09/10/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

987
 
Một trong những điều quan trọng nhất làm phát sinh bầu khí hiệp nhất nơi các phần tử của một cộng đoàn là sự vâng phục được yêu cầu và được trao tặng một cách thân thương. Vâng phục có thể là chất xúc tác hữu ích để cổ võ sự hiệp nhất một mặt là giữa bề trên và các phần tử, mặt khác là giữa các phần tử với nhau. Một tu sĩ không vâng phục và chống đối là nguyên nhân sinh ra bất hòa và phân rẽ. Chính sự hiện diện và thái độ của người ấy làm tổn hại đến tinh thần của cộng đoàn, trong khi sự vâng phục của tập thể và cá nhân được thể hiện một cách thông minh và có trách nhiệm đem lại hiệu quả là xây dựng cộng đoàn. Vâng phục cổ võ hòa bình, niềm vui và tình đồng bạn.

Quyền bính là một ân huệ của Chúa Thánh thần và là sức mạnh làm cho cộng đoàn tăng trưởng. Quyền bính nhằm đại diện Chúa Kitô, Đấng dạy dỗ các môn đệ nhưng cũng rửa chân cho họ. Được hiểu như một tác vụ làm sinh động Giáo hội, quyền bính là một trong những phương tiện tốt nhất để bảo đảm sự trung thành với Thiên Chúa và phục vụ con người.

Để thực sự trở thành con người của tin mừng và con người loan báo tin mừng, cộng đoàn tu trì cần có sự linh hoạt thận trọng và ngày càng gia tăng. Sự linh hoạt ám chỉ hoạt động bên trong của con người như là năng lượng chính, là nguồn của sự tăng trưởng. Sự linh hoạt đối nghịch với mọi áp đặt từ bên ngoài. Sự linh hoạt của một cộng đoàn không phải là vấn đề kỹ thuật hay phương pháp; nó dựa trên thái độ ngoan ngùy đối với Chúa Thánh thần, Đấng linh hoạt chủ yếu của toàn thể dân Thiên Chúa.

Sự linh hoạt thiêng liêng của cộng đoàn tu trì có nghĩa là toàn bộ những sáng kiến và thái độ đẩy mạnh sức sống nơi ơn gọi đặc biệt của hội dòng, khuyến khích sự tham dự tích cực của mọi phần tử và đòi hỏi lương tâm trưởng thành của họ. Hoạt động cộng đoàn này làm gia tăng tinh thần đồng trách nhiệm và giúp nhìn nhận tính bổ sung. Sự linh hoạt được thực hiện qua sự gợi ý, thúc đẩy và thuyết phục. Nó giả thiết khả năng đối thoại, khả năng lắng nghe và giao tiếp, và khả năng biện phân tốt.

Phận vụ của bề trên là hoàn toàn hướng về cộng đoàn. Trong đức ái, bề trên chủ tọa, nắm giữ trách nhiệm phục vụ đặc biệt cho sự hiệp nhất và cho căn tính của cộng đoàn. Là đầu của cộng đoàn và là thủ lãnh của các phần tử, là linh hoạt viên của tất cả mọi hoạt động tông đồ và đào tạo, bề trên là trung tâm của sự thống nhất và thúc đẩy mọi hoạt động.

Trong thời hiện đại, sự canh tân trong lề lối thực thi trách vụ bề trên là điều cần thiết. Phong cách canh tân phải bao hàm sự xác tín về tính bình đẳng nơi các phần tử, và vui mừng nhìn nhận tinh thần đồng trách nhiệm. Phong cách này cũng đòi hỏi tôn trọng những khác biệt hợp pháp về não trạng, sự chân thành và sự cởi mở trong tiếp xúc, cùng một bầu khí thân ái và phục vụ. Hơn nữa, phong cách này cũng đòi phải cổ võ sự giao tiếp trong cộng đoàn, và trên hết là quan tâm đến tính ưu việt của đời sống trong Thánh thần và làm cho Chúa Kitô trở thành trung tâm sống của cộng đoàn.

