04/09/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

597

Trong các cộng đoàn tu trì, điều đáng buồn là thường chỉ có mối tương quan theo chiều hướng công việc – tôi có ý nói đến khía cạnh chu toàn công việc – làm sao để các hoạt động trơn tru, cộng đoàn êm xuôi. Hiếm khi có tình bạn sâu xa, chân thành, tin tưởng và gắn bó giữa các phần tử, mà chỉ là sự thân thiện bề ngoài. Cho dù chúng ta đã trải qua tất cả mọi cấp bậc đào tạo, hoặc có lẽ vì lý do đào tạo, chúng ta vẫn còn là những người theo chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ rất nhiều.

Nhiều người chung sống với nhau không hẳn là đã làm thành một cộng đoàn, lại càng không phải là cộng đoàn tu trì. Cách để hiện hữu như một cộng đoàn là điều quan trọng. Chính sự hiệp nhất bên trong của các phần t ử (x. LG 9), sự đồng tâm nhất trí (x. Cv 4:32) mới làm thành một cộng đoàn.

Cộng đoàn tu trì không chỉ là một nhóm người theo đuổi một vài mục đích nào đó và phối hợp một số hành động. Người tu sĩ quy tụ lại với nhau để thống nhất đời sống và cảm xúc. Họ là một cộng đoàn những con người chứ không phải là cộng đoàn của công việc hay đầu tư. Một cộng đoàn những con người trở thành sự hiệp thông huynh đệ khi các phần tử hiệp nhất với nhau nhờ nhận ra mục tiêu, nhờ nhận ra những cảm xúc và nhờ yêu thương.
  1. - Hiệp thông là yêu thương, lắng nghe và chấp nhận.
  2. - Hiệp thông là cởi mở, nhạy cảm, và sẵn sàng.
  3. - Hiệp thông là hỗ trợ, cổ võ, và đáp trả.
  4. - Hiệp thông là truyền thông, hiểu biết và tôn trọng.
  5. - Hiệp thông là cộng tác, tham dự và chia sẻ.
  6. - Hiệp thông là chịu đựng, tha thứ và thân thiện.
  7. - Hiệp thông là nhân từ, cảm thông và quan tâm.
Sự hiện diện của Chúa Thánh thần sẽ hướng dẫn các phần tử của cộng đoàn tới tình huynh đệ đích thực khi cùng chia sẻ của cải, cùng lắng nghe Lời, giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau cầu nguyện. Cộng đoàn tu trì có tính siêu nhiên vì 5 lý do.

1. Đó là một cộng đoàn của tình yêu Thiên Chúa

Hiệp thông huynh đệ phát sinh từ mối hiệp thông cốt yếu của chúng ta với Thiên Chúa. Ở đâu không có yêu thương, ở đó không có cộng đoàn, bởi vì chính tình yêu xây dựng sự hiệp thông của con người. Ở đây chúng ta nói về một tình yêu không sinh ra bởi máu huyết nhưng bởi Thiên Chúa. Một tình yêu như thế có ba yếu tố. Trước hết là từ tâm, hay là chân thành ước muốn điều thiện cho người khác. Thứ đến là thiện tâm, cố gắng thực hiện điều thiện cho tha nhân, tiếp cận họ. Cuối cùng là yêu thương, hiệp nhất tâm hồn, cảm nhận niềm vui, hy vọng, nỗi sợ và sự lo lắng của tha nhân.

2. Đó là một cộng đoàn đức tin

Đức tin và sự chấp nhận của con người kết hiệp các phần tử một cách sâu xa hơn là mối tương quan máu mủ hoặc sự gần gũi về tâm lý hoặc tình bạn. Người tu sĩ được hiệp nhất nhân danh Chúa, và điều này làm cho họ cảm thấy là anh/chị em thực sự trong Đức Kitô, là con của cùng một Cha.

3. Đó là một cộng đoàn cầu nguyện

Đời sống đức tin và hiệp thông sinh ra từ việc lắng nghe Lời Chúa. Đời sống này được biểu lộ và củng cố trong kinh nguyện phụng vụ và cộng đoàn. Thánh thể là đỉnh cao của sự hiệp thông với Chúa và với anh/chị em. Các Kitô hữu đầu tiên siêng năng tham dự nghi lễ bẻ bánh và cầu nguyện. Đời sống cầu nguyện sốt sắng của họ nâng đỡ cộng đoàn trong sự hiệp thông của cải và hoạt động tông đồ. Không thể xây dựng sự hiệp nhất của các phần tử trong cộng đoàn tu trì trừ khi xây dựng trong Chúa Kitô. Khi việc cầu nguyện sa sút, sự hiệp thông huynh đệ cũng sa sút. Tình yêu thương được hiệp nhất trong lời cầu nguyện là yếu tố cốt yếu của cộng đoàn.

