14/09/2021 -

Chuyên đề

532

1. Chuyện chúng mình:

Tòa án tối cao của Ý đã phán quyết rằng việc treo thánh giá tại lớp học không phải là một hành động kỳ thị. Lớp học có thể đón nhận sự hiện diện của thánh giá, khi cộng đồng nhà trường liên hệ thẩm định và quyết định một cách độc lập về việc treo thánh giá.
Hãng tin Ansa của Ý, truyền đi ngày 10/9/2021 vừa qua, cho biết phán quyết của tòa án tối cao có đoạn viết: “Việc treo thánh giá trong các lớp học tại một nước như nước Ý, gắn liền với kinh nghiệm sống thực của một cộng đoàn và truyền thống văn hóa của một dân tộc, không phải là một hành vi kỳ thị một giáo chức bất đồng vì lý do tôn giáo”.
Tòa đã cứu xét và tuyên bố phán quyết vì có đơn kiện của một giáo chức bị trừng phạt vì, ông chủ trương trường học phải trung lập về tôn giáo, và nhân danh tự do tôn giáo, ông đã tự động tháo gỡ tất cả thánh giá trước khi bắt đầu dạy trong các hớp học, và chỉ đặt lại chỗ cũ sau khi dạy học xong, bất chấp lệnh mà vị hiệu trưởng của trường đưa ra sau khi các học sinh yêu cầu duy trì thánh giá tại các lớp học. Giáo viên bị trừng phạt ngưng chức trong 30 ngày và người này đã khiếu lại lên tới tòa án tối cao để đòi bồi thường.
Tòa án đã hủy bỏ lệnh phạt của hiệu trưởng vì đó là điều không hợp pháp, tuy nhiên tòa không nhìn nhận một sự bồi thường nào theo lời yêu cầu của giáo viên, vì cho rằng tự do ngôn luận và giảng dạy của ông không bị hạn chế, vì việc treo thánh giá không phải là một hành vi kỳ thị.
Phản ứng về phán quyết của tòa án tối cao, Đức cha Stefano Russo, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý, nói rằng: Các thẩm phán tòa tối cao khẳng định thánh giá trong các lớp học không gây ra chia rẽ hoặc đối nghịch, nhưng là biểu hiện một cảm thức chung có căn cội sâu xa tại đất nước chúng ta và là một biểu tượng văn hóa ngàn đời. Quyết định của tòa án tối cao hoàn toàn áp dụng nguyên tắc tự do tôn giáo và bác bỏ quan niệm duy đời về xã hội muốn loại bỏ mọi tham chiếu tôn giáo tại các nơi công cộng. Trong phán quyết này, tòa nhìn nhận tầm quan trọng của tự do tôn giáo, giá trị của sự thuộc về một cộng đoàn, và tầm quan trọng của sự tôn trọng nhau.
(Ansa, AGI 9-9-2021)
G. Trần Đức Anh, O.P. (rvasia.org 10.09.2021)
(Nguồn: http://conggiao.info/toa-an-toi-cao-cua-y-treo-thanh-gia-tai-lop-hoc-khong-phai-la-ky-thi-d-62547)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Czech 1.649.349 30.414 1.683.315
2 Kazakhstan 762.049 10.354 842.587
3 Saudi Arabia 535.144 8.628 546.067
4 Việt Nam 385.778 15.660 624.494
Thế giới 202.640.464 4.651.289 225.984.951
Cập nhật lúc 6g10, ngày 14.9.2021

3.Khuôn vàng thước ngọc (Ga 3,13-17, thứ Ba, tuần XXIV Thường niên – Suy tôn Thánh Giá, lễ kính)

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Suy tôn Thánh giá. Có thể nói được rằng, thập giá là một nghịch lý đối với những kẻ không tin; bởi vì đó là nguyên nhân đưa đến sự thất vọng, tai họa và cả cái chết nhục nhã của Đức Giêsu. Thế nhưng, đối với các Kitô hữu, thập giá mang lại nguồn hy vọng, sự toàn thắng và sự sống vĩnh cửu ngang qua cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa. Trong quá khứ, thập giá là một hình phạt đáng sợ nhất mà con người có thể nghĩ ra. Còn hôm nay, thập giá lại trở thành biểu tượng của một tình thương vô bờ bến mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Như vậy, hết thảy các Kitô hữu chúng ta không thể nói mình tin vào Đức Giêsu mà lại chối bỏ thập giá. Hơn thế nữa, chẳng những chúng ta không được chối bỏ mà còn phải hãnh diện về biểu tượng thập giá mà chúng ta mừng lễ Suy tôn hôm nay; bởi vì, Đức Giêsu chẳng thể lãnh nhận triều thiên vinh thắng nếu Ngài không chấp nhận vác lấy thập hình và tiến lên đỉnh đồi Canvê năm xưa.
