27/09/2021 -

Chuyên đề

754


1. Chuyện chúng mình: Tâm tình tu sĩ phục vụ bệnh nhân Covid-19: Chiếc giường trống
Giường trống đã có người từng nằm trên đó, vào một ngày đã khỏe lại và xuất viện hoặc vào một giây phút nào đó đã không còn hơi thở nữa. Trong Bệnh viện Hồi sức Covid-19 này, người đến rồi đi là chuyện rất bình thường, vẫn xảy ra hằng ngày.
Ngày tôi hết hạn cách ly tập trung 14 ngày và trở về lại cộng đoàn thì nhận được tin nhắn: “Bé Mập mất rồi”. Bé Mập là biệt danh nhóm thiện nguyện chúng tôi đặt cho em. Có lẽ, em là bệnh nhân trẻ nhất và mập nhất trong bệnh viện này mà tôi biết được. Em vào khoa chúng tôi phục vụ, em nằm đây rất nhiều ngày nên chúng tôi có nhiều kỷ niệm về em ấy và thương mến em nhiều. Ngày cuối cùng làm việc nơi đây thì chúng tôi có đi thăm em. Lúc đó, em tỉnh và khỏe hơn, tưởng rằng sau này em sẽ qua khỏi. Khi đi thăm, có một sơ nói với em: “Ráng hết bệnh về chị mua trà sữa cho em uống thì tay em liền nhúc nhích. Em còn mở mắt nhìn chúng tôi”. Thế nhưng, em đã không chiến thắng được con siêu vi đó.
Lật lại chút kí ức về bé Mập, nhà em có 2 mẹ con, em vào phòng bệnh ở khu Hồi sức Covid-19 này nằm được tầm 3 tuần, sau đó chuyển sang khoa khác cũng tầm 2 tuần. Em được nhiều anh chị y bác sĩ và tình nguyện viên (TNV) thương mến. Em chỉ nằm đó, không nói gì, lâu lâu mở mắt nhìn và nhúc nhích ngón tay rất khẽ. Sức khỏe của em thì không ổn định, lúc tỉnh lúc mê. Có lẽ em là bệnh nhân nằm trong khoa này lâu nhất và được các thầy, các sơ đọc kinh cầu nguyện cho em nhiều nhất. Hôm đó, tôi vừa mới vào phòng bệnh, đang đi đến giường các bệnh nhân như mọi khi thì bác sĩ Toàn - người Công giáo nói với tôi: “Anh Tâm cầu nguyện cho giường số 3, máy không chạy, bệnh nhân khó qua…”.  Thế là, tôi và 2 sơ cùng ca trực đi lại chỗ em, đọc một chuỗi kinh Mân Côi để cầu nguyện cùng Mẹ cho em. Rồi dần sau đó, máy đã chạy và SpO2 của em đã tăng lên. Cả khoa mừng lắm. Ở nơi phòng bệnh này, khi một bệnh nhân qua khỏi cơn nguy hiểm là tất cả đều mừng.
Một lần khác, tưởng là em không qua khỏi. Hôm đó, tôi vào làm việc trước, còn 2 sơ cùng kíp trực vào sau. Khi vào, bác sĩ nói với tôi là em sắp đi rồi. Thế là, tôi đứng bên giường em, bác sĩ đứng bên máy để theo dõi từng chi tiết của các chỉ số trên máy. Tôi và bác sĩ đứng đó rất lâu để cứu em bằng cách của mỗi người. Khi 2 sơ cùng kíp của tôi vào, tôi nói là lại cầu nguyện cho Mập lần cuối. Chúng tôi cầu nguyện cho em, lúc này SpO2 của em đã dưới 30 rồi. Sau đó, chúng tôi đi làm việc khác. Lúc sau quay lại thì chỉ số SpO2 tăng lên được trên 40. Hết ca trực thì về chỗ ở, chúng tôi nghĩ là em sẽ đi sau đó, nhưng tạ ơn Chúa, em đã vượt qua được. Ít ngày sau, em chuyển sang khoa khác để lọc máu và sức khỏe tốt hơn nhiều. Thế nhưng, không ngờ em lại chấm dứt cuộc đời còn tươi trẻ tại đây. Em rời bỏ thân xác bệnh tật, đi về cõi vĩnh hằng.
