01/04/2020 -

Chuyên đề

1394
 
 
Dẫn nhập
Làm thể nào để phân định câu hỏi về việc “rước lễ thiêng liêng” khi các tín hữu đã không thể rước lễ mang tính bí tích (nghĩa là không thể đến nhà thờ tham dự Phụng vụ cách trực tiếp)?
Vì các quyết định hạn chế đi lại để nhằm chống lại sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp (Coronavirus), và điều này đã đụng chạm trực tiếp đến đời sống bí tích của tín hữu. Vì thế, việc đề nghị các tín hữu thay thế việc rước lễ bí tích bằng việc “rước lễ thiêng liêng” hoặc cách khác là “rước lễ bởi lòng muốn” đã được loan báo cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông trong toàn Giáo hội. Tuy nhiên, nếu những điều kiện hoàn cảnh ngoại thường này dẫn đến một sự thích ứng cho những thực hành không bình thường, thì cần phải có một sự phân định mang tính giáo hội để bảo đảm sự hài hòa giữa đức tin và những thực hành.
Hẳn nhiên, hình thức “rước lễ thiêng liêng” được đề nghị đã có nguồn gốc từ trong truyền thống của Giáo hội vào những thời kỳ tử đạo khi mà chúng ta nói đến bí tích rửa tội và việc rước lễ bởi “ước muốn”. Người ta đã lưu ý đến vấn đề này trong trường hợp các tín hữu phải sống trong một hoàn cảnh không thể đón nhận các bí tích vì bị bách hại hoặc bị cô lập. Nếu họ rơi vào tình trạng nguy tử và bị chết vì bách hại, Giáo hội của thời kỳ này đã xác định những người này đã nhận “phép rửa bằng máu”, ngay khi họ không thể nhận lãnh phép rửa trong nước. Từ cách nhìn này, tình huống đã gợi lên trong lúc này với tình trạng của dịch bệnh coronavirus, những khía cạnh bởi kinh nghiệm của những thế hệ Kitô hữu đầu tiên. Hệ quả là, vấn đề này có thể được làm sáng tỏ không chỉ như là một con đường để bước vào bàn tiệc thánh thể nhưng nó cũng là câu hỏi trọn vẹn cho những cử hành đối với dự tòng và các bí tích khai tâm Kitô giáo (về việc khảo hạch cuối cùng đối với anh chị em dự tòng và hẳn nhiên là việc cử hành của Đêm Vượt qua).
1.- Trước hết, chúng ta cần xác định về cụm từ “rước lễ thiêng liêng”
Người ta đã đón nhận và giải thích khái niệm này với rất nhiều nghĩa khác nhau : cụm diễn tả sự kết hợp của kẻ đón nhận với Đức Kitô, Đấng tự hiện thực bởi ước muốn của việc đón nhận bí tích, của một ước muốn và bởi chính bản chất khi được nối kết qua việc đợi chờ để được rước lễ bí tích[1].
