25/03/2015 -

Anh em Đa Minh

1266
LTS: Cha Amir Jajé, OP. là một người anh em Đa Minh thuộc Tỉnh dòng Pháp. Cha hiện đang sống và làm việc tại Baghdad. Dưới đây là bài phát biểu của cha Amir Jajé tại Liên Hiệp Quốc. Cha đã lên tiếng về hiện tình khốn khổ của các Kitô hữu nói riêng và của những người thuộc các nhóm thiểu số ở Iraq nói chung. Những lời phát biểu của Cha là những tiếng kêu thống thiết thay cho những người chịu cảnh bách hại và áp bức do những người Hồi giáo cực đoan tiến hành. Chúng ta cùng đọc và hiệp thông cầu nguyện cho anh chị em Kitô hữu và những người thiểu số ở Iraq.
 
***

Kể từ khi Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS: Islamic State) xâm chiếm thành phố Mosul ở phía bắc Iraq, các Kitô hữu cùng với những nhóm người thiểu số khác ở Iraq đã phải hứng chịu cảnh tan nát bi thương. Chúng tôi đã chứng kiến sự ly tán của hơn 120 ngàn người, phần lớn là các Kitô hữu bị buộc phải rời bỏ quê hương, bị làm nhục, bị cướp bóc tài sản, tiền của cùng tất cả những gì thuộc sở hữu của họ, kể cả nhà cửa. Lý do của những mất mát này chỉ đơn giản là họ không từ bỏ niềm tin của mình.

Giờ đây họ sống trong tình cảnh ly hương, như những người tị nạn sống trong nghèo đói và những điều kiện tồi tệ không có lối thoát. Đây là một thảm họa cho người dân ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đặc biệt khi mùa đông sắp đến và như thế nguy cơ bùng nổ dịch bệnh là rất lớn, các loại bệnh về da sẽ lan truyền rất nhanh. Mỗi ngày trôi qua, những người tha hương này phải trả một giá quá cao cho sự hiện hữu, tài sản và phẩm giá của họ.

Tính nghiêm trọng của những hành động tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng áp đặt trên các Kitô hữu và trên những nhóm người thiểu số khác tại Iraq vượt quá sức tưởng tượng của con người. Vậy thì, làm sao các nước Hồi giáo và cộng đồng quốc tế có thể im lặng? Những Tuyên Ngôn về Các Quyền Phổ Quát của con người và Luật lệ Quốc tế ở đâu khi mà phụ nữ bị đem bán công khai trong các phiên chợ ở thành phố Mosul? Đâu là quyền con người khi các Kitô hữu, người Yazidis và những nhóm người thiểu số khác đang bị sát hại một cách tàn bạo và nhà cửa của họ bị tước đoạt? Đến bao giờ thế giới vẫn im lặng không lên tiếng và đứng nhìn những cảnh tàn bạo diễn ra mỗi ngày? Phải chăng thế giới để những cảnh dã man hơn diễn ra mới chịu làm gì đó để ngăn chặn? Đâu là lương tâm của nhân loại? Tình cảnh chúng ta đang chứng kiến tại Iraq hôm nay là một cuộc tháo chạy mang tính rộng khắp và là sự hủy diệt tất cả các nhóm người thiểu số.

Kể từ ngày 6 tháng 08, các anh chị em Kitô hữu của chúng tôi đã phải rời bỏ nhà cửa và họ trở thành những người vô gia cư, trẻ em không còn trường học, những người đau bệnh, già yếu chịu cảnh khốn khổ cùng cực và nhiều người đã bỏ mạng mà không được chôn cất tử tế. Các làng mạc và thành thị của chúng tôi vẫn bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng. Cộng đồng quốc tế – Liên hiệp quốc và Liên hiệp Châu Âu – có trách nhiệm luân lý và lịch sử về những gì đã xảy ra trong quá khứ cũng như những gì đang diễn ra trong hiện tại. Tuy nhiên, người ta tự hỏi tại sao không có những bước đi cụ thể để giải quyết sự khủng hoảng này, như thể những nạn nhân này là những kẻ hạ cấp hoặc không phải là những con người.

