- Nguyên tắc Thần học: Từ Đức Kitô tới Mẹ Maria
Trước tiên, qua việc suy ngẫm về các đoạn văn Kinh Thánh. Chúng ta có thể nhận ra rằng, Đức Maria luôn đứng gần kề với Chúa Giêsu và gần như không thể tách rời, cụ thể, là trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Từ lúc Ngôi Lời nhập thể đi vào lịch sử của nhân loại cho đến lúc hoàn tất công trình cứu chuộc trên thập giá, Đức Maria vẫn luôn hiện diện bên cạnh Chúa Giêsu. Bởi vậy, sự liên kết với Chúa Giêsu cũng đi kèm sự liên kết với Thân Mẫu của Ngài. Và điều này cũng đã được chính Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài đón nhận khi nói, “Đây là mẹ của anh” (x. Ga 19,27a).
Thứ đến, qua việc chiêm ngắm cuộc sống của Đức Maria, chúng ta thấy Mẹ quả là một con người đã sống trọn vẹn lý tưởng cao quý của Tin Mừng. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi tín hữu trong việc lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Thêm nữa, chính trong đức tin và niềm phó thác, Đức Maria còn trở nên một nhân chứng can trường trong việc chiêm niệm, ân cần thăm viếng tha nhân và chia sẻ niềm vui của sự tín thác nơi Thiên Chúa.
Và sau cùng, theo lời thánh Phaolô định nghĩa, nếu cuộc đời của người Kitô hữu là đời sống trong Chúa Thánh Thần, thì Đức Maria chính là hiện thân và là gương mẫu sống động nhất cho hình ảnh đó nơi người Kitô hữu. Chính vì tin tưởng vào quyền năng tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Maria đã không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần đến ở cùng với Giáo hội để hướng dẫn và kiện toàn mọi sự (x. Cv 1,14).
- Áp dụng vào đời sống của người tín hữu
Chúng ta thấy có nhiều dạng thức khác nhau trong việc dâng mình cho Đức Maria như là khuôn mẫu của sự cam kết. Thông thường, các việc dâng mình đều đề cập đến ước nguyện được “dâng trót mình” cho Đức Maria, nghĩa là dâng hết tất cả những tâm tình, ước muốn, hành vi chứ không chỉ dâng lên Đức Maria một phần nào đó con người của tín hữu. Thậm chí, có những tín hữu còn đặt ngang mình với “hàng tôi tớ”, luôn phó thác hoàn toàn dưới sự hướng dẫn của Đức Maria. Mặt khác, một số tín hữu còn coi Đức Maria như là trung tâm của đời sống đạo đức chứ không phải là Đức Kitô. Bởi vì, đối với họ, dường như Đức Kitô quá xa vời. Ngài ngự trên chín tầng mây và chỉ xuất hiện trong ngày quang lâm như một Vị Thẩm Phán.
Thật ra, trên nguyên tắc, con người được Thiên Chúa trao ban cho khả năng tự do chọn lựa, quyết định để đi theo Ngài hay chống lại Ngài. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, cho dù con người chống lại Thiên Chúa đi chăng nữa, thì không vì thế mà họ trở nên độc lập và vô chủ. Con người luôn là một thụ tạo lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Cách riêng, chúng ta - là những người tín hữu theo Đức Kitô, đã muốn thuộc về Thiên Chúa qua lời cam kết khi chịu phép Rửa Tội. Bởi thế, chúng ta không phải là những thụ tạo vô chủ. Nhưng trái lại, chúng ta là những thụ tạo đã hứa tuân giữ và sống theo gương mẫu của Đức Kitô, và sống để phục vụ mọi người. Hay nói theo cách chính xác hơn, chúng ta không còn thuộc về chúng ta hay thuộc về bất cứ ai khác, nhưng chúng ta đã thuộc trọn về Thiên Chúa và đã tận hiến cho Ngài.
Hiểu như thế để thấy việc người tín hữu dâng mình cho Đức Maria sẽ mang một ý nghĩa khác. Việc dâng hiến đó, theo như thánh Louis de Montfort, là dịp để người tín hữu nhớ lại những lời cam kết với Đức Kitô lúc lãnh nhận phép Rửa Tội. Chính trong lúc thánh thiêng ấy, chúng ta nhìn lên Đức Maria như là một mẫu gương sống động của một người tín hữu đã sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa Kitô, và là mẫu gương tinh tuyền của sự dâng hiến cho Thiên Chúa. Ngoài ra, dựa vào lời ký thác của Đức Kitô trên thập giá, chúng ta cũng mạnh dạn đón rước Đức Maria về nhà mình, chia sẻ với gia đình, cách riêng trong đời sống theo chân Chúa Kitô để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Người tín hữu đón rước Đức Maria về nhà mình, nhìn nhận Người như là “Mẹ thiêng liêng”, như một người không những đã sống trọn vẹn lý tưởng Tin Mừng, mà còn là người dìu dắt họ tiến lên trên con đường thánh thiện với lòng ân cần và âu yếm. Đồng thời, người tín hữu biết tín thác và nhờ Mẹ Maria dẫn dắt, chia sẻ những thành công hay thất bại trên đường đời.
Tóm lại
Đức Maria đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của người tín hữu. Việc dâng mình cho Đức Maria là việc người tín hữu cậy dựa vào mẫu gương của Mẹ để giúp họ sống một cách trọn vẹn hơn ơn gọi của người Kitô hữu đích thực, ơn gọi nên thánh. Chính những ân sủng mà Đức Maria đón nhận từ Thiên Chúa đã mở ra cho người tín hữu một niềm xác tín mạnh mẽ nhất về việc sống chứng tá Tin Mừng. Bởi vậy, khi người tín hữu dâng lên Đức Maria những tâm tình của họ, thì hơn bao giờ hết cần phải hiểu đó là việc họ đã tín thác vào lời mà Chúa Giêsu đã hứa. Đồng thời, qua lời cầu bầu của Đức Maria - mẫu gương của sự hy sinh và tín thác, họ có thể xác tín một cách sâu xa về việc Thiên Chúa sẽ đoái thương và thăm viếng đến họ - là những người con của Ngài.
Học viện Đa Minh