20/03/2014 -

Đan Viện Đa Minh

1463
 

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

 

LTS: Nhân dịp công bố sắc lệnh thành lập Đan Viện Nữ Đa Minh đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 25 tháng 3 năm 2014, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị khái quát về đời sống Đan Sĩ Đa Minh với ba bài:

 

 
1/ Lịch sử và pháp chế các đan sĩ Đa Minh
 

 
2/ Đặc sủng của các đan sĩ Da Minh
 

 
3/ Linh đạo các nữ đan sĩ Đa Minh
 
 
***
 

 

I. Lịch sử

 

Lịch sử của các nữ đan sĩ khá phức tạp không những vào buổi đầu (vào thời thánh Đa Minh và chân phước Giorđanô) mà cả trong những thế kỷ tiếp đó. Chính vì thế mà nhiều “xô xát” đã xảy ra giữa các anh em và các nữ đan sĩ, khiến cho Toà thánh lắm lần không biết phải xử trí thế nào cho hợp lý hợp tình.

 

A. Thánh Đa Minh

 

Thánh Đa Minh có bao giờ nảy ra ý định lập một dòng nữ hay không, hay là chỉ do hoàn cảnh dun dủi? Người ta cũng có thể vặn lại rằng câu hỏi này cũng có thể đặt cho Dòng Anh em Giảng thuyết: giả như cha Đa Minh không đi sang Pháp liệu đoàn ngũ các giảng viên Tin mừng có bao giờ thành hình hay không? Ý tưởng lập Dòng là do hoàn cảnh thúc đẩy chứ đâu do bẩm sinh! Thay vì tranh luận nhau về linh hứng lập Dòng, chúng ta hãy đi vào vài sự kiện cụ thể.

 

1. Tại miền Languedoc, cha được tổng giám mục Narbonne giao phó quy tụ những thiếu nữ trở lại từ nhóm cathares (1207). Cha đã giúp cho họ tiến trên đường trọn lành theo tinh thần Công giáo, áp dụng cho họ truyền thống kỷ luật của Dòng Xitô. Ngày 30/3/1218, đức Hônôriô châu phê đan viện Prouille, và sát nhập vào Dòng Giảng thuyết.[1]

 

2. San Sisto. Năm 1218, đức giáo hoàng Hônôriô III ủy thác cha Đa Minh tiến hành cuộc cải tổ 8 nữ tu viện ở Rôma. Cha đã quy tụ họ lại trong tu viện San Sisto, tại nơi mà các kinh sĩ Sempringham đã bắt đầu công tác nhưng bỏ dở. Vào tháng 2 năm 1221, cha đã đem về nhà này 5 nữ tu (cùng với viện mẫu) của đan viện Santa Maria in Tempulo, vài nữ tu của tu viện Santa Bibiana và có lẽ ít nữ tu lẻ tẻ khác. Tám chị từ Prouille được triệu sang đây để phụ trách việc điều hành cộng đoàn.

 

3. Madrid. Cộng đoàn nữ tu tại đây có lẽ được thành hình do sáng kiến của cha Mannes (+ k.1234) hơn là của Đa Minh. Các anh em đã nhường lại cơ sở của mình cho các chị vào năm 1218. Lá thư của cha Đa Minh gửi cho các chị (năm 1220) là một trong số rất ít “tác phẩm” còn lưu lại.

 

4. Bologna. Khi biết được cô Điana muốn dâng mình cho Chúa, cha Đa Minh bàn với một số anh em mở một cộng đoàn tại đây. Tuy nhiên, dự án này chỉ được hoàn thành non hai năm sau khi cha qua đời, với việc khánh thánh đan viện thánh Agnes ngày 23/6/1223.

 

B. Sau thánh Đa Minh

 

Như vậy, chưa thể nói được là cha Đa Minh đã lập một dòng nữ. Khi qua đời, cha mới có liên lạc với ba đan viện (cộng thêm một đan viện còn ấp ủ), mỗi nhà có một lịch sử riêng. Nhưng nghiệp chướng bắt đầu từ cha Giorđanô, mà tình nghĩa riêng tư với các chị đã trở thành công khai, qua những bức thư tình (viết bằng tiếng La tinh) gửi cho chị Điana (+1236).[2] Nạn lạm phát các đan viện bắt đầu.

