03/10/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

152

Cha Abraham là bề trên của một cộng đoàn lớn. Vào ngày đã ấn định để cộng đoàn đi chơi chung, một vài việc bất ngờ xảy ra đòi hỏi cha bề trên phải ở nhà, do đó ngài không thể đi với cộng đoàn. Tại điểm picnic, cộng đoàn mua một ít thịt heo, quay lên và thưởng thức. Buổi chiều khi trở về nhà, anh em mang một phần cho cha bề trên. Cha Abraham nói, mặc dù thịt nguội rồi, nhưng cử chỉ ân cần và thương mến của anh em làm cho cha cảm thấy ấm lòng. Những cử chỉ quan tâm nho nhỏ như thế, bày tỏ với bề trên hay do bề trên, đều cho thấy một mối tương quan tốt đẹp.

Quyền bính hợp pháp, một hình thức phục vụ và nhằm ích lợi của những người trong sự chăm sóc của quyền bính ấy, là nền tảng của mối tương quan này.

NGUỒN MẠCH QUYỀN BÍNH TU TRÌ

“Ông có quyền trên tôi là vì Thiên Chúa đã ban cho ông quyền ấy”, Chúa Giêsu nói với Philatô như thế (Ga 19:11). Đâu là nguồn mạch quyền bính của bề trên nhà dòng. Trước câu hỏi này, thường có hai câu trả lời trái ngược nhau.

Một đàng, có những người nắm giữ mọi quyền bính từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói, “Tôi đã được ban cho mọi quyền bính trên trời dưới đất” (Mt 18:18). Qua Chúa Giêsu, Thiên Chúa chia sẻ quyền bính của Người với các Tông đồ và các đấng kế vị các ngài: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; ai chối bỏ anh em là chối bỏ Thầy; và ai chối bỏ Thầy là chối bỏ Đấng đã sai thầy” (Lc 10:16). Những vị đã được chỉ định ấy lại chuyển trao một số quyền bính của mình cho các bề trên. Vì thế, “những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập” (Rm 13:1).

Đàng khác, có những người cho rằng ý tưởng dân chủ về chính trị là nền tảng của quyền bính. Quyền bính được trao cho dân chúng. Nhân danh đa số dân chúng, một số người được chọn để tổ chức và hướng dẫn đời sống chung, và quyền bính phải được trao cho họ (x. Xh 18:15-23). Quyền bính là trách nhiệm mà dân chúng ủy thác cho những đại diện mà dân chúng đã chọn lựa.

Chúng ta thấy gì trong Thánh kinh? Đấng Cứu thế của nhân loại đã được Chúa Cha hằng hữu tuyển chọn và sai đi. Về phần mình, Đấng Cứu thế gọi đến với mình những kẻ Người muốn và Người thiết lập Giáo hội. Ý tưởng về Giáo hội cũng như cơ chế của Giáo hội không tùy thuộc vào sự chọn lựa của dân chúng. Phêrô trở thành đầu của Giáo hội không qua cuộc bầu cử công khai, nhưng qua sự chỉ định trực tiếp của Chúa Kitô. Tất cả những điều này cho thấy rằng quyền bính trong Giáo hội đi xuống bậc dưới, chứ không đi lên bậc trên.

Chúa Thánh thần thiết lập các hội dòng trong Giáo hội và chỉ định các đấng sáng lập để soạn ra dự án cơ bản. Đức giáo hoàng, Đại diện Chúa Kitô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh thần, xem xét dự án đó. Tòa thánh chia sẻ một phần quyền bính của mình với các bề trên dòng tu. Vì thế, Công đồng Vatican II khuyên nhủ, các tu sĩ hãy coi các bề trên của mình như những người hành động nhân danh Thiên Chúa (x. PC 14). Thiên Chúa là nguồn mạch quyền bính của các bề trên dòng tu.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU CÓ MỘT THẦY Ở TRÊN TRỜI

