15/10/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

940


Ai yêu mến cộng đoàn, người ấy hủy diệt cộng đoàn;
Ai yêu mến anh em, người ấy xây dựng cộng đoàn.
_Dietrich Bonhoeffer_

Điều đó nghĩa là gì? Đoạn sau đây từ cuốn “Thăng tiến cộng đoàn” của Jean Vanier sẽ giúp chúng ta hiểu rõ: 

“Một cộng đoàn trung thành với chính mình – để hiện hữu hoàn hảo, ổn định và an toàn – thay vì với con người, với sự tăng trưởng và tự do bên trong, thì cũng giống như người thuyết trình chú ý tới vẻ đẹp và sự mạch lạc của bài nói chuyện hơn là thính giả có nghe và hiểu bài nói chuyện ấy hay không. Cũng gống như một buổi cử hành phụng vụ hay đẹp mà chẳng ai hiểu được và người ta khó mà cầu nguyện. Đó là một cộng đoàn giả danh, không có chiều sâu hay bản chất thực sự. Cộng đoàn không bao giờ được ưu tiên hơn cá nhân. Cộng đoàn hiện hữu cho con người và cho sự tăng trưởng của con người. Vẻ đẹp và sự hiệp nhất của cộng đoàn phát xuất từ sự sẵn sàng của mỗi người, sự chân thực, yêu thương và kết hợp của họ với người khác”.

Sự hiệp nhất nếu được tạo nên bởi sự sợ hãi, tẩy não và ép buộc đồng nhất thì hoàn toàn không phải là hiệp nhất; đó là sự hiệp nhất giả tạo và chỉ là bề ngoài. Trong cộng đoàn đích thực, các hàng rào bị phá vỡ, sự giả bộ và mặt nạ biến mất. Một cộng đoàn xuất hiện khi người ta không còn giấu mình khỏi người khác nữa; không còn phô trương hay chứng tỏ giá trị của mình với người khác nữa.

Cộng đoàn là nơi mà những giới hạn, nỗi sợ hãi, và tính ích kỷ của chúng ta bộc lộ ra. Chúng ta khám phá ra sự nghèo khó, sự yếu đuối, sự bất lực của mình để giao hảo với người khác; chúng ta khám phá ra những trở ngại tâm trí và cảm xúc, những nỗi thất vọng, những sự ghen tỵ, những trục trặc về tình cảm và tình dục, v.v… Khi ở một mình, chúng ta nghĩ là mình yêu thương mọi người. Nhưng bây giờ khi phải tiếp xúc gần gũi với người khác, lòng yêu mến của chúng ta bị thử thách. Bất ngờ khám phá ra những quái thú bên trong khiến chúng ta khó chấp nhận. Ở đây đòi hỏi sự cởi mở, ngay thẳng, chân thực và khiêm nhường hơn nhiều.

Theo cha Alberione, những hậu quả của sự ghen tỵ được nuôi dưỡng là sự phân rẽ, là bất mãn trong cộng đoàn. Ngài nói, “Sự ghen tỵ che mờ trí khôn và làm khô cứng trái tim. Trái lại, sự khiêm nhường gợi lên những lời nói tử tế, những tình cảm yêu thương, những ước muốn thiện hảo cho người khác. Nó làm cho người ta trở nên sẵn sàng trước nhu cầu của người khác. Chúng ta hãy luôn luôn đặt chân dung dịu hiền của Tôn sư chí thánh trước mặt và nhớ lời Người: ‘Hãy học cùng tôi vì tôi có lòng  hiền hậu và khiêm nhường’ (Mt 11:29).”

THIỆN CẢM & ÁC CẢM

Hai mối nguy lớn của cộng đoàn là bạn bè và kẻ thù. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Tất cả chúng ta đều thích ở với người làm chúng ta vui lòng, những người chia sẻ những ý tưởng, quan điểm sống và óc khôi hài của chúng ta. Những con người như thế dung dưỡng và nịnh bợ lẫn nhau. Tình bằng hữu nhân loại kiểu đó có thể trở thành câu lạc bộ những người tầm thường, bao gồm những kẻ xu nịnh và tán thưởng lẫn nhau. Nó có thể suy thoái thành một xã hội tâng bốc lẫn nhau, gồm những người “Tôi OK – anh OK”.

