10/09/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

542


Thánh Phaolô là thày dạy đức ái. Đức ai là chủ đề bao quát của thánh nhân, được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các thư của ngài. Trong chủ đề ấy có những sắc thái nói lên đặc tính yêu thương của mối tương quan giữa các phần tử trong gia đình, chẳng hạn, “Hãy thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12:10). Ai yêu thương tha nhân là chu toàn lề luật: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5:13-14). Vì thế, trong cộng đoàn tu trì, các phần tử phải “mang lấy gánh nặng đỡ cho nhau” (Gl 6:2).

Rất tiếc là khuyến cáo của thánh Phaolô không phải luôn luôn được các cộng đoàn tu trì tuân theo. Sự kiêu ngạo, tham vọng, ghen tỵ và ích kỉ thường xuất hiện dưới những hình thức tinh vi và làm hại tinh thần cộng đoàn. Việc tốt người khác làm không luôn luôn được nhìn nhận hay coi trọng trong khi những khiếm khuyết thì dễ dàng nhận thấy và công khai hóa. Người ta có thể bày tỏ sự cảm thông với những phần tử bệnh tật và đau khổ, nhưng khi một anh/chị em thành công, người ta lại dửng dưng lạnh lùng. Cởi mở nhìn nhận tài năng của các phần tử khác và chân thành tôn trọng họ, vinh danh anh/chị em vì công việc họ đã hoàn thành hay vì những tiến bộ họ đạt được, chúc mừng họ và khích lệ họ, đó là những biểu lộ của tình bác ái huynh đệ.

Mang vác gánh nặng của nhau có nghĩa là chấp nhận người khác như họ là, với tất cả những thiếu sót và giới hạn của họ. Bổn phận của mỗi phần tử trong cộng đoàn là quảng đại đối với những khuyết điểm và sai sót của các cá nhân. Ngay cả những thành viên sai lầm cũng đang cố gắng chiến đấu với những khó khăn của họ và do đó đáng được cảm thương. Một phản ứng mạnh bạo trước khiếm khuyết của họ sẽ chỉ làm cho họ bị tổn thương và làm cho vấn đề của họ thêm trầm trọng. không bao giờ nên lấy ác báo ác, không bao giờ báo thù, nhưng giúp đỡ người xúc phạm đến chúng ta khi họ cần và như vậy là lấy thiện báo ác (x. Rm 12:14-21).

Yêu thương thì luôn luôn sẵn sàng tha thứ; không mích lòng hay lưu giữ sự phiền muộn (x. 1 Cr 13:5). Đặc điểm của yêu thương là nhân hậu và quảng đại, không phải chỉ đối với bạn hữu mà cả với những người xúc phạm đến mình. Chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau là bổn phận của kitô hữu (x. Cl 3:13-14). Thánh Phaolô nhắc lại lời Chúa Giêsu khi ngài khuyên giục, “Anh em thân mến, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy sửa dạy người ấy một cách nhẹ nhàng” (Gl 6:1).


BẤT ĐỒNG VÀ CÃI CỌ

Thỉnh thoảng, trong cộng đoàn lại xảy ra những bất đồng và cãi cọ. Nhưng không bao giờ được nuôi dưỡng sự thù ghét hay cảm tưởng bị tổn thương: “Dù anh em có giận dữ, thì cũng đừng phạm tội; chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn… Phải rộng lượng với nhau, cảm thông và sẵn lòng tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô” (Ep 4:26-32; Cl 3:13-14). Hãy chúc lành cho người bách hại mình, đừng nguyền rủa họ (x. Rm 12:14).

Thánh Phaolô đưa ra nhiều đề nghị thực hành, được diễn tả trong những lời lẽ tinh tế đối với đời sống cộng đoàn. Ngài nói: “Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3:15). Tình yêu Chúa Kitô đã qui tụ chúng ta trong cộng đoàn. Do đó, đời sống của chúng ta phải là gương mẫu cho những người tiếp xúc với chúng ta. Chúng ta phải tỏ ra cho thế giới biết rằng bình an của Chúa Kitô ngự trị trong cộng đoàn chúng ta. Bởi vì bình an của Chúa Kitô bao hàm bình an với người thân cận, cho nên chúng ta phải sẵn sàng tha thứ, tránh những xung đột, khắc phục những khác biệt về ý kiến và điều chỉnh những đặc điểm khác nhau. Không ai trong chúng ta lại không có lúc thất bại. Do đó, chúng ta phải có lòng thương xót như Cha trên trời là đấng thương xót (x. Lc 6:36).

