09/08/2021 -

Đa Minh Việt Nam

2400

Cách đây 100 năm, nhân kỷ niệm 700 năm ngày thánh Đa
Minh tạ thế, ĐTC Bênêđictô XV đã gửi một thông điệp cho toàn thể Giáo Hội, bắt đầu bằng những lời Fausto appetente die. Đây là thông điệp thứ 7 (ký vào lễ thánh Phêrô, 29/6) và là thông điệp cuối cùng của triều đại giáo hoàng được đánh dấu bởi thế chiến thứ nhất (1914-1922). Trong văn kiện này, ĐTC, nguyên là tổng giám mục Bologna, đã ca ngợi thánh Đa Minh vì công cuộc rao giảng Tin Mừng, với ba đặc điểm là: bảo vệ đức tin công giáo; trung thành với Tòa thánh; lòng sùng kính Đức Maria.
Ngày 24 tháng 5 vừa qua, nhân kỷ niệm 800 năm ngày thánh Đa Minh tạ thế, ĐTC Phanxicô đã gửi cho Bề trên tổng quyền của Dòng Anh em giảng thuyết và toàn thể gia đình Đa Minh một bức thư mang tựa đề Praedicator gratiae.
Có gì giống và khác giữa hai văn kiện vừa nói? Có hai sự khác biệt đáng nêu bật, một là về hình thức, hai là về nội dung. Xét về hình thức pháp lý, ta thấy một thông điệp thì lớn hơn là một bức tông thư: thông điệp gửi cho toàn thể Hội thánh, tông thư chỉ dành cho một số người. Xét về nội dung, theo tôi nghĩ, hồi thế kỷ trước, điểm nhấn trong sứ mạng thánh Đa Minh là “giảng thuyết chân lý” (praedicator veritatis), còn ngày nay lại nhấn mạnh đến “giảng thuyết ân sủng” (praedicator gratiae). Phải chăng con người thời nay ngại nói đến “chân lý” (điều dễ sinh ra tranh cãi, ai đúng ai sai), và nhường chỗ cho “ân sủng” (nghĩa là tình yêu trắc ẩn, cởi mở đối thoại với tất cả mọi người)? Để trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta hãy phân tích ý nghĩa của danh hiệu “praedicator gratiae”, được nhắc lại mỗi ngày trong bài ca O lumen Ecclesiae, kết thúc giờ Kinh tối.
Trong thư cám ơn ĐTC, anh Tổng quyền nhắc đến một lối chơi chữ trong truyền thống của Dòng chung quanh tước hiệu vừa nói, đó là gratia praedicationispraedicatio gratiae (“ân sủng giảng thuyết” và “giảng thuyết ân sủng”). Tiếc rằng anh nói chưa hết, bởi vì còn thiếu một nghĩa thứ ba nữa không kém thú vị, đó là: praedicator gratiosus “giảng thuyết có duyên”. Tôi xin chia sẻ với cộng đoàn ba ý nghĩa đó, để ôn lại ơn gọi của chúng ta nhân ngày lễ thánh phụ cũng như nhân dịp các anh khấn Dòng. Như vậy, bài này gồm có ba phần: thứ nhất: “ân sủng giảng thuyết” muốn nói đến nguồn gốc ơn gọi; thứ hai, “giảng thuyết ân sủng” muốn nói đến nội dung sứ vụ; sau cùng, “giảng thuyết có duyên” nói đến tác phong của nhà giảng thuyết.
1) Gratia praedicationis: ân sủng giảng thuyết
Ân sủng giảng thuyết có thể hiểu theo hai nghĩa: hoặc như đoàn sủng hay như đặc sủng, một đàng nói đến ơn gọi của Dòng, một đàng nói đến ơn gọi của mỗi phần tử.
Đoàn sủng muốn nói đến đặc trưng của một Dòng mang tên chính thức là “Anh em giảng thuyết” (Ordo Fratrum Praedicatorum). Chắc anh em đã có lúc nêu lên câu hỏi: Tại sao lại lập Dòng Giảng thuyết, xét vì đã là linh mục thì đương nhiên có quyền lợi và bổn phận giảng thuyết? Để trả lời, cần phải tìm hiểu nguồn gốc danh hiệu của Dòng trong bối cảnh lịch sử của nó, mà tôi không muốn dài Dòng ở đây, bởi vì Cha Guy Bedouelle đã viết một cuốn sách được dịch sang tiếng Việt với đề tài: “Thánh Đa Minh, ân sủng Lời Chúa” (grâce de la parole). Thế nhưng, thánh Đa Minh không để lại một bản văn nào để giải thích ý nghĩa tên gọi của Dòng, lại càng không để lại một tài liệu nào để huấn luyện anh em về việc giảng thuyết, hoặc trối lại vài mẫu bài giảng cho anh em học. May thay, những lỗ hổng này đã được bù đắp phần nào nhờ cha Humberto Romans, vị tổng quyền thứ năm (1254-1263), khi biên soạn cuốn sách De eruditione praedicatorum đã được Học viện Đa Minh chuyển dịch năm 2017: “Đào tạo nhà giảng thuyết”.
