Các Nhóm Mân Côi
Một Ân Sủng Loan Báo Tin Mừng Trong Tầm Tay
LTS: nhân bước vào tháng Mân Côi kính Đức Mẹ, BBT xin đăng lại thư của cha nguyên Bề trên Tổng quyền gửi gia đình Đaminh về việc cổ võ và đọc kinh Mân Côi năm 2010.
Kính gửi tất cả mọi thành viên trong gia đình Đa Minh
Kể từ đầu, trong Dòng Anh em Giảng thuyết của chúng ta, người ta cổ võ Kinh Mân Côi không chỉ như là trường cầu nguyện và sùng kính, nhưng còn như một phương tiện tuyệt vời cho việc giảng thuyết.
Tiếp theo Tông thư Rosarium Virginis Mariae và dịp cử hành Năm Mân Côi (2002-2003), nhiều sáng kiến và hoạt động hấp dẫn đã được thực hiện trong các tỉnh dòng trong toàn Dòng.
Việc phong thánh (ngày 11/11/2009) cho tu sĩ Francisco Coll y Guitart (1812-1875), nhà giảng thuyết và cổ võ Kinh Mân Côi tiêu biểu, người sáp lập ra Dòng “Hermanas Dominicas de la Anunciata”, thôi thúc chúng ta tiếp tục đi trên con đường của người là rao giảng Tin Mừng, dạy giáo lý và giảng thuyết thánh qua việc sùng kính rất mang nét Đa Minh này.
Được gợi hứng từ những sự kiện trong Giáo Hội này, tôi đã bổ nhiệm tu sĩ Louis-Marie Arino Durand làm Tổng Đặc trách Kinh Mân Côi – chúng ta đã không còn chuẩn bị cho chức vụ này cũng như vai trò như thế từ một số năm. Và tôi đã gửi một bức thư tới toàn Dòng để mở ra việc cử hành Năm Mân Côi (2008) cho toàn gia đình Đa Minh. Chúng ta đã làm việc kiên trì trên trang web dành cho việc phổ biến và cổ võ Kinh Mân Côi.
Cũng cần nhấn mạnh đến vai trò của những vị đặc trách cổ võ trong tỉnh dòng, quốc gia và vùng, hoặc các văn phòng cổ võ chiều kích tông đồ này trong Dòng chúng ta, cộng tác với toàn gia đình Đa Minh.
Chính vì lý do đó, trước tầm quan trọng phải canh tân các huynh đoàn Kinh Mân Côi – vì điều đó đã được làm như tại Pháp – tôi mong muốn mời gọi anh chị em chia sẻ sức mạnh của các Nhóm Mân Côi.
Không làm cho tất cả những gì đã được thực hiện từ những thế kỷ với chúng ta trong việc sùng kính Đức Maria và việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, các Nhóm được coi như một chồi non truyền giáo mới làm tôi tràn đầy hi vọng; chúng củng cố việc tông đồ của Dòng Anh em Giảng thuyết – và tại một nơi nào đó trên thế giới, tôi biết là đã diễn ra như thế rồi.
Người anh em của chúng ta, tu sĩ Joseph Eyquem đã sáng lập nên chúng tại Toulouse cùng với một người tín hữu giáo dân là bà Colette Couvreur vào năm 1955-1958, để trả lời cho thách đố truyền giáo. Ngay sau Công đồng Vatican II, các Nhóm Mân Côi đã thành công nhanh chóng.
Từ hơn 20 năm nay, được lan rộng ra khắp toàn lãnh thổ Pháp, các Nhóm Mân Côi là một trong tất cả những phong trào đầu tiên của người tín hữu giáo dân. Chúng nâng lên thành tổ chức quốc tế vào năm 2005. chúng có mặt tại nhiều nước (Ile Maurice, Bờ Biển Ngà, Úc, Haiti...).
Tuy nhiên, ân sủng của Các Nhóm Mân Côi nằm trong sự thận trọng tế nhị, sự giản đơn, sự phát triển qua hành động: ấn bản Pháp ngữ về Các Nhóm Mân Côi đã được dịch sang hơn 15 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, hoặc sang tiếng Malgasy và gần đây là tiếng Ả Rập.
Chính vì lý do đó, tôi giới thiệu cho anh chị em kinh nghiệm này để tất cả mọi người hiểu biết, suy nghĩ tới kinh nghiệm quý báu này trong bối cảnh văn hoá và giáo hội, dâng nó vào bàn tay của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của Đức Maria, Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, đem ra thực hành ở khắp những nơi có các thành viên của Dòng tụ họp và hiện diện.
