21/09/2021 -

Chuyên đề

790
 
1. Chuyện chúng mình: Cuốn phim cuộc đời của cha Antonio Salinaro, từ người nghiện ma túy đến tu sĩ Phanxicô
“Từ màu đen đến màu nâu”, đó là tựa đề của bộ phim được đạo diễn Pino Lenti thực hiện, thuật lại cuộc đời của cha Antonio Salinaro, từ một thủy thủ, một người nghiện ma túy trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô. Bộ phim sẽ được trình chiếu trong năm 2021.
Cha Antonio sinh năm 1969, hiện là cha phó giáo xứ thánh Martino của giáo phận Vigevano. Cách đây vài năm, khi còn là cha sở ở San Pasquale Baylon, một trong những giáo xứ trung tâm của Taranto, cha đã kể lại cuộc đời của mình khi là một thủy thủ trẻ, sau đó là một người nghiện ma túy và trở thành một cha xứ. Cha nói: “Tôi là một ví dụ sống động rằng sự sống lại không phải là vào ngày sau hết, bởi vì bạn cũng có thể sống lại trong cuộc sống thực tại. Nó xảy ra khi bạn thoát ra khỏi tình cảnh của sự chết và nói: ‘Tôi đã làm được điều đó và tôi không đơn độc. Có một Đấng nào đó đã giúp tôi, Thiên Chúa hiện hữu.’” "Nếu người ta nói với tôi rằng Thiên Chúa là một điều hư cấu, tôi sẽ không bao giờ tin điều đó, bởi vì tôi đã có một kinh nghiệm sống động và thực sự."
Một bước xuống địa ngục
Bây giờ không còn là những ngày tháng khi cha còn là một cậu bé mơ về một tương lai trong Hải quân. Nó cũng không còn là những năm tháng ngây ngô của cơn say đầu tiên, với những điếu cần sa, và lần kiểm tra nước tiểu đã khiến Antonio bị lực lượng vũ trang sa thải sớm. Khi đó, trên tàu, những điếu cần sa được chuyền tay nhau. Antonio đã bắt đầu như thế, một phần để giải trí, một phần vì những người khác đang làm như thế. Khi bị kiểm tra nước tiểu, anh thậm chí không tưởng tượng rằng nó có thể cho ra kết quả là cái gì nữa. Nhưng thay vào đó… anh bị sa thải khỏi hải quân, đã mất một công việc yêu thích và cảm thấy như một sự thất bại.
Sau khi rời khỏi Hải quân, trong một thời gian dài chàng trai trẻ Antonio không có việc làm, không mục đích và sống vô nghĩa. Vì khó tìm được công việc, Antonio đã mở một cửa hàng văn phòng phẩm nhỏ. Anh không thiếu tiền, không thiếu những buổi đi chơi, không thiếu phụ nữ và bạn bè xấu. Và rồi bắt đầu từ việc hút cần sa, dần dần Antonio sử dụng ma túy. Một bước ngắn. Và đầy kịch tính. Anh bắt đầu bước xuống địa ngục, với những lời nói dối và bỏ bê bản thân, những đêm đen đến mức không nhớ đường về, những cuộc kiếm tiền, những cái tát... Dù bà Maria Grazia, mẹ của Antonio không muốn nhớ đến những điều này nhưng cha Antonio lại nhớ chúng rất rõ. Chúng vẫn là một lời cảnh báo liên tục. Cha Antonio nói: “Khi bạn giơ tay tấn công một người mẹ vì bạn cần tiền cho liều ma túy hàng ngày của mình, bạn đã đi đến bậc thang sâu nhất của sự sa đọa.”
Bước ngoặt
Và rồi, vào một buổi chiều, hai kẻ buôn bán ma túy bước vào cửa hàng, cửa đóng sập, một trận mưa đòn đổ xuống trên Antonio. Cha Antonio kể: “Tôi sợ chết và thậm chí không biết tại sao, vì ai. Tôi không biết lý do bị đánh, tôi không biết họ quy cho tôi tội lỗi gì. Tuy nhiên, điều đó đã mở mắt tôi, khiến tôi nhận thức được cuộc sống tồi tệ mà tôi đang sống, nhận thức rằng ma túy đã hủy hoại tôi. Tôi dừng lại và xin mẹ tôi giúp đỡ.”
