29/03/2014 -

Đan Viện Đa Minh

923
 

TIN VUI VÀO NGÀY LỄ TRUYỀN TIN

 

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp

 

Giám mục Giáo Phận Vinh

 

+ Xem tường thuật Thánh lễ Công Bố Sắc Lệnh

 

 

Thời đại chúng ta được mệnh danh là kỷ nguyên của thông tin. Thật vậy, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã dẫn đếnhiện tượng bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của hệ thống thông tin toàn cầu (Internet), mạng toàn cầu, mạng xã hội, điện thoại di động, vệ tinh, thế giới kỹ thuật số... Dòng chảy thông tin lan tỏa đến tận góc trời chân bể, khoảng cách không gian như bị xóa mờ, nhân loại trở thành “làng thế giới”, vừa gần gũi nhưng lại vừa xa cách như chưa từng có. Cuộc cách mạng thông tin không những biến đổi bộ mặt của trái đất và giúp bảo vệ nhân phẩm nhân quyền, mà còn biến đổi cả mô hình sản xuất, cơ chế chính trị và cuộc sống của con người hôm nay. Xã hội nào mở rộng cửa để đón nhận dòng chảy thông tin, sử dụng nhanh và đầy sáng tạo thông tin vào sản xuất, quản trị, giáo dục và cuộc sống ... thì trở thành đất nước phát triển, tân tiến. Trái lại, những nước bưng bít thông tin, bóp méo thông tin và không biết biến nó thành sản phẩm chất lượng ... thì sẽ bị đào thải hay bị tụt hậu về kinh tế, văn hóa, xã hội.

 

Hơn hai ngàn năm trước, vào giai đoạn khởi đầu của Kitô giáo, một sự kiện bùng nổ thông tin nhiệm mầu và độc nhất vô nhị đã xảy ra khi thiên sứ Gabriel loan báo Con Thiên Chúa sẽ làm người để con người được làm con Chúa. Theo phong thái của văn hóa Hy Lạp, thánh sử Luca đã xác định thời gian và không gian của biến cố độc đáo này: Khi bà Elisabeth có thai được 6 tháng thì Thiên Chúa sai thiên sứ Gabriel đến thành Nazareth miền Galilea, gặp trinh nữ Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.

 

Vào thời điểm đó, Maria đã đính hôn với ông Giuse. Theo tục lệ Do Thái, một khi đã đính hôn thì mặc dù chưa sống chung với nhau, nhưng đã được coi như vợ chồng. Giả sử vì một lý do nào đó chàng trai qua đời trước khi cô gái về nhà chồng thì người ta vẫn coi cô như một quả phụ trẻ, mà vẫn còn đồng trinh.

 

Chính trong bối cảnh đó, chúng ta hiểu được sự bối rối, âu lo, thẹn thùng của Đức Maria khi bỗng dưng thấy thiên sứ Gabriel đột ngột xuất hiện trong phòng mình. Sự kiện này phải chăng cũng tương tự như chuyện một soeur tập sinh của Đan viện Đa Minh đang chăm chăm chú chú cầu nguyện bỗng dưng thấy một thanh niên hào hoa phong nhã bước vào phòng và cất tiếng chào. Chàng thanh niên này là ai? Người tốt hay kẻ xấu? Thiên thần hay quỷ dữ? Đây là lời chào lịch thiệp hay chỉ là câu tán tỉnh rẻ tiền?

 

Để trấn an Đức Maria, sứ thần Gabriel vội vàng vén mở nội dung của chương trình cứu độ: Đức Maria đã được Thiên Chúa yêu thương và chọn lựa làm mẹ Đấng Cứu Thế. Vì thế, người con ngài sinh ra sẽ do tác động của Chúa Thánh Thần và được gọi là Con Thiên Chúa. Đây là một mạc khải đặc biệt về mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người để đồng hành và cứu độ nhân loại. Có lẽ lần đầu Đức Maria nghe nói đến mầu nhiệm cao cả này, cho nên ngài rất ngỡ ngàng và bối rối. Để củng cố niềm tin của Đức Trinh nữ, lập tức thiên sứ cung cấp thêm cho ngài biết một thông tin mới có sức thuyết phục: kìa bà chị họ Elisabeth, người vốn mang tiếng hiếm muộn và đã già nua, nhưng đang mang thai được sáu tháng. Bởi vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể thực hiện.

 

Sau khi nghe thiên sứ giải thích, Đức Maria đã hân hoan chấp nhận chương trình của Thiên Chúa với trọn tình con thảo: “Vâng, tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói”. Với cái gật đầu quảng đại và tin yêu đó, Con Thiên Chúa bắt đầu làm người. Thế rồi thiên sứ từ biệt ra đi. Và Đức Maria cũng vội vã lên đường đi đến miền núi Giuđea để chia sẻ Tin Mừng này cho thân nhân họ hàng.

 

Lễ Truyền Tin chúng ta đang cử hành tại giáo xứ Ngũ Phúc dù đơn sơ và nhỏ bé, nhưng cũng đang vỡ òa một tin vui cho gia đình Đa Minh nói riêng và cộng đoàn Dân Chúa nói chung: Đức Cha Đa Minh chấp thuận việc thành lập Đan viện Đa Minh Đức Maria Thánh Linh tại giáo phận Xuân Lộc. Đây là Đan viện đầu tiên của Dòng Đa Minh Việt Nam và của giáo phận Xuân Lộc. Hơn 12 năm nay, gia đình Đa Minh đã cầu nguyện, chuẩn bị và chờ đợi ngày công bố tin vui này.