Các Nhóm Mân Côi
Các Nhóm Mân Côi nối kết lời cầu nguyện của cộng đoàn và lời chuyển cầu cùng Đức Maria với việc loan báo Tin Mừng cho những người xung quanh. Các nhóm này rất gần gũi với Dòng qua mục đích này và các phương tiện của chúng. Được cắm rễ vào trong lời cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, hàng ngày, ngày tháng, các thành viên trong các nhóm này sống trong sự hiệp thông thiêng liêng.
Việc chiêm ngắm các mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi tạo nên sự hiệp nhất của những người cầu nguyện với Chúa Kitô trong một mầu nhiệm đức tin duy nhất. Mỗi một thành viên của Các Nhóm Mân Côi kết hợp đời sống mình với đời sống của Chúa Kitô. Người đó cũng được sai đi thi hành sứ vụ truyền giáo để làm chứng về Đức Kitô phục sinh.
Sứ vụ truyền giáo này cốt ở việc loan báo Tin Mừng cho những người thân cận. Trước Công đồng Vatican II, cha Eyquem đã thấy được tầm quan trọng mới mẻ này của các tín hữu giáo dân trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Chính vì thế, Các Nhóm Mân Côi không họp nhau trong các nhà thờ, nhưng tại tư gia, tại nhà riêng lúc ở nhà này lúc ở nhà khác.
“Đó là một ý tưởng rất quý giá đối với Các Nhóm Mân Côi: nhà của một người Kitô hữu là nhà cầu nguyện. Chính vì lý do đó, việc cầu nguyện chung với nhau mỗi tháng một lần có thể tìm thấy ở nhà mình môi trường cầu nguyện bình thường. Nhưng nếu chúng ta có mặt tất cả mọi nơi sống động của Thiên Chúa, thì ngôi nhà mà chúng ta đang sinh sống lâu dài, và nếu chúng ta là giáo dân, sẽ trở thành chính ngôi nhà của Thiên Chúa.
Đó là nơi Thiên Chúa ban ân sủng. Đó là nơi Thiên Chúa nói với trái tim con người. Đó là nơi, qua cuộc sống thấm nhuần tinh thần tin mừng, các tôi tớ đích thực của Thiên Chúa tự bày tỏ mình. Đó là nơi mà chúng ta phải tiến bước trước sự hiện diện của Thiên Chúa”. (cha J. Eyquem, Le Courrier des Responsables, 1966).
Lời cầu nguyện của Các Nhóm Mân Côi được đánh dấu qua câu sau: “Lạy Mẹ Maria, xin ngự đến nhà con”. Các Nhóm Mân Côi cũng giúp vào việc xây dựng cộng đoàn Kitô hữu trong những xóm làng và khu phố. Các Nhóm Mân Côi có thể mời những người không thường xuyên hiện diện giữa chúng ta. Mỗi tháng, Nhóm Mân Côi họp nhau một lần khi thì ở nhà người này khi thì ở nhà người khác.
Nhóm Mân Côi sử dụng những công cụ đặc trưng cho việc cầu nguyện chung của họ, và để giúp các thành viên của mình trong việc cầu nguyện riêng hàng ngày (Lịch sinh hoạt của Nhóm) nhằm sống “Tin Mừng với Đức Maria”.
Nét đặc trưng:
Các Nhóm Mân Côi không giống như một hội đoàn truyền thống. Các Nhóm không họp mặt để đọc trọn một chuỗi Kinh Mân Côi chung với nhau hàng tháng. Nhưng Các Nhóm Mân Côi thực hiện hai thời khắc cầu nguyện.
Thời khắc thứ nhất là thời gian gặp nhau hàng tháng lúc nhà người này lúc nhà người khác; thời khắc thứ hai là thời gian cầu nguyện riêng của mỗi một người. Mỗi người được yêu cầu đọc một trong hai mươi mầu nhiệm trong Kinh Mân Côi. Mỗi thành viên ở trong mối liên hệ với các thành viên khác, chiêm ngắm Chúa với Mẹ Maria. Mỗi thành viên giống như một trong những yếu tố của chuỗi Mân Côi tạo nên những chục kinh “sống”. Về việc cầu nguyện hàng tháng tại tư gia, việc cầu nguyện này hơi giống như một buổi cử hành phụng vụ Lời Chúa: cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, khẩn cầu cùng Đức Maria, công bố Lời Chúa, suy niệm về mầu nhiệm, suy từ về cuộc sống của mình, ngợi khen và cầu xin (Kinh Mân Côi đóng vai trò này), được sai đi truyền giáo. Thời gian này được coi như là một nền “phụng tự trong tầm tay” mà tất cả mọi người đều làm được.
