18/02/2016 -

Đấng Đầy Ân Sủng

2141

LTS: Đây là bài giáo lý của Đức giáo hoàng Phanxicô về gia đình vào Thứ Tư, 04.02.2015. Trong bài trước, ngài nói đến khía cạnh tiêu cực của những người cha ‘vắng bóng’. Trong bài này, ngài triển khai khía cạnh tích cực của người cha trong gia đình. 

Thánh Giuse cũng bị cám dỗ lìa bỏ Mẹ Maria, khi ngài khám phá thấy rằng Mẹ có thai, nhưng Thiên Thần Chúa đã can thiệp và tỏ cho ngài biết kế hoạch của Thiên Chúa cũng như sứ vụ làm dưỡng phụ của ngài. Thánh Giuse, một con người công chính, "đã nhận lấy vợ mình" (Mt 1,24) và trở thành người cha của Gia Đình Nazarét.

Hết mọi gia đình đều cần một người cha. Hôm nay chúng ta suy nghĩ về giá trị nơi vai trò của họ, và tôi muốn bắt đầu bằng một số diễn tả trong Sách Châm Ngôn, những lời của một người cha nói cùng người con trai của mình: "Hỡi con, tâm trí con khôn ngoan, thì lòng dạ thầy cũng vui sướng. Môi miệng con nói những lời chính trực, thì tâm hồn thấy sẽ mừng rỡ hân hoan" (23,15-16). 

Người ta không thể nào diễn tả hay hơn nữa về niềm hãnh diện và cảm xúc của một người cha nhìn thấy mình đã truyền đạt cho con mình những gì thực sự là đáng giá trong đời sống, đó là một tam can khôn ngoan. Người cha này không nói rằng: "Cha hãnh diện về con vì con thực sự giống như cha, vì con lập lại những gì cha nói và làm". Không, họ nói về điều quan trọng hơn nữa cho nó, những điều chúng ta có thể hiểu như thế này: "Cha sẽ cảm thấy vui sướng mỗi lần cha thấy con hành động một cách khôn ngoan, và cha sẽ lấy làm cảm động mỗi khi cha nghe thấy con nói những gì là đúng đắn chân thực. Đó là những gì cha muốn lưu lại cho con, để nó trở thành một cái gì đó của con: thái độ cảm nhận và thi hành, nói năng và phán đoán một cách khôn ngoan chính trực. Nhờ đó con có thể trở thành như thế, cha đã dạy con những điều con không biết, cha đã sửa bảo những lỗi lầm con không thấy. Cha làm cho con cảm thấy được một cảm nhận sâu xa đồng thời thận trọng là những gì có lẽ con không hoàn toàn thấy được khi con còn trẻ trung và chưa chín chắn. Cha đã cống hiến cho con một chứng từ cứng rắn và cương quyết là những gì có lẽ con chưa hiểu được khi con chỉ muốn được chiều chuộng và ấp ủ. Cha trước hết đã phải thử mình về con tim khôn ngoan, và canh chừng những thái quá về tình cảm cùng phẫn nộ, chịu đựng những hiểu lầm không thể tránh khỏi, và tìm những lời lẽ chân thực để làm sáng tỏ vấn đề. Giờ đây, cha cảm động khi thấy con đang tìm cách trở nên như thế với con cái của con cũng như với mọi người. Cha sung sướng được làm cha của con". Đó là những gì một người cha khôn ngoan nói với người con, một người cha chín chắn.

Người cha quá biết phải trả giá đến đâu để truyền đạt cái gia sản này: phải gần gũi biết bao, phải dịu dàng biết mấy, và phải quyết liệt đến chừng nào. Tuy nhiên, người cha lại nhận được biết bao an ủi và bù đắp khi thấy con cái của mình tỏ ra trân trọng cái gia sản ấy! Chính niềm vui là những gì đền bồi cho mọi nỗ lực, một niềm vui vượt trên hết mọi hiểu lầm và chữa lành hết mọi thương tích.

