18/02/2011 -

Đấng Đầy Ân Sủng

2491

Đây Là Mẹ Anh

“khi này và trong giờ lâm tử”

khi Chúa Giêsu vác thập giá lên Núi Sọ, Người yêu thương quyến luyến các môn đệ Người biết bao. Người biết rồi đây họ sẽ thấy bơ vơ lạc lõng khi Người không còn ở bên cạnh. Mặc dù Người đã hứa ở lại với họ cho tới ngày tận thế, nhưng thực ra chỉ ở cách thiêng liêng vô hình chứ đâu còn mắt thấy tai nghe nữa. Chỉ thiêng liêng thôi thì rất dễ nản lòng, phải có cái gì đó cụ thể hơn. Vì vậy, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể: “Đây là Mình Thầy” – thân xác Thầy đây. “Đây là Máu Thầy” – máu tượng trưng cho sự sống, thân xác ấy đang sống giữa anh em. Bất cứ khi nào anh em muốn, Thầy liền có mặt giữa anh em.

Chúa Giêsu cũng biết các môn đệ mình là những người yếu đuối, cứng tin, không mấy kẻ là người học thức, nên Người hứa sẽ ban Chúa Thánh Thần cho họ. Chúa Thánh Thần sẽ giúp họ trở nên khôn ngoan dũng mạnh để đối phó với thế gian ghê gớm quỷ quyệt này.

Tưởng thế là đã đủ lắm rồi, vậy mà Chúa Giêsu vẫn còn thấy thiếu. Các môn đệ Người còn thiếu một bà mẹ như Người đã có, một người mẹ “khoan thay, nhân thay, dịu thay” mà chính Người đã được hưởng tình thương và sự đỡ nâng trong suốt cả cuộc đời. Thế gian này hung ác tàn bạo quá. Nó đang đẩy Người vào cái chết, một cái chết từ từ, kéo dài sự đau đớn trên thập giá. Dưới chân án tử man rợ đó, Mẹ đã cùng đau khổ với Con. Chúa Giêsu biết các môn đệ Người cũng sẽ khốn khổ trăm bề vì thế gian nên họ cũng cần có Mẹ như Người đã có. Người có gì, Người ban lại tất cả.

*  *  *

Chúa Cha trên Trời khi cho Con xuống thế làm người đã thấy rằng con mình cần có một phụ nữ trần gian làm mẹ, một người mẹ phải đúng thật là mẹ. Thiên Chúa không nhờ cô thôn nữ làng Nadarét theo kiểu “nhờ cô đẻ giúp con tôi”. Thiên Chúa không cần phải nhờ đến cô Maria thì Chúa Giêsu mới có thể có mặt trong thế giới này, nhưng Thiên Chúa muốn con mình có một người mẹ trần gian đúng nghĩa ngọt ngào trọn vẹn của nó. Đã gọi là mẹ thì phải sinh con, nuôi con, dạy con, vui buồn đau khổ với con.

Vui buồn đau khổ với con ư? Thánh Gioan diễn tả điều này rất hay trong Tin Mừng của ngài. Đầu Tin Mừng, Mẹ với Con đi đám cưới, cả hai xung phong cứu nguy cho bữa tiệc. Đám cưới ngỡ ngàng vui, uống hết bao nhiêu là rượu! Cuối Tin Mừng, Mẹ sầu bi ở cạnh Con trên thập giá. Một người lính lấy giáo đâm thấu cạnh sườn. Chúa Giêsu chết rồi đâu có thấy đau, có đau chăng là Mẹ. Ngọn giáo ấy dành cho Con nhưng ai có thể nói rằng nó không phải là của mẹ. Mẹ có mặt ở đầu Tin Mừng, Mẹ có mặt ở cuối Tin Mừng, đồng hành với Con, vui buồn với Con suốt một đời, sinh trong tay Mẹ mà chết cũng trong tay Mẹ.

