13/09/2024 -

Di sản Đa Minh

1681
(Trích Bài của Cha Bề Trên Cả Aniceto Fernández, O.P., đọc tại Đại hội Đồng Dòng Thuyết Giáo tại Bogota (Nam Mỹ), ngày 8/6/1965)


* Nguyên tắc I: Nguyên tắc chính yếu mà chúng ta cần phải quan tâm tới luôn là : “Dòng Tu cũng như Giáo hội mà chúng ta là thành phần, là một xã hội thuộc phạm vi siêu nhiên”. Quả thế, Dòng chúng ta là một tổ chức xã hội siêu nhiên xét theo yếu tính :

a) Vì có mục đích là thánh hóa bản thân và cứu rỗi tha nhân.

b) Bằng những phương thế: rao giảng Phúc âm - thi hành các phép Bí tích - sống đời thánh thiện gương mẫu.

c) Và sau cùng vì có bản chất hoàn toàn dựa trên nền tảng siêu nhiên.

Do đó kết luận là : Tất cả những chỉ thị luật lệ trong một xã hội như thế, cũng nhất thiết phải có tính cách siêu nhiên. Những nguyên tắc, luật lệ, chỉ thị đó không phải là những gì xa lạ, mà chính là gương sáng của Chúa Giêsu, Phúc âm Người rao giảng, Giáo huấn lành thánh của Giáo hội, và những tục lệ truyền thống của Dòng Thuyết Giáo chúng ta. Nên, trong mọi vấn đề, bàn xét, tranh luận, xác quyết, kết luận, tâm trí chúng ta phải luôn luôn tưởng thầm rằng, đây là phạm vi siêu nhiên. Nếu không tâm tâm niệm niệm như thế, hoặc lơ là về phương diện này, chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào khuynh hướng «Duy thiên nhiên» để rồi gieo rắc cho Dòng yêu quí của chúng ta  bao tai hại lớn lao, và sau cùng đưa Dòng tới chỗ tan rã.

Dĩ nhiên, bao lâu còn là con người sống nơi trần thế, chúng ta không thể khinh rẻ hoặc lãng quên những gì có tính cách tự nhiên. Phúc âm và những mầu nhiệm về Thiên Chúa thực sự không phản thiên nhiên, lý trí, nhân loại, nhưng vượt trên tất cả. Vì vậy, một mình những nguyên tắc và khảo cứu tự nhiên chưa đủ, vì tự chúng không tài nào tìm ra được những phương thế cân xứng với mục đích chúng ta đang nhắm tới. Mọi công lao chúng ta sẽ hoàn toàn uổng phí, hơn nữa còn có hại, nếu chúng ta quá tin tưởng vào những nghiên cứu thuần túy tự nhiên, mà truất bỏ địa vị ưu tiên của những gì thuộc phạm vi siêu nhiên.

Muốn đề phòng và bảo toàn khỏi khuynh hướng «Duy thiên nhiên », con tim cũng như lý trí chúng ta lúc nào cũng phải : hoặc vang lên những lời cầu nguyện thiết tha, hoặc âm thầm suy niệm các Chân lý thánh thiện siêu nhiên, Gương nhân đức của Tổ Phụ và các Thánh Dòng chúng ta đã minh xác rất nhiều về điểm này. Chúa ban các Ngài cho chúng ta để chúng ta được luôn nhìn lên mà noi theo bắt chước, hầu dễ dàng đạt được mục đích ơn kêu gọi của chúng ta, Quả thế, suốt đời, Cha Thánh đã tỏ ra một tinh thần siêu nhiên gương mẫu tỏa sáng cho hết thảy chúng ta. Ngày đêm, Ngài chỉ «nói với Chúa, và về Chúa», cả những khi phải vất vả cất bước thi hành công vụ, Ngài cũng vẫn không ngớt nâng tâm hồn lên cùng Chúa và Mẹ Maria, để nài van các Đấng ban sức sống thần linh. Đặc biệt hơn cả là khi cử hành việc Phụng vụ, Cha Thánh đã tỏ ra lòng nhiệt thành sốt sắng lạ lùng, đáng làm gương cho chúng ta soi chung. Sau cùng, đức phó thác phi thường đã khiến Cha Thánh mạnh bạo phân tán các con cái Ngài đi khắp Âu Châu trong ngày lễ Hiện Xuống của Dòng (Lễ Mông Triệu 15-8-1217) là một lý chứng hùng hồn nói lên cuộc sống và tinh thần siêu nhiên của Ngài.

