trưởng" (praepositus: kẻ đi trước) ở giữa các "anh em" của mình.
Vào thời Trung cổ, bản luật này được thi hành nơi các cộng đoàn giáo sĩ (clerici, canonici) hơn là các "đan sĩ" (monaci). Dĩ nhiên mỗi Dòng sẽ thêm phần "hiến pháp" (hoặc "nội quy") không chỉ nhằm nêu bật bản sắc của mình, mà còn nhằm quy định nhiều chi tiết mà thánh Âu-tinh không để ý.
IV. Luật thánh Biển-đức
So với ba bản luật trên đây, luật thánh Biển-đức đỡ gặp vấn đề phê bình văn bản hơn cả. Nguyên bản của luật thánh Biển-đức lúc đầu được lưu giữ ở Monte Cassino. Khi các đan sĩ phải rời bỏ đan viện này để tránh sự tấn công của quân Lombardi, thì bản gốc được đưa vào thư viện của Giáo hoàng ở Rôma (năm 581)
Dưới thời hoàng đế Charlemagne (thế kỷ VIII), một bản sao được chép lại và hiện còn giữ ở Sankt Gallen. Không lâu sau, giáo hoàng Zacaria (741-752) trả lại nguyên bản về Monte Cassino. Tiếc thay nguyên bản đã tan ra tro do một cuộc hoả hoạn gây ra. Vì thế ngày nay chỉ còn giữ được các bản sao, chứ bản gốc không còn nữa.
Xét về nội dung, thánh Biển-đức đã trích dẫn nhiều tư tưởng Kinh thánh, các sư phụ, (cách riêng là thánh Basiliô và Cassianô). Các nhà khảo cứu còn cho thấy ảnh hưởng của một bản luật khác, mang danh là Regula Magistri (k.520-530?).
A. Bố cục
Bố cục của bản luật khá rõ rệt. Sau phần dẫn nhập (bàn về ý nghĩa đời tu như là đi theo Chúa Kitô, trường học phụng sự Thiên Chúa), 73 chương có thể phân ra làm ba phần:
1/ Phần thứ nhất (chương 1-7) chứa đựng những nguyên tắc lý thuyết về đời sống cộng đoàn, nghĩa là hạng thứ nhất trong số bốn loại đan sĩ (c.1). Vai trò của Viện phụ (c.2). Sự tham gia của cộng đoàn để quyết định những vấn đề hệ trọng (c.3). Bảy mươi hai giới răn tóm lược nghĩa vụ Kitô hữu. Sự vâng phục bề trên (c.5). Yêu thích thinh lặng (c.6). Đức khiêm tốn, gồm 12 bậc (c.7).
2/ Phần thứ hai (chương 8-20) bàn về việc cử hành phụng vụ giờ kinh (các giờ nguyện, việc phân phối các thánh vịnh) và sự cầu nguyện riêng tư.
3/ Phần thứ ba (chương 21-72) mang tính cách pháp lý, bàn về cách điều hành nếp sống trong đan viện: cắt cử tổ trưởng (c.21); phòng ngủ (c.22); cách xử sự với người lỗi luật (c.23-30); các chức vụ quản lý tài sản (c.31-34); sự phục vụ nhà bếp (c.35); sự săn sóc người bệnh tật, già nua, ốm yếu (c.36-37); việc ăn uống (c.39-41); đọc sách ban tối (c.42); những lỗi nhẹ, kèm theo hình phạt (c.43-46); cầu nguyện và lao động (c.47-52); sự giao tiếp với người đời (c.53-57); việc thu nhận và huấn luyện tân sinh (c.58-61); ngôi thứ trong cộng đoàn (c.62); những điều kiện để làm viện phụ, bề trên, canh cổng (c.67); vài quy tắc trong cung cách đối xử giữa các phần tử trong cộng đoàn (c.67-73).
Chương 73 kết thúc với những lời khuyến khích thăng tiến.
B. Tinh thần
Những tư tưởng nổi bật của bản luật thánh Biển-đức[5] phần nào được gói ghém nơi lời khấn dòng: bền vững; cải hoán; vâng phục (stabilitas, conversatio morum, obedientia).
1/ Bền vững. Lời hứa stabilitas không chỉ mang ý nghĩa không gian: đan sĩ không chỉ cam kết sẽ trụ trì ở đan viện (quen dịch là "vĩnh cư", đối lại với thói tục các tu sĩ lang thang), cho bằng ý nghĩa tinh thần, đó là bền chí trong lý tưởng tu trì.