Điều này ngăn cản các phần tử nhìn mình như mình là – với sự nghèo khó và những thương tích bên trong. Khi ấy tình bằng hữu không còn thúc đẩy tăng trưởng hơn, không còn để phục vụ hơn, không còn trung thành hơn với những hồng ân và khả năng mà chúng ta có, không còn lưu tâm nhiều hơn đến Thánh thần nữa. Khi ấy tình bằng hữu trở nên ngột ngạt, và là nguyên cớ phân rẽ và mất hài hòa trong cộng đoàn. Tình bằng hữu như thế còn hơn sự lệ thuộc về cảm xúc, một hình thức của nô lệ.

Chúa Kitô đến để phá vỡ bức tường hận thù chia cách hai nhóm người và làm cho họ nên một. “Vì chính Chúa Kitô đã đem lại bình an cho chúng ta bằng cách làm cho dân Do Thái và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2:14).

Trong cộng đoàn, chúng ta được kêu gọi để khám phá ra rằng kẻ thù là một người đang đau khổ. Đó là một phần tử đau khổ vì cuộc tranh đua khốc liệt của chúng ta, như bạn và tôi. Qua cái gọi là kẻ thù ấy, chúng ta bị thúc đẩy để chú ý đến sự ấu trĩ và bất quân bình thiêng liêng của chúng ta.

Chúng ta rất thường quên xem xét chính mình. Khi chúng ta chỉ ngón tay lên án người khác, chúng ta thường cố gắng che giấu những lầm lỗi của mình. Trong các cộng đoàn tu trì, chúng ta dễ nhận thấy những người hay chỉ trích và cằn nhằn về hành vi cử chỉ của các phần tử lại là những người chẳng thanh sạch vẹn toàn gì. Cũng giống như con quạ cằn nhằn rằng con chim gáy có màu đen! Đổ lỗi cho người khác lại chẳng phải là cách thông thường nhất để tránh bị bắt lỗi ư?

Ngày nọ, chị giáo tập gọi một tập sinh đến mắng vì làm dấu thánh giá không đúng cách, bị mấy nữ tu lớn tuổi than phiền. Tập sinh này chấp nhận lời quở trách, nhưng quyết tâm thử xem những người lớn làm dấu thánh giá có đúng cách không. Sáng hôm sau, kết thúc thánh lễ, các nữ tu ra khỏi nhà thờ, cô tập sinh này cười ngất. Nữ tu nào cũng mang một đống ba vết bẩn màu xanh ở ngực, trên vải áo dòng trắng. Không một ai làm dấu thánh giá đúng cách! Sao lại thế? Thì ra tối hôm trước, cô tập sinh đã lấy mực đổ vào bát nước thánh ở cửa nhà nguyện!

Chuyện thích hay không thích của cá nhân không phải là lỗi của chúng ta. Chúng tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân, bối cảnh gia đình, giáo dục, tính khí, v.v… Sự thông cảm hay ác cảm tự nhiên được thức tỉnh ngẫu nhiên bởi ai đó chẳng phải vì một lời nói hay hành động cố ý nào của họ. Nhưng người ta có thể khắc phục được những cái không thích như thế. Cho dù tôi có thể cảm thấy không thoải mái với người nào đó cùng với lối nghĩ và lối hành động của người ấy, nhưng tôi vẫn có thể tôn trọng người đó và có thiện cảm với người ấy. Có thể tôi rất không thích một người nhưng vẫn tôn trọng và yêu thương người ấy một cách sâu xa như là một con người và như người được Chúa Kitô kêu gọi. Khi ý thức về thiện cảm và ác cảm của mình, tôi có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của người anh/chị em tôi không phải bằng cách để cho những cảm xúc này đóng vai trò thống trị trong mối tương quan của tôi.

Tôi có thể không thích giọng nói, kiểu tóc, kiểu râu, kiểu đi đứng hay nét mặt của ai đó. Tôi không buộc phải thích những thứ đó. Nhưng tôi không có quyền chống lại, từ khước hay làm nhục một người vì những thứ đó. Tôi buộc phải yêu thương mọi người cho dù có thể tôi cảm thấy không vui thích với cái này cái kia của người đó.

Trong một lá thư gửi cho tôi, một nữ tu viết rằng khi chị ngày càng ý thức và chấp nhận chính mình và xác tín căn tính của mình là người con của Chúa, chị có thể hiểu và thoải mái tương quan với người khác. Đã từng trải qua đau khổ, nhờ ơn Chúa, chị có thể thông cảm với người khác và chấp nhận họ khi đau khổ của họ trở nên rõ rệt trong cộng đoàn và gây ra đau đớn.

