15/09/2021 -

Chuyên đề

689

1. Chuyện chúng mình:

CON TRAI GIA ĐÌNH 3 NGƯỜI MẤT GIỮA ĐẠI DỊCH: CHÚNG TÔI MONG VỀ NHÀ SỚM

Nếu hôm nay có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, anh Thanh có thể được về nhà ngay. Nhưng anh lo nhất vẫn là bé gái 2 tuổi.
Trong vòng hơn nửa tháng, gia đình anh Lưu Văn Thanh (trú tại phường 12, Quận 10, Tp.HCM) phải trải qua nỗi đau mất đi 3 người thân vì Covid-19.
Chia sẻ với báo VietNamNet, anh Thanh cho biết, ngày 2/7, vợ anh chuyển dạ ở Bệnh viện Từ Dũ khi thai được 37 tuần 4 ngày. Em bé sinh ra thì tử vong. Vợ chồng anh biết bé bị suy tim từ những lần khám thai trước đó, nhưng vì gia đình theo đạo nên anh chị không bỏ thai, quyết định giữ lại với mong muốn “còn nước còn tát”.
Cũng trong lần nhập viện này, vợ chồng anh được khám sàng lọc và phát hiện cả hai đều dương tính với SARS-CoV-2. Khi xét nghiệm cả gia đình thì phát hiện thêm bé lớn 5 tuổi cũng dương tính, còn bé 2 tuổi âm tính.
Ngày 6/7, vợ anh và bé 5 tuổi được chuyển đi điều trị ở Bệnh viện Trưng Vương, còn anh được đưa đi cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia Tp.HCM.
Trong thời gian này, anh chị nhờ bà ngoại đem cháu 2 tuổi về nhà ở quận Tân Phú chăm sóc. Vài ngày sau, bà ngoại cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và đến ngày 12/7, bà qua đời.
Không còn cách nào khác, anh Thanh lại nhờ tiếp bà nội sang nhà mình ở phường 12, Quận 10 chăm sóc bé 2 tuổi. Nhưng đến ngày 14-15/7, anh không liên lạc được với mẹ mình nên đã nhờ các cán bộ ở Trạm Y tế phường 12 đến kiểm tra thì phát hiện bà mệt nên đưa đi cấp cứu. Sau khi xác định bà cũng dương tính, y tế phường chuyển bà lên tuyến trên. Đến ngày 18/7, bà qua đời ở Bệnh viện Ung bướu 2.
Hiện tại, vợ chồng anh đang nhờ ông ngoại chăm sóc bé 2 tuổi tại nhà anh ở Quận 10. Sau khi bà nội qua đời, ngày 18/7, em bé được xét nghiệm nhanh và có kết quả dương tính, còn ông ngoại vẫn âm tính với SARS-CoV-2.
Theo thông tin mới nhất từ anh Thanh, hiện em bé 2 tuổi đang đợi kết quả xét nghiệm RT-PCR mới quyết định có đưa đi bệnh viện hay không.
Anh Thanh cho biết, mấy hôm nay 2 ông cháu đang nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bà con hàng xóm và chính quyền phường 12.
“Hiện tại, sức khoẻ vợ chồng tôi và cháu 5 tuổi vẫn ổn định trong bệnh viện và khu cách ly. Cả nhà cũng có biểu hiện ho, sốt và bây giờ đang trong giai đoạn hồi phục. Nếu ngày hôm nay được trả kết quả xét nghiệm âm tính, tôi sẽ được về nhà. Vợ tôi và cháu 5 tuổi cũng đang đợi kết quả xét nghiệm và hi vọng sẽ được về sớm để gia đình đoàn tụ”, anh Thanh chia sẻ.
“Điều chúng tôi lo nhất bây giờ là tình hình của bé 2 tuổi. Nếu cháu được xác định dương tính theo xét nghiệm RT-PCR, chắc một trong hai vợ chồng lại phải vào viện chăm cháu chứ không thể để cháu một mình trong đó được”.
Ông bố này cũng chia sẻ, trong những ngày qua, gia đình phải trải qua quá nhiều nỗi đau ập đến nên tâm lý của 2 vợ chồng vẫn đang rất bối rối, hoang mang. “Bây giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào ngoài việc phải cố gắng vượt qua giai đoạn này”.
