17/09/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

1006
Sự hiệp thông (Koinonia) liên nhân vị, sự hiệp thông yêu thương giữa các phần tử, là chứng tá đẹp đẽ nhất và khẩn thiết nhất của cộng đoàn. Thực vậy, đó là lời rao giảng tin mừng đầu tiên và không thể thiếu, cho dù nó cũng rất tế vi và vất vả. Các phần tử trong cộng đoàn tu trì hiệp nhất với nhau một cách tự do trong sự hiệp thông cuộc sống để nhập thể tình yêu ở nơi Ba ngôi Thiên Chúa vào trong thời gian. Chúa Kitô là nguồn mạch và trung tâm của mối tương quan sâu xa này. Như vậy cộng đoàn trở thành dự báo và tiên trưng cho Nước Trời nơi trần gian.


Chiếc đồng hồ có thể vận hành mà không cần thay đổi cái gì bên ngoài nó. Để vận hành hoàn hảo, nó không cần tùy thuộc vào bất cứ ảnh hưởng nào bên ngoài, mà nó cũng không cần sản sinh ra bất cứ hiệu ứng trực tiếp nào ở bên ngoài. Dù nó có vận hành hay không vận hành, nó vẫn không tương thích với bầu khí chung quanh. Nó có một hệ thống đóng kín.

Một cái cây bình thường nhận tác động từ bên ngoài và sinh ra một tác động bên ngoài nó. Nó sinh ra sự thay đổi nơi chính nó và chung quanh nó. Để lớn lên, nó nhận lãnh ánh sáng và sức nóng`từ mặt trời và độ ẩm từ đất. Nó cũng phóng ra dưỡng khí, nuôi nấng đời sống súc vật, đồng thời bảo vệ và nuôi dưỡng đời sống con người. Nơi cây cỏ, có cho và nhận. Đó là một hệ thống mở. Ở đâu có cây cỏ, ở đó có sự sống.

Nếu tổ chức của con người là một tổ chức đóng kín, nó sẽ trở thành cằn cỗi. Nếu nó mở, nó sẽ nhận lãnh và sản sinh cho thế giới những hiệu quả tích cực hoặc tiêu cực. Các hội dòng và các cộng đoàn tu trì phải là những hệ thống mở, bằng không sẽ tan rã trong một thời gian ngắn. Nếu các hội dòng và cộng đoàn không tạm ngưng để suy tư và đối thoại với nhau hòng tìm kiếm con đường phía trước thì sớm muộn sẽ kiệt quệ, nhầm lẫn, chán nản và chết.

Không khó để nêu ra những lý do:
  1. - tuyệt đối tập trung quyền bính,
  2. - hạn chế và cấm đoán, thiếu tự do cá nhân,
  3. - lạm dụng quyền hành,
  4. - giản lược con người vào đồ vật, vào dụng cụ,
  5. - ép buộc vâng phục ấu trĩ hoặc mù quáng,
  6. - phong cách cha chú hoặc trẻ con,
  7. - ngăn cản việc đào tạo trách nhiệm cá nhân,
  8. - chống lại sự phát triển nhân cách cùng những tài năng cá nhân,
  9. - đeo mặt nạ, hai mặt,
  10. - thiếu tôn trọng con người và tiếp theo đó là lèo lái người khác.

HỘI NHẬP VÀO NHÓM

Sự hòa đồng trong một nhóm hay cộng đoàn đòi hỏi sự hòa đồng của mỗi cá nhân. Sự hòa đồng cá nhân là một tiến trình tiệm tiến bao gồm ba giai đoạn.
Chủ nghĩa cá nhân là giai đoạn thứ nhất.

Bằng lời nói và việc làm, người ta bắt đầu bày tỏ kiến thức, tài năng, khả năng thể thao… và cố gắng thuyết phục người khác về những đóng góp giá trị mà mình có thể làm cho cộng đoàn. Những phần tử mới thường tham dự vào những cuộc trò chuyện tự kể về mình, để tìm kiếm sự chấp nhận và an toàn trong nhóm.

Đồng hóa là giai đoạn thứ hai. Nhóm càng khác biệt thì khó khăn hội nhập càng lớn. Những người mới đến luôn luôn hội nhập chính mình vào những nhóm nhỏ. Linh hoạt viên của nhóm nên khích lệ những người ngoài lề tham gia tích cực vào những cuộc thảo luận của nhóm và học cách đồng hóa chính mình với toàn thể nhóm hoặc cộng đoàn.

