01/11/2024 -

Đời sống Kitô hữu

1272
1. Mầu nhiệm các thánh cùng thông công và tín khoản Giáo hội thánh thiện

Tháng 11, chúng ta sống mầu nhiệm “các thánh cùng thông công”. Tuy nhiên, ban đầu chữ “sanctorium” có ý chỉ về “ơn thánh”. Chính sự thánh mà Thiên Chúa ban cho Giáo hội trở nên mối giây liên kết các thành phần dân Chúa quanh bàn tiệc Thánh Thể. Rồi sau đó, ý nghĩa ấy được chuyển qua chỉ những người nhờ ơn thánh của Chúa mà được thánh hóa và được nối kết với nhau. Rồi cuối cùng, ý nghĩa ấy chỉ một cộng đoàn các thánh, tức là những người đã vượt qua cái chết và được nối kết với nhau trong Thánh Thần ban sự sống[1]…


Ý nghĩa “sự thánh thiện của Thiên Chúa” cũng được diễn tả trong một tín khoản khác trong kinh Tin Kính, đó là lời tuyên xưng về phẩm tính Giáo hội thánh thiện. Với cái nhìn thông thường, khó lòng ta có thể chấp nhận một Giáo hội như chúng ta thấy hiện nay là một Giáo hội thánh thiện. Càng ngày người ta càng khui ra quá nhiều tội phạm ghê tởm trong lòng Giáo hội.

Thế nhưng, về tín khoản này, sẽ có sự hiểu lầm không ít từ phía người Kitô hữu cũng như từ phía những người ngoài. Người ta hiểu lầm nội dung của điều này khi muốn áp dụng một thang điểm luân lý để đánh giá mức độ thánh thiện của Giáo hội. Thật ra, việc tuyên xưng Giáo hội thánh thiện là tuyên xưng một nhiệm cục cứu độ kỳ lạ của Thiên Chúa đối với con người. Lời tuyên xưng ấy khẳng định rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống trong Giáo hội, sự thánh thiện ấy vẫn luôn hiện diện trong lòng một Giáo hội tội lỗi. Có thể nói được, sự thánh thiện của Chúa trong lòng Giáo hội tội lỗi chính là một lời chứng về lòng trung tín của Chúa, một lòng trung tín không thể bị phá đổ do tội lỗi của con người : “Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình.” (2Tm 2, 13)

Nói cách khác, tuyên xưng Giáo hội thánh thiện không phải là một khẳng định về phẩm tính của những con người trong Giáo hội, nhưng là một lời tuyên xưng về nhiệm cục cứu độ đang diễn ra trong Giáo hội, đó là lời tuyên xưng về ý nghĩa sự hiện diện của Giáo hội như là nơi Thiên Chúa tỏ bày sức mạnh trong sự thánh thiện vô biên của Người. Đó là Lời tuyên xưng không phải về một phẩm tính bay bổng và ảo tưởng của Giáo hội, nhưng là lời tuyên xưng về một thực tại gay gắt, đau thương nhưng tràn đầy niềm hy vọng của cuộc chiến giữa sự thánh thiện của Chúa và tội lỗi của con người.[2]

Từ mầu nhiệm về sự hiệp thông các thánh trong Giáo hội vinh hiển cho đến lời tuyên xưng về phẩm tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu, có một nguồn mạch chung là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Hai điều khoản đức Tin ấy cho thấy một tiến trình, một cuộc chiến giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của con người. Có thể nói, hai điều khoản ấy không phải chỉ đưa lòng trí chúng ta bay vào cõi trời cao xa đâu đó, nhưng mời gọi ta, cùng với Chúa, bằng sức mạnh sự thánh thiện của Chúa và với một niềm xác tín vững vàng, bước vào cuộc chiến gay gắt vẫn đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.

2. Nhận diện thế lực của Xa-tan

Căn nguyên sâu xa của sự dữ chính là ma quỉ. Cho nên nếu chỉ chiến đấu với sự dữ đơn thuần, chúng ta chỉ mới lo giải quyết phần ngọn; và hết sự dữ này sẽ lại có sự dữ khác, có khi còn lớn hơn nữa.

