02/10/2019 -

Đấng Đầy Ân Sủng

3467
  1. Mở đầu
Tin Mừng Luca thuật lại rằng: “Khi Ðức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!Nhưng Người đáp lại: Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa(Lc11, 27-28).
Như vậy, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, là cái giá phải trả để có hạnh phúc thật, hạnh phúc Nước Trời. Nhưng làm thế nào để nghe được Lời Chúa, làm sao để kiên cường tuân giữ Lời Chúa giữa một môi trường luôn ồn ào với đủ thứ âm thanh, với bao lo toan và mời mọc cám dỗ khiến lòng người không một phút lặng bình, với đủ thứ bậc thang giá trị khiến trí khôn không biết đâu mà chọn lựa?
May thay, chúng ta đã có một mẫu gương hoàn hảo về việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa mà người tín hữu cần phải noi theo, đó là Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa. Cả cuộc đời của Mẹ như là điểm quy chiếu cho một định nghĩa tròn đầy và sống động về đời sống đức tin. Từ tiếng “xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa trong biến cố ngày lễ Truyền Tin cho đến buổi chiều buồn dưới chân Thập giá trên đồi Canvê, cả cuộc đời của Đức Maria là một cuộc đời lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa. Chúng ta cùng điểm lại những điều được ghi lại trong Tin Mừng về cuộc đời đức tin của Đức Maria để qua đó, chúng ta noi bước theo Mẹ, trở thành những con chiên ngoan hiền của Thiên Chúa thông qua việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong đời sống thường ngày.
  1. Biến cố Truyền Tin
Trước hết, trong biến cố truyền tin, Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa gởi đến qua cuộc đối thoại với sứ thần Gabriel. Người thể hiện niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa bằng thái độ lắng nghe và tin tưởng tuyệt đối. Mẹ tin vào lời hứa của Thiên Chúa, tin vào quyền năng của Người khi thực hiện chương trình cứu độ. Mẹ lắng nghe lời giải thích của sứ thần, tìm hiểu ý nghĩa của lời mời gọi và trong khiêm tốn đối thoại với Thiên Chúa: “việc đó xảy ra như thế nào được vì tôi không biết đến người nam? (Lc 1, 34). Nhờ đối thoại với sứ thần, Đức Maria càng ngày càng khám phá ra mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, để rồi Người sẵn sàng cộng tác với Chúa trong việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế. Trong ngày Chúa giáng sinh, Mẹ đã nghe lời ca khen, chúc mừng của các thiên thần, các mục đồng, và các nhà thông thái tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Nghe các mục đồng kể lại những gì thiên thần đã nói với họ, thánh sử Luca đã ghi lại thái độ của Đức Mẹ như sau: “Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Và rồi khi tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ sau ba ngày bị thất lạc, Mẹ Maria cũngghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2,51).
  1. Thời thơ ấu của Đức Giêsu
Sau những ngày mang thai, Đức Maria đã tới ngày sinh, thế nhưng điều ấy lại xảy ra trong hoàn cảnh vô cùng bi đát: không nhà cửa, không người thân, không có sự chuẩn bị về điều kiện vật chất giữa đêm đông lạnh lẽo trong hang đá Belem, nơi trú ngụ của bò lừa súc vật (x.Lc 2,1-21)... Thế nhưng, Người vẫn một niềm phó thác vào chương trình của Thiên Chúa không chút nghi nan, không phàn nàn kêu trách mà vẫn một niềm xác tín. Trong ngày đem con lên Đền Thờ để dâng hiến cho Thiên Chúa, Mẹ đã chấp nhận là thành phần của những người nghèo. Sau đó, Người được nghe những lời của ông Simêon báo trước tương lai của Người Con và những đau khổ sẽ đến với mình (x.Lc 2,34-35). Khi gia đình cùng nhau lên đền Giêrusalem năm Đức Giêsu được mười hai tuổi và khi trở về thì lạc mất con, hai ông bà đã lo lắng đi tìm và gặp Con đang ngồi đàm thoại với các thầy dạy luật trong Đền Thờ. Đó là sứ vụ của Đức Giêsu phải làm, mặc dù không hiểu nhưng Đức Maria hằng ghi nhớ và suy gẫm trong lòng (Lc 2,41-51).
Tất cả những sự kiện đều nói lên sự vâng phục đức tin của Mẹ Maria cách tròn đầy nơi Thiên Chúa.