Mỗi người chúng ta phải giải trình về đời sống của mình với duy một mình Thiên Chúa. Bổn phận của các bề trên là làm cho các bề dưới được biết ý Thiên Chúa. Đưa ra những quyết định độc đoán và không hạn chế, đồng thời thiết lập sự thống trị trên người khác là điều không phù hợp với bề trên. Khi Philatô tuyên bố rằng ông ta có quyền, Chúa Giêsu cho ông ta biết rằng ông ta chẳng có quyền gì nếu từ trên không ban xuống cho (x. Ga 19:11). Rõ ràng đây là một lập trường có tính giải phóng; lập trường này dạy rằng nơi trú ẩn cuối cùng của chúng ta không phải là những con người bị giới hạn, quanh co và ích kỷ, nhưng là Thiên Chúa yêu thương và tốt lành vô biên. Đồng thời lập trường ấy cũng nhắc chúng ta về trách nhiệm nặng nề là phải phục tùng anh/chị em là những người chỉ cho chúng ta thấy ý muốn của Thiên Chúa.

Vậy, tâm tính của những người hành xử quyền bính phải như thế nào? Thánh Phaolô chỉ đường cho họ, “Người làm chủ cũng hãy đối xử như thế với nô lệ. Đừng doạ nạt nữa: anh em biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Ep 6:9).

Lời khuyên nhủ mà thánh Phaolô đưa ra vào thời chế độ nô lệ và chủ nhân, cũng vẫn có ý nghĩa cho chúng ta, mặc dù thời nay coi như không còn chế độ chủ nô nữa. Nếu ngay cả nô lệ mà còn phải vâng lời không vì sợ hãi nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa, chân thành và với tinh thần phục vụ (x. Ep 6:5-7), thì những người theo đuổi đời sống tu trì vâng phục vì tự do chọn lựa, không phải vì sợ hãi, lại không phải là điều đáng ước mong sao? Nếu chủ nhân đe đọa nô lệ của mình là không đúng, lẽ nào chúng ta có thể biện minh cho người nắm giữ quyền bình đe dọa các tu sĩ là anh/chị em của mình?

Người nắm giữ quyền bính chân thực là người có khả năng, phát triển, giúp hoạch định dự án để hiện thể hóa khả năng của những người đã được trao phó cho mình coi sóc. Đây là việc phục vụ cần thiết của quyền bính.
Bề trên chỉ là trung gian giữa Thiên Chúa và cộng đoàn. Khi một trung gian không còn minh bạch nữa, và thay vì phục vụ ý muốn của Thiên Chúa thì lại phục vụ những mục tiêu ích kỷ của mình và cố tìm cách kéo dài, thì trung gian đó không còn phải là nơi mà cộng đoàn có thể gặp gỡ Thiên Chúa; trung gian ấy trở thành kẻ tiếm đoạt quyền bính của Thiên Chúa. Cách duy nhất để thoát khỏi sự lừa dối này là kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa của các phần tử. Bất cứ điều gì mà trung gian nhân loại có thể tỏ lộ, điều ấy phải được chứng nghiệm bằng tiêu chuẩn là sự gắn bó với Thiên Chúa trong cầu nguyện. Sự cộng tác thương yêu giữa bề trên và bề dưới trong việc tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa mỗi ngày là điều thiết yếu cho sức khỏe của đời sống tu trì.

