17/09/2015 -

Anh em Đa Minh

1704
Từ ngày 6 đến 9 tháng Bảy năm 2015, một nhóm các tu sĩ Đa Minh thuộc hệ thống mạng lưới “Espaces” từ các trung tâm học vấn khác nhau tại Âu châu (Học viện 'Marie-Dominique Chenu' ở Berlin; Trung tâm nghiên cứu 'Giorgio La Pira', Pistoia; Trung tâm học vấn Đa Minh Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và Bruxelles, Bỉ) đã hội họp tại Tu viện Đa Minh ở Istanbul. Một trong những mục tiêu của nhóm các anh em này là gặp gỡ và thảo luận với các nhà chuyên môn của Thổ Nhĩ Kỳ về mối tương quan giữa tôn giáo và xã hội.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, chúng tôi muốn chia sẻ những thành quả hội họp của chúng tôi và gửi một sứ điệp tới các cộng đoàn của chúng ta cũng như toàn thể Dòng Đa Minh. Đây chỉ là một phần các suy tư bởi vì việc thảo luận vẫn đang tiếp tục.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà những nối kết quan hệ đang trở nên yếu kém hơn (mặc dù thực tế có sự tăng triển về du lịch và xu hướng toàn cầu hóa). Mối liên hệ yếu kém giữa các dân tộc tại Âu châu, giữa dân cư thành thị và cộng đoàn, giữa những người khác biệt về văn hóa và tôn giáo trong bối cảnh toàn cầu, và những liên kết giữa con người và môi trường. Chúng tôi gặp nhau đây như một dấu chỉ cho thấy chúng ta có khả năng để chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu của mình cho nhau, và qua đó chúng ta sống sứ mệnh như một lời kêu gọi để nối kết và chuyển trao niềm hy vọng của mình. Chúng ta biết rằng ngày nay Tin Mừng mời gọi chúng ta xây dựng những nhịp cầu, mở ra những con đường để những kinh nghiệm sống cộng đoàn được mở cho tha nhân. Chúng ta cũng biết rằng có thể có một tương lai cho cá nhân và xã hội một khi chúng ta sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm của mình với người khác.

Chúng tôi gặp gỡ nhau như là những anh em Đa Minh được kêu mời để giảng thuyết. Giảng thuyết bao hàm cả việc lắng nghe và diễn giảng: lắng nghe Lời Thiên Chúa và lời của những người đang đau khổ. Diễn giảng ngụ ý tham gia vào một cuộc đối thoại về ơn cứu độ. Bằng cách học để nói chuyện với nhau và chia sẻ những dự án cũng như ước muốn của mình, chúng ta có thể xây dựng một cái gì đó mới mẻ và khác biệt cho một tương lai chung. Chúng tôi quy tụ lại để thảo luận, vì chúng tôi sợ rằng một khi con người khác nhau không còn giao tiếp được với nhau, khi ấy họ tự khép kín bản thân và tạo ra bối cảnh xung đột và loại trừ.

Chúng tôi có mặt nơi đây từ những quốc gia khác nhau ở Âu châu. Chúng tôi gặp nhau ngay trước ngày trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Cơ hội cho chúng tôi chính là trải nghiệm sự khác biệt giữa chúng tôi. Chúng tôi nghĩ rằng các dự án của Âu châu đã nảy sinh trong những bi kịch của một cuộc thế chiến, sau biến cố Shoah (biến cố đức quốc xã tàn sát người Do Thái – người dịch), bằng cách chia sẻ các dự án của tình liên và qua việc bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này có thể là một khoảng thời gian chuyển tiếp dẫn chúng tôi tới việc lựa chọn các mối quan hệ sâu sắc hơn giữa các quốc gia trong Liên hiệp Âu Châu với một dự án mới chia sẻ mang tính chính trị dựa trên tinh thần đoàn kết và trách nhiệm đối với các đối tác của mình.

