29/03/2024 -

Đời sống Kitô hữu

1867
  1. Lời dẫn : Các bài Tin Mừng của Tuần thánh cho chúng ta bắt gặp một nhân vật tên là Giuđa Ítcariốt. Ông nằm trong số 12 Tông đồ được Đức Giêsu tuyển chọn, nhưng chính ông cũng là người góp phần tích cực đưa đến cái chết của Thầy, và vì thế phải nhận lấy biệt danh – “kẻ bán Chúa”. Dưới cái nhìn của tác giả bài viết, bi kịch của một cuộc đời đi theo Chúa, nhưng “chẳng thể tín trung đến cuối con đường” dù sao vẫn nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa mà ta chẳng có thể hiểu hết được.
  2.  
  3. Giuđa đã vâng phục đáp lại tiếng gọi của Chúa, nhưng những toan tính riêng tư đã làm cho cuộc đời của ông bị “tối dần đi”. Ở cuối con đường, Giuđa đã “lóe sáng thêm một lần yếu ớt” khi ông công khai nhìn nhận lỗi lầm và bênh vực cho sự công chính, vô tội của Thầy. Một kết cục bi thảm, Giuđa tự tử vì ông đã không đủ tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Dưới cái nhìn đức tin, dù sao “cuộc đời của Giuđa, cách nào đó thắp lên trong ta, nhất là với những ai đang phải đối diện với khoảnh khắc đêm đen của cuộc đời, một thứ ánh sáng của hy vọng củng cố niềm tín thác của ta vào tình thương Thiên Chúa, và để ta đủ vững bước đi hết hành trình ơn gọi đời mình.”
 
“HÃY THEO THẦY”

“Hãy theo Thầy” được xem là một lời gọi mời đầy mãnh liệt và quyến rũ. Lời mời gọi này không chỉ dành cho một cá nhân, nhưng trở thành một cách thức chung trong việc kêu mời tất cả mọi người trong mọi thời đại, mọi hoàn cảnh để đi theo trở thành môn đệ của Chúa, làm chứng và phục vụ Tin Mừng.
 
Các tông đồ là những người tiên phong đáp trả lại lời mời gọi ấy. Từ những bước đồng hành đầu tiên với Chúa, các ông đã sớm thể hiện những tính cách “rất con người” của mình. Trên đường đi, các ông đã từng tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong vương quốc của Thầy. Cũng vậy, bà Salômê đã đến gặp Chúa để xin cho hai người con của mình một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong vương quốc mới. Khi các tông đồ còn mang nhiều yếu đuối và tham vọng thì Giêsu chí ái đã yêu thương, nhẫn nại mời gọi các ông trở nên những người tông đồ đích thực qua việc phục vụ anh em, làm “đầy tớ” cho người khác, trở thành kẻ khiêm nhường bé mọn, giũ sạch những đam mê bất chính của trần gian để tìm kiếm những thực tại bền vững Nước trời và lên đường loan báo niềm vui cứu độ cho mọi loài thọ tạo.
 
Các tông đồ đã đáp lại lời mời gọi trong những hoàn cảnh khác nhau, Giêsu chí ái đã chọn gọi và cắt cử các ông, để các ông ra đi và mang lại những kết quả vững bền. Và những kết quả vững bền ấy chỉ có khi các tông đồ cảm nhận trọn vẹn những điều thiện hảo và đặt trọn niềm tin cậy vào Thầy chí thánh để trở nên những người phục vụ Tin Mừng nhiệt thành, bất chấp những lao nhọc và bắt bớ. Thế nhưng, trong nhóm Mười Hai đã “tụt lại” một người vì gánh nặng của đam mê và bất tín.
 
GIUĐA ÍTCARIỐT ... GIUĐA ÍTCARIỐT !
 
Phải dành trọn cả một cuộc đời, phải đi hết cả một cuộc hành trình để chúng ta nhận ra ai là người trọn nghĩa, ai là người tôi trung trọn hảo. Trong hành trình của cuộc đời theo Chúa, các tông đồ cũng có những “đêm đen” của riêng mình. Đó là nỗi sợ hãi trong vườn Cây Dầu khi lính tra tay bắt Đức Giêsu, các tông đồ đã trốn hết thảy. Đó là việc liên tục chối Chúa ba lần trong dinh thượng tế, và còn là lúc một ai đó tỏ ra kém tin, cần phải được chứng kiến tận mắt để tận tay chạm vào dấu đinh trên thân thể của Người. Giuđa cũng đã trải qua những “đêm tối” liên tiếp trong hành trình theo Chúa.
 
