22/08/2024 -

Đạo lý Tôma

1846

_Fr. Cao Chu Vũ, O.P._

Giới thiệu: Thánh sư Tôma, bài học nào ngài để lại cho chúng ta?

Thánh Tôma Aquinô đã để lại cho chúng ta một di sản vĩ đại về triết học và thần học, tâm linh và mục vụ: là hoa trái của một đời sống trí thức và thánh thiện. Di sản đó hôm nay vẫn rất hiện thực sống động và sinh hoa kết trái dồi dào trong mầu nhiệm Communio Sanctorum.

Đối với Giáo hội và đối với mỗi chúng ta, di sản đó là một quà tặng, một ân sủng lớn lao của Chúa, và chúng ta đã đón nhận với lòng biết ơn; đồng thời nó cũng đòi chúng ta một trách nhiệm phải hoàn thành: tất cả chúng ta đều được mời gọi, qua nhiều cách thế khác nhau, trở thành môn sinh của Thánh sư Tôma và là những người nối bước trên con đường thánh thiện của ngài.

Đó cũng là mong ước của Giáo Hội. Điều thú vị là, sau Thánh Augustinô, trong số các tác giả được nhắc đến trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, Thánh Tôma được trích dẫn nhiều hơn bất kỳ vị nào khác, tất cả là 61 lần.

ĐGH Bênêđictô XVI đã dành ba buổi tiếp kiến chung vào thứ Tư hằng tuần để trình bày về cuộc đời và đạo lý của Thánh Tôma (x. Học viện Đa Minh, ĐGH Bênêđictô XVI – 36 vị thánh tiến sĩ, tr. 333).

Trong bài giáo lý 1, ngày 02/6/2010, ĐGH Bênêđictô XVI trích dẫn những lời của ĐGH Gioan Phaolô II viết về thánh Tôma trong Thông điệp Fides et Ratio: “Thánh Tôma luôn được Giáo Hội nhìn nhận là bậc thầy về tư tưởng và là gương mẫu để làm thần học một cách đúng đắn” (số 43).

Trong bài giáo lý 2, ngày 16/06/2010, ĐGH Bênêđictô XVI nói: “Thánh Tôma là một nhà thần học danh giá, đến nỗi việc nghiên cứu tư tưởng của ngài đã được Công đồng Vat. II đề nghị trong hai văn kiện, đó là Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục - Optatam totius, và Tuyên ngôn về việc giáo dục Kitô giáo - Gravissimum educationis”.

Và trong bài giáo lý 3, ngày 23/06/2010, ĐGH Bênêđictô XVI trích dẫn những lời của ĐGH Phaolô VI trong bài phát biểu tại Fossanova, vào ngày 14/9/1974, nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày mất của Thánh Tôma: ĐGH Phaolô VI tự hỏi: “Lạy Thánh sư Tôma, bài học nào ngài để lại cho chúng con?”. Và ĐGH đã trả lời: “Hãy tin tưởng vào tính chân thực của các đạo lý Công giáo, như chính thánh Tôma đã dùng hết khả năng của lý trí con người để bảo vệ, quảng diễn và mang đến cho chúng ta”. Và cũng trong ngày hôm đó, ngay tại Aquinô, ĐGH còn nói: “tất cả chúng ta là con cái của Giáo Hội, chúng ta có thể và phải, bằng một cách thức nào đó, trở nên những môn sinh của Thánh Tôma”.

Cụ thể, chúng ta có thể học được điều gì nơi thánh Tôma? Thưa, chúng ta học nơi ngài một tâm thái hài hòa giữa nghiên cứu thần học và làm mục vụ, giữa học hỏi thánh khoa và giảng dạy thánh khoa, giữa chiêm niệm và trao cho người khác điều mình đã chiêm niệm. Tương quan hài hòa này được thể hiện rõ nét trong cuộc đời của ngài, trong những kinh nghiệm thường ngày, trong triết học và thần học của ngài.

1. Thánh Tôma: làm thần học và làm mục vụ

Thánh Tôma là một nhà thần học, một nhà tư tưởng vĩ đại, nhưng khả năng suy tư thuần lý đó có liên hệ mật thiết với khả năng chiêm niệm, đắm mình vào trong đại dương tình yêu của Thiên Chúa. Quả thực, một nhà thần học đích thực phải là kẻ si mê Thiên Chúa! Cha Jean-Pierre Torrell, OP, là một môn sinh của Thánh Tôma, đã viết về Thánh Tôma, bậc thầy về đời sống tâm linh, như sau:

Nối bước theo chân thánh sử Gioan và các Giáo Phụ, thần học của Thánh Tôma có một định hướng chiêm niệm rõ ràng, có tính tâm linh sâu sắc và cũng là đạo lý. Theo thiển ý, thần học của Thánh Tôma càng có tính tâm linh bao nhiêu thì càng nghiêm ngặt về đạo lý bấy nhiêu. Đó là sự rõ ràng trong nhãn quan về nhận thức, về triết học và thần học của ngài. Điều này được thể hiện rõ nét nơi tâm thái mộ đạo và lòng nhiệt thành bừng cháy của ngài trước Đấng Tuyệt đối. Cuối đời, Thánh Tôma đã làm chứng về điều đó: ngài đã đốt hết rơm rạ của những ngôn từ và chỉ giữ lại hạt lúa của thực tại chung cục [1].

Khi làm thần học, Thánh Tôma luôn quy hướng mọi tư tưởng của mình về Thiên Chúa, là Thiện Hảo Tối Thượng. Đồng thời, vì nhiệt thành yêu mến Giáo Hội và các linh hồn, nên giáo huấn của “nhà thần bí về Đấng Tuyệt đối” và “nhà tư tưởng vĩ đại” này luôn bao hàm những quan tâm mục vụ. Trong cuộc đời của ngài, có một số tình tiết quan trọng cho ta thấy điều đó. Chúng ta lược qua một vài sự kiện:

1/ Vào khoảng lễ Phục Sinh năm 1269, ở Paris, Thánh Tôma đã trả lời một questio “quodlibetale”, về giá trị của việc nghiên cứu và giảng dạy so với hoạt động mục vụ. Chúng ta thường tự hỏi: Việc nghiên cứu có phải là sự lãng phí thời gian? Việc nghiên cứu có cần thiết hơn nhu cầu mục vụ “cứu rỗi các linh hồn”? Tóm lại: có chính đáng để dành nhiều thời gian và sức lực cho việc nghiên cứu?

