11/04/2020 -

Chuyên đề

2347
« Điều gì đã đang diễn ra ? Ngày hôm nay, một sự thinh lặng lớn lao bao trùm mặt đất ; một sự thinh lặng có thể nói là u ám vì đức Vua đang  chìm vào giấc ngủ. Trái đất đã rúng động và nó bị quy phục, bởi vì Thiên Chúa đã chìm vào giấc ngủ trong thân xác ». Đó là những lời của một bài giảng cổ xưa mà chúng ta đọc trong bài đọc Kinh Sách của Các Giờ Kinh Phụng vụ vào mỗi thứ bảy Tuần thánh.
1.- Giữa cái chết và sự Phục sinh
Thứ bảy Tuần thánh là một ngày chuyển tiếp mà chúng ta không biết phải nói như thế nào cả. « Điều gì đã đang diễn ra ? » Điều gì đang diễn ra cho các môn đệ đang trong tình trạng hoang mang khi chứng kiến những chuyện đã xảy ra với Đức Giêsu người Nazareth, vị ngôn sứ quyền năng trong hành động và lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân (Lc 24,19-20) : bị kết án, đóng đinh và chết. Có biết bao những tình cảm xáo trộn đang ngang qua suy tư và gây thổn thức trái tim của những con người này : các môn đệ và những người phụ nữ. Những người đã đặt niềm hy vọng vào Đức Giêsu. Trong một sự thinh lặng đầy xáo trộn, họ tự hỏi, và nghi ngờ với tất cả những xung đột nội tâm, nhưng hơn tất cả, họ nhớ về những hành động và lời nói của Đức Giêsu,
Căn bản, ngày thứ Bảy Tuần thánh là một ngày dành cho việc đọc lại những gì đã làm nên câu hỏi mà Đức Giêsu hỏi chúng ta : còn anh em, anh em bảo thầy là ai ? Câu hỏi được đặt ra với các môn đệ chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc biến hình lớn lao của Người trước mặt một số trong các ông, nhưng đó cũng là câu hỏi gián tiếp cho dân chúng, cho những nhà thông luật và pharisieu mà chúng ta tìm thấy được miêu tả trong Tin mừng theo thánh Gioan, chương 8 và được đọc lên trong suốt tuần thứ 5 của Mùa Chay. Khi Đức Giêsu nói « tôi là », Người đòi hỏi các thính giả bước vào tương quan với Người. Chẳng phải người ta đã nói về Người với những tước hiệu : kẻ điên, một con người bình thường, kẻ bị quỷ nhập và hay là con của Thiên Chúa ?
Và với những câu hỏi này, từ trong trái tim của các môn đệ, tiếng thốt ra từ thập giá, cái chết tức tưởi, đau đón của Đức Giêsu, cho thấy một sự tan tành của mọi hy vọng. Ngay cả khi một số đã nhớ đến những lời nói lạ lẫm của Đức Giêsu, như một sự loan báo trước : « Con người cần phải bị giết và vào ngày thứ ba sẽ sống lại » (Lc 9,22).
Câu hỏi mà Đức Giêsu đã nói với chị em nhà Matta trước cái chết của Lazaro : nếu tất cả cùng tin rằng những kẻ chết sẽ sống lại vào ngày sau hết (Ga 11,24) ; nếu tất cả đã thấy sự phục sinh của Lazaro ; nhưng chẳng ai hiểu ý nghĩa này cách chính xác về lời của Đức Giêsu. Đi vào trong cái chết và sự phục sinh của Người, ngày thứ Bảy Tuần thánh làm nên một vị trí cho sự thinh lặng của sự nhẫn nhịn ; cho một sự tiến gần đến với các sự kiện và cử chỉ của Đức Giêsu. Chính người mời gọi thực hiện hành động đức tin tựa như hành động của viên sĩ quan : « Quả thật, người này là Con Thiên Chúa !» (Mc 16,39).
2.- Một ngày trống rỗng
Nếu ngày thứ Bảy Tuần thánh là một ngày « trống rỗng », nó xuất hiện để bảo đảm với chúng ta rằng, « hố trống rỗng » này để nhận vào đó những hoa trái.
Các tín hữu đầu tiên đã cử hành về ngày này, một ngày của ăn chay tuyệt đối, không đền tội, nhưng lễ hội : một sự ăn chay của ước muốn, ước muốn được kết hợp trọn vẹn bởi sự phục sinh của Đức Kitô. Vì thế, không cần thiết phải cố làm quá nhiều việc trong ngày này, nhưng hãy đón nhận sự trống rỗng này. Nếu Đức Kitô, là sự sống của chúng ta, « đang chìm vào giấc ngủ », thì điều này không phải cho chúng ta từ bỏ hay xao nhãng, nhưng mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức, đợi chờ bên cạnh Người. Đó là một sự khác biệt so với ngày thứ Năm Tuần thánh. Đó là cơ hội của việc cân đo lại mức độ của sự trống trải và sự vắng mặt, nhưng rõ ràng không phải theo cách mất niềm hy vọng ; bởi vì việc chiêm niệm những hành động và ngôn ngữ của Đức Kitô lại nói với chúng ta rằng : trong Người, chúng ta đặt niềm hy vọng của chúng ta.
3.- Hai ngày Phụng vụ không trọn vẹn