Nếu bỏ qua những đêm tối của cuộc đời mà chỉ ngắm nghía những “công trạng” hoặc những ngày tâm hồn ta hân hoan trong “men nồng rượu mới”, bừng sáng lên trong trải nghiệm có Chúa thì làm sao chúng ta có thể cảm nhận được hết những hơn kém, những bước tiến lên hay thụt lùi của một linh hồn hướng về phía Thiên Chúa. Vậy nên Giuđa hỡi... xin hãy một lần kể lại cuộc đời mình, chẳng vì minh oan cũng chẳng vì đổ lỗi, nhưng để mọi người không chỉ có thể thấy được mình ở đâu đó trong đêm tối của chính họ, mà giúp họ nhận ra cách vượt thắng những rào cản bên trong tâm hồn bấy lâu, để họ thêm trân quý cuộc đời của những người đã “chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”, và chính họ một lần nữa lại thêm tin yêu vào Đấng đã cất lời gọi mời.
 
MỘT CÁI TÊN BỊ “GẮN MÁC”
 
Lúc bắt đầu lên danh sách các tông đồ trong nhóm Mười Hai cũng là lúc Giuđa chính thức bị “gắn mác”. Tin mừng Nhất Lãm sau khi kể tên Giuđa Ítcariốt ở cuối danh sách thì thêm vào một vài chi tiết nói về Giuđa như “kẻ nộp Người” (Mt 10,4 ; Mc 3,19), “kẻ phản bội” (Lc 6,16). Thánh Gioan đã nhắc đến Giuđa như một “tên ăn cắp”, vì Giuđa giữ túi tiền và thường lấy đi cho riêng mình những thứ người ta cho vào quỹ chung.
 
Khi có cơ hội điểm danh lại các tông đồ trong nhóm Mười Hai, ít ai lại quên nhắc tới Phêrô và Giuđa Ítcariốt. Người ta nhắc đến tên của hai vị này vì có ấn tượng ít nhiều. Trong cùng một khoảng thời gian thì một người đã “bán” Chúa và một người chối Chúa. Thế nhưng ở đây lại có một điểm đối lập rõ ràng sau biến cố đêm hôm ấy. Đối với vị Tông đồ Cả, tiếng gà rạng sáng là thứ âm thanh dội vào tâm hồn thổn thức của ông, là thứ âm thanh đánh động để ông “sực nhớ” lời Chúa đã bảo với ông. Đó là tiếng báo hiệu cho một khởi đầu mới với một tình yêu lớn lao. Đối với Giuđa, nụ hôn trong đêm là một dấu chỉ, nhưng có thể nói đó cũng là nụ hôn chào chúc bình an trước khi ra đi. Có lẽ bởi vì Giuđa khác biệt, khác biệt ngay từ việc xuất thân của ông (ông là người Kêriốt - Kerioth, một thành phố của Giuđa trong khi các môn đệ khác là người Galilê). Ông khác biệt vì lòng còn nặng trĩu những toan tính mà chẳng mảy may vâng theo những lời Thầy truyền dạy để phục vụ Tin Mừng. Ông khác quá! Khác bởi sự khắt khe trong lòng mình, ông đã không cho mình thêm cơ hội nào khác để trở lại khi phải đối diện với chính mình, phải trả lời tiếng lương tâm cật vấn và phải gặm nhấm sự dằn vặt vô tận cứ mãi mãi đuổi theo. Dẫu biết rằng đó là những “khốn khổ” của một người, nhưng chính Thiên Chúa lại có cách bày tỏ vinh quang của Người. Ở điểm này, một cách nào đó chúng ta nhận ra sự xác tín yếu kém của Giuđa.
 
