1. Chuyện chúng mình: MỘT LINH MỤC PHÁP BỊ SÁT HẠI
Sáng thứ Hai 09/8/2021, cha Olivier Maire, 60 tuổi, bề trên Giám tỉnh dòng Thừa sai Montfort tại Saint-Laurent-sur-Sèvre, quận Vendée đã bị Emmanuel Abayisenga, 40 tuổi người Rwanda sát hại.
Kẻ giết người đã đến đồn cảnh sát tự thú. Emmanuel Abayisenga cũng chính là người đã bị truy tố trong vụ cháy nhà thờ Nantes vào tháng 7/2020. Sau khi bị truy tố, vào đầu tháng 6 Emmanuel được tự do dưới sự giám sát của tư pháp và được cộng đoàn cha Olivier Maire chào đón trong lúc chờ xét xử, dự kiến vào năm 2022. Theo luật sư của Emmanuel, kẻ sát hại mắc chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.
Ngay khi biết tin, Đức cha Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã bày tỏ nỗi đau và sự gần gũi với gia đình và hội Dòng của cha Olivier. Đức cha viết trên twitter: “Cha Olivier Maire là người đã theo Chúa Kitô cho đến cùng. Tôi cầu nguyện cho gia đình cha, cho các thành viên của dòng Thừa sai Montfort và cho tất cả những ai bị tổn thương bởi thảm kịch này, cho cả kẻ đã sát hại cha”.
Còn cha Santino Brembilla, Bề trên Tổng quyền dòng Thừa sai Montfort, đã nói về cha Olivier Maire như sau: “Cha Olivier Maire là một tu sĩ, một linh mục và một nhà truyền giáo, một chuyên gia về linh đạo Montfort, người đã đồng hành với cộng đoàn trong sự hiểu biết sâu sắc sứ điệp của vị sáng lập Dòng, thánh Louis-Marie Grignion de Montfort”.
Về phía chính phủ, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Jean Castex đã chia sẻ nỗi đau, sự gần gũi và liên đới với người Công giáo Pháp và dòng Montfort. Tổng thống viết trên twitter: “Cha Olivier Maire thể hiện lòng quảng đại và tình yêu thương người thân cận ngay trên khuôn mặt của mình”.
Tại Pháp, trong những năm gần đây, những vụ sát hại linh mục và tu sĩ đã khơi dậy nhiều cảm xúc mạnh mẽ nơi dân chúng. Ngày 26/7/2016, cha Jacques Hamel bị sát hại ngay trong lúc cha đang cử hành Thánh lễ. Ngược dòng thời gian, người ta nhớ đến cha Jean-Luc Cabes, bị ám sát ở Tarbes vào đêm 10 rạng ngày 11/ 5/1991. Giáo phận Tulle cũng tưởng nhớ cha Louis Jousseaume, linh mục coi sóc giáo xứ Égletons, ở Corrèze , người đã bị sát hại trong giáo xứ của cha vào ngày 26/10/2009. Ngày 16/8/2005, thầy Roger Schutz, vị sáng lập Cộng đoàn Taizé, đã bị sát hại tại buổi cầu nguyện chung.
