20/01/2025 -

Đạo lý Tôma

71

_Sr Hedvig Deák, O.P._

Được bén rễ sâu trong Kinh Thánh và Truyền Thống, và dựa vào sự khôn ngoan thực tiễn của người đời, Thần học tâm linh của thánh Tôma Aquinô bàn về các nhân đức và việc tìm kiếm hạnh phúc của con người. Tư tưởng thần học của ngài là nền tảng giá trị giúp chúng ta suy tư về đời sống tu trì (religious life) [1]. Thánh Tôma đặt ra những câu hỏi quan trọng về bản chất của đời sống này: Làm thế nào đời sống tu trì có thể giúp cho tôi, với tư cách là một con người, đến gần Thiên Chúa hơn? Nhân tính của chúng ta liên hệ thế nào với ân sủng và đời sống dâng hiến? Phải chăng các lời khuyên Tin Mừng chỉ là một lớp phủ thêm vào nhân tính của chúng ta?

Thần học của chúng ta sẽ là khiếm khuyết, nếu không thể đưa ra câu trả lời hợp lý và thỏa đáng cho vấn nạn này là: Tại sao sống theo các lời khuyên Tin Mừng lại tốt cho một Kitô hữu, một con người? Những người sống đời tu trì cần xác tín vào giá trị của lối sống mình đang theo đuổi. Thần học của thánh Tôma trả lời cho câu hỏi “tại sao” này và cung cấp những lý lẽ thuyết phục.

Đời sống tu trì đang được chúng ta bàn dưới khía cạnh cạnh nhân học, dĩ nhiên, đây không phải là lối tiếp cận duy nhất. Điều quan trọng sẽ bàn là sự nối kết các lời khuyên Tin Mừng với con người của Đức Kitô, Người là mẫu gương hoàn hảo của đời sống tu trì. Nơi Đức Kitô, chúng ta nhận biết một nhân tính đạt đến mức trọn hảo. Hẳn nhiên Kitô học luôn là trọng tâm cho trong bất kỳ lãnh vực thần học nào, ở đây tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh nhân học trong tương quan với Đức Kitô.

Tầm nhìn mới mẻ của thánh Tôma [2]

Qua nhiều thế kỷ, thần học về các lời khuyên Tin Mừng và đời sống tu trì chủ yếu được định hình bởi một thần học tâm linh coi các lời khấn chủ yếu là những siêu-nghĩa-vụ cần phải chu toàn. Quan niệm này thống trị từ thời Cải cách Tin Lành cho đến Công đồng Vatican II, và vẫn còn ảnh hưởng đến việc dạy giáo lý, giáo dục đức tin, và đào tạo tu sĩ ngày nay. Đời sống Kitô hữu thường được xem như một “ngôi nhà hai tầng”: tầng thứ nhất dành cho các Kitô hữu bình thường, những người sống theo Mười Điều Răn và các giới luật của Thiên Chúa, với phương châm: “Nếu bạn muốn được cứu độ, hãy tuân giữ các giới răn, và điều đó là đủ để đạt được ơn cứu độ đời đời.” Tầng thứ hai dành cho bậc sống hoàn thiện—những người được chọn, có lòng khao khát theo đuổi một đời sống thiêng liêng và luân lý một cách anh hùng hơn: “Nếu bạn muốn nhiều hơn, và muốn trở nên hoàn thiện, hãy sống đời tu trì và tuấn giữ các lời khấn!”

