31/01/2015 -

Đời Sống Thánh Hiến

4893
PHẦN THỨ NHẤT
LỊCH SỬ CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ
***

 
I. THỜI GIÁO PHỤ
***

 
Chương Ba
LÝ TƯỞNG ĐỜI ĐAN TU
 
Sau khi trình bày sự tiến triển các hình thức đan tu trong các thế kỷ đầu tiên, trong chương này chúng ta tìm hiểu lý tưởng nếp sống đó: đi tu để làm gì? làm cách nào để đạt được lý tưởng ấy?

Chúng ta sẽ tìm câu trả lời ở nơi tác phẩm của các giáo phụ. Vì thế, trước tiên chúng ta sẽ điểm qua các nguồn tư liệu về tinh thần đời tu; tiếp đó chúng ta sẽ phân tích những lý tưởng và động lực đời tu (mục I). Thêm vào đó, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược những bản luật cổ điển đời đan tu (mục II).
***
MỤC I
VĂN HỌC ĐỜI ĐAN TU

Các giáo phụ đã bàn về tinh thần đời tu trì dưới những hình thức văn chương khác nhau: đôi khi là những bài huấn đức, thậm chí chỉ là một câu châm ngôn ngắn gọn; một hình thức thường dùng là kể lại hạnh tích các vị thánh. Mãi về sau, người ta mới phân tích và diễn tả có hệ thống.

I. Nguồn tư liệu

Khi nói đến văn học đời đan tu, chúng ta đừng vội nghĩ tới những khảo luận bàn về nếp sống tu trì, nhưng hãy tìm hiểu những tài liệu nào đã được dùng vào việc đào tạo các đan sĩ vào những thời buổi đầu.

1. Đứng đầu các tài liệu huấn luyện là Kinh thánh, cách riêng là Tân ước.

Dĩ nhiên là thời xưa khi chưa có kỹ thuật in ấn, không dễ gì mà tìm được một quyển Kinh thánh để mang trong mình. Tuy nhiên, các tín hữu đã học Kinh thánh trong thời kỳ dự tòng, trong các buổi cử hành phụng vụ. Việc nghiền ngẫm Lời Chúa được tiếp tục trong nếp sống đan tu, hoặc riêng tư, hoặc cộng đoàn. Từ khung cảnh này mà nảy sinh tục lệ Lectio divina. Ngoài ra chúng ta cũng đừng nên quên rằng cấu trúc của kinh Nhật tụng là Sách thánh, đặc biệt là các thánh vịnh. Vì thế không lạ gì mà các bản văn được trưng dẫn cách dồi dào trong các tư liệu sẽ được liệt kê dưới đây (Hạnh các thánh, danh ngôn các sư phụ), mà chúng ta không sợ sai lầm khi xếp chúng vào loại "chú giải Kinh thánh" một cách sống động.

2. Hạnh các thánh

Chúng ta biết được tiểu sử của những vị tu hành đầu tiên (thánh Phaolô ẩn tu, thánh Antôn) nhờ hạnh tích còn truyền lại. Như đã trình bày trong tập Năm (trang 34 tt.), khi viết hạnh thánh Antôn, tác giả (tức là thánh Athanasiô, giám mục Alexandria) không nhằm viết tiểu sử của vị tổ phụ đời đan tu cho bằng trình bày lý tưởng đời đan tu (theo quan điểm của một vị giám mục). Ngay từ khi thuật lại ơn gọi của Antôn, tác giả đã trưng dẫn ba đọan Tân ước sẽ được dùng làm đề tài suy niệm cho các thế hệ tu trì mai sau, đó là: "Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời" (Mt 19,21); "Aanh em đừng lo lắng về ngày mai" (Mt 6,34); AAi không chịu làm thì cũng đừng ăn@ (1Tx 3,10).

Ngoài hạnh tích của từng vị thánh (Phaolô, Antôn), các đan sĩ còn được nghe kể lại lịch sử của các đan sĩ nói chung, nhờ đó họ học biết tấm gương của các vị tiền bối. Trong loại này chúng ta có thể kể đến: "Nếp sống của các đan sĩ Ai-cập" (Historia monachorum in Egypto) và "Nếp sống các đan sĩ" của Palladius (Historia Lausiaca).

3. Danh ngôn các sư phụ

Bên cạnh Hạnh tích các vị thánh, các đan tu còn được truyền thụ những lời khuyên của các sư phụ, được hiểu không những là bậc thầy hiện đang hướng dẫn mình để phân định ơn gọi mà còn về các bậc tôn sư đáng kính trong lịch sử. Những câu nói của các vị này được thâu thập và xếp đặt thành tuyển tập Apophthegmata (hay cũng mang tựa đề: paterikon, verba seniorum), dựa theo tên tác giả hoặc theo đề tài, như chúng tôi đã trình bày trong Tập Năm (trang 52 tt).