Trong tiểu sử tự thuật, thánh nữ Teresa Lisieux viết, “Tất nhiên bạn không gặp kẻ thù ở dòng Carmel, nhưng với tất cả những gì được nói ra và được làm, bạn có sự đồng  cảm của bạn. Một nữ tu hấp dẫn bạn; một nữ tu khác – bạn đi một quãng xa để tránh gặp chị ấy. Chị ấy là người làm khổ bạn mà chị ấy chẳng hay; rồi Chúa Giêsu bảo tôi đây là người mà tôi phải yêu mến, người mà tôi phải cầu nguyện cho. Chắc chắn, cách cư xử của chị ấy cho thấy chị ấy không thích tôi; đúng vậy, nhưng ‘Anh em có công trạng gì nếu anh em chỉ yêu thương người yêu thương anh em? Ngay cả những người tội lỗi cũng yêu thương những kẻ yêu thương họ’. Và chỉ yêu thương mà thôi thì chưa đủ; bạn còn phải chứng minh điều ấy”.

QUYỀN ĐƯỢC LÀ MÌNH

Một trong những khó khăn lớn nhất của đời sống cộng đoàn là đôi khi chúng ta buộc người khác là người mà họ không là. Chúng ta dán một hình ảnh lý tưởng lên họ mà họ buộc phải nên giống hình ảnh ấy. Chúng ta mong đợi nơi họ quá nhiều và vội vã xét đoán họ. Nếu họ không thể sống theo hình ảnh ấy, họ sợ là họ sẽ không được yêu thương. Thường thì điều này xảy ra đặc biệt với các tu sĩ trẻ. Vì thế họ buộc phải giấu mình sau mặt nạ.

Cộng đoàn không thành hình bởi những con người hoàn hảo, nhưng bởi những con người hiệp thông với người khác. Mỗi người trong họ đều pha trộn tốt lẫn xấu, bóng tối lẫn ánh sáng. Nhưng cộng đoàn là nơi mỗi người được giải thoát và được lớn lên mà không phải sợ hãi. Cũng vậy, chỉ có sự tăng trưởng khi chúng ta nhìn nhận khả năng, và khả năng này sẽ không bao giờ được bộc lộ nếu chúng ta ngăn cản người ta khám phá và chấp nhận chính mình như mình là; với những điều đáng khen lẫn những điều đáng trách, gánh nặng và đau khổ, khả năng và hồng ân.

“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán” (Lc 6:37).

Nếu chúng ta chỉ thấy những ân huệ và vẻ đẹp, chúng ta sẽ mong đợi rất nhiều nơi người khác; chúng ta lý tưởng hóa họ. Nếu chúng ta chỉ thấy thương tích và sự yếu đuối, chúng ta sẽ coi thường họ; chúng ta làm quá nhiều cho họ và muốn giữ họ trong sự tùng phục.

Một cộng đoàn chỉ thực sự là cộng đoàn khi hầu hết các phần tử đều vượt qua từ “cộng đoàn vì tôi” đến “tôi vì cộng đoàn”, khi con tim mỗi người mở ra với tất cả mọi người không loại trừ ai. Đây là chuyển động từ ích kỷ tới yêu thương.

Công đoàn không chỉ là nơi người ta sống dưới cùng một mái nhà; nếu thế cộng đoàn chỉ là một nơi trú ngụ hay một nhà trọ. Cộng đoàn cũng không phải chỉ là một đội ngũ cùng làm việc với nhau. Trái lại, cộng đoàn là nơi mọi người đi ra khỏi bóng tối của thái độ quy ngã để bước vào ánh sáng của tình yêu chân thực.

YÊU THƯƠNG LÀ SỐNG DỒI DÀO

Chỉ có một lý do duy nhất cho sự hiện hữu của chúng ta là tu sĩ, đó là Thiên Chúa, và Thiên Chúa là tình yêu. Vì thế duy tình yêu là lý do tại sao chúng ta là tu sĩ. Tình yêu này tuôn trào tới các phần tử của cộng đoàn và tới những người mà chúng ta phục vụ qua các hoạt động tông đồ và mục vụ.