 

Vào khoảng năm 1250, nguyên chỉ trong nước Đức đã có khoảng 32 đan viện. Sang đến năm 1277, con số đó lên đến 40 trong tổng số 58 nữ đan viện toàn Dòng. Bước sang đầu thế kỷ kế (năm 1303), cha Bernard Gui đếm được 141 nữ đan viện, mà quá nửa (74) là ở bên Đức. Đó mới chỉ là các đan viện đặt dưới quyền cai quản của Dòng; nếu tính cả các đan viện ở dưới quyền của giám mục thì con số còn cao hơn nửa. Con số 157 đan viện vào năm 1357 được coi là ổn định cho đến giữa thế kỷ XVI.[3]

 

Lý do gì các đan viện phát triển nhanh chóng như vậy? Câu trả lời không đơn giản. Đối với dòng nam, thì số tu viện tăng thêm nhờ các anh em mở rộng biên cương hoạt động. Các nữ đan viện thì không thế. Nhiều bà quý tộc bỏ tiền của để lập đan viện cho mình, con cái và thân thích (thí dụ nữ quận công Margarita Flandres lập đan viện Lille; công chúa Agnes của Đan mạch lập đan viện Roskilde năm 1264, và trở thành bề trên khi mới lên 15 tuổi). Tiếp theo đó họ mới xin Dòng cho sát nhập và đảm trách phần huấn luyện.

 

Một số đan viện khác thành hình do kết quả của phong trào “di dân”. Vào thế kỷ XII - XIII, nảy lên tại Bắc Âu phong trào các beguinae (những phụ nữ không lập gia đình, sống chung với nhau, chuyên vào việc cầu nguyện và tu đức). Khi các dòng hành khất (Đa Minh, Phan Sinh) xuất hiện, họ đến nhờ các tu sĩ hướng dẫn, và chẳng mấy chốc đã trở thành các nữ tu của các dòng đó. Khổ nỗi là từ beguine họ chuyển sang Đa Minh hay Phan Sinh, nhưng ai cản được họ tiếp tục sự di chuyển? Thực vậy, đã có các cộng đoàn beguin, Âu Tinh, Xitô xin chuyển qua Đa Minh với hy vọng được các anh em Giảng thuyết hướng dẫn về đạo lý; nhưng cũng có trường hợp 40 cộng đoàn thuộc Dòng thống hối thánh Mađalêna xin Toà thánh cho nhập Dòng Đa Minh năm 1287 để rồi mới được 4 năm (1291) lại xin tự trị!

 

Chính vì các nữ đan viện (kể cả Prouille và San Sisto) có nhiều nguồn gốc khác nhau (đã thành hình trước, rồi sau đó xin gia nhập Dòng Đa Minh; chứ không hẳn là do chính Dòng lập ra), cho nên lắm lần không được nguyên chất cho lắm (pha phôi giữa Xitô, Âu Tinh, beguin... với Đa Minh), cho nên việc xác định căn cước không phải là chuyện dễ.

 

C. Phản ứng của các anh em

 

Dù tình cảm mà cha Giorđanô (hay các giám tỉnh) dành cho các chị mặn mà thế nào đi nữa, nhưng không phải mọi anh em đều nghĩ như các bề trên. Dòng ta dân chủ mà!

 

Trên phương diện mục vụ, việc coi sóc các nữ tu (cura monialium) đòi hỏi không những là việc dâng thánh lễ và linh hướng cho các chị, mà còn phải lo đến việc quản trị tài sản đất đai của họ nữa. Dòng đã ít nhân sự mà lại phung phí người như vậy thì quá uổng. Vì thế anh em nhao nhao phản đối ở các tổng hội.

 

Tổng hội 1228 đã ngăn cấm “virtute Spiritus Sancti”: không ai được nhận thêm các đan viện vào Dòng, và không ai được nhận lời khấn của bất cứ thiếu nữ nào. Dĩ nhiên đây là luật bất hồi tố (nhằm tương lai chứ không nhắm quá khứ), nhưng chẳng mấy chốc mà tầm áp dụng của nó được mở rộng. Thực vậy, tổng hội năm 1235 quyết định bỏ rơi hoàn toàn việc phụ trách nữ tu (lần ấy cha Giorđanô không tham dự tổng hội).