Hội nhập, giai đoạn thứ ba, bắt đầu vào lúc người ta cảm thấy được chấp nhận và được tôn trọng hoàn toàn, cùng với những quyền lợi như những người khác. Linh hoạt viên nên khích lệ sự liên đới và bảo đảm bầu khí thân thiện và cảm thông.

Có hai điều kiện ủng hộ sự hội nhập của các phần tử trong cộng đoàn. Một là mọi người chấp nhận những khó khăn tự nhiên của đời sống và công việc trong cộng đoàn. Người ta phải chịu đựng khó khăn, học biết kiên nhẫn và hiền hòa, đồng thời chấp nhận những giới hạn của người khác. Điều kiện thứ hai là tính cách bổ sung. San bằng khó khăn cá nhân và củng cố sự đồng nhất là làm công việc hủy diệt sự hiệp thông huynh đệ. Trái lại, mọi người nên tôn trọng sự độc đáo của người khác và chấp nhận đa nguyên trong tính cách và trong não trạng.

Để tự mình, ai cũng thiếu sót. Ai nấy đều cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người khác. Trong công việc, học hành, luận bàn và cầu nguyện, các phần tử của cộng đoàn bổ túc lẫn cho nhau. Như vậy những khác biệt về quan niệm và khả năng không tạo nên xung đột giữa các phần tử, mà hỗ trợ việc bổ sung lẫn nhau và cộng tác với nhau.

Một hệ thống mở về giao tiếp sẽ làm cho việc hội nhập vào nhóm được dễ dàng. Khi tiến trình hội nhập tăng lên, các phần tử sẽ phát triển được khả năng nhạy cảm với nhau và đối thoại với nhau. Ý thức về sự hiện diện, cảm xúc và nhu cầu của người khác là điều rất quan trọng trong việc xây dựng cộng đoàn. Đừng để cho ai cảm thấy mình bị bỏ quên hoặc ở ngoài lề. Chăm chú lắng nghe và dùng trực giác mà đọc biết độc đáo tính của người khác là khởi đầu của sự đồng cảm. Ở đâu có sự đồng cảm, thì sự tham dự vào kinh nghiệm của người khác, sự liên đới giữa các phần tử càng sâu xa.

Sự cởi mở nơi một người có nghĩa là người ấy có thể liên kết với người khác mà không sợ hãi, thiếu tự tin, phòng vệ hoặc tìm kiếm sự an toàn. Sự cởi mở còn bao hàm mong muốn được trở nên phong phú nhờ người khác và làm cho họ được phong phú, học hỏi từ họ và họ có thể học hỏi từ mình. Sự cởi mở đòi hỏi tin tưởng vào chính mình và vào người khác.

TƯƠNG THUỘC VÀ TƯƠNG TÁC

Mỗi phần tử của nhóm tự đặt mình vào trong nhóm theo cách riêng của mình. Có người bày tỏ thái độ thống trị; người khác là thái độ tùng phục. Người trước thì ít nhiều tự do; người sau thì ít nhiều lệ thuộc. Mỗi người phát triển một đường lối chủ quan tùy theo nhu cầu cá nhân của người ấy. Có người cảm thấy thoải mái khi thống trị; người khác cảm thấy thoải mái khi được người mạnh hơn bảo vệ che chở. Nếu không có ai để cho mình bị thống trị, thì hạng người trước sẽ không thể hội nhập chính mình. Cũng vậy, nếu không có ai có khả năng ra lệnh và lãnh đạo, những người yếu sẽ cảm thấy không an toàn và bị đe dọa. Ở mức độ thực dụng, ai nấy đều tùy thuộc vào người khác. Điều này làm phát sinh và gắn kết sự liên đới.

Mọi phần tử trong một cộng đoàn đã hội nhập đều quan tâm duy trì status quo (nguyên trạng) của sự quân bình nói chung, vì sự an toàn của mọi người tùy thuộc vào đấy. Trong một cộng đoàn như thế, những cảm xúc vui mừng, sợ hãi, tin tưởng, hy vọng… đều được thông truyền và trao đổi. Ở nơi ấy tràn ngập bầu khí hiệp thông.