NHỮNG MONG ƯỚC LỚN LAO

Thánh nữ Clare kể lại kinh nghiệm của ngài ở Phi châu:

“Tôi cùng với ba chị em khác được sai đi mở một cộng đoàn tại Phi châu. Tôi vui sướng vì một trong số ba người ấy (tôi gọi là Lisa) là một người Ấn Độ giống như tôi. Chúng tôi là người cùng một miền và nói cùng một thứ tiếng. Tôi nghĩ là sẽ dễ dàng nhiều cho tôi trong việc xây dựng một cộng đoàn và vun trồng sự hiệp thông với người Ấn Độ hơn là với những người khác. Tuy nhiên, tôi chẳng cần mất nhiều thời gian để nhận ra rằng mỗi người trong ba chị em ấy đều là hồng ân cho người khác, và rằng không thể xây dựng sự hiệp thông thực sự cho tới khi với lòng biết ơn và đức tin, tôi chấp nhận mỗi người ấy như họ là. Từ lúc ấy chúng tôi bắt đầu tăng trưởng trong sự hiểu biết, tha thứ và cầu nguyện với nhau.

“Với Lisa, tôi đã hình thành một số ước vọng không thực tế, nên khi những ước vọng ấy không thực hiện được, tôi đã thất vọng. Tôi mong là chị ấy sẽ hỗ trợ tôi trong các chọn lựa của tôi, sẽ đứng bên cạnh tôi trong những quyết định của tôi, và thực hiện những ước muốn của tôi mà không chống đối. Bây giờ tôi nhận ra rằng những ước vọng ấy là không thực tế, cho dù khi ấy tôi cho rằng chúng hoàn toàn hợp pháp và tôi kiên định với những ước vọng ấy. Tôi cảm thấy không thoải mái với vai trò bề trên của tôi đến nỗi trong vòng hai năm tôi đã muốn thấy nhiệm kỳ của mình chấm dứt.

“Tạ ơn Chúa là tình hình đã biến chuyển sớm. Trong một cuộc tĩnh tâm năm, tôi kiểm điểm tất cả những gì đã xảy ra. Việc ấy đã khiến tôi phải xem lại những ước vọng của tôi về mỗi thành viên trong cộng đoàn một cách thực tế hết sức.

Thế rồi sự việc thay đổi. Khi tôi rời cộng đoàn vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, tôi cảm thấy tâm hồn nặng trĩu. Tôi biết là tôi rất nhớ chị em của tôi. Chúng tôi đã đi với nhau một chặng đường dài từ những ngày đầu. Chúng tôi đã lớn lên cùng nhau và tôn trọng hồng ân của mỗi người trong cộng đoàn. Tất cả chúng tôi đều nhìn nhận rằng một nhân tố đem lại sự hiệp nhất cho chúng tôi là sự tha thứ được trao ban và được nhận lãnh. Tôi tin chắc rằng sự tha thứ là thuốc thử đích thực cho sức khỏe của bất cứ cộng đoàn nào”.


Những ước vọng to lớn, nếu không hợp lý, có thể đưa đến những thất vọng và mâu thuẫn lớn. Đời sống cộng đoàn đòi hỏi có sự hiểu biết nhiều. Dĩ nhiên, mâu thuẫn là một phần trong đời sống. Thế nhưng, một bề trên và những người đồng hành ít độc tài, ít đòi hỏi và nhiều thích nghi, có thể làm nhẹ đi những bất đồng và làm êm dịu sự bùng nổ.

VÂNG PHỤC MÙ QUÁNG

Không phải tất cả những quyền bính hợp pháp đều nói điều cần là ý muốn của Thiên Chúa. Xét như lời nói của bề trên vọng lại Lời Chúa, thì lời ấy trở thành trung gian nói lên ý muốn của Thiên Chúa cho bề dưới. Còn nếu chỉ vì là một lời của bề trên, lời ấy không trở nên tiếng nói của Chúa được. Trái lại, khi lời của bề trên phù hợp với tin mừng, lời ấy trở thành tiếng nói của Chúa theo một nghĩa nào đó. Trong trường hợp ấy lệnh truyền của bề trên diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nếu không, đó chỉ là một trường hợp khôn ngoan, một trường hợp thực thi quyền bính của con người, thậm chí là một sai lầm.