* Nguyên tắc II: “Cuộc sống Tu-sĩ nói chung và Thầy Dòng Đaminh nói riêng, không phải thực hiện cái gì cao xa ở tận đâu đâu, mà chỉ là sống cuộc đời Kitô hữu cách hoàn hảo hơn”. Tu luật và Hiến Pháp Dòng chúng ta đã nhắm tới việc nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu trong mỗi người, làm sao để chúng ta có thể tiến bước tới đỉnh trọn lành. Nhưng đời sống Kitô hữu lại là việc noi gương và tham dự vào cuộc sống Chúa Kitô, mà cuộc sống ấy cốt ở tại một Đức Ái siêu nhiên kết hợp chúng ta với Thiên Chúa Tình Yêu; cho nên cuộc sống Kitô hữu cũng hệ tại ở Đức Ái. Toàn bộ Thánh Kinh đã giãi bầy và giải thích minh bạch Giáo lý đó.

Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng, nếu đời sống Tu sĩ chỉ là cuộc đời Kitô hữu hoàn hảo hơn, thì người ta sẽ căn cứ vào mức độ Đức Ái nhiều hay ít, mà phân biệt được ai là Tu sĩ, ai là giáo dân. Bởi thế, là Tu sĩ, chúng ta cũng phải giữ hai giới răn : Mến Chúa và yêu người, Nên để khỏi sao nhãng, ngay ở đầu, Tu luật và Hiến pháp Dòng đã trịnh trọng xác quyết điều đó để lưu ý chúng ta phải luôn lấy đó làm chân lý khơi nguồn tuyệt đỉnh.

Nhưng Đức Ái phải thi hành ở đây, cần được hiểu cho đúng đắn theo nghĩa chính đáng của nó. Nói thế, vì khi đề cập đến Đức Ái, một số người cho rằng một mình Đức Ái đủ rồi, chẳng cần chi phải nói đến việc luyện tập các nhân đức và làm các việc lành khác nữa. Có người lại quan niệm rằng : muốn đạt tới Đức Ái, không cần phải phương thế thiết yếu nào nữa, Sau cùng, một ít người lại nghĩ: chỉ một Đức Ái đã đủ chuẩn chước, thánh hóa mọi sự,

* Nguyên tắc III: “Cầu nguyện liên lỉ”. Chắc chắn, nếu không có lời cầu nguyện, không tài sức nào có thể chu toàn được giới răn Đức Ái siêu nhiên với Thiên Chúa và tha nhân. Chính Đức ái hoàn hảo cần phải có ở nơi mỗi Tu sĩ Đaminh, bắt buộc họ phải cầu nguyện lâu giờ hơn, sốt sắng hơn.

1) Cầu nguyện được định nghĩa là bầu khí hô hấp của linh hồn, là thần lương nuôi dưỡng đời nội tâm. Do đó, lời cầu nguyện cần cho linh hồn ta chẳng khác gì không khí và của ăn uống cần cho thân xác chúng ta vậy.

2) Cầu nguyện là truyện vãn với Chúa, là Cha và là bạn của chúng ta. Cầu nguyện cũng là cuộc trao đổi thân mật với Chúa Kitô là Đấng Cứu chuộc và là người Anh Cả chúng ta. Bởi thế, linh hồn nào yêu Chúa và khát khao sự trọn lành thật, nhất định phải say mê cầu nguyện, cố tìm thời giờ để thỏ thẻ với Chúa.

3) Cầu nguyện là phương thế giải thoát linh hồn khỏi mọi tình cảm tư tưởng trần tục, đề có thể nhẹ nhàng bay bổng lên cùng Chúa, và sống trong muôn ngàn Ơn Thánh của Người.

4) Sau cùng cầu nguyện còn là phương cách để xin Chúa thương ban những ơn cần thiết cho việc Thánh hóa bản thân cũng như cho việc Tông đồ được sinh hoa kết quả phong phú.

