Trong tâm tình mừng kính năm thánh Giuse, có lẽ cũng là dịp thích hợp để chúng ta - những kẻ mang giấc mộng đem Lời Chúa vào đời sống - hướng nhìn lên thánh Giuse như là tấm gương tuyệt vời về việc trở nên người phục vụ Lời.
1. Hành trình từ những giấc mộng
Trong thân phận làm người, thánh Giuse đã có một giấc mơ rất riêng tư và đáng được người đời chúc phúc, đó là kết hôn với bà Maria. Thật vậy, ngài có một giấc mơ rất đỗi bình thường như bao người khác về một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc bên người vợ và những đứa trẻ. Thế nhưng, trong lúc đang chuẩn bị thực hiện giấc mơ của mình, thì điều bất ngờ xảy đến, đó là Bà Maria đã có thai. Sự việc kỳ lạ này làm cho ngài bối rối và đau khổ.
Ngài toan tính hành động để đem đến một sự bình an cho tất cả vì "là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo" (Mt 1,19). Nhưng rồi trong giấc mộng, ngài đã có giải pháp khác. Giải pháp không đến từ loài người mà đến từ Thiên Chúa "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần". Hơn nữa, người con mà Đức Maria đang mang thai đó không phải là một con người bình thường, nhưng là người con của lời hứa “chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.
Từ một giấc mộng đời thường và rất người là được chung sống một cuộc đời bình thường với người mình yêu thương, thánh Giuse đã vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Thật vậy, ngài gạt bỏ những gì là riêng tư để đón lấy một giấc mộng định mệnh là “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về”, rồi đến những giấc mộng báo phải chạy trốn vua Hêrôđê “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”.
Thánh Giuse khi chấp nhận làm theo những lời trong giấc mộng cũng đồng thời là chấp nhận mọi bi kịch có thể xảy đến với cuộc đời của mình. Ôm lấy giấc mộng cũng có nghĩa là ôm lấy tất cả những biến cố và biến động của thời cuộc để quyết hiện thực lời trong mộng nơi đời sống thường nhật. Thánh nhân đã làm như thế cho đến kỳ cùng của kiếp nhân sinh. Khi biết vua Hêrôđê đang tìm giết con trẻ, sứ thần lại hiện ra trong giấc mơ và yêu cầu thánh nhân đưa con trẻ sang Ai-cập để lánh nạn và “Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập”.
Đây không hề là kế hoạch hay ý định của ngài mà là “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập” (Mt 2,15). Bất cứ khi nào nhận được lời báo, dù chỉ là trong giấc mộng, thánh Giuse vẫn luôn im lặng và mau mắn thi hành mà không hề thắc mắc hay hoài nghi.
Thánh nhân cho thấy rằng ngài đã mơ thấy lời hứa về một đời sống “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” và “chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” cho nên ngài quyết sống một cuộc đời như mơ đó. Khác với Mẹ Maria, sứ thần hiện ra với Mẹ và báo tin, thánh Giuse lại nhận được lời loan báo trong mộng. Thật vậy, sứ thần không hiện ra ban ngày và yêu cầu ngài làm một việc gì đó, nhưng là trong giấc mơ. Tất cả đều khởi đi từ giấc mơ.
2. Giấc mộng quyền bính
Khi thực thi mệnh lệnh của Thiên Chúa, thánh Giuse được trao cho quyền bính trước hết qua việc đặt tên “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu”. Thật vậy, từ thuở khai sinh lập địa, Thiên Chúa đã trao quyền đặt tên cho con người trên vạn vật. Quyền đặt tên hàm nghĩa rằng con người thống trị vạn vật. Vạn vật trong vũ trụ vật chất này có được ý nghĩa trong tương quan với con người qua việc con người gọi nó là gì, vì chúng để phục vụ con người.
Trong trường hợp thánh Giuse, Thiên Chúa cũng ban cho ông quyền đặt tên cho con trẻ “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su”. Tuy nhiên, khác với việc con người được đặt tên vạn vật bằng cái tên do họ nghĩ ra để đưa chúng vào trong tương quan với con người, ban cho chúng một ý nghĩa để chúng trở nên hữu ích cho đời sống con người, thánh Giuse thì ngược lại, ngài được yêu cầu đặt tên do chính Thiên Chúa chỉ định cho ngài, chứ không phải do ngài nghĩ ra.
Như thế, khi gọi con trẻ là Giêsu, thánh nhân thay vì ban cho con trẻ một ý nghĩa và kéo con trẻ vào tương quan với mình, thì ngược lại, ngài được đưa vào một tương quan mới, được ban cho một ý nghĩa sâu xa, đó là bước vào tương quan sống mật thiết với Ngôi Lời Thiên Chúa (qua tình phụ-tự). Hơn thế nữa, thánh nhân cũng là người đầu tiên được kêu Danh Giêsu, danh mà khi vừa nghe đến “cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2,10). Đây là ân phúc mà Thiên Chúa dành cho ngài. Hơn nữa, “khi đặt tên cho con trẻ là Giêsu, thánh Giuse công bố sứ vụ cứu độ của Hài Nhi” (Redemptoris Custos, số 12).'