  1. Đời sống công khai rao giảng của Đức Giêsu
Trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, Mẹ đã nhận ra được sứ điệp Nước Trời được đặt lên hàng đầu và để có được Nước Trời, thì phải lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Qua biến cố Đức Mẹ và anh em muốn gặp Đức Giêsu (x.Lc 8,19-21) và trả lời cho câu của người phụ nữ “phúc cho ai đã cho Người bú mớm” (Lc 11,27-28), Đức Giêsu cho chúng ta thấy Người đã tôn vinh Đức Mẹ trong sâu thẳm như thế nào và khẳng định rằng tất cả những gì Mẹ đón nhận được từ Thiên Chúa không chỉ bởi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn nhờ vào sự vâng phục đức tin của Mẹ. Điều đó cũng sẽ đến với tất cả chúng ta, nếu ta biết sống tâm tình như Mẹ, vì: “phúc cho ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa”. Hành trình đức tin của Mẹ Maria tiếp tục được thể hiện trong sự dấn thân, gắn bó và kết hiệp hoàn hảo với sứ vụ rao giảng của Chúa Giêsu cho đến dưới chân Thánh Giá.
  1. Hiệp thông với cuộc thương khó của Đức Giêsu
Trên đường khổ nạn, Mẹ Maria nghĩ gì khi trước đó mấy ngày nhiều người trải áo, cầm lá tung hô Con Yêu Dấu, tung hô Đấng Mêsia tiến vào Giêrusalem, thì ngày hôm nay, chính họ lại nhạo báng, chê cười, rồi đánh đập con yêu dấu của Mẹ. Càng lúc, Mẹ càng hiểu những lời cụ già Simêon nói đã trở thành hiện thực: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống đối” (Lc 2,34). Trong đau khổ tột cùng, Mẹ vẫn can đảm lắng nghe lời trăn trối của Đức Giêsu: “Thưa Bà, đây là Con của Bà (Ga19,26), và lời Người với môn đệ Gioan: “Đây là Mẹ của anh (Ga19,27). Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ mà Người sẽ được tôn vinh vì Người hằng vâng phục Chúa Cha mà chịu chết trên thập giá, nên Người muốn trao phó sứ mệnh làm Mẹ của những kẻ có lòng tin cho Đức Maria, và trao phó thánh Gioan, đại diện các môn đệ và mọi tín hữu, những người biết lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, cho Đức Maria.
Trên đồi Golgotha, Đức Mẹ đã thấy tận mắt Con Yêu Dấu chịu treo trên thập giá giữa hai người trộm cướp, lòng Người tan nát như bị lưỡi đòng đâm thấu qua tim. Điều gì đã giúp Người can đảm đứng dưới chân thập giá? Đó là vì Người đã hằng suy đi nghĩ lại những lời cụ già Simêon nói trước kia nay đã ứng nghiệm. Chính việc suy gẫm Lời Chúa đã giúp Người dần dần hiểu rõ ý định của Thiên Chúa đang được thể hiện nơi người con yêu là Đức Giêsu. Nếu Mẹ không suy gẫm Lời Chúa, không lắng nghe tiếng Chúa thì có lẽ Người cũng giống các phụ nữ khác khi chứng kiến cái chết nhục nhã của con mình sẽ phải kêu gào khóc lóc, chửi rủa những người lên án, đóng đinh con mình vào thập giá. Nhưng không, Người đã can đảm đón nhận tất cả, vâng theo thánh ý Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ đã thể hiện trọn vẹn hai tiếng “xin vâng” mà Người đã thưa với sứ thần trong ngày truyền tin, “xin vâng” để hiến tế con mình, “xin vâng” để hy sinh, và “xin vâng” để cuộc đời mình hoàn toàn thuộc về Chúa.
  1. Hãy học với Mẹ
Đức Maria đã trải qua những biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời Chúa Giêsu: trong thinh lặng, Mẹ đã lắng nghe tiếng Chúa; trong niềm vui, Mẹ đã lắng nghe lời ca ngợi hát mừng của các thiên thần và mục đồng; trong đau thương khi chứng kiến con chết trên thập giá, Mẹ đã lắng nghe lời Chúa, Mẹ đã thể hiện trọn vẹn tiếng xin vâng theo thánh ý Chúa. Trong tất cả mọi sự, Mẹ đã cầu nguyện, chiêm niệm Lời Chúa, để rồi trong những biến cố lớn nhỏ của cuộc đời, Mẹ vẫn can đảm, Mẹ vẫn tin tưởng vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu Mẹ không mở lòng, mở trí để lắng nghe Lời Chúa nói qua lời sứ thần truyền tin, nếu Mẹ không đáp lời “xin vâng” theo thánh ý Thiên Chúa, thì nhân loại sẽ không có một Đấng Mêsia, sẽ không có ơn cứu độ bởi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Đức Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa, chấp nhận để cho Chúa thực hiện chương trình cứu độ loài người.