 

Nếu ngày xưa, ở thời thánh Đa Minh, Đan viện xuất hiện trước, rồi sau đó mới thành lập Dòng Anh Em Giảng thuyết và các thành phần khác của gia đình Đa Minh, thì hôm nay tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, Đan viện lại trở thành đứa con út trong đại gia đình. Cổ nhân ta thường nói: giàu con út, mà khó cũng con út. Vậy em út Đan viện Đức Maria Chúa Thánh Linh giàu hay nghèo? Có lẽ cả hai, tùy theo cách nhìn và chiều kích được nhìn. Nếu xét về cơ sở vật chất thì dĩ nhiên Đan viện có ít và nhỏ hơn các đơn vị khác trong đại gia đình. Nhưng xét về tình liên đới và hỗ trợ thì Đan viện lại được may mắn hơn. Thật vậy, chưa có đơn vị nào trong gia đình Đa Minh được công bố thành lập với sự hiện diện đông đảo anh chị em thân thích họ hàng như các chị Đan sĩ. Điều quan trọng nhất là dù xuất hiện trước hay sau, làm con út hay con cả thì chiều kích tâm linh vẫn luôn luôn là trọng điểm trong đời sống Đa Minh: Chiêm niệm và sống Lời Chúa, rồi mới trao ban cho người khác. Vì vậy, giữa lòng Giáo Hội cũng như giữa lòng gia đình Đa Minh, Đan viện sẽ là linh hồn và hơi thở của sứ vụ loan báo Tin Mừng.

 

Chưa bao giờ nhân loại có nhiều của cải vật chất, cơ hội, tiện nghi như hôm nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người bị nhiều áp lực, cảm thấy cô đơn, bất hạnh... như ở giai đoạn toàn cầu hóa. Để tái lập thế quân bình, nhiều người đang khao khát “một chỗ dựa tâm linh” và một ý nghĩa đích thực cho cuộc sống. Theo nhà xã hội học Edgar Morin, “việc tìm lại căn tính và tìm kiếm tâm linh biểu lộ cùng một khát vọng vượt qua kỹ thuật chủ nghĩa, duy vật chủ nghĩa, kinh tế chủ nghĩa và tính tầm thường. Nhiều phân cực trong thế giới Tây phương, với cách thức đôi khi ngây thơ hoặc vụng về, nhưng với cùng một ý thức mập mờ rằng thế giới kỹ thuật hóa, duy vật hóa, kinh tế hóa, ích kỷ hóa của Tây phương, làm cho con người phải đau khổ trong phần sâu thẳm của bản thân, nơi tận linh hồn và tâm trí của mình”.

 

Một hiện tượng mâu thuẫn khác của thời đại chúng ta là nhiều người vừa khát vọng tâm linh, vừa bất mãn với cơ chế tôn giáo cổ truyền, nên đang tìm tâm linh bên ngoài cơ chế. Còn tại quê hương chúng ta, sau những năm tháng dài các hoạt động tôn giáo và Lễ hội truyền thống bị ngăn cấm hay bị hạn chế, ngày nay tại khắp nơi các lễ hội truyền thống đang được phục hồi và nở rộ. Tuy nhiên, vì thiếu chiều sâu tâm linh và bản sắc văn hóa, rất nhiều lần đã rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, buôn thần bán thánh, thiếu chuẩn mực đạo đức. Báo chí nói nhiều đến chuyện lấy tham sân si của cõi trần để cư xử với cõi thiêng, hối lộ thần thánh, nhét tiền bạc vào tay thần thánh!

 

Các tu sĩ nói chung và các đan sĩ nói riêng phải làm gì để trả lời cho những khát vọng tâm linh chính đáng, cũng như những biến thái lệch chuẩn đó? Nếu ngày xưa liền sau biến cố Truyền tin, Đức Maria đã vội vã lên đường để chia sẻ Tin Mừng cứu độ cho người chị họ, thì ước mong sao Đan viện sẽ trở thành “kênh tâm linh” nối kết cõi thiêng với cõi trần. Ước mong sao Đan viện sẽ hiện đại hóa Lễ Truyền tin hôm nay để luôn luôn trao ban Tin Mừng cứu độ, niềm an vui nội tâm và sức sống tâm linh cho mọi người. Trong mấy ngày vừa qua trên các mang thông tin người ta bình luận nhiều đến câu chuyện một chị nữ tu người Ý đã hầu như “đốt cháy” chính mình cho cuộc thi tiếng hát truyền hình. Ước mong sao mỗi đan sỹ sẽ là một con người tâm linh, sống trọn vẹn ơn gọi của mình và “đốt cháy” chính mình cho ơn gọi chiêm niệm để lan tỏa niềm vui giải thoát cho người khác. Ước mong sao Đan viện nhỏ bé khiêm tốn này, do tác động của Đức Maria và Chúa Thánh Linh, sẽ trở thành chỗ dựa tâm linh cho những ai bị lạc lối hay đang vất vả đi tìm. Hy vọng những ai khó nhọc, vất vả, lao đao dưới gánh nặng của cuộc đời... sẽ tìm được nơi đây sự hỗ trợ và niềm an bình nội tâm.

 

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Đan viện và cho ước nguyện chân thành của tất cả chúng ta được thực hiện. AMEN.

 

114.864864865135.135135135250