Ngoài ra, khi tuyên xưng Danh Giêsu, người ta cũng được cứu độ “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ” (Cv 16,31). Đời sống mới của thánh Giuse không phải là một đời sống mơ mộng vì là cha nuôi của Đấng Cứu Thế nên ngài sẽ có được những đặc quyền, đặc lợi theo kiểu thế gian, nhưng ngược lại, ngài sẽ phải khốn đốn, lao tâm khổ tứ để cho lời sấm “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” được tỏ hiện ra. Nếu sống mơ mộng viễn vông, thánh Giuse đã không thể chấp nhận thinh lặng trước những khó khăn của cuộc đời như: không thể tìm nhà trọ cho Bà Maria hạ sinh Con Trẻ, phải đưa con trẻ chạy trốn sang Ai-cập, hay phải sống một cuộc đời thiếu thốn vất vả trong thinh lặng.
3. Mơ và nhớ
Kể từ khi làm theo lời sứ thần báo mộng, cuộc đời thánh Giuse cũng bước sang một trang mới đầy cam go và thách thức. Ngài hành động trong niềm tin về một lời hứa “Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Thiên Chúa, qua giấc mơ, “đã trao phó cho ông kho tàng quý giá nhất của Người” (Redemptoris Custos, 1). Nhiệm vụ của ngài là cộng tác để người ta nhận biết và gọi con trẻ là “là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Khi chiêm niệm về đời sống thánh Giuse, ta có cảm tưởng ngài có dáng dấp một nghệ sĩ - người mong muốn đưa những gì là cao siêu vào trong đời thực và sống chết với nó. Tuy nhiên, điều khác biệt với các nghệ sĩ đó là thánh nhân không mang những gì mình nghĩ, mình tưởng tượng, không phải là cao vọng của thánh nhân, không phải là lý tưởng mà thánh nhân đưa ra để đưa nó vào đời sống; nhưng thánh nhân hành động theo những gì được chỉ dẫn với niềm tin là đến từ Thiên Chúa. Cái tính nghệ sĩ giúp cho thánh nhân dám mơ, dám liều và dám sống.
Tuy nhiên, thánh Giuse không sống trong mơ mộng, ảo tưởng hão huyền, nhưng ngài đã “tỉnh thức và làm” hoặc “liền trỗi dậy” và thi hành. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” như là một sự thôi thúc tha thiết với lời kêu gọi của Thiên Chúa. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” chính là thái độ của kẻ khôn ngoan khi dấn thân vào đời thực, là ra khỏi những giới hạn của bản thân, vượt lên trên mọi nỗi sợ hãi, lo lắng, băn khoăn về khiếm khuyết của chính mình cũng như không còn những thắc mắc về những điều khó hiểu chưa được bày tỏ về mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. “Tỉnh thức” và “trỗi dậy” do đó, đơn giản là lên đường với sự ghi nhớ về những Lời đã được sứ thần báo mộng. Nếu như câu nói “Đức Maria hằng ghi nhớ những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng”, thì câu nói ấy cũng dành cho thánh Giuse và đã được diễn tả rất đúng trong cuộc đời ngài.
4. Thinh lặng - ngõ cụt mơ mộng dẫn tới đại lộ hằng sống
Thật vậy, có lẽ điều mà ai cũng nhận thấy nơi thánh Giuse đó là sự im lặng hầu như tuyệt đối. Trong Tin Mừng, ngoài việc gọi tên con trẻ là Giêsu như lời sứ thần báo mộng, ta không thấy thánh nhân thốt lên một tiếng nào nữa.
Trước hết, sự im lặng của thánh nhân vừa gợi cho ta thấy giới hạn tột độ của trí hiểu con người trước mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; vừa thể hiện sự khôn ngoan khôn cùng của Thiên Chúa trong cách thức cứu độ nhân loại. Thật vậy, đứng trước Đấng Em-ma-nu-en, người ta chỉ có thể câm nín mà cung kính; nhưng đồng thời, người ta cũng buộc phải mở ra với thực tại của thần linh. Khi sống trong thinh lặng trước những điều Thiên Chúa thực hiện, thánh Giuse cũng đồng thời để cho Chúa tự do sử dụng ngài như một khí cụ hữu ích để từ đó mà ban phát muôn ân lành cho trần gian.
Do vậy, thánh nhân muốn "hủy mình ra không" bằng cách lui vào thực tại thinh lặng. Thinh lặng như một nơi chốn mà thánh nhân có thể lui vào đó để trú ẩn và làm cho mình lu mờ đi trước sự xuất hiện của Đức Giêsu "tôi phải nhỏ đi để Người được lớn lên".
Nhờ đó, thinh lặng của Giuse không phải là một sự thinh lặng thụ động, bất động, vô cảm và bị triệt tiêu, nhưng là một thinh lặng chiêm niệm thánh, nhờ đó, hoa trái của lòng yêu mến Lời Chúa được trào tràn ra nơi đời sống. Thật vậy, chỉ trong thinh lặng chiêm niệm sâu xa mới giúp thánh nhân hiểu rõ và sống ơn gọi của mình cách tuyệt vời, đó là nhiệm vụ được giao cho ngài không phải là một nhiệm vụ riêng tư nhưng là một nhiệm vụ mang tính hiệp thông với dân Chúa qua việc sống và thi hành Lời. Thánh nhân không còn phải hành động cho mình mà là phục vụ cho ơn cứu độ của toàn dân “ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”.
