28/08/2024 -

Đời Sống Thánh Hiến

710

Ơn gọi tu trì là một, nhưng bao hàm nhiều khía cạnh.

Đó là một lời mời gọi, tiếng gọi của Thiên Chúa dành cho kẻ Người chọn lựa. Những kẻ được mời gọi đã đích thân đáp trả hoặc không đáp trả. Do đó, ơn gọi là một hồng ân của Thiên Chúa; không ai có thể đòi cho được ơn gọi nếu Thiên Chúa không ban ơn ấy cho họ. Người ta chỉ có thể đón nhận và đáp trả, chứ không thể đòi được gọi.

Đó là một lời kêu gọi, yêu cầu để làm gì, một lời mời để hành động. Thiên Chúa kêu gọi vì một mục đích. Người có một ý định khi kêu gọi ai đó vào đời sống tu trì: họ có một sứ mạng đặc biệt phải hoàn thành. Vì thế, ơn gọi là để hành động, để đáp ứng một nhu cầu của Hội thánh hay của xã hội loài người. Những dấu chỉ thời đại tỏ rõ cho biết nhu cầu ấy là gì.

Đó là một lời khẩn cầu, một lời cầu nguyện từ phía người đáp trả, bày tỏ sự tin tưởng vào Thiên Chúa và cầu xin sự trợ giúp của Thiên Chúa để hoàn thành sứ mạng và đáp ứng được nhu cầu. Người được gọi ý thức sự bất xứng của mình và sự bất lực để hoàn thành sứ mạng được giao phó, nên cầu xin ánh sáng và sức mạnh của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện và sự thân mật với Thiên Chúa. Như thế sự hiệp thông với Thiên Chúa trở thành linh hồn của sứ vụ tông đồ.

Đó là một sự triệu tập. Mối tương quan yêu thương với Chúa Kitô và với những người được gọi qui tụ họ lại với nhau và làm cho họ thành một cộng đoàn. Ơn gọi tu trì bao hàm việc đến với nhau để sống, cầu nguyện và làm việc cùng với nhau. Tất cả mọi tu sĩ đều thuộc về một cộng đoàn tu trì. Họ không phải là người lang thang hay cá nhân biệt lập. Sống cộng đoàn là điều thiết yếu đối với đời tu như ngày nay hiểu về đời tu. Đấng đáng kính James Alberione nói, “Đời sống chung là hoa trái của đời tu. Tuân giữ đời sống chung phát xuất từ đức ái và làm thăng hoa đức ái. Ai yêu mến thì tuân giữ; ai tuân giữ thì yêu mến.”

Sự thông hiệp các mục tiêu phải đưa người tu sĩ đến cùng nhau trong mối dây đức ái và làm cho nhà dòng trở thành một ốc đảo bình an. Tinh thần huynh đệ và sự hiệp nhất của Thiên Chúa vốn nối kết cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên và tập thể các Tông đồ lại với nhau phải chiếm vai trò nổi bật nơi chúng ta và làm cho con tim chúng ta reo vui. Tinh thần ấy phải làm cho nét mặt chúng ta rạng ngời sự thanh thản. Anh Thomas, một tu sĩ khấn tạm, nói, “Cộng đoàn trong mơ ước của tôi là một nhóm người sống chung với nhau như một gia đình để thi hành ý muốn của Thiên Chúa qua mạng lưới những nối kết và hỗ trợ lẫn nhau. Đó là một cộng đoàn mà sức mạnh làm việc là kết quả sự tiếp xúc hằng ngày của các phần tử với Thiên Chúa.”

PHẨM CHẤT CỦA MỘT CỘNG ĐOÀN

Phẩm chất của một cộng đoàn tùy thuộc vào phẩm chất của các cá nhân trong cộng đoàn. Do đó, phẩm chất của các phần tử có tầm quan trọng căn bản. Còn phẩm chất của các phần tử thì tùy thuộc việc họ được chọn lựa và tuyển mộ cẩn thận như thế nào. Nếu hạt giống không tốt, thì dù có ra công cấy cày cũng không thể có vụ mùa tốt. Một trái dừa không sinh ra một cây xoài, cũng như một trái xoài không lớn lên thành cây dừa được. Phẩm tính riêng của nó vẫn còn. Chúng ta không thể vun trồng, chăm bón và phát triển những cái không phải là gốc riêng của nó.

