1.Sinh bất phùng thời
Trong bài giảng lễ an táng Cha Giuse Đinh Châu Trân, OP, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp nhắc đi nhắc lại rằng Cha Giuse Trân và cả Cha Giuse Tiến Lộc, (được an táng cùng ngày) là những người “sinh bất phùng thời”, tức là sinh ra vào thời kỳ không phù hợp, ngụ ý nói rằng giả như hai vị này sinh ra vào một thời khắc thuận lợi hơn, hẳn đã làm được những viêc việc vĩ đại hơn, ích lợi hơn.
Không biết Đức Cha Phaolô có ý nào khác đàng sau không, nhưng tôi không đồng ý với nhận định như trên. Thiết nghĩ, chẳng ai sinh ra vào thời điểm hoàn toàn thuận lợi và không có khó khăn nào; mỗi thời kỳ đều có những vấn đề của nó, không có khó khăn này thì cũng có khó khăn khác, không có trở ngại từ phía này thì cũng có những trở ngại từ nhiều phía khác. Mặt khác, thời nào cũng đều được coi là thời thuận lợi với những người có khả năng đáp ứng.
Tôi không dám chắc với ý nghĩ rằng, giả như cha Giuse Trân sinh ra vào một thời kỳ khác thì sẽ làm được nhiều việc hơn. Tôi nghĩ rằng, chính trong thời thế này, cha Giuse đã hoàn thành sứ mạng làm người, làm con Chúa và làm một linh mục dòng Đa Minh. Tôi không thấy có điều gì hối tiếc về cuộc đời và sứ mạng của cha Giuse, nhưng thực sự tạ ơn Chúa về cha. Với bản tính hiền lành và thương người, một tấm lòng bao dung với mọi người và thái độ luôn sẵn sàng với mọi việc tốt đẹp nào có thể làm, cha Giuse chẳng những đã khéo léo giải quyết được nhiều khó khăn, nhưng còn khai sáng được nhiều hoạt động hữu ích không nhỏ cho Giáo hội. Và trong cái nhìn đức tin, ta có thể xác tín rằng Chúa đã đặt Cha Giuse vào một giai đoạn như vậy để thực hiện công việc của Chúa; cha đã trở nên dụng cụ tốt đẹp của Chúa trong chính thời điểm không kém quan trọng của Tỉnh dòng và của các dòng tu tại thành phố Sài Gòn. Chính trong thời điểm đầy những bất trắc và những chông chênh mà cha trở thành người giúp nhiều kẻ khác qua sông mà bản thân không lụy đò. Chính lúc ấy Cha thể hiện mình là “trân châu” cho đời, như lời tiễn biệt của Cha Phụ tá Giám tỉnh Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP.
2. Cha Giuse Đinh Châu Trân nhận nhiệm vụ Giám tỉnh trong quãng thời gian từ 1990-1999. Đây là giai đoạn mà đất nước vừa bước vào thời kỳ đổi mới, và với chức vụ của mình, Cha đã góp phần vào việc đổi mới bầu khí và tạo nên nhiều hoạt động cho các dòng tu, nhất là dòng Đa Minh.
Cha nhậm chức vào năm 1990, thì năm sau, hai anh em chúng tôi là Giuse Nguyễn Cao Luật, OP. và Giuse Phạm Quang Sáng, OP. được chịu chức linh mục cùng với một vài tu sĩ khác.
Ta nhớ rằng, từ sau năm 1975, việc các tu sĩ chịu chức linh mục là chuyện hiếm. Các anh em bên triều thì có lý do mục vụ nên vẫn có thể được chịu chức lác đác. Các dòng thì kể như không có ai. Riêng dòng Đa Minh, chỉ có anh Đa Minh Phạm Ngọc Điển, OP. được chịu chức linh mục tại giáo phận Xuân Lộc vào năm 1988. Nỗi ưu tư lớn của các dòng là cần có thêm nhân sự để tiếp tục sứ vụ.
