30/09/2021 -

Chuyên đề

1463

1. Chuyện chúng mình: VIẾT CHO CHỊ - NGƯỜI ĐÃ CHIẾN THẮNG TRONG TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG
Người ta nói giây phút đẹp nhất là giây phút cuối ngày, khi ai nấy đều yên tâm rằng mình đã an toàn sau một ngày làm việc vất vả và trở về đoàn tụ bên người thân.
Xế chiều ngày 28/9/2021 tưởng rằng ngày hôm nay sẽ khép lại trong an bình khi chị em đã quây quần bên Chúa trong lời kinh nguyện cuối ngày, thì cũng là lúc Hội dòng bàng hoàng, xót thương nhận tin chị ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn giao thông. Chúng ta có thể hiểu được nỗi đau khi ai đó đột ngột ra đi khi tuổi đời còn trẻ, nhưng chắc chẳng ai có thể cảm thấu thế nào nỗi đau khi mất đi người mình thương mến, một người chị em đang trong độ tuổi có thể cống hiến và dấn thân phục vụ một cách hiệu quả nhất.
Chúa gọi chị khi chị đang thi hành sứ vụ phục vụ các bệnh nhân, một sứ vụ cao cả và rất đáng trân quý. Chẳng có lý do gì, chẳng kịp nhìn người mình yêu thương lần cuối, chẳng kịp gặp ai, vì đã 4 tháng nay, từ khi dịch bùng phát trở lại chị đã cùng đội ngũ y bác sĩ nơi chị làm việc tham gia phòng chống dịch tại bệnh viện dã chiến, chị phải xa cộng đoàn, xa chị em để dấn thân trọn vẹn cho sứ vụ của mình.  Và rồi cứ thế một kiếp người, một ơn gọi trôi qua trong nỗi bàng hoàng, xót thương của những người ở lại.
Phận người mong manh đến khắc nghiệt. Một nữ tu âm thầm nhiệt thành, dấn thân, một nữ bác sĩ tận tâm, tận lực, một người chị em dễ thương, hiền lành …Chị đã cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được ước mơ và thao thức là được phục vụ bệnh nhân, thế nhưng ước mơ vừa được thắp sáng lại vội vàng lịm tắt trong tiếc nuối khôn nguôi, thao thức chưa tròn đầy lại nhanh chóng chôn vùi theo kiếp phận. Chị đành bỏ lại công việc chị yêu thích, bỏ lại những bệnh nhân chị đang chăm sóc đêm ngày, bỏ lại Hội dòng nơi chị được nuôi dưỡng và trưởng thành trong hành trình ơn gọi, bỏ lại những người chị em đã cùng chị sống đời tu và chia sẻ với chị trong từng sứ vụ, bỏ lại những người thân trong gia đình mà đã lâu rồi chị chưa có điều kiện ở bên họ… Chị lại ra đi giữa thời điểm dịch Covid lan tràn, không cho phép những người thương yêu của chị đến bên chị để cầu nguyện và nói với chị lời từ biệt.
Đau lắm, nghiệt ngã lắm, nhưng hội ngộ và chia ly. Cuộc đời vẫn thế, và chúng ta vẫn phải bước vào cái vòng vây khắc nghiệt này, vì mình còn tồn tại. Suy nghĩ như thế để thêm niềm xác tín vào đường lối của Thiên Chúa, vì Ngài có kế hoạch riêng cho từng người.
Thật khó để cảm nhận chị đã đau như thế nào, chị đã chiến đấu với giây phút cuối đời ra sao? Chỉ biết rằng, chị đã thua trong cuộc chiến sinh tử này, song chúng ta tin rằng, giờ đây chị đã đã là người chiến thắng, vì chị đã đi hết chặng đường khổ lụy, đau thương của kiếp người để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa. Chị đã chiến đấu và chiến thắng như một con lừa cần mẫn, tín trung chở Chúa trên lưng tiến vào thành, bằng hy lễ thánh hiến của đời chị, bằng sự dấn thân phục vụ các bệnh nhân, bằng sự chân thành, vui tươi của chị dành cho chị em trong Dòng và những người chị gặp gỡ… Hôm nay thiên đàng mở cửa đón chị, hạnh phúc vĩnh cửu đã mỉm cười với chị, và Thiên Chúa sẽ đón nhận chị vào nơi cung lòng của Người.