Tính từ “thiêng liêng” một cách nào đó gây chú ý cho chúng ta, và chúng ta thấy điều này được nói đến trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dưới một sự phát triển về ý nghĩa là “Hiệp thông của Chúa Thánh Thần”:
“Hạn từ nói về sứ vụ của Thánh Thần trong hành động phụng vụ là thực hiện trong sự thông hiệp với Đức Kitô và làm nên Thân Thể của người. Thánh Thần như là nhựa sống của Cây Nho của Chúa Cha, trổ sinh nhiều hoa trái nơi cành của nó (x. Ga 15,1-17; Gl 5,22). Trong Phụng vụ, yếu tố hiện thực cùng được thực hiện cách khăng khít bởi Thánh Thần và Giáo hội. Chính Thánh Thần, nguồn cội của sự Hiệp Thông hiện diện liên tục trong Giáo hội; và cũng vì thế, Giáo hội là một bí tích lớn lao của sự Hiệp thông thánh thiêng, nơi qui tụ những con cái của Thiên Chúa bị tản mác. Hoa trái của Thánh Thần trong Phụng vụ là sự Hiệp thông không thể tách rời với Ba Ngôi Thánh và sự Hiệp thông huynh đệ (1Ga 1,3-7)”[2]
Cần phải không ngừng ghi nhận rằng chính Thánh Thần – duy mình người - Đấng là Thầy của sự hiệp thông: và sự hiệp thông chẳng phải là một cái gì đó, cũng chẳng phải là một ý muốn con người, nhưng là một quà tặng được đón nhận từ Trên Cao, là “quà tặng” tuyệt hảo nhất. Và chúng ta có một sự bảo đảm rằng Đức Kitô Phục sinh trao ban Thánh Thần để hướng dẫn các tín hữu đến với Chúa Cha. Chính vì thế, lời kinh “Lạy Cha” là cầu nối dẫn vào trong sự hiệp thông ba ngôi và từ trong đó là tất cả đời sống phụng vụ mời gọi chúng ta, không phải chỉ là sự hiệp thông thánh thể.
2.- Vị trí của rước lễ thiêng liêng trong lịch sử
Trong suốt hành trình lịch sử, Giáo hội đã nhận biết những thực hành và các quan điểm thần học khác nhau về  Thánh Thể. Hướng dẫn về rước lễ thiêng liêng được phát triển nhất là vào thời kỳ lịch sử của Giáo hội khi mà đối với các tín hữu thời ấy việc rước thánh thể là một hành vi hiếm hoi. Vì thế, cần phải đào sâu sự phân định qua sự kiện hiện tại trong một tiến trình lịch sử dài, để hiểu biết về những điều kiện đang diễn ra lúc này như một sự chuyển biến đến từ một thực tế cổ xưa.
Hướng dẫn này được đón nhận cách đặc biệt bởi Công đồng Trento vào thế kỷ 16, trên căn bản của một sự tiếp cận thời trung cổ khi phân biệt 3 cách thức của việc rước lễ :
  • “chỉ có tính bí tích” (nhưng sẽ rơi vào tình trạng tội lỗi, nếu ai đó đón nhận thánh thể mà không có lòng khát khao thực sự),
  • “chỉ duy thiêng liêng” (đó là rước lễ với lòng muốn)
  • và cuối cùng là “bí tích và thiêng liêng”, đối với những ai phù hợp cách trọn vẹn với đời sống bí tích mà nó cho phép đón nhận việc rước lễ với niềm tin và ý hướng ngay lành[3].
Cũng cần thấy rằng cách thức hướng dẫn về việc “rước lễ thiêng liêng” được nối kết trong sự sâu xa với một hình thức thần học đặc trưng mà ngày nay nó tạo cho đại đa số tín hữu sợ ngỡ ngàng!
Hơn nữa, chúng ta cũng không thể quên rằng, trong một thế giới được thực hiện bởi những khuynh hướng của việc tiêu thụ; thì mối liên hệ của chúng ta với sự hiệp thông được chìm đắm bởi ý hướng thỏa mãn một nhu cầu hơn là để gặp gỡ một ước muốn về một Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta, bởi vì Người yêu mến và cứu độ tất cả nhân loại. Đôi khi điều này được diễn giải trong một sự rộng lớn hơn. Vì thế, chúng ta có thể nghe ai đó nói rằng : “tôi chưa đi lễ” hay “tôi chưa rước lễ”.
Với những cách diễn tả khác, việc rước lễ thiêng liêng có thể không được nghĩ đến như là một hình thức cũng nên có của việc rước lễ trong một thời gian riêng tư. Nó cần được diễn tả từ một ước muốn của mối liên hệ và của sự sống, một tương quan mà luôn luôn có trong Kitô giáo đó là : không thể chia tách tình yêu của người bên cạnh với tình yêu của Thiên Chúa.