Vâng phục mù quáng là một ma lực; chẳng phải đức tin cũng chẳng phải tình yêu. Coi ý muốn của con người như ý muốn của Thiên Chúa là cố gắng lèo lái Thiên Chúa và điều chỉnh Người như mình muốn. Việc này chẳng qua là thờ ngẫu tượng, cố gắng hạ Thiên Chúa xuống khỏi ngai của Người và đặt con người lên đó. Chính Chúa đã mượn lời ngôn sứ Isaia mà phiền trách: “Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7:7-8).

Không phải mọi sự được coi là thánh đều là thánh. Huấn thị của thánh Phaolô về việc che đầu (x. 1 Cr 11:3-16) là một thí dụ. Ngài trích dẫn nhiều lý do khác nhau trong Thánh kinh và trong thiên nhiên. Nhưng ngài kết luận, “Nếu có ai nghĩ mình phải cãi lý, thì đó không phải là thói quen của chúng tôi, cũng như không phải là thói quen trong các Hội thánh của Thiên Chúa”. Ngài đã đã nói như thế khi đưa ra những chỉ dẫn về cách ăn nết ở trong cộng đoàn. Trái lại, khi nói về bí tích Thánh thể, Ngài nói: “Điều tôi đã nhận được từ Chúa thì tôi truyền lại cho anh em” (1 Cr 11:23). Không phải là quyền bính cá nhân, nhưng nội dung lệnh truyền của ngài cho thấy đó là ý muốn của Thiên Chúa. Trong trường hợp phép Thánh thể, Chúa Kitô nói qua Phaolô. Những gì thánh Tông đồ bộc lộ không phải là sở thích nhất thời của ngài nhưng là ý muốn của Chúa.

Trong cộng đoàn của mình, các bề trên, đại diện cho Chúa Kitô, phải vâng phục ý muốn của Thiên Chúa một cách không điều kiện như Chúa Kitô, và không ngừng tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa trong cầu nguyện, như Đức Trinh nữ Maria. Họ phải cố gắng với quyết tâm vững chắc và với sự dịu dàng để duy trì trong cộng đoàn một bầu khí yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, hướng dẫn và làm gương. Họ phải thực hành tinh thần phục vụ qua sự hiện diện và thái độ sẵn sàng của họ trong cộng đoàn, và thực lòng quan tâm tới cộng đoàn.

PHƯƠNG THẾ VÀNG ĐỂ SỬ DỤNG QUYỀN BÍNH

Một nữ tu lớn tuổi viết như sau, “Một cộng đoàn nên có một bề trên là linh hoạt viên tâm linh. Bề trên phải là người có cá tính mạnh, có phẩm chất lãnh đạo, có tầm nhìn của Giáo hội, một người có thể linh hoạt cộng đoàn về tâm linh và đẩy mạnh sự tăng trưởng của các phần tử và nhiệt huyết tông đồ.

“Suốt 6 năm tôi ở trong một cộng đoàn có 23 nữ tu. Chị bề trên còn trẻ, vào khoảng 40. Cộng đoàn chúng tôi có người già, người trẻ, người đau ốm, người khỏe mạnh, người học thức, ngưới ít học. Lại cũng có một người bị suy nhược thần kinh. Một số lớn chị em là những người nghỉ hưu từ nhà trường. Nhưng chúng tôi có một tinh thần cộng đoàn đáng mến, với nhiều hành vi cho đi và nhận lại, chia sẻ, thông cảm, v.v… Những cuộc giải trí buổi tối khá sống động giúp cho chúng tôi lấy lại năng lượng mới để bắt đầu cho ngày hôm sau. Có lòng yêu thương nhau, tha thứ, ân cần, chia sẻ, giao tiếp.“Dĩ nhiên bề trên chúng tôi đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đoàn. Chị ấy là con người cầu nguyện, là gương mẫu cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi cần những bề trên như thế trong các cộng đoàn.”