Bằng việc cầu nguyện và ý kiến tư vấn tốt, bằng sự học hỏi của cá nhân về giáo huấn của Giáo hội và nhờ hiến pháp của hội dòng, bề trên phải vun trồng sự biện phân các thần khí. Bề trên phải chủ động trong việc thiết lập những tương quan liên nhân vị với tất cả mọi anh/chị em qua những cuộc chuyện trò đơn giản, những cuộc chuyện trò này nuôi dưỡng tình cảm huynh đệ và trao đổi ý kiến. Như vậy, bề trên sẽ nhận được hướng đi cụ thể để hướng dẫn cộng đoàn và đưa ra quyết định dựa trên những ý kiến và những thái độ khác nhau của các phần tử. Bề trên sẽ biết cách làm thế nào để giúp anh/chị em qua việc sửa lỗi huynh đệ nhờ đó họ có thể sống sự lựa chọn trong ơn gọi của mình một cách kiên bền.

NHỮNG TỘI PHẠM ĐẾN CON NGƯỜI

Một trong những tội nặng nhất phạm đến con người là đóng đinh họ, nghĩa là gây đau khổ cho họ. Tội này thể hiện nhiều cách, qua những hành động vi phạm hoặc quên sót. Trong thực tế có nhiều hành vi bách hại tinh vi và thô bạo:
  1. Áp bức và làm tổn thương đến tính nhạy cảm.
  2. Xét đoán con người về ý định của họ.
  3. Tìm cách để luôn luôn là trung tâm chú ý của nhóm, do đó coi thường người khác.
  4. Làm mất thanh danh của người khác.
  5. Nhấn mạnh quá đáng đến luật lệ, mà không chú ý đế hoàn cảnh và nhu cầu của con người.
  6. Làm tổn thương bằng sự mỉa mai, chế nhạo, giễu cợt.
  7. Tìm hiểu người khác chỉ vì tò mò, để xếp loại, để gán nhãn hiệu.
  8. Làm cho người khác trở thành trò cười, trò giải trí.
  9. Dùng quyền bính hay lề luật làm cho người khác trở thành nô lệ, và thống trị họ về phương diện luân lý hoặc tình cảm.
  10. Coi và dùng người khác như là đối tượng tình dục, chỉ để thỏa mãn chính mình.
  11. Dùng người khác như khí cụ để thực hiện lợi ích của cá nhân mình.
  12. Gạt ra ngoài, lãng quên hoặc luôn luôn đay nghiến.
  13. Nhận trách nhiệm thay người khác và chỉ đạo họ, hủy diệt tính tự lập.
  14. An ủi giả tạo để làm trầm trọng thêm khó khăn của người khác.
  15. Đưa ra lời khuyên và nhấn mạnh là phải nghe theo.
  16. Đánh lừa bằng cách đưa ra một ý nghĩa sai lạc về tự do trong khi đặt người khác vào tình trạng không có sự lựa chọn.
  17. Làm người khác mất mặt bằng những biểu lộ thương cảm công khai hoặc riêng tư.
  18. Làm cho đời sống trở nên khó khăn đối với người khác, không cho họ lớn lên.
  19. Quấy rầy bằng cách cố ý tạo ra những khó khăn.
  20. Ngăn cản người khác độc lập về tình cảm.
  21. Bảo bọc người khác, tạo nên sự lệ thuộc, tạo nên mối tương quan người lớn-người nhỏ.
  22. Không chú ý đến việc giúp người khác lớn lên (vì sợ họ vượt qua mình).

VÂNG PHỤC TRONG TỰ DO

Thánh Phalô nói, “Chúng ta không phải là con cái của người đàn bà nô lệ nhưng là của người đàn bà tự do” (Gl 4:31). Chắc chắn, tự do là một thực tại quý giá. Đức vâng phục của người tu sĩ không phải là mất tự do nhưng là tự nguyện dấn thân tiến đến mục tiêu cao hơn. Chính Chúa Thánh thần là Đấng hình thành Chúa Kitô trong người tu sĩ và dẫn họ tới đức vâng phục của con cái. Người làm cho họ lớn lên trong tinh thần tự do và sức mạnh bên trong phát xuất từ tầm quan trọng của con người, và đưa họ tới sự vâng phục sống động và có trách nhiệm (x. PC, 14). Thánh Phaolô nói, “Ở đâu có Thần khí Thiên Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3:17).

