20/05/2016 -

Đấng Đầy Ân Sủng

8126

Mẹ đã sinh con, người Con ấy,

Thiên thu hằng hữu trước vầng hồng,

Giờ đây Mẹ ngự ngai vinh hiển,

Thiên Quốc Nữ Hoàng thật oai phong.[1]

Tháng Năm trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, là thời gian rất thích hợp và thuận tiện, để toàn thể Giáo hội và mỗi chúng ta suy niệm, tôn vinh ca tụng Mẹ Maria với tước hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót”. Một tước hiệu vô cùng thân thương, gần gũi và đáng tôn kính, mến yêu. Tước hiệu đó gói trọn tất cả tâm tình mẫu tử của Mẹ Maria dành cho hết thảy con cái Mẹ trên khắp vũ hoàn.

Tước hiệu đó diễn tả tất cả sứ vụ của Mẹ trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Tước hiệu đó mời gọi chúng ta “dừng chân” chiêm ngắm và “ở lại trong tình yêu”[2], để cảm nếm, để kín múc, để đón nhận sức sống, để tận hưởng niềm vui dạt dào, sự bình an và nguồn hy vọng chứa chan từ Dung Nhan Lòng Thương xót Thiên Chúa, được khơi nguồn từ cung lòng trinh khiết vẹn tuyền của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương xót; để cùng với Mẹ, trở nên dấu chỉ và chứng nhân của lòng thương xót Chúa cho con người thời đại.[3]

Tước Hiệu “Mẹ Của Lòng Thương Xót”

Trong kinh cầu Đức Bà, có đến năm mươi mốt tước hiệu được nhắc nhớ và gợi lên cho các Kitô hữu, để bày tỏ tâm tình ngợi khen, chúc tụng, cảm mến, tôn vinh và cầu xin Mẹ Maria, khi vui cũng như lúc gặp gian nan thử thách trong hành trình đức tin. Mặc dầu trong số các tước hiệu đó, chúng ta không thấy có tước hiệu “Mẹ của Lòng Thương Xót” trực tiếp; thế nhưng, chính những tước hiệu đó cũng đã hàm chứa, đã nói lên và đã làm sáng tỏ tước hiệu cao cả của Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót mà chúng ta đang suy ngắm và tôn vinh. Chẳng hạn:  “Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ chỉ bảo đàng lành; Ðức Nữ có lòng khoan nhân; Ðức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn; Ðức Bà bầu chữa kẻ có tội; Ðức Bà yên ủi kẻ âu lo; Ðức Bà phù hộ các giáo hữu; Nữ vương ban sự bằng an…”

Chỉ mới nghe qua những câu kinh, ca ngợi và cầu xin Mẹ qua những tước hiệu đó, cũng đủ để chúng ta nghiệm thấy Mẹ Maria chính là Mẹ của Lòng Thương Xót rồi, chứ chưa nói đến việc “suy đi nghĩ lại” những tước hiệu cao cả, chan chứa tình mẫu tử của Mẹ Maria dành cho chúng ta. Vả lại, trong kinh Salve Regina, “Kính chào Đức Nữ Vương”, mỗi ngày sau giờ Kinh tối chúng ta vẫn tha thiết khẩn cầu Mẹ với tất cả tấm lòng thành kính mến yêu rằng:

Kính chào Đức Nữ Vương,

Bà là Mẹ xót thương,

Ngọt ngào cho cuộc sống,

Kính chào Lẽ Cậy Trông !

Này con cháu E-và,

Thân phận người lưu lạc,

Chúng con ngửa trông Bà,

Kêu Bà mà khóc lóc,

Than thở với rên la

Trong lũng đầy nước mắt…”[4]

Chúng ta vẫn thường kêu cầu Mẹ Maria với tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp.” Các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế có sứ vụ cổ võ lòng sùng kính, mến yêu và cầu khẩn Mẹ Hằng Cứu Giúp; trong các Nhà thờ, Nhà nguyện dòng Chúa Cứu Thế, bức ảnh “Mẹ Hằng Cứu Giúp” được đặt ở vị trí trang trọng đặc biệt. Hằng ngày có đông đảo mọi thành phần dân Chúa đến chiêm ngắm, tôn vinh và khẩn nguyện cùng Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tước hiệu đó cũng nói lên Mẹ là Mẹ Xót Thương. Bởi lẽ, Đức Maria được đặt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: khi đến thời viên mãn, Ngôi Lời đã nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ do quyền năng của Thánh Thần, ngõ hầu loài người được trở nên con cái Thiên Chúa.[5]

