15/10/2019 -

Đấng Đầy Ân Sủng

4635
Tin Mừng Nhất Lãm không phải là “cuốn tiểu sử cuộc đời Đức Giêsu,” lại càng không phải cuốn sách kể lại những câu chuyện về gia đình của Người, về Mẹ của Người là Đức Maria. Tuy thế, dựa vào một số đoạn văn trong Tin mừng Nhất Lãm, chúng ta cũng có thể có được một số nét dung mạo thần học của Đức Maria làm gương mẫu để các gia đình Kitô hữu học hỏi noi theo.
Đức Maria, Người môn đệ luôn lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành
Không có chỗ nào trong Tin Mừng Nhất Lãm gọi Đức Maria là “môn đệ của Chúa”, thế nhưng có nhiều chi tiết ám chỉ Đức Maria được xếp vào vị trí của người môn đệ. Đoạn Tin Mừng Mc 3, 31- 35 kể về việc Mẹ Maria, cũng như những người mẹ nhân loại khác, lo lắng cho con vất vả vì nghe biết rằng Người đã quá hăng say công việc truyền dạy, nên đã đến gặp Người. Tuy thế, khi có người báo cho Đức Giêsu hay thì Người nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?... ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3, 33).
Chúng ta gặp thấy câu chuyện tương tự qua lời kể của thánh Matthêu (x. 12, 46- 50) và thánh Luca (x. 8, 19- 21). Đức Giêsu nói vậy không nhằm phê phán Đức Maria và người thân nhưng cho thấy trong Nước Thiên Chúa, mối liên hệ máu mủ không đảm bảo cho một thứ bậc ưu tiên: Ai thuộc về Chúa là kẻ biết làm theo ý Chúa. Đồng thời, đó cũng là lời khen ngợi Đức Maria, người môn đệ đã luôn “xin vâng” và “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa (x. Mt 46,50). Không biết sau khi nghe lời này, không biết Đức Maria hiểu và cảm như thế nào. Có lẽ ngài cũng phải vất vả lắm mới hiểu được. Như vậy, từ cương vị một người mẹ, Đức Maria đã vươn lên bình diện siêu nhiên để trở thành môn đệ của Chúa, đi theo Đức Giêsu cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình Mới của Người.
Thánh Luca cũng cho biết rằng Đức Maria là người đã biết nghe Lời Chúa, đã “tin” (x. Lc 1, 45) và luôn nghiền ngẫm Lời Chúa trong lòng (x. Lc 2, 19.51). Đức Maria luôn cố gắng khám phá ý nghĩa của từng biến cố cuộc đời bằng đức tin. Việc suy ngẫm, tìm hiểu ý nghĩa và giúp Mẹ đón nhận những thăng trầm vui buồn, hạnh phúc của cuộc đời bằng một lòng tín thác vào kế hoạch của Chúa. Đức Maria còn là của một người luôn tuân giữ và thực hành Lời Chúa (x. Lc 8,21; 11,27-28). Như vậy, Đức Maria quả là một hình ảnh người môn đệ mẫu mực. Bởi thế, trong thông điệp “Thân Mẫu Chúa Cứu Thế”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gọi Đức Maria là “môn sinh đầu tiên của Chúa”.[1]
Gia đình Kitô hữu bước theo chân Mẹ
Qua mẫu gương Đức Maria, Giáo hội mời gọi các gia đình Kitô hữu hãy lấy đức tin làm nền móng vững chắc để xây dựng đời sống của gia đình, mà đức tin ở đây được thể hiện qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Lời Chúa rất cần thiết cho đời sống Hôn nhân và gia đình Công giáo bởi vì Lời Chúa là lời tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Đọc Thánh Kinh, các thành viên trong gia đình sẽ hiểu được tình yêu ấy như thế nào và càng thấm thía hơn tình yêu của Chúa, từ đó biết sống tình yêu đôi bạn sâu sắc hơn theo mẫu mực tình yêu cao vời ấy. Thứ nữa, Lời Chúa là Lời đem lại sự sống cho loài người, như chính Đức Giêsu nói: “Thầy có những Lời làm cho chúng con được sống” (Ga 6, 68). Nhờ Lời Chúa được ban như lương thực hằng ngày, đôi bạn và gia đình Công giáo luôn tiến triển trong đời sống đức tin và được vững mạnh thực hành các nhân đức. Ngoài ra, Lời Chúa còn là Lời biểu lộ ý muốn của Chúa Cha, vì thế, hiểu biết Lời Chúa, đôi bạn và gia đình Công giáo sẽ biết cách sống phù hợp thánh ý Chúa và đó chính là sự trọn lành.