Nhiều năm trước đây tôi có đến một tu viện thăm mấy sơ lớn tuổi đã từng dạy tối khi tôi còn bé. Họ sống chung với nhau trong cùng một tu viện đã nửa thế kỷ rồi. Sơ X gặp tôi trước, và ngay lập tức hỏi tôi là Sơ Y đã gặp tôi chưa. Tôi nói chưa. Sơ nói, “Sơ ấy sẽ ra nói chuyện.” Dùng ngón tay trỏ bóp chặt thái dương, sơ nói tiếp, “Này, sơ ấy hơi bị đãng trí. Đừng tin những gì sơ ấy nói.” Chúng tôi nói chuyện với nhau dăm phút, rồi sơ X vội vã bỏ đi khi sơ Y đến. Câu đầu tiên sơ Y nói là, “Sơ X mới nói chuyện với anh phải không?” Rồi dùng ngón tay trỏ bóp chặt thái dương, sơ ấy nói thêm, “Thật tội nghiệp. sơ ấy bị đãng trí. Cho nên anh đừng tin những gì sơ ấy nói.”

Tôi vừa ngạc nhiên vừa lúng túng. Tôi phải hiểu thế nào đây? Có lẽ cả hai sơ đều đúng. Nhưng cả hai đều không ý thức rằng điều mình nói cũng áp dụng cho chính mình. Ngọai trừ chi tiết đặc biệt này, cuộc gặp gỡ của tôi với các sơ diễn ra bình thường. Tôi không biết là họ đãng trí hay họ mất thiện ý đối với nhau.

Thánh Phaolô cảnh báo chúng ta, “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4:29). Nói xấu chẳng bao giờ phù hợp với những con người lành thánh (x. 1 Tm 3:11; 2 Tm 3:3; Tt 2:3).

Tinh thần huynh đệ được làm nên bởi yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn và nhân hậu. Đây là những hoa quả thực sự của đời sống trong Thánh thần (x. Gl 5:22). Sống trong cộng đoàn là một nghệ thuật đặc biệt, một sự kết hợp giữa tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân hậu của con người. Thánh Phaolô kể ra những đức tính cần thiết để có một đời sống chung tốt đẹp: “Anh em … hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-14). Không có những điều này, không thể nào cảm nghiệm niềm vui của việc sống chung với nhau; có thể đó chỉ là một sự cộng sinh không trọn vẹn, một thái độ cam chịu sự hiện diện của người khác mà chẳng vui vẻ gì.

Thánh Phaolô nhấn mạnh đến tình yêu huynh đệ đối với nhau. Theo ngài, yêu thương là một phần không thể thiếu để sống làm kitô hữu. Như Tôn sư Giêsu, ngài cũng dạy “yêu thương tha nhân là làm trọn lề luật” (Rm 13:8; x. Mc 12:29-30); “Ngươi phải yêu tha nhân như chính mình ngươi” (Rm 13:10; Gl 5:14). Yêu thương thực sự thì chịu đựng những bất tiện vì người anh/chị em để người ấy không bị vấp phạm (x. Rm 14:15). Yêu thương thì quan tâm đến người khác và quảng đại giúp đỡ người cần thiếu (x. 2 Cr 8:7-8). Yêu thương cũng biểu lộ ra trong sự tha thứ (x. 2 Cr 2:5-10).

BÁC ÁI THÌ XÂY DỰNG

Tình yêu Thiên Chúa là sức sống của cộng đoàn, hiệp nhất và nâng đỡ mọi phần tử. Tình yêu phải triển nở thành lòng nhân hậu chân thành của con người. Điều này càng thiết yếu trong gia đình tu trì hơn là trong một gia đình bình thường, vì gia đình tu trì hợp thành bởi những con người có hoản cảnh và những tính tình khác nhau cần phải khắc phục. Vì thế mọi người cần phải quan tâm cổ võ sự đối thoại, không ngừng thực hành những phong cách tốt, đừng mất kiểm soát chính mình trong khi thảo luận, và bình thản chấp nhận những kết luận trái với ý riêng của mình. “Bác ái thì xây dựng” (1 Cr 8:1).