 

Hai đan viện Prouille và San Sisto lập tức chạy lên Toà thánh để phản đối: chúng con đã được cha Đa Minh săn sóc ngay từ đầu rồi cơ mà! Toà thánh chấp thuận lập luận của các chị, và thu hồi quyết định của tổng hội (24/ 3 và 7/4/1236). Từ đây bắt đầu một cuộc tranh chấp kéo dài 30 năm trời, suốt 5 đời tổng quyền, với một tràng bulla (sắc chiếu) của giáo hoàng, khi nghiêng theo các anh lúc ngả về các chị!

 

Thấy quả bóng bị lọt lưới cách bất thần, anh em đã áp dụng chiến thuật “tương kế tựu kế” để phản công: các chị nại đến Toà thánh thì mình cũng đi với Toà thánh chứ! Thực vậy, khi cha Giorđanô qua đời (thế là các chị mất điểm tựa), cha Raymunđô lên làm tổng quyền (1241-1252), và xin đức thánh cha ban sắc chiếu giải thoát khỏi cura monialium trong hiện tại và trong tương lai. Từ nay, cấm các giám mục không được trao áo Dòng Đa Minh cho bất kỳ ai nữa (Bulla 25/10/1239).

 

Kế vị cha Raymunđô, tổng quyền Gioan Teutonicô (1241-1252) tiếp tục chính sách đó. Được tổng hội Bologna năm 1242 yểm trợ, cha xin đức giáo hoàng Innocentê IV xác nhận sắc chiếu của đức Grêgôriô IX (bulla 3/9/1243). Mặc cho các chị tha hồ phản đối (có đến 50 đan viện), cha Gioan và các tổng hội cứ bỏ ngoài tai! Đan viện San Sistô nại đến đặc ân lâu đời, thì cha tổng quyền cử một cha già đến nỗi giải tội cũng không nên thân!

 

Tức quá, các chị nại đến nguyên tắc “bất khả hồi tố” của luật pháp. Ba đan viện do thánh Đa Minh thành lập khẳng định rằng họ không bị chi phối bởi luật mới. Đức thánh cha nhìn nhận lý của các chị, và bắt tổng quyền phải gửi anh em tới làm tuyên úy (bulla 3/2/1244). Đan viện Montargis cũng đi cửa hậu, chứng minh rằng họ đã được bá tước de Montfort (bạn của thánh Đa Minh) thành lập, và họ đã thành công (bulla 8/4/1245).

 

Một khi bờ đê đã rỉ giọt thì sớm muộn cánh đồng sẽ ngập nước. Thực vậy, chỉ trong năm 1245, 16 đan viện bên Đức đã năn nỉ xin Toà thánh chước chuẩn để họ được các cha săn sóc. Năm 1246, đức thánh cha phải ký thêm 15 sắc lệnh. Nếu cứ đà nầy mà tiến thì luật trừ nhiều hơn là luật chính. Anh em liền tổ chức cuộc tổng phản công. Theo lời thỉnh nguyện của tổng hội Bologna, với sắc chiếu ngày 26/9/1252, đức Innocentê IV cho phép anh em rút khỏi cura monialium, chỉ giữ lại Prouille và San Sisto. Các đan viện khác được giao cho bản quyền giáo phận. Quyết định này được lặp lại trong sắc chiếu này 26/5/1253.

 

Cha Gioan Teutônicô qua đời năm 1254, và cha Humbertô lên làm tổng quyền (1254-1263). Các chị lập liên minh để xoay chiều gió: họ xin Toà thánh cử một đặc sứ để dàn xếp tình hình. Có thể vì thấm mệt vì cuộc tranh chấp, đức Innocentê IV chiều theo ý các chị, cử hồng y Hugues de Saint-Cher, O.P. làm trung gian để thương lượng với Dòng (18/2/1254).

 

Tổng hội 1255 chấp nhận sẽ phụ trách cho các đan viện với điều kiện là họ phải xin tổng hội (theo thủ tục lập hiến, nghĩa là cần phải qua ba tổng hội liên tiếp), chứ không qua tổng quyền hay giám tỉnh. Nhưng đó là đối với tương lai, còn với hiện tại thì sao? Đặc sứ Toà thánh đề nghị nên nhận lại các đan viện đã có từ đời cha thánh. Lập tức đan viện Montargis nộp đơn lên Toà thánh và được chấp thuận (sắc chiếu 25/1/1257). Các đan viện khác cũng noi gương đi cửa hậu của hồng y đặc sứ.