Cần nhận diện căn nguyên của sự dữ là ma quỉ và tài năng lớn nhất của ma quỉ là lừa dối. Tin Mừng Gioan nói: “Cha các ông là ma qủi, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối”. (Ga 8,44)

Xa-tan là cha của sự gian dối, ngành chuyên môn của xa-tan là dối trá, tài năng đặc trưng nhất của xa-tan là lừa dối, chiến lược căn bản nhất của xa-tan là đánh lừa con người. Ta thử phân tích đẳng cấp gian dối của xa-tan :

Có ba thứ quỷ : quỉ con, quỉ bố và quỉ mẹ.

- Quỉ con : chuyên cám dỗ về sự yếu đuối của con người. Thực sự quỉ con chưa có khả năng làm nên một sự đảo ngược thiện ác, nó chỉ cám dỗ những người yếu đuối, biết điều gì đó là xấu, là không nên làm, nhưng không kềm lòng được…

- Quỉ bố : quỉ bố là tên cám dỗ chuyên nghiệp, nó có thể đưa ra những điều vô cùng độc ác, nhưng lại được bao bọc trong lớp vỏ ngọt ngào. Quỉ bố là kẻ tạo nên những học thuyết có vẻ như để cứu đời, nhưng lại là thứ thuốc độc hủy hoại nhiều thế hệ và nhiều quốc gia…

- Quỉ mẹ : là thứ quỉ hỗ trợ cho quỷ bố, nó che mờ lương tâm của người ta, tạo cho người ta có những lương tâm méo mó, lấy hệ quả để biện minh cho phương tiện. Chính nhờ quỉ mẹ mà quỉ bố mới có thể thênh thang, mạnh tay để hủy hoại con người. Nghề chuyên môn của quỉ mẹ có lẽ là tinh vi bậc thầy.Trong trình thuật Đức Giêsu chịu cám dỗ ở sa mạc[3] chẳng hạn, chúng ta thấy sự quỉ quái của xa-tan. Xa-tan không cám dỗ bằng những điều tội lỗi xấu xa, nhưng khởi đầu bằng những điều nhỏ bé và những gì có vẻ "tự nhiên". Thật ra, cái ác đã "tu luyện", đã biến hóa mà không còn mang dáng dấp của ác nữa. Người ta có thể tìm thấy nhiều khuôn mặt mới của cái ác, cái ác có thể nhân danh cái thiện, cái ác mê hoặc như một phương cách thực tế, cái ác có được miệng lưỡi đầy lý lẽ…

Có lẽ “nghề tư tưởng” là nghề nguy hiểm nhất trong thế giới loài người, vì người dấn thân vào nghề ấy có thể trở thành tay sai của quỉ bố, trở thành kẻ bị lú lẫn do quỉ mẹ. Tuy vậy, lãnh vực tư tưởng cũng là chiến trường mà con người cần dấn thân, nếu muốn loại trừ được sự dữ từ nơi căn nguyên của chúng. Chỉ có điều, để đi vào lãnh vực này, con người cần phải có  sự khôn ngoan của Chúa để có thể thực sự chiến đấu với quỉ bố và cần một lương tâm ngay thẳng để cảnh giác trước cám dỗ của quỉ mẹ.

Đức Gioan Phaolô II, trong bản di chúc tinh thần mang tên "Ký Ức và Căn Tính", đã phân tích một cách rõ ràng, cho ta thấy những căn nguyên và hệ quả của cuộc khủng hoảng thế giới hiện đại, theo đó, một khi đánh mất chiều kích siêu việt thì con người đánh mất quan điểm triết học đúng đắn về hữu thể, và do đó mà đánh mất triết lý về sự ác...

