11/07/2014 -

Đấng Đầy Ân Sủng

6569

Sống trong một thế giới hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân được đề cao thì “cái tôi” là một cái gì đó rất riêng của mỗi người mà không ai có thể xâm phạm được. Mọi hành động, mọi suy nghĩ đều theo cái tôi cá nhân.

Đứng trước một xã hội như vậy, gia đình Công Giáo, ít nhiều, cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong việc lắng nghe Lời Chúa. Làm sao có thể thấu hội được tiếng Chúa mời gọi khi mà con người cứ mãi đề cao cái tôi, cho mình là trên hết? Làm sao có thể lắng nghe Lời Chúa giữa một xã hội ồn ào, đầy những tạp âm?

Dĩ nhiên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc lắng nghe Lời Chúa không phải là điều dễ dàng gì, song như vậy không có nghĩa là không thể. Giờ đây, chúng ta cùng suy niệm lời “xin vâng” của Đức Maria để noi gương Mẹ trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Trong Khiêm Nhường

Mẹ Maria, một trinh nữ chừng 15, 16 tuổi sống khiêm tốn, bình dân trong một ngôi làng nghèo nàn xứ Galilê gọi là Nazareth. Mẹ không có gì đáng gọi là vẻ vang cả, chỉ là một người nghèo của Giavê. Nhưng Mẹ lại là trinh nữ “đầy ơn phúc” trước mặt Thiện Chúa; là người được Thiên Chúa yêu thương đoái nhìn. Chính sứ thần Gabriel đã minh chứng cho điều này qua lời chào: “Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”[1]. Mẹ được gọi với một danh hiệu cao quí: “Đấng đầy ơn sủng”.

Khung cảnh Truyền tin thể hiện tất cả ân huệ của Thiên Chúa dành cho Mẹ Maria. Nếu như với Zacaria, thiên sứ coi mình như chủ nhà (chính Zacaria bước vào đền thờ, đề của các thiên sứ[2]) thì với Mẹ, thiên sứ chỉ là khách (thiên sứ đi đến nhà của Mẹ[3]). Theo phong tục phương Đông, thường là người dưới đi viếng người trên. Việc thiên sứ đến nhà truyền tin cho Mẹ cho thấy một sự kính cẩn mà thiên sứ dành cho Mẹ.  Thực thế, Thiên Chúa Cha đã chọn Mẹ làm đền thờ của Ngài; chọn cho Con của Ngài một người mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập thể. Bởi vậy, Thiên Chúa đã trang bị cho Mẹ “đầy ân sủng”, “rợp bóng vinh quang Ngài” để Mẹ chu toàn trách nhiệm cao trọng của mình: làm mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Chẳng thế mà thánh Phaolô tông đồ đã nói: Hồng ân là để xây dựng Nhiệm thể[4].

Mẹ Maria, một thiếu nữ tầm thường nhưng đã được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện một mầu nhiệm trọng đại trong lịch sử cứu độ. Nếu là một người bình thường  thì rất có thể sẽ xảy ra “hiện tượng Babel”[5]. Nhưng với Mẹ Maria thì không, Mẹ đã thưa với sứ thần: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”[6]. Được sứ thần chào với danh hiệu “Đấng đầy ân sủng”, được Thiên Chúa ban ân huệ để chuẩn bị làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng Mẹ lại tự xưng là “nữ tỳ của Chúa”. Từ một tước hiệu rất cao trọng mà Thiên Chúa ban, Mẹ đã tự khiêm, tự hạ nhận mình là nữ tỳ, một tước hiệu hèn mọn. Đối với Mẹ được làm nữ tỳ của Chúa là một vinh hạnh không gì sánh được rồi. Và như vậy, trong thân phận nữ tỳ khiêm hạ đó Mẹ đã đáp “xin vâng” để thi hành Thánh ý Chúa.

Trong Tín Thác

Nếu tin là “tiến bước trên một con đường mà tất cả các tấm biển đều báo ‘lui lại!’”; nếu tin như là “lênh đênh giữa trùng khơi, dưới chân là biển sâu thăm thẳm”; nếu tin là “thực hiện một động tác qua đó ta thấy mình như hoàn toàn bị quăng ném vào cánh tay của Tuyệt Đối”[7], thì Mẹ Maria chắc chắn là kẻ đã tin tuyệt vời khôn sánh.

Chúng ta biết rằng, bối cảnh truyền tin xảy ra khi Mẹ đã đính hôn với Giuse nhưng hai ông bà chưa về ở với nhau: “việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”[8]. Thế mà trong hoàn cảnh ấy, sứ thần lại nói: “bà sẽ thụ thai”. Chắc rằng Mẹ Maria bối rối, phân vân lắm. Có nhiều quan điểm khi lý giải tâm trạng này của Mẹ. Có ý kiến cho rằng, Mẹ đã liên tưởng đến đoạn sách Isaia (7, 14) về một trinh nữ thụ thai và sinh con, đặt tên là Emmanuel. Mẹ không biết làm sao lời tiên tri đó lại có thể thực hiện nơi Mẹ. Còn ý kiến khác thì cho rằng, Mẹ bối rối vì không thể tưởng tượng ra một cách thụ thai nào khác với quy luật bình thường, trong khi đó Mẹ chỉ đính hôn với Giuse chứ hai người chưa ăn ở với nhau. Mặc dù có nhiều lối giải thích về tâm trạng bối rối của Mẹ nhưng có một điều chắc chắn rằng khi nghe sứ thần giải thích về sự thụ thai qua mầu nhiệm này và “đối với Chúa không có gì là không thể làm được”[9] thì Mẹ đã “xin vâng”. Lời “xin vâng” của Mẹ là sự xác tín hoàn toàn trong việc đón nhận Thánh ý Chúa.