MỘT SỰ VÂNG PHỤC CHƯA TRỌN HẢO
 
Tin Mừng Mátthêu chương 10 có thuật lại “Bài giảng về sứ mệnh truyền giáo” của Chúa Giêsu, trong đó Chúa Giêsu nhấn mạnh “đừng kiếm vàng bạc hay tiền dắt lưng”. Một lần khác khi nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã mạnh mẽ dùng dụ ngôn “Người quản gia bất lương” để nhắn nhủ những người đang ở đó và đặc biệt là các tông đồ yêu dấu của mình: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”. Hay khi trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”, Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên: “Hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo và anh sẽ được một kho tàng ở trên trời”. Đó là những mong muốn mà Chúa Giêsu gửi gắm cho các tông đồ và cho những người đi theo mình. Ngài muốn chúng ta trở thành những người chỉ “bận tâm” lo chuyện Nước trời và trở nên thanh thoát trước mọi vướng mắc và đam mê trần tục.
 
Giuđa là người giữ túi tiền, đó không phải là cớ để ông phạm tội, ngược lại ông có thêm những cơ hội tốt để trở thành người tông đồ chuyên tâm lo việc phục vụ Tin Mừng bằng cách chăm lo nhu cầu thiết yếu cho mọi người, bố thí cho người nghèo và rao giảng. Thế nhưng Giuđa có lẽ đã chọn một cách khác là làm tôi cho tiền của. Ông nhân danh người nghèo để trách cứ Maria vì hoang phí khi dùng loại dầu thơm cam tùng nguyên chất để rửa chân Chúa Giêsu, nhưng trên thực tế điều ông quan tâm là 300 quan tiền thu về khi bán đi loại dầu thơm đáng giá ấy. Thay vì mở lòng ra đón nhận lời khuyên của Thầy, Giuđa đã để tâm hồn mình trĩu nặng vì những toan tính tích trữ của cải trần gian. Điều ấy đã làm cho tâm hồn Giuđa cứ tối dần đi. Ở trong bóng tối của tâm hồn, ông còn phải chịu những xáo trộn vô hình vô định. Những xáo trộn ấy làm mất đi khả năng để trở nên thân hữu với Thiên Chúa và cản ngăn việc trở thành người tôi tớ phục vụ anh em, phục vụ Tin Mừng.

 “THÀ NÓ ĐỪNG SINH RA CÒN HƠN”
 
Không khó để nhận ra một điều, Giuđa là một nhân vật tốn nhiều giấy mực; qua cuộc đời của ông, đã có một nguồn cảm hứng vô tận tràn chảy vào nghệ thuật và văn chương. Có rất nhiều tranh vẽ về Giuđa với Chúa, cũng có nhiều tác phẩm ấn tượng kể về Giuđa mà tác giả đã sẵn sàng nhập vai vào nhân vật này để trình bày suy tư và góc nhìn của mình. Cũng vì lẽ ấy, có rất nhiều giả thiết đưa ra để phân tích động cơ “bán Chúa” của ông. Phải chăng nó xuất phát từ đam mê tiền của, hay đó là một “mưu kế” vì Giuđa tin rằng trong bước đường cùng Giêsu sẽ khởi nghĩa giải thoát dân ra khỏi sự cai trị của đế quốc Rôma. Hoặc giả đó cũng chỉ xuất phát từ ý ngay khi Giuđa chỉ muốn sắp xếp một cuộc gặp gỡ giữa thượng tế và Chúa Giêsu để giải tỏa những căng thẳng vốn có. Để các thượng tế, các kì mục và kinh sư có cái nhìn đúng đắn về Chúa Giêsu nhằm đạt đến những mối quan hệ đa phương tốt đẹp. Tuy nhiên, đó chỉ là những suy luận không đủ cơ sở và chúng ta cũng chẳng thể truy vấn hay phỏng đoán thêm về cuộc đời của người tông đồ này. Chỉ bằng cảm nhận riêng đi từ trải nghiệm theo Chúa của mỗi người, ta hy vọng chạm được một phần “đêm tối” của Giuđa.
 
Cuộc đời của Giuđa khốn khổ hơn là khốn nạn. Ông đã bị kéo lại phía sau, không ai biết chính xác cái kết của Giuđa vì có thể ông đã bỏ đi đâu đó hoặc đã kết thúc cuộc đời mình ngay trong biến cố rối ren đêm hôm ấy, nhưng ta cảm nhận được những nghĩa cử cuối cùng của ông là những hành động thoi thóp của một người cố tìm về ánh sáng. Ông đã đến gặp các thượng tế và trả lại tiền cùng với lời thú tội: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan” (Mt 27,4). Chính khoảnh khắc này, Giuđa đã góp thêm một lời tuyên xưng vào việc làm chứng cho Con Người.
 