Tôi nghĩ rằng việc các tu sĩ, cách riêng dòng Đa Minh, đều đặn mỗi năm có thêm vài tân linh mục, điều đó có phần do uy tín và cách làm việc của Cha Giuse. Những sự kiện như vậy đem lại niềm vui và bầu khí hy vọng cho các cộng đoàn tu trì, tạo nên sức sống cho Giáo hội.
3. Cha Giuse lãnh đạo Tỉnh Dòng vào giai đoạn được gọi là thời kỳ đổi mới. Những khó khăn cũ của thời bao cấp, thời các dòng tu đóng kín, cục bộ, đang dần được gỡ bỏ. Cuộc sống của người dân có phần dễ thở hơn và đời sống kinh tế cũng được nâng cao. Cha Giuse như một người ở vị trí chuyển giao thế hệ, từ thế hệ những vị cao niên sang đến anh em trẻ chúng tôi.
Các vị cha anh kỳ cựu trong Tỉnh dòng Đa Minh đã góp nhiều công sức để gầy dựng, bảo toàn sự sống của Tỉnh Dòng, nhưng cũng có thể nói, các anh em thuộc thế hệ chúng tôi bắt đầu đảm nhận công việc khi đó là “thế hệ Đinh Châu Trân”, xét vì đó là một bước chuyển đổi tươi vui và một bầu không khí mới mẻ mà cha Giuse đã làm được. Quả thật, thời gian đó, anh em chúng tôi được tôn trọng, được khuyến khích tối đa và chúng tôi cũng được an tâm đảm nhận một số hoạt động trong Giáo hội dưới bóng của Ngài. Chắc cũng có người nghĩ cách khác, nhưng bản thân tôi, là người trong cuộc, tôi thực sự mang ơn Cha Cố Giuse về chuyện này; và cùng với Cha Phụ tá Vinh Sơn, cũng như toàn thể anh em, tôi muốn bày tỏ tâm tình biết ơn sâu xa đối với Cha.
Trước khi nhận nhiệm vụ Giám Tỉnh, Ngài đã nhiều năm làm Bề trên Tu viện Mân Côi Gò vấp, chăm sóc cho việc đào tạo anh em trẻ, giờ đây trong vai trò đứng đầu Tỉnh dòng, Ngài vẫn tiếp tục đường hướng trên và tạo nhiều điều kiện cho các anh em trẻ. Với bản thân tôi, ngay sau thời gian lãnh tác vụ linh mục, cùng với nhiều anh em trẻ khác, chúng tôi tham gia vào công tác điều hành. Tôi được đặt làm Giám sư sinh viên năm 1992 vào sau đó đến Tỉnh Hội 1994, được Cha Giuse chọn làm Phụ Tá Giám tỉnh.
Tôi nghĩ rằng Cha Cố Giuse đã mong muốn cá nhân tôi và nhiều anh em khác cùng cộng tác vào sinh hoạt của Tỉnh Dòng. Tôi không nhớ lắm mình đã làm được những việc gì trong quãng thời gian này, nhưng tôi hiểu là Ngài muốn tôi tập làm việc; và về phần mình, tôi cảm thấy, chỉ riêng việc được chọn làm Phụ tá cho Cha Cố Giuse, cũng là một niềm vui lớn. Tính tình Ngài cởi mở, sẵn sàng lắng nghe ý kiến của anh em, nên đám trẻ chúng tôi rất vui. Ngài cũng thường bị anh em chúng tôi trêu chọc, và những lúc không biết đáp trả thế nào, khuôn mặt Ngài “ngu ngơ”, thật dễ thương.