Trong Chúa Kitô, tự do hoàn hảo và vâng phục hoàn hảo trộn lẫn với nhau một cách hài hòa. Trong sự tự do hoàn toàn, Người trở nên một với ý muốn của Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10:17-18).

Sự hiệp nhất được thiết lập một cách tự do này là nền tảng của đức vâng phục trong đời sống tu trì. Đó là sự tự do được củng cố nhờ vâng phục (x. LG 43). Ở đâu không có sự vâng phục Thiên Chúa, ở đó cũng không có tự do. Vâng phục là lãnh nhận trách nhiệm tùy theo tuổi tác, chức vụ và tình trạng đời sống. Không có trách nhiệm nếu không có tự do và không có tự do nếu không có trách nhiệm. Lãnh nhận trách nhiệm có nghĩa là hiệp nhất với ý muốn của Thiên Chúa một cách tự nguyện và hoàn toàn.

Như vậy, vâng phục là một nhân đức siêu nhiên thúc đẩy chúng ta nhìn các bề trên như là những đại diện của Thiên Chúa và để ý muốn của chúng ta tùng phục ý muốn của các ngài. Chúng ta có gương sáng về điểm này nơi chân phước Alfonsa.[1] Khi các chị em sợ rằng ngài sẽ bị tấn công bởi bịnh lao, Mẹ Bề trên Tổng quyền hỏi ngài có muốn được cách ly khỏi các chị em không, người nữ tu thánh thiện trả lời, “Bất cứ điều gì bề trên quyết định, lại không phải là thánh ý Chúa cho con sao?”

Triết gia Hy Lạp cổ thời Seneca nói rằng vâng phục Thiên Chúa là sự tự do hoàn hảo. Chỉ có người nào đạt tới tự do khỏi kiêu ngạo, thành kiến và yêu thích tiện nghi thì mới có thể làm chủ được tâm trí và ước muốn của mình để vâng phục người khác. Chỉ khi nào chúng ta tùng phục Thiên Chúa nhân lành, lề luật đúng đắn, và ý thức tốt, khi ấy chúng ta mới trở thành tự do thực sự. “Con thảnh thơi tiến bước, vì huấn lệnh của Ngài, con mải miết dõi theo” (Tv 119:45).

Tất nhiên, tự do cũng có giới hạn của nó. Luật tự nhiên, luật xã hội và luật luân lý là những bước đệm để đạt tới sự hoàn thiện chứ không phải là những giới hạn. Dưới sự hướng dẫn của lề luật, tự do thực sẽ lớn lên và phát triển. Chú chiên nhỏ không vâng lời mẹ, đi lạc xa, chơi đùa trên đồng cỏ, trở thành mồi ngon cho chó sói.

Đức vâng phục sống động và có trách nhiệm là đức vâng phục thông minh, chứ không mù quáng. Mọi ngày, chúng ta dùng sức sáng tạo của mình để vâng phục với lòng trung thành và sự dâng hiến lớn lao hơn. Loại vâng phục này không chỉ là thực hiện những mệnh lệnh theo bề ngoài. Sự vâng phục có tính nhân bản và trưởng thành đòi hỏi tôi phải biết lời đáp trả của tôi và sắp xếp các hoạt động của tôi một cách ý thức.

Vâng phục cũng là một khía cạnh của sự hiệp thông huynh đệ. Thiên Chúa đã ban cho con người nhiều việc phục vụ và nhiệm vụ khác nhau (x. 1 Cr 12:4-6). Nhiệm vụ của người lãnh đạo cộng đoàn là một trong những việc ấy. Vai trò lãnh đạo và quyền bính là những thành phần quan trọng trong xã hội. Vì thế, quyền bính của người thi hành vai trò lãnh đạo phải được nhìn nhận như là hồng ân của Thiên Chúa. Để toàn thể cộng đoàn sống phù hợp với ý Chúa, điều cần thiết là mỗi tu sĩ phải ý thức rằng mình là một phần tử có trách nhiệm trong Giáo hội, là thân mình Chúa Kitô.

