29/11/2019 -

Đời sống Kitô hữu

4258
  1. Dẫn nhập
Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu đã nói trước về công việc của Chúa Thánh Thần và Người hứa trước khi trở về với Chúa Cha: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”(Ga14,26).
Sứ mạng của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu hứa như một ơn ban là gì? Chính Người đã nói: “Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Trong suốt cuộc đời trần thế của mình, Đức Giêsu đã truyền lại tất cả những gì Người muốn giao phó cho các tông đồ: Người đã mang đến nguồn mạc khải thiêng liêng trọn vẹn, tức những gì Chúa Cha muốn nói với nhân loại qua việc nhập thể của Chúa Con. Nhiệm vụ của Thánh Thần là làm cho mọi người nhớ, nghĩa là hiểu biết đầy đủ và thúc đẩy con người thực hiện cách cụ thể những giáo huấn mà Đức Giêsu đã dạy.
Tuy vai trò của Đấng Bảo Trợ là rất lớn và quan trọng là vậy, nhưng người tín hữu dường như đã lãng quên Người trong đời sống đức tin hàng ngày cho dù Người vẫn luôn hiện diện và thực thi công việc của Người trong thế giới này. Xem ra sự hiện diện của Người quá tế nhị, quá nhẹ nhàng đến nỗi chúng ta có cảm tưởng Người là vị Thiên Chúa bị quên lãng giữa Ba Ngôi.
Chúng ta phải học biết về Đấng Bảo Trợ của Hội Thánh như thế nào để Người thực sự là quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho; đời sống của người Kitô hữu là biết mở rộng lòng mình để đón nhận các ơn của Người, và hãy để Người dẫn dắt chúng ta hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu của những người con cái Chúa?
  1. Thánh Thần, quà tặng nhưng không của Thiên Chúa
Sau khi Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn, các tông đồ trở nên hoang mang, sợ sệt, tụ họp trong nhà Tiệc ly, chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra, trấn an các ông bằng việc ban bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, rồi thổi hơi trao ban Thánh Thần và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần” (x.Ga 20,19-23). Sau đó, vào sáng ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ để:“Ai nấy đều được ơn Thánh Thần và họ bắt đầu nói các thứ tiếng, tuỳ theo khả năng của Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).
Như vậy, Thánh Thần được sai đến với các môn đệ với điều kiện họ phải yêu mến Đức Giêsu và giữa các giới răn của Người. Thánh Thần không chỉ được ban cho các môn đệ nhưng còn cho tất cả những ai hội đủ những điều kiện ấy. Quả thật, đây là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa được ban cho các tôi tớ Người.
  1. Tác động của Thánh Thần lên các Kitô hữu
  1. Thánh Thần ở trong mỗi người
Thánh Phaolô khẳng định: “Nào anh em đã chẳng biết rằng thân xác anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em đó sao?" (1Cr 3,16). Như vậy, Thánh Thần đưa chúng ta đến đồng nhất với Đức Kitô: “chúng ta có Thánh Thần, chúng ta thuộc về Đức Kitô” (Rm 8, 9). Vì thế, thân xác không phải là chốn ngục tù, xấu xa và đáng khinh bỉ. Nhưng ngược lại, thân xác ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và “Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em” (1Cr 6, 20), cái giá đó chính là máu Đức Kitô và được Chúa Thánh Thần làm cho trong sạch và tươi trẻ để trở nên đền thánh nơi Thiên Chúa ngự, là chi thể trong thân mình của Đức Kitô là Giáo Hội (1Cr 6,15.19).