Thánh Tôma đã trả lời vấn đề đó bằng cách so sánh hoạt động mục vụ ví tựa như việc xây dựng một tòa nhà, tòa nhà thánh thiện của Giáo Hội. Trong việc xây dựng này, người ta phân biệt giữa kiến trúc sư và các công nhân xây dựng. Ngài nói:

Có những người, được ví như những công nhân, cống hiến hết mình cho việc chăm sóc các linh hồn, chẳng hạn: việc cử hành các bí tích và tham gia vào các hoạt động tương tự khác. Nhưng cũng có những người, được ví như kiến trúc sư, đó là các giám mục, chỉ đạo nhiệm vụ cho các công nhân và sắp xếp cách thức mà các công nhân này phải thực hiện công việc của mình; hơn nữa, đây là lý do vì sao các ngài được gọi là các “giám mục”, tức là những “giám sát viên”. Tương tự, các tiến sĩ thần học cũng là những kiến trúc sư nghiên cứu và giảng dạy cách thức thích hợp nhất để cứu rỗi các linh hồn (Quodl. I q. 7 a. 2).

Như chúng ta biết, hình ảnh xây dựng một tòa nhà này – mang âm hưởng của Kinh Thánh - ít là trong việc phân công nhiệm vụ, là một hình ảnh có hơi lỗi thời so với giáo hội học gần đây và sự hiểu biết của chúng ta ngày nay về sự cộng tác của các linh mục với đức giám mục giáo phận.

Việc giả định các nhà thần học có vai trò như kiến trúc sư, tương tự như các giám mục, có phần hơi lạ. Nhưng ý nghĩa của lối so sánh này chắc chắn mang tính gợi ý: tính hữu ích mục vụ của thần học trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta nhận thức những chiều kích toàn thể của công cuộc xây dựng Giáo hội. Nghĩa là, thần học sẽ hữu ích cho các hoạt động mục vụ nếu thần học được đặt vào trong một tầm nhìn toàn thể. Mà nhãn quan toàn thể này tìm thấy nơi vị giám mục chủ thể chính của nó. Và trong sự cộng tác chặt chẽ với vị “kiến trúc sư trưởng” này, các nhà thần học và các linh mục được kêu gọi thực hiện các hoạt động mục vụ.

​Và Thánh Tôma khẳng định: các hoạt động mục vụ nhằm cứu rỗi các linh hồn thì cấp bách hơn, mặc dù việc rao giảng, việc đào tạo các lương tâm, giảng dạy thánh khoa thì cao quý hơn. Để biện minh cho quan điểm này, Thánh Tôma đã trích dẫn lời của Thánh Phaolô: Đức Kitô đã không sai tôi đi rửa tội, nhưng sai đi rao giảng (x. 1 Cr 1,17), mặc dù rửa tội là việc thích hợp nhất để cứu rỗi các linh hồn.

Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói, điều tốt hơn, đó là việc đào tạo các lương tâm để cổ võ một tiến trình chuyển đổi “từ đức tin của thói quen sang đức tin của xác tín” hoặc “từ đức tin có tính xã hội sang đức tin có tính cá vị”, hơn là tập trung vào việc cử hành các bí tích, mà hẳn nhiên việc này giả định sự nhận thức đầy đủ về đức tin. Thật vậy, điều tốt hơn là nên quan tâm đến việc “đào tạo các chủ thể mục vụ có khả năng truyền tải sức mạnh của đức tin cho những người khác” hơn là việc tự giới hạn mình trong việc trực tiếp dạy dỗ các tín hữu đơn thành. Nói cách khác, trong việc xây dựng Giáo hội, điều quan trọng là phải đào tạo các chủ thể mục vụ của Giáo hội; nhờ đó làm phong phú thân thể Giáo hội bằng những kỹ năng đặc biệt, thay vì giới hạn mình vào những nhu cầu trước mắt. Tất nhiên, Thánh Tôma nói rõ hơn, có thể có những nhu cầu cần làm ngay để cứu rỗi các linh hồn, nhưng đó không phải là tình huống thông thường.

2/ Tầm quan trọng của việc giảng dạy, giảng thuyết và – theo kiểu nói của chúng ta hiện nay, việc đào tạo lương tâm của các tín hữu, là nét đặc thù của Thánh Tôma với tư cách là một “tu sĩ Đa Minh”. Ngài xác tín rằng việc “truyền lại cho người khác” điều mình đã chiêm niệm thì hoàn hảo hơn là việc chỉ “chiêm niệm về chân lý”. Trong Summa Theologiae, chúng ta đọc thấy:

Đời sống chiêm niệm thì tốt hơn đời sống hoạt động, vốn chỉ quan tâm đến nhu cầu thể xác, nhưng đời sống hoạt động hệ tại việc cống hiến cho người khác, qua việc rao giảng và dạy dỗ, những chân lý đã được chiêm niệm, thì hoàn hảo hơn đời sống chiêm niệm đơn thuần, bởi vì đời sống hoạt động giả định sự đầy tràn của chiêm niệm. Và đây là lý do tại sao Chúa Kitô đã chọn lối sống này (ST III, q. 40 a. 1 ad 2).

Qua những lời trên đây, chúng ta nhận thấy mối bận tâm về việc rao truyền chân lý của Thánh Tôma. Ngài xác tín rằng chính việc chiêm niệm Thiên Chúa, nếu đó là sự chiêm niệm đích thực, thì nhất thiết và ngay lập tức phải trở thành sự tham phần vào việc truyền thông thiện hảo của Thiên Chúa cho các thụ tạo của Ngài: Thiên Chúa là Sự Thiện Hảo Tối Thượng đổ đầy mọi thiện hảo vào các thụ tạo và lôi kéo tất cả về phía mình như mục đích tối hậu và “hạnh phúc” hoàn hảo. Vì thế, sự hoàn hảo của chiêm niệm liên hệ trực tiếp đến việc truyền thông chân lý, và do đó, sự hoàn hảo của thần học hệ tại niềm đam mê và sự dấn thân loan truyền chân lý.

3/ Theo đó, Thánh Tôma, một nhà thần học, khi chìm đắm trong chiêm niệm và tìm hiểu mọi sự dựa theo lý chứng của Thiên Chúa, thì luôn quan tâm đến các nhu cầu mục vụ và tâm linh. Tâm hồn tông đồ của ngài được thể hiện rõ nét cuộc tranh luận nổi tiếng về giá trị của đời sống tu trì hành khất. Cuộc tranh luận này diễn ra ở Paris giữa các linh mục triều và các tu sĩ hành khất (dòng Phanxicô và Đa Minh); sau đó nội dung của cuộc tranh luận này đã được đưa vào trong khảo luận De Perfectione. Thánh Tôma viết:

​Nếu xem xét cẩn thận những lời của Chúa, thì sự hoàn thiện không hệ tại việc từ bỏ của cải; Chúa chỉ vạch ra một con đường dẫn chúng ta đến với sự hoàn thiện, như được thể hiện qua lời Chúa nói: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán hết những gì anh có, mà bố thí cho người nghèo, rồi hãy bước theo Tôi” (Mt 19,21). Điều này có nghĩa là sự hoàn thiện hệ tại việc bước theo Chúa Kitô (in sequela Christi consistat perfectio) và việc từ bỏ của cải giúp ta tiến bước trên con đường này (số 8).