Khi dựa vào giáo huấn của thánh Têrêsa Avila, Đức Giáo hoàng thánh Gioan Phaolo II đã viết về ý tưởng “rước lễ thiêng liêng” trong Thông Điệp “Eccelesia de Eucharistia” rằng : hình thức này “đã lan rộng cách tích cực trong Giáo hội từ nhiều thế kỷ” và việc thực hành này được “đề nghị lại bởi các thánh, thầy dạy về đời sống thiêng liêng”[4]. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được từ ánh sáng của lịch sử về những thực hành thánh thể. Vào thế kỷ XVI, việc rước lễ thiêng liêng đã được thực hành khi mà nó hình thành một hình thức của tấm ngăn cách (gian cung thánh với khu giáo dân) giữa linh mục đang “dâng lễ” và tín hữu đang “lắng nghe”. Mặt khác, việc rước lễ bí tích được nối kết với một giáo huấn rõ ràng, căn bản (ăn chay ngặt, xưng tội….). Điều này được tuân giữ ngay cả đối với các nữ tu, khi bị ngăn cản với việc rước lễ bí tích[5]. Yếu tố giáo huấn này được thay đổi cách sâu xa từ đầu thế kỷ XX bởi Đức Giáo hoàng, thánh Pio X, đấng đã khuyến khích tín hữu rước lễ thường xuyên khi tham dự thánh lễ[6]. Và dĩ nhiên, nó trở nên căn bản cho những quyết định của Vatican II : Công đồng mạnh mẽ đề nghị việc thực hành này được hoàn trọn hơn nữa nơi thánh lễ đối với các tín hữu, sau phần linh mục rước lễ là : tín hữu đón nhận Mình Thánh Chúa với cùng những bánh vừa được thánh hiến trong thánh lễ[7].
Vậy, sẽ chẳng hợp lý khi nghĩ rằng, việc rước lễ thiêng liêng tựa như một cách thức qua lại cho đời sống bí tích. Việc rước lễ thiêng liêng cần phải đón nhận trong sự liên hệ căn bản với sự tưởng nhớ thánh thể mà việc cử hành cộng đoàn của thánh lễ là sự diễn tả thường nhật và trong trật tự.
3.- Nghĩ đến việc làm mới lại thần học đương đại
Cần phải ghi nhận rằng thần học thế kỷ XX đã mang đến một cái nhìn mới về những thực hành thánh thể và ý nghĩa của chúng: việc tham dự vào bàn tiệc thánh thể hoặc sự không có thể của nó trong những điều kiện hiện tại – vì thế cần phải được nghĩ đến từ ánh sáng của việc làm mới lại này. Trong một đoạn văn nói về việc “tham dự” vào Thánh Thể, và dựa trên nền tảng của một nguồn mạch truyền thống được đầu sâu trong các bản văn của các Giáo phụ, Giáo hội trong Hiến chề về Phụng vụ đã nói đến yếu tố căn bản mà nó làm nối kết vai trò chủ sự của linh mục và việc “tham dự” của tín hữu trong cùng một hành động mà nó thuộc về: nối kết của Đức Kitô và Giáo hội[8]:
Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ tay linh mục mà còn liên kết với ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người[9].
Bởi vậy, việc đề nghị “rước lễ thiêng liêng” vẫn tồn tại một sự hòa hợp với việc tái xác định của Truyền Thống và những hệ quả của nó về những thực hành bí tích. Chúng ta biết rằng, giáo lý về sự tham dự tích cực vào mầu nhiệm thánh thể cung cấp cho chúng ta bốn khía cạnh sau : 1) lắng nghe Lời Chúa: Lời là một biểu mẫu của sự hiệp thông; 2) sự hiệp thông bí tích; 3) hành động tạ ơn, và 4) sự nối kết thân mật với việc tưởng nhớ sự hiến tế của Đức Kitô, lễ phẩm của đời chúng ta trong sự duy nhất với anh chị em của chúng ta. Hẳn nhiên, không phải vì việc thúc đẩy qua việc rước lễ thiêng liêng này mà chia tách những giáo huấn của Giáo hội về sự kết hợp duy nhất của bí tích.