4. Đó là một cộng đoàn có lý tưởng và mục tiêu

Chính từ Chúa Kitô mà chúng ta phải học cách suy nghĩ và cảm nhận chung. Vì thế suy niệm đóng vai trò quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Đó là không ngừng trở về với nguồn mạch của sự hiệp nhất, tức là Chúa Giêsu Kitô. Việc hoàn toàn chọn lựa Chúa Kitô đưa người tu sĩ tới chỗ đặt của cải vật chất và tinh thần của họ làm của chung, chẳng hạn như kinh nghiệm về đời sống đức tin, những tài nguyên vật chất, kiến thức và chuyên môn, thời giờ và tài năng, những khát vọng và lý tưởng, sự phong phú trong nhân cách. Tất nhiên, tất cả những yếu tố  trên` khiến cho đối thoại trong đời sống cộng đoàn có tầm quan trọng. Cuộc đối thoại này phải là sự biểu lộ của thái độ lắng nghe trong yêu thương, cởi mở tin tưởng và chấp nhận quảng đại.

5. Đó là một cộng đoàn phục vụ

Đức tin chắc chắn và yêu thương chân thành có khuynh hướng cởi mở và bộc lộ chính mình. Vì thế mỗi cộng đoàn thực sự đều có khía cạnh truyền giáo: đó là phục vụ anh/chị em để đưa họ vào trong sự hiệp nhất nơi Chúa Kitô. Sứ vụ tông đồ của cộng đoàn có chiều kích nội tại, tức là việc các phần tử trợ giúp lẫn nhau trong đức ái đích thực. Sứ vụ ấy cũng có chiều kích ngoại tại của một ngành nghề chuyên môn. Chính từ kinh nghiệm của sứ vụ tông đồ ngoại tại mà có chất liệu để trao đổi kinh nghiệm, thảo kế hoạch cộng đoàn, duyệt xét cộng đoàn, v.v… Không thể nào có sự thông hiệp nếu không có chia sẻ những thực tại này. Ngoài ra, một cộng đoàn mà không thể hiện đức ái ở bên trong thì không thể tuôn trào đức ái ra bên ngoài được.

Chứng tá quan trọng nhất mà cộng đoàn phải thể hiện là chứng tá về sự hiệp nhất trong Chúa Kitô. Trình bày chứng tá này là sứ vụ tông đồ duy nhất thiết yếu. Bởi vì chỉ có thế mới chứng tỏ cho thế gian thấy lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được thực hiện, “… để họ nên một như Cha và Con là một. Xin cho họ nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17:21-22). Sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô sẽ thuyết phục thế giới tin rằng thực sự Người đã được Chúa Cha gửi đến.

Cha Alberione nhận xét, một tính khí dễ thương pha lẫn lòng hào hiệp và sự kiên quyết, vẻ hấp dẫn và sức mạnh, sự ngay thẳng và tế nhị, đáng được những người chúng ta tiếp xúc kính trọng và yêu mến. Ngược lại, người tính tình khó chịu tỏ ra thô lỗ trong phong cách và để cho tính ích kỷ của mình chủ trị. Vì người ấy thiếu lòng tốt và tế nhị, nên trở thành khó chịu.

Tinh thần hài hước cũng là một yếu tố tốt. Chẳng ai sống được trong bầu khí căng thẳng triền miên. Chúng ta không nên giữ bộ mặt u ám.

Nhà dòng phải là nhà của niềm vui. Đó phải là một nơi mà các nhu cầu vật chất được đáp ứng, nơi bình an và hòa đồng ngự trị. Mặc dù tính tình chúng ta vẫn còn có những góc cạnh xù xì và bén nhọn, nhưng chúng ta phải sống như những con người yêu thương nhau, và “giúp nhau mang gánh nặng” (Gl 6:2). Đừng ảo tưởng. Không có ai là hoàn hảo. Người tốt nhất trong chúng ta là người nỗ lực nên hoàn hảo.

KHUÔN MẪU CỦA SỰ HIỆP THÔNG ĐỜI SỐNG

Nguyên ủy và khuôn mẫu của mọi cộng đoàn tu trì là Ba ngôi chí thánh và Hội thánh. Những người làm thành một cộng đoàn như thế đến với nhau như là những chi thể của Chúa Kitô, sống như là anh/chị em (x. PC 15). Càng hiệp nhất gần gũi với Cha, Lời và Thánh thần, chúng ta càng có thể tăng trưởng trong tình yêu huynh đệ hỗ tương một cách sâu xa và dễ dàng (xc. UR 7). Trong thánh lễ chúng ta cầu xin Chúa Cha: là những người được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Kitô, xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh thần của Người để trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.