Thánh Tôma khẳng định: sự nghèo khó tự nó không phải là một giá trị, không phải là sự hoàn thiện. Theo nghĩa tích cực, sự nghèo khó chỉ là công cụ giúp ta dễ dàng bước theo Chúa Kitô, để Ngài dẫn dắt ta đến với tha nhân và đến với Thiên Chúa, là một sứ mệnh cao cả mà Chúa đã trao cho Giáo hội. Do đó, sự nghèo khó là một “công cụ của sự hoàn thiện”, một sự hoàn thiện không hệ tại việc xa rời thế giới, nhưng hệ tại việc bước theo Chúa Kitô; sự nghèo khó như thế giúp ta dễ dàng để cho Thiên Chúa tự do dẫn dắt ta đi đến mọi biên cương để loan báo Tin Mừng. Vì thế, mối liên hệ giữa việc truyền giáo và sự nghèo khó là không thể tách rời.

4/ Mối bận tâm mục vụ của Thánh Tôma được biểu hiện cụ thể qua hai sự kiện, đó là tổ chức trung tâm thần học (“studium”) để đào tạo các anh em, và đảm nhận vai trò cố vấn, giảng thuyết và tư vấn cho các giám mục và các bạn hữu.

- Việc tổ chức trung tâm thần học được thực hiện trong thời gian Thánh Tôma cư trú tại Orvieto, từ năm 1261 đến năm 1265, và sau đó trong những năm ở Roma cho đến năm 1268. Ngài được đặt làm lettore conventuale để thực hiện các khuyến nghị của Tổng hội Velenciennes năm 1259. Ngài yêu cầu cần phải chú ý nhiều hơn đến việc đào tạo anh em. Do đó, ngài nhận làm linh hướng, giải tội và giảng thuyết cho các anh em thuộc fratres communes, tức là các anh em chưa được nhận vào giai đoạn đào tạo thần học hoàn bị trong các “studia generalia” danh giá của các trường đại học ở Paris, Bologna, Colonia.

Trong bối cảnh này, Thánh Tôma đã viết Summa Theologiae, để sắp xếp những kiến thức hữu ích cho các sinh viên liên quan đến hoạt động mục vụ. Tuy nhiên, vấn đề không phải là đơn giản hóa đạo lý hay giảm thiểu nỗ lực nghiên cứu các đạo lý, nhưng là sắp xếp các đạo lý thành một hệ thống giáo lý thống nhất và hài hòa, có khả năng đưa ra một tầm nhìn tổng thể mạch lạc và hiệu quả. Và, như chúng ta biết, Summa Theologiae đã phân tích các hành động của con người theo lược đồ lịch sử-cứu độ: phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa (exitus) rồi trở về với Ngài (reditus) như cứu cánh tối hậu và hạnh phúc viên mãn. Bằng cách này, thần học có thể đưa ra một nền tảng thống nhất cho mầu nhiệm về con người và cho ý nghĩa về sự trung gian cứu độ của Đức Kitô và Giáo hội của Người.

- Ngoài việc đào tạo các anh em, Thánh Tôma còn nhận vai trò tư vấn, cố vấn và giảng thuyết. Điều này đã làm cho Thánh Tôma trở thành một “nhà thần học được nhiều người săn đón”. Vì thế, ngài đã viết rất nhiều tác phẩm với nhiều thể loại, từ chú giải Kinh Thánh cho đến trả lời những vấn đề phức tạp, như: cho vay lấy lãi, các thể chế chính phủ, chiêm tinh, ma thuật, và còn có các tác phẩm nhỏ về giáo lý, chiêm niệm, tùy theo yêu cầu của các bạn hữu và các giám mục.

Trên đây là những hoạt động tiêu biểu trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Thánh Tôma với một nhịp độ làm việc thực sự ấn tượng. Ngoài những giờ ngủ nghỉ, ngài hăng say làm việc cùng với các thư ký. Theo lời chứng của Tocco, Thánh Tôma “cùng một lúc đã đọc cho ba, có khi bốn thư ký viết về nhiều chủ đề khác nhau”[2]. Một ngày sống của ngài đã được kể lại như sau:

Hàng ngày, Fr. Tôma dâng thánh lễ vào sáng sớm tại nhà nguyện Thánh Nicola; sau đó ngài tham dự thánh lễ của một linh mục khác; khi lễ xong, Fr. Tôma thay lễ phục và lập tức đi làm những việc riêng. Khi xong việc, ngài bắt đầu viết và đọc cho các thư ký viết. Sau đó, ngài ăn uống rồi trở về phòng, cống hiến hết mình cho những điều thiêng liêng cho đến lúc nghỉ ngơi; sau khi nghỉ ngơi, ngài lại bắt đầu viết và như vậy, ngài dâng trọn cuộc đời mình cho Chúa[3].

Một trong những tác phẩm quý giá nhất, trong đó thể hiện cách viên mãn mối liên hệ giữa thần học và cầu nguyện, đó là các bản văn phụng vụ dành cho lễ Mình và Máu Chúa Kitô do Thánh Tôma biên soạn lúc ở Orvieto, theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Urbano IV, vốn rất quý trọng Tôma. Mọi tư tưởng của Thánh Tôma đều tập trung vào sự hiện diện của mầu nhiệm Chúa Kitô trong bí tích: sự hiện diện mãnh liệt, thực sự và cụ thể đến mức cho chúng ta nói rằng khi đón nhận Thánh Thể là “đón nhận chính Chúa Kitô hoặc thậm chí là chính Thiên Chúa trong bí tích (Christus sumitur, Deus sumitur). Nói chính xác hơn, không phải là Chúa Kitô đến hiện diện với chúng ta, nhưng là Chúa Kitô làm cho chúng ta được hiện diện với Ngài. Đây là trực giác mà Thánh Tôma trình bày trong phần III của Summa Theologiae. Ngài viết:

Bởi vì đặc tính của tình bằng hữu là sống với các bạn hữu (convivere amicis) […] nên Ngài đã hứa với chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Ngài như là phần thưởng … Nhưng trong cuộc lữ hành của chúng ta, Ngài không muốn lấy đi sự hiện diện hữu hình của Ngài; nhưng muốn kết hợp chúng ta với chính Ngài trong bí tích này nhờ chân lý về Mình và Máu Ngài […] Như vậy, bí tích này là dấu chỉ lớn lao nhất của tình yêu và là nguồn an ủi cho niềm hy vọng của chúng ta nhờ sự kết hợp mật thiết với Chúa Kitô (ST III, q. 75, a. 1).