Các Nhóm Mân Côi nằm ở trung tâm cuộc sống của con người. Chúng mang những vất vả nặng nề và những niềm vui của gia đình, của người thân, và đón tiếp mọi người trong một tình bác ái đầy sáng tạo, thân thiện với tất cả những gì xảy ra cho những người gần gũi ở xung quanh mình. “Trong Nhóm Mân Côi, sự sùng kính Đức Maria đích thực phải được theo đuổi không chỉ bằng một mối lưu tâm sống động đối với người nghèo khổ nhất, nhưng còn mong muốn xây dựng một xã hội nhân bản hơn, huynh đệ hơn, và qua sức mạnh của những sự việc ưu tiên hơn là phải hướng về Thiên Chúa là Đấng mà tất cả mọi Tình yêu đều xuất phát từ đó.” (Tu sĩ Joseph Eyquem, L’ Idéal des Equipes du Rosaire, Conférence à Toulouse, 1990).
Các Nhóm Mân Côi cho phép thực hiện những mẫu truyền giáo khác nhau, hoặc tại những nơi đã được rao giảng Tin Mừng cách đầy nhiều thế kỷ, hoặc sứ vụ đến với muôn dân (Ad gentes), lời hiệu triệu không ngừng được vang lên. Đó là một dụng cụ rất đáng giá mà chúng ta có thể phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội khởi đi từ những cộng đoàn Đa Minh của chúng ta.
Các vấn đề:
1/ Việc canh tân sứ vụ giảng thuyết trong một bối cảnh của việc “tân phúc âm hoá”: như chúng ta đã công bố điều đó từ hơn hai mươi năm nay, các giáo phái “không xâm nhập” vào những nơi có Các Nhóm Mân Côi.
2/ Việc cộng tác sinh hoa kết quả với người tín hữu giáo dân dấn thân tham gia vào các giáo phận của họ: trong Các Nhóm Mân Côi, người giáo dân có đầy đủ vị trí và vai trò của mình. Những vị tuyên uý hoặc những người đồng hành được chọn lựa với sự đồng ý của giám mục sở tại, đều liên kết với anh chị em giáo dân.
3/ Tính sống động truyền giáo của lời cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và lối sống truyền giáo của toàn Dòng. Các Nhóm Mân Côi là một sự hiện diện Kitô giáo tại những nơi mà Giáo Hội ít có cơ hội hiện diện vì nhiều lý do khác nhau: tầm vóc của các giáo xứ, những vùng có ít tín hữu, những khu đô thị mới, những thôn làng nơi hẻo lánh, những nền văn hoá khác, những nơi nghèo khổ... Các Nhóm Mân Côi có mặt đặt chân ở những “biên cương” của Giáo Hội một cách tự nhiên.
4/ Gần gũi với những người nghèo khổ nhất, những người đang gặp khổ đau, trẻ em và thanh niên nam nữ mà các thành viên trong Các Nhóm Mân Côi có thể gặp gỡ họ hằng ngày tại nhà mình và bên ngoài nhà mình.
5/ Có rất nhiều vấn đề nữa và luôn luôn mở ra: kinh nghiệm của Các Nhóm Mân Côi lớn lên mỗi ngày trong những bối cảnh rất khác nhau tại nước Pháp cũng như ngoài nước Pháp.
Hãy đón tiếp, đồng hành, làm cho Các Nhóm Mân Côi lớn lên!
Một đan viện của các nữ đan sĩ có thể là mái ấm cầu nguyện và là nơi đón tiếp để khởi đầu hoặc đồng hành với một Nhóm Mân Côi.
Các Nhóm Mân Côi có thể tìm được nơi đào tạo, nơi đồng hành, nơi họp mặt cử hành phụng vụ bên cạnh tu viện của anh em Đa Minh.
Một cộng đoàn các nữ tu hoạt động tông đồ hoặc một huynh đoàn giáo dân Đa Minh có thể tự thực hiện tại địa phương mình hoặc thậm chí góp phần vào việc thành lập hoặc đồng hành với Các Nhóm Mân Côi mới.
Cuối cùng, mỗi một thành viên trong Dòng đều được “tin mừng của Các Nhóm Mân Côi” mời gọi thực hiện việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi và loan báo Tin Mừng cho những người gần gũi với mình bằng một tinh thần mới và một tình mến đầy sáng tạo!