 

Thấy bị mắc lừa, tổng hội 1257 bắt tất cả các đan viện phải làm lại hồ sơ lịch sử và pháp lý: lập từ hồi nào? Ai đã sát nhập vào Dòng? Công việc kiểm tra này bắt đầu từ năm 1259 đến năm 1263 (khi cha Humbertô từ chức) mà vẫn chưa hoàn tất. Cũng năm ấy hồng y Hugo qua đời. Đang khi đó, anh em nay được phái đi giúp các chị, mai lại được lệnh rút về!

 

Tình hình lắng dịu hơn với bề trên tổng quyền Gioan de Vercelli (1264-83), và với giáo hoàng mới. Cuộc tranh chấp giữa các anh với các chị được kết thúc với bulla ngày 6/2/1267 của đức Clêmentê IV, xác định quy chế pháp lý của các đan viện Đa Minh.

 

II. Pháp chế

 

1. Không ai biết chắc cha Đa Minh đã quy định nếp sống như thế nào cho các nữ đan sĩ tại Prouille. Có lẽ cha đã áp dụng cho họ những tục lệ của Dòng Xitô. Như đã nói trên, khi được đức giáo hoàng Hônôriô III giao cho việc cải tổ các nữ tu Rôma (quy tụ trong tu viện San Sisto), thì cha đã gọi các chị từ Prouille sang huấn luyện cho họ. Các chị Prouille giúp cho các chị Rôma soạn ra “Luật của San Sisto” (Regula S. Sixti). Bản văn gốc đã bị thất lạc, và chỉ được biết qua một bản sao được đức giáo hoàng Grêgôriô IX gửi cho đan viện thánh Maria Mađalêna bên Đức vào năm 1232. Nên biết là nhiều đan viện đã xin Toà thánh được áp dụng “luật của San Sisto” tuy không thuộc về Dòng Đa Minh. Bản luật gồm 25 chương, chịu ảnh hưởng nhiều của Dòng Prémontrés.

 

Trong thời gian ấy, anh em đã có những bản Hiến pháp mới, dưới thời của các tổng quyền Giorđanô (1228-1236), Raymunđô (1241). Một vấn đề sớm muộn gì cũng được đặt ra: nếu muốn mang danh nghĩa là nữ tu Dòng Đa Minh, thì phải có gì giống với Dòng Đa Minh chứ? Từ đó, cần nghĩa đến một bản Hiến pháp chung cho tất cả các đan viện Dòng Giảng.

 

2. Công cuộc này được thực hiện dưới thời cha Humbertô làm tổng quyền (1254-1263). Việc soạn thảo bắt đầu từ năm 1257 (do sự ủy thác của đức Alêxanđrô IV, ngày 27/8/1257), và hoàn tất với việc công bố tại tổng hội năm 1259 họp tại Valenciennes.[4] Có người coi dòng nữ Đa Minh được khai sinh kể từ hôm ấy (muộn hơn các anh em quá 40 năm)!

 

Bản văn này có giá trị gần 7 thế kỷ, nghĩa là cho đến khi được thay thế bằng bản văn được Toà thánh châu phê ngày 15/11/1929 (dưới thời cha tổng quyền Martin Gillet), nhằm thích ứng với bộ giáo luật 1917. Trong thời gian đó, kỷ luật của các nữ đan sĩ được cập nhật nhờ các quyết nghị của các Tổng hội (anh em) hoặc các chỉ thị (ordinationes) của các tổng quyền, giám tỉnh.

 

3. Sau công đồng Vaticanô II, bản hiến pháp của các chị đã được soạn lại (với sự hợp tác của một số anh em chuyên viên và một ủy ban đại biểu các đan viện) và được châu phê thử nghiệm ngày 10/7/1971, với tựa đề Liber constitutionum monialium Ordinis Praedicatorum (viết tắt LCM. Nên nhớ là hiến pháp của các anh em được ban hành năm 1968). Được hoàn chỉnh theo những quy định của bộ giáo luật mới, bản văn được Bộ Tu sĩ châu phê vĩnh viễn ngày 7/11/1986 (Bản văn La tinh của hiến pháp được đăng trong Analecta SOFP 1987, 19-81).