"Ở thời kỳ trước Descartes, triết học, và cogito, hay đúng hơn cognosco (tôi biết), bị tùy thuộc vào esse (hữu thể), nó được xem như cái gì đó trên hết. Đối với Descartes, trái lại, esse - hiện hữu - tỏ ra là thứ yếu, trong khi ông đánh giá cogito mới ở hàng đầu. Như thế, không chỉ người ta thực hiện sự thay đổi chiều hướng trong cách thức làm triết học, nhưng người ta còn kiên quyết bỏ đi cái mà triết học đã là cho đến lúc đó, cách riêng triết học của thánh Tôma Aquinô: Triết học về hữu thể – esse. Trước đây, mọi sự được diễn dịch trong viễn tượng của esse và ta tìm kiếm sự giải thích của mọi sự theo viễn tượng này. Thiên Chúa như Hữu Thể có khả năng tự túc đầy đủ nhất (ens subsistens) được xem như sự trợ giúp không thể thiếu cho mọi ens non subsistens, cho mọi ens participatum, tức là cho mọi hữu thể tạo dựng nên, và cũng vậy cho con người. “Cogito, ergo sum” mang nơi nó sự cắt đứt với dòng tư tưởng. Ens cogitans (hữu thể suy tư) từ này trở nên hàng đầu. Sau Descartes, triết học trở thành một khoa học của tư tưởng thuần túy (science de la pure pensée) : tất cả cái gì là esse – thế giới được tạo thành này cũng như Đấng Tạo dựng – đều định vị trên trường của cogito, với tư cách là nội dung của ý thức con người. Triết học nắm giữ các hữu thể như những nội dung của ý thức, và không phải như những hiện hữu bên ngoài nó."[4].

Khi mà ý nghĩa căn bản của hữu thể, tức bản chất thật sự của thế giới, của mỗi sự vật trong thế giới này không còn được tôn trọng, hoặc bị hiểu cách sai lạc, thì tất cả những gì tỏ lộ của hữu thể cũng bị lầm lạc. Một cách chung, ta có thể thấy, một khi con người không còn điểm quy chiếu vào Thiên Chúa thì cũng đánh mất "địa tầng chân thiện mỹ" nơi mỗi sự vật. Khi đó con người chỉ còn mối tương quan "tay đôi", con người với nhau và con người với thế giới, ma quỉ có đủ sức đánh bại con người.

“Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi”. (Lc 11, 18-19)

3. Chiến lược nào chống lại sự dữ ?

Thánh Đa Minh chế ngự tên quỷ cám dỗ

Cuộc chiến ở tầng luân lý, đó là cuộc chiến chống lại “quỉ con”; cuộc chiến ở tầng triết học, đó là cuộc chiến chống lại quỷ bố; cuộc chiến ở tầng sâu nhất của triết học, tầng “nguyên lý”, đó là cuộc chiến chống lại “quỉ mẹ”.

Có lẽ lâu nay hầu hết người Kitô hữu chỉ thấy mặt trận ở tầng luân lý, một cuộc chiến với “quỉ con”. Dĩ nhiên, những lỗ mọt có thể làm chìm thuyền, nhưng những tội ác ghê rợn nhất của xa-tan chính là những vấn đề ở tầm vĩ mô, tức là cuộc chiến với quỉ bố và quỉ mẹ.  Giáo hội vẫn nỗ lực chống lại quỉ bố bằng những học thuyết xã hội và bằng những nỗ lực liên kết con người vì hòa bình. Tuy nhiên, hình như mặt trận bị bỏ quên và là mặt trận nguy hiểm ngầm lại chính là cuộc chiến với quỉ mẹ.