4.- Những điểm để đánh giá cho sự phân định
- Tất cả việc rước lễ bí tích là một sự hiệp thông thiêng liêng : Thánh Augustinô ghi nhận rằng : việc đón nhận Mình Thánh Đức Kitô, không chi là bí tích trọn vẹn nhưng cũng là thiêng liêng trọn vẹn[10]. Từ đó, sự phân biệt giữa hiệp thông “bí tích” (Mình và Máu Đức Kitô) và hiệp thông “thiêng liêng”, giả định trước một sự chia tách giữa hai con đường của sự hiệp thông mà trong thực tế chỉ hình thành một sự duy nhất không thể chia tách.
- Ý tưởng về “rước lễ thiêng liêng” cũng như việc rước lễ mà không được đón nhận bí tích đã làm thành thành phần (việc nâng lên và tôn thờ) của các phương diện để các tín hữu tiến lại gần với sự tiếp xúc thánh thể, ngay cả khi việc sợ rước lễ với tình trạng bất xứng và bởi tội lỗi mà làm cho ai đó bị chia cách[11].
- Khái niệm về “rước lễ thiêng liêng” đã thực hành trong quá khứ cũng như được hiểu rõ hơn khi nó đã là thói quen đối với tất cả, để thấy rằng thánh lễ được cử hành mà không có sự hiệp lễ nào khác, ngoài của linh mục.
- Đối với truyền thống kitô giáo cổ, “đi vào cộng đoàn” nhất là ngày Chúa nhật, đã xây dựng một khía cạnh quyết định của sự thuộc về vào một sự hiệp thông giáo hội[12]. Khi tham dự vào thánh lễ, (do ảnh hưởng bởi sức nặng của tội lỗi), việc rước lễ bí tích là một khía cạnh của sự thực hành ngoại lệ và thường dành cho thành phần ưu tuyển. Thế kỷ XX đã tái khám phá ra sự liên hệ nền tảng giữa việc rước lễ bí tích và sự tham dự vào cộng đoàn Kitô hữu như đã được nói đến bởi thánh Augustinô trong một bài giảng nổi tiếng dành cho các tân tòng :
Nếu bạn muốn thấy những gì là thân thể Đức Kitô, hãy nghe vị Tông đồ nói với các tín hữu : “Anh em là thân thể của Đức Kitô và các chi thể của Người” (1Cr 12.27). Bởi vì anh em, anh em là thân thể của Đức Kitô và các chi thể của người, đó là mầu nhiệm của anh em mà vì anh em, được đặt trên bàn của Thiên Chúa; đó là mầu nhiệm của anh em mà anh em đón nhận. Đó là sự khẳng định về những gì mà anh em là và anh em trả lời : Amen. Lời đáp của anh em tựa như một chữ ký. Khi vị linh mục nói với anh em : “Mình Thánh Chúa Kitô”, và anh em trả lời : “Amen”. Vậy hãy là các chỉ thể của thân thể Đức Kitô, để nhờ đó thực sự là lời thưa amen của anh em. (…) Hãy nên như những gì mà anh em thấy và đón nhận những gì như anh em là”[13].
- Công đồng Vatican II, cùng với việc cải tổ phụng vụ, đã muốn làm mới lại với cái nhìn duy nhất về Thánh Thể được cung cấp bởi khái niệm mầu nhiệm. Đó là tất cả việc cử hành là một mầu nhiệm của sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và Giáo hội. Phụng vụ Lời Chúa là một biểu tỏ sự đối thoại của Hôn Quân và của Hiền Thê làm thành một với phần Thánh thể[14]. Vì thế, Thánh thể không thể bị chia tách “lời và bánh”. Vì Phụng vụ Lời Chúa tìm thấy sự hoàn thành của nó mang tính bí tích trong phụng vụ Thánh Thể. Đó chính là sự duy nhất mang tính nền tảng của Thánh Thể mà sự thực hành của việc “rước lễ thiêng liêng” không bị loại bỏ.