Nếu các lời khấn chủ yếu được hiểu như các nghĩa vụ, thì có thể dễ dàng xác định những gì một tu sĩ được phép hoặc bị cấm làm. Sự rõ ràng này hẳn là hữu ích. Thế nhưng, các lời khấn hay các lời khuyên ra như lại không thực sự cần thiết đối với mọi Kitô hữu; nó như một điều gì đó tùy chọn, không có thì đời sống Kitô hữu vẫn không thay đổi. Giống như máy điều hòa không khí trong xe hơi hoặc lớp kem trên bánh, bạn có thể lái xe mà không cần điều hòa, và một số người thích bánh không kem. Nếu các lời khấn tu trì và đời sống thánh hiến khống có ý nghĩa thiết yếu đối với nhân tính, thì chúng ta sẽ không có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi quan trọng này: Làm thế nào các lời khuyên giúp tôi tự do hơn và có khả năng yêu thương hơn?

Có thể câu trả lời chỉ dựa vào chức năng, chẳng hạn: “Tôi tuyên khấn để được tự do cho sứ vụ hoặc để phục vụ người khác.” Câu trả lời đúng, nhưng không đủ về mặt thần học.

Nếu các lời khuyên không có mối liên hệ hữu cơ với nhân tính, chúng ta dễ dàng giản lược mục đích của tuyên khấn thành như một sự  hy sinh mà thôi. Theo cái nhìn này, các lời khuyên cần thiết chủ yếu để chúng ta đối phó với bản tính con người tội lỗi và giúp khắc phục nó. Kết quả là, khiết tịnh có thể bị xem như sự kìm nén tính dục, trong khi các cảm xúc và đam mê bị coi là trở ngại cần loại bỏ hoàn toàn. Điều này dẫn đến một dạng khắc kỷ Kitô giáo. Đức vâng lời được xem như một sự khuất phục ý chí của người này trước người khác.

Cha Servais Pinckaers, OP phân tích một số thuật ngữ vốn là nguồn gốc nảy sinh quan điểm hiện đại này: bản tính con người không còn được xem là nguồn khôn ngoan và định hướng cho cứu cánh; các khuynh hướng tự nhiên bị tách rời khỏi hạnh phúc của con người; luân lý giảm thiểu chỉ còn là các quy tắc và bổn phận phải tuân giữ; tự do - xuất phát hoàn toàn do ý chí - là khả năng chọn lựa giữa các điều trái ngược, một sự tự do dửng dưng, tách rời khỏi các khuynh hướng tự nhiên của chúng ta và độc lập khỏi bất kỳ ảnh hưởng bên ngoài hay bên trong nào, bao gồm cả các đam mê, cảm xúc, luật lệ hay nghĩa vụ.

Đối lại thánh Tôma quan niệm luân lý chủ yếu là con đường để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu (beatitude). Các nhân đức hướng dẫn chúng ta sống một cuộc đời hạnh phúc ở trần gian và dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa qua các hành động tự do và tốt lành. Thiên Chúa muốn lôi kéo con người đến với Ngài và ban ơn trợ giúp qua lề luật, ân sủng và các khuynh hướng tự nhiên của bản tính con người. Theo thánh Tôma, sự hài hòa nguyên thủy giữa lề luật và bản tính con người đã bị tội lỗi làm tổn hại nhưng không bị phá hủy hoàn toàn.

Tự do của con người là tự do hướng đến hoàn thiện: “Tôi tự do, là khi tôi có thể chọn điều tốt nhất để thực hiện ơn gọi làm người của mình, nếu tôi có thể thực hiện những hành động thực sự tốt lành.”

Tư tưởng thánh khoa này cho phép thánh Tôma trình bày một tầm nhìn về luân lý và các lời khuyên Tin Mừng có mối liên kết sâu sắc với nhân tính của chúng ta. Suy tư của ngài về đời sống tu trì xuyên suốt cuộc đời của ngài, được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm Summa Theologiae và các tranh luận của ngài về Dòng Hành Khất, diễn ra tại Paris.
 
Các lời khuyên Tin Mừng: Quà tặng từ tình bạn với Đức Kitô
 
Theo tôi, để hiểu được thần học tu trì của thánh Tôma, chúng ta phải khởi đi từ sự xác tín của ngài về nguồn gốc đích thực của các lời khuyên Tin Mừng. Các lời khuyên là một món quà cho chúng ta phát xuất từ sự khôn ngoan và tình yêu của Đức Kitô, một người bạn khôn ngoan và trung tín.

