30/12/2009 -

Đấng Đầy Ân Sủng

3151

Vẻ Đẹp Hiệp Thông Nơi Mẹ Maria

DẪN NHẬP

maria2Đức Phaolô VI trong ngày 8 tháng 12 năm 1965 khi tuyên bố Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, ngài đã nói; Đức Maria “Mẹ Thiên Chúa và Mẹ thiêng liêng của chúng ta… là tạo vật mà trong đó hình ảnh của Thiên Chúa chiếu tỏa ra một cách trong sáng tuyệt đối, không hề vương bợn nhơ gì, như trong các tạo vật khác của nhân loại.” Ngài mời gọi tín hữu "đưa mắt nhìn tới Người Nữ khiêm hạ này, là Mẹ thiên quốc của chúng ta và Nữ Hoàng của chúng ta, là tấm gương sáng ngời và thánh thiện của vẻ đẹp vô tận."[1]

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cùng nhau chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp về sự hiệp thông của Đức Mẹ. Mẹ là người môn đệ sống viên mãn sự hiệp thông với Thiên Chúa trong ân sủng, trong sự cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ với chức vị làm Mẹ Thiên Chúa. Sự hiệp thông trong ân sủng và tình yêu ấy đã tuôn trào và trở thành nội lực thôi thúc Mẹ đến với tha nhân. Đó là một vẻ đẹp mà theo Đức Phaolô VI "phát sinh ra một luồng sáng trong ngần và trở nên cho chúng ta như mẫu mực gợi hứng cho đời sống chúng ta; nên gương về niềm hy vọng tăng thêm sức mạnh cho chúng ta”[2]

1. MẸ HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA TRONG ÂN SỦNG

"Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." (Lc 1, 28)

Sứ thần Gabriel gọi Đức Trinh Nữ Maria là "Đấng Đầy Ân Sủng", một tên riêng cho thấy Đức Maria hoàn toàn đắc sủng với Thiên Chúa, được Thiên Chúa sủng ái. Đây là đặc ân hoàn toàn do Thiên Chúa ban cho Mẹ cách nhưng không. Chính trong ân sủng ấy, mà trong hành trình trần gian Mẹ luôn lắng nghe và suy niệm trong lòng thánh ý Chúa đối với Con Mẹ, Mẹ không khước từ một sự cộng tác nào với Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ tự hủy và từ bỏ mọi ý định của riêng mình để Xin Vâng cho trọn thánh ý. Và với sự hiệp thông trong ân sủng đó, mà Mẹ đã làm cho mọi vật nơi trần gian vui sướng được phục hồi và mọi vật trong âm phủ vui mừng được giải thoát để hiệp thông cùng Thiên Chúa; và từ quả phúc bởi lòng Mẹ, Người Con từ lòng trinh khiết rạng ngời của Mẹ sinh ra, mọi linh hồn công chính được hớn hở vui mừng, các thiên thần hân hoan, và mọi người thế cùng tạo vật trên trần gian được phục hồi sự hiệp thông với Thiên Chúa trong chức vị làm con.

Ôi Mẹ đầy ơn phúc, chúng con xin hát mừng Mẹ.

2. MẸ HIỆP THÔNG VỚI THIÊN CHÚA TRONG CHỨC VỤ LÀM MẸ CON THIÊN CHÚA

"Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu.
Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao." (Lc 1, 31)

Ân huệ cao cả nhất mà Thiên Chúa ban cho Mẹ là được sinh ra Người Con độc nhất sinh bởi Đức Chúa Cha, là Con Thiên Chúa, để Người Con ấy thực sự vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của Đức Mẹ. Cả cuộc đời của Đức Maria, từ lúc sinh ra cho đến lúc về trời, Mẹ xả thân không hề tiếc xót một chút gì để chu toàn một sứ vụ độc nhất: Sứ vụ làm Mẹ Thiên Chúa. Đó là lẽ sống duy nhất của Mẹ. Cả thân xác và sức lực, linh hồn và trí tuệ, Đức Maria đã tham gia vào lý tưởng ấy một cách triệt để. Đó là lý do tại sao Mẹ đã luôn luôn trinh khiết mọi nơi, sống trong và theo ân sủng ở mọi hoàn cảnh cuộc sống. Thái độ ấy bắt nguồn từ chức vụ làm Mẹ Thiên Chúa, và chức vụ này là hậu quả của một sự hiệp thông với Thiên Chúa trong đức tin, đức cậy và lòng mến. "Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng ta. Đức Maria là tạo vật được lồng vào hình ảnh của Đấng Tác Thành, từ đó phát sinh ra một luồng ánh sáng trong ngần không hề có nơi tạo vật.”[3]