Thời gian tôi làm Phụ tá Giám tỉnh không dài. Trong thời gian này, Cha Cố Giuse vẫn luôn tìm mọi cách xây dựng Tỉnh Dòng, và một trong những công việc cấp thiết khi đó là gửi người đi học ở ngoại quốc, để sau này có được thế hệ đủ khả năng mà làm việc. Tôi cũng là người được nhắm tới. Khoảng 1 năm sau, tôi trả lại chức vụ phụ tá và lên đường đi học theo sự sắp xếp của Cha Giám tỉnh Giuse. Tôi hiểu rằng Ngài có ưu tư lo cho Tỉnh dòng và sau nhiều cố gắng lo liệu cho những anh em khác mà không thành, tôi là người đầu tiên được đi học, Tôi nghĩ Ngài rất vui vì quyết định này. Sau đấy, vào năm 1999, khi Ngài kết thúc nhiệm vụ, tôi nghĩ Ngài cảm thấy an lòng khi trao lại chức vụ cho tôi, dù rằng so với Ngài, tôi thấy mình có một khoảng cách rất xa về khả năng và đức độ.
4. Ngoài việc xây dựng con người, Cha Cố Giuse cũng âm thầm chuẩn bị xây dựng lại các cơ sở vật chất cho Tỉnh Dòng. Một mặt, Ngài lo tìm cách đòi lại những cơ sở trước đây đã bị tịch thu. Mặt khác, Ngài cũng lặng lẽ chuẩn bị kinh phí cho các cơ sở mới. Học viện Gò vấp được khởi công vào tháng 5 năm 1999, trước khi khai mạc Tỉnh hội chừng một tháng. Sau đấy, với tư cách là người kế vị, tôi chỉ lo hoàn thành những gì đã được khởi sự, cùng với kinh phí sẵn có hầu như đầy đủ. Sau này khi được chuyển đến Tu viện Mai khôi, Tú Xương, Ngài lại cố gắng xoay sở để góp thêm vào việc xây dựng lại cơ sở này.
5. Nhìn chung, Cha Cố Giuse Trân là người dễ mến, sống chân thành với mọi người, dù họ là ai. Chúng tôi luôn nhớ những bài cám ơn của Ngài: luôn phải đầy đủ mọi người, mọi thành phần, không thiếu một ai. Với trí nhớ rất tốt của Ngài, hầu như không một ai lọt ra khỏi tấm lòng rộng lượng, tri ân của Ngài. Còn nhớ sau dịp kỷ niệm 25 năm thành lập Tỉnh Dòng vào năm 1992, Ngài đã hy sinh, bỏ thời gian đi tận nơi cám ơn từng đấng bậc đã đến tham dự biến cố này. Thời gian ấy, Ngài vẫn di chuyển bằng chiếc xe hơi cũ (second hand); lần ấy đi đến Phan Rang thì cái xe già nua ấy trở chứng, phải thuê xe khác kéo về. Thế đấy! Tấm lòng của Ngài lúc nào cũng chân thành, Ngài không quản hy sinh, không quản khó nhọc, miễn là anh em được vui, Tỉnh dòng được lợi.
6. Đúng thế, Cha Cố Giuse quả là “trân châu” Chúa gửi đến cho Giáo hội, cho Giáo phận Sài Gòn, cho các Dòng tu, đặc biệt cho anh em trong Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam. Cha đã được Chúa gửi đến vào một giai đoạn đầy nghiệt ngã, nhưng cha vẫn “an nhiên tự tại” (lời ĐC Phaolô) nhờ tính tình hiền lành, nhờ lòng yêu mến Chúa, yêu mến Giáo Hội và yếu mến Dòng. Thái độ “an nhiên tự tại” không chỉ giúp Cha sống thanh thản mà nhiều thành phần khác cũng được hưởng nhờ.
Một lần nữa, chúng con xin bày tỏ tâm tình: chúng con cám ơn Cha, chúng con yêu mến Cha. (Lời tiễn biệt của Cha Phụ Tá Giám Tỉnh). Xin Cha, bên tòa Chúa, luôn nhớ đến chúng con, nhớ đến Tỉnh Dòng.
Ngày 21 tháng 12, 2022.
Ts. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.
Ts. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.