Khi vâng theo Thánh ý Chúa, Mẹ Maria đã chấp nhận tất cả những khó khăn, gian khổ, thiệt thòi về mình. Thứ nhất, Mẹ chấp nhận hy sinh cuộc sống gia đình với Giuse để cho Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì trong Kinh thánh đã nói: khi biết Mẹ Maria có thai thì Giuse đã toan bỏ Mẹ[10]. Quả thật, cho dù điều đó không xảy ra đi chăng nữa thì Mẹ biết giải thích làm sao cho Giuse hiểu về Hài Nhi mình đang cưu mang? Liệu Giuse có tin lời Mẹ không? Thứ hai, chắc rằng vì là một người ngoan đạo nên Mẹ hiểu Luật Môsê sẽ kết án ra sao đối với những người có thai ngoài hôn nhân. Đó chẳng phải là bị lôi ra khỏi thành chịu ném đá cho đến chết đó sao[11].

Như vậy, khi nói “xin vâng” Mẹ Maria đã đặt cả mạng sống mình trong tay Thiên Chúa. Mẹ đã can đảm, tin tưởng và phó thác tất cả cho Chúa, Đấng mà Mẹ hằng cầu nguyện với. Chấp nhận thụ thai là chấp nhận cái chết có thể đến với mình. Nhưng bởi vì tin yêu và phó thác vào Chúa nên Mẹ sẵn sàng “xin vâng” bất kể điều gì có thể đến với mình sau đó. Có người đặt ra câu hỏi: mẹ Maria có hiểu hết chương trình này của Thiên Chúa không? Thưa, chắc chắn là không vì Kinh thánh nhiều lần nói: trước những biến cố xảy ra trong đời Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”[12].

Mặc dù không hiểu hết việc Thiên Chúa làm; phần nào biết  được các mối khó khăn, nguy hiểm sẽ đến với mình song với tấm lòng trung kiên tín thác, Mẹ vẫn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa để vững dạ đáp “xin vâng”.

... Và trong tự do

Lời “xin vâng” của Mẹ Maria thật là đẹp. Đó là một lời thốt lên trong sự tự do trọn vẹn của một người “đầy ân sủng”.

Trong quyền tự do của mình, Mẹ có thể trả lời “không” với đề nghị của Thiên Chúa. Có thể lắm chứ! Chấp nhận cưu mang Ngôi Lời là chấp nhận mọi phán xét  mà người đương thời có thể dành cho. Qua cuộc đối thoại, cả Mẹ và sứ thần không ai bắt ép ai, tất cả là một sự tự do lựa chọn. Giả như lời “xin vâng” của Mẹ là kết quả của một sự ép buộc thì nó chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Nhưng lời “xin vâng” của Mẹ là sự tự do thật sự. Nó như là tiếng vâng của tân nương đáp lại tân lang. Ở đây, Mẹ Maria là dấu chỉ và là sự thực hiện đầu tiên của hôn lễ giữa Thiên Chúa và dân Người.

Sự tự do đáp “xin vâng” của Mẹ không phải là một hành vi nhân linh đơn thuần. Nó được chính Chúa Thánh Thần khơi lên và thúc đẩy từ trong sâu thẳm tâm hồn Mẹ. Mẹ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong tình trạng “đầy ân sủng” thì không có lý do gì mà coi đó là sự ép buộc. Chẳng thế mà thánh Phaolô tông đồ từng nói: “Thánh Thần Thiên Chúa ở đâu thì ở đó có tự do”[13].

Bên cạnh sự tự do đó còn thể hiện lòng mến của Mẹ. Chẳng ai lại tự do ưng thuận người mình không yêu mến. Mẹ đã yêu mến Thiên Chúa bằng cả linh hồn, bằng cả trí khôn. Có như vậy Mẹ mới vượt qua được tất cả những khó khăn thử thách trong cuộc đời để vâng theo Thánh ý Thiên Chúa đến cùng.

Kết

Cho dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn, nhưng nếu chúng ta biết noi gương Đức Maria khiêm nhường, tín thác lắng nghe Lời Chúa thì sẽ vượt thắng tất cả. Bởi vì Lời Chúa luôn là “ngọn đèn soi cho bước – là ánh sáng chỉ đường con đi”[14].

Mỗi gia đình Công Giáo chúng ta hãy cùng nhau noi gương Đức Maria trong việc lắng nghe Lời Chúa một cách tín thác, khiêm nhường và tự do để Lời Chúa biến đổi mỗi gia đình trở thành Hội Thánh tại gia và nên những chứng nhân giữa đời.

Nguyện xin Đức Maria cùng đồng hành với mỗi gia đình chúng ta trên mỗi bước đường lắng nghe và học hỏi Lời Chúa trong một xã hội đầy những rối ren ngày nay.

 

Giuse Trần


[1] Lc 1, 28.

[2] x. Lc 1, 8-22.

[3] x. Lc 1, 26-27.

[4] x. Gl 1, 15-16.

[5] x. St 11, 4.

[6] Lc 1, 38.

[7] Theo triết gia Kierkegaard.

[8] Lc 1, 34.

[9] Lc 1, 37.

[10] x. Mt 1, 19.

[11] x. Đnl 22, 22-23.

[12] Lc 2, 19. 51.

[13] 2Cr 3, 17

[14] Tv 118, 105.

114.864864865135.135135135250