Ngọc Yến - Vatican News
(Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-08/linh-muc-phap-sat-hai.html)
2. Những con số biết nói
Stt | Quốc gia | Được chữa khỏi | Tử vong | Tổng số |
1 | Israel | 1.152.776 | 7.567 | 1.242.262 |
2 | Argentina | 5.101.146 | 114.579 | 5.243.231 |
3 | Mông Cổ | 272.252 | 1.132 | 280.540 |
4 | Việt Nam | 475.343 | 17.545 | 707.383 |
… | ||||
Thế giới | 206.959.377 | 4.721.173 | 230.242.423 |
3. Khuôn vàng thước ngọc (Lc 9,1-6, thứ Tư, tuần XXV Thường niên)
Trích đoạn Sách Thánh hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng. Đây có thể được coi là một cuộc thử lửa cần thiết và quan trọng. Trong chương tiếp theo, Đức Giêsu sẽ tiếp tục sai một nhóm khác đông hơn nhưng cũng chỉ có cùng một mục tiêu chính yếu là rao truyền triều đại của Thiên Chúa, mặc dù những chỉ dẫn đi kèm chi tiết và cụ thể hơn (Lc 10,1-11). Khi sai các Tông đồ ra đi, Đức Giêsu đã trao cho các ông những năng lực cần thiết để củng cố lời các ông rao giảng. Việc trừ quỷ và chữa lành bệnh tật đều đến cùng một năng lực duy nhất mà chỉ có ở nơi Thiên Chúa. Nếu như người ta vẫn coi bệnh tật là dấu chỉ cho thấy sự thống trị của Satan, thì việc các Tông đồ chữa lành bệnh tật là một minh chứng rằng, Thiên Chúa đã chiến thắng sự quấy nhiễu của ma quỷ. Chính nhờ đó, những lời giảng dạy của các Tông đồ càng thêm đáng tin bởi đã được chứng thực bởi những năng lực phi phàm.
Chúng ta cần nói ngay rằng, tin tưởng, phó thác và cậy trông phải là những thái độ cơ bản cần phải có nơi người môn đệ của Đức Giêsu. Thật vậy, sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta được nghe hôm nay đã cho thấy, khi sai các Tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu đã truyền cho các ông không được mang theo bất cứ thứ gì, kể cả những phương tiện tối thiểu, tối cần: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Làm như thế, Đức Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng, người môn đệ phải có tinh thần phó thác, nghĩa là phải biết cậy dựa vào ơn Chúa và chỉ tựa nương vào một mình Ngài mà thôi.
Dĩ nhiên, phó thác như thế không hề có nghĩa là không làm gì cả; cũng chẳng hề có nghĩa phó mặc, buông xuôi để một mình Thiên Chúa thực hiện, nhưng là cố gắng hết sức của mình. Thành công hay thất bại, có thể nói là không quan trọng; bởi vì, nếu chúng ta đã nỗ lực hết mình mà không được như ý thì chắc rằng, Chúa sẽ không vì thế mà trách phạt chúng ta. Hơn nữa, thành công hay thất bại nhiều khi được nhìn nhận rất khác nhau. Có thể thành công trước mặt người đời, nhưng lại là thất bại dưới cái nhìn của Thiên Chúa hoặc có thể thất bại đau xót trước mặt thế gian, nhưng lại là thành công trong kế hoạch của Đấng Siêu Việt.
Phó thác trong hoạt động tông đồ cũng có nghĩa là không bao giờ tự mình làm tất cả, nhưng là biết chia sẻ công việc với người khác, kể cả những người xem ra kém hơn mình. Chúng ta nên biết liên đới với nhau trong hành động, đơn giản là vì hết thảy mọi người đều ra sức phục vụ cho công việc của Thiên Chúa; do vậy, Ngài có thể sử dụng bất cứ ai, kể cả những người xem ra bất xứng. Như thế, chúng ta sẽ hiểu được rằng, đừng ai tự hào hay tự mãn như thể đó là công việc và thành quả của riêng mình.
