_Herbert McCabe, O.P._ [1]
Các bậc cha mẹ thường cảm thấy phiền toái về những lời nói ngây ngô của con trẻ, nhưng gia đình của thánh Tôma Aquinô lại có một phản ứng khác. Họ vẫn kể cho nhau câu chuyện về cậu bé Tôma. Họ phàn nàn rằng cậu luôn luôn làm phiền người khác bằng câu hỏi: Thiên Chúa là gì? Tôi mong rằng câu chuyện này có thật và thật ra nó cũng hoàn toàn bình thường với những câu chuyện về trẻ con. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ trở nên thú vị nếu ta xem nó như một sự tiên báo về cuộc đời của thánh Tôma, tức là về nếp sống và sự thánh thiện của ngài. Điều thú vị đầu tiên là ta phải đối mặt với một câu hỏi, chứ không phải là một phát biểu hay lời khẳng định.
Chúng ta biết rằng, một số vị thánh được phong thánh nhờ vào những việc làm phi thường mà họ dành cho người nghèo, các vị khác thì nhờ vào sự can đảm dám tử đạo vì đức tin, những vị khác nữa thì thông qua việc hăng say rao giảng Tin Mừng. Sự thánh thiện mang nhiều hình thức khác nhau: sự thánh thiện của thánh Tôma nằm ở việc ngài luôn đặt ra những câu hỏi.
Chúng ta (và tôi cho rằng đặc biệt là những anh em Đa Minh) thường sai lầm khi xem ngài là người mang lại những câu trả lời. Tôi nghĩ rằng ngài đã mang lại nhiều câu trả lời và các câu trả lời trong số đó tốt hơn so với phần lớn mọi người. Tuy nhiên, điều làm cho ngài trở thành trung tâm và trở nên quan trọng đối với truyền thống của chúng ta (điều này cũng hoàn toàn quan trọng đối với toàn thể Giáo hội) đó là sự xác tín của ngài, một sự xác tín đã được ngài trao truyền cho chúng ta. Sự xác tín này có nghĩa là chúng ta phải luôn đặt ra một câu hỏi, dù câu trả lời cho câu hỏi đó có thể đúng hoặc sai.
“Điều đó là đúng hay sai?” Người can đảm thường là người đặt câu hỏi này cho những tuyên bố của Đảng phái hoặc cho Đức Giáo hoàng. Nhưng hiếm khi có người nào dám đặt câu hỏi này cho những tuyên bố của chính bản thân mình. Trong mỗi thế hệ, thánh Tôma nhắc nhở chúng ta rằng, đây là đòi hỏi tiên quyết đối với một thần học gia. Nhà thần học phải quan tâm đến việc trả lời đúng, và làm đúng điều đó bằng cách trả lời một câu hỏi. Điều này thực sự nuôi dưỡng câu hỏi này, và thừa nhận rằng bạn có thể chủ trương một lập trường khác.
Có phải người da đen thấp kém hơn người da trắng không? Có phải tự do ngôn luận là điều đáng mong ước? Sự đe doạ đánh bom hydrogen có phải là chính đáng không? Việc ném bom vào quán rượu ở Birmingham có phải là chính đáng không?
Cha Chesterton Brown nói rằng, sở dĩ ngài có thể phá án là bởi vì trí tuệ của ngài được huấn luyện để nhìn thấy rằng bản thân ngài có thể gây ra những tội ác ghê tởm [tức là nhờ trí tưởng tượng ngài có thể phá án]. Một thần học gia theo truyền thống của thánh Tôma phải được đào tạo để nhận ra rằng những điều lạc giáo và những điều phi lý tồi tệ nhất có thể xuất hiện trong thế giới của con người và hơn nữa có thể có đối với bản thân mình.
Việc thực hành như vậy bắt đầu bằng câu hỏi, và bước tiếp theo là trả lời câu hỏi đó sao cho đúng. Thánh Tôma không chủ trương một quan điểm tự do trống rỗng và không cho rằng bản thân câu hỏi là đã đủ. Ngài cho rằng một câu hỏi chỉ hữu ích cho câu trả lời của nó. Đó là chân lý vì ta có thể tiếp nhận nó: câu trả lời mang lại lợi ích cho những câu hỏi được đặt ra. Đối với chúng ta, chân lý, ít nhất theo nghĩa hàng đầu của nó, chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ mà thôi, nó phải được diễn đạt, phải hiện hữu trong các mệnh đề (nếu bạn bỏ qua tính thô kệch của ngôn ngữ).
Cuộc đời của thánh Tôma chỉ dành cho việc đặt câu hỏi (phần lớn những tác phẩm chính của ngài đều được phân chia rõ ràng thành những câu hỏi), và điều này có nghĩa là ngài nỗ lực trả lời những câu hỏi đó. Mặc dù vậy, một con người trở thành một vị thánh không phải do những gì người đó làm hay đạt được, mà cốt yếu ở việc chấp nhận sự thất bại của mình.