Ở đây, ân sủng giảng thuyết được nhìn về phía chủ thể, nghĩa là ơn huệ mà Thánh Linh ban cho ta có khả năng rao giảng Lời Chúa.  Thần học ngày nay gọi là “đặc sủng”. Khi một anh em gia nhập Dòng Giảng thuyết là vì anh đã nhận được ơn của Thánh Linh. Ơn huệ này không chỉ ban cho anh một lần vĩnh viễn, nhưng cần phải cầu xin  suốt đời, bằng lời cầu nguyện cũng như học hành, ngõ hầu có khả năng thực hành ơn gọi. Thật là thú vị khi đọc lại những quy định trong hiến pháp thời tiên khởi về việc kiểm tra ân sủng giảng thuyết. Trong chương trình học vấn ngày nay, các tu sĩ đều phải chịu khảo hạch trước khi khấn Dòng và chịu chức, và nội dung liên quan đến các nghĩa vụ của lời khấn hoặc tác vụ. Vào hồi Dòng mới được thành lập, thì có cuộc khảo xem tu sĩ có nhận được “ân sủng giảng thuyết” không; nếu có thì mới cấp chứng chỉ đi giảng (Constitutiones primitivae, Dist. II, n.20). Làm thế nào kiểm tra đặc sủng? Không dễ gì trả lời; các bản văn pháp lý đã đề ra ít là  ba tiêu chuẩn:
-  Tiêu chuẩn thứ nhất, động lực đi giảng thuyết. Nếu ai tưởng rằng mình nói năng hoạt bát vì thế sẽ là nhà giảng thuyết tuyệt vời nhất, thì đó là dấu cho thấy anh đã không nhận được ơn giảng thuyết. Động lực duy nhất phải là lòng nhiệt thành tông đồ, ước mong cho Tin Mừng được nhận biết và thực hành (chứ không phải là trổ tài hùng biện).
- Tiêu chuẩn thứ hai, tinh thần khó nghèo, cảm thấy mình bất xứng với ơn gọi, chứ không tự hào vì được ơn gọi. Vì thế anh sẽ không dễ lên mặt dạy đời; ngược lại, anh cố gắng bày tỏ tâm tình cảm thông, nhân từ, nhân bản khi đi giảng.
- Tiêu chuẩn thứ ba, hiệu quả của lời giảng. Cần xét xem phản ứng của thính giả đối với lời giảng thế nào. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không tuyệt đối, bởi vì nhiều ngôn sứ đã bị thiên hạ tẩy chay; thế nhưng điều ấy lại cho thấy là ngôn sứ đã nói nhân danh Thiên Chúa, chứ không chiều theo sở thích của loài người.
Nói đúng ra, ba tiêu chuẩn vừa kể không có tính cách tuyệt đối  và cũng chẳng dễ gì mà áp dụng. Có lẽ vì thế mà tổng hội năm 1249 đã loại bỏ việc khảo hạch ân sủng giảng thuyết (Simon Tugwell, The Way of the Preacher, London 1979, p.70). Tuy vậy, điều căn bản vẫn còn được duy trì, đó là giảng thuyết là một ân sủng Chúa ban, chứ không phải là một năng khiếu tự nhiên, chịu khó tập luyện là được. Vì thế, ta phải cầu khẩn ơn ấy suốt đời: xin cho được lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn nhở lời nói và gương sống, xin cho được hăng say mến Chúa cũng như khao khát cho các linh hồn được cứu độ.

2) Praedicatio gratiae: rao giảng ân sủng

Khía cạnh thứ hai muốn nói đến đối tượng của việc giảng thuyết: giảng cái gì? Lịch sử đã để lại  công thức thời danh được tóm lại trong lời nguyện lễ kính thánh Đa Minh: ngài giảng thuyết chân lý (praedicator veritatis). Chân lý Veritas trở thành khẩu hiệu của Dòng. Chúng ta hãnh diện vì là những “chiến sĩ đức tin” (pugiles fidei). Tiếc rằng trải qua thời gian, khẩu hiệu này đôi khi lại gây ra nhiều tai tiếng cho Dòng. Dòng Đa Minh nổi tiếng vì hăng say bài trừ các bè rối, và cũng là thủ phạm của tòa giáo pháp (Inquisitio) đã gây ra cái chết cho bao nhiêu người bị buộc tội lạc giáo! Các tu sĩ Đa Minh được gọi là “chó của Chúa” (Domini canes), nghĩa là các chó “bẹc-giê” chuyên môn đi săn lùng những thành phần chống đối Giáo hội.