Hồi tưởng lại những ngày còn làm việc trong khoa, thấy bên ngoài xe đẩy thi hài đi qua, nghĩa là trên xe có ít nhất một người ra đi, để lại chiếc giường trống đó. Mỗi ngày có khoảng 15 chiếc giường trống như thế và con số người đi vào để nằm lên những chiếc giường đó thì cũng gần gấp đôi. Rồi dần dần, bệnh viện mở thêm nhiều khoa hơn vì số bệnh nhân nhập viện tăng lên. Thân phận con người bụi đất, nay thấy đó, mai lại trở về cát bụi.
Cầu mong một ngày không xa, những chiếc giường trống sẽ nhiều hơn, không phải vì một ai đó đã ra đi, mà là, không còn một bệnh nhân Covid-19 nào nữa, để những chiếc giường trống chìm vào dĩ vãng.
Lạy Chúa, nhân loại chúng con đã không còn sức chịu đựng cơn dịch bệnh này. Bao nhiêu nỗi khổ đau đến với từng người chúng con. Xin Chúa ra tay ngăn chặn cơn dịch bệnh này, để chúng con có được một cuộc sống tốt đẹp như người Cha muốn cho con cái mình.
Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho linh hồn của những người đã qua đời vì Covid-19 được vào hưởng Thánh Nhan Chúa. Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin Cha thương xót nhân loại chúng con. Amen!
 Tu sĩ Antôn Chung Chí Tâm, dòng La San
(Nguồn: http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/tam-tinh-tu-si-phuc-vu-benh-nhan-covid-19-chiec-giuong-trong_a13380)
 
2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Uganda 96.027 3.145 123.181
2 Angola 47.273 1.501 55.121
3 Trinidad & Tobago 44.176 1.457 49.949
4 Việt Nam 527.926 18.584 756.636
       
  Thế giới 209.189.605 4.761.422 232.574.738
Cập nhật lúc 6g, ngày 27.9.2021
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,46-50, thứ Hai, tuần XXVI Thường niên- nhớ thánh Vinh Sơn Phaolô)
Sau khi đưa một em bé ra làm hình mẫu, Đức Giêsu khuyên phải tôn trọng trẻ em vì danh Ngài. Qua kiểu nói trong bản Hy Lạp, dường như Chúa muốn nhấn mạnh, dù một trẻ nhỏ cũng phải được tiếp đón. Thiết tưởng, kẻ bé mọn trước tiên phải hiểu theo nghĩa thông thường; nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa bóng để nói về bất cứ ai, trong bất kỳ một lãnh vực nào, nhưng hay bị người ta đánh giá thấp. Cách riêng trong lãnh vực đức tin, ‘những kẻ bé mọn’ được hiểu là những tín hữu còn yếu kém về đạo lý. Tất cả đều phải được tôn trọng: đó là vì danh Thầy. Đức Giêsu tự đồng hoá mình với những người nhỏ bé như thế để được tôn trọng. Như vậy, bao lâu chúng ta chưa ý thức mình cần phải tiếp đón người khác trong sự khiêm tốn thì bấy lâu, chúng ta chưa thể đón tiếp Chúa đến với mình được.
          Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho thấy, chắc hẳn các môn đệ đã cảm thấy bất ngờ trước bài học mà Đức Giêsu dạy cho họ. Chung một sự kiện nhưng chúng ta sẽ bắt gặp một điều lý thú dựa trên ba cái nhìn của tác giả Nhất lãm. Thật vậy, nếu như trong Tin Mừng theo thánh Máccô, Đức Giêsu chủ động hỏi các môn đệ về những điều họ tranh luận khi đi đường, đó là muốn biết ai là người lớn nhất trong số họ. Với thánh Mátthêu, các môn đệ tự tìm đến đặt câu hỏi với Đức Giêsu xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời. Riêng với thánh Luca, Đức Giêsu đã chất vấn các ông, ngay cả khi câu hỏi tương tự mới chỉ nảy ra trong đầu các môn đệ. Vì lẽ đó, các ông càng cảm thấy bối rối hơn khi mà Thầy Giêsu đã bắt được “thóp” của mình.
Thật ra, vấn đề lớn và nhỏ luôn nằm trong tâm trí chúng ta chứ không riêng chỉ có ở nơi các môn đệ. Con người ta vốn dĩ thường mong muốn mình là người cao trọng nhất, nghĩa là có địa vị, có quyền hành, có quyền lợi nhất so với số đông còn lại. Tuy nhiên ở đây, ngay khi các môn đệ đang suy nghĩ trong lòng về ước mong đó thì Đức Giêsu đã biết ý nghĩ của các ông. Ngài bảo các ông đừng nghĩ tới vấn đề đó nữa, mà hãy nghĩ ngược lại, tức là hãy trở thành kẻ bé nhỏ nhất, nghĩa là đừng nhắm địa vị và quyền hành, quyền lợi mà hãy sống khiêm tốn như trẻ nhỏ. Cái khó là ở chỗ, trong bất kỳ xã hội nào, người ta vẫn nghĩ trẻ con chỉ là thành phần “ăn chưa no, lo chưa tới”, chứ khó lòng làm được chuyện gì lớn lao. Chính não trạng đó đã khiến cho các môn đệ và cả chúng ta nữa cũng cảm thấy chưng hửng trước những điều Đức Giêsu truyền dạy. Như thế, một bài học hết sức cụ thể dành cho mọi người đó là, nếu chúng ta biết đón tiếp các kẻ bé mọn cách tử tế thì cũng là tiếp đón chính Đức Giêsu vậy.
Thói thường, người ta dễ niềm nở với những ai mang lại lợi ích cho mình; chẳng hạn người có địa vị, có quyền hành, có của cải. Đức Giêsu thì ngược lại, Ngài căn dặn các môn đệ của mình phải có thái độ rộng mở đón tiếp mọi người, dù đó là một đứa trẻ chẳng có địa vị hay quyền hành gì cả. Trẻ thơ được xem như là hình ảnh đại diện cho những người thấp cổ bé họng trong xã hội, thậm chí còn nói đến những phận người bị khinh miệt và bị loại trừ khỏi cộng đồng. Trong  đời sống đức tin, khi bàn về vấn đề này, lẽ ra chúng ta cũng phải đón tiếp mọi người, đặc biệt ưu tiên đón tiếp những kẻ bé mọn; thế nhưng, khuynh hướng tự nhiên vẫn còn lấn át chúng ta. Đôi khi, chúng ta vẫn thờ ơ, thậm chí xua đuổi những kẻ bé mọn vì nghĩa rằng chúng chỉ đưa đến cho mình sự phiền hà và tốn kém. Thế nhưng, sắc diện của chúng ta bỗng dưng thay đổi khi niềm nở tiếp đón và vồn vã với những người chức cao vọng trọng hoặc bất cứ người nào hứa hẹn mang lại lợi lộc cho chính bản thân mình. Đó chưa hẳn là một sự “lươn lẹo” trong cung cách sống của mỗi người; nhưng dù sao đi chăng nữa, những điều đó cũng đã cho thấy, chúng ta chưa thực sự sống tinh thần bác ái mà người môn đệ của Đức Giêsu cần phải có.