Trong bản Giới thiệu chung về Sách Bài Đọc Roma[15] và nhất là Tông huấn Verbum Domini của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, đã ghi nhận một cách nào đó về chiều kính bí tích của việc công bố Lời Thiên Chúa trong phụng vụ[16]. Với ý nghĩa này, ý tưởng “rước lễ thiêng liêng” không thể được giảm thiểu sự mạnh mẽ của giá trị bí tích của phụng vụ Lời Chúa vào một hình thức mà không bảo đảm sự chân thật. Vì thế, Đức Biển Đức XVI đã sử dụng một khẳng định căn bản của Vatican II liên quan đến sự “hiện diện” của Đức Kitô, và vì thế như một kinh nghiệm chân thật về hiệp thông thiêng liêng – trong tất cả phụng vụ Lời Chúa và nhất là trong Phụng vụ Các Giờ Kinh :
Người ở đó, hiện diện trong Lời của người, vì chính người nói trong khi chúng ta đọc trong Giáo hội những bản văn Kinh Thánh. Cuối cùng, người ở đó khi Giáo hội cầu nguyện và hát thánh vịnh, vì Người đã nói : “Ở đâu có hai hai ba người tụ họp nhân danh Thầy, Thầy ở giữa họ” (Mt 18,20)[17].
Công đồng Vatican II đã phát triển một nền thần học về sự tham dự tích cực vào phụng vụ mà nó làm thành một trong những con đường thực hành của chức tư tế cộng đồng của mọi kẻ đã lãnh nhận phép rửa (hay bởi các bí tích khai tâm). Họ tham dự vào các chức vụ linh mục, ngôn sứ, vương đế…[18] . Đời sống cầu nguyện và sự hiệp thông bí tích vì thế làm thành một sự thực hành từ bản chất của chức tư tế cộng đồng. Nhưng việc thực hành của bác ái trong đời sống thường nhật, nhất là nó được đề nghị đặc biệt trong thời gian của việc cách ly này, cũng là một nơi chốn thực hành của cùng chức tư tế chung ấy.
Các tác giả trong thời kỳ đương đại khi đào sâu thần học Thánh Thể, đã lưu ý đến sự duy nhất giữa hiệp thông với Đức Kitô và hiệp thông giáo hội[19]. Đó là kết quả của sự duy nhất giữa hiệp thông thánh thể và hiệp thông giáo hộ. Và vì thế, việc cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng, cho giám mục giáo phận trong Kinh nguyện Thánh thể là một trong những sự biểu tỏ cách rõ ràng nhất. Việc “rước lễ thiêng liêng” vì thế cũng không thể bị chia tách khỏi sự hiệp thông giáo hội và từ các dấu chỉ của nó.
Trong thế giới tây phương đương đại, tính cách “thiêng liêng” là một sự lầm lẫn có tính liên tục với một khía cạnh của đời sống thân mật của những con người, và hạn từ “tâm linh” thì trở thành một hạn từ không rõ ràng được dùng trong những hoàn cảnh rất là rộng lớn và không có liên hệ với đời sống Kitô hữu, điều mà đôi khi là chính đáng cho một cái nhìn tùy phụ về niềm tin. Trong hoàn cảnh được mời gọi đến với việc “rước lễ thiêng liêng”, thì chúng ta cần phải làm trong mọi trường hợp để không thể trở thành một  thứ “lương thực” cho một xu hướng thuần túy “tâm linh” nhưng cần phải đưa ra chiều kích rõ ràng về những thực hành phụng vụ. Những điều này không chỉ liên quan đến cá nhân (tôi và Thiên Chúa của tôi), nhưng với thân thể của Giáo hội. Việc hiệp thông thiêng liêng không phải là một hình thức của sự đóng khung hay cách ly trong một sự diện đối diện với Thiên Chúa, nhưng nó là một cuộc gặp gỡ với một Thiên Chúa, Đấng thực hiện giao ước với một dân.