Mẹ của cha Antonio chia sẻ: “Tôi không mong đợi điều gì khác. Tôi đã cùng với những người bạn đi tìm con hàng đêm, ở những nơi tăm tối nhất, để xem điều gì đã xảy ra với con tôi. Tôi cảm thấy có trách nhiệm nặng nề đối với con.” Bà không muốn mất đi người con trai và cũng là tình yêu lớn nhất đời bà. Bà nói tiếp: “Tôi không muốn bất kỳ bà mẹ nào phải trải qua những gì tôi đã trải qua. Ngay cả khi hôm nay nỗi đau đó được khép lại trong ngăn kéo. Tôi nghĩ về ngày hôm nay và tương lai. Tôi nghĩ về người đàn ông mà Antonio là của ngày hôm nay.”
Hành trình hoán cải
Cha Antonio chia sẻ tiếp: “Tôi muốn thoát khỏi ma túy bằng mọi giá và tôi muốn làm điều đó bằng chính sức lực của mình. Tôi đã nhờ mẹ giúp đỡ trong những lúc khó khăn nhất, khi tôi không ngủ, khi tôi nôn mửa, khi tôi bị ảo giác. Tôi biết mình có nghị lực để nói không cách dứt khoát với ma túy.”
Sau đó Antonio quay trở lại với công việc buôn bán nhỏ của mình. Nhưng với một sự trống rỗng trong tâm hồn. Cha thú nhận: “Khi bạn ngừng sử dụng ma túy, bạn rơi vào trầm cảm. Cũng bởi vì bạn cần phải tránh xa tất cả những bối cảnh đã làm cho cuộc sống của bạn sống động cho đến thời điểm đó. Ngày sống của tôi là ở nhà-làm việc-ở nhà. Động lực của tôi là bản nhạc Lễ cầu hồn của Mozart. Tôi đã đeo tai nghe trên đầu suốt cả ngày. Tôi nghe và đọc, nhưng cuộc sống của tôi đã trở nên phẳng lặng.”
Cho đến một buổi tối, đó là tháng 1 năm 1992, Antonio cảm thấy cần phải chia sẻ với ai đó. Khi làm xong việc, anh đi vào một nhà thờ; điều này có lẽ là do thói quen anh thường đến giáo xứ khi còn nhỏ. Cha Antonio kể: “Tôi tìm một người để nói chuyện, để xưng tội. Và tôi gặp vị linh mục trẻ, lớn hơn tôi vài tuổi, người khiến tôi cảm thấy được chào đón ngay lập tức. Lần xưng tội đó là bước ngoặt đối với tôi. Lần xưng tội đó là sự chiếm đoạt lại bản thân, tìm lại bản thân mình. Từ đó con đường tìm lại đức tin của tôi cũng bắt đầu.” Một cuộc hành trình dài khiến Antonio phải đặt câu hỏi về cuộc sống của mình, mong muốn của mình, ý nghĩa của sự tồn tại.
Hành trình ơn gọi
Anh bắt đầu siêng năng tham dự vào đời sống giáo xứ, tham dự thánh lễ mỗi ngày, linh hoạt cho nhóm giới trẻ. Anh bắt đầu chăm sóc bản thân mình lại. Cha Antonio kể tiếp: “Sau bốn năm, tôi xin vị linh mục giải tội, người đã trở thành cha linh hướng của tôi, cho tôi được trải nghiệm cuộc sống của các tu sĩ Biển Đức. Tôi đã bắt đầu một cuộc hành trình phân định tại đây, nhưng tôi cảm thấy rằng tôi cần một đời sống huynh đệ chứ không phải chỉ im lặng và cầu nguyện.”
Vào tháng 12 năm 1997, Antonio gia nhập dòng Phanxicô. Sau đó, anh tuyên khấn trọng thể vào năm 2005 và được thụ phong linh mục vào năm 2010. 