  1. Thần Khí là Đấng soi sáng và khai mở
Thánh Tông đồ nói rằng: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Trong hành trình tiến về nhà Cha có những lúc người Kitô hữu lạc hướng, mờ tối, vì thế cần sự soi sáng của Chúa Thánh Thần để họ đi đúng hướng. Đó cũng chính là sứ mạng của Chúa Thánh Thần. Nếu người tín hữu bước theo sự hướng dẫn của Người thì sẽ đến được bến bờ bình yên. Dưới sự soi sáng của Thần Khí, người tín hữu nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, đâu là ý riêng của con người. Thánh Thần giúp họ nhạy cảm với những giá trị thiêng liêng mà tự họ không thể nhận ra được. Người là Đấng quy hướng nhân loại đến chân lý một cách đầy đủ và toàn vẹn. Người cũng dạy các tín hữu cách cư xử với anh em mình như lòng Chúa mong muốn.
  1. Thánh Thần đến củng cố “con người nội tâm”
Chúa Thánh Thần hoạt động và giúp mỗi người cảm nhận sự sống thiêng liêng của Thiên Chúa “Khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15, 26).
Chính nhờ mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, con người hiểu mình, hiểu chính nhân tính của mình. Vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Sự thật này cần được liên tục tái khám phá dưới ánh sáng của Đức Kitô, là khuôn mẫu cho mối tương quan với Thiên Chúa, là hình ảnh của vị Thiên Chúa luôn trao ban. Con người chỉ nhận được chính mình và hoàn thành bản thân khi biết tự trao ban và hiệp thông với người khác. Sự trưởng thành của con người bên trong bao hàm sự khám phá đầy đủ ý nghĩa của nhân tính. Thiên Chúa biến đổi thế giới của con người từ chính bên trong của họ, nơi trái tim của mỗi người.
  1. Chúa Thánh Thần cầu thay nguyện giúp
Thiên Chúa đã tuôn đổ Thánh Thần của Người trong lòng các Kitô hữu. Người trở thành lời cầu nguyện thay cho họ trước mặt Thiên Chúa vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa. Chính Người sẽ nguyện giúp cầu thay cho các tín hữu: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ápba, Cha ơi!” (Gl 4,6; x. Rm 8,16). Ở đây chính nhờ tác động của Thánh Thần mà xảy ra việc người Kitô hữu trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô khi gọi Thiên Chúa là Cha mình. Như thế, lời cầu nguyện của Chúa Thánh Thần phát xuất từ tâm can người Kitô hữu qua Đức Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần đã nối kết người tín hữu với Thiên Chúa.
  1. Thánh Thần là Đấng ban sự sống
Qua các bí tích, Chúa Thánh Thần hoạt động mạnh mẽ trong đời sống người Kitô hữu. Nhờ mầu nhiệm tử nạn Phục Sinh của Đức Kitô, con người được đồng hóa với bản tính Thiên Chúa, trở nên con của Người. Nơi mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô, Chúa Thánh Thần được mạc khải như là Đấng ban sự sống. Nhân danh mầu nhiệm Phục Sinh, Giáo hội loan báo sự sống và đồng thời loan báo Đấng ban sự sống, trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa Thánh Thần và khiêm tốn phục vụ Người.
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con người khám phá ra chiều kích thần linh của mình để có thể thoát khỏi những ràng buộc xuất phát từ việc tuyệt đối hóa vật chất. Nhờ Chúa Thánh Thần, con người mới trở nên người cách trọn hảo nhất và có thể sống trong tự do của con cái Chúa. Dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần, con người thần thiêng trưởng thành và thêm mạnh mẽ. Chỉ Chúa Thánh Thần mới biết rõ sự thật về con người. Trong Chúa Thánh Thần, Đấng là hồng ân vĩnh cửu, Thiên Chúa khai mở cho con người, cho tinh thần con người đồng thời hơi thở thầm kín của Chúa Thánh Thần lại làm cho tinh thần con người mở ra với Thiên Chúa, Đấng đã tự khai mở cho con người để cứu độ và thánh hóa con người.
  1. Thần Khí tái sinh
Qua bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được sinh ra cho sự sống mới bởi nước và Thần Khí (Ga 3,5). Sự tái sinh này làm cho con người không còn thuộc lãnh vực xác phàm nữa, mà thuộc lãnh vực Thần Khí: “Sự gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh bởi Thần Khí là Thần Khí” (Ga 3,6).