Thế giới vẫn còn đó những cuộc chiến tranh tàn khốc, những cuộc chiến lôi kéo hàng triệu người vào cuộc, xô đẩy hàng triệu người vào tình trạng cùng khốn; thế giới vẫn còn đó những hệ quả muôn mặt của sự dữ như thể đang cười nhạo vào những nỗ lực gầy dựng sự thiện của cả nhân loại…

Trong các sinh hoạt xã hội, vẫn có không ít những người vì tham lợi trước mắt cho mình mà sẵn sàng lừa đảo và xô đẩy bao người vào con đường cùng khốn. Tuy nhiên, ở tầm mức lớn hơn, có lẽ không có mấy những người làm ác vì thích điều ác, trừ ra những người có tâm bệnh. Thế nhưng, trên thế giới vẫn còn đầy những người nhân danh sự thiện một cách nào đó để gây chiến, để giết chóc, để đàn áp, để phát triển vũ khí,… Có phải vì mặt trận chống lại quỉ mẹ đã bị bỏ quên?

Chúng ta có thể thấy, nói chung, những nền văn minh nào từ chối, hoặc giảm nhẹ, hoặc giản lược mối tương quan sống động với Thượng Đế sẽ khó lòng tìm được một nền tảng hợp lý và vững chắc giúp con người đứng vững trên lương tâm ngay thẳng. Trong thế giới con người có muôn vàn tình huống éo le, tâm hồn con người có muôn vàn trạng thái phức tạp,… mà nếu lương tri nơi mỗi cá nhân con người chỉ đặt nền tảng trên sự đồng thuận của xã hội, hoặc chỉ dựa và một chút danh dự theo văn hóa, hoặc được đẩy lên thành chủ nghĩa anh hùng,… sẽ không thể nào tạo được một đối trọng tương ứng với cám dỗ muôn mặt của sự ác.

Thật sự trong cuộc chiến chống quỉ mẹ thời nay, nếu lương tri con người chỉ đặt trên một thứ có bản chất tương đối nào đó, thì khó lòng tạo nên được một nền tảng siêu hình để có thể chống lại những cám dỗ muôn mặt của quỉ mẹ. Sự dữ trở nên phức tạp vô tận thì sự thiện cũng chỉ có thể đứng vững trên nền tảng siêu hình bất biến.

Thực tế, ta thấy Khổng giáo và trào lưu vô thần rất dễ trở nên mảnh đất tốt cho những toan tính giảm nhẹ phẩm tính luân lý để thực hiện được hệ quả lịch sử. Người Trung Hoa đã có câu : “Tiểu lượng phi quân tử; Vô độc bất trượng phu"[5]. Chủ trương vô thần thì không có gì đủ sức để cấm cản người ta lấy mục đích biện minh cho phương tiện. Không có Thượng đế, con người phải tự mình gồng lên chống lại sự dữ như một chủ nghĩa anh hùng, anh hùng luân lý hoặc anh hùng chính trị… Tuy nhiên, trong cuộc chiến “tay đôi này”, người ta luôn có nguy cơ bỏ qua, coi nhẹ một nền tảng nhân bản toàn vẹn để chọn giải pháp thích nghi. Người ta tính toán để hy sinh những "chuyện nhỏ" hầu đạt được thành công trong chuyện lớn; người ta chọn "cái lý" bằng sự hy sinh "cái tình" hoặc ngược lại; người ta chọn điều nào gắn liền với hiệu quả, với hiệu năng, với thành công trước mắt nên đành coi nhẹ phẩm tính chân thật của mỗi hành vi… Trong thế giới ấy, chiều kích chính trị lấn át chiều kích luân lý, hoặc có khi người ta còn liều lĩnh giản lược chiều kích luân lý vào chiều kích chính trị thuần túy.

Đối diện với hiện tình của thế giới, có lẽ điều tréo ngoe ngay trong Kitô giáo đó là tình trạng một đàng chúng ta tha thiết cầu xin hòa bình, nhưng chính chúng ta lại góp phần cộng tác vào nguyên lý tạo ra chiến tranh. Tay phải chúng ta đấu tranh cho sự thiện, nhưng tay trái chúng ta lại bắt tay với sự dữ trong những thái độ giảm nhẹ nguyên lý.