Cuối cùng, người ta thường dùng cái khung phe nhóm để định hướng thái độ của mình. Theo nghĩa này, những ai được coi là đồng minh, tức là bạn và trở thành đối tác chiến lược; còn ngược lại, sẽ là những đối thủ và chúng ta sẵn lòng làm mọi thứ để chống lại hoặc tẩy chay họ. Trong khi đó, Đức Giêsu lại khuyên các môn đệ của Ngài: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Thật không khó để có thể hiểu được động cơ cũng như phản ứng của thánh Gioan trong trình thuật này. Nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ, đó là một việc làm tốt. Nhưng vì Gioan đã đánh giá việc trừ quỷ theo một tiêu chí lệch chuẩn, tức là do người ấy không cũng đội với mình. Nhằm chấn chỉnh lại quan niệm sai lạc đó, Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy suy nghĩ theo một tiêu chuẩn mới tức là, đừng tìm cách ngăn cản những người không làm điều gì đó nghịch lại với chúng ta.
Lạy Chúa, xin đừng để những vinh hoa trần thế che khuất tầm nhìn và khiến chúng con cư xử thiếu tình bác ái với tha nhân. Xin soi sáng để chúng con biết tránh xa những thỏa hiệp với điều bất chính và giữ gìn tâm trí chúng con khỏi những dục vọng đê hèn. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm Thánh ý của Thiên Chúa, chứ đừng vì ham mê tìm kiếm những lợi lộc thấp hèn mà đánh mất lương tri. Và, xin cho chúng con biết chân thành tiếp đón mọi người như là đang phục vụ chính Đức Giêsu vậy.
 
4. Lời bàn
- Ai là người lớn nhất? Đây là một câu hỏi rất ý nghĩa và được trả lời bằng một câu cũng cho thấy ý nghĩa không kém. Các môn đệ tự hỏi trong lòng xem ai là người lớn hơn hết; nhưng thay vì trả lời trực tiếp cho họ, Đức Giêsu đã gọi một em bé đến và nói cho các môn đệ hiểu rằng, muốn làm người lớn nhất thì phải là người phục vụ nhiều nhất. Việc phục vụ được nói đến ở đây là gì nếu không là tiếp đón người khác. Thế nhưng, điều xảy ra ngoài suy tính của các môn đệ đó là, Đức Giêsu đã đồng hóa mình với hình ảnh của một em bé: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Đức Giêsu đã dẫn các ông đi quá xa, đến độ ngay tức khắc, các ông không thể nắm bắt được tư tưởng của Thầy mình.
+ Đức Giêsu muốn chúng ta nhìn thấy ở nơi trẻ em những đức tính của một công dân Nước Trời. Có nhiều đức tính đáng yêu nơi một đứa trẻ, như khả năng ngạc nhiên trước cảnh lạ lùng của thế giới, nhanh tha thứ, mau quên cho dù người lớn hay cha mẹ hành xử bất công với chúng. Sự ngây thơ trong trắng khiến cho trẻ thơ luôn học hỏi và thực hiện những điều người khác chỉ dẫn cho mình. Nơi trẻ thơ, chúng bộc lộ những đức tính mà người lớn thường khó bắt chước để làm theo được. Trước tiên, đó là sự khiêm nhường thường thấy ở nơi những đứa trẻ. Trẻ em không muốn mình bị đẩy ra phía trước, nó luôn muốn lùi lại đằng sau. Chúng không muốn nổi bật; chỉ khi nào lớn lên, chúng mới bắt đầu bước vào thế giới của sự cạnh tranh, cố giành phần thắng về mình, tìm những chỗ ưu tiên và bỏ lại đằng sau sự khiêm nhường vốn thuộc về bản chất của một đứa trẻ.