Hoãn lại một vấn đề không giải quyết được vấn đề đó. Bệnh mà không được chữa trị, theo thời gian bệnh sẽ nặng hơn và phức tạp hơn. Nếu có ai đó rõ ràng không phù hợp với cộng đoàn,
hãy nói cho người ấy biết,
và hãy để người ấy ra đi!

Nhưng , dĩ nhiên, phải làm việc ấy một cách nhân hậu và nhẹ nhàng. Trong cộng đoàn tu trì, thường không ai muốn quyết định như thế; không ai muốn làm một công việc chẳng vui vẻ gì. Thế rồi phần tử không thích hợp ấy cứ tiến lên. Mọi người hầu như quên mất rằng người ta không thể hái được trái nho nơi bụi cây mâm xôi. Những người phụ trách việc tuyển chọn và đào tạo cần phải lấy hết can đảm để nói thẳng nói thật. Nguyên tắc “Tôi ổn; bạn ổn” không thể áp dụng được trong mọi trường hợp. Một bác sĩ không thể áp dụng nguyên tắc ấy cho bệnh nhân; cha giải tội không thể áp dụng cho hối nhân; thẩm phán không thể áp dụng cho nguyên đơn hay bị đơn. Họ có những qui luật khác phải tuân theo. Cũng thế, những người phụ trách tu sĩ phải tuân thủ những qui luật theo chuyên môn của mình.

KIẾN TẠO CẢM XÚC CỘNG ĐOÀN

Tư cách làm người chỉ có thể được thể hiện trong một cộng đoàn nơi đó sự hiệp nhất là tôn trọng những ân điển khác nhau nơi các phần tử. Việc thiết lập những mối tương quan liên vị là bước đầu tiên để xây dựng cộng đoàn. Mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm về cộng đoàn như một toàn thể. Những mối tương quan lành mạnh được xây dựng trên những trách nhiệm bắt buộc và cần thiết. Mỗi người phải cảm thấy mình là thành phần của cộng đoàn và vẫn phải sống cuộc sống riêng của mình. Mọi người trong cộng đoàn tu trì phải học cách yêu thương các phần tử của cộng đoàn. Mọi người đều phải đóng góp hết sức mình vào sự tăng trưởng của cộng đoàn bằng cách chấp nhận những vai trò khác nhau được cắt cử và chu toàn vai trò ấy với lòng chân thành.

Để có cảm nhận cộng đoàn, cần thiết phải chia sẻ với nhau sự hiểu biết và công việc. Để sống cộng đoàn cách tốt đẹp, tất cả các phần tử phải tích cực trong việc cùng nhau hiểu được thực tại, chia sẻ kinh nguyện và linh đạo, sát cánh làm việc, và như vậy là lớn lên như anh/chị em trong đời sống tu trì. Những người được giao phó việc quản trị và những người thừa hành đừng bao giờ coi nhau như đối thủ, nhưng làm việc trong sự hiệp nhất, chia sẻ ý tưởng và chung chia nguồn lực. Nếu các phần tử lớn tuổi và trẻ tuổi sẵn sàng lắng nghe, tôn trọng, học biết cho và nhận, nếu những người lớn tuổi hơn tránh áp đặt quan điểm của mình, nếu những người trẻ hơn biết học hỏi ngoài kinh nghiệm hiện tại, khi ấy sẽ có đối thoại thực sự. Khi ấy, tất cả sẽ tìm thấy, xây dựng, sử dụng và chăm lo cho một nơi chung.