Ngày nay, thánh giá đã trở thành một hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với nhiều người, kể cả những người không phải là Kitô hữu. Thật vậy, ở đâu có người Kitô hữu, ở đó có Thánh giá. Tuy nhiên, đối với những người ngoại giáo, chắc chắn họ sẽ không thể hiểu được tại sao người Kitô hữu chúng ta lại tôn thờ một con người trần truồng bị đóng đinh trên thập giá như thế. Đối với họ, Đức Giêsu chỉ là một tử tội đã bị con người kết án và giết chết một cách nhục nhã. Thế nhưng, chính con người ấy lại được các Kitô hữu tôn thờ và tin nhận là cứu Chúa, là Thiên Chúa của mình. Mặc dù dân ngoại không tin, nhưng điều đó không làm cho chúng ta ngạc nhiên; bởi vì ngay từ ban đầu thánh Phaolô đã cho biết: Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ”. Còn đối với chúng ta là những kẻ tin, thì thập giá lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là ơn cứu độ mà Ngài tặng ban cho nhân loại này ngang qua cuộc khổ hình của Đức Giêsu.
Dầu sao, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng, nhận xét của những người ngoại giáo, những người không có đức tin về thập giá của Đức Giêsu hẳn là có lý do của nó. Bởi vì, thập giá vốn là dấu chỉ mà con người ta đã nghĩ ra để trừng phạt những kẻ tội đồ. Người Rôma đã sáng chế ra hình phạt thập giá để trừng phạt những tên trộm cướp, giết người và phản loạn. Mặc dù Đức Giêsu chẳng hề phạm vào những thứ tội kể trên, nhưng Ngài đã tự nguyện chấp nhận chết treo trên thập giá để cứu độ con người. Và khi tự nguyện hiến dâng mạng sống trên thập giá, Đức Giêsu đã biến thập giá vốn là dấu chỉ của tội ác, trở thành dấu chỉ của tình thương, thành phương thế để cứu độ con người khi Ngài nói: Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”. Thập giá của Đức Giêsu đã trở thành nơi Thiên Chúa bày tỏ tình thương cứu độ của Ngài đối với con cái loài người, đồng thời cũng là nơi con người học được cách thức đáp trả tình yêu thương của Thiên Chúa, bởi vì Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.
Như vậy, khi Suy tôn thánh giá của Đức Giêsu, chúng ta không thể không nhận ra con đường yêu thương mà Đức Giêsu đã đi qua và không ngừng mời gọi chúng ta tiếp bước theo Ngài. Con đường đó là con đường của thập giá, của hy sinh; nhưng hệ quả mà nó đem lại chính là sự sống đích thực và trường tồn. Người Kitô hữu chúng ta không được phép ngạc nhiên về những thập giá đang hiện diện trong cuộc đời của mình, bởi vì không thể yêu thương mà không có thập giá, không có hy sinh. Rất có thể những thất bại và khổ đau trong đời làm cho nhiều người nản chí hoặc buông xuôi. Thế nhưng trong chiều kích tích cực nhất, chúng ta cần phải hiểu rằng, triều thiên của Thiên Chúa ban tặng sẽ không bao giờ dành cho những kẻ chỉ thích hưởng thụ an nhàn mà khinh chê hay chán ghét những điều đòi buộc họ phải chấp nhận hy sinh gian khổ.
Lạy Chúa, xin giúp mỗi người trong chúng con khi chiêm ngắm thập giá của Đức Giêsu thì cũng biết nhận ra tội lỗi mà mình đã phạm. Xin soi sáng để chúng con cũng biết khám phá ra tình thương cứu độ mà Chúa đã trao ban, một thứ tình thương vốn lớn hơn tội lỗi của nhân trần. Xin cho chúng ta cũng biết quảng đại đáp trả lại tình yêu thương ấy bằng một cuộc sống hy sinh phục vụ, ngõ hầu nhờ đó mà chuộc lại phần nào lỗi lầm của những tháng ngày bội nghĩa vong ân.