+ Sự nương tựa chính là một trong những đặc tính hoàn toàn tự nhiên ở nơi một đứa trẻ. Không bao giờ nó nghĩ rằng, tự nó có thể đối diện với cuộc sống. Nó hoàn toàn chịu nương tựa vào những người yêu thương và chăm sóc nó. Cũng giống như trẻ thơ, nếu chúng ta biết nương tựa vào Chúa thì chắc rằng, tình thương của Thiên Chúa sẽ luôn trao tặng cho chúng ta một nguồn sinh lực mới, một nguồn bình an mới; nhờ đó mà chúng ta sống một cách tròn đầy hơn và sung mãn hơn. Mặt khác, bản chất của trẻ thơ là luôn tin rằng, cha mẹ sẽ sẵn sàng cung ứng cho chúng những nhu cầu cần thiết nhất. Khi còn nhỏ, chúng ta không thể tự sắm sửa quần áo, tìm kiếm thức ăn hay tự trang bị cho mình những thứ cần thiết; nhưng chúng ta tin chắc rằng, mình có được mọi thứ nhờ cha mẹ yêu thương và lo liệu. Khi còn nhỏ, chúng ta đi đây đi đó mà không nghĩ đến việc trả lộ phí, cũng chẳng cần phải nghĩ làm thế nào để đến được nơi mình muốn. Chúng ta không bao giờ nghi ngờ mà ngược lại, luôn tin chắc rằng, cha mẹ sẽ song hành cùng chúng ta đến đó một cách an toàn.
- Vấn đề căn bản ở đây là, Nhóm mười hai vẫn nghĩ đến Vương Quốc của Chúa cũng giống như một vương quốc trần gian. Chính vì lẽ đó, họ không tránh khỏi sự tranh giành nhau về những địa vị cao thấp. Đức Giêsu biết rõ ý tưởng đó trong lòng họ, nên việc Ngài đem một em nhỏ đặt ngồi cạnh ngài, tức là chỗ vinh dự nhất, để muốn dạy các ông một bài học về sự phục vụ: Ai tiếp đón một em nhỏ là tiếp nhận chính Ngài. Điều đó cũng có nghĩa rằng, cho dù các môn đệ là những người vốn dĩ luôn ở bên cạnh, nhưng nếu họ không ý thức được điều mình đang tranh luận, thì họ cũng chả chiếm được một vị trí cao trọng nào trong Nước của Ngài.
+ Các môn đệ là những người thích hư danh; về phần mình, chúng ta cũng giống các ngài, nhưng đó là một sai lầm. Nên nhớ rằng, khi chúng ta làm việc cho Chúa thì danh tiếng sẽ chẳng thể len lỏi vào trong tâm trí chúng ta; bởi vì chúng ta nên biết rằng, điều tốt nhất của chúng ta cũng chẳng là gì so với điều thiện hảo vốn có ở nơi Thiên Chúa.
+ Các môn đệ ham chức tước, quyền lực; về phần mình, chúng ta cũng thế, nhưng đó vẫn lại là một sai lầm. Khi chúng ta có một công tác, một địa vị hay một chức vụ nào đó trong Hội Thánh, chúng ta nên coi đó là một trách nhiệm hơn là một vinh dự. Có những người phục vụ trong Giáo Hội nhưng thực ra họ không nghĩ tới đối tượng mình phục vụ, mà chỉ nghĩ đến chính bản thân họ. Được chọn lựa vào một chức vụ nào, là được biệt riêng ra để phục vụ, chứ không phải để được nên cao trọng trước mặt người khác.
+ Các môn đệ muốn mình được nổi bật hơn và chúng ta cũng muốn y chang như vậy; nhưng tiếc rằng, đó cũng lại là một sai lầm. Nhiều người chỉ phục vụ hoặc dâng tặng khi họ được người ta biết đến sự phục vụ và sự rộng rãi của mình, đồng thời tỏ bày lòng biết ơn cũng như ca ngợi họ. Nhưng Đức Giêsu không dạy chúng ta như thế. Ngày dạy rằng, khi làm việc bác ái thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm. Nếu chúng ta cho đi với một mục đích tư lợi hoặc vì hám danh, thì chúng ta đã làm hỏng tất cả những việc tốt đẹp xưa nay mình đã làm.
