28/09/2021 -

Chuyên đề

691
 
1. Chuyện chúng mình: NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ PHẬT TỬ CAMPUCHIA CỬ HÀNH “THỜI GIAN CỦA THỤ TẠO”
Hưởng ứng “Thời gian của Thụ tạo” và cử hành “Ngày cầu nguyện cho môi trường”, từ ngày 01/9, các linh mục Công giáo và tu sĩ Phật giáo Campuchia đã bắt đầu gặp gỡ trao đổi đề tài về môi trường và cùng trồng cây xanh.
Cha Enrique Figaredo, Dòng Tên, Phủ doãn Tông tòa Battambang cho biết, ở Campuchia, “Thời gian của Thụ tạo” là một cơ hội tốt đẹp để phát triển đối thoại, tình bạn và mối quan hệ liên tôn sâu sắc giữa các tín đồ Công giáo và Phật giáo. “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ Ngôi nhà chung, nơi đó chúng ta đang sống”, ngài khẳng định và mời mọi người cử hành “Thời gian của Thụ tạo”, từ 01/9 đến 04/10, cùng với Thông điệp Laudato si' của Đức Thánh Cha Phanxicô, năm 2015, về việc chăm sóc ngôi nhà chung.
Cha Enrique cho biết thêm, ở hạt Phủ doãn Tông tòa Battambang, phía Tây Bắc Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 300km, Giáo hội Công giáo có những trải nghiệm tốt đẹp khi cộng tác với các tu sĩ Phật giáo vì lợi ích của môi trường, xã hội, một tương lai tốt đẹp hơn. Từ 5 năm nay, vào “Thời gian của Thụ tạo”, người Công giáo và Phật tử đã có sáng kiến này để chăm sóc lãnh thổ và giúp mọi người, thuộc mọi tôn giáo, cũng có tinh thần chăm sóc môi trường như vậy.
Cha Enrique giải thích: “Chúng ta cần có một cam kết lớn hơn và đồng thời điều quan trọng là phải giáo dục những người trẻ thực hiện cam kết này. Đây là một vấn đề về tình yêu đối với cuộc sống: nếu chúng ta yêu cuộc sống chính mình và cuộc sống người lân cận, chúng ta phải bảo vệ và chăm sóc môi trường vì đó là hồng ân chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa, là công trình của bàn tay Người. Ngay cả khi giữa chúng ta khác nhau về quốc tịch, sắc tộc và văn hóa, chúng ta là con người, tất cả đều được mời gọi làm việc cùng nhau vì sự hiệp nhất và liên đới”.
Ngọc Yến – Vatican News
 (Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2021-09/cong-giao-phat-giao-campuchia-thoi-gian-thu-tao.html)
 
2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Ireland 339.559 5.209 385.721
2 Mông Cổ 284.712 1.225 296.766
3 Brunei 4.443 38 6.700
4 Việt Nam 538.454 18.758 765.998
Thế giới 209.652.852 4.767.282 232.959.618
Cập nhật lúc 6g, ngày 28.9.2021
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,51-56, thứ Ba, tuần XXVI Thường niên)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay gồm hai ý chính mà tác giả muốn trình bày: Đức Giêsu sắp hoàn thành cuộc Vượt Qua tại Giêrusalem và Ngài chuẩn bị cho các môn đệ thi hành sứ mạng sau khi Ngài rời khỏi các ông. ‘Rước lên trời’ là thành ngữ ám chỉ cái chết cũng như cuộc thăng thiên của Đức Giêsu. Thế nhưng, trước khi giờ ấy đến thì Đức Giêsu ‘nhất quyết đi lên Giêrusalem’. Lời giới thiệu trịnh trọng này cho thấy ý nghĩa đặc biệt của hành trình lên Giêrusalem để hoàn tất cuộc Vượt Qua. Cũng trên hành trình này, Đức Giêsu cùng các môn đệ đã vấp phải sự khước từ của dân thành Samari. Thực ra, người Do Thái luôn tránh giao thiệp với người Samari, đồng thời khinh dể họ vì cho rằng họ không còn thuần chủng nữa và vì niềm tin của họ đã có nhiều dị biệt. Ở đây, chỉ có thánh sử Luca và thánh Gioan ghi lại việc Đức Giêsu đi ngang qua vùng đất này.