Tất cả mọi phần tử của bất cứ nhóm nào cũng đều tự ý và tự nguyện tìm kiếm sự thỏa mãn những nhu cầu của họ như hoạt động và nghỉ ngơi, giảm tải căng thẳng, giao tiếp, khẳng định, yêu thương… Trong một nhóm hay cộng đoàn đã hội nhập còn có những nhu cầu khác có tính liên nhân vị, đó là:

Bao hàm. Đây là nhu cầu của một người muốn cảm thấy mình được bao hàm trong nhóm. Khi một người cảm thấy mình được chấp nhận, được đón mời, và quyền bình đẳng được mọi người nhìn nhận, thì người ấy cảm thấy mình được bao hàm.

Kiểm soát. Mọi phần tử của nhóm đều cảm thấy nhu cầu xác định trách nhiệm cá nhân của mình và trách nhiệm của người khác. Ai nấy đều phải biết mình cần làm những gì, và phải hiểu những năng động lực nội tại và ngoại tại của nhóm. Nhu cầu kiểm soát là nhu cầu về sự an toàn. Người thiếu trưởng thành thì tránh né trách nhiệm, trong khi người trưởng thành thì chu toàn trách nhiệm của họ.

Lượng giá. Mỗi cá nhân đều có nhu cầu muốn được coi là quan trọng và yêu thương vì những gì người ấy là chứ không phải vì những gì người ấy làm. Những người thiếu trưởng thành thì vun trồng tình thân hữu có tính độc đoán và chiếm hữu. Nếu ai đó từ chối họ, có thể họ sẽ dửng dưng tuyên bố, “Tôi không cần ai cả. Tôi có thể tự lo liệu.” Trái lại, người trưởng thành thì củng cố mối dây liên đới và tình huynh đệ.

Có lần tôi nói chuyện với một chị bề trên, chị này có tiếng là độc tài độc đoán. Chị ấy rất không hạnh phúc và cay đắng than phiền vì chị em không cộng tác. Chị ấy nói, “Tôi không cần họ. Tôi biết cách làm việc tốt mà không cần có họ”. Dĩ nhiên, một khi con cáo không thể nhảy cao đủ để với tới chùm nho, nó nói, “Nho này chua!” Tôi bình thản nhắc cho chị, “Chị có ý thức những gì chị nói cho tôi nghe cho tới lúc này không? Đó là vấn đề chị thất bại trong việc cần đến họ”. Tôi nói với chị rằng nếu không có các phần tử, sẽ không có cộng đoàn, và nếu không có cộng đoàn thì bề trên chẳng là cái gì cả. Đáng mừng là trong vòng 15 phút, chị đã nhìn nhận là chị cần họ còn hơn là họ cần chị. Lời tuyên bố tự mãn của chị rõ ràng là màn khói che đậy sự mất an toàn về cảm xúc của chị.

Xin cho tôi trích lời một nữ tu ở một hội dòng khác viết cho tôi: “Có thời gian tôi phục vụ ở ngoài cộng đoàn. Khi ấy tôi 26 tuổi. Theo dòng thời gian, nảy sinh một vài khó khăn trong tương quan với một vài người ở ngoài cộng đoàn. Tôi không ý thức được mức độ trầm trọng của hoàn cảnh cho tới khi hai người bạn của tôi cho tôi biết người này đã nói gì với họ. Thậm chí người ấy còn tới nhà chúng tôi. Tôi hoảng hốt, và cảm thấy lạc lõng. Tuy nhiên, có lẽ các chị em hiểu chuyện gì đang xảy ra với tôi. Ngày nọ, một chị lớn nhất gọi tôi lại và bảo: “Nghe này, chúng tôi tin tưởng ở chị”. Tôi nhận được tin nhắn của bề trên giám tỉnh sai phái tôi một mình đến một nơi mà chưa ai trong chúng tôi từng đến. Những người mà tôi gặp có lẽ cũng nhận được tin nhắn ấy. Họ nói: “Thưa sơ, sơ đã đến một mình. Hẳn là bề trên của sơ tin tưởng sơ”. Sự tin tưởng này đã tác động kỳ diệu trên tôi.”

Sự tin tưởng lẫn nhau phát xuất từ tình bạn làm cho sự trao đổi các giá trị cá nhân như kinh nghiệm, sáng kiến, trực giác trở nên dễ dàng. Người gieo giống gieo hạt tốt, họ gặt hái được mùa màng phong phú của sự cộng tác, bình an, huynh đệ, việc tông đồ hiệu quả.