Ngày nay, chúng ta thấy hình ảnh Mẹ của Lòng Thương Xót được biểu thị qua các bức tượng “Mẹ ban ơn” đôi bàn tay dịu hiền của Mẹ giang rộng, sẵn sàng ban ơn, cứu giúp mọi người đến cầu khấn, nương tựa dưới áo Mẹ lành. Chiếc áo choàng nhẹ phủ lên cánh tay Mẹ như biểu tượng của sự che chở và lòng thương xót của Mẹ đối với đàn con thương yêu. Ánh mắt của Mẹ cùng với ánh mắt của Chúa Giêsu nhìn đến nỗi khổ đau của chúng nhân, giúp chúng ta vững tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Vì yêu thương, Mẹ đã hiện ra nhiều nơi, trong nhiều thời đại dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh, để chở che, ủi an, đỡ nâng, cứu giúp con cái Mẹ trong những lúc gian truân ngặt nghèo, và mời gọi con cái Mẹ sám hối trở về với tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Vì thế, trong Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, Đức Thánh Cha Phanxicô thiết tha dâng lời khẩn cầu lên Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, ghé mắt nhìn đến đoàn con cái Mẹ trên khắp hoàn cầu; và mời gọi mọi thành phần trong Giáo hội hướng tâm trí về “Người Mẹ của Lòng Thương Xót”, để luôn được sống và bước đi trong tình thương tha thứ của Thiên Chúa, cũng như trong niềm tín thác kiên vững vào tình yêu của Ngài qua lời chuyển cầu của Mẹ. Mẹ sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.[6]

Thật là ý nghĩa biết bao, khi Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót được Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức khai mạc long trọng, với nghi thức Mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, vào đúng ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội (08/12/2015), trong niềm hân hoan vui mừng của toàn thể Giáo hội. Qua Mẹ đến với Chúa!

Là nữ tỳ của Lòng Thương Xót, Mẹ Maria được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến,[7] gìn giữ cho khỏi vế nhơ tội nguyên, được Chúa chúc phúc và tuyển chọn làm Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành cùng Chúa Giêsu Con Mẹ, hiện thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, trong công trình cứu chuộc loài người.[8] Là người đặc biệt, Mẹ Maria đã đạt được lòng Thương Xót, đã chạm đến đến Lòng Thương Xót, và đã sống Lòng Thương Xót và trở thành dấu chỉ và là chứng nhân đầu tiên của Lòng Thương Xót. Bởi vậy, Mẹ Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên.[9] Thế nên, chúng ta tôn vinh, chúc tụng, ca tung Mẹ Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót, và là chứng nhân của Lòng Thương Xót.

Mẹ Maria, Chứng Nhân Lòng Thương Xót.

Hơn ai hết, Mẹ Maria là người đầu tiên đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và cũng là sứ giả đầu tiên của Lòng Thương xót Chúa cho mọi người.

Là một thôn nữ dân dã sống trong một ngôi làng quê chẳng mấy ai biết đến,[10] thế nhưng Trinh nữ Maria đã được Thiên yêu thương, ngõ lời cộng tác với Người trong chương trình cứu nhân độ thế. Qua lời “xin vâng” của Nữ trinh,[11] Ngôi Lời Thiên Chúa đã thành nhục thể và cư ngụ trong cung lòng khiết trinh Maria.[12] Kể từ giây phút lịch sử ấy, thôn nữ Maria thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa Mẹ, Đấng cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng Ngôi Lời Nhập Thể, Dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Từ lời thưa “xin vâng” thánh thiện đó, lịch sử nhân loại bước sang một trang mới, với một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Lòng Thương Xót. Cuộc đời Mẹ cũng đổi thay trong ân tình của Chúa. Từ đây, Mẹ không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là hoàn toàn tín thác cho Thiên Chúa, trong tình yêu và chương trình cứu dộ; từ nay, Mẹ hoàn toàn từ bỏ ý riêng để bước đi trong Thánh Ý Thiên Chúa. Dầu phải trải qua bao gian nan thử thách, Mẹ vẫn luôn trung tín và chân thành với lời “xin vâng” để Thiên Chúa thực thi Lòng Thương Xót trên toàn thể nhân loại qua sự cộng tác chân thành của Mẹ.