Yêu thương không chỉ là tình cảm hay cảm xúc chóng qua; yêu thương là nhìn nhận mình thuộc về nhau. Yêu thương là lắng nghe người khác, quan tâm đến họ và cảm nhận với họ, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của họ.
Cũng như trong tất cả mọi vấn đề, ở đây vai trò của khuôn mẫu là rất quí. Đây là những gì một tu sĩ kể lại: “Từ những năm đầu của giai đoạn đào tạo, tôi may mắn được có những gương mẫu tốt thể hiện những giá trị Tin mừng. Nhiều cuộc linh thao của cộng đoàn nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của tôi và dạy tôi tìm kiếm sức mạnh tâm linh. Những cuộc linh thao ấy chỉ cho tôi cách tìm kiếm sự khôn ngoan để phân định và cách tìm kiếm sự bình an và hạnh phúc trong Chúa là Đấng yêu thương tôi không giới hạn. Tôi học được nơi anh em tôi làm thế nào để tin vào Thiên Chúa, để hy vọng và tín thác vào lời hứa của Người, để yêu mến Người và dân Người. Cộng đoàn quả thực là nơi tôi có thể sống trong tự do, cảm nghiệm sự nâng đỡ, quan tâm và yêu thương từ anh em của tôi, có sự cộng tác để làm việc cho Nước Trời, sống trong yêu thương và tin tưởng”.

Yêu thương là nhìn thấy vẻ đẹp và sự thiện hảo của người khác và bộc lộ điều ấy cho họ thấy. Yêu thương có nghĩa là muốn người khác hoàn thành chính mình theo kế hoạch của Thiên Chúa. Yêu thương có nghĩa là đáp lại tiếng gọi của họ và nhu cầu thâm sâu nhất của họ. Burjor Paymaster viết:

Khi đồ ăn thức uống đã sẵn
Tât cả khách mời đều bỏ đi.
Riêng chỉ một người bạn có thể nuôi dưỡng
Nhu cầu cay đắng ấy –
Là nỗi đói khát của tâm hồn!


Để yêu thương, chúng ta phải không ngừng chết đi cho những ý tưởng, sự nhạy cảm, tiện nghi riêng của mình. Yêu thương không phải chỉ là một hành vi tự nguyện liên quan đến việc kiểm soát và chế ngự sự nhạy cảm của chúng ta; nó còn đòi hỏi một trái tim và những cảm xúc đã được thanh luyện đến với người khác một cách tự nguyện.

Cộng đoàn không chỉ là một nhóm người sống với nhau và yêu thương nhau. Cộng đoàn là nơi người ta sống và cử hành một cuộc sống mới mẻ và phong phú với một trái tim, một linh hồn, một tinh thần. Đó là những người, rất khác nhau, yêu thương nhau và tất cả đều hướng về cùng một niềm hy vọng và cử hành cùng một tình yêu. Một cộng đoàn đích thực có đặc điểm là một bầu khí vui tươi và niềm nở.

Những gì thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Philipphê là lời khuyên tuyệt vời cho đời sống cộng đoàn: “Nếu sự sống của anh em trong Đức Kitô làm cho anh em được mạnh sức, và tình yêu của Người khích lệ anh em. Nếu anh em có sự hiệp thông trong Thần Khí, nếu anh em sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2:1-4). Ngài khuyến khích chúng ta làm hết sức mình để duy trì sự hiệp nhất nhờ sự bình an ràng buộc chúng ta với nhau (x. Ep 4:3).

Cộng đoàn nào lĩnh hội được chiều kích thiêng thánh trong những thực tại bề ngoài là thế tục, thì cộng đoàn đó đang ở trên con đường trở thành cộng đoàn lý tưởng. Bằng cách mỗi ngày bỏ ra những thời khắc đặc biệt để hiệp thông với Thiên Chúa, chúng ta không chỉ rao giảng mà còn thực hành để Chúa trở thành trung tâm đời sống cá nhân hằng ngày của chúng ta. Cộng đoàn bắt đầu tăng trưởng khi cộng đoàn khởi sự chấp nhận những yếu đuối của mình. Tự ý thức là bước đầu tiên để tự hoàn thiện. Khi một đời sống cầu nguyện, phục vụ người thiếu thốn trong yêu thương và sự hiệp thông huynh đệ được hoà nhập khéo léo trong cộng đoàn, khi ấy các phần tử có thể tiến triển tới mức độ hoàn hảo mà Thiên Chúa đã tiền định cho họ.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm 1 Ga 1:9-11; Mt 5:38-48; Lc 6:27-36
2. Có ai trong cộng đoàn là gánh nặng đối với bạn không?
3. Khi bạn thấy những phần tử có trục trặc với bạn ở trong hoàn cảnh khó khăn, bạn có giúp đỡ họ một cách nhân từ không?
4. Bạn làm theo thiện cảm và ác cảm tự nhiên hay bạn chế ngự chúng? Bạn có thể nói rõ là bạn tiến hành như thế nào?
114.864864865135.135135135250