Trong một nhóm hội nhập tốt, không ai sống hay hành động một mình nhưng trong cái nhìn về thiện ích chung. Sự lệ thuộc cá nhân biến đổi thành sự tương thuộc huynh đệ, có tính đối thoại; sự tương thuộc này làm gia tăng sự hiệp nhất. Sức mạnh của một cộng đoàn tu trì, trong thực tế, của bất kỳ một nhóm nào, sức sống nhân bản, chuyên môn và tâm linh của cộng đoàn ấy, phát xuất từ sự hiệp nhất của các phần tử.

MỘT VÀI KHÓ KHĂN CHUNG

Những phần tử lớn tuổi có khuynh hướng mong chờ quá nhiều ở các phần tử trẻ tuổi. Họ trông chờ sự hoàn hảo ở nơi các anh/chị em hoặc linh mục trẻ đang khi chính họ cũng thất bại trong nhiều chuyện. Việc những người lớn, thậm chí những người đồng hành, luôn luôn vạch lá tìm sâu và cằn nhằn chỉ trích rất có thể gây chán nản.

Trong những năm đầu đời tu trì, người ta cần được tôn trọng đúng mực, khích lệ và hỗ trợ. Các bề trên, các giáo sư, và những thành viên lớn tuổi không quan tâm đến những điểm tích cực này.
Thiếu cơ hội bộc lộ và phát triển khả năng của mình để làm cho những khả năng ấy sinh hoa trái có thể là một trở ngại trầm trọng trong đời sống của một tu sĩ. Đôi khi xảy ra là tài năng của người ấy ngủ yên vô dụng một thời gian dài vì nhiệm vụ mà bề trên chỉ định.

Có những tu sĩ quá đỗi thiêng liêng. Đôi khi họ quên rằng người khác cũng là con người và cũng cần cảm nghiệm sự giao tiếp nhân bản. Có những người quá đỗi “thánh thiện” và chẳng để ý gì tới những vấn đề trần thế và những vấn đề của con người khiến cho người khác cảm thấy khó khăn khi sống với họ.

Nghiêm khắc quá, đồng nhất vì ép buộc, nhấn mạnh đến thời khóa biểu và luật lệ chung một cách không thực tế, thành ra không dành khoảng trống đủ cho những chuyện khẩn cấp của con người, những nhu cầu bất thường, v.v… Cần phải nhớ rằng ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát. Cần có sự linh động, điều chỉnh và tinh thần thích nghi.
Nghi ngờ và thiếu tin tưởng là những cái làm suy yếu tinh thần hiệp nhất. Chia sẻ của chị Vimala có thể chỉ ra điều này: “Là một tu sĩ trẻ, tôi có kinh nghiệm tốt về việc xây dựng đời sống của tôi trong cộng đoàn. Bề trên của tôi là một con người chu đáo. Ngài cư xử với tôi một cách tôn trọng. Nhờ đó tôi có cơ hội làm việc với tinh thần trách nhiệm. Vào giai đoạn này, thái độ tin tưởng của bề trên góp phần rất lớn giúp xây dựng cuộc đời của tôi.”

So sánh và đối nghịch người này với người kia có thể đưa đến phán đoán vội vàng, cảm thông quá mức hoặc ác cảm, hoặc thiên vị. Thái độ này rất có thể không có tính xây dựng và làm nhụt chí đặc biệt là các phần tử trẻ.
Đó là những khó khăn chung mà người tu sĩ thường gặp. Những khó khăn ấy không phải là không thể vượt qua được miễn là các bên liên quan có thiện chí. Phương thuốc hệ tại nhận ra nguyên nhân và thực hiện điều ngược lại.

GIAO TIẾP VÀ ĐỐI THOẠI

Một nhóm hoặc một cộng đoàn mà không có sự chia sẻ cá nhân thì không phải là một nhóm có sự sống hay một cộng đoàn thực sự, trong đó không có đối thoại và không có sự luân chuyển sự sống. Một nhóm mà trong đó các phần tử không thể chân thành và đơn sơ như con trẻ, thì hơn kém là một cộng đoàn đạo đức giả, có lẽ họ không biết và chắc chắn là không muốn như thế.