4. Lời bàn

- Trên hành trình băng qua sa mạc, dân Israel lẩm bẩm than phiền và tiếc rẻ về việc bỏ xứ Ai Cập ra đi. Để trừng phạt, Đức Chúa đã cho rắn độc đến hại dân nhằm thức tỉnh họ. Dân chúng ăn năn và kêu xin Chúa thương xót, nên Ngài đã truyền cho ông Môsê làm một con rắn bằng đồng, treo lên cao, để hết thảy những ai nhìn lên con rắn ấy thì được chữa lành và thoát chết. Câu chuyện này đã gây một ấn tượng sâu đậm trong toàn thể dân Israel. Những người Pharisêu giải thích rằng: “Không phải con rắn đã ban sự sống. Khi Môsê treo con rắn lên thì người Israel nhìn và tin Đấng đã truyền lệnh cho ông Môsê làm như thế. Chính Đức Chúa đã chữa lành cho họ”. Như vậy, quyền phép chữa lành không ở nơi con rắn. Con rắn chỉ là một dấu hiệu, một biểu tượng để cho người ta hướng tư tưởng mình về Chúa và khi họ nghĩ đến Ngài thì được chữa lành. Thánh Gioan dùng câu chuyện này như là một dụ ngôn để nói về chính Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu một khi bị treo lên cây thập giá, thì tất cả những ai nhìn lên và tin vào Ngài cũng sẽ có được sự sống đời đời.
- Ở đây có một điều gợi ý khá thú vị, động từ treo lên trong nguyên nghĩa Hy Lạp là hupsoo. Từ này được dùng cho Đức Giêsu theo hai nghĩa. Trước hết, nó được dùng để chỉ việc Đức Giêsu bị “treo lên” cây thập giá. Thứ hai, nó cũng được dùng để nói đến việc Đức Giêsu được “cất lên” để bước vào vinh hiển lúc Ngài về trời. Như vậy, có hai lần Ngài được đưa lên, lần bị đưa lên thập giá và lần được đưa vào cõi vinh quang với Cha của Ngài; cả hai liên hệ với nhau như hình với bóng. Điều này không thể xảy ra mà không có điều kia. Với Đức Giêsu, thập giá là con đường tiến đến vinh quang. Nếu Ngài khước từ thập giá, né tránh, hoặc tìm cách để thoát khỏi nó, thì Ngài đã không thể bước vào cõi vĩnh phúc bên Cha của mình. Với chúng ta cũng vậy, chúng ta có thể chọn con đường dễ đi, có thể khước từ thập giá mà mỗi Kitô hữu được mời gọi phải vác lấy; nhưng nếu như thế, chúng ta sẽ mất phần vinh hiển. Đó là một trong những định luật bất biến của đời sống: không có thập giá thì không có triều thiên vinh quang.
- Thiên Chúa yêu thương chúng ta, lo lắng chăm sóc mỗi người và có lẽ Ngài chẳng mong gì hơn là tha tội một khi chúng ta lầm lỗi mà biết thực lòng ăn năn sám hối. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu. Thế nhưng, người Do Thái không dễ dàng tin như vậy. Họ luôn nhìn vào Đức Chúa của mình với một tâm thế lo sợ bị trừng phạt khi họ lỗi phạm. Do vậy, họ nhìn Đức Chúa như một vị thẩm phán và hết thảy mọi người đều là tội nhân trước tòa án của Ngài. Thật khó để họ có thể nghĩ khác về một Thiên Chúa không phải là một vị quan tòa chuyên tìm cách trừng phạt. Đức Giêsu đã phải trả giá bằng đời sống và cái chết của Ngài để công bố cho loài người biết về một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương chúng ta. Và chúng ta không thể trở thành Kitô hữu nếu chưa hết lòng tin như vậy.