Cầu chúc chị lên đường thanh thản, nhẹ nhàng và hạnh phúc mãi mãi chị nhé. Chúng em luôn nhớ đến chị trong lời cầu nguyện sớm chiều.
Thương chị
Tham Nguyen
(Nguồn: http://daminhrosalima.net/hoi-dong/viet-cho-chi---nguoi-da-chien-thang-trong-tran-chien-cuoi-cung-33851.html)
 
2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Malaysia 2.037.099 26.143 2.232.960
2 Mexico 2.999.060 276.376 3.645.599
3 Czech 1.654.019 30.455 1.690.758
4 Việt Nam 583.509 19.098 779.345
       
  Thế giới 210.757.073 4.786.640 233.965.796
Cập nhật lúc 6g25, ngày 30.9.2021
 
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 10,1-12; thứ Năm, tuần XXVI Thường niên- nhớ thánh Giêrônimô, linh mục, TSHT)
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ đi loan báo về Nước Thiên Chúa. Chỉ có thánh Luca ghi lại chuyến đi này. Các lời căn dặn của Đức Giêsu được ghi lại trong đoạn này dài hơn những gì Ngài nói khi sai mười hai Tông đồ (9,2-5). Những chỉ thị này cũng có trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu. Tuy nhiên đối với thánh Luca, dường như tác giả nhắm đến một mục tiêu kép đó là: trước hết, cho thấy Đức Giêsu không chỉ sai có Nhóm mười hai; thứ đến, việc sai đi trong đất Palestine chỉ là bước đầu của việc sai các môn đệ đi đến với dân ngoại. Ngoài ra, chúng ta cũng bắt gặp khá nhiều thủ bản nói về con số những người được sai đi trong lần thứ hai là bảy mươi môn đệ. Tuy nhiên, cho dù là bảy mươi hay bảy mươi hai, thì cả hai con số này đều có ý chỉ các dân ngoại, theo như truyền thống Do Thái giáo đã hiểu sách Sáng Thế chương 10: 70 theo bản văn Hípri, 72 theo bản văn Hy Lạp. Chắc hẳn thánh Luca đã theo bản Hy Lạp; bởi vì ngài biết rõ các môn đệ chỉ đến với dân ngoại sau biến cố Phục sinh và lễ Ngũ Tuần.
Trọng tâm của lệnh lên đường được Đức Giêsu ban bố cho bảy mươi hai môn đệ chính là chữa lành người đau yếu và loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn chỉ thị cho các ông là phải biết sống khó nghèo cùng với một tinh thần siêu thoát: Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường,… người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó,… Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Nghèo khó và siêu thoát là sứ điệp khả tín về Nước Thiên Chúa. Cùng với những đòi hỏi đó, Đức Giêsu xác định rõ ràng nội dung của lời rao giảng: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Nếu nước Thiên Chúa là sản nghiệp và cùng đích của cuộc sống, thì đương nhiên con người ta phải đánh đổi tất cả để được vào nơi ấy.
          Tại sao Đức Giêsu lại đòi hỏi một sự thanh thoát mang tính quyết liệt như thế khi sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng? Thật ra, đó chẳng phải là ý tưởng chợt nảy ra trong đầu của Đức Giêsu khi chuẩn bị sai các đồ đệ ra đi thi hành sứ vụ. Từ lâu, khó nghèo đã là một lựa chọn căn bản của chính Ngài: sinh ra trong nghèo khó, lớn lên trong khó nghèo, và cả quãng thời gian thi hành sứ vụ công khai, Ngài cũng đã chọn lựa nếp sống nghèo khó giống y như những đòi buộc đối với các môn đệ. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu cũng khuyến dụ các ông hãy ra đi một cách thanh thoát, thành nào tiếp đón thì ở lại; còn nếu người ta không niềm nở tiếp đón thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi dưới chân, đó là hình ảnh của sự siêu thoát mà Đức Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài. Thiết nghĩ, đó không chỉ là những đòi hỏi của Đức Giêsu với với các môn đệ khi xưa, mà nó cũng còn rất hữu ích cho mỗi người Kitô hữu chúng ta ngày hôm nay nữa.