Có một sự bùng phát của sự dữ, như là giai đoạn “công phạt” của vi trùng Hansen, ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong xã hội ấy, cuộc chiến giữa lương tri và gian dối trở nên một cuộc chiến sinh tử, nghĩa là nếu chọn lương tri, ta sẽ không thể nào sống được; ngược lại, để sống còn mà thôi, người ta cũng buộc lòng phải bào mòn chính lương tri của mình. Bầu khí chính trị và kinh tế đã khiến cho gần như tất cả mọi người đều phải ít nhiều bịt tai trước tiếng nói của lương tri. Không mấy ai dám nói thật điều mình suy nghĩ; cả những người dân chân chất nhất cũng phải chọn lập trường “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Trong xã hội ấy, người Kitô hữu, thậm chí cả những đấng bậc, cũng buộc phải lựa chọn thái độ thỏa thuận ít nhiều với sự dữ. Trong tương quan với nhà nước, có những đấng bậc sẵn sàng chọn những phương án lo lót, hoặc im lặng trước bất công, để được dễ dàng hoạt động; có khi các bề trên hoặc cha xứ chọn cách thức lo lót để hợp thức hóa đất đai, xây nhà thờ; trong hoàn cảnh quá khó khăn, ta xem nhẹ những đòi hỏi công bằng về quyền sở hữu trí tuệ; để tránh phiền hà, ta sẵn sàng chịu “phạt nóng” để được giải quyết lỗi vi phạm luật giao thông…

Những cách xử lý tình huống như thế vô tình bào mòn sự tinh tế của lương tri nơi tâm thức của mọi người dân trong xã hội cũng như nơi tâm thức của người Kitô hữu.

Chiến tranh không đương nhiên nẩy sinh ra, hoặc hiếm khi chỉ phát xuất từ sự gian ác hoàn toàn cá nhân. Người phát động chiến tranh đã châm ngòi nổ, nhưng chính thùng thuốc nổ lại do tâm thức của cả tập thể xã hội tạo ra. Sự bào mòn lương tri chính là nguyên do tạo nên sự bùng phát của sự dữ.

Tạm kết

Việc mừng kính mầu nhiệm các thánh cùng thông công có lẽ không phải chỉ là chuyện thuần túy thiêng liêng, không phải chỉ là hướng mắt về trời để ca tụng những vị thánh, nhưng thiết yếu là đi vào cuộc chiến gay gắt giữa sự thiện và sự dữ ngày hôm nay. Lời kinh Lạy Cha chúng ta đọc hằng ngày không thể bị giản lược thành một thái độ khoanh tay chờ Chúa, nhưng mời gọi chúng ta đi vào cuộc chiến thiện ác trong thế giới này. Đức Giêsu nói : “…Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.  Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”. (Mt 10, 16-17)

Quả thật, để chiến thắng sự dữ, cần sự khôn ngoan và đơn sơ; khôn ngoan để đánh được quỉ bố, nhưng cần hơn là phải đơn sơ, chân thật trong lương tri để có thể đánh được quỉ mẹ. Cho tới nay, Giáo hội Việt Nam chưa có chiến lược nào trong cuộc chiến với quỉ mẹ, chưa nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo lương tâm và chưa dám trả lại quyền thích đáng của lương tâm mỗi người trong đời sống đức Tin. Việc còn lại có thể làm là mỗi người Kitô hữu cần một sự tỉnh thức và can đảm của Chúa để dám sống ngay thật từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hằng ngày.

Gs Nguyễn trọng Viễn, O.P.
[1] X. J Ratzinger, Dẫn Nhập Kitô giáo, người dịch Athanasio Nguyễn Quốc Lâm, Phạm Hồng Lam, Bayard, Nxb Tôn giáo, ấn bản lần 2, trang 148.
[2] X. J. Ratzinger, sđd, tt 492-501.
[3] X. Mt 4, 1-11; Mc 1, 12-13; Lc 4, 1-13.
[4] J.P. II. Ký Ức và Căn Tính, Phần I,2, Hệ tư tưởng của sự dữ.
[5] Tiểu nhân thì quan trọng tiểu tiết, người làm lớn phải dám độc ác.
114.864864865135.135135135250