Lòng mộ mến tôn sùng Thánh Thể của Thánh Tôma cho thấy ngài có một tâm hồn giàu cảm xúc trong kinh nghiệm đức tin. Theo lời kể của Fr. Bartolomeo Capua, trên giường bệnh, ngài đã thốt ra những lời cảm động như sau:

Con lãnh nhận Ngài, ôi giá máu cứu chuộc linh hồn con; con lãnh nhận Ngài, ôi của ăn đàng cho cuộc lữ hành của con. Vì yêu mến Ngài nên con đã tìm hiểu, đã tỉnh thức và đã làm việc; con đã giảng dạy và rao giảng về Ngài; con chưa bao giờ nói điều gì chống lại Ngài, và nếu con làm điều đó vì thiếu hiểu biết thì xin đừng chấp tội con; nếu con đã giảng dạy không tốt về bí tích này (bí tích Thánh Thể) hoặc về các bí tích khác, thì con xin chịu sự phán xét của Giáo Hội thánh thiện, nơi mà giờ đây tôi vâng phục mà rời bỏ cuộc sống này”[4].

5/ Cuối cùng, tính nhạy bén về mục vụ trong thần học của Thánh Tôma được khẳng định trong việc giảng thuyết của ngài, cả về phong cách lẫn nội dung. Các nhà viết tiểu sử gần đây quả quyết Thánh Tôma không có danh hiệu “maestro in teologia”, đúng hơn là “Magister in sacra pagina”, hoặc là nhà bình giải Kinh Thánh. Ngài được tặng danh hiệu này là vì những bình giải của ngài về sách Isaia, Gióp và các Thánh vịnh, nhất là những bình giải về Tin Mừng Mátthêu, Tin Mừng Gioan và các thư của Thánh Phaolô.

Qua những tập bình giải nói trên, người ta nhận thấy có hai đặc điểm nổi bật trong việc giảng thuyết của Thánh Tôma, đó là giải thích rõ ràng, chú ý đến nghĩa đen, và trọng tâm phải là Lời Chúa, hoa trái của việc suy niệm lâu dài. Hai đặc điểm này bộc lộ việc quan tâm đến điều chính yếu: chỉ nói điều cần thiết để duy trì tình yêu đối với Chúa, và giúp người nghe có khả năng buông mình để Chúa lôi kéo.

Việc chú ý đến điều chính yếu liên quan đến đề tài “verbum abbreviatum”, được trích từ Thánh Augustinô, tức là ý tưởng về “lời vắn gọn” của Chúa như quy tắc căn bản của đức tin: đó là giới luật yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận. Khi thực hiện giới luật kép này, người ta đạt tới đức công chính hoàn hảo.

Theo nhãn quan này, sự hoàn hảo của đời sống Kitô hữu hệ tại ba điều: nhận biết các chân lý mạc khải qua các tín khoản của Kinh Tin Kính; theo đuổi những mục đích đúng đắn qua những nhu cầu mà Chúa dạy chúng ta cầu xin trong Kinh Lạy Cha; và tuân giữ đức công chính qua việc thực hiện các giới luật của Thập Giới và được gồm tóm lại trong một điều răn duy nhất của tình yêu. Vì thế, Thánh Tôma viết trong Compendium Theologiae:

Trước hết bạn phải có đức tin để nhận biết chân lý, sau đó là đức hy vọng để khơi dậy ước muốn mục đích chân thật, cuối cùng là đức mến để tình yêu của bạn trở nên hoàn toàn ngay thẳng (Compendium, c.1).

Tất cả những điều này được Thánh Tôma nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi bình giải Kinh Tin Kính, lời cầu nguyện của Chúa và các điều răn. Có thể nói, mọi nỗ lực thần học của Thánh Tôma đều nhằm mục đích chuẩn bị các công cụ để chúng ta hiểu rõ ba điều này: Kinh Tin Kính, là nền tảng của đức tin, Kinh Lạy Cha giáo dục chúng ta về niềm hy vọng, và các Điều Răn tạo nên đức mến nơi chúng ta.

Việc chú ý đến điều chính yếu còn cho thấy phong cách giảng thuyết của Thánh Tôma: ý tưởng rõ ràng, tập trung vào chân lý, hơn là những câu chuyện “ngôn tình”. Qua đó, chúng ta rút ra nghệ thuật giảng thuyết của Thánh Tôma: cần phải cống hiến hết mình và chỉ nói điều chính yếu giúp cho các thính giả nhận biết chân lý và bị thu hút bởi tình yêu của Thiên Chúa. Đây là mục đích của việc giảng thuyết, phải tập trung vào điều chính yếu và luôn cảnh giác trước điều vô ích, thậm chí làm xao lãng mục tiêu tối hậu.

6/ Nhưng để có thể thông truyền được điều chính yếu, thì trước đó người giảng thuyết phải chuẩn bị rất nhiều việc, công việc của một người đam mê Lời Chúa. Người giảng thuyết là kẻ đam mê Lời Chúa vì họ nhận biết sự phong phú của Lời Chúa và hưởng nếm vẻ đẹp của Lời Chúa.

Nhiều lần Thánh Tôma đã ca ngợi Lời Chúa, từ đó ngài rút ra tâm thái cần phải có của nhà giảng thuyết. Vì vậy, khi bình giải tín khoản thứ hai của Kinh Tin Kính, ngài liệt kê năm thái độ điển hình của người giảng thuyết yêu mến Lời Chúa cách say mê: 1/ sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa: “Một trong những dấu chỉ bày tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa đó là sẵn sàng lắng nghe Lời Ngài”; 2/ tin vào Lời Chúa, “vì đây là cách Lời Thiên Chúa, tức là Lời của Đức Kitô, cư ngự trong chúng ta”; 3/ liên lỉ suy ngẫm Lời Chúa, “bởi vì tin vào Lời Chúa mà thôi chưa đủ, mà còn cần phải suy ngẫm Lời Chúa, nếu không sẽ vô ích; nếu bạn suy ngẫm Lời Chúa, thì việc suy niệm này rất hữu ích để chống lại tội lỗi; 4/ thông truyền Lời Chúa cho những người khác “bằng lời khích lệ, lời giảng và gương sáng”; 5/ cuối cùng, thực hành Lời Chúa, như Thánh Giacôbê nói: “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,22).

Đây là điều mà Đức Trinh Nữ Maria đã làm khi Mẹ sinh hạ Ngôi Lời của Thiên Chúa: “Trước hết, Mẹ đã lắng nghe Lời... sau đó Mẹ gắn bó với Lời nhờ đức tin... Mẹ bảo vệ Lời và cưu mang Lời trong cung lòng mình... rồi Mẹ đã đưa Lời đến với thế giới và cuối cùng, Mẹ đã cho Lời ăn và bú mớm” (Sul Credo, n. 895s).