Nhân tố cơ bản trong giao tiếp là bộc lộ chính mình. Biểu lộ một nội dung tri thức thì tương đối dễ. Nhưng biểu lộ tâm tình của mình thì khó. Tại sao vậy? Vì quan niệm sai lầm cho rằng cảm xúc là xấu; vì những điều kiện có tính cảm xúc như sợ bị hiểu lầm, sợ bị bài bác hay chê cười. Nhưng tất cả mọi người đều mong muốn tình cảm của mình được nhìn nhận, được tôn trọng và được chấp nhận. Khi sự linh hoạt của một cộng đoàn càng liên hệ đến những gì mà một người cảm nhận hơn là những việc họ làm, sự linh hoạt ấy càng trở nên hữu hiệu.

Ai trong chúng ta cũng đều nói một ít, nhưng chúng ta không luôn luôn thành công trong việc thiết lập một giao tiếp liên nhân vị thực sự. Chỉ bình luận và nghe mà thôi thì chưa đủ, còn cần phải nhạy cảm với những mức độ khác nhau tác động lên sự giao tiếp. Có thể chỉ có một sứ điệp bằng lời được nói ra và một sứ điệp khác ở trong giọng nói, trong cử chỉ, trong cách ứng xử, trong đôi mắt, trên nét mặt. Không phải riêng lời nói, nhưng chính lời nói kết hợp với tất cả những yếu tố đó, đã truyền thông sứ điệp. Tùy vào những sự kết hợp khác nhau, cùng một lời nói có thể diễn tả những điều khác nhau như nội dung tri thức, sự ấm áp, sự nguội lạnh và dửng dưng của con người, sự nhầm lẫn, lo lắng, nhát sợ, chấp nhận, từ khước, yêu thương, thù địch, v.v…

Khả năng hiểu rõ những gì người khác bộc lộ được gọi là sự đồng cảm. Nó phù hợp với những tình cảm của người khác, hiểu và cảm nhận những gì người khác biểu lộ như chính họ hiểu và cảm nhận. Sự đồng cảm được truyền thông bằng việc chăm chú quan sát những biểu cảm qua lời hoặc không lời của người khác, bằng cách đáp ứng khi dễ dàng hiểu, bằng cách nhận ra những thay đổi cảm xúc của người đối thoại trong khi nói chuyện.
Phán đoán hấp tấp, chỉ trích hoặc ngay cả lời khuyên cũng không ích lợi gì trong việc thiết lập sự giao tiếp thực sự hoặc xây dựng một mối tương quan tốt. Đừng ngạc nhiên khi bề trên của bạn hay người anh/chị em của bạn không chia sẻ điều gì với bạn. Trước hết hãy xem bạn có phải là loại người nghe có khả năng làm cho người khác cởi mở và bộc lộ chính mình hay không, bạn có phải là loại người quan tâm, có thể nhìn thấy và cảm nhận sự sống từ quan điểm của họ hay không.

Ai cũng có thể lên án, phàn nàn, phản đối, nhưng cần phải có đức tính và sự kềm chế thật sự để có thể hiểu biết và tha thứ. Sẽ phát sinh sự bất đồng, nhưng khi đó, bạn bè thường bất đồng mà không làm cho nhau tổn thương, và không từ bỏ việc nhìn nhận và tôn trọng lẫn nhau. Trong trường hợp xảy ra tổn thương, họ sẽ mau chóng tìm cách chữa lành. Nếu mối tương quan căng thẳng quá, một người bạn thực sự trước hết sẽ tìm cách hòa giải (x. Mt 5:23-24).

Một người không thể hòa hợp với những tình cảm của người khác sẽ sống xa lạ với thực tế của cộng đoàn mà người ấy là thành phần. Một cộng đoàn mà trong đó tình cảm của con người không được chú ý đến thì đó là một cộng đoàn yếu về phương diện tâm linh và xã hội. Trái lại, càng tôn trọng một cách sống động sự tư riêng của người khác và càng sẵn sàng bộc lộ cái tư riêng ấy, cộng đoàn càng tăng trưởng trong sự liên đới.
Sự giao tiếp của chúng ta luôn luôn bị điều kiện hóa bởi thái độ, thiên kiến, bối cảnh văn hóa, giáo dục, kinh nghiệm, lý tưởng, quyền lợi, sự bất an, sự bảo đảm, thông cảm, ác cảm, sợ hãi, thành kiến, v.v…Thường thường chính chúng ta không ý thức được tất cả những gì chúng ta thông truyền cho người khác. Nhưng không những người ta có thể nhận thức được ý nghĩa của lời chúng ta nói, mà còn nhận thức được những tình cảm rõ ràng hay tối tăm đang hoạt động trong chúng ta.

