Vào ngày 11 tháng 02 năm 2018, nhân ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ sung ngày lễ kính Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội vào trong lịch phụng vụ chung của Giáo Hội Rôma. Và Ngài ấn định rằng, ngày lễ này sẽ được cử hành trên toàn Giáo Hội Công Giáo vào ngày thứ Hai ngay sau đại lễ kính Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, như Tòa Thánh Vatican đã công bố vào ngày 03 tháng 3 năm 2018. Theo đó, năm nay - 2020, thứ Hai ngày 01 tháng 6 sẽ là ngày lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội được cử hành trên toàn Giáo Hội với bậc lễ nhớ buộc.
Trước đây, ngày lễ kính Đức Maria là Mẹ Giáo Hội chỉ được cử hành riêng lẻ trong một số giáo phận và một số cộng đoàn Dòng Tu, và được cử hành vào những ngày khác nhau.
Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội - Lumen Gentium - của Công đồng Vatican II đã mô tả Đức Maria chính là thành phần của Giáo Hội và là “Mẹ đáng mến” của Giáo Hội.
Tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội từ lâu đã được sử dụng và tôn kính dưới nhiều triều đại giáo hoàng như Đức Bênêđíctô XIV, Đức Lêô XIII, Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II. Vào năm 1944, thần học gia Hugo Rahner mới khám phá ra rằng, ngay từ thế kỷ thứ IV, thánh Ambrôxiô cũng đã sử dụng tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội. Khoa Thánh Mẫu học của Hugo Rahner được đặt nền tảng trên thánh Ambrôxiô cũng như trên các giáo phụ khác, và khoa Thánh Mẫu học của ông đã có một ảnh hưởng rất lớn trên Đức Phaolô VI và Công đồng Vatican II. Vào ngày 21 tháng 11 năm 1964, tức lễ kính Đức Trinh Nữ thành Giêrusa-em, trong diễn văn bế mạc phiên họp thứ III của Công đồng trên, Đức Phaolô VI đã chính thức công bố tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội. Vào năm 1980, tước hiệu này đã được bổ sung vào trong Kinh Cầu Đức Bà, cụ thể là vào vị trí thứ hai sau tước hiệu Đức Bà là Mẹ Chúa Kitô.
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo đã diễn giải tước hiệu Đức Maria là Mẹ Giáo hội như sau: Đức Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng còn là Mẹ của tất cả các tín hữu nữa, như thánh Augustinô đã trình bày trong tác phẩm De sancta virginitate: “Mẹ đồng cộng tác trong Đức Mến để các tín hữu được sinh ra trong Giáo Hội, mà các tín hữu ấy chính là chi thể của Đầu”, tức Chúa Kitô.
Theo cách trình bày của Thánh Gioan Phaolô II, thì nhờ vào việc Mẹ được tôn kính với tư cách là Mẹ Ơn Cứu Độ, Mẹ Sự Sống, Mẹ ân sủng, Mẹ của những kẻ được cứu chuộc và Mẹ của những kẻ sống, Đức Maria thực sự là Mẹ của toàn Giáo Hội.
Đức Bênêđíctô XVI lưu ý rằng, ngay từ đầu, Công đồng Vatican II đã hiểu về Thánh Mẫu học như là một phần của Giáo hội học, và vì thế, trong thực tế, một trong những đặc tính có tính nội tại nhất của Giáo Hội, đó là sự đồng nhất hóa với Đức Maria, đã được diễn tả tại Công đồng này.
Thần học gia Hugo Rahner cho biết rằng, cách hiểu về Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Giáo hội như được trình bày ở trên bởi các Đức Thánh Cha, cũng đã có ngay từ thời các giáo phụ rồi. Việc kêu cầu Đức Maria là Mẹ Giáo Hội đứng trong mối liên hệ khắng khít với đặc tính nguyên thủy của chính Giáo Hội với tư cách là Mẹ (Mater Ecclesia).
Như thế tước hiệu “Mẹ Giáo Hội” phản chiếu niềm xác tín sâu xa của người Kitô hữu, họ nhìn thấy nơi Đức Maria không những là người Mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của mọi tín hữu. Người được nhìn nhận là Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Sự Sống và Mẹ ân sủng, Mẹ những người được cứu chuộc và Mẹ của kẻ sống, thì thật chính đáng khi tuyên bố Người là Mẹ Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã muốn Công đồng Vatican II tuyên bố:“Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, nghĩa là của toàn thể Dân Chúa, của người tín hữu và các mục tử của họ”. Chính Đức Giáo hoàng thực hiện điều đó khi đọc bài diễn văn bế mạc khoá thứ III Công Đồng (21.11.1964), Người tuyên bố: “từ nay toàn thể dân Kitô hữu hãy tôn kính và kêu cầu Đức Trinh Nữ Rất Thánh với tước hiệu này”.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ Giáo Hội luôn yêu thương chúng con, xin Mẹ giúp chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa ngay trong đời thường của chúng con. Xưa kia Mẹ cũng sống như chúng con nhưng Mẹ đã thực hiện Thánh ý Chúa cách trọn vẹn trong đời Mẹ, nay xin Mẹ luôn dẫn đường chỉ lối cho chúng con, đừng để chúng con đi sai đường mất lòng Chúa và nhất là giúp chúng con luôn tâm sự với Mẹ bằng lời kinh Mân Côi mỗi ngày.
Học viện Đa Minh