Về căn bản, việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa là cách tốt nhất để đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, và như thế, đó là cách tốt nhất để thông truyền tình yêu của Thiên Chúa cho những người khác, cùng với Lời của Ngài. Trong bài giáo lý về Thánh tiến sĩ Tôma, Đức Bênêđíctô XVI nói:

Ngoài việc nghiên cứu và giảng dạy, Thánh Tôma còn tận tâm rao giảng cho dân chúng. Và dân chúng cũng sẵn sàng đến nghe ngài giảng. Tôi có thể nói rằng thật là một ân sủng lớn lao khi các nhà thần học biết cách nói chuyện một cách đơn sơ và nhiệt thành với các tín hữu. Mặt khác, tác vụ rao giảng còn giúp cho các chuyên viên thần học có được những kinh nghiệm mục vụ lành mạnh và làm phong phú thêm việc nghiên cứu của họ bằng những tác động tích cực (Tiếp kiến chung, 2/6/2010).

Tóm lại: nếu đúng là Thánh Tôma đã không để lại cho chúng ta một lý thuyết cụ thể nào về các chiều kích và ý nghĩa của các hoạt động mục vụ, thì quả thực, một số tình tiết trong cuộc đời của ngài và một số khía cạnh trong dấn thân tông đồ của ngài đã cho thấy mối quan tâm của ngài đối với hoạt động mục vụ và tâm linh, đạo đức và văn hóa xã hội trong nghiên cứu thần học của ngài. Trong thực tế, khi dấn thân trong các lãnh vực đào tạo và giảng thuyết, biên soạn các bản văn cầu nguyện, bình giải Kinh Thánh, Thánh Tôma đã để lại cho chúng ta một kho tàng tư tưởng quý giá và những trực giác vượt thời gian có thể định hướng các hoạt động mục vụ của Giáo hội, nhắc nhở chúng ta về điều chính yếu của đức tin. Đó là một “mỏ tài nguyên” phong phú mà ngày nay Giáo Hội vẫn có thể khai thác một cách hiệu quả.

II. Chiều kích mục vụ trong thần học của Thánh Tôma

Sau khi tìm hiểu mối liên hệ giữa việc làm thần học và việc quan tâm mục vụ của Thánh Tôma, mà nó xuất phát từ kinh nghiệm của ngài - ở những thời điểm trong cuộc đời của ngài -, bây giờ chúng ta tập trung tìm hiểu chiều kích mục vụ trong những suy luận thần học của ngài.
Thần học của Thánh Tôma nổi tiếng vì những luận cứ thuần túy lý thuyết, là kết quả thu được sau bao nỗ lực của lý trí để tìm hiểu những gì đức tin cho chúng ta biết, như Đức Bênêđíctô XVI đã lưu ý trong bài giáo lý về Thánh Tôma:

Ngay cả lý trí, với các phương tiện của nó, có thể làm được điều gì đó quan trọng cho đức tin, lý trí thực hiện một công việc gồm ba chức năng để phục vụ đức tin, mà Thánh Tôma tóm tắt trong phần mở đầu cho cuốn bình giải De Trinitate của Boethius: Lý trí “chứng minh các nền tảng của đức tin; giải thích các chân lý của đức tin nhờ những điểm tương đồng; bác bỏ những ý kiến phản bác chống lại đức tin” (q. 2, a. 2). Về căn bản, toàn bộ lịch sử thần học là việc vận dụng bộ ba chức năng của lý trí, mà nó cho thấy tính khả tri của đức tin, sự rõ ràng và sự hài hòa nội tại của đức tin, tính hợp lý và khả năng của đức tin để làm thăng tiến thiện hảo của con người (Tiếp kiến chung, 16/6/2010).

Chúng ta đề cập đến bộ ba chức năng của lý trí trong suy luận thần học của Thánh Tôma, để nêu bật những ý nghĩa mục vụ khác nhau: thiêng liêng, luân lý và truyền giáo. Nhờ đó, chúng ta có thể nắm bắt được sự phong phú về văn hóa và xã hội đầy lôi cuốn của di sản thần học mà Thánh Tôma đã để lại cho chúng ta.

1/ Việc nghiên cứu thần học trước hết phải đáp ứng nhu cầu tìm ra một nhãn quan tổng hợp và hài hòa về các chân lý được tin. Cần phải nắm bắt toàn thể các chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải, đặt chúng vào trong mối quan hệ hỗ tương với nhau để có được một sự hiểu biết nội tại về các dữ kiện được mạc khải. Bằng cách này, thần học, khi thể hiện được sự gắn kết hài hòa giữa các chân lý được tin, có thể đáp ứng nhu cầu mục vụ cơ bản: đó là thông truyền một tầm nhìn tổng thể về sự hợp nhất, hài hòa và vẻ đẹp của các chân lý được tin.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo và sau đó là bản Toát yếu Giáo lý của Hội Thánh Công giáo đã thể hiện được tầm nhìn này, nhằm mục đích cung cấp cho chúng ta những công cụ tổng hợp để có thể dạy giáo lý một cách có hệ thống. Nhờ cuốn sách này, các tín hữu có thể hiểu được rằng Thiên Chúa tạo dựng tất cả mọi sự theo “mực thước, có tính toán và cân nhắc” (Kn 11,20) và Ngài điều khiển mọi sự “bằng tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết”.

Có thể nói, nỗ lực suy tư một cách có hệ thống của Thánh Tôma – nhằm tìm kiếm một sự hài hòa giúp điều hướng chúng ta tới Thiên Chúa như là nguyên lý và cùng đích tối hậu của mọi sự - là câu trả lời mà chúng ta được kêu gọi để đưa ra cho bối cảnh của nền văn hóa hiện đại: đó là một nền văn hóa phân mảnh của kinh nghiệm, một sự phân mảnh vừa là mẹ vừa là con của chủ nghĩa tương đối, mà nó phá vỡ mọi tầm nhìn về thực tại, không còn bất cứ điểm quy chiếu cố kết nội tại nào. Hậu quả là con người thấy mình lạc vào một thế giới không có hình dạng và định hướng, bị trôi giạt trong một thời gian không có hướng đích. Trong bối cảnh văn hóa như thế, Thánh Tôma là một bậc thầy và là gương mẫu quý giá cho chúng ta: luôn tìm kiếm sự khôn ngoan triết học có khả năng trình bày logic của “scientia Dei in nobis” và như thế, trình bày trật tự và sự hài hòa của thế giới thụ tạo, vốn phát xuất từ quyền năng của Thiên Chúa và được lôi kéo để trở về với Thiên Chúa.

