16/09/2021 -

Đa Minh Việt Nam

1018

Trong hoàn cảnh anh em không thể quy tụ về mừng lễ Bổn mạng Tỉnh dòng, các đơn vị đã góp chút thông tin về Ban Truyền thông, như một lời chia sẻ và hiệp thông với những anh em thuộc các đơn vị khác. Hôm nay, Ban Truyền thông nhận được bài giảng lễ của cha Giuse Nguyễn Văn Hoàng, OP từ giáo xứ Cát Đàm. Xin gửi đến toàn thể anh em như những tâm tình của anh em tu viện Cát Đàm góp vào ngày mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi. (Bài đăng đã biên tập lại chút ít cho phù hợp với thông tin trên Website.)

Hôm nay, Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Bổn mạng Tỉnh dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Tu viện thánh Vinh Sơn Cát Đàm long trọng cử hành lễ Bổn mạng Tỉnh dòng, trong tâm tình tạ ơn Chúa vì muôn vàn hồng ân Chúa đổ xuống trên Tỉnh dòng hơn 54 năm qua.
Phụng vụ Giáo hội cho chúng ta cử hành bậc Lễ nhớ, nhưng đối với Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam thì lễ này có ý nghĩa rất quan trọng nên Phụng vụ Dòng nâng lên bậc Lễ kính, bởi vì Đức Mẹ Sầu Bi là Bổn mạng Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam với tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.
Hôm nay, cha Tu viện trưởng chủ tế Thánh lễ này để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các thành viên, các ân nhân và thân nhân của Tỉnh dòng, những người còn sống cũng như những người đã qua đời; cùng cầu nguyện cho sứ vụ chung của anh em Đa Minh Việt Nam mỗi ngày được phát triển hơn nhờ lời bầu của Đức Mẹ.
Kính thưa cộng đoàn,
Kể từ ngày ấy, thứ Sáu của tuần thứ năm Mùa chay, tức ngày 18 tháng 3 năm 1967 Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam với tước hiệu “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo” được thành lập. 54 năm với bao thăng trầm của lịch sử, cùng với các biến động theo thời gian, sự thay đổi của con người, thể chế chính trị và xã hội... Thế nhưng, Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển và đứng vững, và trở thành một trong những Tỉnh dòng lớn nhất nhì thế giới. Đó là nhìn vào những con số các thành viên, còn nhìn nhận về thực thi sứ vụ, có lẽ anh em trong Tỉnh dòng cần phải bắt chước tâm tình khiêm nhường của Cha thánh Đa Minh, được đặt trong khung cảnh, lúc Ngài đang liên lỉ cầu nguyện dưới chân Thập giá Chúa Giêsu cho anh em, cho sứ vụ phục vụ Lời của anh em trong Tỉnh dòng nói chung và anh em Bắc Bộ Phủ nói riêng.
Hình ảnh này cũng giúp chúng ta nối kết với hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi đứng dưới chận Thập giá Chúa cách đây 2000 năm. Mẹ đã đau khổ đến tột cùng, khi phải chứng kiến Con của Mẹ là Đức Giêsu bị treo trên cây thập t, trong thân hình tiều tụy, trần trụi không một mảnh vải che thân. Đây cũng là hình ảnh, gợi hứng cho mỗi chúng ta can đảm nhìn thẳng vào sự thật trần trụi về những khó khăn, những đổ v của đời mình, cũng như của cộng đoàn nơi mình đang sống.
Thế nhưng, chúng ta cũng không được phép bỏ cuộc hay lùi bước mà phải tiếp tục bước, bước một cách mạnh mẽ và can trường trong niềm hy vọng. Niềm hy vọng này, được cha Giám Tỉnh nhắc đến, trong lá thư gửi cho anh em, ngày 7 tháng 8 năm 2021, trước ngày lễ kính thánh Đa Minh. Và chúng ta cũng thấy rất rõ niềm hy vng này, nơi Đức Maria, dù Mẹ rất buồn sầu nhưng không hề thất vọng.
Tin Mừng thánh Gioan thuật lại: “Khi ấy, đứng gần Thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la” (Ga 19,25). Không chỉ có bấy nhiêu người mà còn có cả người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Điều này, như một minh định, Đức Maria không hề cô đơn.
Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam của chúng ta cũng thế. Khi nhận Đức Mẹ Sầu Bi làm Bổn mạng, chắc hẳn các bậc tiền bối phải đắn đo suy nghĩ nhiều lắm. Đắn đo suy nghĩ không phải vì không muốn nhận, hay tính toán so đo hơn thiệt, mà có lẽ đắn đo suy nghĩ xem làm thế nào để anh em trong Tỉnh dòng, khi đã nhận Mẹ Sầu Bi làm Đấng Bảo Trợ thì cũng được trở nên giống như Mẹ trong đời sống thiêng liêng, như Thánh phụ Đa Minh đã nên giống Mẹ Sầu Bi mỗi khi ngài cầu nguyện: đắm mình dưới chân Thập giá Chúa.
Còn nữa, Đức Maria đã không cô đơn khi đứng kề bên Thập giá thì chắc chắn chúng ta – những anh em tu sĩ Đa Minh, thuộc Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam nhận Đức Mẹ Sầu Bi làm bổn mạng cũng sẽ không bao giờ phải cô đơn, nếu chúng ta biết chiêm ngưỡng Thập giá Chúa Giêsu như Mẹ: không cô đơn trong đời sống, không cô đơn trong sứ vụ...
Trong bài giảng của cha Bề trên Tổng quyền Gerand Francisco Timoner III, OP, ngày 6 tháng 8, tại Vương cung thánh đường thánh Đa Minh tại Bologna, ngài đã đề cập đến rất nhiều điều thú vị, nhưng có hai điều khiến tôi cảm thấy không những thú vị mà tự hào về “cái mác” tu sĩ Dòng Đa Minh của mình.
Điều thứ nhất, ngài nhắc lại lá thư của Đức thánh cha Phanxicô gửi cho Dòng nhân dịp Kỷ nim 800 năm Sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh. Cha Bề trên Tổng quyền đã chia sẻ: “Như Đức thánh cha Phanxicô đã viết rõ ràng trong lá thư gửi cho Dòng nhân dịp Kỷ niệm 800 năm Sinh nhật trên trời của thánh Đa Minh, rằng trong số các danh hiệu dành cho thánh Đa Minh, Praedicator Gratiae nhà giảng thuyết ân sủng là danh hiệu nổi bật hơn cả, vì đó là danh hiệu thích hợp với đặc sủng và sứ vụ của Dòng do Thánh nhân sáng lập.”
Điều thứ hai: “Nhiều năm trước tôi tham dự một buổi gặp mặt các tu sĩ nam nữ đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi đến từ nhiều hội dòng khác nhau. Tôi tự hào giới thiệu mình là một tu sĩ Đa Minh. Một tham dự viên nói đùa rằng: Tu sĩ Đa Minh ư? Anh thuộc thời Trung cổ! Tôi mỉm cười đáp lại: Chúng tôi không thuộc thời Trung cổ, chúng tôi thì Kinh điển.
Ngài cũng giải thích thêm: “Kinh điển là một thứ gì đó vừa hợp thời, vừa vượt thời gian. Thánh Đa Minh đã ấp ủ một sứ vụ hợp thời, bởi vì người nhận thấy thế giới rất cần một cuộc loan báo Tin Mừng mới, nghĩa là rao giảng về Thiên Chúa, Đấng luôn cổ kính mà cũng rất tân kỳ. Hợp thời vì thánh Đa Minh đưa ra câu trả lời thích hợp cho một hoàn cảnh cụ thể, nhưng vượt thời gian bởi vì việc loan báo Tin Mừng thì vượt lên trên các biến cố đang xảy ra và luôn có ý nghĩa trong mọi thời điểm của lịch sử.
Đối với tôi, đây là chi tiết khá thú vị nếu không muốn nói là đặc sắc. Bởi vì nó vừa là một câu trả lời rất thâm thúy, vừa làm thỏa đáng cho một vài thắc mắc của tôi về những can dự của anh em Đa Minh chúng ta trong một số phiên tòa xét xử của Giáo Hội thời Trung cổ.
Kính thưa Quý cha và Anh em,
Mừng lễ Đức M Sầu Bi với tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, Bổn mạng Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam hôm nay, cũng là dịp nhắc nhớ các tu sĩ chúng ta là nhng người con dấu yêu của Cha thánh Đa Minh, những “Nhà Giảng Thuyết Ân Sủng”, luôn mang trong tim hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi, cả cuộc đời dâng hiến không chỉ biết nói với Chúa mà còn biết nói với nhau – những anh em cùng lý tưởng; không chỉ nói về Chúa mà còn nói về con người.
Xin cho các tu sĩ trong Tỉnh dòng của chúng ta, biết sống và rao giảng trọn vẹn sứ vụ Chân lý như Đức Mẹ Sầu Bi đã sống và rao giảng Chân lý về Đức Giêsu trên Thập giá, dẫu lòng Mẹ đau đớn đến tột cùng khi nhìn con Mẹ là Đức Giêsu bị treo trên cây Thánh Giá.
Cách riêng, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ Sầu Bi cầu bầu cùng Chúa ban cho mỗi chúng ta là những thành viên trong Gia đình Đa Minh biết theo gương Cha thánh, mỗi ngày biết kết hiệp với Chúa, nhiệt tâm rao giảng Lời Chúa và khát khao cữu rỗi các linh hồn.
Giuse Nguyễn Văn Hoàng, OP.
114.864864865135.135135135250