Ngày nay, người ta thường muốn giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng con đường đối thoại và hoà giải thay vì bằng giải pháp quân sự. Điều đó cho thấy, con người ngày càng ý thức hơn về bài học mà Đức Giêsu, qua bài Tin Mừng hôm nay, muốn dạy chúng ta. Bài học đó là, bạo lực chỉ sinh ra bạo lực, chỉ có tình thương, sự bao dung và lòng tha thứ mới giải quyết được tận gốc rễ mọi xung đột trong xã hội loài người.
Hai anh em Gioan và Giacôbê vì thấy dân thành Samari không đón tiếp Thầy mình nên đã muốn dùng sức mạnh để diệt trừ. Họ nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? Thái độ thiếu bao dung này của Gioan còn được thấy ở một nơi khác, khi ông ngăn cản một người lạ mặt đã nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ (Lc 9,49). Lý do chỉ vì người đó đã không thuộc nhóm của ông, thuộc phe của ông. Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ bất bao dung đó, nên Ngài đã quở trách các ông.
Phải nhìn nhận rằng, thái độ khước từ đón tiếp Đức Giêsu của người Samari là không thể chấp nhận được. Thế nhưng, Gioan và Giacôbê chưa hiểu được rằng: cánh cửa đi vào tâm hồn con người chỉ có thể mở được từ phía bên trong mà thôi, nghĩa là người ta không thể dùng bạo lực để cưỡng ép người khác phải chấp nhận sự thật. Dùng sức mạnh để giải quyết vấn đề, có thể mang lại kết quả trước mắt, nhưng đó chỉ là kết quả tạm thời. Đức Giêsu đã không dùng quyền năng để đe doạ và cưỡng bách người khác phải tin vào Ngài. Trái lại, Ngài chỉ thuyết phục bằng cuộc sống và bằng cái chết vì yêu thương mà thôi. Con đường Đức Giêsu đã đi qua không được tráng bằng máu của người khác, nhưng bằng tình yêu, bằng đau khổ và bằng chính máu của Ngài.
Con đường Đức Giêsu đã đi qua, con đường ấy giờ đây cũng diễn ra trước mắt chúng ta qua hiến lễ của Đức Giêsu trên bàn thờ mỗi ngày. Và chúng ta không thể tham dự vào hiến lễ cứu độ ấy của Đức Giêsu, nếu chúng ta không đi lại con đường mà Ngài đã đi qua, đó là con đường của nhẫn nại, của bao dung và của tha thứ. Nếu không tỉnh táo, chắc chắn chúng ta cũng sẽ đi vào vết xe đổ của hai thánh Tông đồ năm xưa. Khi đó, chúng ta săn sàng gây hấn, sẵn sàng tìm cách loại trừ những người không cùng quan điểm với mình, không đi theo phe nhóm của mình. Nói cách khác, chính thái độ bất bao dung sẽ giết chết lòng nhân ái và cũng chẳng thể nào phá bỏ được hàng rào ngăn cách giữa chúng ta với người khác được. Một thế giới đại đồng, nơi đó ngập tràn tình lân ái, là điều ai cũng mong mỏi đợi chờ. Thế nhưng, để có được điều đó, chắc chắn phải cần đến sự cộng tác một cách tích cực của hết thảy mọi người trong chúng ta.
          Lạy Chúa, xin cho tất cả chúng con biết dẹp bỏ ý riêng và chung tay với mọi người để kiến tạo một thế giới đầy tình lân ái và yêu thương. Xin dập tắt ngọn lửa hung bạo vẫn hằng cháy âm ỉ trong sâu thẳm cõi lòng mỗi người và xin đừng bao giờ để nó bùng lên khiến tâm hồn chúng con trở nên héo úa. Xin dạy chúng con luôn biết hỉ hoan trong việc tiếp đón người khác và đừng bao giờ nghi ngại hoặc tính toán thiệt hơn với những người anh chị em của mình.