Tu sĩ Joseph Eyquem, người anh em của chúng ta, đã lìa xa chúng ta vào ngày 19/11/1990. Người tiền nhiệm của tôi, tu sĩ Damian Byrne đã từng bày tỏ mối thương tiếc và biết ơn của mình tới tỉnh dòng Toulouse. Ngày hôm nay khi phó thác niềm hy vọng này cho Đức Mẹ Mân Côi, cầu xin tất cả điều đó đâm nụ kết bông cho sứ vụ truyền giáo! Trong ánh sáng của việc kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng, sự có mặt của Các Nhóm Mân Côi chứng minh rằng toàn Dòng chúng ta mang bản chất truyền giáo và có hàng nghìn cách truyền giáo!
Người anh em trong thánh Đa Minh,
Lễ nhớ Đức Mẹ Lộ Đức
Rôma, 11/02/2010
Tu sĩ Carlos A. Azpiros Costa, O.P.
Tổng quyền
FX. Trần Kim Ngọc, OP. chuyển sang Việt ngữ
từ Lettre du Fr. Carlos A. Azpiroz Costa, O.P. Maître de l'Ordre, Évangélisation de Proximité : une grâce, les Équipes du Rosaire;
(nguồn: kinhmancoi.net)
Ghi chú: Vào năm 1967, Các Nhóm Mân Côi được Hội đồng Giám mục Pháp nhìn nhận. Việc công nhận này xảy ra nhờ sự can thiệp của Uỷ ban Tông đồ Giáo dân; điều liên quan đến căn tính truyền giáo của Các Nhóm, và với vai trò thích hợp cho người giáo dân, bởi vì Các Nhóm không chỉ là những nhóm linh đạo. Vào tháng 05/1971, Cuộc hành hương Rôma của Các Nhóm Mân Côi: sự kiện này đánh dấu chiều kích hoàn cầu của Các Nhóm Mân Côi. Nhân dịp này, Đức giáo hoàng Phaolô VI phác hoạ một bức chân dung khi tuyên bố như sau: “Những nhóm nhỏ cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, huynh đệ và thân hữu, anh chị em khuyến khích nhau cùng ưu tư và cùng ước mong với một sự giản đơn mang tính chất Tin Mừng chính thức. Và anh chị em cùng nhau tìm kiếm trong một bầu khí cầu nguyện với Đức Maria để hiểu sâu hoặc tìm lại đức tin, để khám phá chương trình cứu độ kỳ diệu của Thiên Chúa chúng ta, và chắc chắn là khám phá ra điều Thiên Chúa muốn anh chị em làm. Kinh Mân Côi cũng trở thành một lương thực cần thiết nuôi dưỡng đức tin cho anh chị em.
Vì vậy, khi nắm lấy Kinh Mân Côi như phương tiện cầu nguyện bằng sự hiệp nhất huynh đệ và bằng hoạt động tông đồ, các Nhóm Mân Côi có mục đích là tạo nên khắp nơi những cộng đoàn cầu nguyện nhỏ quây quần quanh Đức Trinh Nữ Maria và mời gọi các thành viên trong nhóm cùng suy niệm Tin Mừng, sống Tin Mừng và công bố Tin Mừng.” (Cf. AOP Anno 79, Fasc. II, Aprilis-Iunius 1971, pp. 174-175). Trong thư đề ngày 07/11/1972, Bề trên Tổng quyền Aniceto Fernadez đã chính thức công nhận các Nhóm Mân Côi. Ngày 23/05/1984, trong buổi tiếp kiến chung, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố với khách hành hương của các Nhóm Mân Côi tại Rôma: ““Anh chị em thật là vinh dự khi được mời gọi vào một ngày nào đó tham gia vào một phong trào của Giáo Hội vừa mang tính cách sùng kính Đức Maria vừa mang tính cách truyền giáo. Anh chị em hãy tạ ơn Thiên Chúa, và anh chị em hãy mang sự đóng góp của mình vào trong sự hoà điệu hợp pháp của các phong trào tông đồ. Anh chị em hãy có lòng mộ mến nhiệt tình, minh bạch và mang tâm tình của Giáo Hội đối với Đức Maria, và phải luôn ở trong mục đích sống kết hợp mật thiết với Chúa Kitô và gắn kết với sứ điệp Tin Mừng của Chúa, và nhờ thế hoàn thành công việc tông đồ cụ thể trong môi trường và các bổn phận hằng ngày.”
(Jean Paul II, Audiance, 23/05/1984, bản tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia; http://www.vatican.va/holy_father/john_paul_ii/audiences/1984/document/hf_jp-ii_aud_19840523_it.html