Chính vì thế, phụng vụ được diễn tả cách quen thuộc trong “chúng ta” và rất ít khi trong “tôi”. Và bởi vì Thân thể Giáo hội không còn là một thực tế tinh thần lệ thuộc vào ý muốn cá nhân phụ thuộc nối kết vào thân thể; chiều kích kết hiệp của phụng vụ là một khía cạnh quyết định của việc xây dựng Thân thể Giáo hội. Vào lúc mà những đề nghị của việc cử hành được nhân lên qua con đường internet, nó là một sự sống động diễn tả sự khác nhau giữa “cầu nguyện trước truyền hình” (sự vật được coi như là một hình thức liên hệ ‘thiêng liêng’ tinh ròng) và “thực hành” trong việc cử hành thánh lễ. Điều này cũng không làm mất đi giá trị vốn có của chính nó, nhất là trong thời gian cách ly này của thế giới, của việc tham dự vào phụng vụ, nhưng nó mời gọi tìm ra những phương tiện để tạo nên một chiều kích kết hợp với sự thực hành này của việc cử hành qua màn hình được đặt đan xen vào.
5.- Kết luận
Trong nghịch cảnh về một cuộc khủng hoảng truyền nhiễm, vốn đảo lộn mọi thói quen thông thường, việc đề nghị “rước lễ thiêng liêng” giống như một hình thức của đời sống thánh thể cần phải được đi kèm theo sự phân định thần học và tâm linh mà ở đó diễn tả lời mời gọi không ngừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Hoàn cảnh này được mời gọi đặc biệt chú tâm vào việc tái đào sâu ý nghĩa của việc cử hành thường nhật thánh lễ và việc tham dự vào bàn tiệc thanh thể.
Một số yếu tố lịch sử mà nó mang đến như một sự đóng góp, chỉ ra rằng khái niệm của cùng việc “rước lễ thiêng liêng” đâm rễ sâu trong một lịch sử dài của những thực hành và những đón nhận thần học, mà chúng không hẳn nhiên còn là của chúng ta. Trong ý nghĩa khác, thật hợp lý để không tự hài lòng lập lại những diễn tả của quá khứ, nhưng đi vào bên trong của gia sản mà Vatican II đã để lại cho chúng ta, cũng như đã quảng bá và sử dụng bởi Huấn quyền gần đây của Giáo hội. Việc đề nghị “rước lễ thiêng liêng” vì thế, cần phải được tìm kiếm từ sự hòa hợp với việc khẳng định rằng, sự tham dự vào phụng vụ là “chóp đỉnh” và “nguồn mạch” của đời sống Giáo hội[20]. Và chiếc la bàn cần phải luôn được hướng dẫn bởi một sự phân định để nên hiện thực : đó là sự duy nhất mang tính nền tảng giữa cử hành thánh lễ và hiệp thông bí tích.
 
Fr. Patrick Prétot. Osb.
Institut Catholique de Paris
Lược dịch từ
P. Frétot, « Vivre la « communion spirituelle » : repères pour le discernement » trong https://liturgie.catholique.fr/accueil/la-messe/la-liturgie-eucharistique/302794-communion-spirituelle-fideles-discernement-acces-communion-sacramentelle/
Fr. Joseph Nguyễn Hiển, OP.