 
4. Lời bàn
- Con đường thẳng và ngắn nhất từ Galilê đến Giêrusalem là phải đi băng ngang qua xứ Samari, nhưng hầu hết người Do Thái đều muốn tránh con đường đó. Có một mối thù xa xưa giữa người Do Thái và dân Samari. Thực ra người Samari cũng làm đủ mọi cách để gây cản trở hoặc làm hại những kẻ hành hương băng ngang qua xứ sở của họ. Đối với Đức Giêsu, đi lên Giêrusalem bằng con đường này là một việc bất thường, và tìm chỗ dừng chân ở tại Samari lại là một việc còn lạ lùng hơn nữa. Làm như vậy, cách nào đó chính Đức Giêsu đã trao bàn tay hữu nghị của mình cho những người sẵn lòng thù địch với dân tộc của Ngài. Chắc hẳn đã diễn ra ở đây một thứ gì đó còn hơn cả sự khinh miệt. Chính vì thế, Giacôbê và Gioan tin rằng việc làm của họ là đúng và đáng khen khi xin sức mạnh từ trời xuống để phá hủy, nhưng thực ra là tiêu diệt làng Samari này. Nhưng Đức Giêsu đã không cho phép họ làm như vậy và còn quở trách các ông. Thánh Luca không ghi nhận Đức Giêsu đã rầy la họ những gì, nhưng một số thủ bản đã chép lại rằng: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào, vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng”.
- Dân Samari đã phạm vào một thứ tội mà người Do Thái coi là không thể tha thứ được; bởi vì, họ đã làm mất đi sự thuần chủng của người Do Thái khi sống “lang chạ” với dân ngoại. Thật vậy, về đức tin, họ không chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa mà còn thờ năm vị thần khác của dân ngoại nữa. Về đạo lý, họ chỉ tin nhận năm quyển sách đầu tiên của bộ Sách Thánh Cựu Ước. Vì những lý do này nên họ bị những người Do Thái chính thống từ chối, không cho họ đóng góp để tái thiết đền thờ sau khi trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon. Nhiều người còn gay gắt gọi họ là thứ “lai căng lạc đạo”. Con số ‘năm’ mang tính biểu tượng này cũng từng xuất hiện trong câu chuyện về người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp mà thánh Gioan từng nói đến. Cho đến hôm nay, trong gia đình người Do Thái vẫn còn tuân thủ một số luật định hết sức nghiêm ngặt. Đơn cử, nếu có một đứa con trai hay con gái lấy vợ hoặc chồng là người ngoại, thì người ta lập tức làm lễ an táng cho người con ấy. Bởi vì, một người như thế thì Do Thái giáo chính thống xem như là đã chết rồi.
- Sự bất hòa còn gay gắt hơn, nhất là khi một người Do Thái phản đạo tên là Manase đi cưới con gái của Sanbalát, một người Samari và sau đó, người này tìm cách xây đền thờ đối lập trên núi Garidim, nằm giữa Samari. Về sau, dưới thời dòng họ Macabê, năm 129 trước Công nguyên, John Hyrcanus, đại tướng và là lãnh tụ dân Do Thái đã mở cuộc tấn công người Samari, cướp phá và hủy diệt ngôi đền thờ tại Garidim. Chính vì lý do đó, người Do Thái và người Samari lại càng thù ghét nhau hơn. Dân Do Thái miệt thị gọi dân Samari là dân Cút, theo tên của dân tộc mà người Assyri đưa đến định cư tại Samari. Còn những người Pharisêu thì răn dạy rằng: “Không ai được ăn bánh của dân Cút, vì kẻ nào ăn bánh ấy, chẳng khác gì ăn thịt heo”.
- Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý thêm rằng, không có chỗ nào mà Đức Giêsu trực tiếp dạy về bổn phận phải biết khoan dung như ở đây. Quan niệm cho rằng, “chỉ có niềm tin và phương pháp của chúng ta mới là đúng”, đã gây nên những thảm kịch trong Hội Thánh nhiều hơn bất cứ sự gì khác. Có nhiều con đường để đi tới gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài có một cái thang bí mật riêng dành cho mỗi tâm hồn. Và vì thế, mỗi người sẽ tìm được cách thức riêng, miễn sao họ leo lên tới sự trọn hảo của Thiên Chúa là được. Ngoài ra, Thiên Chúa hành động bằng các đường lối khác nhau, và vì vậy, không người nào được giữ độc quyền về chân lý của Ngài. 
- Lòng khoan dung không được đặt nền tảng trên sự khác biệt, song dựa trên tình thương mến. Chúng ta khoan dung không phải vì chúng ta không còn chọn lựa nào khác, nhưng vì chúng ta không được nhìn kẻ khác bằng con mắt chỉ trích, mà phải bằng con mắt yêu thương. Khi Abraham Lincoln bị chỉ trích vì quá tử tế với kẻ thù và ông được nhắc nhở rằng, bổn phận của ông là phải tiêu diệt chúng. Ông đã trả lời bằng một câu rất nổi tiếng như sau: “Tôi có tiêu diệt kẻ thù của tôi đó chứ khi tôi khiến họ trở nên bạn của tôi”. Đối với một người hoàn toàn đi sai lạc, chúng ta cũng không được coi họ như một kẻ thù cần phải tiêu diệt, nhưng phải coi họ như một người bạn lạc đường và cần phải thu phục lại họ bằng tình yêu thương.
- “Chúng ta cần có một cam kết lớn hơn và đồng thời điều quan trọng là phải giáo dục những người trẻ thực hiện cam kết này. Đây là một vấn đề về tình yêu đối với cuộc sống: nếu chúng ta yêu cuộc sống chính mình và cuộc sống người lân cận, chúng ta phải bảo vệ và chăm sóc môi trường vì đó là hồng ân chúng ta đã nhận được từ Thiên Chúa, là công trình của bàn tay Người. Ngay cả khi giữa chúng ta khác nhau về quốc tịch, sắc tộc và văn hóa, chúng ta là con người, tất cả đều được mời gọi làm việc cùng nhau vì sự hiệp nhất và liên đới”. Từ xa xưa, người ta đã hướng đến một thế giới Đại đồng, nơi mà con người có thể chung sống chan hòa và vô cùng tốt đẹp, bằng việc người người thương yêu và giúp nhau, nhà nhà an cư lạc nghiệp, xã hội tự do nhưng luôn ý thức tự giác vì ích chung, không còn sự phân biệt đối xử và vắng bóng các cuộc xung đột, con người sống trong hạnh phúc cũng như luôn biết tôn trọng các giá trị đạo đức. Tất cả những điều này tạo nên các giá trị cốt lõi của cuộc sống. Thật vậy, một khi con người biết liên đới cũng như chia sẻ cho nhau những giá trị căn bản và thiết yếu, chắc rằng nhân loại này sẽ được hưởng thái bình. Điều đó cũng có nghĩa là, việc cổ vũ và nhân rộng mô hình đối thoại về “Thời gian của Thụ tạo” sẽ luôn là cần thiết, nhằm kiến tạo một không gian, nơi mà tất cả mọi người đều có thể chung chia niềm vui của chính mình cũng như của mọi người chung quanh.