Có lẽ vì vậy mà ngày nay, người ta thích nghe nói đến “giảng thuyết ân sủng” hơn là “giảng thuyết chân lý”. Thực ra, ân sủng và chân lý không trái nghịch nhau, bởi vì thánh Gioan tông đồ đã mô tả công cuộc Ngôi Lời Nhập thể như là “đầy tràn ân sủng và chân lý” (Ga 1,14). Nói cách khác, rao giảng chân lý, rao giảng ân sủng, hoặc rao giảng Tin Mừng cũng như nhau, chỉ khác nhau tùy theo điểm nhấn.
- Rao giảng Tin Mừng là rao giảng tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thương con người chứ không muốn luận phạt con người. Thiên Chúa yêu thương con người cho đến độ đã trao ban Con Một của Ngài (Ga 3,16-17;Mt 18,14). Rao giảng Tin Mừng là rao giảng Thiên Chúa giàu lòng thương xót (dives in misericordia), chứ không phải rao giảng Thiên Chúa công thẳng, ngăm đe trừng phạt! (Xin mở một dấu ngoặc: dịch praedicator gratiae là “giảng truyền ơn Chúa chí công” là không đúng; “chí nhân” thì hay hơn. Đóng dấu ngoặc). Rao giảng Tin Mừng ân sủng là khơi lên niềm hy vọng vào ơn tha thứ của Thiên Chúa, cho dù con người có sa đi ngã lại hàng trăm lần (Mt 18,22). Rao giảng Tin Mừng ân sủng là tuyên dương sức mạnh của điều Thiện, không những sẽ tỏ hiện vào thời cánh chung, nhưng đang tác động ngay trong Dòng lịch sử, kể cả qua những môi giới không thuộc về Giáo hội (chẳng hạn như nhưng nền văn hóa các dân tộc), và thậm chỉ những phong trào chống đối Giáo hội, nhưng kỳ thực chúng đã giúp Giáo hội trở về nguồn cội của Tin Mừng.  Rao giảng Tin Mừng là loan truyền cái nhìn lạc quan về lịch sử.
- Như vậy rao giảng ân sủng không trái nghịch với rao giảng chân lý. Điều khó khăn nằm ở chỗ: ai dám tự hào là mình đã nắm bắt được chân lý? Chân lý là điều mà chúng ta cần phải cầu nguyện, học hỏi, chứ không sáng chế theo sở thích riêng. Hơn thế nữa, rao giảng chân lý là công bố điều chúng ta đã xác tín, vì thế đòi hỏi rằng mình sống điều mà mình giảng, chứ không nói một đàng rồi làm một nẻo. Đây là “chân lý của cuộc sống” (veritas vitae). Điều này đưa chúng ta sang phần thứ ba.
3) Praedicator gratiae, praedicator gratiosus: nhà giảng thuyết có duyên
Trong tiếng Latinh, gratia không chỉ có nghĩa là ân huệ tặng ban, mà còn có nghĩa là nét duyên dáng dịu dàng; từ đó có tĩnh từ gratiosus (tương tự như gracious trong tiếng Anh), nghĩa là tốt lành, hòa nhà, lịch thiệp. Đặc tính thứ ba của praedicator gratiae muốn nói đến đức tính của nhà giảng thuyết, bao hàm không những cách thức giảng thuyết mà cả cung cách lối sống, làm sao thu hút được cảm tình của người nghe. Đặc điểm này có thể hiểu theo nhiều nghĩa.
- Một cách hiểu đơn giản hơn cả là lời giảng mang lại thành công, được các thính giả hoan nghênh, tán thưởng. Điều này giả thiết là nhà giảng thuyết cần được rèn luyện về kỹ năng hùng biện, nghệ thuật nói trước công chúng, tâm lý quần chúng, vv.
