17/05/2016 -

Đấng Đầy Ân Sủng

4691

{1.      Dẫn nhập

Đức Maria được Hội Thánh suy tôn với nhiều tước hiệu khác nhau, như Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời,…và Người cũng cộng tác vào công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người. Người đã đi trên “con đường yêu thương”, con đường khổ nạn mà Chúa Giêsu đã đi. Chính Người đã mang lấy Chúa Giêsu trong mình nên xứng đáng được gọi là người “Kitô hữu” đầu tiên, hiểu theo nghĩa "có Chúa Kitô" cũng thế, mà hiểu theo nghĩa "thuộc về Chúa Kitô" cũng vậy. Đức Maria đã gần gũi, thân cận với Đức Giêsu trong mọi giây phút của cuộc đời từ đêm thánh nhiệm mầu bên máng cỏ Bê Lem, mái nhà êm đềm ở Nazaret cho đến buổi chiều lặng buồn bên đồi Canvê. Người đã giới thiệu Chúa Kitô, đã đem Đấng Cứu Thế đến cho người khác với tất cả sự quảng đại và sẻ chia.

{2.      Đức Maria – Người tín hữu đầu tiên

Khi sứ thần loan tin việc được chọn làm Mẹ đấng Cứu Thế, Đức Maria đã ngỡ ngàng bối rối. Không hiểu, chẳng phải là Người nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa, nhưng là vì Người đã khấn hứa giữ mình đồng trinh, “không biết đến người nam” thì làm sao có thể thực hiện vai trò làm mẹ được, dù là làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Với suy tư trong sáng và trái tim đơn sơ tinh tuyền như vậy, Người không thể nào hiểu được thánh ý Thiên Chúa.

Thế nhưng, Thiên Chúa tôn trọng lời hứa của Đức Maria mà vẫn chọn Người làm Mẹ của Ngôi Lời nhập thể để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại. Khi được thiên sứ giải thích rằng “Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuốn trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên trên bà” (Lc 1, 35), có lẽ vẫn hiểu rõ, nhưng với tất cả niềm tín thác, Người mau mắn chấp nhận để nói lên lời “xin vâng” mà nhân loại đã đợi chờ từ ngàn xưa: “Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38).  Chính nhờ đức tin mạnh mẽ và lòng phó thác mọi sự theo thánh ý Chúa như thế mà Đức Maria đã cưu mang Lời Chúa, đón nhận Chúa Kitô vào mình và trở thành “người Kitô hữu đầu tiên” của toàn thể loài người. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh người Kitô hữu: không những chỉ mang lấy Đức Kitô thôi mà còn sẽ giới thiệu Chúa đến với tha nhân nữa.

{3.      {C}Đức Maria mang Chúa Kitô đến cho mọi người

Đang khi cưu mang Đấng Cứu Thế, Đức Mẹ nghe tin người chị họ là bà Elizabeth cao niên cũng đang mang thai, Người đã vội vã lên đường, không quản ngại gian lao vất vả, băng rừng vượt suối tìm đến thăm nom và giúp đỡ. Hành động này không phải chỉ nói lên tình cảm riêng tư của Mẹ với họ hàng thân thuộc, không phải chỉ là sự quan tâm chia sẻ của những người trong gia tộc với nhau mà qua đó còn nói lên rằng Đức Maria đã mang Chúa Kitô đến với người khác.

Người đã bước đi những bước thật đẹp trên con đường tình yêu. Bác ái là yêu thương quảng đại, là sự chia sẻ tận tình. Không phải chỉ khi nào thoải mái mới thực thi bác ái, khi nào dư đầy mới mang ra sẻ chia. Đức Maria mang thai nặng nhọc, cũng là người đang cần được giúp đỡ nhưng Người đã “vội vã lên đường”, băng qua những dặm trường gian khổ của núi rừng, vượt lên cả những khó khăn về tinh thần để tìm đến giúp đỡ cho người bà con đang cần được giúp đỡ hơn. Người đã đến, không phải chỉ để thăm viếng xã giao, nhưng là để ở lại và phục vụ người khác.