Cuối cùng, phó thác trong hoạt động tông đồ còn có nghĩa là người môn đệ phải biết sống gắn bó với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện; bởi vì, chính Chúa mới là nguồn tình yêu và sức mạnh có khả năng biến đổi lòng người, còn chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay của Ngài mà thôi. Vì lẽ đó, bất cứ ai cậy dựa sức mình mà bỏ qua việc chạy đến với Chúa để kín múc nguồn sức mạnh thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người luôn biết nhìn lại tâm tình và thái độ của chúng ta trong khi thi hành sứ vụ tông đồ. Tâm tình đó hẳn phải là tâm tình phó thác và khiêm tốn; để cuối cùng, chỉ biết cậy dựa vào ơn Chúa hơn là dựa vào sức riêng, để dù thành công hay thất bại, chúng ta vẫn giữ được sự bình an và không bao giờ lùi bước trước bất cứ khó khăn hay thử thách nào. Có như vậy, chúng ta mới mong cho hành trình trở nên người môn đệ của Chúa không rơi vào cảnh lầm đường lạc lối. Chớ gì tâm tình phó thác và khiêm nhu luôn mang lại cho chúng ta sức mạnh cũng như nguồn bình an đích thực từ nơi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin sai thêm nhiều sứ giả nhiệt thành đến với cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát của Giáo Hội. Xin cho chúng con cũng biết noi gương các thánh Tông đồ năm xưa mà hăng hái dấn thân cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Xin ban ơn giúp sức để chúng con đừng quá bám víu vào những tiện nghi vật chất mà quên đi phận vụ chính yếu của mình. Xin cho chúng con luôn biết tựa nương vào Chúa để kín múc lấy nguồn bình an và tha thiết dấn thân phục. Xin cho chúng con biết chân thành cộng tác với hết thảy mọi người, ngõ hầu nhờ đó mà góp phần đem lại những kết quả tốt đẹp cho công cuộc truyền giáo và Nước Chúa được lan rộng khắp nơi.
4. Lời bàn
- Thời Đức Giêsu, người ta thường chỉ có thể dùng lời nói làm phương tiện duy nhất để truyền bá, hay phổ biến một thông điệp nào đó. Điều này cho chúng ta hiểu lý do tại sao Đức Giêsu sai các Tông đồ đi giảng đạo. Chính Đức Giêsu cũng ở trong giới hạn của thời gian và không gian, và vì thế, Ngài muốn dùng các môn đệ để chia sẻ trực tiếp sứ điệp Tin Mừng cho những người khác. Đây là điều hết sức bình thường vào lúc bấy giờ. Tuy nhiên, điều có thể khiến chúng ta ngờ vực đó chính là năng lực của những người được sai phái. Hẳn chúng ta còn nhớ, rất nhiều lần Đức Giêsu đã trách mắng các môn đệ kém tin và thậm chí là cũng chẳng hiểu Thầy của mình. Mặc dầu vậy, Đức Giêsu đã tin tưởng và sai họ đi loan báo sứ điệp về Nước Thiên Chúa. Họ hăng hái ra đi và gặt hái thành công ngoài sự mong đợi. Có được điều đó là nhờ ơn Chúa chứ không do sự giỏi giang hoặc giả là nhờ vào tài năng xuất chúng của cá nhân họ.
- Điều đáng lưu ý ở đây đó là, các môn đệ phải lên đường với một hành trang gọn nhẹ nhất có thể. Ai muốn đi nhanh và đi xa thì chắc hẳn hành trang họ mang theo phải thật sự gọn nhẹ. Ai càng bị trói buộc bởi của cải vật chất thì càng khiến cho họ nặng nề trong mỗi bước chân. Đức Giêsu cần những kẻ sẵn sàng từ bỏ những của cải thế gian để chấp nhận bước vào một cuộc phiêu lưu cùng với Ngài. Các môn đệ hiểu rõ điều đó nên họ sẵn sàng ra đi để chuyển giao thông điệp của Thầy mình. Nếu nơi nào không tiếp nhận thì họ phải rũ bụi khỏi chân trước khi rời nơi ấy. Các Rabbi Do Thái cũng làm điều tương tự khi họ ra đi và quay trở lại xứ sở của mình sau một cuộc du hành trên đất dân ngoại. Họ không muốn chân mình còn vương bất kỳ một chút bụi bặm nào từ những vùng đất mà họ tin rằng nơi ấy thiếu sự thanh sạch. Trong ý nghĩa đó, bất cứ làng nào hay thành nào không muốn tiếp nhận các tôi tớ của Chúa thì bị đối xử như cách của người Do Thái chính thống đã làm với các vùng dân ngoại. Họ đã khước từ dịp may của mình và như thế họ cũng tự kết án chính mình.