Thánh Phaolô khuyến khích chúng ta, “Hãy làm hết sức mình để duy trì sự hiệp nhất mà Chúa Thánh thần đã ban nhờ sự bình an nối kết anh em với nhau. Chỉ có một thân thể và một Thánh thần, cũng như chỉ có một niềm hy vọng mà Thiên Chúa đã kêu gọi anh em đến” (Ep 4:3-4). Với cộng đoàn Philipphê, ngài viết, “…xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2:2-3).

Rõ ràng đời sống chung bao gồm việc liên kết sức mạnh, hội tụ các mối quan tâm và góp chung nghị lực. Người ta đến với nhau, cùng nhau quan sát, thảo luận, lên kế hoạch và quyết định. Đời sống chung là chung nhau cái đầu, cánh tay, và tâm hồn. Cần chung nhau tìm hiểu xem cái gì là tốt nhất cho cộng đoàn, nhất là sẵn sàng lắng nghe quan điểm của người khác và quảng đại cộng tác vào việc thực hiện kế hoạch.

NHỮNG NGUỒN MẠCH CỦA SỰ HIỆP NHẤT

Lời Chúa và Thánh thể là những nguồn mạch chính yếu của sự hiệp nhất. Hai nguồn mạch này nuôi dưỡng đời sống chung, đem lại động lực và ý nghĩa cho đời sống chung.

Lời Chúa tỏ lộ cho chúng ta sự hiệp nhất thâm sâu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần, và mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu sự hiệp nhất này. Đọc Lời Chúa nơi cộng đoàn và suy niệm Lời sẽ dựng xây nơi các phần tử những thái độ có tính tin mừng là sự thân thiết, tin tưởng, bình an và niềm vui.

Phụng vụ quy tụ các phần tử thành cộng đoàn trong hoạt động thiêng liêng cao qúy nhất, đó là ngợi khen và khẩn cầu Thiên Chúa. Phụng vụ gợi lên tâm tình biết ơn, yêu mến và cầu khẩn Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh thần. Quy tụ trong phụng vụ là nguồn mạch sự hiệp nhất và thánh hóa cộng đoàn.

Cử hành thánh lễ là hình thức cao nhất của kinh nghiệm cộng đoàn. Đó là hy lễ của các phần tử trong Nhiệm thể hiệp nhất với Chúa Kitô là Đầu. Đó là cử hành trong đó Dân Chúa chia sẻ sự sống của Người và xây dựng sự hiệp nhất trong Người. Khi được hiểu và được thực hiện đúng đắn, cử hành Thánh thể sẽ là lương thực tuyệt hảo cho đời sống cộng đoàn và là kinh nghiệm kỳ diệu về tinh thần cộng đoàn. Thánh lễ là trung tâm thiêng liêng của cộng đoàn tu trì vì trong đó Chúa Kitô, trung tâm của trái tim chúng ta, hiện diện và hoạt động.

THÁNH THỂ VÀ TÌNH YÊU HUYNH ĐỆ

Đâu là mối tương quan giữa Thánh thể và tình yêu anh/chị em? Mối tương quan ấy là một điều hiển nhiên, nhưng trong thực tế chúng ta quên mất. Bạn không thể yêu mến Thiên Chúa nếu không yêu thương con cái Người. Bạn không thể yêu mến Cha nếu không yêu thương anh/chị em. “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì hiệp nhất với Thiên Chúa và Thiên Chúa hiệp nhất với người ấy” (1 Ga 4:6). Thiên Chúa là sự tốt lành, và không ai có thể hiệp nhất với sự tốt lành nếu chính người đó không tỏ ra tốt lành với người khác và sống trong tương quan tốt với họ. Người sống hiệp thông với đầu không thể bất thuận với các chi thể. Người ta có thể yêu mến cây nho mà lại ghét các cành nho không?

Sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô là nguồn mạch và là sự thúc đẩy để chúng ta yêu thương tha nhân (x. PC 6). Thánh Gioan Phaolô II nói, là nguồn mạch của đức ái, Thánh thể luôn luôn là trung tâm đời sống của các môn đệ Chúa Kitô (Cena Domini 7).

Ngay trước khi lập bí tích Thánh thể, Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông đồ, rồi Người nói, “Thầy đã làm gương cho anh em” (Ga 13:14) nhờ đó chúng ta có thể học nơi Người tinh thần phục vụ khiêm tốn. Người cũng ban cho chúng ta một điều răn mới là yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13:34). Người cũng cầu xin Chúa Cha cho các môn đệ “để họ nên một như Cha và Con là một” (Ga 17:11). Rõ ràng, ở đây, trong ý định của Chúa, sự hiệp thông với Mình và Máu Người nối kết chặt chẽ với tình yêu và sự hiệp thông huynh đệ. Cùng nhau tiếp nhận Bánh ban sự sống là sự biểu lộ và là phương tiện để đạt tới sự hiệp thông huynh đệ.