Trong cộng đoàn tu trì, các phần tử chắc chắn khác biệt nhau về nhiều phương diện; nhưng cùng một tinh thần đã kêu gọi họ thành một (x. 1 Cr 12:12). Thân thể con người hiệp nhất với nhau tốt đẹp đến nỗi “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1 Cr 12:25-26). Đó là sự hiệp nhất hữu cơ, bẩm sinh, thực tiễn và hạnh phúc. Để có sự hiệp nhất ấy giữa các phần tử của một cộng đoàn, mỗi người phải đóng một vai trò trong toàn thể (x. 1 Cr 12:27). Mọi phần tử của một cộng đoàn đều thuộc về một thân thể và một tinh thần; tất cả đều chia sẻ cùng một niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã kêu gọi họ tới (x. Ep 4:4).

Óc khôi hài rất hữu ích trong mối tương quan cộng đoàn. Óc khôi hài ngăn cản chúng ta trở thành cao ngạo và quá nghiêm túc. Một lời nói đùa nhẹ nhàng, một tiếng cười chừng mực có thể phá tan bầu không khí căng thẳng. Đôi khi một nụ cười đơn sơ cũng có thể sửa chữa một lỗi lầm không cố ý.

Thánh Phaolô khích lệ chúng ta, “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau” (Ep 5:21). Điều này rất quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Những phần tử khác nhau có những tài năng, sứ vụ khác nhau, nhưng tất cả đều có thể đóng góp giúp cộng doàn thi hành chức năng thích hợp và sứ vụ tông đồ của cộng đoàn. Cần phải nhìn nhận và khai thác những tài năng này. Trong khi các bề trên phải hướng dẫn và phối hợp các hoạt động của nhiều người, thì mỗi phần tử phải giúp họ trở nên nguyên ủy của sự hiệp nhất. “Nếu anh em vâng phục họ, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình; nếu không, họ sẽ buồn sầu, và điều đó chẳng có ích gì cho anh em” (Dt 13:17).

Giao tiếp huynh đệ, trao đổi tin tức, quan điểm, kinh nghiệm và các kế hoạch một cách thân thiện và tin tưởng là điều thiết yếu cho một đời sống cộng đoàn hạnh phúc. Không có nó thì người ta có thể trở thành “cô độc giữa đám đông”. Tiếp xúc với người anh/chị em tu sĩ đồng bạn của mình là một bổn phận. Chúng ta cần phải chia sẻ với họ những kho tàng thiêng liêng của chúng ta, niềm vui, nỗi buồn, và thành công trong việc tông đồ. Bác ái phải khởi sự từ nhà mình. Mỗi người trong cộng đoàn phải được thông tin về những hoạt động, những dự án, sự tiến triển và những khó khăn của hội dòng. Những người có trách nhiệm cần chú ý để đúng thời điểm mà loan báo và mời gọi mọi phần tử quan tâm. Thờ ơ về những chuyện này sẽ tạo nên trong cộng đoàn sự nghi ngờ, giải thích sai lạc và cảm tưởng về sự việc đương nhiên phải thế. Điều này sẽ bóp chết mọi sáng kiến từ trong trứng nước và bảo đảm sự tàn lụi.


Tương ứng với quyền được thông tin là bổn phận của mọi phần tử phải đóng góp vào ích chung bằng cách chân thành và cởi mở tham gia tích cực vào những cuộc hội họp cộng đoàn. Sống chung hòa hợp trong cộng đoàn đòi hỏi suy nghĩ với nhau, nói với nhau và làm với nhau.

HIỆP NHẤT CHỨ KHÔNG ĐỒNG NHẤT

Điều cần thiết trong cộng đoàn là sự hiệp nhất chứ không phải đồng nhất. Sự hiệp nhất sáng tỏ trong sự đa dạng. Một bức bích họa đẹp hình thành bởi nhiều mảng miếng hình dáng và màu sắc khác nhau được sắp xếp chung với nhau. Trong một cộng đoàn, sự đồng nhất có ý nghĩa là đoàn ngũ hóa, đơn điệu và triệt hạ tự do. Những đặc điểm này không thể xây dựng nên sự hiệp nhất. Trong các cộng đoàn tu trì, chúng ta quen với việc có cùng một thời khóa biểu, đọc cùng một kinh nguyện, ăn cùng một thứ thức ăn. Ở tầm mức lớn, điều này là cần thiết. Nhưng liệu có cần mọi người phải chịu cùng một căn bệnh như nhau và dùng cùng một thứ thuốc như nhau không?