Về các thông tin kêu gọi giúp đỡ gia đình trên mạng xã hội, anh Thanh cho biết, hiện tại gia đình đã được giúp đỡ đầy đủ về lương thực, đồ dùng cho ông ngoại và bé 2 tuổi ở nhà.
Căn nhà ở phường 12 của vợ chồng anh là nhà anh đi thuê để làm dịch vụ khách sạn. Suốt 2 năm qua, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên việc kinh doanh cũng không được tốt, tuy nhiên kinh tế gia đình anh cũng không đến mức quá khó khăn nên gia đình xin không nhận sự trợ giúp về mặt tiền bạc lúc này.
Anh cũng cho biết, hiện tại, trong gia đình nội ngoại anh cũng có một số anh chị em đang được điều trị vì dương tính SARS-CoV-2.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, anh Phan Tấn Thịnh (Quận 10, Tp.HCM) - một người ở gần nhà anh Thanh cho biết, sáng nay nhóm của anh đã qua nhà để gửi tặng ông ngoại và bé gái 2 tuổi một ít bỉm, sữa, khẩu trang cùng một số lương thực khô để 2 ông cháu tiếp tục duy trì sinh hoạt những ngày tới.
“Để đảm bảo an toàn chống dịch, chúng tôi không tiếp xúc gần 2 ông cháu, mà chỉ để đồ ở dưới nhà, gọi ông xuống lấy. Hiện tại, có vẻ sức khoẻ của 2 ông cháu vẫn bình thường”.
Nguyễn Thảo
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/con-trai-gia-dinh-3-nguoi-mat-giua-dai-dich-covid-19-chung-toi-mong-ve-nha-som-757742.html)

2. Những con số biết nói
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Argentina 5.080.986 113.816 5.229.848
2 Thổ Nhĩ Kỳ 6.710.666 60.393 6.710.666
3 Mỹ 32.122.39 682.143 42.253.402
4 Việt Nam 398.461 15.936 635.002
Thế giới 203.209510 4.661.081 226.566.788
Cập nhật lúc 6g20, ngày 15.9.2021

3.Khuôn vàng thước ngọc (Ga 19,25-27, thứ Tư, tuần XXIV Thường niên – Lễ Đức Mẹ sầu bi)

Ngay sau lễ Suy tôn Thánh giá, Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ sầu bi để cho thấy, Mẹ Maria luôn luôn kết hợp với Đức Giêsu, con Mẹ, trong mọi đau khổ để cứu độ nhân loại. Bởi đó, bảy sự đau đớn của Mẹ Maria mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ thực ra chỉ là những hoàn cảnh đau thương đặc biệt mà Mẹ Maria đã trải qua, chứ không phải là tất cả những gì Mẹ đã chịu. Như vậy, lời loan báo về những đau khổ sẽ xảy đến trong cuộc đời của Mẹ Maria mà cụ già Simêon xưa kia thì nay đã hoàn toàn ứng nghiệm. Ý nghĩa phụng vụ của ngày lễ hôm nay diễn tả nỗi thống khổ tột cùng mà Mẹ đã phải chịu khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Dưới chân thập tự,  Mẹ đã anh dũng đón nhận tất cả những nỗi đau mà Thiên Chúa muốn Mẹ cùng thông phần với con yêu dấu của mình.
Thật vậy, suốt cả cuộc đời, Đức Maria đã chia sẻ trọn vẹn thập giá với con của Mẹ. Lời tiên báo của cụ già Simêon xưa: “Phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”, đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi từng biến cố lớn nhỏ trong cuộc đời của Mẹ, kể từ lúc đáp lời xin vâng trong ngày truyền tin cho tới khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Tuy nhiên, những đau khổ bên ngoài ấy có lẽ cũng chỉ phản ánh phần nào những khổ đau trong tâm hồn của Mẹ; bởi vì là con người, Mẹ Maria cũng không thể hiểu hết được ý định mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thế nhưng, điều quan trọng hơn cả là Mẹ vẫn can đảm đáp lời xin vâng. Và lời xin vâng ấy đòi buộc Mẹ phải dâng hiến Người Con một yêu dấu cho Thiên Chúa và cho nhân loại.