Khi mang Chúa Kitô trong lòng mình đến với bà chị họ, Đức Maria đã khiến con trẻ trong lòng người họ hàng “nhảy lên” và chính bà này cũng phải thốt lên lời vui sướng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43) Khi mang Chúa Kitô đến cho người khác với một lòng chân thành, một tình yêu vô vị lợi và một tinh thần phục vụ, thì không cần phải nhiều lời, chẳng cần phô trương, chúng ta cũng làm cho người khác vui mừng và hạnh phúc. Đó là lòng vui mừng và niềm hạnh phúc thánh thiện vì được ở trong Chúa.

Đức Maria cũng giới thiệu Chúa Kitô với người khác trong tiệc cưới Cana, miền Ga-li-lê. Khi dặn những gia nhân trong gia đình có tiệc cưới: “Người bảo làm gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5), Đức Mẹ đã mở một cánh cửa cho những người khác đến được với Đức Kitô và rồi nhận được nơi Chúa những hồng ân cao quí. “Người bảo làm gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 5) cũng là câu mà Người đang nói với mỗi người chúng ta. Đức Maria đã mở ra cánh cửa cho chúng ta đến với Đức Kitô, được tiếp xúc với Ngôi Hai, Đấng Cứu Chuộc loài người, để nhận ra và được Chúa yêu thương nâng đỡ, để được yêu mến và thực thi Lời Hằng Sống.

{4.      {C}Đức Maria – Tình yêu không lời

Trong tiến trình yêu thương, người ta sẽ đi đến mức độ cao nhất là thinh lặng trong tận cùng của sự cảm thông. Lúc ấy, ngôn ngữ trở nên thừa thãi, vả lại ngôn ngữ có giàu hình tượng, giàu cảm xúc đến đâu cũng không đủ sức diễn tả trọn vẹn một tình yêu thẳm sâu trong tâm hồn.

Những điều thiên sứ loan báo, Đức Maria “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Không thấy có câu Thánh Kinh nào nói rằng Người đã thông báo, hay thuật lại những sự kiện đó với bất kỳ ai, kể cả với Thánh Giuse. Mẹ đã cất giữ mọi sự trong thinh lặng để đắm mình trong tình yêu Thiên Chúa, cảm nghiệm những gì Chúa đã thực hiện nơi mình. Con đường tình yêu Mẹ bước đi là con đường tĩnh lặng và sâu thẳm nội tâm. Chính sự “ghi nhớ” và “suy đi nghĩ lại” đó đã khiến cho Người, khi ấy chỉ là một cô thiếu nữ mười lăm, mười sáu, có thể thốt lên lời kinh Magnificat, một lời kinh vừa đẹp đẽ về văn chương, vừa thâm thuý, cao vời về ý tưởng. Lời kinh ấy phải được phát xuất từ một tâm hồn luôn biết suy tư và tràn ngập tình yêu.

Cho dù có lúc bị thánh Giuse nghi ngờ về phẩm hạnh của mình, Đức Maria thinh lặng. Không biện mình. Không cải chính. Người đã phản kháng bằng thái độ “không phản kháng”. Người trả lời bằng sự “ thinh lặng”. Mẹ làm được như vậy vì trong Người có Thiên Chúa, có Đức Kitô. Tình yêu mà Người dành cho Thiên Chúa nảy sinh từ lòng phó thác và tin tưởng. Tin và Yêu, đối với Người luôn có sự song hành với nhau.

Sau khi tìm được Đức Giêsu trong đền Thánh giữa các nhà thông luật và nghe Con nói: “cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Người không hiểu nhưng vẫn thinh lặng và suy đi nghĩ lại về những điều đó. Thinh lặng để có thể hiểu và có thể chia sẻ đến tận cùng sứ mệnh cứu chuộc nhân thế của Con mình. Thinh lặng ấy cũng biểu lộ một tình yêu cao độ, sẵn sàng chấp nhận mọi phản ứng, mọi hành động và dự tính của người mình yêu.