- Chúng ta đã học biết sự sống đời đời là chính sự sống của Chúa. Khi được mời gọi vào hưởng nếm sự sống đời đời thì mọi mối tương quan trong đời sống chúng ta sẽ được bao bọc bởi sự bình an. Thật vậy, sự sống đời đời ban cho chúng ta sự bình an của Chúa. Khi đó, chúng ta không còn sợ sệt như khi đứng trước mặt một vị vua độc tài, hay tìm cách lẩn tránh một quan tòa nghiêm khắc, nhưng chúng ta được ở trong nhà với Cha của mình. Tiếp đến, sự sống đời đời đem lại cho chúng ta một mối tương quan chan hòa với mọi người. Nếu chúng ta được tha thứ thì chúng ta cũng phải biết tha thứ cho người khác; bởi vì, nó khiến ta có thể nhìn người khác giống như Chúa nhìn họ, đồng thời liên kết với mọi người thành một đại gia đình sống trong tình yêu thương.
- Ngoài ra, sự sống đời đời đem chúng ta vào trong sự chan hòa với thế giới chung quanh. Nếu Thiên Chúa là Cha, thì Ngài điều khiển mọi sự để tất cả trở nên tốt lành. Khi chúng ta tin Chúa là Cha, thì phải tin bàn tay của người cha sẽ chẳng bao giờ làm cho con cái của mình phải nhỏ lệ một cách không cần thiết. Chúng ta có thể không hiểu rõ về cuộc đời, nhưng chúng ta sẽ không còn oán trách nhau nữa.
- Hơn thế nữa, sự sống đời đời còn khiến chúng ta sống an hòa với chính mình. Nói cho cùng, con người sợ chính mình hơn bất cứ điều gì khác. Dẫu biết rằng, chúng ta không thể tránh né việc phải đương đầu với mọi điều gian khó hay thử thách ngặt nghèo; nhưng cho dù rơi vào những tình cảnh hiểm nguy như thế, chúng ta vẫn luôn tin có Chúa ở bên cạnh mình. Và cuối cùng, sự sống đời đời giúp chúng ta biết chắc rằng, sự bình an sâu xa nhất của thế gian cũng chỉ là cái bóng của sự bình an tuyệt vời sắp đến. Nó cho chúng ta một tia hy vọng, một mục đích để tiến tới đời sống mai hậu ngang qua những thực tại trần thế này; đồng thời hướng chúng ta đến một đời sống tốt đẹp trong tương lai.
- Ơn cứu rỗi là sáng kiến từ ngàn đời của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đôi khi người ta vẽ ra bức tranh về một Thiên Chúa nghiêm khắc, giận dữ, không dung thứ và khư khư nắm chặt lề luật. Còn Đức Giêsu thì khác, Ngài hiền hậu, yêu thương và sẵn sàng tha thứ. Kitô giáo luôn được mời gọi trình bày một thông điệp về Đức Giêsu như vậy trước mặt người đời. Quả thật, nguồn mạch chính yếu ở nơi Thiên Chúa đó là tình yêu. Thiên Chúa không hành động để thỏa mãn ước muốn cầm quyền của Ngài, để giày đạp vũ trụ dưới gót chân, nhưng là nhằm thỏa mãn tình yêu sẵn sàng chia sẻ cho nhân loại. Ngài không phải là một vị bạo chúa độc tài, coi thần dân như cỏ rác và bắt mọi người phải tuân phục mình một cách vô điều kiện. Thiên Chúa là người cha không thể vui cho đến khi những đứa con hoang đàng của mình chưa trở về. Ngài không đàn áp loài người để họ phải khuất phục, nhưng là trông mong và dịu dàng kêu gọi họ trở lại với tình thương của Ngài.
- “Việc treo thánh giá trong các lớp học tại một nước như nước Ý, gắn liền với kinh nghiệm sống thực của một cộng đoàn và truyền thống văn hóa của một dân tộc, không phải là một hành vi kỳ thị một giáo chức bất đồng vì lý do tôn giáo”. Đây là một trong những phán quyết của Tòa án tối cao sau khi kết thúc một vụ kiện tụng liên quan đến các biểu tượng tôn giáo được đặt để trong các lớp học. Chúng ta dường như khá xa lạ với vấn đề này, bởi vì các biểu tượng của tôn giáo không được phép sử dụng tại các trường thuộc hệ thống công lập; và do đó, chẳng bao giờ nghe nói đến chuyện tranh chấp hay kiện tụng. Còn ở Âu châu, đã có thời người ta bắt gặp thấy các biểu tượng tôn giáo xuất hiện cả những nơi công cộng chứ không riêng gì trong các trường học.