“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, Mẹ đã ban cho thế gian ánh sáng chân thật là Đức Giêsu Con của Mẹ, cũng Con Thiên Chúa. Mẹ đã trao phó mình hoàn toàn cho tiếng gọi của Thiên Chúa, nhờ đó Mẹ đã trở nên nguồn suối của lòng nhân từ phát sinh ra chính Chúa. Xin Mẹ tỏ ra cho chúng con Chúa Giêsu. Xin Mẹ dẫn chúng con đến với Người. Xin Mẹ dạy chúng con biết và yêu mến Người, để chính chúng con cũng có thể là tình yêu chân thật và nên suối nước hằng sống giữa một thế giới đang khát.”[4]

3. ĐỨC MARIA MẪU GƯƠNG HIỆP THÔNG VỚI THA NHÂN

Bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.
Bà vào nhà ông Zacaria và chào hỏi bà Êlizabét. Bà Êlizabét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần (Lc 1, 39-41)

Nơi Đức Maria, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nội lực thúc đẩy Maria hiệp thông với tha nhân. Càng hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa thì Maria càng liên kết với tha nhân. Bởi khi lãnh nhận ân sủng Thiên Chúa, Đức Maria không giữ riêng cho mình, trái lại Mẹ trao ban, chia sẻ cho người khác để ân sủng Thiên Chúa được triển nở và gia tăng nơi mọi người. Khi cưu mang Con Thiên Chúa, "Tin Mừng của toàn dân", niềm vui ấy Mẹ không thể giữ riêng một mình, nhưng cần được loan báo. Thánh Luca dùng những động từ "vội vã lên đường", "vào nhà", "chào hỏi" mô tả một thiếu nữ căng tràn niềm vui có Chúa ở cùng, đầy tràn ân sủng đang tuôn trào ra để mang Chúa đến cho đời, mang niềm vui và hạnh phúc được Thiên Chúa viếng thăm đến cho con người. Đối với Maria càng nói về tình yêu viếng thăm của Thiên Chúa lòng Mẹ càng tràn đầy hoan lạc, và niềm vui ấy trào dâng lên đến cao độ khi nghe lời chào của bà Elisabeth: "Bởi đâu tôi được mẹ Chúa tôi đến viếng thăm... Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện." Maria liền cất lời tụng ca: "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa...."

Xin cho chúng con được sống niềm vui của Mẹ và cùng Mẹ mỗi ngày cất lên lời ca ngợi khen "linh hồn tôi tung hô Chúa..."

KẾT

Giờ đây, chúng con hướng về Mẹ chí thánh là tấm gương chiếu soi về sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em đồng loại trong mến tin và cậy trông. Nhờ sự trợ giúp nhân hiền của Mẹ, xin cho mỗi người và mỗi cộng đoàn tín hữu chúng con trong Năm Hồng Ân này biết quyết tâm xây dựng Giáo Hội Việt Nam thành một gia đình: là con một Cha, anh em một nhà cùng nhau tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ để mọi người trên đất nước chúng con, và cả thế giới mau đón nhận Tình yêu cứu độ của Chúa Cha.[5]

Chúng con cùng chung tiếng dâng lời cảm tạ, dâng lên Thiên Chúa qua Mẹ Maria Vô Nhiễm, để hôm sớm chúng con cùng được hiệp thông với Chúa, và với nhau, nêu gương tín nghĩa thủy chung, trở nên nhân chứng Chúa tình thương, để vinh quang Nước Chúa rộng lan trên quê hương đất Việt chúng con.

----------------------------------------------

[1] “Insegnamento di Paolo VI, III, 1965, p.746
[2] Sđd
[3] “Insegnamento di Paolo VI, III, 1965, p.746
[4] Đức Bênêđictô XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu. Lời Kết.
[5] Lời Kinh Năm Thánh 2010.

114.864864865135.135135135250