Khi bước theo Chúa Giêsu trên đường Thập Giá, Đức Maria cũng hoàn toàn lặng thinh. Thinh lặng trong sự đón nhận trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa và thông chia trọn vẹn nỗi đớn đau tủi nhục của con mình. Tình yêu câm nín, trong hoàn cảnh này không phải là tình yêu một chiều, nhưng là tình yêu của lòng thông cảm sâu xa đến tận cùng.

Dưới chân Thập Giá, khi được Đức Giêsu trao gửi cho Thánh Gioan, lúc ấy là đại diện của toàn thể chúng sinh, Đức Maria cũng thinh lặng. Sự thinh lặng biểu lộ thái độ chấp nhận hoàn toàn trong yêu thương. Đức Mẹ yêu thương Chúa Giêsu nên chấp nhận sự trao gửi của Người. Đức Mẹ cũng yêu thương Thánh Gioan, cũng là yêu thương chúng ta, nên chấp nhận làm Mẹ Thánh Gioan, làm Mẹ nhân loại. Người đã trở nên đấng trung gian giữa con người với Đức Kitô. Tình yêu không lời nói là tình yêu cao cả nhất. Đường tình thinh lặng cũng chính là đường tình thẳm sâu nhất.

{5.      {C}Đức Maria dẫn đưa ta đến sự sống muôn đời

Được Thiên Chúa ân thưởng trên thiên quốc, Đức Maria vẫn không quên chúng ta: nhân loại rên siết khổ đau mà đã một lần Người nhận lời trao gửi từ Chúa Giêsu trên Thánh Giá. Mẹ nhận chúng ta làm con và Người yêu các con cho đến cùng. Mẹ về trời, nhưng vẫn đến với các con của Người, tại Lộ Đức, tại Fatima, tại La Vang và còn tại rất nhiều nơi khác nữa. Trước tình trạng băng hoại của thế giới và nhân sinh càng lúc càng lao mình vào cõi chết, Người tha thiết nhắn nhủ chúng ta “cải thiện đời sống”. Có “hoán cải” chúng ta mới kết hiệp được với Thiên Chúa là đấng “toàn thiện”. Có dứt bỏ khỏi “nền văn hóa sự chết”, nhân loại mới tìm thấy lại được sự sống và gặp gỡ được Thiên Chúa là đấng phát sinh sự sống.

Ngày nay, Giáo Hội vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện và mẫu gương của Đức Maria trong Hội Thánh. Người là gương mẫu tuyệt vời của đức Tin, đức Cậy và đức Mến. Học cùng Đức Maria, nghe theo lời Mẹ nhắn nhủ, chúng ta sẽ gặp gỡ và kết hiệp được với Con của Mẹ, Đức Giêsu Kitô, đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống để chúng ta cũng được cùng sống lại với Người như chính Người đã sống lại (x. Rm 6, 5).

{6.      Lời nguyện tạm kết

Lạy Mẹ Maria từ ái, đã một lần Mẹ đón nhận nhân loại làm con của Mẹ, và từ dạo ấy Mẹ vẫn luôn yêu thương chúng con với tấm lòng từ mẫu bao la. Con đây cũng là một người trong nhân thế đầy lỗi  phạm ấy và con biết rằng Mẹ vẫn thương con.

Xin Mẹ dạy con biết bác ái, cảm thông và chia sẻ như Mẹ, biết thinh lặng như Người trước những hiểu lầm, nghi kỵ và khổ đau.

Xin cho con biết chiêm ngắm Chúa Kitô và suy đi nghĩ lại những Lời của Người trong tâm tình mến yêu như Mẹ.

Xin dẫn lối cho con bước đi trên con đường Đức Kitô đã đi và giúp con giới thiệu con đường ấy cho nhiều người khác.

Xin dạy con bước đi trên con đường tình yêu với tâm tình tin yêu phó thác, xin Mẹ nối kết bàn tay con đến với vòng tay Chúa Kitô, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống để chúng con luôn được Chúa dẫn đưa và dìu dắt trên mọi nẻo đường đời. Amen.

Phong Trần

114.864864865135.135135135250