- “Cầu mong một ngày không xa, những chiếc giường trống sẽ nhiều hơn, không phải vì một ai đó đã ra đi, mà là, không còn một bệnh nhân Covid-19 nào nữa, để những chiếc giường trống chìm vào dĩ vãng”. Tận thâm tâm, tôi cũng luôn ước mong như người anh em này. Đại dịch Covid đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ, giờ là lúc chúng ta chẳng thể ngồi yên để nói chuyện đạo đức và hy vọng nhân loại này quên đi những tang thương hay mất mát. Ngoài ơn Chúa, chắc hẳn chỉ có thời gian mới là một thứ “phép màu” giúp người ta nguôi ngoai sầu muộn. Câu chuyện của bé Mập giúp chúng ta hình dung một cách rõ ràng hơn về sự đơn chiếc và nỗi đớn đau nơi người ở lại. Có lẽ vào lúc này, chẳng thể tìm đâu ra một chiếc máy có thể đo được độ quặn thắt nơi tâm hồn người mẹ vừa vụt mất đứa con duy nhất của mình.
- Chiếc giường trong Bệnh viện dã chiến mùa này dường như không có khái niệm “trống, vắng”; bởi vì, rất nhiều bệnh nhân đang nằm lay lắt đâu đó để chờ đến lượt. Họ không có quyền chọn lựa cho riêng mình; nhưng chẳng sao cả, đã có người khác làm thay cho họ. Tuy nhiên, với người mẹ đau khổ ấy, việc bé Mập ra đi không chỉ để lại chiếc giường trống, bàn ăn, hay cả căn nhà thêm phần vắng lặng, mà còn để lại trong tâm hồn bà một cõi vắng không gì có thể bù đắp nổi. Sự chia lìa này có thể khiến bà trở thành một người mẹ trông rất khác so với thường ngày. Thay cho tiếng nói cười hoặc thủ thỉ cùng con, giờ chỉ còn lại một nỗi u hoài. Thay cho tiếng rầy la con trẻ, giờ chỉ còn lại tiếng nấc nghẹn khi ai đó hỏi thăm về đứa con vắn số. Thay cho những lời nhỏ to tâm sự, giờ chỉ còn lại ánh mắt vô hồn nhìn di ảnh của con mình đặt cạnh bàn thờ.
- Khi tình cờ đọc được câu chuyện này, tôi chợt nhớ tới lời bài hát Ngày về của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong đó, ông đã đan dệt niềm đau nỗi nhớ của một người mẹ mất con bằng những ca từ chứa chan dòng lệ: Một bàn cơm ngon trước ghế không người / Mẹ bày cho con với nước mắt rơi / Gọi hồn con thiêng hãy đến đây ngồi / Lòng Mẹ nghe như có tiếng nói cười”. Như thế, cho dù con cái mất đi vì những lý do khác nhau thì dường như nỗi đau nơi các bà mẹ chỉ có một. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay nhắc tới việc Đức Giêsu đặt một em nhỏ ở bên cạnh mình, tức là một chỗ danh dự, chỗ nhất. Các môn đệ tranh luận để xem ai chiếm được chỗ nhất, nhưng Đức Giêsu đã khiến họ bẽ bàng. Còn với các bà mẹ, dường như điều bận tâm lớn nhất không phải là vị trí con mình ngồi bên  trái hay bên phải; bởi vì, chúng luôn ở trong tâm hồn của họ. Chính vì thế, sự ra đi của con cái bao giờ cũng để lại một mảnh hồn thương đau nơi những bậc sinh thành. Chúng ta cầu mong cho đại dịch mau qua, cũng là muốn bớt phải chứng kiến những cảnh sinh ly tử biệt. Chúng ta hãy hiệp lòng cầu xin để Thiên Chúa đoái thương và xoa dịu những nỗi đớn đau mà nhân loại này đang ngày đêm hứng chịu. Xin Chúa an ủi và đỡ nâng hết thảy những ai đang gánh chịu nỗi đau vừa mất đi những người thân yêu nhất của họ. Và, xin cho những người đã ra đi trong cơn đại dịch này, sớm được hợp đoàn cùng Chúa trong bến bình an.
 Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250