Một trong những khó khăn mà các cộng đoàn phải đương đầu là sự xung đột giữa già và trẻ. Người trẻ thường hiếu động, sốt sắng và nhiệt tình chấp nhận những ý tưởng tiến bộ và những phương pháp mới. Vì nhiệt tình, họ thường bài bác những cơ cấu và tổ chức của quá khứ. Trái lại, các thành phần lớn tuổi hơn, thường gắn bó với những truyền thống đến nỗi ngờ vực tất cả mọi cái mới. Họ cảm thấy bị đe dọa vì tất cả những gì họ yêu quý lại không được những người khác tôn trọng trong khi chính họ lại là những người xa lạ với những cái mới mẻ được đưa vào.

Chúng ta không nên quên rằng cộng đoàn kitô hữu là một cơ thể sống động. Nó chỉ có thể lớn lên và phát triển nếu sự tự do đích thực của các phần tử được biểu lộ và được tôn trọng. Chúa Kitô đã ban các ân huệ khác nhau cho các phần tử khác nhau trong thân thể của Người để “dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin…” (Ep 4:12-13).

Vì vậy một cộng đoàn cần phải dành khoảng không gian đủ cho những đường lối suy nghĩ và hành động khác nhau, miễn là những suy nghĩ và hành động ấy không trái ngược với giáo huấn của Chúa Kitô. Phải cố gắng để hiểu người khác mà không tìm cách thống trị họ hoặc áp đặt quan điểm riêng của mình. Trong thời thánh Phaolô đã có “những người mạnh”, hiểu biết hơn về tôn giáo, và “những người yếu” tin rằng họ phải đi theo đường lối suy nghĩ và hành động cũ. Thánh Phaolô khuyên nhủ cả hai nhóm đừng xét đoán lẫn nhau (x. Rm 14:1-5). Đừng ai “đi quá mức khi đánh giá mình” (Rm 12:3).

NHỮNG PHẦN TỬ CÓ NHU CẦU

Trong cộng đoàn, những thành viên khác nhau có nhu cầu khác nhau. Tất cả đều cần được yêu thương và được quan tâm. Đức bác ái của chúng ta phải đặc biệt vươn tới những người cần chúng ta quan tâm hơn, chẳng hạn những người lớn tuổi, người bệnh, những người đang bị áp lực nào đó. Người anh/chị em nên biết rằng áp lực của một phần tử không trở thành nỗi u sầu. Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy nhìn đến nhu cầu của các thánh như là nhu cầu của chính mình, và hãy quảng đại tỏ lòng hiếu khách (x. Rm 12:13). Chúng ta phải “chấp nhận lẫn nhau” (Rm 15:7), “nâng đỡ nhau trong yêu thương” (Ep 4:2; x. Rm 15:2) và “thương mến nhau với tình huynh đệ” (Rm 12:10).
Các phần tử lớn tuổi đã từng chịu đựng nắng nôi khó nhọc. Các phần tử trẻ hơn có thể được hưởng lợi từ kinh nghiệm phong phú của họ và nhờ họ hướng dẫn, gợi ý. Không nên coi những người không còn khả năng đóng góp về phương diện công việc là người vô ích. Họ phải được tôn trọng và quan tâm, được nghỉ ngơi và tự do mà họ đáng được. Xét cho cùng, chúng ta gặt hái hoa trái từ những gì mà các anh/chị em lớn tuổi của chúng ta đã gieo trồng (x. Ga 4:38).

Không nên coi những anh/chị em bệnh tật là một gánh nặng. Họ biểu thị một cách sinh động sự hiện diện của Chúa Kitô giữa chúng ta. Chúa Kitô tiếp tục chịu đau khổ nơi anh/chị em chúng ta và Người nói, “Ta đau ốm, các ngươi đã săn sóc Ta” (Mt 25:36). Những gì chúng ta làm cho họ thì Người kể là làm cho chính Người.
Một nữ tu, thuộc một cộng đoàn đông người, kể lại:

“Một đêm, tôi bất chợt thức dậy, thấy máu đầy trong miệng. Tuần trước tôi có nhổ răng. Bây giờ nướu răng chảy máu đầm đìa. Tôi ra khỏi phòng để nhổ máu đi. Vài lần như vậy, chị cùng phòng với tôi thức giấc. Chị ấy lấy một cái chậu để gần giường tôi để tôi dễ dàng nhổ vào. Rồi chị đi báo tin cho bề trên. Bề trên hỏi, “Tôi có thể làm được gì?” rồi đi ngủ tiếp.