Đón nhận tình yêu và lòng thương xót bao la từ Thiên Chúa, tâm hồn Mẹ ngập tràn niềm vui, niềm hạnh phúc và không ngừng cất cao lời tán tạ tri ân: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”[13]

Niềm vui lớn lao cao cả đó, Mẹ đã không giữ riêng cho lòng mình, nhưng đã thúc đẩy Mẹ mau mắn lên đường viếng thăm gia đình bà chị họ Isave, để chia sẻ niềm vui với gia đình bà, để loan báo tình yêu và Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người. Xuất phát từ sự cảm nghiệm sâu xa tình yêu và Lòng Thương Xót Chúa, Mẹ đã quảng đại và hiệp thông với tha nhân, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với những người chung quanh. Thật thế, niềm tri ân cảm tạ, niềm vui tràn đầy nơi Mẹ đã không dừng lại ở những bài ca trên môi miệng, nhưng đã mau chóng biến thành hành động nơi Mẹ qua việc dấn thân phục vụ gia đình bà chị họ già nua, tuổi tác khi cưu mang vị Tiền hô của Thiên Chúa.[14]

Thế đó, Mẹ đã thực hiện lòng thương xót một cách phi thường qua những công việc rất tầm thường. Mẹ đã sống và đồng hành với cuộc sống của nhân loại trong hành trình đức tin. Giữa những khó khăn thử thách, cũng như qua những biến cố vui buồn trong hành trình đức tin, Mẹ luôn biết cách để Lòng Thương Xót đụng chạm tới; bởi lẽ, Mẹ đã trải nghiệm sâu xa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua mầu nhiệm Ngôi Lời làm người, Thương khó, Tử nạn, và Phục sinh. Dưới chân Thập giá, Mẹ đã nghiệm ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không có giới hạn và mở ra cho hết mọi người, bất kể họ là ai.[15] Qua mầu nhiệm Chúa phục sinh, Mẹ đã nhận thấy tình yêu hải hà của Chúa, là phục hồi phẩm giá nguyên thuỷ cho nhân loại, để hết thảy chúng sinh được hy vọng phục sinh.[16] Và Mẹ đã trở thành Mẹ của Lòng Thương xót, và là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại.

Mẹ Maria là người đầu tiên đón nhận, cảm nghiệm và sống Lòng Thương Xót của Chúa; không những thế, Mẹ là sứ giả đầu tiên loan báo và là trở thành chứng nhân của Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người. Chúng ta cũng được mời gọi dấn bước theo Mẹ, trở nên chứng nhân và dấu chỉ Lòng Thương Xót Chúa cho con người thời đại hôm nay.

Cùng Mẹ Trở Nên Dấu Chỉ Lòng Thương Xót

Châm ngôn của Năm Thánh Lòng Thương Xót mà chúng ta đang cử hành là “Thương Xót như Chúa Cha.”[17] Châm ngôn này được trích từ Tin Mừng theo thánh Luca chương 6, câu 36. Đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ và mỗi chúng ta trong mọi thời đại, cách riêng là trong thời đại chúng ta ngày nay, một thời đại mà dường như thế giới có đầy đủ mọi thứ, duy chỉ tình yêu, tình người và lòng thương cảm đối với nhau càng ngày càng thiếu vắng;  với nạn dịch của “căn bệnh vô cảm”, đang lan tràn khắp thế giới.

Trong một thời đại như thế, lời mời gọi của Chúa Giêsu, châm ngôn của Năm Thánh Lòng Thương Xót được vang vọng lên trên toàn thế giới, cách riêng nơi mỗi Kitô hữu chúng ta, như một hồi chuông gióng lên, thức tỉnh xã hội và mỗi chúng cùng nhau “cứu vãn” thế gới bằng tình yêu và lòng thương xót. Bởi vì, chỉ có lòng thương xót mới thực sự là ngọn lửa thắp lên để sưởi ấm lòng người; chỉ có lòng thương xót mới có thể quy tụ con người lại với nhau; chỉ có lòng thương xót mới có thể vực con người đứng dậy, trở về với Thiên Chúa sau những vấp ngã, thất vọng, đỗ vỡ của cuộc đời này.

Hơn ai hết, Mẹ Maria là người tiên phong thắp lên ngọn lửa tình yêu và lòng thương xót khi đón nhận và thân thưa hai tiếng “xin vâng”, cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ, tặng ban cho nhân thế ngọn lửa tình yêu là chính Chúa Giêsu, Con Mẹ, Dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chính Mẹ là người đầu tiên cầu xin Lòng Thương xót cho thế giới, cho mọi người[18]; và chính Mẹ cũng là người đầu tiên mời gọi mọi người tin tưởng và cầu xin Lòng Thương Xót Chúa khi nhắc bảo gia nhân rằng, “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”[19]