Khi hai người nói chuyện với nhau, cộng với những gì họ trao đổi rõ rệt, dù muốn hay không, họ cũng trao đổi với nhau điều gì đó trong bóng tối. Thường thì họ ý thức được những trao đổi kín ẩn đang diễn ra giữa đôi bên; nhưng vì sợ một sự đối đầu trực tiếp nên họ giả vờ không biết đến. Bởi vậy nên mới có chuyện giả hình. Phải chấp nhận là tình trạng ấy có ở một mức độ nào đó ngay cả nơi những người tốt nhất trong các cộng đoàn tu trì, vì đó là điều tự nhiên và là hậu quả khó thắng vượt do sự yếu đuối của con người. Cả bạn lẫn tôi đều không thể nói rằng chúng ta được hoàn toàn thoát khỏi tình trạng ấy. Người ta không luôn luôn thành công để chân thực như người ta muốn. Nhân đức khoan dung sẽ giúp chúng ta xử lý những bất toàn nhân loại ấy một cách bác ái.

Con người là một hữu thể trong tương quan với người khác. Chính vì lý do này, giao tiếp là nhu cầu cần thiết trong hoàn cảnh con người. Nội dung của giao tiếp có thể là những khái niệm hoặc tình cảm. Một người biết lắng nghe, chăm chú và đón nhận sẽ nhận ra sự khác biệt. Phải nhìn nhận rằng mỗi lần chúng ta nghe ai đó, chúng ta tiếp thu sứ điệp theo cách của chúng ta, tùy thuộc vào điều kiện tri thức, tinh thần và cảm xúc của chúng ta.

Đáp trả của một người đối với một chuyện gì đó sẽ tùy theo người ấy là ai. Đây là một câu chuyện có thật. Tôi đang ngồi uống trà trong nhà dòng, cùng với bề trên và một tu sĩ khác. Có ai đó đang đi phân phát thư từ. Người tu sĩ ngồi bên trái tôi nói, “Này, đây là thư gửi tay. Người này coi tôi không đáng giá 3 đồng rupi tiền tem. Tôi sẽ không hồi âm thư này.” Tôi ngạc nhiên khi nghe vị bề trên nói: “Phải, đúng thế!” Rồi ngài quay sang hỏi tôi: “Anh nghĩ sao?”
Mặc dù không có ý tham gia vào cuộc bàn luận, nhưng tôi không thể không nói, “Nếu tôi nhận được thư hay thiệp mừng như thế này, chắc chắn tôi sẽ hồi âm. Hãy xem này. Người gửi thư đã nghĩ tới bạn và không ngại khó để viết thư và gửi cho bạn. Đó không phải là lý do để vui mừng và biết ơn sao? Người ấy đã chủ động viết cho bạn. Nếu người ấy có thể bày tỏ thiện chí đối với bạn mà không phải tốn kém thêm, được chứ? Tất cả đều tùy thuộc vào cái gì là quan trọng hơn đối với bạn: hoặc là người ấy nên nhớ đến bạn hoặc là người ấy nên bỏ ra thêm vài đồng mà không được ai cả!” Người tu sĩ kia nói: “Tôi hiểu rồi, tôi sẽ hồi âm”. Nhưng vị bề trên nói, “Tôi vẫn giữ lập trường của tôi!”

Ở trường hợp này, tôi xin hỏi bạn: Bạn nghĩ sao?

NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐỐI THOẠI

Để xác thực, phải tin tưởng vào người đối thoại. Việc này giúp chúng ta gỡ bỏ mặt nạ. Người nào biết rằng mình được phép biểu lộ những tình cảm thật của mình, và hơn nữa, lại còn ý thức rằng những tình cảm đó được đón nhận và tôn trọng, thì người ấy cảm thấy được tiếp đón ân cần, được hiểu và được an ủi. Tương tự như màu sắc và chiều cao, tình cảm của chúng ta cũng lệ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Do đó chúng ta rất cần tình cảm của mình được chấp nhận.

Xác thực là điều kiện thứ nhất của đối thoại; thứ hai là lắng nghe. Vì thiếu những điều kiện này, nhiều cuộc trò chuyện không vượt qua được mức những cuộc độc thoại song song mà không có người nghe. Trong cuộc trò chuyện, khi người ta quan tâm đến những gì mình phải nói hơn là lắng nghe người khác, lúc ấy việc hiểu biết lẫn nhau trở nên khó khăn.