“Những lời khuyên của một người bạn khôn ngoan thì rất hữu ích, như Sách Châm Ngôn (27,9) đã nói: ‘Dầu và hương thơm làm phấn khởi lòng người, tình bạn ngọt ngào giúp tinh thần thêm vững mạnh.’ Đức Kitô là người bạn khôn ngoan và vĩ đại nhất của chúng ta. Do đó, lời khuyên của Ngài vô cùng hữu ích và thích hợp.” (STh I-II, q. 108, a. 4, s.c.)

Trong tương quan tình bạn với Đức Kitô, các lời khuyên tìm được ý nghĩa đích thực: tình bạn bao hàm sự tự do, sáng kiến và quảng đại. Việc lắng nghe các lời khuyên này cũng đòi hỏi một sự tự do và quảng đại nhất định của người nghe. Đức Kitô nói với lý trí và ý chí của chúng ta, Ngài kêu gọi những con người có tự do và sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Ngài.

Tình bạn với Đức Kitô đòi hỏi một đời sống ân sủng và một tâm hồn rộng mở hướng đến “điều cao cả hơn,” hướng đến sự trưởng thành tâm linh. Nếu tôi chỉ quanh quẩn với mối bận tâm: tôi tiến bộ đến mức nào thì không phạm luật, phạm tội nữa? Một mối bận tâm thái quá như thế cho thấy thiếu sự tự do đích thực.

Các lời khuyên Tin Mừng: Con đường dẫn đến sự tự do và tình yêu mãnh liệt hơn

Theo Chúa Kitô và đáp lại lời mời gọi của Ngài không đơn thuần là việc tuân giữ luật lệ. Chúa Kitô không kêu gọi chúng ta chu toàn thêm một nghĩa vụ nào khác. Tình bạn của Ngài không gì khác hơn là một lời ngỏ với một con người đang mang trong mình khao khát yêu mến Chúa hơn; và mục đích của các lời khấn là giúp nuôi dưỡng và làm sâu sắc hơn sự quảng đại này. Đời sống luân lý và lời mời gọi sống đời tu trì không thể được hiểu như là sự tuân thủ một điều luật tách biệt khỏi con người. Rất tiếc, trong các cách diễn giải sau này về đời sống tu trì, các lời khuyên Tin Mừng theo ý nghĩa tương quan bạn hữu với Chúa Kitô lại thường bị bỏ qua, nhường chỗ cho một quan niệm luân lý duy ý chí, tập trung vào nghĩa vụ và lề luật.

Thánh Tôma giải thích rằng chính sự tồn tại của các lời khuyên Tin Mừng chỉ ra mối tương quan mới mẻ giữa Thiên Chúa và con người. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa ban các điều răn cho dân Người. Nhưng trong Tân Ước, Luật Mới không đơn thuần là tập hợp mới các quy tắc, mà là ân sủng của Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta; nhờ ân sủng này, Thiên Chúa ban các lời khuyên, là phương thế thích hợp để những người bạn giao tiếp với nhau.

Cũng giống như Bài Giảng Trên Núi, các lời khuyên Tin Mừng về khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục, như là một phần của Luật Mới mở ra với mọi Kitô hữu. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Kitô không thêm các điều luật mới, mà là mặc khải một viễn cảnh trong đó, con người hành động dưới sự  hướng dẫn của ân sủng. Vì vậy, các lời khuyên không phải là một bổ sung tùy chọn, mà là những con đường ưu tiên cho lòng quảng đại theo tinh thần Tin Mừng. Những lời khuyên này được gửi đến mọi Kitô hữu, ít nhất dưới hình thức một sự chuẩn bị tinh thần - praeparatione animi  (x. De perfectione vitae spiritualis, cap. 18). Bất cứ ai khao khát lớn lên trong tình yêu và sự tự do, đều có thể theo cách thức và thời gian thích hợp, thực hành các lời khuyên này. Sự khác biệt giữa đời sống tu trì và đời sống Kitô hữu nói chung nằm ở việc những người sống đời tu trì cam kết nuôi dưỡng sự quảng đại này một cách mãnh liệt trong chính họ.