SỬ DỤNG NHỮNG TIẾN TRÌNH DÂN CHỦ

Trong việc đưa ra quyết định, dùng những tiến trình dân chủ là điều thích hợp và cần thiết. Tuy nhiên sẽ không thích hợp nếu người tu sĩ sử dụng những tiến trình này để cắt đứt sự kiểm soát mà người có thẩm quyền đang thực thi, hòng cổ xúy cho quyền lợi ích kỷ của các phần tử.

Giống như sự vâng phục hợp pháp, tự do của con người cũng là hồng ân của Thiên Chúa. Cả bề trên lẫn bề dưới đồng lòng tìm kiếm ý Thiên Chúa. Sự hiểu biết đúng đắn về quyền bính và tự do được biểu lộ trong việc thực thi tinh thần đồng trách nhiệm và tự do mà bề trên cao hơn trao cho thẩm quyền thấp hơn. Khi vai trò lãnh đạo tập trung và việc thực hiện nhiệm vụ được tản quyền đang thịnh hành, thì tương quan bề trên-bề dưới lớn mạnh hơn và sự cộng tác vì lợi ích của cộng đoàn gia tăng.

Bạn có thể thành công trong việc làm cho bề trên ra lệnh cho bạn làm điều bạn muốn. Thi hành lệnh truyền của một bề trên mà bạn đã khôn khéo móc nối được nhờ tẩy não, tỏ lòng yêu mến và kính trọng, v.v… và lôi kéo đi theo bạn, hoàn toàn không phải là vâng phục, vì thực ra lúc đó bạn không vâng phục Thiên Chúa cũng chẳng vâng phục bề trên mà vâng phục chính bạn. Trong trường hợp ấy, như thánh Bênađô nói, không phải là bạn vâng phục bề trên, mà là bề trên vâng phục bạn!

Đôi khi người ta phải từ bỏ ý kiến hoặc kế hoạch của mình, mặc dù nó hợp lý và đúng đắn. Tuy nhiên, nếu lệnh truyền của bề trên trái với lương tâm của bạn, trái với các điều răn của Chúa hoặc trái với đức bác ái, khi ấy điều mà bạn phải vâng phục không phải là lệnh truyền của bề trên mà là lệnh truyền tối thượng của Thiên Chúa. Nếu và khi trường hợp như vậy là xác thực, mọi phần tử phải có tự do nội tại, đức tin vững chắc và lòng can đảm để không tuân theo lệnh bề trên. “Ở đâu có Thần khí Thiên Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3:17). Dù sao đi nữa, trong vấn đề này không nên kết luận vội vã hay vì căm ghét.

Nếu bề trên ích kỷ hoặc bè phái, và truyền lệnh không vì lợi ích của cộng đoàn hay của phần tử có liên quan, thì cách hành xử của bề trên trở thành lợi dụng chức vụ. Điều này cũng đúng khi bề trên có hành động trả thù vì oán giận hay bất mãn cá nhân. Dưới đây là một câu chuyện có thật:

Một vị giám tỉnh chỉ định một trong các linh mục của ngài đứng đầu một chức vụ mới thiết lập. Vị linh mục này cảm thấy mình không đủ khả năng, và trình bày như thế. Vị giám tỉnh bảo đảm: “Bây giờ cha cứ bắt đầu đi; sau này chúng ta sẽ tính”. Sau vài năm phục vụ trong chức vụ này, vị linh mục xin giám tỉnh cho mình đi học thêm trong vòng hai hoặc ba tháng. Vị giám tỉnh nói, “Ồ được, nhưng sao cha lại chỉ đi hai, ba tháng. Hãy đi châu Âu hay châu Mỹ gì đó, vài ba năm, lấy cái bằng đại học toàn phần rồi trở về”. Vị linh mục tưởng là mình được nhiều hơn mình xin. Ngài thu xếp để xin vào một đại học ở Âu châu dự một khóa học kéo dài 20 tháng và thậm chí ngài có thể ở đấy. Tất cả mọi lá thư ngài viết, và mọi lá thư ngài nhận được liên quan đến việc này, ngài đều trình cho giám tỉnh, người chuẩn nhận từng lá thư. Thậm chí ngài còn ngồi cùng giám tỉnh để bàn thảo việc chọn chương trình học.