Ham mê của cải vật chất dễ làm cho con người trở nên ích kỷ và hẹp hòi. Người môn đệ của Đức Giêsu cũng vậy, nếu họ không cảm thấy an nhiên tự tại với sự thiếu thốn hay nghèo khó thì họ chẳng thể nào hết lòng dấn thân cho Nước Trời được. Như vậy, tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới… Một cách cụ thể, có được tinh thần nghèo khó đích thực, tức là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng thiếu, biết làm ra của cải cách chính đáng, nhưng tuyệt nhiên không lệ thuộc vào bất cứ thứ gì liên quan tới của cải thế gian.
Hơn bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của tinh thần nghèo khó. Cho dù túng thiếu, nghèo đói, nhưng vẫn tin tưởng cậy trông và giữ bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác. Bên cạnh đó, tuy giàu có nhưng lúc nào cũng biết mở rộng trái tim và bàn tay để chia sẻ cho người nghèo đói, đó chẳng phải cũng là cách để thể hiện tinh thần nghèo khó đích thực sao? Như vậy, người giàu có vẫn có thể thực thi tinh thần nghèo khó cách triệt để; nhưng ngược lại, thói tham lam của cải vật chất có thể khiến cho những người nghèo chẳng bao giờ chạm tới được thứ tinh thần nghèo khó mà Chúa luôn mời gọi.
Hình ảnh về những người nghèo và các môn đệ ra đi không bao bị, túi tiền, hay giày dép đã không chỉ rất cần thiết cho Giáo Hội sơ khai, mà chúng còn là lời nhắc nhở cho các thành phần dân Chúa ở mọi nơi và mọi thời: Giáo Hội không chỉ là Giáo Hội của người nghèo; Giáo Hội cũng không chỉ ưu tiên phục vụ người nghèo khó mà điều quan trọng nhất đó là, Giáo Hội phải biết sống nghèo khó thực sự. Chỉ khi nào Giáo Hội thực sự dám sống nghèo khó như Đức Giêsu hay như các môn đệ của Ngài, thì bấy giờ lời rao giảng của Giáo Hội mới đủ sức thuyết phục người khác; bằng ngược lại, tất cả sẽ trở thành những phản chứng trước mặt thế gian.
Lạy Chúa, Chúa mời gọi hết thảy chúng con trở nên những sứ giả loan báo Tin Mừng cứu độ. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi quyến luyến của cải thế gian để chuyên tâm phục vụ sứ mạng mà Chúa đã trao phó. Xin đừng để những tiện nghi cùng sự bình an giả tạo đến từ những của cải vật chất khiến chúng con ra nặng nề trên hành trình theo Chúa. Và, xin cho chúng con luôn biết tín thác nơi sự quan phòng của Chúa, để cho dù những việc làm của chúng con có nhỏ bé đến đâu thì cũng đủ sinh ích cho những người anh chị em của mình.
 
4. Lời bàn
- Đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta biết một vài điều quan trọng về người rao giảng lẫn thính giả của họ.
+ Người đi rao giảng không nên mang theo nhiều thứ đồ vật lỉnh kỉnh. Người ấy cần lên đường với gói hành trang mang theo gọn nhẹ nhất có thể. Chúng ta rất dễ bị bối rối và vấn vương trong những sự thế tục. Suy cho cùng, chúng ta không nên bám víu vào cuộc sống thế tục mà quên lo cho những thực tại vĩnh cửu ở đời sau. Đức Giêsu muốn các môn đệ của Ngài và cả chúng ta nữa, đừng bám víu vào những thực tại chóng qua ở đời này mà bỏ bê sứ mạng loan báo Triều Đại Thiên Chúa cho thế gian.
+ Người môn đệ cần chú tâm vào bổn phận của mình, người ấy không được chào hỏi ai dọc đường, vì như thế sẽ mất thời gian và có khi lại đưa đến những điều vô ích. Điều này nhắc lại lời ngôn sứ Êlisê dạy dỗ Giêkhadi trong 2V 4,29: Hãy thắt lưng, cầm gậy của ta mà đi! Gặp ai thì đừng có chào, ai chào thì đừng đáp lại”, đó không phải là lời dạy làm điều bất lịch sự, nhưng là người của Chúa thì không nên quay ngang quay dọc hoặc trì trệ vì những điều nhỏ nhặt, đang khi có những việc quan trọng chờ đợi mình ở phía trước.