Một trong những cách thức quan trọng nhất để thực hành tinh thần huynh đệ này là quy tụ với nhau trong sự hiệp nhất để chia sẻ Thánh thể. Chúng ta có gương mẫu tuyệt đẹp của Hội thánh thời sơ khai: “Nhóm các tín hữu đều một lòng một ý” (Cv 4:32). Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được trình bày trong sách Công vụ Tông đồ như là một lý tưởng. Đời sống phụng tự của cộng đoàn bao gồm bốn phần.

1. Giáo huấn của các Tông đồ. Các ngài giải thích hành động cứu độ của Thiên Chúa đã được thực hiện dứt khoát nơi Chúa Kitô. Công đoàn chăm chú lắng nghe giáo huấn của các ngài.

2. Sự hiệp thông yêu thương hay koinonia, cùng với sự hiệp thông tâm linh, bao gồm mọi hình thức trợ giúp cũng như giúp đỡ vật chất cho những người cần thiếu.

3. Bẻ bánh, tức là cử hành Thánh thể.

4. Trong các gia đình người Do Thái, cầu nguyện là là một hành vi tạ ơn hiệp nhất chặt chẽ với việc bẻ bánh.

Theo thánh Thomas Aquinas, kết quả cuối cùng, thực tại sâu xa của Thánh thể là sự hiệp nhất nhiệm thể, tức là Hội thánh (ST III., q. 73, a. 3). Kinh Tạ ơn II đưa ra hai lời cầu khẩn Chúa Thánh thần. Một là lời cầu khẩn thánh hiến xin Người biến đổi lễ vật thành Mình và Máu Chúa Kitô. Hai là “kết quả,” xin Người làm sinh ra trong chúng ta hoa trái của sự hiện diện ấy nhờ tình yêu, một tình yêu làm cho chúng ta “hiệp nhất cùng nhau nhờ Chúa Thánh thần.” Thánh Phaolô nói, “Vì chỉ có một bánh, nên tất cả chúng ta, dù nhiều, chỉ là một thân mình, bởi vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh” (1 Cr 10:17).

Công đồng Vatican II làm sang tỏ thêm điều này, “Trong bí tích Bánh Thánh thể, sự hiệp nhất của các tín hữu, những người làm nên một thân mình Chúa Kitô, vừa được biểu lộ vừa được thực hiện” (LG, 3). Trong văn kiện về đời sống linh mục, Công đồng nói, “Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng mà không tăng trưởng từ và dựa vào cử hành Thánh thể cực thánh. Tất cả mọi giáo dục về đời sống cộng đoàn đều phải bắt đầu từ đây” (PO 6).
Do đó, chúng ta phải chú ý, cử hành Thánh thể đào sâu mối dây hiệp nhất trong cộng đoàn và củng cố tình yêu huynh đệ giữa các phần tử. Chiều kích sâu xa nhất của Thánh thể chính là nuôi dưỡng tình yêu huynh đệ. Thánh thể phải hiệp nhất và xây dựng cộng đoàn. Những ai ăn cùng một bánh và uống cùng một chén của Chúa cũng phải nên một lòng và một ý.

Mọi cách xử sự thiếu bác ái của cộng đoàn đều là tội chống lại Chúa của Thánh thể; tội đó là tục hóa các yếu tố thiêng thánh (x. 1 Cr 11:27-30). Tội phạm đến tha nhân là tội phạm đến hiệu quả hiệp nhất của Thánh thể, vì như thế là không nhận ra rằng Thánh thể nhằm để giữ cộng đoàn trong sự hiệp thông huynh đệ. Khi vô cớ mà không có mặt trong sự hiệp nhất Thánh thể, chúng ta đã coi thường Nhiệm thể Chúa Kitô. Việc chúng ta quy tụ lại với nhau liên quan đến bản chất tối hậu của cộng đoàn Hội thánh cũng như liên quan đến mầu nhiệm Thánh thể, vì đó là cách diễn tả kinh nguyện cộng đoàn cao cả nhất. Thánh Augustine nói, “Như bạn thấy đó, Bánh là một, do đó các bạn cũng là một, bằng cách yêu thương nhau, giữ cùng một đức tin, một niềm hy vọng và một đức ái không phân rẽ” (PL 46, 834).