Đã đến lúc vị linh mục đem hồ sơ đã hoàn tất đi gửi đến trường đại học. Bấy giờ vị giám tỉnh nói với ngài, “Làm sao chúng tôi để cha đi được? Cha rất cần cho công việc. Cha sẽ không đi nữa”. Mặc dù không vui, vị linh mục vẫn khiêm tốn chấp nhận sự thay đổi này. Ít lâu sau, vị giám tỉnh gửi một người khác đi học, người này được cho là thân cận với ngài, mặc dù chẳng có kế hoạch cụ thể gì.

Một thời gian không lâu sau đó, giám tỉnh yêu cầu vị linh mục nghỉ việc để nhận một trách nhiệm khác. Vị linh mục trả lời, “Cha đã không cho tôi nghỉ việc để đi học như chính cha đề nghị. Từ đó đến nay không có ai mới để đảm nhận công việc của tôi. Sao bây giờ cha lại bảo tôi nghỉ việc?” Thế là bùng nổ sự thù hận. Linh mục ấy chẳng được trao trách nhiệm mới cũng chẳng được tiếp tục công việc cũ. Thay vào đó, ngài bị giáng xuống làm phụ tá tại chính văn phòng của mình, và người phụ tá của ngài lên làm sếp. Vị linh mục bị cáo gian là làm việc riêng của mình chứ không làm công việc theo chức vụ. Như vậy là linh hoạt viên thiêng liêng của cả tỉnh dòng đã thêm sự dối trá vào sự bất công. Xét cho cùng, ngài cần một cái cớ để trừng phạt linh mục kia vì đã nói sự thật.

Văn hóa tâm linh hiện đại mong muốn người tu sĩ đạt tới sự trưởng thành trong Chúa Kitô để có thể lãnh nhận các trách nhiệm. Người tu sĩ ngày nay không muốn bị coi là những nạn nhân bất lực bị sát tế trên bàn thờ vâng phục, thứ vâng phục bóp nghẹt tự do và óc sáng tạo của cá nhân. Thay vào đó, họ muốn cho thấy họ có thể sống đức vâng phục mà không cắt bỏ tự do mà Tin mừng đã dạy và không tránh né trách nhiệm. Các bề trên có nghe thấy không?

NHƯ CÁC TÔNG ĐỒ CHUNG QUANH CHÚA GIÊSU

Những người trẻ ngày hôm nay – dù họ là tu sĩ – muốn khám phá ra ý muốn của Thiên Chúa không phải chỉ trong lời nói của một cá nhân, nhưng qua việc trao đổi ý tưởng và qua những cuộc thảo luận trong cộng đoàn hoặc trong nhóm. Họ muốn thấy mình như các tông đồ chung quanh Chúa Giêsu. Bình đẳng và đồng trách nhiệm là điều quan trọng đối với họ. Đây là một đường hướng đúng. Quyền bính mà đòi buộc vâng phục qua sự sợ hãi, áp lực và sức mạnh của lề luật là thứ quyền bính ấu trĩ và yếu ớt. Sự vâng phục đích thực thì tự do và yêu mến. Nó đưa tới sự trưởng thành. Trái lại, sự sợ hãi đẩy lùi chúng ta trở lại giai đoạn trẻ con, ngăn cản tâm trí tự do và trưởng thành nhân cách.