“Thà nó đừng sinh ra còn hơn” (Mt 26,16). Đó có thể là tiếng xót thương cho thân phận của Giuđa, người đã từng sẵn sàng theo Chúa, người đã đã được Thầy yêu thương, nhưng nhưng lại không để cho tình yêu ấy biến đổi mình. Chúa biết những xáo trộn trong tâm hồn của Giuđa, Ngài biết kế hoạch của Giuđa. Tin Mừng Gioan (13,26) thuật lại: “Người chấm một miếng bánh, trao cho Giuđa”. Giuđa đã tham dự vào các Mầu nhiệm, nhưng lại ra đi mà không ở lại với Thầy. Có ý kiến cho rằng, Chúa Kitô là một kiểu mẫu công bình cho mọi người chúng ta, Ngài đã không tách biệt Giuđa ra khỏi sự hiệp thông của những người khác. Bỏ qua yếu tố tà tâm của Giuđa đã khiến ông thật không xứng hợp để đón nhận Mầu nhiệm này, điều ta cảm nhận được là Giêsu chí ái một cách nào đó vẫn rất yêu thương ông. Ngài yêu thương các tội nhân và cũng đã từng khóc thương “khốn thay...” cho nhiều người vì tội lỗi của họ, vì con mắt đã bị những ảo vọng trần thế làm hoen mờ và không thể nhận ra được những giá trị đích thực của Nước trời.
 
TỪ CUỘC ĐỜI GIUĐA
 
Lịch sử đôi lúc được viết ra không chỉ nhắm đến nhân vật ấy, nhưng còn nói về chính bản thân chúng ta, những người đang đáp lại lời mời gọi “hãy theo Tôi”, những người mang lấy sứ mệnh đem Tin Mừng cho người khác với sự vâng phục, xác tín và cậy trông. Hành trình ấy không phải là một quang lộ thẳng tắp và rực rỡ, đôi lúc chính chúng ta cũng đã nán lại khá lâu, hoặc tụt lại đằng sau trong những “đêm đen” liên tục của tâm hồn mình. Thoát ra hoặc chẳng bao giờ nữa, đâu là tia sáng cuối đường dẫn ta ra khỏi đêm đen của lòng mình, đâu là nơi ta tựa nương và được thêm sức mạnh? Tiên vàn, hãy vâng phục lời Chúa phán dạy như các tông đồ đã làm. Chính các tông đồ đã để tâm hồn mình được chiếu tỏa bằng cách vâng phục và trọn niềm cậy trông. “Vâng lời Thầy tôi xin thả lưới” ... đó chính là “bài ca đánh bắt” của các tông đồ, và cũng chính Chúa đã làm cho tâm hồn các ông hoan hỷ vì lưới đầy những cá, vì cuộc đời tận tâm phục vụ cho Tin Mừng đã mang lại nhiều linh hồn về với Chúa để nước Chúa được rộng mở.
 
Trong cuộc lữ hành đức tin và ơn gọi này, chúng ta có những tấm gương tín trung và vâng phục vô điều kiện trước tiếng gọi của Chúa để tận tâm lo chuyện Nước trời. Họ như những vầng sáng lớn trên bầu trời. Bên cạnh đó, cũng có những ánh sáng yếu ớt đã vụt tắt nhưng lại khơi lên những nguồn sáng khác. Có lẽ cũng chính vì điều này mà họ (Giuđa, v.v..) đã được kêu gọi, dù chẳng thể tín trung đến cuối con đường. Giuđa đã tối dần đi, lóe sáng thêm một lần yếu ớt và tắt lịm, nhưng cuộc đời của ông, cách nào đó thắp lên trong ta, nhất là với những ai đang phải đối diện với khoảnh khắc đêm đen của cuộc đời, một thứ ánh sáng của hy vọng củng cố niềm tín thác của ta vào tình thương Thiên Chúa, và để ta đủ vững bước đi hết hành trình ơn gọi đời mình.
 
Tuần thánh 2019
_Đa Minh Máctinô Nguyễn Ngọc Huy_

(Bài viết đã được đăng trên trang Thỉnh viện Đa Minh, ngày 14/4/2019, https://thinhviendaminh.net/theo-cach-giuda)
114.864864865135.135135135250