- Điểm nổi bật trong công tác mà Đức Giêsu trao cho các Tông đồ được nhắc đi nhắc lại trong đoạn Kinh Thánh ngắn ngủi này là giảng dạy và chữa lành. Cả hai được gắn liền với nhau. Chăm lo phần xác và chăm sóc phần hồn gắn kết với nhau một cách liền lạc. Điều đó cho thấy, một sứ điệp chỉ thực sự thuyết phục người khác khi nó không chỉ nói bằng lời, dù là lời hay đến mức nào, nhưng còn đi kèm với những dấu chỉ cho thấy quyền năng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi những con người tầm thường. Một sứ điệp không chỉ giới hạn vào cõi vĩnh hằng mà còn được đề nghị một sự thay đổi ngay trong đời sống thực tế nữa.
- Để chuẩn bị cho cuộc truyền giáo của các môn đệ, Đức Giêsu đã trang bị cho họ những thứ cần thiết. Ngài ban cho họ năng lực thần thông mà Ngài vẫn dùng để chữa lành cho các bệnh nhân. Đức Giêsu cũng ban cho họ quyền năng mà Ngài đã từng biểu dương để xua trừ ma quỷ. Tuy nhiên, họ còn thiếu sức mạnh đến từ Thánh Thần giống như thể những điều mà họ sẽ làm chứng cho Thầy của mình trong thời kỳ hậu Phục sinh. Trong huấn dụ thứ nhất, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra đi một cách tinh gọn nhất có thể, thậm chí là không mang theo cây gậy để tự bảo vệ bản thân chống lại những kẻ tấn công hay cả những thứ lương thực cần thiết. Đó như là một cuộc trắc nghiệm để sau này, khi thời thử thách gian lao đến, lúc mà mọi cửa nhà sẽ đóng sập lại trước các môn đệ thì Đức Giêsu sẽ bỏ chỉ thị này: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không?” Các ông đáp: “Thưa không”. Người bảo các ông: “Nhưng bây giờ, ai có túi tiền thì hãy mang theo, ai có bao bị cũng vậy; còn ai chưa có gươm thì bán áo đi mà mua” (Lc 22,35-36). Còn đối với chỉ thị thứ hai, người môn đệ phải biết chấp nhận những gì người ta hành xử với mình, thậm chí là việc họ từ chối tiếp đón các vị nữa. Nếu nơi nào từ chối, các ông sẽ phải tỏ thái độ bằng một cử chỉ công khai và tượng trưng để nói lên rằng, các ông không còn liên hệ gì đến những nơi ấy nữa và cũng không có trách nhiệm gì nếu những thành này phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
- Khi ra đi, các môn đệ đã rao truyền thông điệp của Đức Giêsu và dùng quyền năng Chúa ban để thực hiện những việc lạ thường trước mặt dân chúng. Những dấu lạ đi kèm không chỉ là xác nhận hay củng cố niềm tin nơi những người họ gặp gỡ, nhưng còn mang lại niềm vui cho chính bản thân các môn đệ. Các vị không hề tạo ra thông điệp, nhưng chỉ đến và chuyển trao thông điệp. Các môn đệ không nói với người ta điều họ tin hay chứng thực là đúng, nhưng chỉ là kể lại cho mọi người biết những gì Đức Giêsu đã sai bảo họ. Các sứ giả không đem ý kiến riêng của mình đến với người khác mà chỉ mang đến cho mọi người chân lý của Thiên Chúa được mặc khải qua Đức Giêsu, Thầy của họ. Trong vai là những sứ giả của ngày hôm nay, chúng ta sẽ nói gì cho những người chúng ta gặp gỡ?