- Tuy nhiên, chúng ta hãy cảnh giác. Đừng lẫn lộn một bài giảng Tin Mừng với buổi trình diễn văn nghệ. Ngày nay, người ta đánh giá thành quả của một bài phát biểu  hay bài ca qua việc đếm số nút “like” của thính giả. Thế nhưng hiệu quả của  bài giảng Tin Mừng không thể nào được đo lường qua sự vỗ tay tán thưởng, mà ở chỗ có bao nhiêu người hoán cải. Về điểm này, chúng ta đừng quá nuôi ảo vọng, bởi vì chính Chúa Giêsu đã chẳng gây được hiệu quả như lòng mong ước, mặc dù đã tốn nhiều công sức giảng dạy và chữa lành. Như vừa nói trên đây, nội dung của lời giảng là “chân lý”, và khi “nói thật thì dễ mất lòng”. Dù sao, chúng ta đừng quên rằng đây là chân lý của hy vọng và của yêu thương. Các thính giả mong mỏi nơi người giảng những lời khích lệ phát xuất từ tâm tình thông cảm, chứ không muốn chỉ nghe những lời khiển trách la mắng. Họ mong được cảm nhận lòng yêu thương giống như Thiên Chúa giàu lòng khoan nhân.
Tóm lại, có lẽ ta phải hiểu praedicator gratiosus theo nghĩa là ta hãy cố gắng để trở thành dụng cụ ngoan ngoãn của Chúa Thánh Thần, để ngài tác động nơi lời giảng của ta. Chính ngài sẽ thẩm định kết quả dựa theo tiêu chuẩn của ngài chứ không theo tiêu chuẩn của ta. Chúng ta chỉ là người gieo giống; chứ không phải người gặt lúa.
Tôi xin kết luận bài chia sẻ hôm nay với đôi lời dành cho các anh em sắp tuyên khấn. Dĩ nhiên, lời khuyên đơn giản hơn hết sẽ như thế này: “Anh em hãy ý thức công việc mình sắp làm. Đây là chuyện nghiêm trọng: đã khấn thì phải tuân giữ; nếu thấy mình không có sức thì rút lui đi, đừng khấn kẻo mắc tội!”. Nhưng  một giọng điệu như vậy quả là không phù hợp với lời giảng ân sủng.
Tôi xin sửa lại như thế này: “Này anh, anh hãy tạ ơn Thiên Chúa vì đã kêu gọi anh đi giảng Tin Mừng. Anh hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và của Dòng. Dòng ta vui lắm! Anh có biết rằng thánh Đa Minh thích khôi hài không? Ngài muốn anh em tuyên khấn giữ lề luật và hiến pháp, nhưng rồi lại thêm: nếu lỡ không giữ được thì cũng đừng lo, vì luật Dòng không buộc thành tội đâu! Tôi đoán thánh Đa Minh đã học được tính khôi hài nhờ nghiền ngẫm Tin Mừng theo thánh Matthêu và các thư thánh Phaolô mà ngài luôn mang trong mình. Thánh Matthêu rất tếu. Sách Tin Mừng mở đầu bằng bài giảng trên núi, để ra một lý tưởng rất đẹp, nhưng chắc chắn không thể nào thi hành nổi. Tác giả đã ý thức điều này trong loạt các dụ ngôn ở chương 13, khi cho thấy có hạt giống chết khô bên vệ đường, có hạt giống bị gai bóp chết nghẹt; hoặc khi nói rằng lúa mọc lên thì cỏ lùng cũng mọc theo. Đi vào cụ thể hơn, chương 18 kể lại cho chúng ta thấy biết bao gương mù gương xấu trong cộng đoàn; nói đâu xa, chính các cấp lãnh đạo cũng chẳng khá gì! Chúng ta đã biết Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm đầu Hội thánh (Mt 16,18) nhưng liền đó, ngài cũng mắng ông ta là kẻ làm cản trở kế hoạch của Chúa Cha (Mt 16,23). Khỏi nói ai cũng biết, các tông đồ cũng mang tật giống như bao nhiêu lãnh đạo khác trong xã hội, thích ăn trên ngồi trước nhưng ngại hy sinh phục vụ (Mt 20,27). Thế nhưng Chúa Giêsu đã chọn những người như thế đấy, ra như muốn cho thấy rằng: Sở dĩ Hội thánh đứng vững không phải nhờ công đức của thánh Phêrô hay của các tông đồ, nhưng là nhờ quyền năng của Chúa, như chính ngài đã hứa: “Này đây, Thầy ở với các con mỗi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Thầy đây, đừng sợ, hãy đưa tay ra cho thầy nắm” (Mt 14, 27.31).
Sau nhiều năm sống trong Dòng, các anh đã có dịp nhận xét là những người đi trước chẳng đạo đức hơn  các anh đâu! Đừng nản chí, nhưng hãy nắm chặt lấy tay Chúa, tin tưởng vào ân sủng, và mạnh dạn nói như thánh Phaolô: “Tôi có là gì, cũng là nhờ ân sủng của Thiên Chúa, và ân sủng Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả các người khác, nhưng không phải là tôi, mà là ân sủng Thiên Chúa cùng với tôi” (1Cr 15,10). Tất cả chúng ta đều cần đến ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
114.864864865135.135135135250