2/ Việc nghiên cứu tính khả tri của đức tin của Thánh Tôma không chỉ để phục vụ cho các tín hữu Kitô, mà còn dành cho tất cả những ai muốn khám phá hoặc tái khám phá những chiều kích đích thực của lý trí con người và do đó tiếp tục mở rộng vấn đề chân lý về con người. Trong nỗ lực cho thấy tính logic và mạch lạc của các chân lý được tin - loại bỏ những nghi ngờ hoặc phản đối sai lầm thường xuất phát từ những giải thích không thỏa đáng, tức là từ những lạc giáo và những sai lầm triết học - nhà thần học tìm kiếm hình thái thực sự của tính hợp lý. Đây là đóng góp điển hình của Thánh Tôma, như Đức Bênêđíctô XVI đã ca ngợi:

Thánh Tôma cống hiến cho chúng ta một quan niệm về tính khoáng đạt và đáng tin cậy của lý trí con người: khoáng đạt bởi vì lý trí không bị giới hạn trong những không gian của cái gọi là lý trí khoa học-thực nghiệm, nhưng rộng mở trước toàn thể hiện hữu và như thế cũng rộng mở trước những vấn đề căn bản và không thể giản lược của cuộc sống con người; và đáng tin cậy bởi vì lý trí con người, nhất là nếu nó đón nhận những nguồn cảm hứng của đức tin Kitô giáo, thì nó là động lực thúc đẩy một nền văn minh nhìn nhận phẩm giá con người, tính bất khả xâm phạm các quyền và tính bó buộc của các nghĩa vụ của con người. Không ngạc nhiên khi học thuyết về phẩm giá con người, mà nền tảng của nó là nhìn nhận tính bất khả xâm phạm các quyền của con người, đã được phát triển trong các trường phái tư tưởng tiếp nhận di sản của Thánh Tôma Aquino, ngài có một quan niệm rất cao quý về con người. Ngài đã định nghĩa con người, bằng thứ ngôn ngữ triết học chặt chẽ của mình, là “cái hoàn hảo nhất trong toàn thể thế giới tự nhiên, tức là một chủ thể lập hữu trong một bản tính có lý trí” (ST, Ia, q. 29, a. 3).

Hơn nữa, đức tin, điều mà thần học đề cập đến, còn nuôi dưỡng thái độ quý trọng con người và lý tính của con người và như thế, giúp chúng ta - trong sự phân biệt rõ ràng giữa các lãnh vực – thực hiện cuộc đối thoại hiệu quả nhằm thúc đẩy và hỗ trợ lý trí để nó mở ra trước chân lý cao cả nhất:

Thật vậy, đức tin, mà nó bảo vệ lý trí khỏi mọi cám dỗ nghi ngờ về khả năng của chính mình, thúc đẩy lý trí mở ra trước những chân trời rộng lớn hơn bao giờ hết, giữ cho lý trí luôn năng động trong việc tìm kiếm những nền tảng căn cốt, và khi lý trí được áp dụng vào phạm vi siêu nhiên về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, thì đức tin làm phong phú thêm công việc của lý trí. Chẳng hạn, theo Thánh Tôma, lý trí con người chắc chắn có thể đạt đến sự khẳng định về hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất, nhưng chỉ có đức tin, vốn đón nhận Mặc khải của Thiên Chúa, mới có thể hiểu được mầu nhiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa Một-Ba (Tiếp kiến chung, ngày 16/06/2010).

Tất cả những điều này có nền tảng dựa trên nguyên tắc cơ bản: ân sủng không loại bỏ tự nhiên, nhưng chữa lành, thanh tẩy, nâng cao và làm cho bản tính con người trở nên hoàn thiện. Chúng ta nghe lại bài giáo lý của Đức Bênêđíctô XVI:

Ân Sủng của Thiên Chúa không loại bỏ nhưng giả định và hoàn thiện bản tính con người. Thực ra, ngay cả sau khi phạm tội, bản tính con người không hoàn toàn hư hỏng, nhưng nó đã bị tổn thương và suy yếu. Ân sủng, được Thiên Chúa ban tặng và thông truyền qua Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, là một tặng phẩm hoàn toàn vô điều kiện, mà nhờ đó bản tính được chữa lành, kiện cường và giúp đỡ để theo đuổi mong ước tự nhiên nơi tâm hồn của mỗi người nam và người nữ: đó là hạnh phúc. Mọi khả năng của con người đều được thanh tẩy, được biến đổi và được nâng cao bởi Ân sủng của Thiên Chúa (Tiếp kiến chung, 16/06/2010).

Chúng ta tiếp tục lắng nghe những lời giáo huấn khôn ngoan của Đức Bênêđíctô XVI, từ đó có thể rút ra một số hệ luận mục vụ quan trọng - đúng hơn là những hệ luận về luân lý và xã hội – liên quan đến kinh nhgiệm chữa lành và nâng cao của ân sủng Thiên Chúa.

Một áp dụng quan trọng của mối liên hệ giữa bản tính và Ân Sủng được tìm thấy trong thần học luân lý của Thánh Tôma Aquinô, mà nó vẫn rất hiện thực. Trong lĩnh vực này, ngài đặt luật mới, tức là luật của Chúa Thánh Thần, ở vị trí trung tâm của giáo huấn ... Trong đời sống luân lý, Thánh Tôma nhấn mạnh vai trò căn bản của hoạt động của Chúa Thánh Thần, của Ân sủng, mà từ đó làm phát sinh các nhân đức hướng Chúa và các nhân đức luân lý. Ngài giúp chúng ta hiểu rằng mọi Kitô hữu đều có thể vươn tới những tầm cao của “Bài giảng trên núi” nếu họ sống mối tương quan đích thực của niềm tin nơi Đức Kitô, nếu họ mở lòng đón nhận hành động của Thần Khí của Đức Kitô.

Thánh Tôma cũng thêm rằng, “ngay cả khi ân sủng có hữu hiệu hơn bản tính, thì bản tính vẫn cần thiết hơn cho con người” (ST, I-II, q. 94, a. 6, ad 2); theo đó, trong luân lý Kitô giáo, lý trí có một vai trò quan trọng, đó là khả năng phân định luật luân lý tự nhiên. Lý trí có thể nhận ra luật này khi xem xét điều nào là tốt để làm và điều nào là không tốt để tránh, nhờ đó mà đạt tới hạnh phúc mà tâm hồn mỗi người hằng khắc khoải, đồng thời nó cũng đặt ra trách nhiệm đối với những người khác, và do đó, tìm kiếm thiện hảo chung.

Nói cách khác, các nhân đức của con người, tức là các nhân đức hướng Chúa và các nhân đức luân lý, đều bén rễ nơi bản tính con người. Ân sủng của Thiên Chúa đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy trách nhiệm đạo đức, nhưng, theo Thánh Tôma, tất cả mọi người, dù có niềm tin hay không có niềm tin, đều được mời gọi nhận ra những nhu cầu của bản tính con người, được thể hiện trong luật luân lý tự nhiên và từ đó, được gợi hứng để thiết lập các giới luật tích cực, tức là những luật lệ do các thẩm quyền dân sự và chính trị ban hành để quản trị đời sống chung của con người.