Ngày thứ Bảy Tuần thánh là thành phần của Tam Nhật Vượt Qua –Triduum Pascal, đó là một cuộc cử hành trọng thể hàng năm trong cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Chỉ duy và cùng cuộc cử hành này đươc gìn giữ cách sống động trong suốt 4 ngày, việc tưởng nhớ hiến tế của Đấng cứu độ duy nhất, Đức Kitô. Từ ngày thứ Năm Tuần thánh cho đến ngày Chúa nhật Phục sinh, chúng ta được mời gọi tham dự vào lễ vật mà chính Đức Giêsu đã chuẩn bị cho ơn cứu độ chúng ta. Ngày thứ Bảy Tuần thánh không phải là một ngày tách biệt nào đó, nhưng là một ngày để tìm về với chính mình, trong trái tim của mình, bởi vì chính Người ở giữa như một thanh âm vang lên giữa những sự kiện mà nó tạo nên mầu nhiệm vượt qua.
Ở giữa của cử hành Thánh Thể trong ngày thứ Năm Tuần Thánh và của đêm Vượt Qua, Giáo hội không cử hành Thánh Thể. Vì thế, có hai ngày không phụng vụ Thánh thể, với ý nghĩa mà chúng ta đặt cho một tên gọi « phụng vụ » duy nhất cho việc cử hành thánh thể (Phụng vụ Thánh như cách gọi của các tín hữu Đông Phương), nhưng đó không phải là 2 ngày không phụng vụ, vì Giáo hội vẫn cầu nguyện. Giáo hội quy tụ để hình thành nên thân thể của Đức Kitô trong kinh nguyện. Giáo hội đã cầu xin trong lời khẩn nguyện lớn tiếng của ngày thứ Sáu với những lời cầu xin đặc biệt trong tư thế đứng gần Thánh giá ; ở chính nơi mà Đức Giêsu đã hiến tế bằng tiếng kêu lớn và trong nước mắt. Những lời cầu nguyện và van xin hướng về Thiên Chúa, Đấng có thể cứu vớt Người khỏi cái chết và thực hiện lời cầu xin vì chính sự vâng phục của Người  (x. Dt 5,7). Giáo hội tiếp tục cầu nguyện vào ngày thứ Bảy Tuần thánh, nhưng với một hình thức thinh lặng của u ám bao trùm. Chẳng ánh sáng, nhưng Giáo hội vẫn quy tụ để cử hành Giờ Kinh Phụng vụ vốn nâng đỡ niềm hy vọng của mình.
4.- Một cử chỉ duy nhất tồn tại trong hành động của Giáo hội : lời ca
Hẳn là với đức tin mà chúng ta lặp lại trong Giờ Kinh Sách các Thánh vịnh tin tưởng : « Trong an bình, con đã ngủ say, vì chính Ngài làm cho con sống » (Điệp ca Thánh vịnh số 4), vì chính đấng đang ngủ trong thân xác sẽ thức dậy và chúng ta loan báo rằng : « Đấng đang đến là vua vinh hiển ! » (Điệp ca Thánh vịnh 23). Nếu mắt chúng ta tuôn trào suối lệ khi người bạn mất đi, thì chính người con duy nhất và yêu dấu, Thiên Chúa vinh quang mà nhờ Người chúng ta có thể công bố những ngôn từ mà chính Người đặt vào môi miệng chúng ta : « Ta đã chết và giờ đây ta đã sống muôn đời ; ta đã bẻ gãy những khóa của tử thần và của địa ngục » (điệp ca Thánh vịnh 150, Kinh Sáng). Giáo hội đang cầu nguyện, đôi mắt không hướng nhìn sự buồn thảm, nhưng hướng đến Đức Kitô, Đấng đã vâng lời cho đến chết, và Người nhận từ Chúa Cha danh hiệu trổi vượt trên tất cả danh hiệu (xướng đáp bài đọc Kinh Thánh, buổi sáng và chiều. Xem trong Pl 2, 8-9).
Trong ngày này, không có cử chỉ bí tích như ngày thứ Năm Tuần thánh, không có tôn vinh, phủ phục như ngày thứ Sáu Tuần thánh ; không có rước cũng chẳng có các bài đọc dài. Cử chỉ duy nhất tồn tại đó là Giáo hội vẫn hát, bài ca của Thánh vịnh đặc trưng. Một phần bởi vì Đức Kitô ở đó làm vang lên tiếng của Người cầu nguyện với Chúa Cha và Người đưa chúng ta vào lời ca tụng.
Hơn nữa, bởi vì bài ca là một hành động của Giáo hội, Thân Thể của Đức Kitô, đang ngồi trước tấm đá che lấp cửa mồ, môi miệng mở ra và Thiên Chúa lấp đời bằng lời ca tụng. Đó là những gì của Thánh vịnh tự bản chất của nó, ngay cả khi nó được cất lên từ trong sự buồn phiền. Lời ca tụng, nghĩa là sự nhận biết về sự trung tín không phai nhạt của Thiên Chúa trải qua từ đời này đến đời kia.
5.- Ân sủng từ bên trong và trổ sinh
« Đức Kitô đang ngủ trong thân xác ».
Điều đó cho thấy tất cả những gì bên ngoài của một sự mất mát : Người đã mất đi đời sống. Tuy nhiên, đó là điều kiện cần thiết để đời sống trổ sinh ; và nhờ đó đời sống có một không gian được tự do bởi sự chết. Chỉ ân sủng, chứng thực cho những gì được trao tặng, và cho phép đón nhận hơn nữa, vì một không gian đã mở ra. Ngày thứ Bảy Tuần thánh là một ngày của chứng nhân của sự thật này, đó là không gian giữa sự mất và hoa trái. Nhưng, sự mất thì thuộc về Ngôi Lời làm người trong thân xác, hoa trái thuộc về Đức Kitô phục sinh, đưa chúng ta vào trong vinh quang của Người, vì “Này đây chính ta, đấng là sự sống, ta sẽ là một với người” (bài giảng cổ về ngày Thứ Bảy trọng đại).
 
Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP.
Lược dich theo Bénédicte Ducatel, trong Magnificat, n°237
114.864864865135.135135135250