Một cộng đoàn có các phần tử lo việc mục vụ đừng để cho họ thử thách chính mình vượt quá khả năng của họ. Thuyên chuyển một người từ nơi này sang nơi kia không phải là thay thế trách nhiệm của chúng ta hướng tới việc chữa lành họ. Trong một cộng đoàn lành mạnh, các phần tử sẽ cảm thấy được người khác hiểu mình. Cộng đoàn sẽ khuyến khích một mức độ linh động nào đó trong khi kiến tạo một bầu khí ổn định và thích đáng.

Cha Alberione nói, “Sống trong một cộng đoàn, khi thấy có những tâm hồn cởi mở, những con người quảng đại và độ lượng, tinh thần cao thượng và tế nhị, người tu sĩ sẽ sống trong hạnh phúc và an bình. Tu sĩ ấy có thể xác nhận rằng thực sự trong thế giới này không có gì có thể tiêu biểu rõ rệt cho cộng đoàn đáng ngưỡng mộ của thành Giêrusalem trên trời cho bằng một cộng đoàn tu trì được hiệp nhất một cách hoàn hảo trong sự độ lượng. Chúa chúng ta ở giữa họ; nơi chúng ta đang ở là cổng thiên đàng.”

Có ba điểm nền tảng cho ơn gọi tu trì của chúng ta.
  1. 1. Sống đời sống của Chúa Kitô theo Tin Mừng – theo Chúa Kitô.
  2. 2. Yêu thương anh em – hiệp thông huynh đệ.
  3. 3. Loan báo Đấng cứu độ – phục vụ ơn cứu độ.

Trong ba điểm này, điểm đánh động những người trẻ đến với chúng tôi là sự hiệp thông huynh đệ. Chúng ta đọc thấy nơi sách Công vụ Tông đồ rằng trong Hội thánh sơ khai đám đông những người tin chỉ có một lòng một ý (Cv 4:32). Đây là gương mẫu mà Kitô hữu và đặc biệt các tu sĩ ngày nay phải noi theo.  Họ phải làm điều này, được nuôi dưỡng bằng giáo huấn của Tin mừng, phụng vụ thánh, và trên hết là Thánh thể.

CỘNG ĐOÀN LÀ DO CHÚNG TA LÀM RA

Nữ tu M. nhớ lại thời gian theo đuổi việc học cao hơn khi mới ở tuổi 20. Bề trên cho các sinh viên trong cộng đoàn một thủ bản để hướng dẫn họ. Thủ bản gồm những chỉ dẫn cho họ biết sử dụng thời gian học tập như thế nào trong khi không sao nhãng những bổn phận thiêng liêng. Thủ bản cho biết các sinh viên phải có thái độ như thế nào đối với các chị em đồng bạn của mình: không ghen tị khi có người trội hơn mình trong học tập, không giấu diếm sách vở hay tạp chí thích hợp. Chỉ có duy nhất sự chia sẻ trong tình chị em và yêu thương đối với tất cả những gì liên quan đến việc học hỏi của họ.

Do đó, người nữ tu này có thể nói, “Trật tự và kỷ luật trổi vượt trong cộng đoàn lớn gồm tới 40-45 nữ tu này và sự chín chắn cùng lòng nhân hậu của bề trên đã làm cho cộng đoàn thành một nơi chốn hạnh phúc. Tôi hạnh phúc trong cộng đoàn này, chằng bao giờ nghe thấy một lời cãi vã. Về phần tôi, tôi không biết thiếu bác ái trong lời nói là như thế nào. Chỉ khi chuyển sang những cộng đoàn khác tôi mới biết thế nào là nói xấu người khác.”

Tôi nhận được một lá thư vô danh viết rằng cộng đoàn lý tưởng là một cộng đoàn ở đó
  1. - các phần tử yêu thương và chân thành chấp nhận nhau,
  2. - mọi người được đối xử như những người trưởng thành,
  3. - khoan dung, kiên nhẫn, hiểu biết, tôn trọng,
  4. - bất đồng ý kiến không làm tan rã cộng đoàn,
  5. - có tinh thần tự do và bình an nội tâm,
  6. - có sự tha thứ, tinh thần khôi hài và sự vui vẻ.