Trở thành cha phó giáo xứ thánh Martino của giáo phận Vigevano, cha phụ trách các tu sĩ trong giai đoạn đào tạo, rồi làm cha sở từ tháng 9/2016. Trong khu phố, cha là một điểm tham chiếu, những người trẻ tuổi tìm kiếm cha, các cộng đồng gọi cha để cầu nguyện và các cuộc hội thảo.
Cha Antonio kết luận: “Tôi cảm thấy cần chia sẻ kinh nghiệm này với những người khác, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Để tất cả mọi người có thể cảm thấy rằng cuộc sống luôn mở ra những chân trời mới. Chính trong những chân trời này, Thiên Chúa đã tỏ mình ra.” (Famiglia Cristiana 05/01/2021)
Hồng Thủy - Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2021-01/antonio-salinaro-nghien-ma-tuy-tu-si-phanxico.html)
 
2. Những con số biết nói
 
Stt Quốc gia Được chữa khỏi Tử vong Tổng số
1 Nam Phi 2.735.34 86.216 2.884.134
2 Croatia 376.216 8.514 392.248
3 Đan Mạch 346.831 2.630 354.913
4 Việt Nam 464.326 17.305 695.691
       
  Thế giới 206.374.199 4.711.195 229.709.147
Cập nhật lúc 6g30, ngày 21.9.2021

3. Khuôn vàng thước ngọc (Mt 9,9-13, thứ Bai, tuần XXV Thường niên – Kính thánh Mátthêu, Tông đồ)
Khi kết nạp người ta vào Nước Trời, Đức Giêsu đã đặc biệt chiếu cố tới những thành phần bị người đời xem thường trong xã hội. Ở đây, Ngài không ngần ngại kêu gọi một người thu thuế vào nhóm môn đệ thân tín nhất. Thu thuế và tội lỗi thường đi đôi với nhau dưới cái nhìn của người Do Thái xưa, và kể như chúng đồng nghĩa. Để tỏ lòng ưu ái đối với những người thu thuế và tội lỗi, Đức Giêsu còn chấp nhận dùng bữa với họ, một bữa tiệc lớn do chính Mátthêu khoản đãi. Tất nhiên, việc này gây thắc mắc không ít cho nhóm Pharisêu; họ đã chỉ trích Đức Giêsu ra mặt. Ngài trả lời họ bằng một câu được trích từ Sách Thánh, theo kiểu Do Thái. Qua đó, Đức Giêsu ngụ ý cho người ta hiểu Ngài như là một vị lương y tinh thần của nhân loại. Hay đúng hơn Ngài là vị Mêsia phải đến để thuyên chữa tật nguyền của chúng ta, hoặc như người mục tử phải săn sóc những con chiên đau ốm và bị thương. Tiếp theo, Đức Giêsu dùng công thức quen thuộc đối với các Rabbi “Hãy về học cho biết”, để trích lời ngôn sứ Hôsê, có ý trách tinh thần đạo đức duy luật; hình thức thì nghiêm nhặt mà tâm tình nhân ái bên trong lại không có.
Tin Mừng của ngày hôm nay chỉ ra rằng, khi kêu gọi Mátthêu bước theo làm môn đệ của mình, Đức Giêsu đã cho thấy sứ mạng của Ngài khi đến trần gian là để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất. Đây là điều mà những người Pharisêu đã không thể hiểu được; bởi vì đối với họ, những người tội lỗi, nhất là những người lỗi luật cách công khai, thì cần phải bị loại trừ. Thật vậy, qua việc những người Biệt phái không chấp nhận sự gần gũi, yêu thương và cảm thông của Đức Giêsu đối với  những kẻ thu thuế cũng như người tội lỗi, chúng ta hiểu được phần nào cách cư xử của những người lãnh đạo trong Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ tự cho mình là công chính để rồi kết án và loại trừ những người mà họ cho là tội lỗi. Trong khi đó, Đức Giêsu lại cho thấy điều ngược lại, sứ mạng của Ngài, và cả sứ mạng mà Giáo hội sau này có bổn phận phải tiếp nối, đó là tìm kiếm và chữa lành những con người đau khổ, tội lỗi và bị mọi người xa lánh.