Tất cả những điểm trên đây, xin quí vị hãy quan tâm đặc biệt, khi phải đề cập tới vấn đề chính thức, hoặc tự ý rút ngắn thời gian cử hành Phụng vụ. Về sự cầu nguyện, đời sống Cha Thánh đã minh xác rõ ràng. Thêm vào đó, cuộc sống của các Thánh Anh Chị Em trong Dòng chúng ta cũng là gương xán lạn đầy nghiêm khắc, đáng chúng ta phải lo sợ. Tới đây, căn cứ vào tinh thần Cha Thánh và truyền thống của Dòng về vấn đề này, chúng ta không còn phải nghi ngờ hoặc bàn cãi gì dài dòng thêm nữa.

* Nguyên tắc IV: Những nhân đức luân lý và do đó sự từ bỏ, sám hối, hãm mình. Quả thế, những nhân đức luân lý thanh tẩy và trang điểm cho linh hồn tiến tới đỉnh trọn lành của Đức Ái. Nhưng không thể thực hiện được sự thanh tẩy, nếu thiếu khiêm nhường, nhẫn nhục, vâng lời, thanh tịnh, khó nghèo, khôn ngoan, và nhiều nhân đức khác để giải thoát linh hồn khỏi vướng víu vào bao thói hư nết xấu và những cảm tình lố lăng.

Nhưng, muốn thực hành các nhân đức trên, lại cần tới sự từ bỏ, hy sinh hãm mình. Chúa Giêsu đã bao lần công khai dạy dỗ và van nài chúng ta bước theo chân Người, sống cuộc đời thánh thiện bằng câu nói bất diệt : «Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo...» (Mt. XVI, 24).

Nếu hết thảy các Kitô hữu đều phải từ bỏ mình như thế, thì dĩ nhiên chúng ta, những Tu sĩ Đaminh lại càng phải quên mình đi cách chính yếu, trọn vẹn hơn nữa. Do đó, đời Tu trì đâu còn ý nghĩa nữa, nếu đã vắng bóng các việc hy sinh hãm mình để chuẩn bị cho linh hồn thực hành các nhân đức luân lý, để rồi tiến lên đỉnh trọn lành mà kết hợp với Chúa trong bể Tình ái bao la. Cha Thánh đã để lại cho chúng ta gương sáng ngời về điểm này.

* Nguyên tắc V : “Việc học hành”. Về điểm này, không phải dài dòng vô ích, vì các quý vị đã quá rõ, và đồng thanh xác nhận rồi, nhưng chỉ xin nhắc lại câu nói bất hủ của Tôn Sư Cajetano đáng ghi nhớ muôn đời là: “Nếu Dòng Thuyết Giáo không còn mến chuộng việc học hành nữa, thì Dòng đã hết trách vụ rồi”. Ở đây, ta đặc biệt nhấn mạnh tới hai điều kiện thiết yếu cho việc học hành và Đạo lý Dòng Đaminh.

+ Điều kiện thiết yếu thứ I là : Trung thành với Giáo hội ; đấy là khuôn vàng thước ngọc cho hết thảy chúng ta. Nhờ đức trung thành đặc biệt chói sáng, mà Dòng chúng ta ngay từ buổi phôi thai, đã được nổi bật trên nền trời Giáo hội. Cũng nhờ đó, Dòng chúng ta đã khéo léo trợ giúp đắc lực Giáo hội và các linh hồn trong bao thế kỷ qua.

Chúng ta hiện đang sống giữa một thời đại đầy dẫy những lý thuyết nghi hoặc muốn đặt lại mọi vấn đề, nhất là muốn chối bỏ tất cả những nguyên tắc căn bản tự nhiên cũng như siêu nhiên, nên hơn bao giờ hết, lúc này danh dự, lý do cho Dòng tồn tại, và bao nhiêu nhu cầu khẩn yếu khác của Giáo hội cũng như các linh hồn, bắt buộc chúng ta, trong hết mọi công việc, phải hết sức khôn ngoan, chín chắn, bằng cách luôn luôn tuân phục quyền Giáo huấn của Giáo hội.

Đức Thánh Cha Paulô VI đã ban bố trong dịp triều yết ngày 18-6-65 như sau : “Trung thành ! Trung thành ! đó là đặc điểm làm cho Dòng các con được hiển danh”. Hãy xét coi kỹ bản chất Dòng các con, chính nhờ ở đó mà Dòng các con có danh hiệu là : “Nghĩa khuyển của Thiên Chúa”“Chiến sĩ Đức Tin”. Chắc chắn sự vẻ vang của Dòng chúng con ở tại có một Đạo lý trung thành vững chắc. “Nếu Thầy Dòng Đaminh nào dạy những đạo lý bông lông mơ hồ sai lạc, hoặc thiếu vững chắc, và hơn nữa, không chịu khảo cứu kỹ càng, mà đã đón nhận bừa bãi những lý thuyết tân thời, Thầy đó đã mang lại cho Ta một tổn thương lớn lao”.