Cũng lá thư đó viết tiếp, “Tôi tin rằng tôi trở nên một con người tốt hơn là nhờ sống cộng đoàn. Ở bất cứ nơi đâu, cộng đoàn cũng giúp tôi lớn lên mặc dù đôi khi có những khó khăn trong việc thích nghi với một vài cá tính nào đó. Tôi học được nhiều điều từ các phần tử trong cộng đoàn của tôi, những điều tốt như tính kiên nhẫn, chịu đựng, khoan hậu, xả kỷ, v.v… và cảm nghiệm được tình yêu và sự cảm thông. Tôi yêu mến mọi cộng đoàn mà tôi đã sống.”

Là tu sĩ khấn năm thứ nhất, tác giả của lá thư này được bổ nhiệm vào một cộng đoàn đáng mến, thực sự là một cộng đoàn tuyệt diệu, thân thiết, yêu thương, quan tâm, đơn sơ, khiêm tốn và trên hết là có đời sống thiêng liêng sâu xa. Tất cả đều đúng giờ trong mọi việc, dù là việc đạo đức, bữa ăn, hay giải trí. Các phần tử vui thích gặp gỡ nhau. Các giáo sư giáo dân thường hỏi họ cười đùa gì mà thân thương vui vẻ thế. Cuộc sống thực là độ lượng, đầy những hành vi cho và nhận.

Và lá thư kết luận, “Do đó tôi khám phá ra rằng cộng đoàn là do chúng ta tạo nên. Như trong một gia đình, chúng ta cũng có những khó khăn, những lúc thăng trầm. Nhưng với trái tim biết tha thứ, mọi sự lại trở nên tốt đẹp. Tôi đã sống 49 năm trong nhà dòng. Có thể nói, nhờ sự nâng đỡ bằng gương sáng yêu thương và đơn sơ nơi anh em, tôi gần gũi với Chúa Giêsu và với người khác hơn. Tôi biết đó là sức mạnh lớn lao, mạnh mẽ giúp tôi vươn tới trong yêu thương và phục vụ rộng rãi hơn.”

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁ NHÂN

Trong tình huynh đệ chân thực, sâu xa và thiêng lêng, một tình huynh đệ đem lại niềm vui, người tu sĩ được canh gác khỏi những lạc hướng về tình cảm. Trong khi chia sẻ nghị lực, của cải, những lo âu và những nguy hiểm với các tu sĩ bạn, người tu sĩ đang tiến lên cao trong tình yêu vĩnh cửu. Thầy Giêsu đang bao bọc người ấy cùng với 12 Tông đồ, những kẻ mà Người gọi là “bạn” (Ga 15:15), và sống với họ trong bầu khí thân thiết. Khi ông Lazarus, bạn Người, qua đời, Người đã khóc (Ga 11:35). Tình bạn không độc quyền trái tim người khác, nhưng vươn ra ngoài, nhất là tới những người cần thiếu hơn về tình cảm, lòng nhân ái và sự trợ đỡ.

Con người cần giao tiếp. Người ta trở nên người hơn trong mối tương quan và tương tác với người khác. Mọi con người đã được “lập trình” là đi vào tương quan với tha nhân, nếu không, người ta không sống được bình thường hay phát triển được đầy đủ khả năng của mình. Cá nhân tăng trưởng khi chia sẻ sự phong phú của cá nhân cho nhau.
Trong cộng đoàn, không nên lãng quên lợi ích của con người. Ngày sabat được lập nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabat (Mc 2:27). Do đó, mọi chương trình, kế hoạch và hoạt động phải nhằm lợi ích của con người nói chung. Các bề trên phải thi hành quyền bính trong tinh thần phục vụ anh/chị em, tôn trọng họ và sẵn lòng lắng nghe họ. Về phần mình, các bề dưới cần cộng tác với sự vâng phục tích cực và có trách nhiệm.