Công việc chuẩn bị của Chúa Thánh Thần là soi sáng và thuyết phục để con người nhận ra mình là kẻ có tội. Không ai có thể được cứu độ, nếu không nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Nhờ Chúa Thánh Thần, con người nhận ra mình cần ơn cứu độ, và tin tưởng hướng tâm hồn lên Đức Kitô Cứu Thế. Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa và là Ađam mới.
  1. Thần Khí thánh hóa
Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Nếu Chúa Thánh Thần là sợi dây tình yêu của đời sống Ba Ngôi, thì Người cũng là trung tâm của toàn thể đời sống người Kitô hữu.
Thánh Thần được ví như lửa, vì Ngài sưởi ấm tâm hồn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Thiên Chúa. Người soi sáng tâm trí chúng ta, xóa tan bóng tối do tội lỗi và ác thần. Người thanh tẩy đền thờ, làm cho sạch mọi rác rưởi và nhơ bẩn của con người cũ; Người trang hoàng và làm cho đền thờ xinh đẹp, xứng đáng một nơi thờ phượng Thiên Chúa. Người như ngọn lửa toàn thiêu, lan rộng và đốt cháy mọi nơi mọi chỗ trong con người. Nhờ Thánh Thần, chúng ta thiêu hủy, giết chết dục vọng của xác thịt; mỗi ngày chúng ta phải chiến thắng các đam mê của con người cũ và chỉ có Chúa Thánh Thần mới bảo đảm chiến thắng trong từng ngày sống của chúng ta.
  1. Thánh Thần - mối dây hiệp nhất
Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9).
Thật vậy, Chúa Thánh Thần làm cho các Kitô hữu hướng về Đức Kitô, hiểu biết cuộc đời, giáo huấn và mầu nhiệm Chúa Cứu Thế cách sâu xa. Chúa Thánh Thần dẫn đưa các Kitô hữu vào mối thâm tình với Chúa Kitô bằng cách giúp họ lắng nghe, tin tưởng và muốn làm đẹp lòng Người và trở nên một với Người. Hiệp thông nên một với Đức Kitô đến nỗi như thánh Tông Đồ nói: “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).Nếu nhờ Chúa Thánh Thần, người Kitô hữu được gắn kết với Đức Kitô thì cũng nhờ Chúa Thánh Thần, họ được chia sẻ sự sống, gia nghiệp và vinh quang với Người.
Từ sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với Thiên Chúa lập tức tạo ra sự hiệp thông mà họ sống với nhau như anh em, “tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21).
Như vậy, sự hiệp thông trong Giáo hội là một đặc ân vĩ đại của Chúa Thánh Thần nên các tín hữu cần biết ơn, và đồng thời sống theo với ý thức trách nhiệm sâu sắc. Điều này được thể hiện cách vững chắc qua sự tham dự của các tín hữu vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.
  1. Tạm kết
Là một Kitô hữu, chúng ta được tham dự vào ba chức vụ: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Giêsu để trở nên chứng nhân sống động cho mọi người ở mọi nơi mọi lúc. Lời chứng của người tín hữu sẽ không đủ sức thuyết phục nếu không dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Thánh Thần hiện diện trong suốt dòng lịch sử cứu độ. Cuộc sống hôm nay chính là thời đại của Chúa Thánh Thần. Có những lúc Hội Thánh bị bách hại tận diệt đến hoang tàn, nhưng Hội Thánh vẫn đứng vững nhờ sức mạnh của Đấng Bảo Trợ ấy. Chính Người duy trì toàn thể Hội Thánh trong sự thật và thổi vào đó luồng sinh khí mới. Thánh Thần dẫn chúng ta đi vào mối hiệp thông sâu xa với Chúa Cha và giúp chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu đến tận cùng thế giới.