- “Cha Olivier Maire thể hiện lòng quảng đại và tình yêu thương người thân cận ngay trên khuôn mặt của mình”. Đó là những lời của người đứng đầu chính phủ Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron, đã chia sẻ khi biết tin cha Olivier Maire bị sát hại. Cái chết của người tông đồ nhiệt thành đã một lần nữa làm dấy lên những mối nguy hiểm mà các nhà truyền giáo không riêng gì ở nước Pháp mà còn tại nhiều nơi trên thế giới luôn phải đối mặt. Theo thống kê, năm 2020 đã có 20 nhà truyền giáo ở khắp các châu lục bị giết hại. Có thể con số này chưa phản ảnh hết những mối nguy hiểm đang tiềm tàng và đợi chờ các nhà truyền giáo, nhưng nó thực sự lại gợi lên cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ. Các cuộc xung đột tôn giáo hay tình hình chính trị bất ổn ở một vài quốc gia thường gây ra cho Giáo Hội những tổn thất về nhân mạng. Tuy nhiên, tất cả những điều đó có làm cho các nhà truyền giáo giảm bớt nhiệt tâm thi hành sứ vụ, ngay cả ở những vùng đang diễn ra giao tranh ác liệt giữa các phe nhóm không? Tôi thiết nghĩ là không. Bởi vì, cho dù hiện diện ở những nơi bất ổn nhất, thì rất nhiều chứng nhân đức tin vẫn không lùi bước và tiếp tục cho thấy sự có mặt của họ luôn đem lại những điều tích cực, đồng thời sinh ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội.
- Như đã nói ở trên, sự đe dọa đến tính mạng luôn là một thách đố đối với các nhà truyền giáo. Thế nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dường như muốn thử thách độ “chịu đòn” của các môn đệ khi sai các ông đi mà không cho họ mang theo bên mình bất cứ thứ gì để phòng khi bất trắc. Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô sơ lược những khó khăn mà ngài từng gặp phải để thấy hành trình của các Tông đồ xưa kia chắc chắn chẳng êm ả gì. Trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết: “Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2Cr 11,26-27). Như vậy, ngay cả việc mang theo cây gậy khi đi đường, chẳng phải là để gây hấn nhưng là nhằm nói đến một sự an toàn tối thiểu, cũng không được phép đối với các sứ giả của Thầy Giêsu. Việc trang bị gậy khi đi đường cũng không mang nghĩa như kiểu nói trong ngôn ngữ hiện đại, “Quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy”, nhưng nó là thứ giúp cho khách bộ hành dùng để xua đuổi thú dữ hoặc chống trả lại nếu gặp phải bọn lưu manh thảo khấu. Tại sao Đức Giêsu lại khắt khe với các đồ đệ của mình như vậy? Xin thưa, chắc chắn Đức Giêsu muốn các ông quên đi những thứ bình an giả tạo ấy để rồi tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bởi vì, như chính Đức Giêsu đã từng nói với các môn đệ ở một chỗ khác rằng: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28). Thế nhưng, cho dù có phòng bị cẩn thận đến đâu thì chúng ta cũng chẳng thể nào lường trước được những điều bất lợi xảy đến cho mình. Vụ việc liên quan tới cha Olivier Maire cho chúng ta thấy rõ điều đó. Chúng ta cầu mong cho hết thảy các nhà truyền giáo ở khắp nơi luôn được bình an và hăng say trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu rỗi. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta ý thức hơn về ơn gọi cũng như sứ mạng truyền giáo của mình. Khó khăn gian khổ là điều không bao giờ thiếu; tuy nhiên, nếu chúng ta luôn biết vững tin ở nơi Chúa và phó thác cho Ngài thì chắc rằng, không một thử thách nào có thể cản bước những người môn đệ chân chính của Đức Giêsu.
Viết Cường, O.P.