+ Người môn đệ không nên làm việc để kiếm tư lợi. Người ấy nên ăn những món người ta dọn cho mình, không nên đi từ nhà này qua nhà khác để cố tìm nơi dễ chịu hơn, đầy đủ tiện nghi hơn. Chẳng bao lâu sau khi được thiết lập, trong Hội Thánh đã xuất hiện những hạng người ăn bám. Vào thời kỳ đó, người ta thấy có những người nhận mình là ngôn sứ và đi lang thang từ thành này sang thành khác. Do đó, Sách Didache, tức sách Giáo lý của các thánh Tông đồ, đã quy định: nếu ngôn sứ nào muốn ở lại một nơi lâu hơn ba ngày mà không có việc làm thì kể là ngôn sứ giả, và nếu ngôn sứ nào xưng mình ở trong Thánh Linh mà xin tiền hay xin thức ăn thì kẻ ấy là ngôn sứ giả. Người làm thợ thì đáng lãnh tiền công, nhưng đầy tớ của Đấng chịu đóng đinh thì không thể là người chỉ biết say mê lạc thú mà không dám dấn thân cho một cuộc sống bấp bênh và thiếu trước hụt sau trong những nhu cầu tối thiểu.
+ Về phần thính giả, đoạn Kinh Thánh này dạy rằng, nghe lời Chúa phải là một trách nhiệm lớn lao. Người ta sẽ chịu phán xét theo những gì mình đã may mắn có cơ hội được biết nhưng lại từ khước cách sỗ sàng. Chúng ta không chấp tội trẻ con những điều mà đối với người lớn, nếu vi phạm, họ sẽ bị kết án. Chúng ta tha thứ cho người man di những thái độ hay hành động mà nếu xảy ra nơi xã hội của những người văn minh sẽ bị trừng phạt. Như vậy, trách nhiệm là mặt trái của đặc ân. Thiên Chúa sẵn sàng trao tặng những ân ban, nhưng những ai chối từ, rất có thể sẽ phải nhận những hậu quả của việc khước từ ấy.
+ Hậu quả sẽ thật khủng khiếp nếu chối bỏ lời mời gọi của Thiên Chúa. Nói chung, mỗi lời hứa của Chúa có thể trở thành lời buộc tội cho người nào đã nghe mà không biết đón nhận. Nếu người nào đó tiếp nhận các lời hứa và thực thi điều Thiên Chúa mong muốn thì đó quả là một vinh hiển lớn lao cho họ; nhưng nếu người ấy ném bỏ đi tất cả những lời huấn dụ, thì một ngày kia, những lời ấy sẽ là một bằng chứng cáo tội và sẽ khiến cho họ phải gánh lấy sự trừng phạt.
- Có một điều khá thú vị trong đoạn này khi nói về việc tiếp nhận hay từ chối các sứ giả ở một thành nào đó. Đức Giêsu lường trước những bất lợi có thể xảy đến với các môn đệ nên Ngài đã hướng dẫn cho họ cách xử trí. Điều đáng nói đó là, cho dù các thành có đón tiếp hay không thì sứ điệp chính yếu vẫn được loan báo cho họ, có khác chăng là được nói ở đâu mà thôi: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Tại những thành không tiếp đón sứ giả thì dĩ nhiên không có sự trao ban bình an, không có chuyện chữa lành; thế nhưng, các sứ giả sẽ có những cử chỉ công khai và tượng trưng tương xứng với thái độ từ chối, đó là họ phủi sạch bụi dưới chân mình. Tuy nhiên, đây lại là điều giúp chúng ta hiểu được sự khác biệt. Quả vậy, lời cảnh báo về những hậu quả khủng khiếp được hé lộ trong câu cuối cùng giúp chúng ta hiểu rằng, Triều Đại Thiên Chúa chỉ thật sự đến gần với những con người hay thành nào biết tiếp đón và lắng nghe các sứ giả mà thôi. Như vậy, phúc lành của Thiên Chúa ban xuống cho những ai biết tiếp đón các sứ giả nhiều bao nhiêu thì ngược lại, tội của những người từ chối Tin Mừng sẽ càng nặng và tai họa xảy đến cho họ càng khủng khiếp hơn bấy nhiêu.