4. Khảo luận về đường tiến đức

Những khảo luận về đường tiến đức ra đời muộn hơn, và trình bày các đề tài cách mạch lạc. Nói chung, những khảo luận này được viết cho các đan sĩ, nhưng chủ đích là trình bày đích điểm mà tất cả các Kitô hữu cần nhằm đến, đó là: đức ái trọn hảo, sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Chúng tôi chỉ nhắc đến vài tác phẩm đã giới thiệu trong Tập Năm:

- Evagrius, với bộ sách Praktikos, Gnostikos, Kephalia Gnostica (sđd, trang 75 tt.).

- Cassianus, với hai cuốn Instituta Coenobiorum (Định chế đời tu); Collationes Patrum (Những cuộc đàm đạo của các sư phụ).

- Thánh Grêgôriô Nyssa, De Instituto christiano.

- Thánh Gioan Climacus, Scala Paradisi.

- Ps. Dionisius, Theologia mystica.

Ngoài ra còn phải thêm những bản luật đời tu sẽ được bàn trong mục Hai.

II. Lý tưởng đời tu

Vấn đề "lý tưởng đời tu" có thể đặt ra dưới hai khía cạnh. Một đàng, bề trên có thể thẩm vấn ứng sinh: "tại sao anh đi tu? anh muốn gì trong đời tu?" Đàng khác, nhà sử học muốn tìm hiểu lý do xuất hiện đời tu trong Hội thánh: "đời tu bắt đầu từ bao giờ? vì lý do gì mà một số tín hữu rút lên sa mạc để tu hành? những động lực nào đã xúi họ làm như vậy?" Chúng tôi sẽ tìm cách trả lời cho cả hai loạt câu hỏi vừa nêu.

Chúng ta chấp nhận rằng nguồn gốc đời tu trì Kitô giáo đã manh nha từ hàng ngũ các môn đệ đi theo Đức Giêsu, và được tiếp nối nơi các nhà khổ hạnh hoặc các trinh nữ. Tuy nhiên, trong các thế kỷ đầu tiên, những người ấy cùng chia sẻ nếp sống với cộng đoàn các tín hữu khác. Với thánh Antôn, ta thấy một khúc quặt: có những nhóm tín hữu tách rời khỏi cộng đoàn, rút vào sa mạc sống đời khắc khổ. Vì lý do gì? Đã có ít là hai ý kiến:

1/ Có người cho rằng đời sống đan tu bắt đầu từ khi Giáo hội được hưởng tự do hành đạo. Trước kia, các tín hữu phải chịu bách hại vì đức tin, và vì thế họ phải cố gắng chiến đấu để giữ vững đức tin. Sang thế kỷ IV, Đế quốc Rôma không những cho phép các tín hữu được tự do hành đạo mà dần dần tiến đến chỗ nhìn nhận Kitô giáo làm quốc giáo. Tiếc rằng nếp sống dễ dãi mang theo sự sa sút đức tin. Ý thức nguy cơ, một vài tín hữu rút lên sa mạc bởi vì muốn tiếp tục nếp sống gian khổ, chấp nhận những thiếu thốn chật vật, để rèn luyện ý chí.

2/ Một thuyết khác[1] cho rằng nếp sống đan tu bắt nguồn ngay từ thời bắt đạo chứ không phải là sau thời bắt đạo. Một số tín hữu chạy trốn lên sa mạc để tránh khỏi bị truy nã dưới thời hoàng đế Đecius (250). Dần dần họ quen với nếp sống ở đó, và không muốn trở về thành thị nữa.

Rất có thể là cả hai ý kiến đều đúng, nếu chỉ giới hạn vào một nhóm nào đó hoặc một điạ phương nào đó. Sự liên hệ giữa đời đan tu với lý tưởng tử đạo là một điều không thể chối cãi: đời đan tu được ví như một sự tử đạo Atrắng@ (không đổ máu), nhưng điều này cũng được áp dụng cho các trinh nữ. Tuy nhiên, sự tử đạo không phải là mục tiêu duy nhất của đời tu. Qua những tác phẩm của các giáo phụ, người ta còn thấy nhiều lý tưởng khác được đề ra nữa[2].

 A. Động lực đời tu

Những đề tài thường được nhắc hơn cả có thể tóm lại như sau: Bước theo Chúa Kitô; Tử đạo; Rửa tội lần thứ hai; Sa mạc; Xuất hành; Trở về trạng thái nguyên thuỷ; Sống như thiên thần; Sống theo cộng đoàn Giêrusalem; Tìm Đấng Tuyệt đối.