Thánh Thần hoạt động âm thầm và sống động trong tâm hồn mỗi con người. Theo thánh giáo phụ Augustinô, “Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của tâm hồn. Muốn cảm nghiệm được sự hiện diện của Người cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài” (Youcat, số 120). Chúa Thánh thần soi sáng cho chúng ta hiểu được các mầu nhiệm cao sâu của Thiên Chúa và ban ân sủng giúp chúng ta lướt thắng mọi cơn cám dỗ.
Biết bao lần trong đời sống, đức tin chúng ta bị chao đảo vì những đau khổ, lòng mến nhạt phai vì sự ươn lười yếu đuối, hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần giúp sức để dù có gặp gian nan thử thách, chúng ta vẫn giữ trọn ơn gọi làm con cái Chúa. Thánh Thần là tình yêu, là ơn soi sáng giúp chúng ta nhận ra những ân huệ của Thiên Chúa. Thánh Thần là ngọn lửa nóng thiêu đốt mọi nỗi tăm tối ngờ vực trong tâm trí giúp chúng ta nhận ra cuộc sống đầy những điều huyền diệu, chan chứa những ân ban. Chính Chúa Thánh Thần đưa chúng ta vào trong mối hiệp thông sâu xa với Ba Ngôi Thiên Chúa. Ở đó chúng ta mới cảm nghiệm được sự giàu có khôn lường của Thiên Chúa. Nhờ sự tác động của Chúa Thánh Thần chúng ta mới đủ sức mạnh để đảm trách vận mệnh của cuộc đời mình, mới khám phá được ý nghĩa cao sâu của cuộc sống.
Chúng ta đã lãnh nhận được ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức. Qua Bí tích Rửa tội, Người biến đổi và thánh hóa chúng ta từ con người tội lỗi xấu xa được trở nên “con riêng” của Chúa, chết đi cho tội lỗi và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Còn qua Bí tích Thêm Sức, Người biến đổi ta từ con người nhát đảm, yếu đuối, sợ sệt, dốt nát nay trở nên thông minh, can đảm. Những ơn huệ Thánh Thần mà ta nhận được qua Bí tích Thêm sức là: khôn ngoan, biểu biết, thông minh, khéo liệu, mạnh bạo, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, chính Người là “hồng ân Thiên Chúa ban”.
Trong đời sống đức tin thường ngày, mỗi khi bắt đầu làm việc gì, chúng ta cũng phải nên cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, vì con người chúng ta vốn yếu đuối bất toàn, đầu óc u mê, tăm tối không định hướng được mình phải làm gì. Một khi có ơn Thánh Thần trợ giúp chúng ta có thể vượt thắng tất cả mọi khó khăn cạm bẫy đang giăng mắc trên đường. Chúng ta không sờn lòng nản chí vì đã có Người dẫn đường chỉ lối. Nơi Người, chúng ta gặp được suối hoan lạc không bao giờ vơi, nếu trong đời sống đức tin của ta mà không có Thánh Thần thì có lẽ đây là một địa ngục tăm tối, một màn đêm dày đặc không có lối về.
Vì thế, trong đời sống hàng ngày, chúng ta hãy khẩn khoản nài van Thánh Thần, trong mọi nơi, mọi lúc, xin Người thương dẫn dắt và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời:
“Thánh Thần, khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài, suối nguồn thánh ân hiện xuống, này dương gian, xin Ngài đổi mới. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, chiếu sáng thế gian u mê tối tăm. Ngài ơi, xin Ngài hãy đến, hiển linh Ngài ơi.
ÐK: Lạy Ngài xin đến dẫn đắt chúng con trên đường. Cầu Ngài liên kết chúng con nhất tâm trong Ngài. Cầu Ngài ban ơn thêm sức kiên vững không lay. Sống sao nên người con Chúa chứng nhân tình yêu” (Thánh Thần hãy đến, Lm Thành Tâm).
Phong Trần.


 
114.864864865135.135135135250