Ngoài ra, nếu không có sự ưng thuận và lời xin vâng của Mẹ Maria, thì ý định cứu độ của Thiên Chúa đã không được thực hiện. Thật vậy, chính nhờ lời xin vâng trong đức tin, mà Mẹ Maria đã cộng tác một cách đặc biệt vào trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu như xưa kia trong vườn địa đàng, vì sự bất tuân của Evà mà cả nhân loại phải đau khổ và phải chết, thì nay, chính nhờ lời xin vâng tự nguyện của Đức Maria mà toàn thể nhân loại được cứu độ.
Như vậy, sự vâng phục của Mẹ Maria hẳn phải là mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta; bởi vì, tuy là Mẹ Đức Giêsu nhưng Đức Maria cũng giống như là một người môn đệ trung tín của con mình. Là môn đệ, Mẹ Maria đã bước theo Đức Giêsu với một tâm hồn hoàn toàn tuân phục thánh ý Thiên Chúa. Là môn đệ, Mẹ không hèn nhát như các môn đệ khác khi họ tìm cách chạy trốn để thoát thân. Mẹ Maria không xin cho được ngồi bên hữu hay bên tả Đức Giêsu như Gioan và Giacôbê, nhưng Mẹ đã tự nguyện uống chén đắng tới giọt cuối cùng. Mẹ Maria không thề thốt như Phêrô là: “Dù tất cả bỏ Thầy nhưng con sẽ không bỏ Thầy”, vậy mà Mẹ đã can đảm theo Đức Giêsu tới cùng, mãi cho tới khi đứng dưới chân thập giá. Mẹ Maria không được diễm phúc có mặt khi Đức Giêsu biến hình sáng láng trên núi Tabor, nhưng Mẹ đã có mặt trên Đồi Sọ để chứng kiến con Mẹ chết một cách đau thương và tủi nhục. Mẹ Maria cũng không đổ máu như các Tông đồ để làm chứng cho Đức Giêsu, nhưng Mẹ đã thực sự tử đạo ở dưới chân thập giá, bởi vì khi người ta giết con Mẹ là người ta cũng giết chết chính Mẹ; khi người ta đâm thấu cạnh nương long của Đức Giêsu, thì cũng chính là họ đã làm cho Mẹ tan nát cõi lòng. Mẹ Maria không bôn ba đây đó để loan báo Tin Mừng Phục sinh, nhưng cả cuộc đời của Mẹ đã trở thành lời rao giảng hùng hồn và có sức thuyết phục không thua gì sức ảnh hưởng của các Tông đồ.
Cuối cùng, nếu như những đau khổ mà Mẹ Maria gánh chịu đã góp phần vào công trình cứu độ, thì chúng ta cũng được mời gọi đóng góp phần của mình vào việc cứu rỗi các linh hồn và cứu rỗi chính mình. Thực tế chỉ ra rằng, nếu chúng ta không dám hy sinh vác thánh giá hằng ngày mà theo Đức Giêsu, bằng cách chết đi cho những thói hư tật xấu để sống yêu thương và phục vụ, thì chúng ta sẽ không được thông phần ơn cứu độ của Ngài; bởi vì, giống như tác giả thư gởi tín hữu Hípri đã nói: Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ(Hr 9,22).
Lạy Chúa, xưa trên thánh giá, Chúa đã trối Đức Maria làm mẹ thánh Gioan và cũng là mẹ của hết thảy chúng con. Nay vì công nghiệp và lời chuyển cầu của Đức Mẹ, xin cho chúng con hết lòng yêu mến và tín thác vào Chúa, dẫu đường đời còn lắm chông gai. Xin cho chúng con cũng biết noi gương bắt chước Đức Maria mà chấp nhận hy sinh gian khổ, để cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa; ngõ hầu góp phần đem lại nguồn bình an cho nhân loại vốn đang oằn mình hứng chịu những thương đau.