Các bên đối tác trong đối thoại cần phải nhạy cảm đối với nhau về phương diện tri thức và cảm xúc. Để hiểu một sứ điệp, chỉ phân tích từ ngữ của người nói mà thôi thì chưa đủ. Còn phải chú ý đến mầu sắc tình cảm nữa. Khi người nghe có thể đáp trả với những tình cảm và cảm nhận phù hợp, khi ấy có sự hiểu biết và đối thoại.

Trong ngôn ngữ nhất quán, các từ ngữ diễn tả cùng một ý nghĩa mà cử chỉ đi kèm biểu thị. Nếu từ ngữ và cử chỉ không tương hợp với nhau, người ta không thể diễn tả chính mình một cách chân thật. Có thể người ấy tìm cách tạo nên một ấn tượng giả. Không khó để ghi nhận sự hàm hồ hay sự mâu thuẫn nội tại của một người khi lời nói bên ngoài của người ấy không tương hợp với biểu cảm không lời. Khi diễn tả tư tưởng và cảm xúc một cách trung thành, thì từ ngữ cũng phải xác thực như vậy.

Hiệu quả của việc tự biểu lộ chính mình như là phương thế chính yếu cho sự giao tiếp không tùy thuộc nhiều vào nội dung của sứ điệp cho bằng tùy thuộc vào cách thức sứ điệp ấy được diễn tả. Để cho tương xứng, giao tiếp của con người phải vừa là ngôn từ vừa là không ngôn từ.

Trong đối thoại hay bàn luận, phải rành mạch. có nghĩa là phải là cụ thể và giới hạn vào việc đáp trả những gì người khác nói hay muốn nói. Pha trộn các vấn đề hay lề mề với những vấn đề không liên quan sẽ là những đường lối không hợp lý, không chân thành và vô ích trong đối thoại. Hãy đối thoại một cách thẳng thắn và chân thành về tất cả và chỉ về chủ đề chính mà cuộc thảo luận đòi hỏi. Những đức tính cá nhân như bình thản, tin tưởng, cởi mở, quyết đoán, linh động, kiên quyết và thích ứng cũng sẽ thông truyền sự tin tưởng và thanh thản cho người đối thoại.

Trong một cuộc giao tiếp tốt, những phúc đáp cụ thể, không mơ hồ, không lảng tránh, là điều quan trọng. Bởi vì những phúc đáp như vậy có thể gặp những mâu thuẫn và phản pháo nơi người khác, cho nên phải thận trọng để không làm tổn thương người khác. Điều hay mà nói dở chỉ đem lại kết quả dở. Không nên đối chất nhằm đánh bại, làm nhục hay thậm chí là tố cáo người khác. Phải thực hiện việc ấy trong tinh thần bác ái, nhằm giúp người khác khắc phục được sự khủng hoảng, sửa chữa sai lầm, có sự hiểu biết và thái độ đúng đắn, và để đặt người ấy vào đúng đường.

Kinh nguyện cộng đoàn, một khi được thực hiện tốt, sẽ nối kết cộng đoàn với nhau. Cầu nguyện với nhau và cầu nguyện cho nhau đem lại hiệu quả tuyệt vời. Nếu không có chiều sâu trong mối tương quan của chúng ta với Chúa, thì tương quan của chúng ta với nhau chỉ có tính cách hời hợt bề mặt. Nếu đức tin của chúng ta nông cạn, đức cậy và đức ái của chúng ta cũng nông cạn. Một tương quan chân thực và sâu xa với TC sẽ bảo đảm mối tương quan sâu xa với anh/chị em.
 
SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm Ep 4:25-32; Mt 18:21-35; Ga 12:14-21
2. Bạn có cảm thấy cần có các phần tử khác trong cộng đoàn của bạn không? Như thế nào?
3. Bạn có cho rằng bạn là một đối tác tốt trong đối thoại không? Nhớ lại một vài kinh nghiệm phù hợp.
4. Khi bạn vắng mặt khỏi cộng đoàn vì một lý do nào đó, bạn có muốn kéo dài thời gian vắng mặt ấy hay bạn mong muốn sớm trở về? Tại sao?
5. Bạn có cầu nguyện cho các phần tử trong cộng đoàn của bạn, nhất là những người đang gặp khó khăn, những người được giao trách nhiệm mới, những người đang dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới không?
114.864864865135.135135135250