Khi tôi lãnh nhận Thánh thể, tôi không còn có thể khác biệt với anh/chị em chung quanh tôi. Nếu tôi loại trừ họ, tôi sẽ loại trừ chính Chúa Kitô, bởi vì Người nói, “Bất cứ khi nào ngươi làm việc này cho một người anh/chị em bé nhỏ nhất của Ta, là ngươi làm cho chính Ta” (Mt 25:40), và như thế là tôi phá vỡ sự hiệp nhất. Cử chỉ trao chúc bình an trước hiệp lễ không chỉ là một nghi thức; nó phải diễn tả sự hòa giải thực sự, sự bình an và chấp nhận lẫn nhau.
Trong hiệp thông Thánh thể, khi chúng ta thưa Amen với Mình thánh Chúa Kitô, Đấng sinh ra bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chết và đã sống lại, chúng ta cũng thưa Amen với nhiệm thể của Người là Hội thánh, nhất là với những phần tử của Hội thánh sống chung quanh và gần chúng ta. Chúng ta không thể chấp nhận người này mà loại trừ người khác, vì hai thân thể không thể tách rời (x. R. Cantalamessa, Thánh thể thánh hóa chúng ta, Mumbai 1998, 48-51).

SỰ HIỆP NHẤT VÀ SỨ VỤ TÔNG ĐỒ

Sự hiệp thông huynh đệ có tầm quan trọng đặc biệt đối với sứ vụ tông đồ. Công đồng Vatican II nói, “Sự hiệp nhất anh/chị em… là nguồn mạch cho sức mạnh lớn lao của việc tông đồ” (PC 15). Lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là nền tảng của sứ vụ tông đồ cộng đoàn, là sứ vụ được thực hiện qua nhiều công việc. Như ngạn ngữ nói, hợp quần gây sức mạnh. Trong cộng đoàn, các phần tử có thể nương tựa vào nhau, bổ sung cho nhau và an ủi lẫn nhau.

Bởi vì sứ mạng tông đồ được trao phó cho cộng đoàn, nên sứ vụ tông đồ mang chiều kích cộng đoàn. Trong thực tế, đời sống chung chính là một sứ vụ tông đồ, vì đời sống ấy đưa ra “chứng tá trổi vượt và quan trọng là thế giới này không thể biến đổi và hiến dâng cho Thiên Chúa nếu không có tinh thần của các mối phúc” (LG 31). Nói chuyện với các con cái thiêng liêng của mình, cha Alberione, Đấng sáng lập Hội dòng thánh Phaolô và một vài hội dòng khác làm thành “Gia đình Phaolô” nói, “Đối với chúng ta, đời sống chung được sinh ra trong tác vụ tông đồ và trong quan điểm về việc tông đồ. Đặc điểm này của một hội dòng cũng nhằm đến mục tiêu bao gồm công ích của các phần tử trong cộng đoàn…”

Sự hiệp thông huynh đệ làm cho việc tông đồ được hữu hiệu hơn. Cộng đoàn là một khí cụ hữu hiệu trong tay Thánh linh hơn là nhiều cá nhân biệt lập. Sự hiệp thông huynh đệ bảo đảm cho có sự phối hợp năng lực, tài năng, khả năng, và các hoạt động. Những ân điển và đặc sủng khác nhau mà Chúa Thánh thần ban cho các phần tử khác nhau của cộng đoàn làm cho cộng đoàn hoạt động với sức mạnh và kết quả to lớn.

CON NGƯỜI TRONG CỘNG ĐOÀN

Con người làm thành cộng đoàn. Do đó, để duyệt lại đời sống cộng đoàn, cần phải tìm hiểu về con người, phẩm giá, nhu cầu, quyền lợi và bổn phận của con người. Phẩm giá cao quý của con người, mà quyền lợi và nghĩa vụ có tính phổ quát và bất khả xâm phạm, trổi vượt trên tất cả mọi sự (x. GS 26). Sự cải thiện của cá nhân và sự tiến bộ của xã hội tùy thuộc lẫn nhau. Tự bản chất, con người cần phải sống trong xã hội. Chính qua sự tương tác với tha nhân, qua việc phục vụ lẫn nhau và đối thoại huynh đệ mà con người phát triển các khả năng Chúa ban và có thể đạt tới sự viên mãn của cuộc sống. Thánh Gioan XXIII nói, “con người được sinh ra để sống với nhau và làm việc vì lợi ích của nhau” (Pacem in Terris 16). 