Chúng tôi đã gặp nhau tại Istanbul và thảo luận về tình hình tại các khu vực quanh Địa Trung Hải: khủng hoảng ở vùng Cận Đông, cuộc chiến ở Syria, tình hình chính trị ở Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, sự phát triển của “Nhà nước Hồi giáo – IS” với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đầy tính bạo lực. Chúng tôi đã thảo luận với các học giả Hồi giáo và Thổ Nhĩ Kỳ về mối liên hệ giữa tôn giáo và xã hội trong những bối cảnh khác nhau. Chúng tôi cũng quan tâm tới các cuộc tranh luận và những nghiên cứu được trình bày trong bối cảnh Hồi giáo. Chúng tôi đã suy tư đặc biệt sâu sắc về việc làm thế nào để có thể tham gia vào công ích, sống kinh nghiệm tôn giáo của mình nhằm đóng góp vào việc phát triển hòa bình của xã hội.

Chúng tôi lo lắng về một thái độ ngày càng tiêu cực đối với người nước ngoài ở các nước Âu châu của chúng tôi, đặc biệt là đối với những người nhập cư Hồi giáo và con cháu của họ. Có nét tương đồng bên ngoài của tín đồ Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố và bạo lực. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng trong tương lai châu Âu sẽ trở thành một lục địa Hồi giáo và cũng có nhiều người tin rằng người Hồi giáo không thể hòa nhập vào một xã hội dân chủ vì chính văn hóa của họ. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải thực hiện một sự biện phân rõ ràng giữa những người chủ trương bạo lực và các tín đồ. Chúng ta, cùng với người Hồi giáo đang mong mỏi cho hòa bình, phải lên án và phản đối những kẻ thực hành và nuôi dưỡng bạo lực, đồng thời chúng ta được mời gọi đến một cuộc đối thoại trong tinh thần hiếu khách với tất cả những ai đang tìm kiếm nhân phẩm, tự do và công bình.

Chúng tôi tin rằng sự hiện diện của các cộng đoàn Đa Minh tại những khu vực mà truyền thống Hồi giáo chiếm đa số là một việc làm quan trọng, đồng thời chúng tôi hy vọng rằng việc hiện diện này sẽ được duy trì trong tương lai với sự liên đới, hợp tác của các Tỉnh dòng.

Chúng tôi nghĩ rằng hiện tượng di dân từ các nước nghèo trên thế giới đến Âu châu là một dấu chỉ của thời đại chúng ta. Những cuộc di cư này bắt nguồn từ các nguyên nhân sâu xa, thường ẩn tàng hoặc ít được biết đến. Các nước phương Tây chịu trách nhiệm cách đặc biệt về các cuộc chiến tranh khu vực, những bạo lực, áp bức, bất công và khai thác đất đai. Từ góc nhìn này di cư là hệ quả của một hệ thống kinh tế bất bình đẳng, bất công và dửng dưng. Chúng ta phải nhớ rằng di dân cũng là những con người và chúng ta chia sẻ nguồn gốc cùng với họ, tất cả đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng tôi nghĩ rằng đau khổ của những người di cư là một tiếng kêu trong đó chúng ta được nhắc nhớ về những lời của Chúa Giêsu: Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước... (Mt 25,35). Trách nhiệm của chúng ta là tìm cách để chia sẻ niềm hy vọng cùng họ và cung cấp cho họ một sự tin cậy/ tầm nhìn về một tương lai.

Chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống và hy vọng của họ là một lời mời gọi chúng ta lắng nghe những gì mà Tin Mừng đang kêu gọi chúng ta hành động. Họ thôi thúc chúng ta làm thần học trong mối quan hệ với những nỗi khổ đau hiện tại, thôi thúc chúng ta đọc ra những dấu chỉ của thời đại. Chúng ta cũng được mời gọi để thực thi lòng hiếu khách ở các mức độ khác nhau của cuộc sống như là chứng tá của ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Là tu sĩ Ða Minh, chúng ta có trách nhiệm đặc biệt để thực hiện điều ấy trong thời đại này.

Các anh em: Thomas Eggensperger, Ulrich Engel, Bernhard Kohl, Ignace Berten, Claudio Monge, Luca Refatti, Alessandro Cortesi

(Chuyển ngữ: J.B. Thạch Vịnh, OP)

http://www.op.org
114.864864865135.135135135250