Một vị thánh là người noi gương bắt chước Đức Giêsu, và những điều Đức Giêsu muốn nói không biểu hiện trong thành công của ngài, trong sự chữa lành, các phép lạ, các dụ ngôn và lời rao giảng xuất sắc, mà là trong sự thất bại của ngài. Sự thất bại của ngài trên thập giá, khi ngài chịu chết và bị các môn đệ bỏ mặc và để cho toàn bộ sứ mạng của Ngài bị huỷ hoại.
Dù nhiều nhân đức khác của ngài là gì, thì sự thánh thiện trung tâm của thánh Tôma là một sự thánh thiện của tinh thần, sự thánh thiện này không thể hiện ra trong nhiều câu hỏi mà ngài đã trả lời một cách xuất sắc và thú vị. Sự thánh thiện đó chỉ thể hiện ra trong một câu hỏi ở chỗ ngài đã thất bại. Đối với câu hỏi này, ngài đã không và không thể trả lời được và cũng không giả vờ đưa ra câu trả lời.
Giống như Đức Giê-su thấy rằng, từ chối sự thất bại của mình trên thập giá hẳn là phản bội toàn bộ sứ mạng của ngài, tức là những gì ngài được [Chúa Cha] giao phó, thì cũng giống như vậy thánh Tôma biết rằng việc không chấp nhận thất bại về một câu hỏi hẳn là phản bội lại tất cả những gì ngài đã làm, tức là sứ mạng của ngài.
Và đây chính là câu hỏi mà ngài đã lấy làm điểm xuất phát, câu hỏi ngài đã hỏi khi còn là một đứa trẻ: Thiên Chúa là Đấng nào?
Dĩ nhiên, khi còn nhỏ ngài không biết gì về điều mình đang hỏi. Nhưng ngài sẽ bắt đầu hiểu ra khi đến tuổi mười lăm. Bởi vì ngài có may mắn được gửi đến trường Đại học một phần theo đạo Islam ở Naples. Đó là trường Đại học thế tục đầu tiên ở châu Âu, ngôi trường do Frederich II, người đã bị vạ tuyệt thông thành lập. Mục đích là đào tạo những viên chức cho đế chế của ông, và phản đối những chức sắc mộ đạo của Đức Giáo hoàng ở Bologna và Paris. Chính ở ngôi trường này thánh Tôma gặp một người Irish tên là Peter, người này đã giới thiệu cho thánh Tôma biết đến những cuốn sách mới và rất hay của ngoại giáo, hoàn toàn không liên quan đến Kitô giáo. Đó là những cuốn sách vào thời điểm đó bị Giáo hội tại Paris cấm, nhưng nó đang được xuất bản dưới sự bảo hộ của Frederick đại đế tại Naples, đó là những bản dịch tác phẩm của Aristotle. Tại đây, ngài cũng gặp những anh em Đa Minh, và tôi cho rằng ngài đã sống trong [bầu không khí tu trì] của họ.
Nhờ Peter người xứ Hibernian và Aristotle, thánh Tôma đã nhận ra rằng trong nhận thức của con người về câu hỏi: “Nó là gì?” (what is it?). Câu hỏi này vừa là nơi bắt đầu, vừa là nơi kết thúc của việc hiểu. Nếu ta không đưa ra một kiểu trả lời nào đó, dù câu trả lời cho câu hỏi đó mơ hồ, ta sẽ không biết gì về những câu hỏi khác. Cả những câu hỏi khác này và những câu trả lời sẽ dẫn dắt ta đến một câu trả lời đầy đủ và phù hợp cho câu hỏi đầu tiên: “Thiên Chúa là gì? hay Thiên Chúa là Đấng nào?”
Ở đây sự thánh thiện trí tuệ của thánh Tôma chính là chấp nhận sự thất bại. Khác với nhiều thần học gia trước đó và sau này, ngài không có cách trả lời cho câu hỏi quan trọng nhất này. Xuyên suốt cuộc đời, ngài chấp nhận thập giá này của tinh thần, toàn bộ đời sống của ngài cống hiến cho việc nói về Thiên Chúa, nói về thần học. Chỉ có điều, ngài ý thức rằng mình không biết gì cả. Thiên Chúa là mầu nhiệm tối hậu, chúng ta đang đắm nhìn trong bóng tối. Ngài nói, trong Đức Kitô, chúng ta được liên kết với Thiên Chúa như với Đấng hoàn toàn không thể biết được. Điều tốt nhất ta có thể làm là có được hướng đi đúng đắn và mọi nền thần học muốn làm điều đó. Tuy nhiên, ta không bao giờ có thể trả lời câu hỏi căn bản này bằng bất kỳ việc sử dụng ngôn ngữ nào, hay bằng bất kỳ hoạt động tư duy nào. Chúng ta sẽ hiểu Thiên Chúa là gì chỉ khi xem việc hiểu đó vượt lên trên ngôn ngữ và tư duy, và Thiên Chúa đưa chúng ta dự phần vào sự tự hiểu biết của chính bản thân ngài. Thánh Tôma không đưa ra một khám phá mới mẻ nào cả. Vào lúc cuối đời, ngài nói rằng tất cả những gì ngài viết ra chỉ giống như rơm rác. Trong quãng đời viết lách, ngài đã sống bằng thức nhận thâm sâu này.