 

Tuy nhiên, đó là nói về bản văn. Trên thực tế, việc cai quản các nữ đan viện phức tạp hơn nhiều. Đừng kể việc phụ trách huấn luyện tinh thần (bao gồm luôn cả việc cử hành bí tích) có thể được ủy thác cho một linh mục thuộc Dòng Giảng hay thuộc dòng khác (thậm chí một linh mục triều), việc quản trị pháp lý cũng tùy thuộc nhiều chế độ khác nhau.

 

Có những đan viện được đặt dưới quyền của Dòng (giám tỉnh hoặc tổng quyền), có những đan viện lại trực thuộc giám mục. Mỗi đan viện là một đơn vị tự trị và biệt lập. Giữa các đan viện với nhau, không có mối dây liên lạc nào hết. Họ cũng không gửi đại biểu tham dự tổng hội (khác với Dòng nữ Xitô), nhưng chính tổng hội là cơ quan có thẩm quyền để ra luật cho họ. Bù lại họ có quyền gửi thỉnh nguyện lên tổng hội.

 

Các đan sĩ khấn vâng lời bề trên tổng quyền của Dòng Anh em Giảng thuyết.[5]

 

Hiến pháp hiện hành cũng cho phép bề trên tổng quyền nhiều quyền hành trên các đan viện, kể cả khi họ ở dưới quyền coi sóc của giám mục. Bề trên tổng quyền có quyền ra preceptum formale cho các nữ đan sĩ (điều mà giám mục không được làm), kinh lý các đan viện.

 

 
 
 

[1] Khuôn khổ bài này không cho phép đi sâu vào tổ chức đan viện Prouille. Có người cho rằng đây là một tu viện “kép”, nghĩa là một cộng đoàn anh em chung với cộng đoàn chị em. Điều này có thể làm cho vài người nổi da gà, nhưng không có gì lạ vào thời Trung cổ. Nếu ở Prouille đã có một tu viện kép thì hiểu ngậm là cả hai đều ở dưới quyền của Anh bề trên. Điều ấy chẳng có gì lạ. Ai muốn trợn mắt khi hãy thăm viếng Dòng bà thánh Birgitta kìa: nơi mà đức viện mẫu cai quản cả ngành nam lẫn ngành nữ!

 

[2] Trong số 57 bức thư còn lưu lại của cha Giorđanô, thì 50 gửi cho chị Diana và tu viện thánh Agnes, 4 cho các nữ tu Biển Đức ở Oeren. Chỉ có 3 lá thư gửi cho các anh em. Không rõ tại cha ít viết cho anh em, hay tại vì anh em đã không chịu cất giữ?

 

[3] Từ thế kỷ XVI, số thống kê thay đổi nhiều. Một đàng con số các đan viện bên Tây Ban Nha tăng, tiếp theo phong trào canh tân của thánh Têrêsa. Đàng khác, số đan viện cũng tăng với sự khám phá lục địa Mỹ châu. Đối lại, các đan viện ở Bắc Âu thì tàn phá khá nhiều do hậu quả của phong trào Cải cách Tin lành, tiếp đến là những cách mạng chính trị bên Pháp.

 

[4] Tham dự tổng hội này có Tôma Aquinô, Albertô, Pierre de Tarentaise sau làm giáo hoàng Innocentê V. Dĩ nhiên là bản Hiến pháp của cha Humbertô không khởi sự từ con số không, nhưng đã quy chiếu các bản văn đã có từ trước (chẳng hạn như bản luật San Sisto), hiến pháp của các anh em. Một khuôn mẫu gần hơn cả là chính bản luật mà cha Humbertô đã soạn cho đan viện Montargis khi còn làm giám tỉnh Pháp khoảng năm 1250. Xc. R. Creytens, Les constitutions primitives des soeurs dominicaines de Montargis, in: Archivum FF.PP. 17 (1947) 67-83.

 

[5] Công thức lời khấn của các đan sĩ cũng tương tự như các anh em: “Ego, soror NN, facio professionem et promitto oboedientiam Deo et Beatae Mariae et Beato Dominico et Magistro Ordinis Fratrum Praedicatorum et tibi, Sorori NN Prorissae huius monasterii NN et successoribus tuis, secundum Regulam Beati Augustini et Institutiones monialium Ordinis Praedicatorum, quod ero oboediens tibi tuisque successoribus usque ad mortem”.

114.864864865135.135135135250