Bởi thế, điều cần thiết trước hết thực sự là ở chỗ người cha hiện diện trong gia đình. Họ cần gần gũi với vợ của mình, chia sẻ hết mọi sự - niềm vui cũng như nỗi buồn, nỗ lực và hy vọng. Và họ cần phải gần gũi với con cái của mình trong việc tăng trưởng của chúng: khi chúng chơi đùa và khi chúng bận bịu, khi chúng vô tư và khi chúng u sầu, khi chúng hồn nhiên bày tỏ và khi chúng thinh lặng âm thầm, khi chúng nguy nan và khi chúng sợ hãi, khi chúng lỡ bước sa chân và khi chúng tìm về đường ngay nẻo chính. Một người cha luôn hiện diện! Thế nhưng, để hiện diện thì không phải là một thứ kiểm soát. Vì những người cha tỏ ra quá chế ngự thì đè nén con cái, họ không để cho chúng trưởng thành. 

Phúc Âm cho chúng ta thấy mẫu gương của Người Cha trên trời - một người cha duy nhất, như Chúa Giêsu nói, có thể được thực sự gọi là "Cha Nhân Lành" (Mc 10,18). Ai cũng đều biết dụ ngôn đặc biệt được gọi là dụ ngôn "Người Con Hoang Đàng" hay đúng hơn là dụ ngôn "Người Cha Nhân Hậu" trong Phúc Âm Thánh Luca (15,11-32). Quí báu biết bao và dịu dàng biết mấy nơi việc trông đợi của người cha, người đứng ở cửa nhà mình chờ đợi con mình trở về! Các người làm cha cần phải nhẫn nại, nhiều lần chẳng có gì khác hơn ngoài việc đợi chờ. Hãy cầu nguyện và chờ đợi một cách nhẫn nại, dịu dàng, cao thượng và nhân hậu.

Người cha nhân lành có khả năng chờ đợi và tha thứ tận đáy lòng mình. Dĩ nhiên họ cũng vẫn có thể mạnh mẽ sửa bảo: họ không phải là một người cha yếu mềm, chiều chuộng và cảm tình. Người cha biết sửa bảo mà không làm chán nản cũng chính là người cha có khả năng không ngừng bảo vệ vậy. Có lần tôi nghe thấy một người cha, trong cuộc họp với các cặp vợ chồng, nói rằng: "Đôi khi tôi cần phải đánh con tôi một chút, nhưng không bao giờ vào mặt, không làm nhục nó". Đẹp đẽ biết bao! Người cha này biết được cảm quan về phẩm giá! Người cha này phải răn dạy con cái, nhưng thực hiện một cách thích hợp và nhằm giúp con cái thăng tiến.

Bởi vậy, nếu ai có thể giải thích được chiều sâu của kinh "Lạy Cha" được Chúa Giêsu dạy thì thực sự bản thân người ấy đang sống tình phụ tử vậy. Không có ân sủng của Cha trên trời thì các người cha mất can đảm và chạy trốn. Tuy nhiên, con cái cần thấy một người cha đợi chờ chúng khi chúng từ bỏ những lầm lỡ của chúng. Chúng sẽ làm hết mọi sự không phải là để thừa nhận lầm lỗi ấy, không phải là để tỏ lầm lỗi ấy ra, mà chúng cần người cha, không phải để thấy người cha này động đến các vết thương khó chữa lành nơi chúng.

Giáo Hội, Mẹ của chúng ta, quyết tâm hết sức nâng đỡ sự hiện diện quảng đại và ân cần của các người cha trong gia đình, bởi vì họ là những người bảo vệ và trung gian không thể thay thế được về niềm tin đối với các thế hệ trẻ vào lòng nhân hậu, lòng công bằng và sự che chở của Thiên Chúa, như thánh Giuse.

Chuyển ngữ: Đa Minh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

114.864864865135.135135135250