Chị cùng phòng đánh thức một nữ tu khác và hỏi làm thể nào để máu ngưng chảy. Chị ấy bảo lấy một viên bông gòn nhét vào dưới nướu rồi cắn lại. Tôi cắn viên bông gòn ấy cho tới sáng hôm sau. Bề trên không hề xuất hiện. Mười giờ sáng, tôi đi gặp bác sĩ. Ông nói chảy máu như thế có thể rất nguy hiểm và lẽ ra phải có ai đó báo cho ông biết ngay trong đêm. Kinh nghiệm này khiến tôi lạnh nhạt với bề trên và quan tâm đến chị em đồng bạn hơn.”

Trái tim của Chúa Giêsu đầy lòng cảm thương đối với tất cả những ai đang phải đau khổ cách nào đó. Người thực hiện phần lớn các phép lạ để cứu chữa các bệnh nhân. Cũng vậy, hãy để cho các phần tử của cộng đoàn an ủi những anh/chị em đang phải chịu đựng bệnh tật hoặc đau đớn, cung cấp cho họ vật chất và thuốc men, sự hỗ trợ tinh thần và thiêng liêng. Yêu thương huynh đệ sẽ làm giảm nhẹ thập giá của họ. Nếu các thành viên đau ốm là quan trọng, người ta sẽ không ngại gì nếu những người ấy cũng quan trọng đối với túi tiền!

Trong một cộng đoàn mà tình yêu huynh đệ tràn ngập, nếu một người anh/chị em ngã bệnh hay nản chí, luôn luôn có những phần tử khác sẵn sàng giúp đỡ, đồng cảm, khích lệ, an ủi, tư vấn, và sửa lỗi nếu cần. Hãy để cho mọi người trở thành người thân cận của người khác. Hãy để cho mỗi phần tử đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn và gắn kết cộng đoàn bằng yêu thương. Luật tối thượng của mọi cộng đoàn là bác ái; mọi sự khác chỉ biện minh được dưới quan điểm bác ái.

Thăm viếng bệnh nhân là một công việc thú vị của lòng thương xót. Khi được thực hiện một cách khéo léo, việc ấy sẽ làm cho bệnh nhân được khuây khỏa, vì bệnh nhân thường có cảm tưởng là mình bị bỏ rơi. Mặc dù đó là việc thể hiện bác ái, nhưng cũng là thể hiện đức tin, vì giúp chúng ta nhìn thấy Chúa Kitô nơi người bệnh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thăm viếng người bệnh đừng trở thành chuyện làm phiền họ. Đừng xâm phạm đến quyền riêng tư, tự do hoặc nghỉ ngơi của họ; không nên làm tăng thêm nỗi đau của họ. Vì thế, đừng đánh thức người bệnh dậy để thăm họ khi họ đang có giấc ngủ hiếm hoi vì cơn đau. Đôi khi, thinh lặng cũng là một hành vi yêu thương.
Yêu thương thực sự thì cả cái chết cũng không hủy diệt được; nó bền vững ở bên kia thế giới hữu hình này. Sự hiệp thông huynh đệ đi theo các anh/chị em đã tiến vào thế giới mai hậu và được củng cố nhờ trao đổi của cải thiêng liêng (x. LG 49). Vì thế tất cả mọi người đều phải được thông tin về cái chết của người anh/chị em để cầu nguyện cho họ.

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi đòi hỏi sự liên đới và hiệp thông huynh đệ giữa các phần tử. Sự liên đới và hiệp thông ấy bao hàm sự chịu đựng lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, giúp đỡ những người có nhu cầu (x. Rm 12:13), chia sẻ niềm vui và nỗi buồn cho nhau (x. Rm 12:15), khích lệ, củng cố và hỗ trợ lẫn nhau (x. 1 Tx 5:11-14). Chúng ta chu toàn luật yêu thương mà Chúa Kitô đã ban cho chúng ta bằng cách giúp đỡ lẫn nhau cùng mang gánh nặng của cuộc sống (x. Gl 6:2).

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG
  1. 1. Đọc và suy niệm Rm 15:1-5; 1 Cr 8:1-8; Lc 5:17-26.
  2. 2. Trước lời khuyến dụ mang đỡ gánh nặng cho nhau, trong thực tế bạn đáp trả như thế nào?
  3. 3. Nếu sự hiệp nhất trong cộng đoàn bị đe dọa, bạn sẽ góp phần thế nào để giải quyêt khó khăn?
  4. 4. Hãy phân tích thái độ và cách cư xử của bạn đối với người bệnh và người đau khổ trong cộng đoàn của bạn.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
114.864864865135.135135135250