12/01/2015 -

Đa Minh Việt Nam

3357
Trưa ngày 9-1, Tu viện Mân Côi – Gò Vấp bước vào ngày tĩnh tâm tháng với phần chia sẻ của cha Phaolô Nguyễn Văn Quý, OP về chủ đề Tìm Gặp Chúa.

Ngay trong những câu đầu tiên của bài chia sẻ, cha giới thiệu: “Chúng ta đang ở trong tuần cuối cùng của Mùa Giáng Sinh. Chúa Nhật vừa qua, chúng ta cử hành Lễ Hiển Linh - Lễ Thiên Chúa tỏ mình cho 3 nhà Đạo Sĩ. Các ông đã cất công đi tìm Vị Vua của thế giới. Trải qua một chặng đường dài với bao gian nan vất vả, cuối cùng các ông cũng đã gặp được Người”. Vì thế, trong tâm tình của mùa Giáng Sinh và lễ Hiển Linh, cha mời gọi mời người cùng nhìn lại khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa của con người.

Bài chia sẻ của cha Phaolô có 4 phần:

- Phần dẫn nhập: nói về nỗi khắc khoải của con người mong tìm về ĐấngVô Biên.

- Phần II: nêu lên lý do con người khao khát Thượng Đế

- Phần III: đưa ra một vài phương cách để con người có thể tìm đến với Đấng dựng nên mình

- Phần bốn: Kết luận

Đầu tiên, cha trình bày cho mọi người về lý do tại sao con người khát khao Thiên Chúa hay Thượng Đế. Cha khẳng định: “Con người khao khát Thượng Đế bởi Ngài là cứu cánh của họ”. Quả vậy, Đấng Tạo Hóa không thể đặt để trong họ một cứu cánh nào khác ngoài chính Ngài, vì chỉ có Ngài mới là Đấng toàn thiện, toàn mỹ. Vì thế, bao lâu chưa tìm được Chúa là đích điểm của đời mình, con người luôn khắc khoải như lời thánh Augustine: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên tâm hồn con xao xuyến mãi cho tới khi nào nghỉ yên trong Chúa.” Đó cũng chính là nỗi niềm khao khát mà đại thi hào Tagore đã từng biểu tỏ: “Như đàn sếu nhớ nhà bay ngày đêm không ngưng nghỉ tìm về tổ ấm đi đời trong lời tụng ca Người bất tận.

Thế nhưng, vì những mê lầm tai hại, vì những cám dỗ ngọt ngào của tiền tài, danh vọng, địa vị, thú vui,… và vì sự yếu đuối của bản thân, con người đã không thể tìm thấy Chúa là niềm vui vĩnh cửu bất diệt, nhưng lại sa vào những niềm vui chóng qua của thế gian này.
Vì thế, để gặp được Đấng Vô Biên, nhiều người cho rằng: con người phải đứng lên, nhìn thật, nhìn thẳng, nhìn trực diện vào chính thân tâm của mình để “lắng nghe tiếng lòng thổn thức, tiếng huyền vi cao cả đang da giết mời gọi đêm ngày ngõ hầu không để vuột mất đi điều ta đang tìm kiếm”. Đó cũng là tâm tình mà triết gia Socrates ôm ấp khi ông kêu gọi con người hãy trở về với chính mình: “Hãy biết mình”. Đây là câu châm ngôn đòi hỏi con người hãy tìm kiếm sự Huyền Nhiệm đang ẩn dấu. Nó đòi hỏi con người cần phải đào sâu hơn để tìm hòn đá tảng đang bị chôn vùi và nếu thiếu đi hòn đá này thì mọi sự xây dựng đều như vô nghĩa.

Cũng theo chiều hướng này, Hoà Thượng Viên Minh trong bài thơ Tìm Đạo đã viết như sau:

Tìm Đông rồi lại tìm Tây
Tưởng rằng Đạo ở bên này bên kia!
Ngờ đâu đạo vốn chằng lìa
Hoát nhiên đại ngộ, ơ kìa… thế thôi”.

Như vậy, đối với những người không có đạo, công cuộc tìm kiếm Chúa là do nỗ lực của bản thân người đó: họ tự thân vận động; nhưng với chúng ta, những người có đạo, chúng ta không thực hiện điều này một mình, nhưng là nhờ ơn Chúa trợ giúp.

Thật vậy, thánh Augustine nói rằng: “Khi tôi lãnh hội được những chân lý ấy, thì tôi nhìn thấy chúng trong ánh sáng do Thiên Chúa mà đến, không có ánh sáng đó không thể có một chân lý nào cả”; còn thánh Catarina Siena cũng khẳng định: “Chúng ta không thể nào thấy địa vị cao quý hay những lỗi lầm làm nhơ bẩn vẻ đẹp tâm hồn chúng ta, trừ phi chúng ta soi mình trong đại dương êm đềm của hữu thể Thần Linh mà chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh của Người”. Quả thế, lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng đã làm sáng tỏ điều đã nói: Chính Thánh Thần là Thầy Chân Lý sẽ dẫn dắt chúng ta đến sự thật vẹn toàn. Vì thế, chúng ta phải dựa vào chính quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa để chúng ta có thể thấy được Ngài và đến được với Ngài. Lời cầu xin của người mù Giêrikhô: “Lạy Ngài xin cho con được thấy” là một bài học quí báu cho chúng ta: chính Đức Giêsu là Đấng đã chữa lành anh và nhờ đó, anh đi theo Người. Anh vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa.

Cuối cùng, cha kết luận: Sự khát khao tìm gặp Chúa, Đấng vốn khắc ghi hình ảnh của Ngài trong lòng con người, dẫn chúng ta đi về một miền xa lạ, huyền bí, nhưng cũng rất gần gũi thân thương, vì hình ảnh Thiên Chúa là căn tính đời ta. Nơi Ngài mở rộng ra một thực tại với viễn tượng Vô Biên khai mở đến Vô Cùng và cũng là Tất Cả, là Linh Thiêng và làm vui thỏa tất cả mọi ước vọng của con người. Chính Ngài vẫn không ngừng ban ơn và nâng đỡ ta trong hành trình tìm đến Ngài.

Những ý tưởng mà cha Phaolô nêu lên đã được tiếp nối trong giờ Chầu Thánh Thể vào buổi tối do các anh em lớp Thần 3 thực hiện. Trong bài suy niệm của mình, các anh khẳng định: “Việc yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự là điều hiển nhiên phải làm của con người. Đó là tính nhân bản và nhân văn của con người”. Và các anh cũng  mời gọi mọi người hãy yêu thương tha nhân, nhất là những người nghèo khổ, thấp hèn,…vì qua tha nhân, chúng ta gặp được Thiên Chúa, bởi chính Chúa đã đồng hóa mình với những người nghèo khổ và bất hạnh.

Ngày tĩnh tâm tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại nơi mọi anh em nhiều suy nghĩ, nhắc nhở anh em về nỗi khao khát tìm kiếm Chúa của con người, cũng như trách nhiệm phải làm thỏa mãn nỗi khát khao đó qua sứ vụ Lời và đời sống yêu thương, bác ái của chính anh em – những người tu sĩ Đaminh.

 
Ban Thông Tin Học Viện








114.864864865135.135135135250