Như vậy, khi công khai xác nhận sứ mạng của mình là đến trần gian để kêu gọi những người tội lỗi, Đức Giêsu đã gieo vào trong tâm hồn mỗi người chúng ta niềm hy vọng và cậy trông; bởi vì, trước mặt Thiên Chúa, không ai trong chúng ta dám tự cho mình là người công chính và không cần đến tình thương tha thứ của Ngài. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang đã chứng minh cho chúng ta điều đó. Thật thế, khi mà mọi người cố tìm cách buộc Đức Giêsu phải kết án người phụ nữ ấy, thì Ngài đã im lặng. Mặc dù vậy, trước sự thúc ép của đám đông, Ngài đã nói với họ rằng: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá ném người này trước đi”. Tin Mừng còn cho biết thêm, không ai dám nhặt đá ném người phụ nữ, trái lại họ bắt đầu rút lui và những người rút lui trước hết lại là những người lớn tuổi nhất. Điều đó cho chúng ta thấy, càng lớn tuổi, tội của chúng ta càng dày, càng cao hơn. Bởi thế, nếu Đức Giêsu đến là để kêu gọi những người tội lỗi, thì điều đó phải làm cho chúng ta vững lòng cậy trông, bởi mình vẫn còn cơ hội để nhận được sự thứ tha nếu biết thực tâm hoán cải.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho con người và tha thứ mãi mãi, nhưng không phải để cho con người xem thường tình thương của Ngài và càng không phải để con người tiếp tục lún sâu trong tội lỗi, song là để cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời. Đức Giêsu tha thứ cho ông Giakêu là để ông có cơ hội hoán cải: “Lạy Thầy, nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn và tôi xin bán nửa phần gia tài của tôi để bố thí cho người nghèo”. Hay như Phaolô, ông được tha thứ để trở thành tông đồ nhiệt thành phục vụ Hội Thánh. Một cách đặc biệt, phụng vụ chư thánh hôm nay cho chúng ta cơ hội để nhìn lại cuộc đời cũng như ơn gọi của thánh Mátthêu. Dẫu luôn bị những người Do Thái coi khinh vì là kẻ tội lỗi, nhưng ngài đã được Đức Giêsu gọi để trở thành môn đệ trung tín và sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người.
Như vậy, qua việc mừng kính thánh Mátthêu hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta cũng hãy biết loại bỏ cái nhìn phê phán và loại trừ những anh chị em còn đang sống trong u mê lầm lạc; đồng thời, Ngài cũng nhắc nhở chúng ta là hãy biết ý thức thân phận tội lỗi của mình và quyết tâm hoán cải để trở về bên Chúa, vì Ngài là Cha của lòng xót thương.
Lạy Chúa, việc thánh Mátthêu được chọn gọi làm Tông đồ đã khiến cho những người đương thời hết sức ngõ ngàng, nhưng thực sự lại khơi lên nơi chúng con niềm hy vọng lớn lao. Thánh nhân đã dành phần đời còn lại của mình để đáp trả tình thương của Chúa cách xứng hợp và hoàn hảo. Xin cho chúng con cũng biết noi theo gương thánh Mátthêu để lại mà can đảm dứt bỏ những đam mê của cải vật chất và tận trung đáp đền tình Chúa thương yêu. Xin cho chúng con luôn biết nhận ra thân phận yếu hèn của mình, để đừng bao giờ kết án hay khinh chê người khác. Và, xin rộng ban cho chúng con một quả tim nhân ái, để bao dung và rộng lòng thứ tha cho hết thảy anh chị em của mình.