- Thế nhưng, kể từ khi các trào lưu tục hóa nổi lên mạnh mẽ, người ta đòi cần phải có một sự minh định rõ ràng giữa thần quyền với thế quyền. Các trào lưu này ngày càng lan rộng và gây sức ép lên các cơ quan công quyền đến nỗi hiện nay, nhiều trường học và ngay cả các bệnh viện, người ta cũng cho tháo gỡ các biểu tượng của tôn giáo. Trong bối cảnh đó, chúng ta mới hiểu được vì sao có cuộc kiện tụng và đưa đến những phán quyết trong câu chuyện trên đây. Cũng trong câu chuyện này, chúng ta sẽ có cơ hội để hiểu thêm về biểu tượng thánh giá có tầm ảnh hưởng thế nào trong đời sống đức tin cũng như đời sống xã hội của nước Ý. Thật vậy, câu trả lời của Đức cha Stefano Russo, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ý, đã giúp soi sáng cho chúng ta: “Các thẩm phán tòa tối cao khẳng định thánh giá trong các lớp học không gây ra chia rẽ hoặc đối nghịch, nhưng là biểu hiện một cảm thức chung có căn cội sâu xa tại đất nước chúng ta và là một biểu tượng văn hóa ngàn đời”.
- Khi nói về cầu nguyện, thần học gia Martin Luther có lần đã phát biểu thế này: Tất cả những người tìm đến Chúa trong đức tin chân chính, xuất phát từ tận trái tim, chắc chắn sẽ được lắng nghe, và sẽ nhận được điều mà họ mong muốn”. Ai trong chúng ta khi cầu nguyện cũng đều mong được Chúa nhận lời; chỉ có điều, chẳng phải ai cầu xin thì cũng được như ý. Theo lẽ thường, cho dù ở nơi đâu, chúng ta vẫn muốn được cầu nguyện dưới bóng cây thập tự. Có thể nói, thánh giá luôn là tâm điểm để chúng ta quy chiếu mỗi khi tham dự các giờ cầu nguyện chung cũng như riêng. Tuy nhiên, một cám dỗ mà chúng ta hay mắc phải đó là, dẫu cho chúng ta đang nguyện cầu dưới chân thánh giá, nhưng mắt thường nhắm nghiền lại, còn tâm trí thì lục tìm những ý chỉ để cầu xin mà ít khi để tâm chiêm ngắm mầu nhiệm thập giá. Cũng nên nhắc lại rằng, thánh Tôma Aquinô đã để lại cho Giáo Hội một kho tàng phong phú ngang qua các tác phẩm của ngài. Tuy nhiên, điều mà thánh nhân luôn tự hào đó là, tất cả những trước tác của ngài đều được viết dưới chân thập tự.
- Ngày nay, hiếm khi có dịp chúng ta nhìn thấy hình ảnh các tín hữu, sau khi làm Dấu thánh giá thì hôn lên tay của mình, cùng lúc với tâm tình của lời thưa Amen. Đằng sau cử chỉ hôn tay này còn ẩn chứa một giai thoại liên quan tới lòng đạo đức của các Kitô hữu trong những thời kỳ Giáo Hội bị bách hại. Nhiều người cho rằng, vào thời kỳ cấm đạo, việc làm Dấu thánh giá nhằm cho biết mình là Kitô hữu thực sự gây nguy hiểm cho bản thân. Vì lẽ đó, thay vì việc giơ tay lên làm Dấu thánh giá, người ta sẽ hôn lên biểu tượng được ghép bởi ngón tay cái vắt ngang ngón trỏ để tạo thành hình thánh giá. Như vậy, một khi thành tâm thực hiện điều đó thì chắc hẳn rằng, các Kitô hữu ngày trước cũng đã tỏ lòng Suy tôn thánh giá theo cách thế của riêng mình. Chớ gì ý nghĩa phụng vụ của ngày lễ Suy tôn thánh giá hôm nay sẽ trở thành lời nhắc nhở rằng, đây không chỉ là dịp để hoài niệm về một biến cố trong quá khứ, nhưng còn là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm tình thương mà Thiên Chúa đã rộng ban cho toàn thể nhân loại, cho dẫu Ngài đã chọn cho mình một cái chết trần trụi và đớn đau trên thập tự.
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250