Thưa các Nghị Phụ quí yêu, nếu tôi không thuật lại được nguyên văn Đức Thánh Cha, chắc chắn tôi cũng diễn lại được ỷ tưởng nòng cốt chính xác của Người cho quí vị. Tư tưởng đó phải luôn luôn chiếm phần trọng yếu trong tâm thần chúng ta, nhất là đang khi Công đồng tiến hành.

Điều kiện cốt yếu II tạo nên sự học hành và đạo lý thuần túy Đaminh là trung thành với Giáo Thuyết Thánh Thomas: đấy cũng luôn luôn là trung thành với Giáo lý của Giáo hội, vì chính nhờ Thánh Thomas mà chắc chắn người ta được dễ dàng trung thành với Giáo lý của Giáo hội.

Để minh xác thêm về điểm này, tôi hân hoan nhắc lại tư tưởng mà Đức Thánh Cha Paulô VI đã tỏ bày trong cuộc triều yết trên.

Sau khi nhắc nhủ phải kiên trung với Giáo huấn của Giáo hội, Đức Thánh Cha nói ngay tới sự hợp thời và giá trị của Giáo thuyết Thánh Thomas, tại vì dịp đó Tôi có nói tới một số người, trong đó có cả Tu sĩ Đaminh, cho rằng: Giáo thuyết của Thánh Tiến sĩ Thiên Thần ngày nay không còn giá trị mấy. Lập tức, Đức Thánh Cha như muốn rời chỗ, lớn tiếng quả quyết : Vì thế mới sinh ra bao tai ương, khốn nạn làm cho các con cái Đaminh phải cực khổ, căn do chỉ tại làm giảm giá trị Giáo thuyết Thánh Thomas mà chính Giáo hội đã đặc biệt ủy thác cho họ trách vụ bảo tồn, bênh vực theo truyền thống các bậc cha anh đã chu toàn. Những triết gia tân thời vì quá bám riết vào khuynh hướng triết sử lầm lạc, nên đã bỏ, không chiêm niệm. Thực thế, nếu Chân lý có tính cách biển đổi như họ nghĩ thì đâu còn là Chân lý nữa, mà nếu không có Chân lý, thì cũng chẳng phải chiêm niệm chi hết.

Thưa các Nghị Phụ thân yêu, những lời vàng ngọc trên đây của Đức Thánh Cha, chúng ta phải ghi tâm khắc cốt, hầu có thể luôn luôn suy niệm. Nếu hành động trái ngược, thì phải biết rằng : chúng ta sẽ gieo thảm họa khốc liệt vào Dòng cũng như toàn thể Giáo hội, và chắc rằng sẽ gây khốn khó cho Giáo hội, mà như thế, không thể gọi được là phụng sự Chúa Kitô nữa mà cũng chẳng thể bền đỗ với ơn kêu gọi Đaminh được.

* Nguyên tắc VI : Ý ngay lành trong khi phán quyết. Phải làm sao để tâm trí ta được kích động, được hướng dẫn bởi nguyên vì: Vinh danh Chúa, phát triển Dòng, và mưu lợi ích cho các linh hồn. Chúng ta luôn luôn thận trọng, chỉ lo tìm những gì đẹp lòng Chúa. Và với một tâm hồn cao thượng cương quyết, chúng ta sẵn sàng xóa bỏ mọi ý tưởng, mọi công việc có lẽ chỉ thỏa mãn cá nhân ta và thế tục, mà làm mất lòng Chúa, bởi vì nó phản lại mục đích siêu nhiên : thánh hóa bản thân và mưu ích cho các linh hồn.

(Bản dịch của Fr. J. M. O. P. Học viện Đa Minh Vũng Tàu)

(Trích báo Liên Lạc số 8 + 9, tháng 8-9 năm 1966, trang 3.6).

NGƯỢI KHEN CHÚA GIÊSU KITÔ ĐỜI ĐỜI!
114.864864865135.135135135250