- Đi theo Chúa Kitô. Tư tưởng này được đọc thấy trong hạnh tích của thánh Antôn: anh nhận được ơn gọi khi đi ngang nhà thờ, và nghe đoạn Phúc âm Mt 19,21: "nếu anh muốn nên trọn lành". Tiếc rằng người ta thường dừng lại ở phần đầu tiên (muốn nên trọn lành), hoặc phần thứ hai (bán hết tài sản), mà bỏ qua phần quan trọng hơn cả: "hãy đến đây, đi theo tôi".

- Lý tưởng tử đạo. Người tín hữu không tình nguyện đi tìm cái chết (Kitô giáo không bao giờ khuyến khích việc tự sát!). Lý tưởng tử đạo cần được lồng trong bối cảnh khác, đó là "bắt chước Đức Kitô", mà ta đọc thấy từ các vị tông phụ (thánh Inhaxiô Antiôkia, Polycarpô): Chúa Kitô đã yêu thương ta và đã trao hiến mạng cho ta (xc Gl 2,20); bây giờ đến lượt ta bày tỏ lòng yêu mến đối với Ngài, hiến cuộc đời cho Ngài, biến thân thể mình thành hiến lễ[3]. Đời tu trì được coi như một thứ "tử đạo trắng", qua những cuộc khổ chế, tập từ bỏ mình vác thập giá đi theo Thầy (Mt 16,24-25).

- Rửa tội lần thứ hai. Như vừa nói, các tín hữu không hề được khuyến khích tự sát: việc tử đạo chỉ là một dấu hiệu để bày tỏ sự gắn bó trung thành với Chúa Kitô mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ để tránh những hiểu lầm về sự tử đạo (giới hạn vào tính cách "anh hùng"), vài giáo phụ đã nêu bật rằng nó đã được gói ghém trong lời tuyên xưng khi lãnh bí tích rửa tội: chúng ta đã chẳng hứa từ bỏ thế gian, và kể cả mạng sống để theo Chúa Kitô đấy ư? Bí tích rửa tội chẳng phải là một cuộc chia sẻ vào sự chết, mai táng và sống lại với Chúa Kitô đó sao? Dù sao, kể từ thánh Hiêrônymô (epistula 39, 3), đời đan tu được ví như cuộc "rửa tội lần thứ hai". Điều này cũng được diễn tả cách sống động qua nghi thức tuyên khấn, khi thỉnh sinh diễn lại cử chỉ Achết cho con người cũ@ qua việc nắm sấp mình dưới đất, cởi bỏ y phục, cắt tóc; và khoác lên "con người mới", qua việc lãnh nhận tu phục và tên gọi mới.

- Vào sa mạc. Tại sao các đan sĩ đi vào sa mạc? Sa mạc có gì hấp dẫn? Trong Cựu ước, sa mạc mang hình ảnh vừa tiêu cực vừa tích cực. Dưới khía cạnh tiêu cực, sa mạc tượng trưng cho sự khô khan cằn cỗi, và nhất là lãnh địa của ma quỷ, nơi của thử thách cám dỗ. Dưới khía cạnh tích cực, sa mạc là nơi cô tịch thanh vắng, nơi con người có thể tự do hàn huyên với Chúa. Cả hai khía cạnh đều được lấy lại trong Phúc âm. Vào lúc khởi sự sứ mạng, Chúa Giêsu đã vào sa mạc 40 ngày để cầu nguyện; cũng tại nơi đây ma quỷ đã hiện đến cám dỗ Ngài. Các giáo phụ đã bàn đến sa mạc dưới nhiều khía cạnh: a/ nơi cô tịch để gặp gỡ Thiên Chúa; b/ nơi gian khổ, học tập chiến đấu với ma quỷ (xc. Đời sống tâm linh, tập V, trang 43).

- Xuất hành. Trong Cựu ước, tư tưởng sa mạc cũng gắn liền với cuộc xuất hành 40 năm trước khi vào Đất hứa. Trong văn học đan tu, tư tưởng "xuất hành" một đàng muốn nêu bật khía cạnh khước từ quê hương để theo tiếng Chúa gọi, chấp nhận cuộc sống bấp bênh và tín thác vào Chúa quan phòng; đàng khác muốn nhắc nhở cho toàn thể Hội thánh về điều kiện lữ hành của mình. Dù sao, cuộc đời tu trì được so sánh như một cuộc hành trình tiến đến cuộc gặp gỡ Chúa, theo gương của ông Moisen và ông Elia.