 
4. Lời bàn
   - Các kinh sư và những người Pharisiêu rất quan tâm đến việc giữ gìn sự thánh thiện riêng hơn là giúp đỡ người khác về vấn đề tội lỗi. Họ giống các bác sĩ từ chối không chịu thăm viếng kẻ đau yếu vì sợ bị nhiễm trùng, lây bệnh. Họ ghê tởm và tránh người tội lỗi, họ không muốn liên hệ gì với những người như thế. Luật lệ của họ chủ yếu là ích kỷ, chỉ lo cứu linh hồn họ hơn là cứu linh hồn người khác, nhưng họ đã quên rằng đó là con đường chắc chắn nhất để đánh mất chính linh hồn mình. Đó có thể được coi là những thứ bệnh kinh niên của họ; thế nhưng, đời sống đức tin của chúng ta ngày nay liệu rằng có khá hơn họ hay không? Không ai dám bảo đảm mình ngon lành hơn họ. Thật vậy, dẫu là Kitô hữu, chúng ta vẫn cư xử rất dè chừng với những người từng phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng nào đó. Chúng ta dễ dàng quan sát họ từ xa rồi bình phẩm, chê bai và thậm chí là kết án chứ chẳng mấy khi chúng ta tìm cách để nâng đỡ những người đã trót dại lỡ lầm. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Chúa.
- Các Kinh sư và người Pharisêu hoàn toàn không ngờ vực gì đối với lối sống của Đức Giêsu. Có chăng, họ chỉ là bỡ ngỡ trước những việc của Ngài đã làm. Đức Giêsu trả lời họ bằng cách đưa ra câu ngạn ngữ quen thuộc lúc bấy giờ: “Chỗ của thầy thuốc là ở bên cạnh các bệnh nhân”. Tiếp đến, Đức Giêsu trích dẫn một câu nói của ngôn sứ Hôsê khi nói về lòng nhân từ, hay sự tốt bụng có giá trị hơn những lễ vật hiến tế. Chúng ta nên nhớ rằng, khi thánh Mátthêu viết Tin Mừng này, thì đền thờ đã bị phá hủy rồi, và lẽ dĩ nhiên, không còn chuyện dâng tế phẩm trong đền thờ nữa. Trong tình huống đó, hẳn là các người Pharisêu sẽ vận dụng ngay câu nói của ngôn sứ Hôsê để trả treo ngược lại với Đức Giêsu: “Chúng ta làm  gì còn chỗ để dâng hiến lễ?” Nhưng cho dù như thế thì người ta đã quên một thứ rất quan trọng đó là, lòng nhân từ vẫn luôn luôn có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Người ta phải hiểu “lòng nhân từ” theo nghĩa là những “việc lành”, giống như cho kẻ đói ăn, cho kẻ rách rưới ăn mặc, hay thăm viếng những người ốm đau bệnh tật… Tác giả tiếp tục tiếp tục cho thấy câu chuyện được đẩy lên một cao trào mới: Đức Giêsu coi việc giao du với người tội lỗi để làm chứng cho họ biết rằng, Thiên Chúa là Đấng rất mực nhân từ, điều đó còn có giá trị hơn là chuyện đặt ra những nguyên tắc trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Như vậy, một lần nữa Đức Giêsu đi đến kết luận rằng, sứ vụ của Ngài không phải là kêu gọi những người công chính nhưng là những người tội lỗi.
- Ở đây, tác giả còn muốn đưa ra một tấm gương khác nữa: các tín hữu thời những năm 80 của thế kỷ thứ nhất cũng đã từng bị các Kinh sư và người Pharisêu lên án, bởi vì họ đã mở rộng tầm ảnh hưởng bằng việc đón nhận tất cả mọi người vào trong cộng đoàn của mình, không phân biệt người đó là ai. Như thế, các Kitô hữu đã phản ánh đúng như thái độ của Đức Giêsu, hay nói đúng hơn là sứ mạng của Đức Giêsu đến trần gian là nhằm kêu gọi người tội lỗi. Các Kitô hữu không ban phát ơn tha tội của Thiên Chúa từ xa, trái lại họ đồng hành với hết thảy những ai cần đến lòng nhân ái. Đây cũng chính là điều vẫn còn mang tính thời sự cho đời sống đức tin của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay. Một lối sống giả hình thì không thể nào đưa lại sự hiệp thông. Một lối sống giả hình chẳng thể nào mang lại sự chữa lành. Và, theo đuổi lối sống giả hình thì chắc chắn một điều, nó sẽ không bao giờ làm rạng Danh Thiên Chúa được.