4. Lời bàn
- Có thể nói, cho đến những giây phút cuối cùng trong đời, Đức Giêsu vẫn không hoàn toàn cô đơn. Dưới chân thập giá, lúc bấy giờ vẫn còn những người phụ nữ yêu mến Ngài. Một số người giải thích rằng, sự có mặt của các bà ở đây là do thời bây giờ, thân phận người phụ nữ chẳng có gì quan trọng, họ bị khinh rẻ nên không ai để ý đến các bà; do đó, các bà không gặp nguy hiểm gì khi đến gần thập giá của Đức Giêsu. Giải thích như vậy thì e là không đúng; bởi vì, chỉ cần có mối liên hệ thân thiết với một người mà chính các nhà cầm quyền Rôma cho là nguy hiểm đến nỗi bị kết án tử hình thì bao giờ cũng ẩn chứa những rủi ro, cần phải dè chừng. Tỏ lòng yêu mến đối với một người mà các nhà lãnh đạo Do Thái giáo chính thống xem như là một kẻ tà đạo thì cũng đã là vô cùng nguy hiểm. Các bà có mặt ở đây không đơn thuần vì họ được xếp vào hạng người chẳng đáng để thiên hạ phải chú ý, nhưng bởi vì các bà yêu mến Đức Giêsu đến độ bất chấp cả nỗi sợ hãi đang vây bọc tư bề. Đây có thể được coi là những con người thật lạ lùng, thật can đảm.
+ Đức Maria, mẹ của Đức Giêsu, có thể bà chẳng hiểu hết những gì đang diễn ra trước mắt mình, nhưng bà vẫn một lòng yêu thương; bởi vì, kẻ tử tội đang phơi xác giữa trời chính là con của mình. Đức Maria có mặt ở đây vào lúc này là điều hoàn toàn tự nhiên, bởi lẽ ngài là mẹ của Đức Giêsu. Đức Giêsu có thể là tội nhân trước mặt pháp luật, nhưng Ngài vẫn là con của Đức Mẹ. Tình mẫu tử trước sau vẫn có nơi tâm hồn của Đức Maria, cho dù lúc này ngài đứng dưới chân thập giá nhìn người ta kết tội cũng như giết chết con mình cách nhẫn tâm và bạo ngược.
+ Bà Maria vợ ông Clêôpát, là chị họ của thân mẫu Đức Giêsu. Bà là mẹ của hai ông Giacôbê Thứ và Giôxết. Việc bà Maria xuất hiện ở đây cũng cho thấy một điểm gặp gỡ trong đức tin với cộng đoàn các Kitô hữu hiện nay tại Giêrusalem. Thật vậy, ngày nay ở Israel có một ngôi thánh đường mang tên là nhà thờ Đức Bà An Giấc. Người ta lý giải rằng, đây là nơi Đức Maria sống những ngày cuối đời sau khi Đức Giêsu về trời. Sở dĩ có điều này là vì họ cho rằng, lúc bấy giờ thánh Giacôbê Thứ đang làm giám mục ở Giêrusalem, nên việc ngài đưa dì của mình về chăm sóc là việc phải lẽ. Thật ra, chúng ta không có bất kỳ cứ liệu nào chắc chắn liên quan tới vấn đề này; bởi vì, các Kitô hữu ở Êphêsô cũng khẳng định quãng thời gian sau Phục sinh thì Đức Mẹ về sống bên cạnh Gioan, theo đúng như di nguyện của Đức Giêsu từ trên thập giá.
+ Trong Tin Mừng Gioan, bà Salômê không được nhắc tên, nhưng trong bản văn đối chiếu (Mc 15,40) thì tác giả Máccô lại nói đến sự có mặt của bà khi cùng với những người khác đứng gần thập giá. Bà là mẹ của Giacôbê và Gioan. Chỉ có điều chúng ta lấy làm lạ, bởi chính bà đã từng là người bị Đức Giêsu quở trách một cách nghiêm khắc. Hẳn chúng ta còn nhớ có lần, bà đã đến với Đức Giêsu để xin cho hai con mình một đứa ngồi bên hữu và một đứa ngồi bên tả trong Nước của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã cho bà biết những ý nghĩ đó là tham vọng sai lầm, bởi vì con đường Ngài đi thì đầy chén đắng và đau khổ. Salômê tuy bị Chúa quở trách, nhưng bà vẫn có mặt dưới chân thập giá. Điều này thật có ý nghĩa đối với bà và với cả Đức Giêsu. Nó chứng tỏ bà là người có lòng khiêm nhường, biết nhận sự quở trách và tiếp tục yêu thương tận tụy không chút do dự. Nó cũng cho thấy trong cách quở trách của Đức Giêsu, người ta vẫn nhìn ra một thứ tình yêu tỏa ra từ nơi chính con người của Ngài. Sự có mặt của bà Salômê cho chúng ta thấy một bài học về cách đưa ra lời quở trách lẫn cách tiếp nhận những lời góp ý chân thành từ những người thực tâm muốn chúng ta trở nên tốt hơn.