Đấng đáng kính James Alberione nói rất đúng, “Đời sống chung cần đến sự hy sinh lớn lao thực sự trong những trường hợp đặc biệt: một cá nhân lúc này lúc khác cảm thấy chống đối lợi ích chung, hoặc, trong một trạng thái tinh thần nào đó, người tu sĩ cảm thấy nặng gánh. Vì lòng yêu mến Thiên Chúa, học cách sống thế nào qua những bất tiện này chính là chìa khóa để sống đời tu một cách hạnh phúc.”

DIỄN TẢ SỰ THÔNG HIỆP CỦA THIÊN CHÚA

Chính ơn gọi của người tu sĩ đòi hỏi họ kiên trì trong cầu nguyện và trong tinh thần huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau và mang gánh nặng của nhau, vì đức ái là chu toàn lề luật (Rm 13:10), là mối dây của sự hoàn thiện (Cl 3:14) và là sự vượt qua từ sự chết đến sự sống (x. Perfectae Caritatis 15).

Chúa Giêsu nói, “Anh em, chị em của tôi là những người làm theo ý Cha tôi” (Mc 3:35). Nhờ vâng phục lời mời gọi và thánh ý Thiên Chúa, người tu sĩ được hiệp nhất với Đức Giêsu, Đấng đến để thi hành ý Thiên Chúa, và hiệp nhất với anh chị em là những người đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa. Cộng đoàn tu trì diễn tả sự hiệp thông của Thiên Chúa trong ba cách:

a) Loan báo mầu nhiệm Phục sinh. Đây là cuộc Vượt qua, một sự chuyển đoạn, một cuộc hoán cải từ xấu đến tốt. Đó là
  1. - hoán cải từ tội lỗi đến hiệp thông với Thiên Chúa, từ điều xấu đến điều tốt,
  2. - hoán cải từ chủ nghĩa cá nhân đến sự hiệp thông huynh đệ,
  3. - hoán cải từ chủ nghĩa ích kỷ (tham lam, thống trị, tham vọng, bắt người khác phục vụ) đến phục vụ người khác.

b) Chứng minh đời sống Kitô hữu bằng hành động qua việc
  1. - vui sống với nhau,
  2. - tương quan tốt giữa các phần tử,
  3. - chung chia của cải vật chất và thiêng liêng.

c) Thực thi phục vụ ơn cứu độ bằng cách chu toàn lệnh truyền của Chúa:
  1. - đi thâu nạp môn đồ,
  2. - rửa tội cho họ và hiệp nhất họ trong tình yêu Ba ngôi,
  3. - dạy họ giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em.

Đức Kitô, Chúa và Thầy của chúng ta, Đấng mà các tu sĩ qui tụ nhân danh Người, muốn tất cả các môn đệ yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ. Thánh Gioan nói, “Ai không yêu thương thì ở dưới quyền sự chết. Ai ghét anh em mình, kẻ ấy là kẻ sát nhân” (1 Ga 3:14-15). Vì thế, yêu thương là nền tảng của đời sống cộng đoàn. Cộng đoàn tu trì là hồng ân của Thiên Chúa và là lời mời gọi đặc biệt để sống sự hiệp thông các thánh: “Congregavit nos in unum Christi amor” (Tình yêu Chúa Kitô quy tụ chúng ta nên một).

Hơn nữa, cộng đoàn tu trì còn là một hiệp hội những người muốn theo đuổi sự thánh thiện. Đó là một tổ chức hữu cơ chứ không phải máy móc. Nó có động lực siêu nhiên, được hoàn thành nhờ hiệp thông tư tưởng, tâm hồn, công việc, kinh nguyện.

TINH THẦN GIA ĐÌNH

Một cộng đoàn tu trì phải là một gia đình thực sự dựa trên sự hiệp nhất mục tiêu và hiệp nhất tâm hồn giữa các phần tử. Họ đến với nhau như một gia đình không phải vì những động lực tự nhiên. Yếu tố hiệp nhất gia đình tự nhiên hay gia đình sinh học không phải là yếu tố hiệp nhất các phần tử của cộng đoàn tu trì. Liên hệ máu mủ, ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, địa dư, v.v… không làm thành nền tảng của sự hiệp thông. Trái lại, họ đến với nhau vì những động lực siêu nhiên: một ơn gọi chung, một đấng sáng lập chung, đoàn sủng chung, và cam kết chung để tích cực đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Do đó, sự hiệp thông này sâu xa hơn và mạnh mẽ hơn sự hiệp thông trong gia đình tự nhiên. “Giọt máu đào hơn ao nước lã,” nhưng tinh thần thì mạnh hơn máu huyết.

Đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự hòa đồng, nhưng không phải là tính bầy đàn tới mức mù quáng để mình bị dẫn dắt bởi đồng bạn và tới mức mất cả nhân cách. Không nên để cho mình bị đời sống tập thể cuốn hút, nếu không ta sẽ phải sống trong tình trạng nô lệ, không có ý tưởng và không có căn tính. Cũng không nên từ bỏ quyền được suy nghĩ, nếu không muốn mình bị lèo lái.
Ngược lại, quy ngã là kẻ thù của đời sống đoàn. Kẻ ích kỷ luôn luôn tìm kiếm một mục đích vụ lợi. Người ấy đi theo lối sống cá nhân chủ nghĩa, thu lợi tối đa từ cộng đoàn trong khi đóng góp tối thiểu. Điều cần là phải có đức ái, sự tham dự, tinh thần huynh đệ, và một ý thức thân thiết sống động. Đáng buồn là có những anh/chị em quảng đại nặng gánh với công việc, chiến đấu nơi sa trường, trong khi những người khác ngồi ở ban công đùa giỡn, phê phán và chỉ ra những khiếm khuyết, “Đừng quên làm điều thiện và giúp đỡ lẫn nhau, vì đây là những hi sinh đẹp lòng Thiên Chúa” (Dt 13:16).

Đây là kinh nghiệm cộng đoàn của một nữ tu lớn tuổi:

“Mẹ tôi bị tai biến ở tuổi ngoài bảy mươi, và nằm liệt một tháng rồi qua đời vào đêm áp lễ Giáng sinh. Tôi buồn sầu nhìn mẹ tôi đau đớn và cuối cùng phải từ biệt mẹ tôi vĩnh viễn. Đó là thời gian mà tôi cảm nghiệm tình yêu thương và sự quan tâm từ cộng đoàn.

Các nữ tu thường xuyên mỗi ngày đến cầu nguyện cho mẹ tôi trong khi bà lâm bịnh, và hỏi thăm bệnh tình của bà. Khi bà mất đi, chị em chia sẻ nỗi đau buồn của tôi, dâng thánh lễ, nguyện kinh phụng vụ cầu cho bà, và giúp tôi sắp xếp mọi sự cho lễ an táng. Một số đông chị em ở khu vực địa phương tham dự lễ an táng và cử hành phụng vụ rất sốt sắng. Những người thân thuộc của tôi rất cảm kích về cử chỉ này. Các chị em ở các cộng đoàn khác cũng cầu nguyện và gửi lời chia buồn và cảm thông bằng nhiều cách khác nhau. Trong lúc ưu phiền, tôi không đơn độc; gia đình lớn của tôi ở bênh cạnh tôi.”


Đó là một thí dụ về tinh thần tham dự và chia sẻ. Phẩm chất của mối tương quan thật vững chắc.

CÁC LOẠI TƯƠNG QUAN

Có nhiều loại tương quan khác nhau. Người ta có thể dễ dàng nhận ra:

Mối tương quan giữa những viên gạch. Một viên gạch vẫn là viên gạch, dù nó được đặt ở đâu, được đặt thế nào. Nó không phản ứng, liên hệ, hoặc phản ứng lại những viên gạch ‘đồng loại’. Hai viên gạch tự nó không xích lại gần nhau cũng không xa cách nhau. Giữa chúng không có đồng cảm hoặc ác cảm. Một viên gạch ở trên, dưới, bên cạnh, gần hay xa viên gạch khác tùy thuộc chuyện nó được đặt ở đâu. Hai viên gạch hoàn toàn dửng dưng với nhau, không có chút tương quan nào. Đó là mối tương quan giữa các viên gạch, đó là mối tương quan tệ hại nhất giữa loài người.