- Tiếc thay, những tham vọng của các quốc gia nổi lên một cách mạnh mẽ và mọi mục tiêu nhắm tới đều dựa trên các lợi ích kinh tế thay vì chú trọng phát triển mối tương quan được đặt nền tảng trên các giá trị luân lý hay công bằng xã hội. Chính vì lẽ đó, các cuộc tranh chấp thường xuyên diễn ra khắp nơi mà hầu hết đều liên quan tới lợi ích kinh tế giữa các quốc gia. Xu hướng “mạnh được yếu thua” đã thúc đẩy nhiều quốc gia lao vào các cuộc chiến nhằm xác định vị thế cho đất nước mình. Đến lúc này, quyền lực và lợi ích kinh tế gắn chặt với, tạo nên một sức mạnh có khả năng chi phối các nước khác; và hẳn nhiên, nó luôn kéo theo tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới. Đức Thánh cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng đã nhắc nhở cho chúng ta về điều đó. Ngài nói: “Khát vọng quyền lực và của cải là vô giới hạn. Trong hệ thống này, với khuynh hướng dẫm nát bất cứ cái gì cản trở sự gia tăng lợi nhuận, thì những thực tại mong manh, như môi trường chẳng hạn, hoàn toàn không có khả năng tự vệ trước những lợi ích của một thị trường được thần thánh hóa và trở thành quy luật duy nhất” (số 56). Như vậy, chỉ một số quốc gia có đủ tiềm lực kinh tế, chính trị và nhất là quân sự, sẽ chiếm ưu thế; đồng thời mang về cho đất nước mình ngày càng thêm nhiều của cải. Trong khi đó, những hậu quả đến từ việc tận thu các nguồn lợi kinh tế sẽ tác động tiêu cực và khiến cho phần còn lại của nhân loại này phải hứng chịu những thiệt hại do sự bất bình đẳng tạo ra.
- Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta dường như dễ dàng nhận ra lối ứng xử thiếu hòa nhã, nếu không muốn nói là bất bao dung theo kiểu của hai vị Tông đồ xưa muốn loại trừ những người không thuộc về phe của mình. Nó có mặt ở khắp nơi, trong cả chiều kích cá nhân lẫn chiều kích tập thể. Nó đe dọa sự an ninh toàn cầu. Thật vậy, việc chạy đua vũ trang giữa các nước cường thịnh đã cho thấy sự an toàn của tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới luôn bị đặt trong tình trạng báo động. Các loại vũ khí hiện đại thừa sức bình địa một quốc gia nào đó mà chỉ cần vài thao tác, dựa trên những thuật ngữ điện toán đã được lập trình sẵn. Chúng ta thật khó hình dung cảnh tượng làng Samari sẽ ra sao nếu như lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan được Chúa đáp ứng. Tuy nhiên, chúng ta có thể mường tượng ra được hậu quả tàn khốc nếu thế giới này để xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân. Chẳng ai mong muốn điều đó xảy ra, nhưng kì thực, không một ai dám bảo đảm những hình thức tiêu cực của bạo lực có thể dễ dàng kiểm soát trong thế giới này. Đức Thánh cha Phanxicô tiếp tục soi sáng cho chúng ta về vấn đề này trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng. Ngài viết: “Cũng như sự tốt lành có xu hướng lan tỏa, dung túng sự ác, nghĩa là bất công, có khuynh hướng mở rộng ảnh hưởng độc hại của nó và âm thầm hủy hoại mọi hệ thống chính trị xã hội, bất kể hệ thống ấy có vẻ vững chắc đến đâu. Nếu mọi hành động đều có những hệ quả của chúng, thì một sự ác nằm trong các cơ cấu của xã hội cũng có một tiềm năng phá hoại và hủy diệt lâu dài. Nó chính là sự xấu được kết tinh trong những cơ cấu xã hội bất công, và không thể là cơ sở để hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta còn ở xa cái gọi là “tận cùng của lịch sử”, vì các điều kiện cho một sự phát triển bền vững và hòa bình vẫn chưa được thấy rõ và đầy đủ” (số 59). Chúng ta luôn cầu mong cho nhân loại này được bình an và thịnh vượng. Nhưng dù sao đi chăng nữa, những thứ mong ước ấy chỉ có thể thành toàn trong sự quan phòng của Thiên Chúa và tình liên đới của hết thảy mọi người trong sự bao dung.
   Viết Cường, O.P. 
 
114.864864865135.135135135250