Con Thiên Chúa khi đã chấp nhận mang lấy thân phận con người thì Người “hủy ra không” thân phận Thiên Chúa, Người trở nên giống hệt mọi đứa trẻ khác chỉ trừ tội lỗi. “Giống hệt” nghĩa là trẻ Giêsu cũng phải học cho biết đọc biết viết, biết lễ phép với ông bà cha mẹ … Trẻ Giêsu như một tờ giấy trắng mà bà mẹ Maria là người đã viết lên đó bao nhiêu là điều tốt lành. Có thể nói nhờ Thánh Giuse và nhất là Mẹ Maria dạy dỗ từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành nên Chúa Giêsu đã thành người con thảo đẹp lòng Thiên Chúa. Trên đồi Gôngôtha, Chúa Giêsu đúng là lễ vật Thiên Chúa ưng nhận được dâng lên từ tay con người, do lao công vất vả của con người mà Mẹ Maria là đại diện.

Nếu Mẹ Maria cũng là mẹ chúng ta thì Mẹ cũng nâng đỡ dạy dỗ chúng ta như Mẹ đã từng nâng đỡ dạy dỗ Chúa Giêsu vậy, nhưng có điều khác với ngày xưa, Mẹ bây giờ không phải là bà mẹ quê làng Nadarét nhưng là Nữ hoàng Thiên quốc. Bây giờ Mẹ nhìn đoàn con với lòng yêu thương trìu mến của một bà mẹ quyền thế, nắm trong tay kho tàng ân huệ của Thiên Chúa.

Đối với chúng ta, những kẻ đang vất vả mang bao nhiêu thứ tội, có khi long đong vất vả với miếng ăn chẳng khác gì con vật, hầu như mỗi ngày chúng ta đều nhìn lên người Mẹ đầy lòng xót thương mà than thở: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội.” Chúng ta đặt niềm cậy trông của mình vào Mẹ Maria, chúng ta tin là Mẹ sẽ cứu giúp, vì sao vậy?

Có lẽ Chúa Giêsu đã có nhiều dịp để trao các môn đệ mình cho Mẹ Maria chứ không cần phải đợi đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. “Mẹ ơi, đây là những đứa con của mẹ”, Chúa Giêsu có thể nói thế nơi bàn tiệc ly, hay nơi Vườn Cây Dầu trước khi Người bị bắt. Nhưng không, Chúa Giêsu đã trao chúng ta cho Mẹ và Mẹ Maria đã nhận chúng ta làm con đang khi Mẹ ở dưới chân thập giá, khi ấy Mẹ đang đứng nhìn con mình đau đớn thảm thương. Cái giây phút chúng ta có Mẹ, Mẹ có chúng ta là lúc đó. Vậy Mẹ Maria của chúng ta chính là bà mẹ đang đau khổ nhìn con mình đau khổ. Bạn đang vác thập giá quá nặng? Tâm hồn bạn đang đau đớn như có ai cầm ngọn giáo đâm thấu qua tim? Có một bà mẹ đang nhìn bạn, đau cùng một nỗi đau như bạn, và bà mẹ ấy không thể không cứu giúp bạn.

*  *  *

Mẹ Maria của chúng ta là bà mẹ đau khổ nhìn con mình đau khổ. Mẹ đứng mãi trong tư thế đó, trong tâm tình đó cho đến ngày tận thế. Ngày nào còn những đứa con tội nghiệp ở trần gian, ngày nào còn luyện ngục, ngày nào con cái còn “kêu khấn Bà thương” là ngày ấy Mẹ chúng ta vẫn ở đó, cạnh bên thập giá của chúng ta để cứu giúp. Ai có thể triệt hạ được hết thánh giá trên thế giới này? Ai có thể xoá hết thánh giá đeo trên ngực, vẽ trên áo, ghi trên trán chúng ta? Ngày nào hình tượng thánh giá còn thì Bà Mẹ đứng cạnh thánh giá ấy còn, dù Bà không được ghi, không được vẽ vào, vô hình như sự khiêm nhường Bà vốn có, nhưng con cái Bà thì hết thế hệ này sang thế hệ kia vẫn âu yếm gọi Bà: giúp con “khi này và trong giờ lâm tử” Mẹ nhé.

LM. G.B Nguyễn Minh Đức, CSsR

.

114.864864865135.135135135250