Chỉ trong ý nghĩa đó, cuộc đời của thánh nhân được “nhào nắn”, “khắc tạo” và định hình trong thực tại thinh lặng bằng cách “tỉnh giấc và làm theo” và “liền trỗi dậy” và đi. Sự mau mắn của thánh nhân, một mặt, thể hiện một sự bế tắc bất lực cùng cực của lý trí và khả năng nơi con người trước những đòi hỏi của Thiên Chúa, nhưng mặt khác, nó cũng thể hiện sự mở toang với chính mình qua việc tín thác và hành động.
Bên cạnh đó, sự thinh lặng diễn tả sự khốn nạn của kiếp người và nỗi cô đơn tột độ của phận người. Đó là “đêm tối đức tin” đúng nghĩa mà các thánh đã đụng chạm và trải qua.
Cũng trong tình trạng đó, thánh Giuse đã được chia sẻ sự thinh lặng của Đức Giêu, điều mà Người đã chịu suốt cuộc khổ nạn và đặc biệt là sự thinh lặng của Thiên Chúa khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá. Nỗi cô đơn trong thân phận phàm nhân khủng khiếp đến nỗi Đức Giêsu phải thốt lên “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”, nhưng rồi Thiên Chúa vẫn im lặng, còn Đức Giêsu thì sẵn lòng nhận lấy tất cả những gì Thiên Chúa muốn.
Tuy nhiên, sự thinh lặng như thế không bao giờ là một sự hủy diệt và chết chóc, mà là một thực tại thinh lặng tràn đầy sự sống và hy vọng. Tất cả những gì là xao động bên ngoài được đưa vào trong thực tại thinh lặng đó để Thiên Chúa đem nó vào trật tự của riêng Người và làm cho nó nên bình an, sống động và vĩnh cửu.
5. Hoài bão về một giấc mộng trong đời sống Đa Minh
“Sự nghiệp” rao giảng Lời của Dòng Anh Em Thuyết Giáo cũng có gốc tích từ một giấc mộng. Đó là giấc mộng của bà Gioanna - thân mẫu thánh Đa Minh. Thật vậy, chuyện kể rằng trước khi Đa Minh ra đời, mẹ ngài làm một cuộc hành hương đến Silos, bà mơ thấy mình đẻ ra một con chó ngậm bó đuốc đang cháy sáng và mang lửa đến khắp thế giới. Sau đó trong ngày Thanh Tẩy cho ngài, bà mẹ đỡ đầu lại trông thấy trên đầu ngài có một ngôi sao sáng, chiếu tỏa chung quanh. Hôm ấy là ngày Chủ Nhật, nên ngài được đặt tên là Domingo (tiếng Tây Ban Nha, Domingo là ngày Chủ Nhật). Giấc mơ đẹp ấy được thánh Đa Minh hiện thực hóa trong đời mình. Với lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, thánh Đa Minh có giấc mơ thành lập một Dòng chuyên việc chiêm niệm và giảng thuyết.
Giấc mơ của thánh Tổ phủ đã được hình thành và đi vào hoạt động được hơn 800 năm và nó vẫn còn tiếp tục lớn mạnh trong Giáo hội. Đặc biệt, trong năm thánh Dòng này, anh em muốn tiếp bước giấc mơ của thánh Đa Minh qua chủ đề là “Đồng Bàn”. Trước hết, anh em được mời gọi đến đồng bàn với Đức Giêsu “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15). Để rồi trong khi đồng bàn với Người, chúng ta được ăn uống lương thực thần linh là chính thịt và máu của Người “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 51-52). Nhưng đồng bàn với Đức Giêsu không phải để mà say xỉn rồi ngủ quên, nhưng là để “ôm giấc mộng vào đời” như thánh Giuse và thánh Đa Minh đã làm.
Trong ý nghĩa đó, noi gương thánh Giuse và thánh Đa Minh, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Chúa để lãnh nhận sứ vụ phục vụ Lời, nghĩa là được mời gọi bước vào tương quan mật thiết với Chúa nhờ ân sủng và sức mạnh Thánh Thần. Khi đáp lời Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống tinh thần sẵn sàng như thánh Giuse “Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”. Thánh Giuse chỉ cho chúng ta thấy lòng tin và sự vâng phục lớn mạnh hơn nỗi sợ hãi và lo lắng, vì chính Thiên Chúa hoạt động nơi cuộc đời của ngài. Nhờ đó, thánh nhân “đã biến cuộc đời ngài thành một sự phục vụ, một sự hy sinh cho mầu nhiệm Nhập Thể và cho sứ vụ cứu độ gắn kèm theo đó” (Redemptoris Custos, số 8).
Thanh Zi
Học viện Đa Minh