Việc của bề trên không phải là phô diễn quyền bính nhưng là yêu thương và phục vụ. Phương thế vàng trong việc sử dụng quyền bính là tôn trọng và khuyến khích anh/chị em trong cộng đoàn, và khi cần, sửa lỗi họ với lòng yêu thương dịu dàng và sự thuyết phục tế nhị. Đấng có mọi quyền bính trên trời dưới dất (x. Mt 28:18) dạy, “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:25-28).

Quyền bính của bề trên nhà dòng là một hồng ân do Chúa Thánh thần ban, để hướng dẫn tất cả các phần tử của cộng đoàn đến với Chúa Kitô là đầu và là Chúa, và để nuôi dưỡng Giáo hội, thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, thái độ và hoạt động của bề trên phải làm cho các phần tử có thể cảm nghiệm được tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho họ. Chính trách nhiệm của bề trên là hiệp nhất tất cả mọi phần tử nhờ đó họ có thể nhận ra và thi hành ý muốn của Thiên Chúa đối với họ. Điều này đòi hỏi người thực thi quyền bính cần phải vun trồng đức khiêm nhường sâu xa và thói quen cầu nguyện chân thành. Đó là cách thức để tiếp xúc với Thiên Chúa và để biết thánh ý Người (x. Mt 11:25-26). Chúa Giêsu muốn các môn đệ hãy có cùng một tinh thần như Người, vì Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mình làm giá chuộc nhiều người (x. Mc 10:42-45).

Theo cha James Alberione, việc quản trị trong dòng tu là “quản trị dân chủ, không tuyệt đối, không phải một lối quản trị chỉ biết ra lệnh hay áp đặt, nhưng đúc kết các tư tưởng và các đề nghị từ các phần tử, suy niệm và cầu nguyện với những tư tưởng và đề nghị ấy… Theo cách này sẽ dễ dàng tìm ra kế hoạch của Thiên Chúa, đồng thời, một khi mọi phần tử cảm nhận được trách nhiệm đóng góp cho hội dòng, họ sẽ nhận lấy trách nhiệm, sẵn lòng làm việc hơn nữa, và chấp nhận các quyết định, vì họ biết rằng chúng có giá trị”.

Khi một cộng đoàn tu trì trong đó mọi người đều góp phần tổ chức chính mình chủ yếu để khẳng định tình trạng của mình, quyền lực hoặc danh tiếng của mình, khi ấy cộng đoàn tự rút lui khỏi việc quên mình phục vụ Đấng Thánh trong thế giới. Lúc đó sẽ sinh ra những luật lệ, những quy định, những tập tục và những tham vọng chuyên chế làm tàn lụi sự hiện diện trọn vẹn và trung thực của các phần tử trước những đòi hỏi của ý nghĩa và sứ mạng đích thật (x. A. Van Kaam, Hoàn thiện nhân cách trong đời tu, 124).

Qua việc rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã cho thấy rõ rằng quyền bính là để phục vụ, rằng quyền bính phải khiêm tốn và sẵn sàng hy sinh: “Thầy là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, vậy thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13:14). Quyền bính trong nhà dòng là tham dự vào quyền bính hướng tới sự phục vụ như của Chúa Giêsu. Người cầm quyền không phải là để chúng ta chống lại mà cũng chẳng phải để chúng ta sợ, vì họ là những người đầy tớ của Thiên Chúa làm việc cho thiện ích của chúng ta (x. Rm 13:1-4).