+ Maria Magdala là người đã được Đức Giêsu chữa lành cho khỏi bảy quỷ. Chắc bà không bao giờ quên được điều Đức Giêsu đã làm cho mình, bởi vì Ngài đã cứu vớt bà và tình yêu mà bà dành cho Chúa chẳng bao giờ mai một. 
- Trong đoạn này, có một điều đẹp đẽ nhất trong những câu chuyện mà các Tin Mừng ghi lại. Khi thấy mẹ, Đức Giêsu không thể không nghĩ về những ngày sắp đến của bà. Ngài phó thác mẹ cho người môn được Ngài yêu mến chăm sóc. Thật vậy, Gioan có đủ tư cách để nhận nhiệm vụ này, bởi ông là người môn đệ được Đức Giêsu yêu mến cách đặc biệt. Chính vì vậy, Đức Giêsu đã giao mẹ của mình cho Gioan chăm sóc, để hai người có thể an ủi nhau khi Ngài đã rời xa họ.
- Điều hết sức cảm động là đang lúc hấp hối trên thập giá, lúc sự cứu rỗi thế gian được treo lên cán cân giữa một bên là sự sống và bên kia là cái chết cận kề, thì Đức Giêsu vẫn nghĩ đến sự cô đơn của mẹ mình trong những ngày mà Ngài vắng mặt. Đức Giêsu không bao giờ quên các bổn phận đã được ủy thác vào tay mình. Ngài là con của Đức Maria, và ngay trong lúc phải lao vào một trận chiến liên hệ đến toàn cõi vũ trụ, Ngài vẫn không thể quên những điều giản đơn và gần gũi nhất. Cho đến những giây phút cuối cùng, lúc chịu treo thân trên thập giá, Đức Giêsu vẫn nghĩ đến sự đau khổ của kẻ khác, nhất là của mẹ mình, hơn là nỗi đau khủng khiếp mà chính mình đang phải gánh chịu. Đó chính là điều góp phần an ủi Đức Maria ngay giữa lúc mà lời của cụ già Simêon tiên báo năm xưa đã hoàn toàn ứng nghiệm.
- “Trong những ngày qua, gia đình phải trải qua quá nhiều nỗi đau ập đến nên tâm lý của 2 vợ chồng vẫn đang rất bối rối, hoang mang. Bây giờ chúng tôi cũng không biết làm thế nào ngoài việc phải cố gắng vượt qua giai đoạn này’”. Dám chắc rằng, chẳng ai trong chúng ta rơi vào hoàn cảnh tương tự như người đàn ông này mà lại không cảm thấy bối rối và hoang mang. Nỗi đau mất đi người thân sẽ mãi còn đó trong tâm trí những người ở lại. Họ tiếc thương, đau buồn và còn có cả sự dằn vặt lương tâm nếu những lỗi lầm với người đã khuất chưa được hóa giải. Một lần nữa chúng ta nói đến sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch Covid. Báo chí ngày hôm qua loan tin, có hơn 1.500 học sinh ở Tp. HCM mồ côi vì đại dịch Covid, tính cho tới thời điểm hiện tại. Chắc chắn đó chưa phải là con số cuối cùng. Tuy nhiên, cho dù chúng ta có thể kiểm đếm được con số các nạn nhân tử vong, thì vẫn còn đó rất nhiều thứ chúng ta chẳng thể nào liệt kê cho đầy đủ được. Thật vậy, rất nhiều người đang nỗ lực tìm cách để giải quyết các vấn đề liên quan đến thời kỳ hậu Covid, nhất là làm thế nào để giúp giải quyết căng thẳng ở những người đã phải hứng chịu áp lực nặng nề và kéo dài suốt thời gian qua. Chúng ta có thể lắng nghe và đồng cảm với họ, nhưng điều quan trọng là đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc tâm lý thì dường như mọi thứ đang ở trong giai đoạn “đầu thạch vấn lộ”, tức là ném đá dò đường. Còn với những người đã và đang là nạn nhân trực tiếp của Corona virus thì liều thuốc mà họ phải dùng đến mỗi ngày đó là hai chữ “cố gắng”. Họ đang từng ngày cố gắng ăn uống, tập hít thở, duy trì sức khỏe và nhất là bảo toàn mạng sống. Họ cố gắng vượt qua nỗi đau của việc mất đi người thân; nỗ lực để vượt qua cú sốc tinh thần và nhất là tìm cách để quân bình cuộc sống sau những sang chấn tâm lý.