 
[1] ĐGM. Louis de Bazelaire, “Commuion spirituelle”, Dictionnaire de Spiritualité, II, 1294-1300 : « Rước lễ hoàn toàn thiêng liêng, đó là được nối kết với Đức Giêsu Kitô hiện diện trong thánh thể, không phải trong việc đón nhận bí tích nhưng bởi một ước muốn được thủ đắc từ đức tin, được hướng dẫn bỡi đức ái » (DTC, art. Communion spirituelle, col. 572-573) ».
[2] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1108.
[3] Công đồng Trento, khóa họp XIII, ngày 11/10/1551, « Tuyên bố về Bí tích Thánh Thể, chương 8 », trong Denzinger, số 1648. Chúng ta có thể tìm đọc bản dịch Denzinger bằng tiếng Việt. Dịch giả Alberto Nguyễn Văn Hòa, op.
[4] ĐGH. Gioan Phaolo II, Tông huấn Ecclesia de Eucharistia, ngày 17/4/2003, số 34. Từ đây chúng ta đi vào bản văn của thánh Teresa Avila, La chemin de la perfection, chương 37 : « Khi chúng ta không rước lễ trong Thánh lễ mà chúng ta nghe, hãy rước lễ thiêng liêng, đó là một phương cách rất phù hợp […] ; vì bạn sẽ làm phát sinh ra trong bạn một tình yêu sâu thẳm với Thiên Chúa chúng ta ».
[5] Chẳng hạn, việc này đã xuất hiện trong các bản viết của thánh Teresa de Lisieux, cho sự thực hành rước lễ trong lịch sử của nó. Hãy xem bài viết trọn vẹn của tác giả Joseph Duhr, « Communion fréquente », Dictionnaire de spiritualite, II, 1234-1292 ; những chỉ dẫn của giáo hội thời trung cổ ấn định sự thanh sạch (tính dục) đối với người chồng, trong khi đó những người vợ sẽ bị ngăn cản rước lễ (cùng tác giả, trang 1252-1257).
[6] ĐGH. Pio X, Tuyên bố Sacra Tridentina Synodus về rước lễ thường xuyên, ngày 20/12/1905, trong Denzinger, số 3375-3383.
[7] X. CĐ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ (HCPV), số 55. Cũng xem QCSLRM, số 85.
[8] X. HCPV, số 02.
[9] X. HCPV, số 48.
[10] Bài giảng về Tin mừng theo thánh Gioan, XV-XXXIII, trong Oeuvres de Saint Augustin, “Bibliotheque Augustinienne”, 72, tra. introd. et notes  par M.F. Berrourd, s. I. Desclée de Brouwer, 1977, Tractatus XXVI, 11, p. 509.
[11] X. Công đồng Latran IV (1215), Denzinger, số 812, đã ghi dẫn về số lần của việc rước lễ (và của việc xưng tội) : ít nhất một lần trong năm trong thời gian lễ Phục Sinh.
[12] X. Dt 10,25. Lấy lại trong GLHTCG, số 2178.
[13] St. Augustin, Sermon 272, PL 38,1247, trad. E. Mersch, Le corps mystique du Christ, Bruxelles, Edition Universelle, 1935, tr. 115, được lấy lại trong Eucharistie, 20 siècles d’histoire, Présenté par F. Tollu, Paris, Cerf, « Textes en main », tr. 52-53.
[14] Cđ. Vatican II, HCPV, số 56.
[15] Giới thiệu chung về Sách Bài đọc Roma, số 41.
[16] ĐGH. Biển Đức XVI, Exhortation apostolique Verbum Domini, ngày 30/11/2010. Xem phần thứ 2, đặc biệt số 56.
[17] X. Cđ. Vatican II, HCPV, số 7.
[18] Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, số 10-11.
[19] Trong với công việc to lớn này, chúng ta thấy có rất nhiều các nhà thần học như chẳng hạn : Henri de Lubac, Jean-Marie Roger Tillard, Walter Kasper hay Gustave Martelet.
[20] Cđ. Vatican II, HCPV, số 10.

114.864864865135.135135135250