Nền tảng của vâng phục là lề luật của Chúa Kitô, Đấng làm cho chúng ta tự do (x. Ga 5:1). Đây là lề luật của Thần khí, Đấng đem lại sức sống cho chúng ta trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô và làm cho chúng ta được tự do khỏi luật của tội và sự chết (x. Rm 8:2). Có như vậy, vâng phục mới là chấp nhận tất cả những gì cần thiết, với sự tự do hoàn hảo và ưng thuận đầy đủ, vì đó là một phần trong thánh ý Chúa. Vì thế, vâng phục còn là trung thành với quyền bính hợp pháp.

Thật là không phải khi tu sĩ trút bỏ tất cả tự do và trách nhiệm lên vai bề trên. Làm như vậy không phải là vâng phục. Đồng thời, mục tiêu cao quý thi hành ý Chúa, thực hiện công việc Chúa trao, trung thành với tin mừng, duy trì sự bình an trong cộng đoàn, v.v… đòi hỏi mỗi người phải đặt ra một số giới hạn cho tự do cá nhân của mình. Tự do mà không kiểm soát được chỉ đem lại tai hại.

Có thể trong một vài trường hợp, bề trên buộc phải giới hạn tự do của người này hay người kia và buộc vâng phục. Làm như thế là vì lợi ích của cá nhân hoặc của nhóm, để tránh cái xấu, để sửa chữa cái sai lầm, để bảo vệ cộng đoàn khỏi bị thiệt hại, v.v… Không được để sự lạm dụng tự do của một cá nhân gây nguy hiểm cho sự bình an, thanh danh, hạnh phúc hay sứ vụ tông đồ của cộng đoàn.

Thiên Chúa tạo dựng chúng ta tự do. Phúc lành hay nguyền rủa đều có thể xảy đến cho chúng ta (x. Đnl 11:26-28). Tùy chúng ta chọn lựa. Tùy chúng ta quyết định. Chúng ta chịu trách nhiệm.

Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết cái gì là tốt. Nếu chúng ta chọn điều tốt, chúng ta sẽ được lợi ích từ điều tốt; nếu chúng ta chọn điều xấu, chúng ta sẽ phải chịu hậu quả. “Tôi đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), vâng phục Người và trung thành với Người, vì như thế anh (em) và con cháu anh em sẽ được sống lâu trên đất…” (Đnl 30:19-20). Tự do và trách nhiệm là hai mặt của một đồng xu.

Tùng phục quyền bính con người để đồng nhất hơn với Chúa Giêsu, Đấng, vì yêu mến Thiên Chúa, đã từ khước ý riêng của mình và làm hơn cả lề luật đòi hỏi (x. Mt 17:24-27), là một khía cạnh quan trọng của vâng phục. Từ khước không phải là để hủy diệt tự do, nhưng là để sử dụng tự do cách tốt nhất. Càng mong muốn trộn lẫn yêu mến với vâng phục, Chúa Thánh thần sẽ càng thánh hóa chúng ta và làm cho chúng ta được tự do về tinh thần và tâm linh, vì Người là Thần khí của tự do.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm 1 Pr 3:13-17; Pl 2:5-11; Mt 17:24-27
2. Tại sao bạn vâng phục? Điều gì làm cho bạn tuân giữ lề luật và thực thi các lệnh truyền?
3. Bạn có vui vẻ vâng phục, ít nhất là hầu hết mọi lúc? Theo thang điểm từ 1-10, đâu là mức độ tự do của bạn trong vâng phục?
4. Bạn có tự do và tin tưởng vào bề trên của bạn? Tại sao bạn không thể vâng phục một lệnh truyền đặc biệt?
[1] Chân phước Alfonsa Clerici, sinh năm 1860, sinh tại Milan, nước Ý. Đang là giảng viên đại học, ngài gia nhập dòng Các Nữ tu Bửu huyết Chúa Giêsu, tiếp tục dạy học và lãnh đạo nhà trường. Ngài qua đời năm 1930, được Đức Giáo hoàng Benedict 16 tuyên phong Chân phước ngày 1-7-2010.
114.864864865135.135135135250