Đức Giêsu đã tôn vinh Mẹ khi tuyên bố những ai nghe và giữ Lời Chúa thì có phúc hơn những người có tương quan huyết nhục với Chúa. Thực vậy, có ai nghe và giữ Lời Chúa cho bằng Đức Maria? Thánh Anselmo đã nói: “Mẹ lắng nghe Ngôi Lời Thiên Chúa đến nỗi để Ngôi Lời làm người trong lòng Mẹ”. Giáo phụ Origen còn khẳng định: “Không ai hiểu ý nghĩa của Tin Mừng, nếu họ không áp vào ngực Chúa và không nhận Mẹ Maria được Chúa trao làm mẹ mình”. Vì thế, Mẹ trở nên gương mẫu cho mọi Kitô hữu trong việc lắng nghe và giữ Lời Chúa. Lắng nghe đòi hỏi thinh lặng và chú tâm và đó là thái độ phải có của người môn đệ Chúa. Thánh Kinh cho biết Thiên Chúa thường xuyên nói với dân Ngài, nên mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa là mối tương quan từ môi- đến- tai. Vì thế, mỗi sáng, dân Do Thái thường nhắc lại cho nhau lời Chúa: “Hãy nghe đây, hỡi Israel!” Khởi đầu các dụ ngôn, Chúa Giêsu cũng kêu gọi dân chúng lắng nghe như thế.
Người chăm chỉ đọc Lời Chúa thì chắc chắn phải nghĩ đến Chúa, đến những lời dạy và những hành động của Chúa, mà tất cả lời dạy và hành động của Chúa đều là khuôn mẫu hướng con người đến một cách sống đầy yêu thương, thế nên họ sẽ được biến đổi giống y như khuôn mẫu ấy một cách vô thức, không cần phải cố gắng nhiều. Đó là giá trị con người có thể biến đổi và việc lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành là bình diện tự nhiên vượt lên đến siêu nhiên trong cách sống của mình.
Người thành công nhất trong việc này chính là Đức Maria. Người cao trọng không những vì đã cưu mang và cho Đức Giêsu bú mớm, mà còn là vì Người đã lắng nghe và thực thi Lời Chúa, nhờ vậy Người luôn nhận ra được thánh ý Chúa muốn nơi cuộc đời mình để rồi cộng tác hết mình với Chúa, với khuôn mẫu mà Mẹ luôn ước ao. Đức Maria thực sự đã trở thành gương mẫu cho những ai muốn lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
  1. Tạm kết
Hành trình đức tin của người tín hữu ngày nay đang phải đối đầu với một thế giới đầy biến động và xáo trộn. Các trào lưu hưởng thụ, chủ nghĩa vô thần, duy tương đối, duy thực dụng, duy vật chất và duy khoái lạc... đang làm đảo ngược các giá trị luân lý đạo đức, khiến con người đang đánh mất cảm thức về đức tin và dần loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Chính trong hoàn cảnh đó, chúng ta được mời gọi hãy nhìn lên mẫu gương Đức Maria và hãy sống vâng phục đức tin qua việc lắng nghe và thi hành lời Chúa trong từng biến cố của cuộc đời. Như Đức Maria năm xưa, chúng ta cũng hãy diễn tả niềm vui và tình yêu Đức Kitô cho mọi người trong cuộc sống qua cử chỉ yêu thương, bác ái và thánh thiện của mình trong mọi nơi mọi lúc.
Bằng thái độ vâng phục của đức tin, Đức Mẹ đã lãnh trọn tình yêu nhưng không và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Tình yêu đó, lòng thương xót đó cũng được dành cho tất cả loài người chúng ta nữa, nếu ta biết lắng nghe, vâng phục và thi hành Lời Chúa như Mẹ.
Ta đang sống trong tháng mười, tháng Mân Côi kính Đức Mẹ. Việc lần chuỗi Mân Côi cũng là lặp lại lời ngợi khen và cầu xin kinh cho chúng ta được bước theo gương Mẹ. Lời kinh ấy rất đơn giản, dù chuỗi Mân Côi trên tay vị chủ chăn hay trên tay tín hữu, dù trên tay thanh sạch của một vị thánh hay trong đôi tay sám hối của người tội lỗi, sẽ luôn mang lại sức biến đổi thành ân sủng thiêng liêng cho tất cả mọi người.
Một đời sống đạo đức gương mẫu vẫn luôn là một hấp lực và tác động người khác hơn cả những gì được viết trong sách vở. Đức Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Ước gì chúng ta tìm được hạnh phúc trong việc cưu mang Lời Chúa bằng cách lắng nghe, đón nhận và tuân giữ đơn giản bằng việc đọc kinh lần hạt Mân Côi để Lời Chúa trở thành sức sống, trở thành nguồn vui giúp chúng ta vững bước trên con đường trở về quê trời.
 
Phong Trần.

 
114.864864865135.135135135250