16/09/2011 -

Chứng từ

2084

 


 


Như Phải Dao Sắc Thâu Qua Lòng Vậy


 


Nhắc đến tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo hay Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta hình dung ra một Đức Maria với gương mặt u sầu và trái tim bị đâu thâu, có khi là bởi một, có khi là cả 7 lưỡi gươm.


Căn nguyên của những hình ảnh ấy chính là lời sấm của cụ Simêon trong bài Tin Mừng mà phụng vụ cho chúng ta chọn đọc hôm nay (Lc 2,33-35).


Những lời sấm của cụ Simêon về hài nhi Giêsu đầy tính tương phản.


Ông mới ca tụng sự xuất hiện của Đấng Mêsia như là vinh quang và ánh sáng thì ở đây ông lại nói về con trẻ sẽ nên như dấu chỉ, như căn cớ cho người ta chống báng.


Ông vừa chúc lành cho cha mẹ hài nhi xong thì lại nói với người mẹ rằng : một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà.


Ngày lễ hôm nay đã từng mang tên là kính nhớ cuộc đồng khổ nạn của Đức Maria (Compassio Beatae Mariae Virginis).


Tử đạo của Đức Mẹ hay đồng khổ nạn với Đức Kitô chính là sự đồng lao cộng khổ với Người.


Phép ngắm Bảy sự thương khó Đức Mẹ đều nói về mỗi sự thương khó của Đức Maria rằng: như phải dao sắc thâu qua lòng vậy, trong đó nỗi đớn đau thứ sáu là tột đỉnh: như phải dao sắc thâu qua lòng đứt ruột ra vậy.


Bài đọc 2 trích thư Do-thái (hay Híp-ri) 5,7-9 diễn tả lưỡi gươm đâm thâu chính Ngôi Lời Thiên Chúa một khi chấp nhận làm người để cứu độ chúng ta: khi sống kiếp phàm nhân, dẫu là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã phải rơi lệ, và phải trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục. Lưỡi gươm ấy, có thể nói, đâm thâu vào bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa chịu đau khổ vì con người để cứu độ con người.


Người giảng thuyết cũng mang lấy lưỡi gươm đâm thâu của Ngôi Lời làm người, lưỡi gươm Lời Chúa mà tác giả thư Híp-ri gọi là “gươm hai lưỡi”, lưỡi gươm của chân lý biện biệt rạch ròi nhưng bao dung cứu độ, lưỡi gươm của không chỉ nói với Chúa nhưng còn nói với anh em, không chỉ nói về Chúa mà còn nói về con người.


Anh em Đa Minh mang trên mình tấm áo hai màu đen trắng phân biệt nhưng không để chỉ chọn một màu. Dù đen là u tối nhưng cũng tượng trưng cho nhân đức, dù trắng là sáng trong nhưng cũng có khi mang ý nghĩa của phũ phàng bạc bẽo.


Bài đọc 1 (Gr 20,7-11) là những lời tự sự thổn thức của ngôn sứ Giêrêmia. Ông đã mang thương tích vì thanh gươm Lời Chúa đâm thấu tâm hồn và cuộc đời ngôn sứ : “Lạy Chúa, có lần con tự nhủ : ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.’ Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!”


Chúng ta vừa qua một kỳ Tỉnh hội, có thể nói, như thể dao sắc thâu qua lòng Tỉnh dòng và lòng từng người chúng ta vậy.


Những bàn luận sôi nổi có khi căng thẳng trên các diễn đàn, trong những ngày Tỉnh hội và sau đó nữa.


Có những thổn thức, bức xúc đến ngẹn lời lạc giọng; có những xót xa, buồn tủi đến nức nở rơi lệ.


Đó là dao sắc đâm qua lòng vậy. Dao sắc đâm qua lòng là thương tích nhưng lại mang tính chữa lành, xem ra như giết chết nhưng lại làm hồi sinh. Cái đau đáu ấy giúp ta sống mạnh mẽ hơn, tha thiết hơn, dấn thân hơn cho lý tưởng.


Trong văn thư châu phê Công vụ Tỉnh hội mới đây, BTTQ Bruno Cadoré đã có những đánh giá cao sự dấn thân hiện tại của chúng ta cũng như những thao thức và đường hướng mới của Tỉnh dòng trong những lĩnh vực quan trọng như Đời sống thánh hiến theo Đức Kitô, sứ vụ đào tạo và trí thức, sứ vụ tông đồ, vấn đề quản trị và kinh tế.


Những đánh giá này không mang tính xã giao lịch sự mà là những lời khen tặng chân thành. Nhưng ấy lại là những thách đố cam go mà để xứng với những lời khen tặng ấy, chúng ta phải chịu như gươm sắc thâu qua lòng vậy trong đời sống và sứ vụ của chúng ta.


Như Đức Mẹ, Stabat Mater, vẫn đứng vững để đón nhận thập giá và hướng tới cuộc phục sinh của Con Mình cũng như cuộc hồi sinh của cả nhân loại, xin cho mỗi anh em chúng ta cũng can trường kiên vững khi mang trong ơn gọi giảng thuyết của mình lưỡi gươm sắc đâm thâu lòng vậy.


Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, cầu cho chúng con. Amen.


Vinh Hưng, OP


 

114.864864865135.135135135250