Thế thì, đây là di sản của thánh Tôma để lại cho anh em chúng ta và cho Giáo hội: thứ nhất, nhiệm vụ của ta là đặt ra những câu hỏi, đắm mình trong mọi khả năng của con người cả về chân lý lẫn sai lầm. Thứ hai, chúng ta phải quan tâm một cách say mê để có được câu trả lời đúng, thần học của chúng ta phải làm sao đúng nhất có thể. Sau nữa, phải nhận ra rằng thần học không phải là Thiên Chúa, cũng như đức tin không phải là Thiên Chúa, và hy vọng cũng không phải là Thiên Chúa: Thiên Chúa chính là tình yêu.
Trước mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, ta phải nhận ra rằng thần học vĩ đại nhất và sâu sắc nhất cũng chỉ là rơm rác. Sau cùng, nhờ Chúa Thánh Thần chúng ta sẽ được quy tụ đầy đủ trong Đức Kitô, Ngôi Lời tự nói về chính mình với chính mình. Bấy giờ, chỉ khi đó, câu hỏi đầu tiên của chúng ta mới được trả lời.
Lm. Micae Trần Văn Thành, O.P chuyển ngữ
[1] Cha Herbert McCabe, O.P (1926-2001) là một trong những thần học gia và triết gia lỗi lạc nhất của khối tiếng Anh trong thế kỷ XX. Ngài có kiến thức uyên bác cả về lịch sử tư tưởng Kitô giáo lẫn triết học. Có thể gọi ngài là một “tập đại thành” những tư tưởng của thánh Tôma Aquinô và triết gia Ludwig Wittgenstein, mặc dù ngài trình bày và bảo vệ niềm tin tôn giáo của mình theo cách mà ít ai sánh được.
Tư tưởng của ngài ảnh hưởng sâu sắc lên các nhà tư tưởng ở Vương Quốc Anh và tại Mỹ, đặc biệt kể từ khi ngài qua đời vào năm 2001 và sau đó là sự xuất hiện của 6 di cảo của ngài.
Tại một hội thảo ở Oxford về cha McCabe vào năm 2011, có người nhận định một cách dí dỏm rằng: “Kể từ khi ngài qua đời, cha Herbert hoàn toàn không phân hủy mà là đang hợp thành”.
Đã có nhiều bài điểm sách về tác phẩm của cha McCabe. Và rất nhiều học giả đã dành cho ngài nhiều lời khen ngợi: các học giả trong lĩnh vực văn chương như Terry Eagleton và Seamus Heaney; các nhà thần học như Stanley Hauerwas, Fergus Kerr và Rowan Williams; thậm chí cả các triết gia như Anthony Kenny và Alasdair MacIntyre.
Ngoài thánh Tôma Aquinô và Ludwig Wittgenstein thì những người thầy và những người bạn có sức ảnh hưởng lên cha Herbert McCabe: cha Victor White, O.P (1902-1960), Peter Geach (1916-2013) và G. E. M. Anscombe (1919-2001).
Cũng nên biết thêm rằng, cha Timothy Radcliffe, O.P là người thường trích dẫn các tư tưởng của cha Herbert McCabe.
Có thể nói bút lực của cha McCabe rất dồi dào. Các tác phẩm được xuất bản khi ngài còn sống bao gồm: The Teaching of the Catholic Church (1966); Law, Love and Language (1968); God Matters (1987).
Các tác phẩm được xuất bản sau khi ngài đã về với Chúa bao gồm: God Still Matters (2002); The Good Life: Ethics and the Pursuit of Happiness (2005); Summa Theologiae-Volume 3, Knowing and Naming God (2006); Faith Within Reason (2007); On Aquinas (2008); God, Christ and Us (2010); The New Creation (2019).
Tuy nhiên, tại Việt Nam cho đến nay chưa có một tác phẩm nào của cha Herbert Mccabe, O.P được chuyển dịch sang tiếng Việt, ngoại trừ một bài viết có nhan đề “A Very Short Introduction to Aquinas” do cha giáo Giuse Nguyễn Tất Trung, O.P chuyển dịch.