            Thánh sử Matthêu có ghi lại lời của Đức Giêsu: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7, 24). Thật thế, gia đình Kitô hữu chỉ có thể sống yêu thương hoà thuận và hạnh phúc, khi mọi người biết đặt Chúa làm trọng tâm của gia đình và luôn luôn tìm kiếm thực thi ý Chúa, mà lời Chúa là thể hiện ý Chúa. Càng sống theo lời Chúa dạy, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Từ đó, Đức Giêsu nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập phải được coi là quan trọng hơn quan hệ huyết thống rất nhiều: Bởi vì gia đình Kitô hữu dự phần vào sự sống và sứ mệnh của Hội thánh, một Hội thánh đang kiên trì lắng nghe Lời Thiên Chúa với tâm tình tôn giáo và đang công bố Lời ấy với lòng tin cậy mãnh liệt, nên gia đình Kitô hữu sống vai trò tiên tri của mình bằng cách đón nhận và loan báo Lời Thiên Chúa: Như thế gia đình ngày càng trở nên một cộng đoàn tin và loan báo Tin mừng” (GĐ. 51). Như vậy, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính đức tin và đức ái, bởi vì qua nhiều thế hệ, ở mọi dân tộc, chẳng có ai có liên hệ huyết nhục nhân loại với Đức Giêsu; nhưng đã có rất nhiều người và chắc chắn sẽ còn có nhiều người sẽ gắn bó còn hơn ruột thịt và dám sống chết với Người, vì họ biết lắng nghe và thi hành ý muốn của Cha trên trời (Mt 12,50).
Một vài gợi ý thiết thực trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa
Hằng ngày, các gia đình Kitô hữu phải học tập Đức Maria: chăm chỉ lắng nghe Lời Chúa, rồi ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (x Lc 2,19). Nhờ đó, Lời Chúa sẽ dần dần thấm vào trong tâm hồn, trở thành nguyên tắc hướng dẫn ứng xử theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giêsu. Có thể áp dụng bằng cách đọc một đoạn Kinh Thánh ngắn trong thời gian cầu nguyện sáng tối, hoặc nếu được, lựa một thời gian nào đó rảnh rỗi trong tuần, tránh xa các đồ vật gây chia trí như Ti vi, điện thoại,… Một thành viên sẽ đứng lên đọc lớn tiếng đoạn Kinh Thánh rồi cùng các thành viên khác trong gia đình suy niệm và chia sẻ cho nhau đoạn Kinh Thánh ấy. Mỗi lần đọc xong một đoạn Kinh Thánh, hãy tự hỏi bản thân: Chúa muốn dạy tôi điều gì qua đoạn Lời Chúa này? Câu nào là câu chủ đề hướng dẫn tôi sống theo gương Chúa làm và lời Người dạy? Tôi phải làm gì để sống như ý Chúa muốn? Cụ thể ngay hôm nay, tôi sẽ làm việc nào để thực hành Lời Chúa?” Rồi sau khi chia sẻ, mỗi người hãy dâng lên Chúa một lời cầu nguyện xin ơn Chúa giúp thực thi Lời Chúa.
Để thực hành việc sống theo Lời Chúa trong đời sống hằng ngày, mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn, một biến cố nào đó, mỗi người nên tự hỏi: “Nếu Đức Giêsu ở trong hoàn cảnh của tôi bây giờ thì Người sẽ ứng xử thế nào?”, rồi cầu xin Thiên Chúa soi sáng như dân chúng đã hỏi thánh Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì ?” (Lc 3,10-14). Khi đã được soi sáng, hãy làm theo lời Mẹ Maria dạy các người giúp việc tại tiệc cưới Cana: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Cuối cùng, dâng một lời nguyện tắt xin Thiên Chúa giúp bản thân sống theo những gì Lời Chúa dạy…
Thay lời kết
Ước gì các gia đình Kitô hữu chúng ta biết chạy đến với Mẹ Maria như mẫu gương của Đức tin, cũng như của việc lắng nghe và thực hành lời Chúa, để rồi nhờ thế mà bầu khí gia đình sẽ thánh thiện, hạnh phúc hơn. Đồng thời, chúng ta cũng hãy xin Mẹ dạy chúng ta sống mến yêu Lời Chúa như Mẹ, để được Lời Chúa biến đổi, giúp các thành viên trong gia đình biết đón nhận nhau và cũng biết đón nhận tha nhân như người anh chị em trong tình yêu thương hoà thuận và hiệp nhất của gia đình Thiên Chúa. Amen.
 
Trúc Bạch, OP.


[1] X. Thông điệp “Thân Mẫu Chúa Cứu Thế”, số 20.
114.864864865135.135135135250