2/ Cải hoán: khi đã bước chân vào nhà dòng, đan sĩ cam kết sẽ thay đổi nếp sống, trở về với Chúa. Điều này bao hàm việc từ bỏ cuộc sống cũ và chuyển sang đời mới, nghĩa là tận tâm chuyên lo những công việc của Thiên Chúa.
3/ Vâng phục. Điều này được bàn đến ở nhiều chỗ trong bản luật. Cách riêng sự vâng phục được đặt trong tương quan với đức khiêm nhường, lồng trong hành trình tiến đức. Đan sĩ tìm ý Chúa được biểu lộ qua viện phụ. Đan sĩ vâng lời bề trên không phải bởi vì cần tuân phục một kẻ điều hành cộng đoàn, nhưng vì thâm tín rằng mình thực hành ý muốn của Chúa.
Thực vậy, lý tưởng cao cả mà tất cả các đan sĩ phải nhằm đến là đi theo đức Kitô, đi tìm Chúa.
Vào lúc đầu, luật thánh Biển-đức chỉ được áp dụng cho vài cộng đoàn ở Italia. Mãi đến thời kỳ cải cách của hoàng đế Charlemagne (đầu thế kỷ IX), luật này mới được áp đặt cho tất cả các đan viện bên Tây phương; từ đó hầu như hai từ ngữ "đan tu" và "Biển đức" trở thành đồng nghĩa.
Dưới thời hoàng đế Charlemagne (thế kỷ VIII), một bản sao được chép lại và hiện còn giữ ở Sankt Gallen. Không lâu sau, giáo hoàng Zacaria (741-752) trả lại nguyên bản về Monte Cassino. Tiếc thay nguyên bản đã tan ra tro do một cuộc hoả hoạn gây ra. Vì thế ngày nay chỉ còn giữ được các bản sao, chứ bản gốc không còn nữa.
Xét về nội dung, thánh Biển-đức đã trích dẫn nhiều tư tưởng Kinh thánh, các sư phụ, (cách riêng là thánh Basiliô và Cassianô). Các nhà khảo cứu còn cho thấy ảnh hưởng của một bản luật khác, mang danh là Regula Magistri (k.520-530?).
A. Bố cục
Bố cục của bản luật khá rõ rệt. Sau phần dẫn nhập (bàn về ý nghĩa đời tu như là đi theo Chúa Kitô, trường học phụng sự Thiên Chúa), 73 chương có thể phân ra làm ba phần:
1/ Phần thứ nhất (chương 1-7) chứa đựng những nguyên tắc lý thuyết về đời sống cộng đoàn, nghĩa là hạng thứ nhất trong số bốn loại đan sĩ (c.1). Vai trò của Viện phụ (c.2). Sự tham gia của cộng đoàn để quyết định những vấn đề hệ trọng (c.3). Bảy mươi hai giới răn tóm lược nghĩa vụ Kitô hữu. Sự vâng phục bề trên (c.5). Yêu thích thinh lặng (c.6). Đức khiêm tốn, gồm 12 bậc (c.7).
2/ Phần thứ hai (chương 8-20) bàn về việc cử hành phụng vụ giờ kinh (các giờ nguyện, việc phân phối các thánh vịnh) và sự cầu nguyện riêng tư.
3/ Phần thứ ba (chương 21-72) mang tính cách pháp lý, bàn về cách điều hành nếp sống trong đan viện: cắt cử tổ trưởng (c.21); phòng ngủ (c.22); cách xử sự với người lỗi luật (c.23-30); các chức vụ quản lý tài sản (c.31-34); sự phục vụ nhà bếp (c.35); sự săn sóc người bệnh tật, già nua, ốm yếu (c.36-37); việc ăn uống (c.39-41); đọc sách ban tối (c.42); những lỗi nhẹ, kèm theo hình phạt (c.43-46); cầu nguyện và lao động (c.47-52); sự giao tiếp với người đời (c.53-57); việc thu nhận và huấn luyện tân sinh (c.58-61); ngôi thứ trong cộng đoàn (c.62); những điều kiện để làm viện phụ, bề trên, canh cổng (c.67); vài quy tắc trong cung cách đối xử giữa các phần tử trong cộng đoàn (c.67-73).
Chương 73 kết thúc với những lời khuyến khích thăng tiến.
B. Tinh thần
Những tư tưởng nổi bật của bản luật thánh Biển-đức[5] phần nào được gói ghém nơi lời khấn dòng: bền vững; cải hoán; vâng phục (stabilitas, conversatio morum, obedientia).