Đời sống cộng đoàn đáp ứng những nhu cầu của con người. Sự thánh hiến tu trì liên kết mật thiết với những tương quan xã hội. Người tu sĩ chỉ có thể nên thánh trong sự hiệp thông đức ái với người khác. Không ai độc lập được; chúng ta cần người khác và người khác cần chúng ta. Sửa lỗi huynh đệ là một nghĩa vụ Kitô giáo và là sự thực hành tình huynh đệ. “Nếu anh em của anh lỗi phạm đến anh, hãy đến với người ấy và tỏ cho họ biết lỗi của họ. Nhưng hãy làm việc ấy một cách riêng tư, giữa anh và người ấy thôi” (Mt 18:15). Thiên Chúa trợ giúp chúng ta trong tất cả mọi khó khăn, để chúng ta có thể giúp đỡ những ai lâm cảnh khốn khó (x. 2 Cr 1:4).

Việc trao đổi tư tưởng và hành động có ích cho cộng đoàn cũng như cho các phần tử của cộng đoàn. Sự hiệp thông đời sống giữ cho người tu sĩ khỏi chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa tập thể. Đồng thời nó có thể làm thỏa mãn hai nhu cầu căn bản của con người, là tình bạn và khát vọng giao tiếp.

Để phát triển và trưởng thành về phương diện xã hội và cảm xúc, con người cần có tình bạn. Trên bình diện con người, sự cân bằng của cộng đoàn là vấn đề tình bạn và các tương quan. Tình bạn là điều thiết yếu để xây dựng tinh thần gia đình trong cộng đoàn qua việc cho và nhận sự quí trọng và yêu mến, nhã nhặn và thân mật, hỗ trợ và tôn trọng. Nói chung, hầu hết các tu sĩ trao đổi với tôi về đề tài này thực tế đều nói: “Đời sống cộng đoàn giúp tôi lớn lên như một một con người hạnh phúc. Cộng đoàn tu trì quả thực là sự hiệp thông vui tươi và huynh đệ.” Dù vậy, đồng thời họ cũng chỉ ra nhiều khiếm khuyết và những khó khăn mà họ gặp trong cộng đoàn.

Nữ tu Clara viết, “Sống trong cộng đoàn 12 năm, tôi nhận thấy cộng đoàn đã hình thành đời sống của tôi trong nhiều khía cạnh. Tôi cảm nghiệm được nhiều sự hiểu biết và chấp nhận, và tôi có thể là chính mình trong cộng đoàn. Sống trong cộng đoàn, tôi học được cách chấp nhận những quan điểm, ý tưởng và thái độ khác biệt của những người khác. Thật là thú vị khi sống với người trẻ lẫn người già, với những phần tử thuộc nhiều quốc gia, văn hóa, bối cảnh khác nhau. Chúng tôi khác nhau thật nhiều; mỗi người chúng tôi thật là độc đáo! Nhưng chúng tôi là một.

“Tôi đã lớn lên nhiều nhờ sống trong cộng đoàn. Mỗi khi làm điều gì đó không thích hợp, tôi được sửa sai ngay lập tức. Trong cộng đoàn, tôi được khuyến khích để phát triển những khả năng còn tiềm ẩn. Tôi học được cách tự do diễn tả quan điểm của tôi và cởi mở với quan điểm của người khác.”

Những bữa ăn chung có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống cộng đoàn. Dùng bữa chung với nhau là cách thức bày tỏ sự chấp nhận lẫn nhau và sự hiệp thông huynh đệ. Các bữa ăn chung là dịp để tình yêu huynh đệ được bộc lộ một cách vui tươi và để tinh thần gia đình được thể hiện rõ rệt hơn. Trong thời hiện đại, những đòi hỏi của công việc tông đồ khiến cho những cuộc gặp gỡ cộng đoàn ngày càng trở nên hiếm hoi hơn. Như vậy, phòng ăn chinh là nơi chúng ta cảm nghiệm tình yêu huynh đệ. Để cổ võ tình yêu này, cần phải tránh những phân biệt theo nhóm hoặc theo phạm trù dẫn tới phân rẽ thay vì hiệp nhất. Trò chuyện tại bàn ăn thúc đẩy một tư thế thuận lợi hơn cho cuộc đối thoại. Đúng giờ, xử sự tốt, và trao đổi hài hước là dấu chỉ của tình bằng hữu.

NHẠY CẢM VỚI NHU CẦU CỦA ANH/CHỊ EM

Người ta phải vun trồng một sự nhạy cảm và phân định nào đó đối với những gì người khác đang cố gắng diễn tả bằng nhiều cách khác nhau, đôi khi qua lời nói nhưng thường là không lời. Mọi phần tử trong cộng đoàn đều có những nhu cầu căn bản.