Khi luật luân lý tự nhiên và những trách nhiệm mà nó bao hàm bị phủ nhận, thì điều này chắc hẳn sẽ mở ra một con đường cho chủ nghĩa tương đối về đạo đức ở bình diện cá nhân và cho chủ nghĩa toàn trị của Nhà nước ở bình diện chính trị. Việc bảo vệ các quyền phổ quát của con người và việc khẳng định giá trị tuyệt đối của phẩm giá con người cần phải có một nền tảng (Tiếp kiến ​​chung, ngày 16/06/2010).​

​Như vậy, chúng ta cần phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn và can đảm với mọi người, một cuộc đối thoại nói đến những chiều kích thực sự của lý trí, nói đến bản tính con người với những khả năng và như thế, nói đến phẩm giá đích thực của con người. Đó phải là một cuộc đối thoại kính trọng và cảm thông đối với con người, bất kể họ là ai.

3/ Chúng ta đi đến khía cạnh thứ ba: nếu sự hài hòa và mạch lạc của chân lý mạc khải và tính khả tín của nó đối với lý trí cho thấy những khả năng và nhiệm vụ của lý trí, thì chúng ta nhận ra rằng đức tin cho ta một nhãn quan về toàn thể thực tại, mà nó không thay thế cho triết học và sự khôn ngoan của con người, đúng hơn nó hội tụ và làm phong phú triết học và các truyền thống khôn ngoan.

Đây là công việc vĩ đại mà Thánh Tôma đã thực hiện trong một thời điểm lịch sử thực sự phi thường – hay cũng có thể nói, mang tính cách mạng và đổi mới triệt để: đó là thời điểm mà việc phát hiện ra triết học Aristotle đã tạo nên một cuộc khủng hoảng cho nhãn quan về thế giới được kế thừa từ các Giáo phụ và chủ nghĩa Plato của các ngài. Tuy nhiên, trước thách thức chưa từng có này, tri thức mà đức tin mang đến đã có thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng: loại tri thức này không dừng lại ở nhãn quan về thực tại, nhưng nó có thể giúp tái khám phá thực tại trong một tổng hợp mới. Đức Bênêđíctô XVI giúp chúng ta hiểu rõ thời điểm lịch sử này:

Tôma Aquinô, thụ huấn tại trường của Albertus Magnus, đã thực hiện một công việc có tầm quan trọng nền tảng cho lịch sử của triết học và của thần học, mà tôi có thể nói là cho cả lịch sử của văn hóa ... Tóm lại, Tôma Aquinô đã cho thấy sự hài hòa tự nhiên giữa đức tin Kitô giáo và lý trí. Và đây là công trình vĩ đại của Tôma, bởi vì, vào một thời điểm xảy ra xung khắc giữa hai nền văn hóa – một thời điểm mà dường như đức tin phải đầu hàng trước lý trí – thì Tôma đã cho thấy rằng đức tin và lý trí song hành với nhau, rằng điều dường như là lý trí, nhưng nếu nó không tương thích với đức tin thì đó không phải là lý trí, và điều dường như là đức tin, sẽ không phải là đức tin nếu nó đối nghịch với lý lẽ chân thật; như vậy, Thánh Tôma đã tạo ra một tổng hợp mới, định hình nền văn hóa của nhiều thế kỷ sau này (Tiếp kiến chung, ngày 02/06/2010).

Sự hòa hợp chắc chắn này, mà nhờ đó đức tin giúp con người trở nên nhân bản hơn, đã tạo điều kiện cho việc tái khám phá một nhãn quan hài hòa về thực tại toàn diện trong cái nhìn của đức tin, có khả năng tái hiện lại giáo huấn của các Giáo phụ, tức là tất cả những gì mà các ngài đã thực hiện nhờ triết học Plato:

Các Giáo phụ phải đối mặt với nhiều trường phái của triết học Plato khác nhau, mà chúng vốn đã trình bày một quan niệm hoàn chỉnh về thế giới và cuộc sống, bao gồm cả Thiên Chúa và tôn giáo. So với các trường phái này, các Giáo phụ cũng đã phát triển một quan niệm hoàn chỉnh về thực tại, bắt đầu từ đức tin và sử dụng các yếu tố của triết học Plato để trả lời cho những câu hỏi căn bản của con người. Dựa trên mặc khải của Kinh Thánh và được xây dựng nhờ triết học Plato đúng đắn dưới ánh sáng đức tin, các Giáo phụ đã gọi nhãn quan này là “triết học của chúng ta”... Đối với Thánh Tôma, cuộc gặp gỡ với triết học Aristotle tiền Kitô giáo (Aristotle mất khoảng năm 322 tcn) đã mở ra một góc nhìn mới. Hẳn nhiên, triết học Aristotle là một loại triết học hoàn toàn không biết đến Cựu Ước và Tân Ước, là một lối giải thích về thế giới không cần đến mặc khải, nhưng chỉ nhờ lý trí. Và lối suy tư hợp lý này đã có sức thuyết phục của nó. Do đó, hình thức cũ “triết học của chúng ta” của các Giáo phụ đã không còn hiệu quả nữa (Tiếp kiến chung, 16/06 /2010).

Thú vị là, chúng ta thấy nhiệm vụ mà Thánh Tôma phải đối mặt xưa kia rất giống với nhiệm vụ của các Kitô hữu trong thời đại chúng ta, một thời đại được ghi dấu bằng cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật, một cuộc cách mạng đưa ra một nhãn quan mới về thế giới. Tất nhiên, những tổng hợp của quá khứ đã không còn hiệu quả. Một nhãn quan mới về thực tại được áp đặt, điều này đặt ra một thách thức đối với sự hiểu biết của đức tin.

Nhưng chính vào thời điểm này, chúng ta có thể tái khám phá tính hiện thực của thách đố văn hóa lớn lao mà Thánh Tôma phải đối mặt và giải quyết:
Một câu hỏi cấp bách được đặt ra là: thế giới của lý trí, tư duy triết học mà không có Đức Kitô và thế giới của đức tin có tương thích với nhau không? Hay chúng loại trừ lẫn nhau? Không thiếu những yếu tố khẳng định sự không tương thích giữa hai thế giới, nhưng Thánh Tôma tin chắc rằng chúng tương thích với nhau – đúng hơn, triết học được hình thành mà không có tri thức về Đức Kitô dường như nó đang chờ đợi ánh sáng của Chúa Giêsu đến để nó được nên hoàn thiện. Đây là tư tưởng mới lạ đáng kinh ngạc của Thánh Tôma, nó xác định con đường mà nhờ đó ngài trở thành một nhà tư tưởng. Cho thấy sự độc lập giữa triết học và thần học, đồng thời, cho thấy mối liên hệ hỗ tương giữa chúng là sứ mệnh lịch sử của bậc thầy vĩ đại này. Vì thế, chúng ta hiểu rằng, vào thế kỷ 19, khi nảy sinh sự bất tương thích giữa lý trí hiện đại và đức tin, thì Đức Leo XIII đã đặt Thánh Tôma làm người hướng dẫn cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí. Trong tác phẩm thần học của mình, Thánh Tôma giả định và cụ thể hóa mối quan hệ này. Đức tin củng cố, hội nhập và soi sáng di sản chân lý mà lý trí con người đã thủ đắc được. Sự tin tưởng mà Thánh Tôma dành cho cả hai loại công cụ để hiểu biết - đức tin và lý trí - có thể phát xuất từ xác tín rằng cả hai có chung một nguồn chân lý, đó là Logos Thiên Chúa, hoạt động cả trong công trình sáng tạo cũng như trong công trình cứu chuộc ... Mặt khác, không chỉ có đức tin mới giúp ích cho lý trí (Tiếp kiến chung, 16/06/2010).