Mối tương quan trong bầy chim. Những con chim cùng loại qui tụ thành bầy với nhau. Trong lúc những con chim cùng một loại không đánh đuổi những con chim thuộc loại khác trừ khi săn mồi, thì hầu hết các loại chim đều xua đuổi những loại khác ra khỏi bầy đàn. Qụa, thất tinh, vẹt và bồ câu là những loại chim quy tụ lại thành nhóm riêng. Chúng tách biệt khỏi những loại chim khác; chúng di chuyển và hoạt động riêng trong nhóm. Nếu điều này xảy ra trong một cộng đoàn tu trì, sẽ không có một cộng đoàn thực sự hoàn toàn. Trái lại, có nhiều “cộng đoàn” nhỏ trong một cộng đoàn, với những quyền lợi và động lực riêng. Từ đó đời sống chung, sứ vụ tông đồ và linh đạo của các phần tử sẽ trở nên tồi tệ.

Mối tương quan trong đàn ong. Ong sống thành cộng đoàn lớn. Mỗi cộng đoàn được tổ chức, phối hợp và hiệp nhất rất chặt chẽ. Nhưng ong ở tổ này không có tương quan với ong ở tổ kia. Thử đặt vài con ong ở tổ này vào những con ong ở tổ khác. Chúng không chấp nhận nhau. Những con mới đến liền bị loại trừ và giết chết, cho dù chúng thuộc về cùng một loài.  Ở đây chúng ta thấy nhóm này nhóm kia không chỉ ngăn chặn mà còn loại trừ và hủy diệt lẫn nhau. Thậm chí chúng ta không nên tưởng tượng là có chuyện như thế xảy ra trong cộng đoàn tu trì. Thế nhưng, phải chăng những khuynh hướng và thái độ như thế hoàn toàn vắng bóng trong tất cả các nhà dòng?

Mối tương quan của loài bướm. Bướm là thụ tạo không những xinh đẹp mà còn hiền lành và dịu dàng. Bướm không di chuyển theo đàn. Chúng đến hút mật nơi bông hoa đồng thời đem phấn từ hoa này sang hoa khác, làm cho hoa thụ tinh, như thế là giúp cho cây cối sinh trái. Chúng tiếp xúc với hoa rất tinh tế, không làm hại chút nào. Chúng không chỉ được lợi từ hoa; mối tương quan của bướm với hoa đem lại lợi ích cho cả hai bên. Đây là mô hình đầy ý nghĩa về tương quan liên cá vị. Nếu các phần tử của cộng đoàn liên đới với nhau theo cách này, họ sẽ làm nên một cộng đoàn tuyệt vời.

HÃY THEO THẦY, HÃY PHỤC VỤ CON NGƯỜI

Mọi cộng đoàn tu trì, dù có đặc sủng hay sứ vụ nào, cũng là để phục vụ con người. Tuy nhiên, họ không phải là tôi tớ của con người. Vì nếu thế, họ phải nhận mệnh lệnh từ con người và chu toàn những đòi hỏi cùng lòng tham lam và sở thích của con người. Không; người tu sĩ là tôi tớ của Chúa Kitô, Đấng là Tôn sư duy nhất của họ. Vị Tôn sư nói, “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Chính Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người. Vì vậy, một tu sĩ, khi thề hứa đi theo Tôn sư Kitô một cách gần gũi, phải nuôi dưỡng cũng một tinh thần của Đức Kitô.