Ai cũng cần phải được chấp nhận, được tôn trọng và yêu thương. Thánh Phaolô nói, “Anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15:7). Vấn đề chủ yếu của con người là vấn đề yêu thương. Con người được tạo dựng để yêu thương và được yêu thương. Yêu thương là ngôn ngữ mà mọi trái tim con người đều hiểu; mà thực thì trái tim không hiểu được thứ ngôn ngữ nào khác. Vì thế mọi người, cách nào đó và ở mức độ nào đó, đều tìm kiếm một cuộc gặp gỡ dựa trên những tương quan đáng tin cậy và nồng ấm. Chia sẻ chân thành và sâu xa những tư tưởng, ý kiến, kinh nghiệm và kế hoạch giúp cho người ta đi ra khỏi sự cô độc của mình đồng thời bảo đảm là được chấp nhận trong nhóm và có tương quan tốt với các phần tử khác. Thiếu chia sẻ và cộng tác giữa các phần tử sẽ đưa đến tình trạng bị cô lập, cô đơn và thất vọng.

Bên trong mỗi người đều có nhu cầu cần được tín nhiệm và giao phó trách nhiệm. Lời khấn tuân phục không có nghĩa là chỉ việc thi hành mệnh lệnh. Tuân phục một cách tích cực và có trách nhiệm là dấu hiệu của một tu sĩ trưởng thành. Sự tuân phục này cần thiết để nhìn nhận óc sáng tạo, sáng kiến, và sự cống hiến của mỗi phần tử cũng như khát vọng của họ muốn đảm nhận trách nhiệm trong cộng đoàn. Mọi phần tử phải cảm thấy thoải mái để góp phần quý báu vào thiện ích chung. Việc nhìn nhận những khả năng tự nhiên, những ân điển siêu nhiên, sự hiểu biết và sự dấn thân của mỗi phần tử vì công ích là để chuẩn bị cho sự tuân phục này. Nó sẽ giúp cho các phần tử tham gia tốt hơn vào việc thảo luận và quyết định cũng như có trách nhiệm nhiều hơn khi đưa những quyết định ra thi hành. Nhờ đó cộng đoàn và mọi phần tử trong cộng đoàn sẽ phát triển và tiến bộ.

Tôn trọng cá tính riêng là một nhu cầu quan trọng khác của tất cả mọi phần tử. Người ta mong muốn được nghiêm chỉnh nhìn nhận như là một con người độc đáo và khác biệt. Người ta cảm thấy và muốn mình vẫn là mình, và mong được bàn bạc cũng như đối xử như là những đối tác có giá trị trong khi đối thoại. Họ cũng muốn tự do cá nhân của họ được tôn trọng và những vấn đề hoàn toàn cá nhân của họ được dành cho họ quyết định.

Sự đa dạng là điều đã có và sẽ vẫn có. Ngôi nhà thờ được xây dựng nhờ nhiều thành phần như tường, cửa sổ, nền nhà, cửa ra vào, cung thánh, phòng thánh, mái nhà, v.v… Những thành phần ấy không thể như nhau được, mà cùng nhau làm nên ngôi nhà thờ. Những thành phần khác nhau làm nên một tổng thể. Cũng vậy, trong đời sống chung cũng cần có một sự đa dạng nào đó. Thế nhưng, tất cả các phần tử cùng làm thành một cộng đoàn hiệp nhất. Sự hiệp nhất là do sự nối kết tinh thần của chúng ta trong Thánh thần.

Các tu sĩ cần phải xác tín rằng trong cộng đoàn, vấn đề quan trọng nhất là sự hiệp nhất và hiệp thông đời sống, trong đó mọi phần tử đều là anh/chị em như nhau, bất kể địa vị, tài năng hay quá khứ. Nơi các phần tử, sự quan tâm lẫn nhau phải chiếm ưu thế.

Mọi tu sĩ tốt đều cảm thấy cần phải thuộc về một cộng đoàn năng động, tông đồ và thừa sai. Ở đó người ta thấy mình là thành phần của sự hiệp thông có mục tiêu và chủ đích đồng thời có phong cách mang chứng tá Kitô. Ở đó, trong Giáo hội và qua cộng đoàn, người ta thấy có trách nhiệm đối với sứ mạng đã lãnh nhận nhờ bí tích Rửa tội, Thêm sức và sự thánh hiến tu trì. Để trở nên một tổ chức năng động, luôn luôn tăng triển, cộng đoàn phải liên tục thực hiện sự thích ứng, bỏ đi những truyền thống lỗi thời, và xem xét lại những cơ cấu và phương pháp đã xưa cũ.

