22/04/2020 -

Chuyên đề

1302
Vì virus corona, Năm nay người Hồi giáo đối diện với tình cảnh chưa từng có trước khi tháng ăn chay Ramadan bắt đầu.

Tín đồ Hồi Giáo cầu nguyện.(Ảnh nguồn từ internet)
Ramadan là tháng quan trọng và linh thiêng nhất trong lịch Hồi giáo. Tháng Ramadan không cố định theo dương lịch. Người Ả Rập sử dụng lịch riêng của mình, theo đó tháng Ramadan sẽ bắt đầu vào tiết hilan (từ chỉ trăng non) tức là vào đầu tháng 9 theo lịch của người Ả Rập. Chiếu ra dương lịch thì tháng chay Ramadan năm nay sẽ kéo dài từ 24-4 đến 23-5.
Tháng Ramada là thời điểm các tín đồ thể hiện tinh thần tôn giáo cao nhất của mình qua việc cầu nguyện, ăn chay, làm việc bác ái cũng như thể hiện sự gắn kết với gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo phải nhịn ăn, nhịn uống từ khi rạng sáng lúc mặt trời bắt đầu mọc cho đến khi chạng vạng tối, lúc mặt trời đã lặn. Luật giữ tháng Ramadan là một trong năm điều quan trọng (5 cột trụ) mà các tín đồ Hồi giáo buộc phải tuân giữ: Tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa (Allah) và Muhammad là ngôn sứ của Ngài; cầu nguyện năm lần mỗi ngày; bố thí (làm việc bác ái); giữ chay trong tháng Ramadan và hành hương đến thánh địa Mecca ít là một lần trong đời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang phải đối diện với dịch viêm phổi Vũ Hán, tháng Ramadan năm nay chắc chắn sẽ diễn ra trong bầu khí không như mọi năm. Hiện tại, hầu như tại các quốc gia đều có lệnh cách ly, giãn cách xã hội. Do đó, các đền thờ Hồi giáo cũng tạm thời bị đóng cửa, mọi sinh hoạt tôn giáo công cộng đều không thể diễn ra. Điều đó khiến khoảng 1,8 tỷ người Hồi giáo trên thế giới đang phải đối mặt với một tháng Ramadan chưa từng có trong tiền lệ.
Bà Yamine Hermache (67 tuổi), một phụ nữ ở Algiers (thủ đô Algérie ), chia sẻ, bà thường đón những người thân và hàng xóm của mình tại nhà để uống trà và dùng bữa nhẹ vào buổi tối, nhưng năm nay bà lo sợ rằng mọi chuyện sẽ không thể như mọi năm được. Bà xúc động nói: “Chúng tôi có thể không đến thăm nhau được. Virus corona đã làm cho tất cả mọi người sợ hãi”. Chồng bà, ông Mohamed Djemoudi (73 tuổi), thì lo lắng: “Tôi không thể tưởng tượng Ramadan mà không có Tarawih”.

Chuẩn bị Iftar. (Ảnh nguồn Internet)
Tarawih là việc cầu nguyện bổ sung được thực hiện tại các đền thờ Hồi giáo sau bữa ăn tối (gọi là Iftar) trong tháng chay Ramadan. Iftar, hay có thể gọi là bữa ăn xả chay bắt đầu sau khi mặt trời đã lặn. Vào thời điểm này các tín đồ Hồi giáo mới được ăn uống trở lại sau một ngày nhịn ăn, nhịn uống. Các bữa ăn vào giờ này đều thường là những phần ăn nhẹ và nước để ổn định lại cơ thể.
Tại Jordan, chính phủ nước này và các nước Ả Rập láng giềng dự kiến sẽ công bố một Fatwa phác thảo những nghi thức Ramadan sẽ được tiến hành trong thời gian dịch bệnh. Khái niệm Fatwa trong Hồi giáo ám chỉ một phán quyết hoặc một sự giải thích chính thức về một điểm của luật Hồi giáo được đưa ra bởi một học giả (được gọi là mufti) và có tính pháp lý.
Samir El-Khatib, người điều hành một gian hàng ở đền thờ Hồi giáo al-Sayeda Zainab tại thủ đô Cairo, Ai Cập than thở: “Người dân không muốn đến các cửa hàng, họ rất sợ căn bệnh này. Đây là một năm tồi tệ nhất từ trước đến nay”. Hiện tại, chính quyền Ai Cập đã áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm và cấm cầu nguyện chung cũng như các hoạt động cộng đồng khác.
Tại Algéria, các chủ nhà hàng đang tự hỏi làm thế nào để cung cấp iftar (bữa ăn xả chay) cho người nghèo khi cơ sở của họ không được phép mở cửa. Trong khi các tổ chức từ thiện ở TP.Abu Dhabi cũng gặp vấn đề tương tự khi muốn tổ chức iftar cho những người lao động nghèo, người nhập cư, bởi tất cả các đền thờ Hồi giáo đều đóng cửa. Mohamed Aslam, một kỹ sư đến từ Ấn Độ hiện sống trong một căn hộ ba phòng ngủ ở trung tâm TP.Abu Dhabi cùng với 14 người khác. Tất cả đều đang gặp khó khăn vì thất nghiệp và phải dựa vào sự hỗ trợ thực phẩm từ các tổ chức từ thiện để sinh sống. Hơn nữa, tòa nhà chung cư hiện đang bị cách ly sau khi một người sống ở đây có kết quả dương tính với virus corona làm tình hình thêm ảm đạm.
Tại Indonesia, quốc gia Đông Nam Á có số lượng người Hồi giáo đông nhất thế giới cũng đang phải chống chọi với dịch viêm phổi Vũ Hán và đối diện với các biện pháp cách ly kéo dài. Do đó, tháng Ramadan năm nay chắc chắn sẽ không được như bình thường. Một người có một tên là Prabowo cho biết, ông dự định sẽ tổ chức dịp Eid al-Fitr, kỷ niệm cuối tháng ăn chay Ramadan, theo hình thức trực tuyến thông qua ứng dụng họp trực tuyến Zoom thay vì trở về nhà.
Đỗ Minh
(Theo Reuters, ngày 20-4-2020)
114.864864865135.135135135250