06/06/2020 -

Chuyên đề

1467
TỰ SÁT Ở CÔNG ĐƯỜNG
         Coi phim Bao Công, thấy công đường phải là nơi “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Có thể nói đó cũng là tiêu chí cho mọi tòa án trên thế giới trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Trong phim, thỉnh thoảng, có những vụ án tại các địa phương đi vào bế tắc, người tốt bị hàm oan, kêu trời không thấu mà dẫn đến tự sát. May mắn ai gặp được Bao Công, có cơ hội để được xét xử công bằng, vì Bao Công nổi tiếng là người sáng suốt, chí công vô tư, phủ Khai Phong của ông là nơi cuối cùng mà người dân có thể chạy đến để tìm kiếm sự công bằng. Phủ Khai Phong cách nào đó về mặt cơ cấu giống như TAND Tối cao ở ta hôm nay vậy.
         Trở lại chuyện những bị cáo không tin và không phục trước quyết định của quan tòa, không biết kêu ai thì lấy cái mạng mình để làm chứng, để cho thấy sự trong sạch của mình. Đó là một bi kịch mà trong xã hội phong kiến không thiếu. Bởi có những ông quan xử án vừa bất tài lại tham lam. Do đó hành xử không công bằng, không thể chí công vô tư, thượng tôn pháp luật. Trước đây khi coi phim, cứ tưởng chuyện một bị cáo tự sát vì không tin vào công lý của người cầm cân nảy mực chỉ xảy ra ở thời phong kiến mà thôi. Thế nhưng ai ngờ, ở xã hội mà Đảng ca ngợi là ưu việt của Việt Nam hôm nay, vẫn còn đó việc toà án trở thành nơi người dân tìm tới để tự sát khi thấy mình bị oan ức, hòng thức tỉnh lương tri quan tòa, thức tỉnh nền tư pháp. Chuyện ông Lương Hữu Phước, một bị án tự sát tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước chiều 29/5/2020 vừa qua là một ví dụ. Nó cho thấy nên tư pháp đang rất có vấn đề.
        Sau vài ngày trở thành tâm điểm chú ý, nay có vẻ đã tạm lắng xuống. Mặc dù TAND Tối cao đã chỉ đạo TAND tỉnh Bình Phước báo cáo, rút hồ sơ kiểm tra. Và hôm 05/6 thì Chánh án TAND Tối cao tại TP. HCM đã ra quyết định kháng nghị, theo hướng xem xét hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng không biết thế nào, vì người ta vẫn còn đang hoang mang, hoài nghi về cách xử lý của Toà án tối cao. Thật khó để thấy bóng dáng của một Bao Công và sự ưu uy nghiêm của phủ Khai phong nơi đó. Vì như vụ án Hồ Duy Hải, dù quá trình điều tra đầy sai sót nhưng bị cáo vẫn bị tuyên là có tội. Giám đốc thẩm vẫn cho rằng “dù có sai sót nhưng không thay đổi bản chất vụ án”. Thật lạ! Đã có những sai sót không phải ít, thậm chí là nghiêm trọng theo luật sư bào chữa cũng như VKSND Tối cao chỉ ra, mà nguyên nhân là do sự chủ quan của cơ quan điều tra trong quá trình phá án, thì làm sao dẫn đến kết quả khách quan được?
        Trở lại vụ án ở Bình Phước, ngày 30/5, ban tuyên giáo tỉnh Bình Phước lại ra thông cáo báo chí để định hướng dư luận, nhận định vấn đề theo hướng bác bỏ những thông tin cho rằng toà xử oan. Trong khi đó Ban Tuyên giáo là cơ quan tuyên truyền của Đảng, nó không phải là một cơ quan có thẩm quyền và tư cách pháp lý theo Hiến định để làm việc đó thay cho tòa án. Chưa nói đến chuyện đúng sai của bị cáo, việc ra thông cáo báo chí của Ban tuyên giáo chỉ cho thấy lỗ hổng rất lớn trong nền tư pháp xã hội chủ nghĩa. Nó cho thấy hệ thống tư pháp cũng chỉ là công cụ của chính quyền và không có được sự độc lập cần thiết.
        Cũng nên nhắc lại là trước đó đã có nhiều trường hợp người dân phải uống thuốc độc tự sát, tự thiêu hay lấy dao rạch bụng mình như một cách tự minh oan trước khi trường hợp anh Lương Hữu Phước, người đã gieo mình từ trên lầu cao của trụ sở tòa án xuống đất ngay sau phiên xử vừa qua, xảy ra.
Lẽ thường, Tòa án là nơi để người dân tìm công lý khi những biện pháp hòa giải khác không giải quyết được mâu thuẫn trong các quan hệ xã hội, nhưng với những khuất tất như hiện nay, quả thật toà án đang đánh mất đi vai trò của mình.
        Nói chuyện Bao Công không phải là mong muốn trở về thời phong kiến. Nhưng một cách nào đó tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” thì không bao giờ thay đổi. Thật đau lòng khi một số người nhận xét về nền Tư pháp Việt Nam hôm nay rằng, đó là một nền tư pháp đã mục ruỗng từ bên trong, nên cái chết của ông Lương Hữu Phước cũng chẳng thể nào thức tỉnh nó được. Có lẽ cái chết của ông là vô ích.
        Tôi ước gì nhận định đó là sai! Tôi tin cái chết của ông sẽ không trôi vào quên lãng và vô ích. Tôi vẫn hy vọng và cầu nguyện, xin Chúa gửi những người có tinh thần thượng tôn pháp luật, chí công vô tư như Bao Công đến để giúp những người thấp cổ bé họng trong xã hội này. Tôi vẫn tin ở Việt Nam còn đó những quan tòa, những người thừa hành pháp luật mang tinh thần “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
THIÊN KHẢI
114.864864865135.135135135250