Một cộng đoàn trì trệ và mất sức sống không đáp ứng được những thách đố mới phải đến, cũng không tỏ ra có khả năng ứng phó với tình hình và cơ hội khi chúng đến. Ở đó, các phần tử cảm nhận sự nhàm chán; sự tiến triển của mình bị cùn nhụt; những sáng kiến bị thui chột; nhiệt tình với sứ vụ bị suy giảm. Cộng đoàn cần phải nhận ra được những dấu chỉ của thời đại và đáp ứng những nhu cầu của thời điểm trọng đại nếu muốn cho sứ vụ của mình được phù hợp. Điều này đòi hỏi có những cuộc họp thường xuyên để lượng định phẩm chất của chứng tá mà cộng đoàn đã sống, để thảo luận về những khó khăn thiêng liêng và nhân bản mà chúng ta gặp trong sứ vụ tông đồ. Theo cách này mọi người đều biết, đều tham gia, và có hứng khởi.

NHỮNG NHU CẦU VĂN HÓA & TINH THẦN

Con người trong cộng đoàn tu trì còn có những nhu cầu sinh tử khác. Một trong những nhu cầu đó là đời sống tâm linh. Đời sống thánh hiến đặt trên nền tảng tâm linh. Do đó, mỗi người tu sĩ đích thực đều có một nhân cách siêu nhiên cầnphải được tôn trọng. Mỗi người đều có những nhu cầu phát xuất từ kho tàng thiêng liêng của cá nhân, lãnh nhận được do việc đào tạo, do tuổi tác, do việc thực thi sứ vụ tông đồ được ủy thác cho mình. Trong khi thực thi đoàn sủng của cộng đoàn, cần phải có khoảng trống đủ cho sự tăng trưởng những đoàn sủng cá nhân, và các phần tử cần phải ủng hộ sự tăng trưởng và hoa trái do đoàn sủng của người khác.

Phát triển văn hóa là một nhu cầu khác của con người trong cộng đoàn. Trong thời đại chúng ta, khi mà khoa học, kỹ thuật và các nghệ thuật tự do có được thành công to lớn, thì phẩm giá của trí tuệ con người có tầm quan trọng đặc biệt. Công đồng Vatican II nói, “Bản chất trí tuệ của con người được và phải được kiện toàn trong sự khôn ngoan. Chính sự khôn ngoan dịu dàng lôi kéo tâm trí con người tìm kiếm và ái mộ những gì là chân là thiện” (GS 15).

Mức độ văn hóa của đám đông thay đổi không ngừng và đòi hỏi nhiều hơn từ người tu sĩ hôm nay. Người ta đòi hỏi nơi người tu sĩ, ngoài kiến thức về đời sống thánh thiêng và nội tâm, còn phải biết đủ về khoa học, nghệ thuật và văn chương. Khắp nơi đang gia tăng khuynh hướng đi vào chuyên biệt, và người tu sĩ càng ngày càng được mời gọi để theo đuổi việc học chuyên môn và trở thành chuyên viên trong những lãnh vực ấy. Việc này không những cổ võ sự tăng trưởng tri thức và văn hóa của các phần tử, mà còn đem lại hiệu quả cho hoạt động tông đồ.

Quan tâm đến sức khỏe cảm xúc và thể lý cũng là môt nhu cầu có thật. Thực sự thì mỗi người nên quan tâm một cách thỏa đáng đến sức khỏe của mình. Đồng thời người tu sĩ cũng không thể dửng dưng với sức khỏe của mọi người. Phong cách sống, cầu nguyện và làm việc phải hòa hợp với tình trạng thể lý và tâm lý của các phần tử. Dành thời gian rảnh cho chính mình, nghỉ ngơi và giải trí đúng mực cần phải coi là chuyện đương nhiên.
Có những người làm việc và rồi kiệt sức, có lẽ không ai biết. Rất tiếc là đôi khi họ không được coi trọng và đối đãi tử tế. Cộng đoàn phải chăm sóc những phần tử cần được chú ý và giúp đỡ đặc biệt. Bề trên, người phụ trách về y tế và sức khỏe, và những người có liên quan, cần phải có thời giờ dành cho những phần tử đau yếu, không phải chỉ để cung cấp cho họ đồ ăn thức uống, thuốc men và sự giúp đỡ, mà còn để hiểu biết, thông cảm, chấp nhận, hỗ trợ huynh đệ và đồng hành.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG

1. Đọc và suy niệm Ep 1:4-13; 1 Cr 12:12-28; Ga 17:9-23.

2. Khi nào thì bạn cảm thấy mình được yêu thương nhất trong cộng đoàn? Bạn có thể kể chi tiết một biến cố?

3. Bạn có thể nhắc lại trường hợp bạn bày tỏ lòng yêu thương một người anh/chị em, người ấy đón nhận và nhờ đó mà được lợi ích?

4. Soạn một lời kinh tạ ơn vì các đồng bạn của bạn trong cộng đoàn.
114.864864865135.135135135250