- Hầu hết chúng ta đều trải qua tuổi thơ và lớn lên trong từng câu hát ru của mẹ. Chính những điều tưởng chừng như giản đơn ấy lại đủ sức thắp sáng những ước mơ và dưỡng nuôi con cái trong một bầu khí thân thương và dịu ngọt. Một mai lớn khôn, cho dẫu con cái của họ có tung cánh mãi đến tận chân trời nào đi chăng nữa thì những khúc hát từ thuở còn nằm nôi sẽ nhắc cho những kẻ làm con biết trân quý công lao dưỡng dục của các đấng sinh thành. Thế nhưng, tôi chẳng hiểu vì sao trong những khúc hát ru ngày trước, cũng có cả những câu hát mà khi cất lên, nó lại thổi vào trong thế giới của trẻ thơ một nỗi sầu thương đến não lòng: “Lá vàng còn ở trên cây / Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”. Quả là như thế, nếu phải chứng kiến cảnh kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thì còn gì ngậm ngùi hơn, đau xót hơn.
- Bên cạnh đó, còn có câu hát ru gắn liền một giai thoại bi thương mà tôi chắc rằng nhiều người còn nhớ, đó là: “Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu đời đắng cay”. Giai thoại lịch sử ấy kể về người phụ nữ hồng nhan bạc phận tên là Lê Thị Răm, tức bà Phi Yến, là thứ phi của vua Gia Long – Nguyễn Ánh. Năm 1783, để tránh sự truy đuổi của anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã tháo chạy ra Côn Đảo, thậm chí ông còn quyết định đưa hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) đi cùng đức cha Bá Đa Lộc sang Pháp để cầu viện sau khi bại trận nhiều lần. Bà Phi Yến thấy xót cho con mình nên đã ngỏ lời khuyên ngăn Nguyễn Ánh đừng làm việc ấy. Nhưng Nguyễn Ánh chẳng những không nghe bà mà còn nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh truyền lệnh giam cầm bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng. Ngay sau khi giam cầm thứ phi, Nguyễn Ánh nghe được tin quân Tây Sơn sắp đến Côn Đảo, ông mang theo hoàng tử Cải rồi cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền tiếp tục chạy trốn. Lúc bấy giờ, hoàng tử khóc lóc đòi mẹ, và vì sợ tiếng khóc ấy khiến quân Tây Sơn phát hiện, nên Nguyễn Ánh đã ném con mình xuống biển. Cái chết thương tâm của hoàng tử Cải và sự đau đớn tột cùng của người mẹ tên Răm là sự giải thích cho nguồn gốc, ý nghĩa của câu ca dao và cũng là câu hát được nói đến trên đây.
- Chúng ta không biết Đức Mẹ đã hát ru Đức Giêsu thế nào nhưng chắc rằng, tình mẫu tử thiêng liêng thì cho dù ở bất cứ nơi đâu và từ xưa đến nay vẫn là như thế. Họ hy sinh cho con đến hao mòn thân xác và chăm lo cho con hơn cả bản thân mình. Chính vì lẽ đó, chúng ta mới phần nào hiểu được nỗi quặn đau của những bà mẹ khi mất đi những đứa con của mình. Dẫu chỉ là giai thoại, nhưng chắc chắn người xưa cũng mượn hình ảnh của bà Phi Yến để nói lên nỗi đau tột cùng của tình mẫu tử. Còn hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm sự khổ đau của Đức Maria đứng dưới chân thập giá, nhìn con yêu chết dần trong tủi nhục, còn trái tim của Mẹ thì se thắt lại, tưởng chừng như ngộp thở. Thế nhưng, Mẹ vẫn can đảm đứng ở đó, không gào thét hay ủy mị. Dáng đứng ấy trở thành điểm tựa đức tin cho đoàn con cái của Mẹ mai này. Thật vậy, biết bao người đã trông lên Mẹ và rồi hiên ngang chấp nhận cảnh đầu rơi máu chảy để trung thành theo Chúa đến cùng. Là những Kitô hữu, ngày hôm nay chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào gương trung kiên của Đức Maria để luôn biết thiết tha với cõi phúc chân thật và trung tín trong ơn gọi của mình cho dù phải đương đầu với những nghịch cảnh, gian lao.
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250