Ngay cả cộng đồng các tín đồ Hồi giáo cũng chẳng có động tĩnh gì nhằm ngăn chặn những hành động dã man mà người ta làm nhân danh đạo Hồi để chống lại sự sống, phẩm giá và quyền tự do của các Kitô hữu, người Yazidis và những nhóm người thiểu số khác. Những con người vô tội này đã bị người ta tước đoạt mất quyền rất căn bản là được sống trong hòa bình và sống đúng với phẩm giá làm người. Họ đã bị Nhà nước Hồi giáo tự xưng truy sát, cướp bóc nhà cửa và của cải như “chiến lợi phẩm”!

Đa số những người ly tán này là những người khao khát trở về quê cha đất tổ tại đồng bằng Nineveh và ước mong nơi đó có hòa bình và trị an. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể đạt được bằng sự cộng tác của cộng đồng quốc tế, chính quyền Iraq và chính phủ miền Kurdistan. Vì thế, chúng tôi cần sự hỗ trợ quốc tế khẩn cấp và hiệu quả cũng như sự hỗ trợ của tất cả những người thiện chí nhằm cứu thoát các Kitô hữu và người Yazidis, bởi sự yên lặng và dửng dưng càng khuyến khích những kẻ Hồi giáo cực đoan gây thêm những thảm họa.

Hiểm họa do Nhà nước Hồi giáo tạo ra không những chống lại Iraq và những nước láng giềng mà còn chống lại toàn thể nhân loại. Hiểm họa ấy giống như một khối ung thư tàn phá cơ thể của thế giới chúng ta. Từ khối ung thư, thảm họa này, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan có thể lan đến mọi ngõ ngách trên thế giới. Đâu rồi những học giả và trí giả Hồi giáo, vốn là những người nên cân nhắc hiện tượng nguy hiểm này và chiến đấu chống lại hiện tượng ấy bằng cách cổ võ những giá trị tôn giáo đích thực; nền văn hóa yêu thương huynh đệ, sự tôn trọng lẫn nhau và sự chấp nhận người khác như là những con người có nhân quyền?

Vì thế, xin thưa với tất cả quí vị, những người đại diện cho thế giới ở Hội đồng Bảo an và Văn phòng Cao ủy Nhân quyền cũng như tất cả các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, chúng tôi xin đề nghị những điều sau đây:

1) Thành lập một liên minh quốc tế nhằm giúp chính phủ Iraq giải phóng các thị trấn và làng mạc của các Kitô hữu và người Yazidis khỏi tay những kẻ tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (ISIS).

2) Thành lập một lực lượng bảo vệ quốc tế nhằm bảo vệ những khu vực này sau khi giải phóng cho đến khi chính quyền Iraq có thể thành lập và đào tạo một lực lượng thường trực bảo về khu vực khỏi sự tấn công trong quốc nội cũng như từ bên ngoài.

3) Hối thúc chính phủ Iraq đưa ra một kế hoạch rõ ràng về việc đền bù cho những người bị đau khổ mất mát, đặc biệt là các nhóm dân thiểu số, là những người bị thiệt hại nặng nề do nạn cướp bóc, phá hoại và hủy diệt.

4) Đề nghị chính phủ Iraq mới truy tố về mặt pháp lý tất cả những kẻ nhúng tay vào nạn cướp bóc nhà cửa của các Kitô hữu và người Yazidis, họ vốn là những người bị hàng xóm phản bội. Sự truy tố sẽ là một bài học và sự ngăn ngừa thảm họa trong tương lai.

Thỉnh viện thánh Gioan Tông đồ chuyển ngữ

Nguồn: http://www.op.org/en/content/cry-distress-fr-amir-jaje-op-speaks-un-situation-christians-iraq#sthash.0A6BkThU.dpuf
 
114.864864865135.135135135250