 Là Kitô hữu, chúng ta được đón nhận và tận hưởng biết bao tình yêu và Lòng Thương Xót Chúa qua Giáo hội, qua giáo xứ, qua gia đình và qua cuộc sống thường ngày. Đến lượt mình, chúng ta cũng phải thực thi tình yêu và lòng thương xót đối với tha nhân, nhất là đối với những anh chị em đang gặp khổ đau, thử thách gian nan về mọi phương diện, những người bị gạt ra bên lề xã hội…[20]

Theo gương Mẹ, chúng ta cùng lên đường, ra khỏi “vùng biên” của sự nhỏ nhoi, ích kỷ cá nhân, để đến với những người cần tới “lòng thương xót ” ; có khi đó lại chính là những người thân đang sống bêm, sống gần và sống chung quanh chúng ta, trong gia đình, trong cộng đoàn chúng ta, mà ta đã “vô tình ” lãng quên họ; có khi đó chính là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, anh chị em, thân hữu của chúng ta… Hơn ai hết, họ cần đến chúng ta, cần đến sự quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông, tha thứ và yêu thương của chúng ta, nhưng lắm lúc chúng ta lại thờ ơ dửng dưng trước nhu cầu khẩn thiết của họ.

Như Mẹ Maria năm xưa đã ân cần chăm lo cho gia đình Nagiarét, để gia đình này và trở thành gia đình Thánh Gia, ngập tràn yêu thương và hạnh phúc, để từ mái ấm yêu thương này, Dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được tỏ hiện, được trao tặng cho nhân thế; ngày nay mỗi chúng ta cũng được mời gọi sống, thực thi và trở nên khí cụ của tình yêu và lòng thương xót của Chúa trước hết cho chính những người thân yêu của mình, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong xứ đạo của mình, bằng cách chu toàn phận sự của mình với tình thương và lòng nhiệt thành chân thật. Từ việc chu toàn trách vụ đó, chúng ta dấn thân hơn nữa trong tiến trình Phúc Âm hóa môi trường xã hội chúng ta đang sống,[21] cùng với Mẹ trở nên chứng nhân và dấu chỉ tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa cho con người thời đại.

Tạm kết

Để kết thúc, người viết xin được trích lại lời nhắn nhủ và cũng là lời mời gọi tha thiết của Cha Chung Giáo hội trong Năm Thánh Lòng Thương xót này rằng : “Giờ đây chúng ta hướng tâm trí về Người Mẹ của Lòng Thương Xót. Xin ánh mắt dịu hiền của Mẹ luôn dõi theo chúng ta trong suốt Năm Thánh này, để mỗi người chúng ta có thể tái khám phá niềm vui đến từ lòng khoan dung của Thiên Chúa. Không ai thấu hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa làm người cho bằng Đức Maria. Toàn bộ cuộc sống của Mẹ được định hình bởi sự hiện diện của Lòng Thương Xót trở nên xác phàm. Thân Mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh đã bước vào thánh điện của Lòng Thương Xót, vì đã thông dự mật thiết vào mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa.”[22]

Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ Của Lòng Thương Xót, không ngừng ghé mắt thương xem nhìn đến mỗi người chúng con, và cho chúng con được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giêsu Kitô, Con của Mẹ; để nhờ đó, mỗi chúng con biết mở rộng lòng mình, đón nhận ân sủng, tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa, hầu trở thành dấu chỉ sống động của tình yêu và Lòng Thương Xót của Chúa cho mọi người, trong môi trường sống của chúng con. Amen.

Pet. Võ Tá Đương, OP


[1] Các giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Thi Kinh Chiều, Lễ Đức Mẹ Thăng Thiên.

[2] Xc. Ga 15, 9.

[3] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 09.

[4] Các giờ kinh Phụng Vụ, Ca vãn kính Đức Mẹ, Sau giờ kinh Tối.

[5] Xc. Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội – “Lumen Gentium”, số 52 -53.

[6] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 24.

[7] Xc. Lc 1, 48.

[8] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 01

[9] Xc. Kh 12, 1 -12.

[10] Xc. Ga 1, 46.

[11] Xc. Lc 1, 39.

[12] Xc. Ga 1, 14.

[13] Lc 1, 49 - 50.

[14] Xc. Lc  1, 56.

[15] Xc. Lc 23, 34. 42 -43.

[16] Xc. Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lời nguyện thứ Tư, tuần II mùa Phục sinh.

[17] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 13.

[18] Xc. Ga 2, 3.

[19] Ga 2, 5.

[20] Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 25.

[21] Xc. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2016, số 03.

[22] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông sắc Dung Mạo Lòng Chúa Thương Xót - “Miseridordiae Vultus”, số 24.

114.864864865135.135135135250