Cộng đoàn tu trì là nơi đòi hỏi sự hiện diện và cộng tác của các phần tử. Họ phải làm việc với nhau và phối hợp các hoạt động như là đang thi hành sứ vụ tông đồ của hội dòng chứ không phải của cá nhân, riêng tư, biệt lập. Điều này đòi hỏi phải có kỷ luật, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ công việc, lợi ích, thời khóa biểu chung (bữa ăn, cầu nguyện, giải trí, v.v…) và dự phóng chung. Ngày cả khi một phần tử phải làm việc một mình và ở xa cộng đoàn, người ấy vẫn làm việc nhân danh cộng đoàn và là một phần trong sứ vụ tông đồ của cộng đoàn. Điều quan trọng là tất cả mọi phần tử phải ghi nhớ điều này.

Làm việc chung với nhau giả thiết phải có khả năng sống chung với nhau như anh/chị em. Tình yêu thương chân thành dạy cho chúng ta biết cách thích ứng với người khác. Điều cần là tính hòa đồng và cộng tác, chứ không phải đàn đúm. Đời sống cộng đoàn có thể là thách đố thực sự một khi nhiều người có những thị hiếu, tài năng, sở thích, ý tưởng và quan niệm khác nhau, lại phải sống chung trong hòa bình, hòa hợp, tôn trọng và nâng đỡ lẫn nhau, tất cả những điều này đòi hỏi một mức độ kiên nhẫn và khoan dung đáng kể.
Chính vì lý do này, đời sống cộng đoàn đòi hỏi đức bác ái, trái ngược với tính ích kỷ. Mọi người đều phải chia sẻ gánh nặng, công việc, và phúc lợi. Ba năm sau khi khấn, một tu sĩ viết, “Tôi cảm nghiệm một niềm vui sâu xa trong đời sống cộng đoàn. Nó giúp tôi trở thành con người tốt hơn. Đến với nhau và làm việc vì cùng một mục đích có thể làm cho tôi hiểu được giá trị của đời sống thánh hiến.”

Hiển nhiên là tinh thần gia đình phải nổi bật trong cộng đoàn. Đức ái phải mở ra với toàn thể Hội thánh và toàn thể thế giới; nhưng trên hết đức ái phải tự biểu lộ trong sự tôn trọng, chấp nhận và hỗ trợ lẫn nhau. Yêu thương chân thành là cần thiết. Ở đây, điều thánh Phaolô nói rất thích hợp, “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13:4-6). Đức Giêsu, vị Tôn sư của chúng ta đã dạy chúng ta rằng đức ái phải chân thành và thẳng thắn, không giả bộ, không phô trương và không phải là phương tiện để được công chúng ca ngợi (x. Mt 6:1-4).
Đời sống cộng đoàn đòi hỏi:
  1. - đức tính hiền từ, hòa đồng, lạc quan, một phần do bản tính, một phần do huấn luyện và nỗ lực không ngừng;
  2. - tâm hồn rộng mở, chin chắn, hiểu biết, luôn luôn hướng về cách giải thích sự việc một cách tích cực;
  3. - thái độ sẵn sàng đối với người nghèo, người đau khổ, nhất là những người mà chúng ta chung sống, các bề trên, các anh/chị em trong cộng đoàn;
  4. - tuân giữ những qui định thông thường về lịch sự, phong cách tốt, dịu dàng và nhân hậu, mọi nơi và với mọi người;
  5. - sẵn sàng tha thứ những sai lầm và xúc phạm, ghi nhớ với lòng biết ơn muôn vàn ơn ích mình đã nhận lãnh được, không nhắc nhớ những khuyết điểm quá khứ của người khác, không có những lời nói ám chỉ bóng gió gây xúc phạm.

SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG
  1. 1. Đọc và suy niệm Gl 6:1-10; Lc 11:37-46; Mt 18:15-17.
  2. 2. Cộng đoàn làm tăng hay giảm bớt tự do của bạn như thế nào? Lý do?
  3. 3. Đời sống của bạn trong cộng đoàn có giúp bạn lớn lên một cách đáng kể trong đức tin, đức cậy và đức ái không?
  4. 4. Theo bạn, tại sao người ta rời bỏ cộng đoàn? Nêu ra những nguyên nhân.
  5. 5. Viết một bài ngắn về phần tử lý tưởng của một cộng đoàn tu trì.
114.864864865135.135135135250