- “Tôi cảm thấy cần chia sẻ kinh nghiệm này với những người khác, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Để tất cả mọi người có thể cảm thấy rằng cuộc sống luôn mở ra những chân trời mới. Chính trong những chân trời này, Thiên Chúa đã tỏ mình ra”. Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người luôn là một huyền nhiệm. Cuộc sống luôn phơi bày ra trước mắt chúng ta những ngã rẽ hay những khúc quanh quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải quan sát kĩ lưỡng, đánh giá nghiêm túc và chọn lựa một cách cẩn thận. Tuy nhiên, tương lai trước mặt bao giờ cũng ẩn chứa những mối hoài nghi và thường gợi lên những thách thức khiến chúng ta nhiều khi cảm thấy bất an với chọn lựa của mình. Cuộc đời của cha Antonio dường như rất đúng với những điều chúng ta vừa nói. Thật vậy, trước khi trở thành một tu sĩ dòng Phanxicô, cuộc đời của cha ví tựa như một con tàu đang vươn mình ra biển lớn, vẫy vùng giữa trùng dương sóng vỗ và khoan khoái đắm mình trong chốn mênh mông bao la của đại dương. Thế nhưng, con tàu ấy bỗng dưng chết máy giữa chừng mà không có bất kỳ một dấu hiệu nào cho thấy nó đang trục trặc. Nhiều người trong chúng ta cũng đã không ít lần rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế. Nó khiến ta hoang mang, mất phương hướng, dần tuyệt vọng và cuối cùng là phó mặc cho dòng đời xô đẩy. Cuộc sống sẽ trở nên ngột ngạt khi không có gì đó để làm, chẳng có mục tiêu để phấn đấu và tệ hại nhất là cảm thấy cuộc đời này hoàn toàn vô nghĩa. Đó có thể được coi là một thời gian đen tối trong cuộc đời của cha Antonio và cũng là của những ai đồng cảnh ngộ.
- May thay, đúng vào lúc tưởng chừng như cánh cửa cuộc đời đóng sầm trước mắt thì Ánh Sáng của Chúa kịp lóe lên và soi đường cho những tâm hồn lầm lạc. Vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay, cũng nhờ thứ Ánh Sáng ấy soi chiếu mà thoát được cảnh bức bí trong cuộc sống giống như vậy. Thật khó kiếm được chút bình an khi mà những người đồng chủng khinh bỉ ra mặt. Khó sống biết chừng nào khi mà đi đâu người ta cũng chỉ trỏ như thể mình là tên ăn cắp. Ngột ngạt biết nhường bao khi mà những mối tương giao xưa nay với Do Thái giáo bị tuyệt giao một cách không thương tiếc. Ấy thế mà vào một ngày đẹp trời, ông được Đức Giêsu thân chinh đến thăm và lôi kéo ông trở thành người môn đệ. Có thể nhiều người đương thời sẽ không quên tội của ông, nhưng biết bao thế hệ hậu bối sẽ mang ơn bởi vì ông đã quyết định dứt bỏ mọi thứ để trở thành một sứ giả Tin Mừng. Trong một chừng mực nào đó, cuộc hoán cải ngoạn mục của cha Antonio cũng giúp chúng ta thêm tin rằng, Thiên Chúa luôn dẫn dắt con cái Ngài theo những lối mở mà chẳng ai ngờ tới. Câu chuyện về cha Antonio có nhiều nét tương đồng với cuộc đời của hai vị thánh lừng danh trong Giáo Hội đó là thánh nữ Mônica và thánh Augustinô. Điều đó cũng chỉ ra rằng, đôi khi chúng ta không biết mình sai lầm, nhưng Chúa sẽ dùng những trung gian để giúp chúng ta nhận ra chân lý. Chớ gì mỗi người trong chúng ta luôn biết thực tâm hoán cải và nhiệt thành thực thi sứ vụ của người môn đệ ngay giữa lòng thế giới hôm nay.
 
Viết Cường, O.P. 
114.864864865135.135135135250