Các lời khấn: Cam kết cho sự quảng đại dâng hiến và cho tình yêu

Khi một người tuyên khấn các lời khuyên Tin Mừng, họ không đơn thuần khấn làm một số việc và tránh một số việc khác. Thay vào đó, họ cam kết nuôi dưỡng sự nỗ lực không ngừng hướng tới sự quảng đại dâng hiến và tình yêu mãnh liệt hơn. Khi Thiên Chúa truyền dạy phải yêu thương, Người không mong đợi mọi người đạt đến cùng một mức độ đức ái như nhau; điều Người mong đợi là chúng ta nỗ lực để lớn lên trong đức ái. Như thánh Tôma nhận xét, điều gây gương xấu không phải là một tu sĩ không hoàn thiện, mà người ấy từ bỏ nỗ lực theo đuổi sự hoàn thiện - contemptus agendi meliora (STh II-II, q. 186, a. 2 ad 2).

Lắng nghe các lời khuyên của Đức Kitô là dấu chỉ của lòng quảng đại và tình yêu mến, vốn làm nên phẩm chất của nối dây liên kết mới mẻ giữa chúng ta với Thiên Chúa. Đồng thời, trung thành với các lời khuyên lại trở thành nguồn cảm hứng thường xuyên thực thi lòng quảng đại. Khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục là nguồn sức mạnh giúp chúng ta mở rộng con tim, gia tăng lòng mến đối với Thiên Chúa và đón nhận tình yêu của Ngài. Theo Thánh Tôma, Dilatatio cordis - sự mở rộng con tim (STh II-II, q. 24, a. 7 ad 2) chính là sự tự do lớn lao hơn mở ra với Thiên Chúa, đồng thời cũng bao hàm trong đó, sự từ bỏ tự do của mình: khi con người cảm nghiệm tình bạn với Chúa, họ tự nguyện từ bỏ bất cứ điều gì có thể cản trở họ gắn bó trọn vẹn hơn với Thiên Chúa (Dụ ngôn viên ngọc quý và kho báu minh hoa cho điều này, Mt 13:43-45). Khó nghèo, khiết tịnh, và vâng phục, liên quan đến những chiều kích chính yếu của đời sống con người, không ngừng thôi thúc chúng ta “bán tất cả” để khám phá sự tự do và tình yêu mãnh liệt hơn—một sự quảng đại dâng hiến lớn lao hơn.
[1] Religious life cũng có thể dịch là “đời sống tôn giáo” Trong Latin, có nguồn gốc từ danh từ religio (tôn giáo), religiosus, là “người có tôn giáo”, hay diễn giải hơn là “người có mối tương quan với thần linh/Thiên Chúa”. Trong toàn bài viết, tác giả dùng religious life chứ không dùng consecrated life. Trong Thần học đời tu, religious life và consecrated life có cùng ý nghĩa, nên religious life cũng có thể dịch là “đời sống thánh hiến”. Tuy nhiên, chúng tôi đã dịch thống nhất religious life là “đời sống tu trì” cho phù hợp với cách dùng từ và ý nghĩa tác giả khai triển trong bài viết về tương quan tình bạn với Đức Kitô của các Lời khuyên Tin Mừng.

[2] Các tiểu mục do người dịch thêm vào.


Nguồn: The Counsels of the Wise Friend: Aquinas on Religious Life - ORDO PRAEDICATORUM | OFFICIAL op.org
114.864864865135.135135135250