Thánh Tôma đã để lại cho chúng ta di sản đầy lạc quan về cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí, giữa niềm tin và văn hóa. Chúng ta được mời gọi cống hiến cho nỗ lực hòa giải giữa đức tin và lý trí, bằng cách tôn trọng quyền tự trị và các phương pháp đặc thù của mỗi bên; nhờ đó phẩm giá của con người thực sự được bảo đảm và làm cho thăng tiến cách trọn vẹn.

Kết luận: “bí quyết” của Thánh Tôma

Chúng ta tự hỏi “bí quyết” nào đã giúp Thánh Tôma có được một đời sống hài hòa giữa nghiên cứu và giảng thuyết; có được một tổng hợp thần học hài hòa giữa đức tin và lý trí. Hẳn là có những lý do sâu xa. Tuy nhiên, lời chứng của những thư ký thân cận của Thánh Tôma có thể giúp chúng ta khám phá ra một cách nào đó bí quyết thành công của ngài.

Bất cứ khi nào ngài muốn nghiên cứu, tranh luận, giảng dạy, viết lách hay đọc cho các thư ký viết, trước tiên ngài rút vào phòng để cầu nguyện và cầu nguyện trong nước mắt, để hiểu được các mầu nhiệm của Chúa[5].

Như thế, chúng ta thấy có một mối tương quan trực tiếp giữa cầu nguyện và công việc trí óc. Cả hai đều hướng tới mục tiêu tối hậu của cuộc sống, tức là hướng tới Thiên Chúa, là Sự Thiện Hảo Tối Thượng. Đức Bênêđictô XVI nói:

Độ sâu tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô tuôn trào - chúng ta không được phép quên điều đó - từ đức tin sống động và từ lòng đạo đức nhiệt thành của ngài, được ngài bày tỏ trong những lời cầu nguyện đầy cảm xúc, chẳng hạn ngài cầu xin Chúa: “Lạy Chúa, xin ban cho con một ý chí biết tìm kiếm Chúa, một đức cao minh được thấy Chúa, một cuộc sống làm đẹp lòng Chúa, một sự kiên trì vững tin chờ đợi Chúa và một niềm tin tưởng rằng cuối cùng con sẽ có Chúa” (Tiếp kiến chung, 16/06/2010).

Làm thần học và hoạt động mục vụ, đức tin và lý trí, nhãn quan đức tin và văn hóa, tất cả hòa hợp với nhau nếu chúng được thực hiện trong tâm thái quy hướng về Thiên Chúa, là Thiện Hảo Tối Thượng. Đó là bí quyết tâm linh của nhà thần học vĩ đại, Tôma Aquinô. Những câu chuyện về cuộc đời của Thánh Tôma đã minh chứng cho đời sống tâm linh sâu sắc của ngài. Chẳng hạn, Fr. Domenico Caserta, là người trực phòng thánh, đã quan sát Fr. Tôma khi ngài cầu nguyện, kể rằng mình đã nhìn thấy Fr. Tôma dưới chân thánh giá và đã nghe được cuộc trò chuyện kỳ lạ này: “Tôma, con đã nói rất hay về Ta. Con muốn Ta ban cho con phần thưởng gì? Tôma đáp: “Lạy Chúa, không điều gì khác ngoài Ngài!” Cũng như lời rao giảng, lời cầu nguyện của Thánh Tôma tập trung vào điều chính yếu, đó là Cây Thánh Giá mà ngài rất tôn kính. Thánh Tôma đã liên kết mật thiết con đường nên hoàn thiện với việc chiêm niệm và noi theo gương Thánh Giá[6].

Chính trong bối cảnh của việc chiêm niệm và noi theo gương Thánh Giá, chúng ta có thể thu thập thêm điều gì đó về một bí nhiệm lớn lao cuối cùng trong cuộc đời của Tôma, đó là trải nghiệm vào tháng 12 năm 1273, mà Fr. Bartolomeo Capua nói đến dựa trên lời khai của Fr. Reginaldo, là thư ký và là bạn của Tôma:

Khi đang dâng lễ tại nhà nguyện Thánh Nicholas, Tôma đã trải qua một sự thay đổi đáng kinh ngạc (fuit miramute commotus). Sau thánh lễ đó, ngài không bao giờ viết hay đọc cho các thư ký viết bất cứ điều gì nữa, ngài cũng bỏ luôn các bản thảo (organa scrptionis); đã đến phần thứ ba của Summa, bàn về sự sám hối... Trước sự ngạc nhiên của Reginaldo... Tôma trả lời đơn giản: “Tôi không thể viết được nữa. Tất cả những gì điều tôi đã viết, nay đối với tôi chỉ là rơm rạ so với những gì tôi đã thấy”[7].

“Chỉ là rơm rạ” cho thấy rõ sự khác biệt vô cùng lớn giữa lớp vỏ và hạt nhân. Theo nghĩa này, nhiều nhà giải thích đưa ra cách giải thích mang tính Thánh Thể về câu chuyện này: Tôma đã học được cách hướng về thực tại, hướng về sự hiện diện của Chúa, Đấng thu hút và biến đổi ngài. Một khi đã hoàn toàn tín thác nơi sự hiện diện này, thì ngài nhận thấy không còn cần đến bất cứ trung gian nào khác, hoàn toàn tín thác không chút dè dặt, hoàn toàn thinh lặng. Đỉnh cao của suy luận là chiêm niệm, và đỉnh cao của hoạt động mục vụ là để mình được lôi kéo bởi Thiện Hảo Tối Thượng, vốn tràn ngập những ai sống tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Đó là chứng tá vĩ đại cuối cùng mà Thánh Tôma để lại cho Giáo Hội và cho mỗi người chúng ta, là môn sinh của ngài.
[1] J.-P. Torrell, Tommaso d’Aquino maestro spirituale, Città Nuova 1998, p. 6.
[2] Guillelmus de Tocco, Ystoria sancti Thome de Aquino, 18.
[3] Testimonianza di Bartolomeo da Capua, Napoli 77, p. 373
[4] Processsus canonizationis S. Thomae. Fontes: Napoli 80, fascicolo 4, p. 379.
[5] Ystoria sancti Thome de Aquino, 30.
[6] cfr. Expositio in Symbol., Art. 4
[7] Ystoria sancti Thome de Aquino, 47
114.864864865135.135135135250