MỤC TIÊU ĐÚNG ĐẮN CỦA SỰ VÂNG PHỤC

Mục tiêu của sự vâng phục phải là sự hiệp nhất giữa người vâng phục và Thiên Chúa, Đấng có quyền trên sự vâng phục. Vì thế, không một bề trên nào có thể trở thành chướng ngại vật cho sự hiệp nhất này hay dùng lời nói hoặc việc làm mà đặt ra giới hạn cho sự hiệp nhất này. Bổn phận của bề trên không phải là ngăn cản bề dưới nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính mình phải trở nên trong suốt để bộc lộ Thiên Chúa. Là người cầm quyền, họ không được dùng nhân cách, cá tính, linh đạo của mình, v.v… một cách ích kỷ, vì họ cũng có một vị Thầy ở trên trời (x. Cl 4:1). Khi đức vâng phục của bề dưới và của bề trên cùng nhau cộng tác với công việc của Thiên Chúa, khi ấy đời tu sẽ trở nên có ý nghĩa và tốt đẹp. Nếu bề trên cấp cao hơn bao luôn quyền bính của bề trên cấp thấp hơn, sự cộng tác này chẳng ai khuyến khích bằng bất cứ cách nào.

Vì phải giải trình về việc phục vụ của họ (x. Dt 13:17), nên người có quyền bính phải chu toàn bổn phận phục tùng ý muốn của Thiên Chúa, giúp các phần tử cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa. Quyền bính trong nhà tu không độc tài cũng không dân chủ; đó là một cuộc mạo hiểm có tính cộng tác giữa các anh/chị em. Cả bề trên lẫn bề dưới đều cộng tác với Chúa Kitô. Là một bên trong sự cộng tác này, bề trên và các phần tử cộng tác với nhau. Khi những kênh cộng tác này được pha trộn và hòa hợp khéo léo, một lối sống chung sẽ được thành hình.

VÂNG PHỤC SỐNG ĐỘNG VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

Nếu mọi phần tử xác tín rõ rệt rằng lý do hiện hữu của hội dòng là để vâng phục Thiên Chúa và Giáo hội, khi ấy sự vâng phục sẽ trở nên dễ dàng và sinh ích lợi. Cũng vậy, các bề trên phải được coi như là anh/chị em, chính họ là những người thực thi đức vâng phục sống động và có trách nhiệm một cách thỏa đáng. Trong bầu không khí ấy, vâng phục sẽ có tính cách tự nguyện chứ không phải là sự hành khổ tâm trí. Như người ta nói, bạn không thể dẫn ai đi xa hơn khoảng cách chính bạn đã đi.

Trước khi quyết định một vấn đề quan trọng, bề trên nên tạo cơ hội cho các phần tử bày tỏ ý kiến một cách tự do và không sợ hãi. Điều này sẽ giúp thiết lập sự cộng tác giữa bề trên và bề dưới tốt hơn, và cổ võ sự thân thiện giữa người truyền lệnh và người vâng phục. Thánh Biển Đức (480-542) nói với các môn đệ rằng viện phụ nên triệu tập toàn thể cộng đoàn để lấy ý kiến của các phần tử, và rằng ngài nên hỏi ý kiến của những đan sĩ trẻ nhất và của những người mới vào tu.

Người nắm quyền mà quyết định vội vã là độc tài. Nếu người nắm quyền nói nhân danh Chúa Kitô và hiệp nhất với Thánh thần của Người, khi ấy họ có thể đại diện Chúa Kitô để giải thích vấn đề. Những người nắm quyền như vậy nên hành xử vai trò lãnh đạo nhân danh Chúa Kitô thay vì chỉ là người đứng đầu hội dòng của họ. Quyền bính sẽ xứng đáng trang hoàng cho địa vị của họ nếu họ thực sự là hình ảnh và đại diện của Chúa Kitô.

Lần kia một đan sĩ hỏi ý kiến viện phụ Poemen, một đan sĩ thánh thiện, về việc nhận trách nhiệm làm bề trên một cộng đoàn. Viện phụ Poemen trả lời, “Đừng trở thành một nhà làm luật, nhưng hãy làm gương cho họ”. Khi người bề trên cho thấy trong đời mình con người phải tùng phục sự lãnh đạo của Chúa Kitô và bắt chước Người như thế nào, phải vâng phục Thiên Chúa và hiệp nhất với ý muốn của Chúa Cha như thế nào, lúc ấy mới có thể huấn luyện và khuyến khích các phần tử vâng phục. Hãy nhìn xem gương Chúa Kitô. Người sống trên trần gian như môt đại diện của Chúa Cha không nhiều, nhưng như một người trực tiếp hiệp nhất nhân loại với Thiên Chúa. Người nói rằng Cha ở trong Người và Người ở trong Cha. Những lời người nói không phải là của Người, nhưng đến từ Cha (x. Ga 14:10). Đây là lý tưởng cho tất cả mọi bề trên.

KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI THAY THẾ THIÊN CHÚA

Trong ánh sáng Tin mừng, chúng ta thấy quyền bính nhân loại không phải là để thay thế Thiên Chúa. Khi người bề trên truyền lệnh cho bề dưới chỉ dựa trên những tiêu chuẩn nhân loại và thế tục, họ không hành động nhân danh Thiên Chúa. Như Công đồng Vatican II dạy, có thể nói bổn phận của người có quyền bính là trở nên hình ảnh hữu hình của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng đã trở thành con người, và như vậy là làm cho các Đấng ấy hiện diện (x. GS 21). Do chức vụ của mình, người có quyền bính có trách nhiệm đào tạo người thuộc quyền để họ lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và để công bố lời Chúa giữa nhân loại.

Những vị thế của quyền bính trong Giáo hội chỉ có lý do duy nhất là biểu thị quyền bính thiêng liêng của Chúa Kitô. Vì thế bề trên dòng tu cần phải thận trọng hiểu và đón nhận sự soi sáng của Chúa Thánh thần, Thần khí của Chúa Kitô. Vị thế của quyền bính là hồng ân Chúa Kitô trao ban và sử dụng để cứu độ và thánh hóa nhân loại. Trong một cộng đoàn kitô hữu, nhất là trong một cộng đoàn tu trì, cả quyền bính lẫn sự vâng phục đều được thiết lập trong Chúa Kitô (x. Rm 1:5).

Chúng ta đang nói về một mối tương quan đòi hỏi nhiều đối thoại. Những điều kiện để đối thoại chủ yếu là thái độ của những bên liên quan. Họ cần phải tin tưởng lẫn nhau, bày tỏ lòng nhân từ và khoan dung. Cũng cần phải biết những giá trị căn bản của nhau, và thảo luận mà không thỏa mãn trong độc thoại hay chèn ép lẫn nhau. Cần phải duy trì ý thức về sự công bằng và bình đẳng về quyền lợi.

Trong số những thái độ cần thiết cho đối thoại, trước hết là tính chính xác, tiếp theo là tính minh bạch và không sợ nguy cơ thay đổi niềm tin, xác tín hoặc niềm hy vọng. Điều này cũng nên làm trong trường hợp đối thoại với Thiên Chúa, tức là cầu nguyện. Các bên đối thoại nên chấp nhận nhau như họ là mà không thiên kiến. Có thể chấp nhận một người mà không chia sẻ ý tưởng của họ. Người ta phải chú ý, không phải tới một ai đó, mà tới những gì người khác nói. Chỉ có thể có đối thoại chân thực giữa những người yêu thương nhau, cho dù họ khác nhau.

Khi người ta bắt đầu thống trị hay áp đặt quan điểm của mình, khi ấy cuộc đối thoại chấm dứt. Và khi một người tấn công còn một người phòng thủ, khi ấy chiến tranh xảy ra.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm Rm 14:1-12; Mt 7:1-6; Lc 19:1-9
2. Giả sử bạn là bề trên cộng đoàn, bạn muốn cải thiện điều gì trong việc thực thi sự lãnh đạo?
3. Bạn có chia sẻ với các bề trên và đồng bạn trách nhiệm quyết định và thực hiện, hay bạn là một phần tử thụ động?
4. Đâu là quan điểm cá nhân của bạn về đức vâng phục tu trì?
114.864864865135.135135135250