- Trở về sự tinh tuyền nguyên thuỷ. Bên cạnh tư tưởng "xuất hành" (hoặc "lữ hành") vừa nói, ra như hướng về tương lai, ta gặp thấy một tư tưởng khác mô tả hướng đi ngược lại, đó là quay về trạng thái nguyên thủy, trước khi nguyên tổ phạm tội, khi con người sống hoà hợp với Thiên Chúa, với tha nhân, với thiên nhiên, và dĩ nhiên là với chính mình. Tư tưởng này cũng gần với lý tưởng đi tìm hesychia: an bình, sự hòa hợp nội tại (đối lại sự phân tán chia rẽ).

- Đời sống các thiên thần. Đời đan tu được ví với đời sống các thiên thần (vita angelica). Hiểu như thế nào? Không thiếu người giải thích theo nghĩa là vì các đan sĩ không còn bị khống chế bởi những cám dỗ xác thịt nữa (dựa theo Mt 22,30). Nhưng có lẽ đó không phải là tư tưởng của các giáo phụ! "Sống như thiên thần" không có nghĩa là thoát ly khỏi xác thịt cho bằng sống trước nhan Chúa, chuyên lo việc chúc tụng và chiêm ngưỡng Thiên Chúa (xc. Kh 5,11-12). Các đan sĩ trút bỏ hết mọi bận tâm thế sự để chú tâm vào việc phụng sự Thiên Chúa (opus Dei, nihil operi Dei praeponetur; laus perennis).

- Nếp sống cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem (Cv 2,44-45; 4,32-34). Điều này được nêu bật hơn nơi các bản luật của thánh Basiliô và thánh Augustinô. Cộng đoàn được xây dựng trên mối hiệp thông, yếu tố cấu thành của Hội thánh, và đặc trưng của đặc tính tông đồ (vita apostolica, more apostolorum, apostolica vivendi forma).

- Sau cùng, không thể phủ nhận ảnh hưởng của các trào lưu triết học hoặc tôn giáo đương thời. Hiện tượng đi tìm Đấng Tuyệt đối (Chân, Thiện, Mỹ) được gặp thấy nơi nhiều dân tộc và văn hoá. Các giáo phụ miền Capadoxia đặt tên cho đời đan tu là Philosophia. Từ này quen được dịch là "triết học", nhưng theo nguyên ngữ Hy-lạp thì có nghĩa là "yêu chuộng sự khôn ngoan". Tuy nhiên đối với các đan sĩ, Sophia không còn là một lý tưởng trừu tượng nhưng là chính Đức Kitô. Ai đi theo Đức Kitô là đi tầm đạo, tìm Khôn ngoan vậy. Ý tưởng tương tự cũng được biểu lộ qua danh từ Philokalia (đi tìm Vẻ đẹp, sự Hoàn Mỹ).

B. Hành trình

Như vậy, lý tưởng đời tu được diễn tả qua nhiều hình ảnh và ý tưởng khác nhau. Làm cách nào để đạt đến lý tưởng đó? Khỏi nói ai cũng có thể đoán được là có rất nhiều phương thức khác nhau. Trong Đời sống tâm linh tập V, chúng tôi đã mô tả sơ lược vài tác giả điển hình, chẳng hạn như theo ông Evagrius với công thức ngắn gọn: "từ praxis đến theoria". Praxis bao gồm việc chiến đấu chống lại tám "tà kiến" (mê ăn, dâm dục, tham lam, buồn phiền, nóng giận, chán nản, hám danh, tự phụ), nhờ sự cầu nguyện, lao động, ăn chay, đồng thời với sự thực hành các nhân đức trái nghịch lại (tiết độ, khiết tịnh, thanh bần, hiền lành, kiên nhẫn, khiêm nhường). Theoria là chiêm ngắm Thiên Chúa.

Một hình thức phát biểu khác là "leo thang" như tựa hình ảnh chiếc thang của tổ phụ Giacob được thánh Gioan Climacus điển chế thành 30 bậc thang. Thánh Grêgoriô Nyssa thì mời chúng ta hãy leo núi, giống như ông Moisen[4].

Tuy nhiên, có tác giả khác (tựa như thánh Basiliô và Augustinô) thì chỉ yêu cầu các đan sĩ hãy sống trọn giới răn yêu thương là đủ rồi. Nói khác đi, các đan sĩ chẳng qua cũng chỉ là Kitô hữu, và ước ao sống sao cho xứng với danh hiệu đó (xc. Đời sống tâm linh tập V, trang 131-132).

 
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

[1] Ý kiến của ông Sozomenus, Historia ecclesiastica 1,2; được thánh Hiêronymô lặp lại trong Vita Pauli, 5.
[2] Pierre Miquel, Monachisme, in: ADictionnaire de Spiritualité@, tome X, col.1551-1555.
[3] Xc. Đời sống tâm linh, tập II, trang 69-72.
[4] Đời sống tâm linh, tập V, trang 78; 134; 140. Về nguồn tập IV, trang 751 tt.
114.864864865135.135135135250