1/ Bền vững. Lời hứa stabilitas không chỉ mang ý nghĩa không gian: đan sĩ không chỉ cam kết sẽ trụ trì ở đan viện (quen dịch là "vĩnh cư", đối lại với thói tục các tu sĩ lang thang), cho bằng ý nghĩa tinh thần, đó là bền chí trong lý tưởng tu trì.
2/ Cải hoán: khi đã bước chân vào nhà dòng, đan sĩ cam kết sẽ thay đổi nếp sống, trở về với Chúa. Điều này bao hàm việc từ bỏ cuộc sống cũ và chuyển sang đời mới, nghĩa là tận tâm chuyên lo những công việc của Thiên Chúa.
3/ Vâng phục. Điều này được bàn đến ở nhiều chỗ trong bản luật. Cách riêng sự vâng phục được đặt trong tương quan với đức khiêm nhường, lồng trong hành trình tiến đức. Đan sĩ tìm ý Chúa được biểu lộ qua viện phụ. Đan sĩ vâng lời bề trên không phải bởi vì cần tuân phục một kẻ điều hành cộng đoàn, nhưng vì thâm tín rằng mình thực hành ý muốn của Chúa.
Thực vậy, lý tưởng cao cả mà tất cả các đan sĩ phải nhằm đến là đi theo đức Kitô, đi tìm Chúa.
Vào lúc đầu, luật thánh Biển-đức chỉ được áp dụng cho vài cộng đoàn ở Italia. Mãi đến thời kỳ cải cách của hoàng đế Charlemagne (đầu thế kỷ IX), luật này mới được áp đặt cho tất cả các đan viện bên Tây phương; từ đó hầu như hai từ ngữ "đan tu" và "Biển đức" trở thành đồng nghĩa.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
[1] Nên biết theo nguyên ngữ latinh, bản luật dòng được gọi là regula (Pháp: règle, Anh: rule), có nghĩa là cái thước để đo đạc. Nó không mang tính cách ràng buộc pháp lý (luật lệ) cho bằng vạch ra một hướng đi (mực thước) nhắm tới một lý tưởng.
[2] G. Turbessi, Regole monastiche antiche, Studium Roma 1974. Thiết tưởng nên nhắc qua vài bản luật: S. Cesarius Arles, Regula ad monachos; Regula ad virgines. S. Columbanus, Regula monachorum. S. Isidorus, Regula monachorum. S. Fructuosus Regula monachorum.
[3] Các nhà phê bình chỉ nhìn nhận những tác phẩm sau đây do thánh Pacomiô viết: 1/ Mười một lá thư; 2/ Vài cuốn AHuấn giáo@ (Catechesis). 3/ Các bản luật được truyền lại bằng tiếng coptic, hy-lạp, latinh, nhưng có lẽ do các đệ tử viết.
[4] L. Verheijen, La Règle de saint Augustin. 1. Tradition manuscrite. 2. Recherches historiques, Etudes Augustiniennes, Paris 1967. Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Bellefontaine, Bregolles-en Mauges 1980. Đinh Thị Sáng, Tu luật thánh Augutinh. Giới thiệu, bản dịch và giải thích, TP Hồ Chí Minh 2004.
[5] Xem thêm: Đời sống tâm linh, tập II, trang 134-139.
[2] G. Turbessi, Regole monastiche antiche, Studium Roma 1974. Thiết tưởng nên nhắc qua vài bản luật: S. Cesarius Arles, Regula ad monachos; Regula ad virgines. S. Columbanus, Regula monachorum. S. Isidorus, Regula monachorum. S. Fructuosus Regula monachorum.
[3] Các nhà phê bình chỉ nhìn nhận những tác phẩm sau đây do thánh Pacomiô viết: 1/ Mười một lá thư; 2/ Vài cuốn AHuấn giáo@ (Catechesis). 3/ Các bản luật được truyền lại bằng tiếng coptic, hy-lạp, latinh, nhưng có lẽ do các đệ tử viết.
[4] L. Verheijen, La Règle de saint Augustin. 1. Tradition manuscrite. 2. Recherches historiques, Etudes Augustiniennes, Paris 1967. Nouvelle approche de la Règle de saint Augustin, Bellefontaine, Bregolles-en Mauges 1980. Đinh Thị Sáng, Tu luật thánh Augutinh. Giới thiệu, bản dịch và giải thích, TP Hồ Chí Minh 2004.
[5] Xem thêm: Đời sống tâm linh, tập II, trang 134-139.