- “Chị đã cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được ước mơ và thao thức là được phục vụ bệnh nhân, thế nhưng ước mơ vừa được thắp sáng lại vội vàng lịm tắt trong tiếc nuối khôn nguôi, thao thức chưa tròn đầy lại nhanh chóng chôn vùi theo kiếp phận”. Tôi cảm thấy đôi chút hổ hẹn khi đứng trước linh cữu của chị vào chiều hôm qua; bởi vì, so với những thành quả mà chị đã đạt được, thì chính bản thân nhận thấy mình còn kém xa. Cho dù tôi chưa từng biết chị trước đây, nhưng trong những ngày này, việc mất đi một vị bác sĩ thì chắc hẳn sẽ thiệt thòi cho rất nhiều bệnh nhân đang cần đến chị. Tai nạn bất ngờ ập đến, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chị phải đành gác lại mọi ước mơ và dự định để trở về với Chúa. Mất mát đi liền với đau buồn là lẽ đương nhiên trong trường hợp này; thế nhưng, đức tin sẽ đưa dẫn chúng ta đến một niềm hy vọng sâu xa hơn nhiều, đúng như lời tác giả Tham Nguyen đã nói: “Chị đã thua trong cuộc chiến sinh tử này, song chúng ta tin rằng, giờ đây chị đã đã là người chiến thắng, vì chị đã đi hết chặng đường khổ lụy, đau thương của kiếp người để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa”.
- Sứ điệp Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu sai các môn đệ ra đi loan báo Nước Thiên Chúa, đồng thời vẽ ra trước mắt các ông một viễn tượng đầy sự u ám và nguy hiểm: Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”. Dẫu biết trước là thế, nhưng điều khiến chúng ta ngạc nhiên, đó là việc Đức Giêsu muốn các ông lên đường mà trong tay chẳng có bất kỳ một thứ gì đó để hộ thân. Ngài muốn các ông bỏ lại tất cả những gì vốn dĩ có thể đem đến cho họ một sự an toàn tối thiểu, để chỉ còn biết cậy dựa vào sự quan phòng của một mình Thiên Chúa. Các môn đệ đã vâng lời Thầy và họ đã thành công.
- Hành trình dâng hiến của người nữ tu bác sĩ chúng ta nhắc tới ở đây chắc hẳn cũng đã họa lại tinh thần phó thác như các môn đệ của Thầy Giêsu năm xưa vậy. Hai mươi bốn năm tuân giữ lời khấn khó nghèo, ngần đó thời gian cũng đủ nói lên nhiều điều về sự tín thác nơi chị. Còn lúc này đây, vâng theo tiếng gọi của Chúa một lần nữa, chị đã bỏ lại tất cả mọi thứ sau lưng mình: Chị đành bỏ lại công việc chị yêu thích, bỏ lại những bệnh nhân chị đang chăm sóc đêm ngày, bỏ lại Hội dòng nơi chị được nuôi dưỡng và trưởng thành trong hành trình ơn gọi, bỏ lại những người chị em đã cùng chị sống đời tu và chia sẻ với chị trong từng sứ vụ, bỏ lại những người thân trong gia đình mà đã lâu rồi chị chưa có điều kiện ở bên họ…”. Đối diện với hiểm nguy thường trực, ngoài những bộ đồ bảo hộ có thể mang lại cho chị một sự an toàn, thì chúng ta tin là chị không bao giờ quên cậy trông và tín thác như một người nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa. Nhờ đó mà Chị đã chiến đấu và chiến thắng như một con lừa cần mẫn, tín trung chở Chúa trên lưng tiến vào thành, bằng hy lễ thánh hiến của đời chị, bằng sự dấn thân phục vụ các bệnh nhân, bằng sự chân thành, vui tươi của chị dành cho chị em trong Dòng và những người chị gặp gỡ…”. Trong sự tiếc thương và tình liên đới, chúng ta chia sẻ nỗi đau này với Hội dòng cũng như với gia đình người chị em này. Nhưng trong niềm tin, chúng ta lại có thể nói lời chúc mừng và chung vui với chị Maria; bởi vì, chị đã hoàn tất hành trình của người môn đệ trong tin yêu và trở thành “Người đã chiến thắng trong trận chiến cuối cùng”.
   Viết Cường, O.P. 
 
114.864864865135.135135135250